1. THÁNG BA RA ĐI 

0
72

Manh Dang 

Lần nữa, bánh xe thời gian lại luân chuyển về tháng tư. Tháng in đậm trong tâm trí hàng triệu người Việt về một tháng tư đen không thể nào phai nhòa. Nó cứ dội về từng hồi với biết bao câu chuyện, hình ảnh, số phận… nhưng đều có điểm chung là nỗi đau khôn nguôi, là vết thương cứ ngỡ đã liền miệng cho đến tháng tư hàng năm lại trở mình nhức nhối.

Với tôi là câu chuyện ra đi, mà khi viết những dòng này, tôi bồi hồi khi nhận ra rằng hai lần ra đi “chạy giặc” cộng sản trong cuộc đời tôi đều “vận” vào tháng ba. Lần thứ nhất là chuyến di tản cùng với mẹ tôi khi cùng bà rời Dalat vào những ngày tháng 03/1975 và lần thứ hai là chuyến đi tìm tự do mới đây của tôi đến cả nửa vòng quả đất xa xôi, cũng vào tháng 03/2023.

Câu chuyện tôi kể dưới đây là cho lần ra đi thứ nhất vào tháng 03/1975.

————-

Ấp Chi Lăng, Dalat, nơi mẹ tôi nhận nhiệm sở mới, họ cấp cho bà một căn hộ gồm hai phòng nhỏ, liền kề có một phòng khám y tế, đó là khu bệnh xá nơi bà làm việc.

Khu bệnh xá tựa như một ốc đảo hoàn toàn nằm cách biệt với những dãy nhà khác trong công sở. Gần nhất với khu bệnh xá là dãy nhà làm việc thì cũng đã cách xa tầm cả hàng trăm thước. Từ nơi ở của mẹ con chúng tôi nhìn băng ngang qua những hàng thông già cũng chỉ thấy thấp thoáng dãy tường ốp đá đã lên rêu xanh từ thuở nào, trông cũ kỹ như bức tường thành cổ vậy. Còn lại thì đìu hiu vắng vẻ, lạnh lẽo đến nao lòng, chỉ thấy cây xanh, hoa lá trên nền đất đỏ mấp mô…

Ở mặt sau căn hộ của chúng tôi, ngay cạnh gường ngủ có một ô cửa sổ với bệ thật lớn. Đây là nơi ưa thích nhất của tôi trong căn hộ, vào những lúc không có sương mù thì tôi có thể phóng tầm mắt vượt qua những mái nhà và rặng cây thấp nhìn suốt ra tận con đường cái. Tôi mường tượng như có thể thấy lơ thơ bóng người đi lại, vài chiếc xe đò nhỏ thong thả nhả khói trên nền trời xanh đưa khách từ Chi Lăng ra khu Hòa Bình.

Sau ít ngày đến Dalat, tôi đã đi học lớp đầu tiên của cấp tiểu học tại ngôi trường tọa lạc trên một đỉnh đồi. Ngôi trường có kiến trúc tuyệt đẹp … mà đến mãi về sau tôi mới cảm nhận gần hết ý nghĩa, tầm vóc của nó : Trường Hùng Vương. Nguyên thủy, ngôi trường do người Pháp xây dựng, sau vài lần đổi tên, đến thời điểm trước năm 1975 khi tôi theo học, thì ngôi trường đã được mang tên Việt là Trung Tâm Giáo Dục Hùng Vương.

Tôi nhớ, ngôi trường có một hành lang dài, mái che xây nhấp nhô, quét vôi trắng như từng cơn sóng biển bạc đầu ngoài đại dương. Từ hành lang này dẫn đến tòa nhà lớn màu gạch đỏ sừng sững, uốn cong thanh thoát tựa cánh diều in mình trên nền trời Dalat trong xanh, điểm nhấn của kiến trúc ngôi trường chính là tòa tháp chuông màu xám sáng cao ngất, nơi mà du khách có thể thấy từ rất xa! Sân trường, từ phía tây nhìn xuống đồi thông thoai thoải là hồ Xuân Hương bàng bạc, lấp lánh hàng triệu tấm gương soi đang vụn vỡ ra trong tiết trời se lạnh. 

Nhưng thời gian tôi được học ở ngôi trường “đẹp như thánh” này không lâu.

Một ngày hạ tuần tháng 03/1975 (ngày 17/03/1975), vào buổi chiều, khi lũ học trò chúng tôi trong đồng phục áo len vàng đang nghe dang dở bài học, thì bổng cả trường xôn xao, nhốn nháo. Thầy cô lớp này, lớp kia chạy vội ra hành lang hốt hoảng thông tin cho nhau điều gì đó về “Việt cộng”. Lớp học đột ngột bị ngưng ngang, cô thầy, học trò í ới gọi nhau rồi đổ xô chạy vội vàng xuống sân. Tôi cũng cuốn cặp chạy cùng mọi người ra cổng rồi chui tọt vào chiếc xe quen thuộc mà hàng ngày đưa đón chúng tôi đến trường. Lúc này xe đang đậu trước cổng, nhưng phải đợi chờ rất lâu thì chú tài xế mới hộc tốc chạy bộ đến lái đưa chúng tôi về nhà. Trên xe, lũ học trò chúng tôi cứ ngơ ngác, im thin thít vì sợ, nhớn nhác nhìn nhau, không còn dám đùa giỡn như mọi khi. Trên đường xe cộ cũng dường như hối hả đi lại khác nhịp sống thong thả hàng ngày.

