Với cương vị là ứng cử viên cùng liên danh với Joe Biden, Kamala Harris là người phụ nữ Da Đen đầu tiên từ trước tới giờ ứng cử vị trí Phó tổng thống. Bắt đầu từ bây giờ bà sẽ phải đối mặt với những thuyết âm mưu về quyền công dân, cũng như những kỳ thị về giới tính, kỳ thị về màu da trên mạng. Nhưng các nhóm bảo vệ quyền phụ nữ đang tập hợp lại để bênh vực bà.
Sarah Burnett và Amanda Seltz, Associate Press ngày 12 tháng 8 năm 2020
Translated from Christian Science Monitor’s article ‘We Have Her Back’: The war room blocking Kamala Harris’ trolls
Từ nhiều tuần trước khi Joe Biden tuyên bố Thượng nghị sĩ Kamala Harris đồng liên danh, các nhóm phụ nữ đấu tranh đã sửa soạn một chiến dịch riêng của họ: dẹp bỏ các thông tin có tính cách phân biệt giới tính, và những thông tin sai lệch về một ứng cử viên phó tổng thống mà họ cho là trong nhiều tháng qua đã dẫn đến những bôi nhọ gian trá và những cuộc tấn công “tàn bạo” từ những người đầy thù hận trên mạng.
Thời gian gần đây, giới truyền thông để ý thấy các nhóm này đã lên tiếng về những thiên vị – một trong những chiến dịch được mệnh danh là “Chúng tôi hậu thuẫn bà ấy” (“We have her back”) – và họ dựng lên một “phòng tác chiến” để phản pháo lại các cuộc tấn công về giới tính hay tin giả ngay khi xảy ra.
Họ đã chẳng phải mất thời gian chờ đợi. Chỉ trong vòng vài phút ngay sau khi thông báo của ứng cử viên đảng Dân Chủ được tuyên bố hôm thứ ba, thông tin sai lệch đã được loan truyền trên mạng xã hội, cho rằng bà Harris đã gọi ông Biden là “kẻ phân biệt chủng tộc” và còn cho là bà không đủ điều kiện để trở thành tổng thống.
Các nhóm đấu tranh nữ quyền này cho biết họ rút tỉa kinh nghiệm từ những trận công kích phân biệt giới tính mà Hillary Clinton đã phải chịu đựng khi là đối thủ của Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016. Những trận tấn công này từ những người ủng hộ Trump và từ cả giới truyền thông.
“Lần này chúng tôi hiểu rõ các mô hình, và lần này chúng tôi đã có sẵn các hạ tầng cơ sở của một tổ chức để phản pháo lại,” bà Shaunna Thomas nói. Bà là giám đốc điều hành của nhóm vận động cho phụ nữ Ultra Violet, nhóm này đã công bố một cẩm nang dài 32 trang cho giới truyền thông cũng như cho một số các nhóm khác như Color of Change PAC, Planned Parenthood Votes, và Women’s March.
Mặc dù chủ yếu những nhóm này được đảng Dân Chủ lãnh đạo, các nỗ lực của họ cũng được các nhóm phi đảng phái và một số đảng viên Cộng Hoà ủng hộ.
Bà Tina Tchen, giám đốc điều hành nhóm Time’s Up Now, một nhóm chống lại các hành động quấy rối tình dục nơi công sở, cho biết, phòng tác chiến sẽ vạch ra những định kiến và những tin nhảm về ứng cử viên phái nữ ở cả hai đảng trong danh sách ứng viên.
Các nhóm này cho biết sự truy xét kỹ lưỡng về một ứng cử viên phó tổng thống là bình thường, nhưng phái nữ thường bị phê phán nhiều hơn một cách bất công như thường quá nhạy cảm, yếu đuối, hay không đủ tiêu chuẩn, hay vì diện mạo hay phong thái của họ trong khi những điều này các ông được lờ đi. Những trận tấn công thường gồm những hành động bôi nhọ sai sự thật, những việc này không những gây tổn hại đến cuộc vận động mà còn làm cho phụ nữ ngại ngùng không dám ra tranh cử.
Bà Christine Todd Whitman, cựu thống đốc tiểu bang New Jersey và thuộc đảng Cộng Hoà, cho rằng ứng cử viên cùng liên danh với ông Biden sẽ trở thành tâm điểm của các chiến dịch “bẩn thỉu” trên mạng xã hội do những kẻ du côn trên mạng.
Bà Whitman cho biết “Nó sẽ trở nên dã man bởi vì các cương lĩnh mạng cho phép thiên hạ sử dụng chúng một cách nặc danh và nói bất cứ điều gì họ muốn nói trong khi không phải lộ danh tướng.”
Nếu đắc cử, bà Harris sẽ trở thành phó tổng thống Da đen đầu tiên của Mỹ. Mẹ của bà người gốc Ấn Độ và cha bà người gốc Jamaica. Bằng đó đủ để khơi dậy không những sự kỳ thị về giới tính mà còn cả những bình luận phân biệt chủng tộc vây quanh sự tranh cử của bày.
