6 lý do vì sao không nên lo ngại về cuộc bầu cử

0
143

Người Thông Dịch Updated: Oct 10

Dịch từ bài viết 6 Reasons Not to Panic About the Election đăng trên Politico

Trump đang đe dọa diễn tiến bầu cử nhưng chúng ta có một thể chế chính trị rất vững vàng.

MICHAEL WALDMAN and WENDY WEISER, ngày 05 tháng 10, 2020

Trong màn tranh luận thiếu kiềm chế tuần vừa qua, Tổng thống Donald Trump kêu gọi phải có những lực lượng giám sát tại các điểm bỏ phiếu nhằm “quan sát thật cẩn thận,” và gợi ý rằng ông có thể không công nhận “kết quả gian lận” đó nếu cử tri bầu qua thư chiếm đa phần. Trước khi cuộc tranh luận diễn ra, ông thậm chí còn từ chối việc đảm bảo một diễn tiến chuyển giao quyền lực yên bình. Thế là lại thêm một chuyện lôi thôi khác trong nhiều chuyện phiền phức vốn đang diễn ra như đàn áp cử tri, can thiệp từ ngoại bang và tác động tiêu cực từ đại dịch lên hệ thống bầu cử. Nhiều người đang lo lắng rằng cuộc bầu cử năm nay có thể sẽ “đánh gục nước Mỹ,” theo như một bài viết được bàn tán rộng rãi gần đây từ tờ The Atlantic. Chuyện sức khỏe của tổng thống cũng không làm sự lo lắng trong dân chúng thuyên giảm đi phần nào.

Công việc hàng ngày của chúng tôi là ban hành các chính sách và điều luật vốn là nền tảng cho các cuộc bầu cử quốc gia. Chúng tôi thường xuyên tìm kiếm các khiếm khuyết trong hệ thống bầu cử và chúng là có thật. Nhưng nếu nói đến khả năng gian lận một cuộc bầu cử ở cấp độ quốc gia thì sự việc không đơn giản như vậy.

Chúng ta cần phải hiểu rằng Trump sẽ không từ bất kỳ thủ đoạn gì để hạ thấp sức mạnh của lá phiếu và kích động hỗn loạn. Bất cứ ai lo lắng cho nền dân chủ của nước ta đều nên cảm thấy phẫn nộ – và sẵn sàng. Thật đáng sợ khi phải nghĩ tới viễn cảnh ngày bầu cử đầy hỗn loạn và thông tin sai lệch, theo sau là những lời tuyên bố thắng cử vô căn cứ và những mưu đồ đánh tráo cử tri. Tuy nhiên, chúng ta có nhiều rào cản vững chắc và nhiều cách khác để đảm bảo sự công bằng tuyệt đối cho diễn tiến bầu cử. Chúng ta không loại trừ khả năng có nhiều âm mưu chống lại nước Mỹ, nhưng sự thành công của chúng đòi hỏi sự phối hợp tỉ mỉ trong việc phá luật của một số lượng lớn các thành viên tham gia. Một cuộc tổng công kích chỉ có thể thành hiện thực nếu tất cả mọi chốt bảo vệ cùng bị đánh bại và nó chỉ xảy ra với sự tiếp tay của chính người dân Mỹ. Vì vậy việc am hiểu các cách phòng vệ này đáng được chú tâm hơn.

Thứ nhất, tiểu bang chứ không phải tổng thống là cơ quan điều hành tiến trình bầu cử. Và phần lớn các tiểu bang đang âm thầm cải tiến phương thức bầu cử để chuẩn bị cho cuộc bầu cử hết sức bất thường năm nay. Đại đa số tất cả các tiểu bang, dù đỏ hay xanh, đã cho tăng cường hỗ trợ bỏ phiếu vắng mặt, gia tăng các biện pháp phòng vệ chống tin tặc và xử lý các lỗi hệ thống. Tất cả những nỗ lực này nhằm giảm thiểu các rủi ro đã xảy ở cuộc bầu cử nội bộ đảng. Trong hai tuần vừa qua, tòa án đã ra các quyết định có lợi cho quyền cử tri tại Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Ohio, Pennsylvania, Texas, Wisconsin cùng các tiểu bang khác. Các doanh nghiệp cũng đang vào cuộc qua việc cung cấp thiết bị, tài chính, nhân viên kiểm phiếu, và thậm chí cả sân vận động làm điểm bỏ phiếu. Ngay cả chính viên chức bầu cử ở cả hai đảng cũng ra sức vận động cử tri và đây là một điều rất hiếm gặp. Càng ở xa phòng thu đài truyền hình và trang Twitter của Nhà Trắng, ta càng thấy các vấn đề ở trên ít có yếu tố đảng phái.

Thứ hai, việc nẫng tay trên trong bầu cử là rất khó. Viễn cảnh ác mộng này chỉ xảy ra khi đồng loạt các bên liên quan cùng hành động để hạ thấp trọng lượng lá phiếu nhằm giành lấy quyền lực. Tuy nhiên chúng ta có rất nhiều biện pháp ngăn chặn việc này.

