SONG CHI
Ngày Valentine, nói chuyện vui vui về yêu và lấy người nước ngoài. Xin nói rõ, tôi không phải là chuyên gia để có quyền gì nói về lĩnh vực này, chỉ là chút kinh nghiệm cá nhân từng yêu người Việt lẫn người nước ngoài, cộng thêm chút óc quan sát và nghe những câu chuyện của người khác nữa, vậy thôi.
Nhớ hồi xưa, con gái VN cô nào lấy Tậy thì bị mọi người coi khinh, gọi là me Tây! Ngay cái thời miền Nam trước năm 1975, cô nào lấy Mỹ cũng bị gọi là me Mỹ, cha mẹ xấu hổ, hàng xóm mỉa mai, chỉ có một số ít trường hợp là được gia đình, họ hàng thông cảm, chấp nhận.
Nhưng bây giờ, sau hơn bốn chục năm sống dưới “thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ” mà theo lời ông Tân Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng thì ‘Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không?”, chuyện lấy chồng người nước ngoài bỗng nhiên trở thành một niềm mơ ước, hãnh diện, tự hào và gần như là một cái…”mốt” vậy. Không phải sao. Con gái miền Tây trong những gia đình nghèo, đua nhau đi lấy chồng Đài, chồng Hàn, con gái những vùng nông thôn sát biên giới phía Bắc lấy chồng người Trung Quốc vì muốn thoát khỏi cảnh nghèo và có tiền giúp đỡ cha mẹ, gia đình, điều đó đã đành; các cô gái có học thức hơn, thậm chí các cô người mẫu, ca sĩ, á hậu, hoa hậu bây giờ cũng đua nhau yêu và lấy chồng nước ngoài, thường là người Mỹ hoặc châu Âu, nhưng thảng hoặc cũng có cô lấy chồng Ấn, chồng Trung Quốc. Bây giờ có một ông bồ hoặc ông chồng người nước ngoài lại trở thành niềm tự hào, hãnh diện với bạn bè trang lứa, còn cha mẹ có con gái lấy chồng Đài, Hàn hay Tây cũng hãnh diện với xóm giềng!
Phải nói thật, đa số những cuộc hôn nhân với người nước ngoài bây giờ cũng vì cái yếu tố quốc tịch! Phải sống ở nước ngoài mới thấy người nước ngoài họ thường ngần ngại khi hẹn hò yêu đương với các cô gái Việt, gái Thái, gái Phi hoặc gái Nga…đang sống tại nước mình, vì các cô chỉ chăm chăm đến cái quốc tịch của các anh tây là chính, yêu là phụ! Mới quen nhau chưa được bao lâu là tuyên bố yêu, rồi đòi cưới, rồi đòi bảo lãnh sang nước ngoài sinh sống. Mà nói thật, dân Tây dân Mỹ bây giờ họ cũng khôn lắm, bọn thanh niên còn trẻ thì chưa vội lấy vợ ngay vì còn phải đi học, còn phải kiếm việc làm, ổn định cuộc sống cái đã. Vả lại cưới gấp làm gì khi ở nước ngoài, yêu là có thể thoải mái chung sống? Chỉ có các nước Hồi giáo, do văn hóa, tôn giáo buộc không được phép có quan hệ tình dục trước hôn nhân nên thanh niên phải cưới vợ lấy chồng sớm thôi. Nhưng dù sao bọn trẻ phương tây yêu thì rồi cũng cưới. Còn lứa trung niên trở nên, đặc biệt nếu đã ly dị một, hai lần thì hầu hết là không muốn cưới vợ nữa, tại vì mỗi lần ly dị là tốn bộn tiền chia cho vợ cũ, chu cấp cho vợ cũ con chung, nên họ không dám lấy vợ nữa, vả lại, ở lứa tuổi đó, cái gì cũng có rồi, chỉ cần thêm người bạn, người tình thỉnh thoảng gặp nhau cho đời thêm vui, cùng lắm thì là partner, sống chung nhưng khỏi cưới hỏi, khỏi chia gia sản, mệt óc!