Bà Harris, sinh trưởng ở Oakland, California, đã từng là nạn nhân của những tin đồn thất thiệt trên mạng trong hơn một năm qua như cho là bà không đủ tư cách để trở thành tổng thống vì cha mẹ bà không phải là người sinh trưởng ở Mỹ. Gần đây hơn, những người dùng Facebook còn thêm mắm thêm muối vào các thông tin sai lệch ấy, cho rằng vì bà Harris không đủ điều kiện để trở thành tổng thống, nếu ông Biden vì lý do gì đó không thể hoàn tất nhiệm kỳ, chiếc ghế tổng thống sẽ tự động rơi vào tay bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ Viện, đảng Dân Chủ.
Điều đó không đúng sự thực tí nào – bà Harris sinh ra tại Mỹ, điều kiện ắt có và đủ để trở thành tổng thống Hoa Kỳ – vậy mà thông tin sai lệch này đã được chia sẻ bởi hàng ngàn người trên Facebook. Facebook đã dán nhãn các bài đăng này là sai, nhưng không xoá vì dựa trên các nguyên tắc riêng của họ.
Thông tin sai lệch gợi lại những thuyết âm mưu vào năm 2008 xoay quanh Barack Obama của đảng Dân Chủ, tổng thống người Da đen đầu tiên của Mỹ, cho là ông sinh ra ở Kenya, không phải ở Mỹ. Những thuyết này được Donald Trump, một ngôi sao truyền hình thực tế, phóng đại thêm và gom được nhiều sức hút trong lúc tranh cử đến nỗi ông Obama phải trình giấy khai sinh chứng minh là ông sinh ra ở Honolulu.
Những cuộc tấn công mới nhất nhắm vào tư cách công dân của bà Harris đã được nhấn mạnh trong một lá thư với chữ ký của hơn 100 nhà lập pháp nữ trên khắp thế giới gửi cho chủ tịch của Facebook Mark Zuckerberg và chủ tịch điều hành Sheryl Sandberg. Lá thư yêu cầu ban điều hành của Facebook phải xoá bỏ những thông tin sai lệch, cũng như gỡ bỏ những bài đăng hay tài khoản đe doạ phụ nữ.
Lá thư trình bày “phần lớn các nội dung tấn công phụ nữ trên Facebook được khuếch đại bởi thuật toán của công ty quý vị. Các thuật toán này thường giúp những quan điểm càng cực đoan càng nguy hiểm chừng nào sẽ có khả năng làm cho nhiều người xem hơn”. Lá thư này được dân biểu Jackie Speier, D-Cali khởi xướng .
Cô Cindy Southworth, người đứng đầu về sự an toàn phụ nữ của Facebook, cho biết công ty sẽ hợp tác với các nhà làm luật để “tìm những giải pháp mới”.
Cô nói thêm “Bạo hành phụ nữ trên mạng là một vấn đề nghiêm trọng, một vấn đề mà chúng ta phải đối phó với trên nhiều mặt trận – qua kỹ thuật để xác định và gỡ bỏ những nội dung có tính cách bạo hành từ trong trứng nước, bằng cách thực thi các chính sách nghiêm ngặt, và bằng cách trao đổi với các chuyên gia để đảm bảo chúng ta luôn đi trước một bước với những chiến thuật mới.”
Vậy mà chỉ vài phút ngay sau khi bà Harris được công bố là ứng cử viên đứng chung liên danh với ông Biden, các trang mạng xã hội ủng hộ ông Trump và các hãng thông tấn bảo thủ đã tuyên bố bà Harris gọi ông Biden là “kẻ phân biệt chủng tộc” trong cuộc tranh luận trên truyền hình của đảng Dân Chủ vào năm ngoái. Trong thực tế, bà Harris nói, “Tôi không nghĩ ông là kẻ phân biệt chủng tộc,” trước khi tiếp tục chỉ trích sự phản đối của ông Biden về những chính sách quanh vấn đề xoá bỏ phân chia học sinh theo vùng.
Con đường đi đến việc trở thành ứng viên đứng chung liên danh với ông Biden đầy rẫy những trận tấn công nhằm gây hiểu lầm cho những phụ nữ trong danh sách có thể được ông chọn .
Cựu cố vấn an ninh quốc gia, bà Susan Rice, đã từng bị gán là đã phạm tội khi còn tại chức, và Thống đốc Dân Chủ Gretchen Whitmer, người đã ra các lệnh cấm túc tại gia nghiêm ngặt trong năm vì COVID, đã bị gán vào người những câu chế giễu cũng như các hình ảnh giả tạo ví bà như Adolf Hitler hay là “nữ hoàng độc ác.”
Giáo sư truyền thông chính trị Sarah Oates tại đại học Maryland nói, bà Harris chắc là phải chuẩn bị cho những cuộc tấn công dữ dội sắp tới sau khi thấy những gì xảy ra trên mạng xã hội năm 2016,, .
Bà Oates nói thêm “Bà ấy sẽ bị phỉ báng, bất kể bà ấy là ai. Năm 2020 mọi người đã hiểu và nhận thức về chuyện đó nhiều hơn. Nhưng không có nghĩa là sự việc sẽ đỡ hơn, nhưng tối thiểu bạn cũng thấy được những độc tính của nó.”
Người dịch: Minhly Pham
Biên tập: Khiêm Nguyễn