Ai Gây Ra Bạo Lực Trong Các Cuộc Biểu Tình? Không Phải Antifa.

0
51

Meg KellyElyse Samuels ngày 22 tháng 6, 2020

Translated from The Washington Post article Who caused the violence at protests? It wasn’t Antifa.

https://www.washingtonpost.com/video/politics/fact-checker/who-caused-violence-at-the-george-floyd-protests-it-wasnt-antifa–the-fact-checker/2020/06/22/c356a1e7-e6c5-4fe3-88a9-697bbabd6fbe_video.html

“Sự tưởng nhớ George Floyd bị hoen ố bởi bạo loạn, bởi những kẻ cướp phá và những người theo chủ nghĩa phi chính phủ. Sự bạo lực và phá hoại được cầm đầu bởi antifa và các nhóm cực đoan cánh tả đã khủng bố, huỷ diệt công việc làm, làm hại các doanh nghiệp và đốt cháy các cơ sở.”

“Tôi không thấy dấu hiệu nào chứng tỏ có đám Da Trắng thượng đẳng trà trộn trong đó. Đây là tổ chức ANTIFA. Dường như lần đầu tiên chúng ta thấy sự hiện diện của tổ chức này là ở vụ Occupy Wall Street. Nó cùng một quan điểm.” @kilmeade

@foxandfriends CHÍNH XÁC!”

  • Trump đã tweet vào ngày 1 tháng 6

“Đất nước chúng ta đang bị kìm kẹp bởi những người theo chủ nghĩa vô chính phủ chuyên nghiệp. Đám đông hung bạo, những kẻ đốt phá, những kẻ cướp, những tội phạm, antifa và những loại khác.”

“Chúng ta có antifa, chúng ta có những kẻ vô chính phủ, chúng ta có bọn khủng bố, chúng ta có bọn cướp phá. Chúng ta có rất nhiều người xấu trong đám đó. Ý tôi là để ý mà coi.”

Vào ngày 30 tháng 5 – năm ngày sau khi George Floyd bị giết và bốn ngày sau khi các cuộc biểu tình bùng nổ khắp tiểu bang Minneapolis – Tổng Thống Trump lần đầu tiên nói rằng mãnh lực antifa đã đứng sau các cuộc bạo động đang lan tràn khắp nước. Ông đã nhắc đi nhắc lại điều này khoảng 20 lần. Các nhà hoạt động trên mạng và các nhân vật nồng cốt phe cánh hữu trên Twitter đã quảng bá thuyết âm mưu này. Các nhân viên thực thi pháp luật cao cấp – gồm Giám Đốc FBI Christopher A. Wray và Bộ Trưởng Tư Pháp William P. Bar – coi bộ cũng xác định như vậy, hùa theo luận điệu của Trump.

Nhóm thực hiện video The Fact Checker đã phỏng vấn các nhân chứng và xem xét các hồ sơ câu lưu, các cáo buộc của liên bang, các báo cáo tình báo, các đối thoại trên mạng, và hàng chục các đoạn phim và hình ảnh về những sự cố bạo lực từ những ngày khởi đầu của các cuộc biểu tình tại Minneapolis để điều tra xem có thực sự là chiến dịch phối hợp bởi antifa đã có trách nhiệm với các bạo động xảy ra không.

Những dữ kiện

Antifa chỉ là một danh từ, không phải là nhóm với cấu trúc về tổ chức hay thủ lãnh nào. Nó là một mạng lưới không có tổng hành dinh của các phần tử tích cực không phối hợp với nhau. Một điểm tương đồng của những người này là chống lại bất cứ vấn đề gì mà họ thấy là có vẻ kỳ thị hay theo chủ nghĩa phát xít. Những năm gần đây, các phần tử antifa đã có mặt bất cứ khi nào có sự tập họp đông đảo của những người tin vào chủ nghĩa Da Trắng Thượng Đẳng.

Và chủ nghĩa người Da Trắng Thượng Đẳng, nghe thì có vẻ ngược đời, được cho là luôn có mặt tại các cuộc biểu tình Black Lives Matter. Đó là lý do gây sự chú ý của lực lượng antifa, thể theo ông Seth G. Jones, giám đốc chương trình các mối đe dọa xuyên quốc gia ở Trung Tâm của các cuộc Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (Center of Strategic and International Studies).

Oren Segal, phó giám đốc của Trung Tâm về Chủ Nghĩa Cực Đoan ở ADL (Anti-Defamation League) đã nhấn mạnh rằng, “Việc nhận diện antifa là một thử thách bởi vì nó không phải là một nhóm có tổ chức. Căn bản là chúng ta đang cố gắng để xác định một người nào đó có lý tưởng gì.” Antifa được nhận diện bởi những huy hiệu, những lá cờ, những tranh phun sơn trên tường ngoài đường và trang phục màu đen, Segal giải thích. Và nhiều khi, có thể được nhận diện họ khi thấy một “nhóm mặc đồ đen” di chuyển cùng nhau. Nhưng Segal cũng rào đón rằng nhận diện antifa bằng những điểm trên “không phải là hoàn hảo.”