Kể từ ngày hôm ấy tôi được nghỉ học, trí óc non dại của tôi đã rất vui mừng vì mình không phải đi học nữa! Nhưng tôi đã không biết để luyến tiếc rằng cái ngày thầy trò tôi nháo nhào bỏ chạy khỏi ngôi trường chính là ngày học vinh dự cuối cùng của tôi dưới mái trường đã đào tạo được biết bao thế hệ thành nhân, thành tài sau này.

Cũng từ hôm ấy, bên cạnh “ông kẹ”, thì trong tâm trí của tôi có thêm một nỗi lo sợ khác là “Việt cộng”! “ông kẹ” do người lớn hù dọa từ tấm bé nên tôi sợ, nhưng “Việt cộng” thì chính người lớn còn phải sợ thì tôi đoán ra : Chắc chắn “Việt cộng” phải khủng khiếp, ghê rợn hơn “ông kẹ” rất nhiều!

Trong những ngày cuối tháng 03/1975, tôi nghe người lớn thì thầm nói chuyện với nhau về những lời đồn đại như : “Việt cộng” đã chiếm tỉnh này, người dân đang di tản ở tỉnh kia, rồi nào người Thượng sẽ về chặt đầu người Kinh đòi đất … hay và thông tin cho nhau : Hôm qua cửa hiệu ABC gì đó đã đóng cửa dọn cả nhà chạy về Sài Gòn, hôm nay gia đình ông bà XYZ đã có giấy được xuất cảnh ra nước ngoài v.v…

Sự lo lắng, hoang mang của người lớn tác động lây đến những đứa trẻ con như tôi cảm thấy bất an.

Bố tôi ở Sài Gòn liên tục gọi điện thoại lên để bàn bạc, thúc giục mẹ tôi việc về Sài Gòn, nhưng hình như bà vẫn cố nán để chờ đợi một quyết định chính thức của công sở về việc thuyên chuyển… Sự mẫn cán vì chức nghiệp của mẹ tôi đã vô tình khiến chúng tôi có lúc lâm vào hoàn cảnh nguy khốn chưa từng có trong cuộc đời mình.

Một buổi sáng, mẹ con chúng tôi đi chợ Chi Lăng thì thấy một chiếc xe zeep vẫn chở viên sĩ quan đứng uy nghiêm trong bộ quân phục, găng tay trắng muốt, kiếm lệnh đeo bên hông, xe chạy từ từ qua khu vực chợ hướng về cổng Trường Võ Bị Sĩ Quan Dalat gần đấy. Đây là những hình ảnh thường thấy, nhưng trong những ngày này, mọi người đều đưa mắt dõi theo như một liệu pháp tinh thần tự trấn an mình.

Nhưng sự an tâm không giữ được mấy chốc, cho đến khi ông giám đốc nơi mẹ tôi làm việc đột nhiên không đến sở làm việc. Hay một, hai gia đình công chức rời khỏi khu vực công sở nói dọn ra ngoài ở cho an toàn, thì theo đó, tôi lại mất nốt những người bạn hàng xóm trong số bạn ít ỏi của mình.

Không chỉ ở nơi mẹ tôi làm việc, mà trong những ngày này, Dalat vốn thường tĩnh lặng thì lại càng dần trở nên đìu hiu, lạnh lẽo và vắng vẻ khác thường. Có một hôm, tôi theo mẹ đến bệnh viện tỉnh lấy thuốc, đường đi ngang qua khu Hòa Bình, nơi có thể xem là đông đúc người bậc nhất của Dalat thì người đi lại cũng rất thưa thớt, vội vã. Đương nhiên, lúc này du khách không còn ở đây nữa. Thay thế cho những hàng ăn, cửa hiệu là những cánh cửa đóng kín im ỉm… những cư dân Dalat đang còn ở lại đó sống trong một tâm trạng ngột ngạt, khó tả… Dalat như người bệnh đang mơ màng nhìn từng ngày hấp hối của chính mình!

Dường như ai cũng dự cảm được đó chỉ mới là những con sóng nhẹ để cảnh báo về vô vàn con sóng thần hung tợn, đang ồ ạt đuổi đến từ phía sau. Nhưng không ai có thể ngờ được rằng con sóng cuối cùng sẽ làm thay đổi đến tận gốc rễ cuộc đời của hàng triệu người dân miền Nam. 

Là một phần của miền Nam, Dalat không thể dành riêng một ngoại lệ nào cho số phận của mình…

(Còn nữa)

Sài Gòn, tháng 11/2013

Viết lại, DC, ngày 30/03/2024

Đặng Đình Mạnh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here