47 năm sau và tháng tư vẫn thế: Xảo trá, trâng tráo…

0
54
Một banner kỷ niệm 30 tháng Tư tại Việt Nam hồi 2010. Hình minh họa.

Blog VOA

Trân Văn

Tờ Công an nhân dân (CAND) – cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam – vừa đăng “Tháng tư, nghĩ về những ‘giấc mộng tan vỡ’ nơi xứ người” (*). Nếu dành thời gian đọc bài viết vừa đề cập, có lẽ sẽ không ít người ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam tiếp tục thở dài vì 47 năm sau ngày “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, cả nhận thức lẫn giọng điệu của “ta” qua hệ thống truyền thông chính thức vẫn thế: Vẫn xảo trá và trâng tráo!

*** 

Tháng tư, nghĩ về những ‘giấc mộng tan vỡ’ nơi xứ người” là một chuỗi nhiều mâu thuẫn khó tin đến mức tội nghiệp vừa vì ngụy biện, vừa vì kém cỏi!

Tại sao đã thừa nhận… cộng đồng người Việt định cư và hội nhập ổn định ở nước ngoài, mỗi khi thiên tai, địch họa đe dọa cuộc sống và vận mệnh của tổ quốc, lập tức muôn người như một, kết thành khối vững chắc, sẵn sàng cống hiến công sức, xả thân vì lòng tự trọng, tự tôn dân tộc, vì vận mệnh của tổ quốc và cuộc sống của đồng bào mình,… mà còn mỉa mai… một số người lầm lạc, chĩa súng vào đồng bào, gây nên nhiều tội ác, lại chọn cho mình con đường rời bỏ quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình để tiếp tục mưu lợi cá nhân, đi ngược lại lợi ích của dân tộc?

Nếu không có hàng trăm trại cải tạo sau 30/4/1975, không có tịch biên nhà cửa – sản nghiệp, không chia các thành phần trong xã hội thành “bốn nhóm, 21 đối tượng”, tước bỏ cả cơ hội học hành, nghề nghiệp của con cái những người thuộc “nhóm bốn”, lẫn sinh kế của nhiều giới tại miền Nam Việt Nam thì những người ở phía bên kia chiến tuyến, bao gồm cả cựu viên chức, cựu quân nhân và thường dân Việt Nam Cộng hòa có “rời bỏ quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của họ” không?

Đúng là “chiến tranh đã đi qua”, thậm chí đã “đi qua” rất lâu, chỉ vài năm nữa là tròn nửa thế kỷ nhưng vết thương chưa ‘liền da’ và quê hương chưa “hòa làm một” vì nhận thức và giọng điệu xấc xược, đểu cáng vẫn là chủ đạo như “Tháng tư, nghĩ về những ‘giấc mộng tan vỡ’ nơi xứ người”. Vì sao xứ sở mà “những người lầm lạc” định cư cho phép họ “sử dụng lá phiếu cử tri buộc một số vị dân biểu nơi họ cư trú lên tiếng tạo sức ép với chính quyền các nước” về đối sách với Việt Nam, còn những người Việt Nam đang sống trên quê hương của chính họ lại không được dùng “thủ đoạn” như vậy?

Vì sao xứ sở mà “những người lầm lạc” định cư cho phép họ “lợi dụng mạng Internet để lập ra nhiều trang mạng, diễn đàn lấy danh nghĩa yêu nước” để bày ra đủ loại hình ảnh, thông tin, ý kiến mà “ta” khẳng định là “bóp méo sự thật, tuyên truyền xuyên tạc các chủ trương, đường lối chính sách” nhưng “ta” lại ban hành Luật An ninh mạng, nghiêm cấm dân ta làm như vậy? Vì sao những “Nhân dân”, “Quân đội nhân dân”, “Công an nhân dân” chỉ cung cấp… “sự thật” nhưng chẳng có bao nhiêu người đếm xỉa? Cứ cho là “sự thật” bị “bóp méo” sao “ta” không “vo cho tròn”? Ví dụ vì sao CAND không công bố “sự thật” liên quan đến sự kiện ông Tô Lâm và thuộc cấp thưởng thức “bò dát vàng”? 