Nhưng thôi, bỏ qua những cuộc hôn nhân vì những lý do tế nhị khác, ngày Valentine có lẽ chỉ nên nói về tình yêu và những cuộc hôn nhân vì tình yêu. Không phải không có những cuộc hôn nhân giữa người Việt và người nước ngoài xuất phát từ tình yêu. Chỉ có điều hình như bây giờ các cô gái Việt hay có ý nghĩ cứ đàn ông nước ngoài là hay ho cả, đàn ông Việt là dở, tệ cả, hoặc cứ lấy người nước ngoài là sướng cả. Lại thêm báo chí VN cứ hay đưa những câu chuyện tình như cổ tích, như mơ giữa các cô gái VN với người nước ngoài. Nào cô thì thấp nhỏ chưa tới mét ba, cô thì tật nguyền ngồi xe lăn, cô thì bị khiếm thị từ khi mới sinh ra, cô thì đã qua một đời chồng, một nách hai con, cô thì đi làm giúp việc ở nước ngoài, ngoại ngữ một chữ bẻ đôi không biết, phải nói bằng…tay và nhờ google dịch, nhưng vẫn lấy được các ông chồng như mơ, người thì là doanh nhân Mỹ, người là kiến trúc sư Pháp, người là thầy giáo Đức…và những ông chồng rất mực yêu chiều vợ, cuộc hôn nhân thật là hạnh phúc, viên mãn. Những câu chuyện như vậy càng khiến cho các cô gái VN ao ước.
Đúng là có những mối tình hiếm hoi, đặc biệt như vậy trong đời, đúng là có những người đàn ông phương Tây không quan tâm gì đến chuyện hình thức bên ngoài, trình độ học vấn, quá khứ hay những khiếm khuyết về cơ thể của người phụ nữ VN mà họ yêu, nhưng cũng phải nói là các cô gái ấy rất may mắn. Như ông bà ta nói, là duyên số. Đâu phải ai tàn tật, ít học, nhan sắc bình thường, mấy đời chồng cũng được may mắn như vậy.
Nhìn chung đàn ông Việt hay đàn ông nước ngoài cũng đều có người xấu người tốt, có mặt này mặt kia, và nếu muốn yêu và có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, dù với người Việt hay người nước ngoài, bạn phải có sự chuẩn bị, phải có sự đầu tư cho cuộc tình và cuộc hôn nhân ấy (đầu tư ở đây hiểu theo nghĩa tích cực, là đầu tư về thời gian, về mặt tình cảm để nuôi dưỡng hạnh phúc).
Có những điểm khác nhau nhất định giữa đàn ông VN và đàn ông nước ngoài (ở đây chỉ nói đến đàn ông Âu-Mỹ, các nước Hồi giáo, Nam Á hay châu Mỹ Latin nói thật là mình không rành 🙂
Yêu và sống với người nước ngoài-P.2.
Những điểm có thể nói là tốt của đàn ông Việt:
Đàn ông Việt đã yêu là cưới, dù đã ly dị một hai lần, dù 50, 60, thậm chí 70 cũng cưới. Đàn ông nước ngoài không phải bao giờ yêu cũng là cưới. Điều này đã nói ở trên.
Đàn ông Việt khi đã cưới sẽ đồng ý có con nếu người vợ muốn thế, cho dù bản thân họ 50, 60 tuổi hoặc hơn, cho dù họ đã từng trải qua một hai đời vợ và đã có con, trái lại, đàn ông phương Tây khi đã tới ngưỡng 50, họ thường không muốn có con vì không muốn cái cảnh “cha già con cọc”, vậy cô nào 20, 30 mà lấy chổng Tây chồng Mỹ ngoài 50 thì chịu vậy nhé.