Nhiều người lo ngại rằng lực lượng cảnh sát liên bang có thể sẽ tràn vào thành phố viện cớ bảo vệ tài sản công hay dập tắt bạo động nhằm dọa nạt cử tri và kiểm soát cuộc bầu cử. Ông Trump đe dọa rằng “Chúng ta sẽ điều động cảnh sát địa phương, lực lượng cưỡng chế, và hy vọng là có cả các luật sư công quyền” đến giám sát cuộc bỏ phiếu. Đây là một phát biển rất đáng báo động vì nó hoàn toàn trái phép. Dưới luật pháp liên bang từ năm 1948, bất cứ ai điều động “binh lính [liên bang] hay người có vũ trang đến những nơi đang diễn ra bầu cử” sẽ bị phạt năm năm tù. Điều luật này áp dụng cho cả cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) hay các đặc vụ khác thuộc Bộ An ninh Nội địa, quản giáo trại giam hay bất cứ đơn vị đặc vụ nào mà ông Trump đề cập đến nhằm tăng kịch tính trong bối cảnh biểu tình chống bạo lực cảnh sát mùa hè vừa qua. Ngay cả khi các lực lượng liên bang được điều động hợp pháp nhằm bảo vệ cơ sở thuộc liên bang như tòa án (vấn đề vẫn đang gây kiện tụng tại Portland), sự hiện diện của họ tại các điểm bỏ phiếu vẫn là trái phép.

Thứ ba, ngay cả với sự kích động từ tổng thống, việc đe dọa cử tri vẫn là phạm pháp. Ông Trump nêu rõ trong cuộc tranh luận rằng ông muốn những người ủng hộ mình đến các điểm bầu cử và gây khó dễ cho các cử tri khác. Điều này phạm cả luật liên bang lẫn luật tiểu bang. Việc nhân viên hay cá nhân cố tình cản trở những người dân Mỹ hợp pháp đi bầu cũng là trái phép. Chính quyền bang và địa phương có quyền thực thi luật này. Điều luật liên bang nêu rõ “bất cứ ai dọa nạt, đe dọa, cưỡng ép, hay có ý đe dọa” người bỏ phiếu sẽ chịu phạt tù một năm. Luật tiểu bang và địa phương thậm chí còn gắt gao hơn. Các viên chức vận hành bầu cử nắm rõ các quy trình nhằm ngăn chặn bất kỳ trở ngại nào ngay khi vừa xuất hiện.

Thứ tư, nhận định của công chúng về thời gian bầu cử đã thay đổi. Ông Trump dường như đang đặt cược bằng niềm tin rằng chỉ phiếu bầu được viết trong ngày bầu cử mới được ghi nhận. Ông cho rằng sẽ xảy ra một “ảo ảnh đỏ” hay “sự chuyển sắc xanh” khi kết quả kiểm phiếu những thư bầu sẽ giúp phe Dân chủ giành đa số. Luật lệ ở các tiểu bang chưa quen với bỏ phiếu vắng mặt khiến cho viễn cảnh này dễ xảy ra hơn. Ví dụ, tại Pennsylvania và Wisconsin, cán bộ bầu cử không được phép bắt đầu xử lý phiếu vắng mặt cho đến khi hòm phiếu đóng, và khả năng cao là chúng ta sẽ không biết ngay được ai là người chiến thắng ngay trong đêm bầu cử.

Tuy nhiên, một cuộc thăm dò gần đây cho thấy hai phần ba cử tri không mong đợi nhận được kết quả ngay đêm bầu cử, khiến cho ông Trump khó lòng kích động tiêu cực trong dân chúng về sự chậm trễ. Và có lẽ sự chờ đợi này cũng sẽ không kéo dài lâu khi đa số các tiểu bang sẽ bắt đầu xử lý phiếu bầu vắng mặt rất lâu trước Ngày Bầu cử. Các nhà lập pháp bang Michigan mới đây đã cho phép nhân viên bắt đầu kiểm phiếu sớm một ngày. Vào ngày bầu cử năm nay, chắc chắn việc kiểm phiếu sẽ diễn ra lâu hơn. Tuy nhiên, đây không phải dấu hiệu của hỗn loạn hay hành động trái phép mà chỉ là các nhân viên đang làm việc thận trọng.

Thứ năm, cả hệ thống đã được chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với các khó khăn trong kiểm phiếu. Một khi lá phiếu đã vào thùng phiếu, liệu ông Trump hay ai khác có thể tác động việc kiểm phiếu? Ai chứ Trump thì sẽ rất muốn làm điều đó bằng những lời thách thức, kiện tụng và các cuộc họp báo ồn ào. Nhưng các nhân viên bầu cử và tòa án đã quen với điều đó, ngay cả với sự ồn ào bất thường như năm nay. Hiến pháp chú trọng vào việc kiểm chứng từng lá phiếu và luật lệ ở các tiểu bang cũng đều chú trọng như vậy. Một số vấn đề liên quan đến kiểm phiếu gây tranh cãi nhất – như việc phiếu gửi qua thư trước ngày bầu cử nhưng đến sau liệu có được ghi nhận – hiện đang được làm rõ trong các vụ tranh chấp trước bầu cử. Bộ trưởng bộ Tư pháp William Barr có thể sẽ cố can thiệp, nhưng bộ Tư pháp lại không có tư cách pháp lý gì trong suốt diễn tiến tranh cử.