***

Tháng tư, nghĩ về những ‘giấc mộng tan vỡ’ nơi xứ người” trên CAND đề cập đến cuộc sống của những Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày), Tạ Phong Tần,… kèm một số thông tin nhặt nhạnh hoặc từ tâm sự của chính họ, hoặc từ mạng xã hội để cho rằng họ… “vỡ mộng” nơi xứ người và tiên đoán đó là… “đoạn đầu của con đường không tương lai của những kẻ phản bội đất nước, dân tộc để cầu vinh”! 

Cần lưu ý, những Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày), Tạ Phong Tần,… đều đã từng bị hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam cáo buộc là tội phạm “đặc biệt nguy hiểm” đã “xâm hại an ninh quốc gia”. Vì sao những Đài, Hà, Quỳnh, Hải, Tần đều đã bị phạt tù và đều xuất ngoại khi đang chấp hành hình phạt tù. Có gì quan trọng hơn sự nghiêm minh của công lý, sự đúng đắn của hệ thống tư pháp, thể diện của quốc gia? Tại sao đảng, nhà nước, chính phủ “ta” bấp chấp tất cả để giao họ cho “ngoại bang”. Cứ cho là họ… “cầu vinh” còn “ta”… “cầu” gì mà… bất chấp mọi thứ? 

Tháng tư, nghĩ về những ‘giấc mộng tan vỡ’ nơi xứ người” ấu trĩ tới mức tự thóa mạ như thế này: Đối với chủ quyền quốc gia và nền độc lập dân tộc, lòng yêu nước mãnh liệt chính là nền tảng vững chắc nhất để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, giang sơn cha ông để lại. Giá trị đó không thể là điểm tựa để dung túng, kích động tinh thần dân tộc cực đoan, đề cao bá quyền, đe dọa sử dụng bạo lực và bất chấp thủ đoạn gian dối, hèn hạ, bất chấp đạo lý và luật pháp của văn minh nhân loại, cốt tranh đoạt trắng trợn và phi pháp lãnh thổ của người khác. Ðiều này đã và phải tiếp tục trở thành yêu cầu của lương tri, của đạo đức không chỉ với Việt Nam mà với mọi quốc gia – dân tộc khác trên thế giới

Nếu điều vừa kể đúng là nhận thức của “ta”, tại sao “ta” bỏ “phiếu trắng” khi cộng đồng quốc tế muốn lên án Nga xâm lược Ukraine? Tại sao “ta” bỏ “phiếu trắng” khi cộng đồng quốc tế muốn nhấn mạnh yêu cầu phải bảo vệ thưởng dân? Tại sao “ta” bỏ “phiếu chống” khi cộng đồng quốc tế muốn loại bỏ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc? Nếu điều vừa kể chỉ là nhận thức của tờ CAND, tại sao CAND không góp ý với đảng, nhà nước, chính phủ mà nhắm vào “những người lầm lạc”?

Tháng tư, nghĩ về những ‘giấc mộng tan vỡ’ nơi xứ người” còn một số những điều ngớ ngẩn khác. Chẳng hạn khi kể về hoàn cảnh của Lê Thu Hà, CAND cho biết, cô sống ở “thị trấn Bad Naheim, bang Hawai, Đức”. Đức chỉ có Bad Nauheim, một thị trấn thuộc khu vực Wetteraukreis ở tiểu bang Hesse. Còn “Hawai” (viết đúng phải là Hawaii) là một trong 50 tiểu bang ở Mỹ. Đã là CAND thì từ người viết đến tòa soạn muốn viết sao cũng được, muốn nói gì cũng được và đặc biệt là không cần tri thức, không cần suy nghĩ?

Chú thích

(*) https://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/thang-tu-nghi-ve-nhung-giac-mong-tan-vo-noi-xu-nguoi-i649860/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here