Ông Jones xem xét những người biểu tình trong hơn 140 thành phố và nói chuyện với các quan chức Mỹ của các lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố. Ông nói, hầu hết các cuộc bạo động là gây ra bởi “bọn côn đồ ở địa phương, đôi khi băng đảng, đôi khi những cá nhân riêng rẽ thừa nước đục thả câu.”

“Có những báo cáo về antifa tại các cuộc biểu tình khác nhau, nhưng họ chỉ đứng ngoài, không tham gia, chắc chắn không hề có tính cách bạo động,” ông kết luận.

Nhà chức trách đã bắt giữ hơn 14,000 người trong 49 thành phố toàn quốc từ ngày 27 tháng 5, theo tổng kết của tờ Washington Post qua những con số thu thập từ các sở cảnh sát cũng như con số từ báo cáo của các phương tiện truyền thông khác. Hàng ngàn người bị bắt vì những tội nhỏ, như vi phạm lệnh giới nghiêm hay không chịu giải tán.

Độ khoảng 80 cáo buộc liên bang, bao gồm giết người và ném bom xăng vào xe cảnh sát, cho thấy không hề có bằng chứng nào dính đến antifa. Bốn người dính líu đến tổ chức “boogaloo”, một tổ chức cực đoan cánh phải, là 4 người bị kết tội nặng nhất. Khi được hỏi là có ai dính dáng đến antifa bị bắt không, phát ngôn viên của sở tư pháp trả lời qua điện thư rằng, “Chúng tôi không thu thập dữ kiện dựa trên cảm hứng của đương sự mà chỉ dựa vào những hành động bất hợp pháp của đương sự dựa theo luật lệ hiện hành mà thôi.”

Một thông cáo tình báo của FBI, Sở An Ninh Nội Địa và Trung Tâm Chống Khủng Bố Quốc Gia mà hãng thông tấn ABC News nhận được đã cảnh báo rằng “những người theo chủ nghĩa vô chính phủ cực đoan sẽ tiếp tục là mối đe dọa lớn nhằm tấn công cảnh sát.” Bản thông cáo được gửi đến các sở cảnh sát toàn quốc, chỉ nhắc tới antifa trong phần chú thích ở cuối trang rằng họ không nằm trong nhóm vô chính phủ nói trên.

Nói đúng hơn, bản thông cáo viết “mối đe dọa lớn nhất về những bạo động gây chết người tiếp tục bắt nguồn từ những tội phạm đơn độc vì có những tư tưởng cực đoan về phân biệt chủng tộc hay sắc tộc và [những kẻ bạo lực gia đình cực đoan] với những ý thức hệ cá biệt,” đặc biệt tập trung vào boogaloo và các nhóm liên quan là những nhóm rất có khả năng “xúi giục bạo động” tại các cuộc biểu tình.

Trong một thông cáo nội bộ của Sở An Ninh Nội Địa ngày 1 tháng 6 mà Reuters đăng “dường như hầu hết những bạo động gây ra bởi những kẻ lợi dụng cơ hội.”

Một bản thông cáo khác cũng từ Sở An Ninh Nội Địa ngày 1 tháng 7 mà nhà báo Greg Sargent của tờ Washington Post đã duyệt qua viết là “những thành phần cực đoan với chủ nghĩa phi chính phủ và chống chính phủ là mối đe dọa lớn với những cuộc tấn công hèn hạ vào cảnh sát.” Trong thông cáo này không thấy nhắc đến tên antifa và trong cụm từ “cực đoan phi chính phủ” dường như không có antifa trong đó.

Tờ báo The Nation cũng tiết lộ một tài liệu khác của FBI cho thấy “không có một tin tình báo nào cho thấy có sự tham dự của antifa” trong cuộc biểu tình hôm 31 tháng 5 tại Washington. (Một người đàn bà bị bắt giữ sau cuộc bạo động ở Portland và tài liệu về nguyên do trích dẫn lời khai của người ở chung nhà là bà ta nói bà là thành viên của antifa. Nhưng các cáo trạng sau đó được huỷ bỏ và bà ta được thả.)

Mặc dù các chứng cứ xác thực về sự dính líu của antifa không nhiều, khi các cuộc biểu tình ngày càng nhiều, các tin đồn về vai trò của antifa trong các cuộc biểu tình vẫn lan truyền trên mạng xã hội. Theo lời ông Segal, “những gì chúng ta thấy ở ADL là những thông tin sai lệch cho là antifa đã tham dự dù rằng không hề có chứng cớ về việc đó.” Ông nói, nỗ lực truyền tin sai lệch này đã “được phối hợp còn sâu rộng hơn việc antifa có mặt ở hiện trường.”