Đàn ông Việt nói chung khá là rộng rãi, nếu họ là đại gia thì khi yêu họ sẵn sàng tặng các cô bồ từ những món quà đắt tiền, xe sang, nhà lầu hoặc chi tiền cho các cô đi giải phẫu thẩm mỹ, mở cửa hàng kinh doanh, ra album ca nhạc, làm phim v.v…Nếu họ là người có thu nhập trung bình, một khi là người yêu, đi ăn là đàn ông trả tiền, những dịp này dịp kia lại mua quà tặng bồ. Có nhiều cô cũng đi làm có lương nhưng lương của mình thì cất xải, còn đi ăn thì bắt bồ trả, thậm chí kéo cả đám bạn hay người nhà cho bồ bao, bắt bồ mua từ cục xà bộng thơm, chai dầu tắm, thỏi son v.v…Đàn ông tây phương trừ giới tỷ phú, còn lại không phải bao giờ họ cũng chịu chi. Thứ nhất là tùy mối quan hệ, tùy mức độ. Nếu xác định chỉ là bạn bè hoặc chỉ cặp nhau vì sex thì không có chuyện họ bao đâu, chỉ trừ khi họ hẹn hò với bạn và xác định là muốn tiến tới với bạn, họ sẽ mời bạn đi ăn đi uống. Còn quà cáp thì trừ khi là tỷ phú, cũng không có chuyện tặng những món quà quá đắt giá, càng không có chuyện tặng xe tặng nhà. Mà chỉ là những món quà có tính chất tình cảm, lãng mạn là chính. Như dân Na Uy chẳng hạn, vì do văn hóa khác, cách nghĩ khác thôi. Xã hội Na Uy rất bình đẳng, nam nữ phần lớn đều đi làm, có nghề nghiệp, có thu nhập riêng, vậy tại sao người đàn ông phải luôn luôn bao hoặc tặng những món quà đắt tiền cho phụ nữ?
Đàn ông Việt khi lập gia đình, lấy vợ thì họ thường để cho người vợ nắm tiền chi tiêu mọi việc trong nhà, có rất nhiều ông chồng vợ giữ hết tiền lương lẫn tiền làm thêm, rồi phát lại hàng ngày cho chồng tiêu vặt (1), nên lắm ông chồng phải đau đầu nghĩ cách giấu vợ tiền chỗ này chỗ kia, nhưng không may vợ dọn nhà thấy được là vửa bị lột sạch vừa bị vợ mắng! Phụ nữ Việt quản chồng như quản…con, phát tiền tiêu vặt, hàng ngày kiểm tra điện thoại, email, tin nhắn, email… của chồng, chồng đang ngồi bất cứ đâu lại gọi tới: Anh đang ở đâu đó, bao giờ về? Nhớ hồi tôi còn ở VN, lắm khi đang ngồi cả đám bạn, đồng nghiệp với nhau ở quán café, quán bia, bỗng một ông có điện thoại của vợ gọi, thế là bèn lấy tay suỵt bạn bè giữ im lặng, rồi làm vẻ mặt quan trọng trả lời vợ: À anh đang có cuộc họp, quan trọng lắm, à chưa biết bao giờ về, cứ yên tâm, thế nhá…Đàn ông tây phương thì không bao giờ chịu được những kiểu như vậy. Lấy nhau, chung sống với nhau, có thể chia ra ai trả tiền gì trong nhà nhưng mỗi người vẫn cò tài khoản riêng, người kia không được phép dòm ngó vào cái tài khoản riêng đó. Vợ hay chồng không được phép kiểm tra, kiểm soát điện thoại, thư từ, email…của chồng, như thế là xâm phạm vào sự riêng tư của nhau.