Thứ sáu, ngay cả hệ thống bầu cử Đại Cử tri Đoàn cũng có phần đảm bảo hơn mọi người nghĩ. Bài viết trên tờ The Atlantic gây xôn xao khi trích dẫn lời một nghị sĩ bang Pennsylvania gợi ý rằng phe Cộng Hòa chỉ cần tuyên bố người ủng hộ ông Trump sẽ là nhóm cử tri chính thức. Động thái này rõ ràng là một sự xúc phạm, và trừ khi cuộc bầu cử tại tiểu bang không mang lại kết quả (một điều rất đáng báo động!), điều này là hoàn toàn vi hiến và vô cùng nghiêm trọng. Tối cao Pháp viện trong vụ Bush v. Gore phán quyết rằng một khi tiểu bang đã đặt ra phương pháp bầu tổng thống thì tuyệt nhiên không được thay đổi sau khi bỏ phiếu. Tất cả mọi bang đều trao quyền cử tri chính thức cho người thắng trong phiếu bầu phổ thông. Tháng sáu vừa qua, pháp viện đã nhấn mạnh lại rằng “lập pháp không còn vai trò gì” trong việc chọn lựa ứng cử viên tổng thống.

Việc kiểm phiếu vốn được kiểm soát bởi một điều luật liên bang khá mơ hồ được thông qua vào năm 1887. Mặc dù đã cũ kỹ và ít khi được dùng đến, nhưng điều luật này lại chứa đựng hướng dẫn cụ thể cho một số vấn đề. Theo lời giải thích của lực lượng quốc gia đảm nhiệm khủng hoảng bầu cử, một nhóm chuyên gia trung lập, người “lãnh đạo” của tiểu bang – thống đốc hoặc thư ký, tùy theo luật tiểu bang – là người xác nhận việc chọn lựa cử tri chính thức. Bất kỳ thành viên lập pháp nào tự ý chọn nhóm cử tri chính thức để thay thế nhóm đã được xác nhận trước hạn ngày 08 tháng Mười Hai sẽ nắm chắc phần thua. Chuyện sẽ trở nên u ám hơn nếu cuộc bầu cử toàn dân lại đưa ra kết quả hòa khi ngày bỏ phiếu 14 tháng 12 của Đại Cử tri Đoàn đang đến gần, nhưng nhìn chung luật vẫn sẽ trao phiếu bầu chính thức cho người dành được nhiều số phiếu phổ thông hơn. Các biện pháp phòng ngừa khác ở tiểu bang cũng giúp ngăn chặn gian lận.

Một điều nữa là: Phó tổng thống không quyết định việc phiếu bầu của cử tri chính thức nào được ghi nhận. Ông Mike Pence sẽ điều hành cuộc kiểm phiếu chính thức. Điều này có cho phép ông quyền quyết định kết quả, ngay cả khi ông đã bị đánh bại không? Không. Phó tổng thống chỉ có vai trò hỗ trợ điều hành và vai trò của Quốc Hội thì bị hạn chế. Các nhà lập pháp không được ghi nhận những cử tri chưa được công nhận hợp pháp từ các bang. Và luật ở tất cả các tiểu bang đều yêu cầu cử tri chính thức phải được chọn thông qua bỏ phiếu toàn dân và xác nhận bởi nhân viên bổ nhiệm từ bang.

Đúng vậy, cuộc bầu cử năm 2020 đã đi vào những chỗ trống mà pháp luật chưa lấp đến. Chúng ta nên phẫn nộ bởi thái độ của Trump đối với các nguyên tắc cơ bản và các giá trị dân chủ. Tuy nhiên kiểu cách coi thường đó không khác gì lời lẽ của một kẻ thùng rỗng kêu to. Tổng thống không phải là người toàn quyền nhưng việc cố tình gây ra sóng gió dư luận lại vô tình làm cho nhiều điều tưởng chừng vô lý lại trở nên có lý để rồi từ đó củng cố thêm quyền lực trong tay Trump.

Nền tảng luật pháp quốc gia đủ vững mạnh để ngăn chặn một cuộc bầu cử tráo trở. Cử tri nắm quyền quyết định. Nếu ứng viên nào có ý định đảo chính, họ sẽ phải đối mặt với cử tri ngay tại tiền tuyến đầu. Trong lúc này, mọi người nên tập trung vào việc đảm bảo mọi cử tri Hoa Kỳ bỏ phiếu và đấu tranh để mọi lá phiếu đều được ghi nhận.

Người dịch: Tom Nguyen

Biên tập: Tri Luong

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here