Một tài khoản Twitter nhận là của các phần tử antifa và kêu gọi bạo lực trong các cuộc biểu tình sau này đã bị khám phá ra là được vận hành bởi nhóm Quyền Lực Da Trắng có tên là Identity Evropa. Một cái tweet lan rộng hôm 27 tháng 5, từ tài khoản phổ biến tên QAnon, cho là những người biểu tình được cổ xuý bởi “bọn phản động” để “khởi động cuộc chiến về sắc tộc trước kỳ bầu cử”, biện chứng rằng “antifa & BLM là những tổ chức khủng bố nội địa cần phải bị TIÊU DIỆT.” Những hãng thông tấn bảo thủ và các nhân vật có ảnh hưởng lớn trên Twitter, gồm cả Donald Trump Jr., đã thổi phồng giả thuyết cho rằng antifa liên quan tới các cuộc bạo động.

Ngày 29 tháng 5, antifa đã được nhắc tới gần 300,000 lượt trên Twitter, theo phân tích của Zignal Labs, một công ty chuyên thu thập các dữ liệu về truyền thông. Ngày hôm sau số lượt nhắc tới đã nhảy vọt lên 1.5 triệu. Một phân tích qua Emerson T. Brooking của Atlantic Council’s Digital Forensic Research Lab, về các tài khoản Twitter mà tổng thống theo dõi, thấy rằng 10% những gì Trump đăng lên ngày 30 tháng 5 đã gợi ý là bằng cách này hay cách khác antifa là một tổ chức khủng bố. Hôm đó là lần đầu tiên Trump bắt đầu đổ lỗi cho antifa về sự bạo động trong các cuộc biểu tình.

“Có một nỗ lực với sự phối hợp bởi những phần tử cực đoan cánh phải không những ám chỉ antifa và biểu tình là một, mà còn khiến tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố antifa là một tổ chức khủng bố,” ông Brooking nói. “Chúng ta thấy rõ là có sự phối hợp, về cơ bản, một chuỗi những kiến nghị, một nỗ lực vận động hành lang trên mạng.”

Tới 31 tháng 5, antifa đã được nhắc tới 3.9 triệu lượt trên Twitter, cụm từ “antifa” được tìm kiếm trên mạng cũng nhảy vọt và Trump tweet là ông ta sẽ tuyên bố antifa là tổ chức khủng bố – mặc dù ông ta không có quyền hành làm như thế.

“Những tìm kiếm trên mạng về antifa nhiều tới độ nó vượt cả những tìm kiếm về Black Lives Matter trong thời gian các cuộc biểu tình vẫn còn đang xảy ra,” ông Brooking nói.

Antifa càng được thảo luận trên mạng chừng nào thì những thông tin sai lệch càng phát tán chừng đó. Những đồn thổi rằng các phần tử tích cực của antifa dự tính sẽ di chuyển bằng xe buýt đến những thị trấn nhỏ ở Idaho và Wisconsin khiến cho những nhóm biểu tình kháng ngược và những quân phiệt trang bị súng ống kéo đến các nơi này. Trump viết tweet về một thuyết âm mưu rằng ông Martin Gugino, người biểu tình 75 tuổi bị cảnh sát xô ngã bể đầu có dính líu tới antifa.

Khi toà Bạch Ốc bị chất vấn về bằng chứng cho sự tham gia của antifa, một quan chức cao cấp đã cho Fact Checker biết những phát biểu của những nhân vật như Barr và cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien cho biết họ có chứng cớ. Tuy nhiên, cho tới nay họ vẫn chưa đưa ra được chứng cớ nào.

Bài thử nghiệm Pinocchio

Thực sự rất khó mà kiểm kê được lý tưởng và động lực của mỗi cá nhân trong mỗi cuộc biểu tình. Và vì vậy cho nên, hầu như không thể nói rằng không có bất kỳ ai với lý tưởng của antifa đã tham gia vào những cuộc bạo động.

Nhưng lý tưởng và việc phối hợp những cuộc bạo động có tổ chức là hai điều hoàn toàn khác nhau. Chưa có một bằng chứng cụ thể nào cho thấy có người nhận mình là antifa có những hành động bạo lực trong những cuộc biểu tình khắp nước Mỹ. Tổng thống và chính phủ của ông ta đã đặt trách nhiệm kếch xù lên antifa, mà không chờ xem dữ liệu của các trường hợp giam giữ hay chờ kết quả của cuộc điều tra.

Đây không phải là lần đầu tiên Trump chỉ điểm antifa là một kẻ thù mập mờ truyền kiếp. Nhưng những thông tin sai lệch mà ông ta dựng lên khi tiếp tục cho rằng antifa đã liên quan đã gây ra thêm nhiều hỗn loạn và bạo động trong thời buổi đã đầy nhiễu nhương. Như thường lệ, người nào phát biểu người đó phải đưa ra bằng chứng – và chính phủ Trump đã chưa đưa ra được bằng chứng nào, chỉ quả quyết là họ có bằng chứng.

Trump được cho bốn Pinocchios.

Translated by Minhly Pham.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here