Những điểm có thể gọi là tốt của đản ông các nước phương Tây:
Đàn ông phương Tây nói chung thích thể hiện tình cảm với người yêu, vợ, và không ngần ngại thể hiện tình cảm đó dù trong nhà hay ngoài đường, dù trên giường hay giữa bạn bè, họ hàng, họ vẫn có thể thoải mái nắm tay nhau, hôn nhau, dành cho nhau những cử chỉ âu yếm, ngọt ngào. Ngày nào cũng hôn nhau trước khi đi làm, khi về nhà, trong phòng khách hay trong phòng ngủ, thường xuyên gọi nhau là “honey”, “darling”, “sweetheart”…Đàn ông Việt không quen thể hiện tình cảm cũng không quen được vợ bộc lộ tình cảm trước đám đông. Có lần mọi người thử làm một cuộc trắc nghiệm vui là các bà vợ gởi tin nhắn âu yếm cho chồng, thế là các ông bèn phản ứng mỗi người một kiểu: Cái gì đấy? Lại muốn mua món gì mới à? Hôm nay sao thế, hâm à? v.v…
Đàn ông phương Tây nói chung tôn trọng phụ nữ, chiều chuộng phụ nữ, và thích lãng mạn. Họ nhớ ngày sinh của người yêu/vợ, nhớ ngày hai người gặp nhau và vô số ngày khác, và họ tặng hoa, tặng quà cho người phụ nữ của họ trong những ngày này. Đàn ông Việt thì vợ phải nhắc, và vào ngày 8 tháng Ba thì buộc phải tặng hoa, quà cho các bà là vì xã hội..nhắc nhở, hic.
Đàn ông phương Tây, do nền tảng giáo dục ở trường và ở xã hội khá tốt nên dù làm nghề gỉ, dù chỉ có bằng tốt nghiệp Trung học hay Cử nhân, Tiến sĩ, nhìn chung họ đều có kiến thức tổng quát và một khả năng cảm thụ nghệ thuật khá tốt, có thể nói chuyện về đủ thứ đề tài từ chính trị-xã hội trong và ngoài nước cho tới văn hóa nghệ thuật, có thể thưởng thức âm nhạc, hội họa, phim ảnh v.v…Và họ quan tâm đến nhiều lĩnh vực, khi đã đứng tuổi, về hưu thì họ thường có một vài sở thích nào đó để theo đuổi, hoặc rất siêng đi du lịch để khám phá thế giới. Đàn ông Việt nói riêng và người Việt nói chung may lắm thì quan tâm đến chuyện chính trị-xã hội VN và thế giới (cụ thể là…Mỹ), còn không mấy quan tậm, hiểu biết lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trừ khi là dân làm văn hóa văn nghệ. Cả đời chả mấy khi đi ra rạp xem phim (trừ khi còn trẻ), lại càng không đi nghe hòa nhạc, đến bảo tàng xem tranh, cho dù có sống ở trong hay ở nước ngoài, tại những thành phố là thủ đô văn hóa nghệ thuật của các nước, bảo tàng có nằm cách nhà một quãng ngắn cũng không đi xem. Đi du lịch thì đi theo kiểu 10 ngày 8 thành phố, mỗi thành phố nháng qua vài địa điểm nổi tiếng chụp cái hình để chứng tỏ là mình đã đến nơi này sau đó rủ nhau đi tìm nhà hàng Việt hoặc đi shopping giá rẻ. Lỗi không phải do người Việt mà do nền giáo dục XHCN quá kém nên dù tốt nghiệp Trung học, Cử nhân hay Tiến sĩ, kiến thức tổng quát cho tới khả năng thưởng thức văn hóa nghệ thuật ở mức cao của người Việt rất kém. Thói quen đọc sách, nghe nhạc cổ điển, xem tranh…không có.
Như đã nói ở trên, để có thể yêu, được yêu và có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, dù với người Việt hay người nước ngoài, bạn phải có sự chuẩn bị, phải có sự đầu tư cho cuộc tình và cuộc hôn nhân ấy.
Sự chuẩn bị về phía bạn:
1. Bạn có thể sử dụng ít nhất là ở mức độ khá cho tới tốt cái ngôn ngữ của người mà bạn định yêu và lấy làm chồng không? Bất đồng ngôn ngữ, không thể giao tiếp, trò chuyện với nhau, thì khó mà hạnh phúc thực sự và lâu dài. Biết bao bi kịch xảy đến cho những cô dâu Việt lấy chồng Đài, chồng Hàn, chồng Trung hay chồng Tây chồng Mỹ là từ điểm này.
2. Bạn có tìm hiểu về văn hóa, tôn giáo, xã hội của cái quốc gia mà chồng bạn đang sinh sống và bạn sẽ đến đó sống? Nếu không tìm hiểu, nếu không biết gì và không thể hội nhập, bạn sẽ cảm thấy rất cơ đơn và có cảm giác mình là người vô dụng cho dù được chồng yêu thương.
3. Nếu lấy chồng là dân Tây dân Mỹ, hay ở những quốc gia tự do, dân chủ, văn minh, phát triển, bạn có chuẩn bị cho mình có những suy nghĩ cởi mở, phóng khoáng, tiến bộ như người dân tại các quốc gia đó hay bạn vẫn tiếp tục suy nghĩ, hành xử, và sống với những thói quen, định kiến của một người từ một nước Á Đông lạc hậu, và lại từ một chế độ độc tài hẹp hòi? Nếu không thay đổi quan điểm, cách nghĩ, bạn sẽ rất khó hòa hợp với chồng, từ quan điểm chính trị cho tới nam nữ bình đẳng, tự do ngôn luận, quyền phụ nữ, quyền Con Người, quyền công dân, sự cởi mở, vị tha đối với những sắc dân khác, tôn giáo khác v.v và v.v…
4. Đừng xử sự như khi yêu đàn ông Việt, nghĩa là luôn luôn vòi quà đàn ông, nếu bạn cứ vòi như vậy, anh ta sẽ nghĩ bạn là một cô gái quá thực tế thực dụng và sẽ chạy mất dép! Đừng xử sự như khi lấy chồng Việt, nghĩa là giữ hết lương của chồng, phát tiền tiêu vặt hàng ngày cho chồng, kiểm soát kiểm tra mọi thứ của chồng, đàn ông các nước tự do văn minh tiến bộ chả ai chịu như vậy đâu.
5. Hãy là một người phụ nữ độc lập. Nếu có trình độ thì khi đến nước khác bạn có thể đi học đại học, sau đại học, nếu không, hãy chuẩn bị một nghề nghiệp cho mình để có thể sống ở nước khác mà không phải ăn bám, phụ thuộc vào chồng, cho dù đó là làm nail, cắt uốn tóc hay làm bánh, còn nếu có tiền thì bạn có thể mở nhà hàng, cửa hàn kinh doanh. Là một người phụ nữ độc lập, có thu nhập riêng, sẽ giúp cho bạn có được sự tự tin, bình đẳng và sự tôn trọng của chồng. Và một người phụ nữ độc lập, có nghề nghiệp riêng, sở thích riêng bao giờ cũng có sức hấp dẫn đối với người đàn ông.
6. Hãy tự hào là người phụ nữ VN, người phụ nữ châu Á với những nét đẹp riêng, văn hóa riêng. Phụ nữ VN thuộc hàng xinh xắn trong khu vực và cả trên thế giới. Văn hóa lịch sử VN lại dày dặn, phong phú. Đừng từ bỏ những gì mình có, để nhái theo người ta, tắm trắng, giải phẫu thẩm mỹ cho mắt to mũi cao, ngực to mông nở, rồi nhuộm tóc vàng hoe…bạn sẽ chỉ là phiên bản mờ nhạt của một cô đầm lai mà thôi.
7. Cuối cùng, dù yêu và lấy chồng Việt hay chồng nước ngoài, muốn hạnh phúc thì cả hai phải tôn trọng nhau, tìm hiểu nhau, chinh phục nhau từ hình thức bên ngoài đến tính cách, con người bên trong, không chỉ một ngày một tháng một năm mà cả đởi. Đó là một cuộc chinh phục và nuôi dưỡng rất tốn công tốn sức, tốn thời gian, bù lại bạn sẽ có một tình yêu ngọt ngào và một cuộc hôn nhân hạnh phúc, bền vững qua năm tháng.
Ngày Valentine, xin chúc cho tất cả phụ nữ chúng ta có được một cuộc tình đẹp và một cuộc hôn nhân (hoặc chung sống) hạnh phúc.
https://baotreonline.com/yeu-va-chung-song-voi-nguoi-nuoc-n…/
https://baotreonline.com/yeu-va-chung-song-voi-nguoi-nuoc-n…/