Vụ Trịnh Xuân Thanh: Nghi can bị bắt ở Praha là có quan hệ họ hàng với ông Đào Quang Trịnh, Lãnh sự danh dự của CH Séc tại Hải Phòng

0
6139
Văn phòng chuyển tiền QUANG MINH của ông Nguyễn Hải Long tại Chợ Sapa Praha
Thoi báo.de
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã có thêm nhiều thông tin thú vị. Khoảng 17h30 ngày 17/8/2017 nhiều xe cảnh sát Séc (cả công vụ lẫn dân sự) đã ập vào chợ Sapa Praha và tiến hành kiểm tra văn phòng chuyển tiền MoneyGram. Cũng trong ngày, từ 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều 9 cảnh sát điều tra và 2 phiên dịch Séc-Đức hỏi cung liên tục không nghỉ với anh Bùi Quang Hiếu, chủ nhân xe chở Trịnh Xuân Thanh nghi bị bắt cóc tại Đức.
Vụ Trịnh Xuân Thanh: Nghi can bị bắt ở Praha là có quan hệ họ hàng với ông Đào Quang Trịnh, Lãnh sự danh dự của CH Séc tại Hải Phòng

Văn phòng chuyển tiền QUANG MINH của ông Nguyễn Hải Long tại Chợ Sapa Praha

Cảnh sát Séc đã kiểm tra kỹ lưỡng văn phòng và mang đi nhiều đồ trong các bao tải đen. Cuộc kiểm tra và niêm phong kéo dài đến gần 20 giờ cùng ngày. Nhiều nhân chứng nhận ra một người đi cùng bị còng tay, đó là anh Nguyễn Hải Long, đứng tên thuê văn phòng này trong chợ Sapa. Ban quản lý chợ từ chối bình luận về vấn đề này.

Đầu mối Nguyễn Hải Long

Đương sự đã bị bắt ngày 13/8/2017. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, nhưng chủ yếu vì nghiệp vụ, cảnh sát vẫn để nguyên chưa khám xét văn phòng mà chờ đến tận 17/8.

Khi đến tạm giữ xe của Hiếu Bùi, Multivan VW (Volkswagen) – biển số 2AB-3140, ngày 28/7/2017, cảnh sát đã biết, người đứng tên mượn xe là Nguyễn Hải Long, đứng tên văn phòng chuyển tiền MoneyGram trong chợ. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn không động tĩnh gì mà chỉ hỏi cung bình thường như nhân chứng.  Mãi đến ngày 13/8/2017 Long mới bị tạm giam để phục vụ cho mục đích điều tra tiếp theo. Cảnh sát hiện chưa tiết lộ, long mượn xe cho ai và ai mới là người lái xe trực tiếp sang Đức trong vụ Trịnh Xuân Thanh.

Văn phòng này trước kia là tiệm cắt tóc của chị Hạnh và nó được chuyển nhượng lại cách đây hơn 3 năm. Một số doanh nghiệp kinh doanh gần đó cho biết, khách hàng chủ yếu của văn phòng chuyển tiền này là người chuyển tiền từ Việt Nam sang. Anh Nam, người ra vào quán Bingo cạnh văn phòng cho biết, một số quan chức hay doanh nhân Việt Nam sang châu Âu chơi bạc hay chuyển tiền thì cứ đến văn phòng lấy tiền sau chuyển ở đầu Việt Nam là được.

Một số người kinh doanh trong chợ cho rằng, Long chỉ đứng tên văn phòng chuyển tiền này. Chủ nhân thực sự của văn phòng chuyển tiền MoneyGram này không phải Long mà có thể là chú của Long, ông Đào Quốc Oai. Vai trò của ông Oai trong vụ mượn xe hay bắt cóc Trịnh Xuân Thanh thế nào là một trong hướng điều tra của cảnh sát.

Ông Oai quê quán tại Châu Giang, Hưng Yên. Trước đây ông đang sang Đức. Tại đây ông bị vướng vòng lao lý một thời gian và sau đó về Séc kinh doanh.

Ông Oai có gia đình khá mạnh về tài chính, quan hệ tại Việt Nam. Gia đình có sàn nhảy “bất khả xâm phạm” nổi tiếng tại Hải Phòng. Anh trai đang làm chức cảnh sát kinh tế tại thành phố này. Một số người còn đồn thổi, gia đình này khá thân cận cả với Bộ trưởng công an Tô Lâm.

Anh cả Đào Quang Trịnh* là Đại sứ danh dự của Séc tại Việt Nam. Ông Trịnh được biết đến với mối quan hệ rất rộng kể cả với quan chức cao cấp. Rất nhiều người trước đây đã phải nhờ vả sự giúp đỡ của ông khi muốn có visa sang Séc. Trong vụ lùm xùm cấp visa của Séc trước đây trên sân Golf, một số thông tin cho rằng nó cũng liên quan đến ông.

Bùi Quang Hiếu “vào lò quay”

Cảnh sát Prag và Đức thẩm vấn chủ cho thuê xe Bùi Quang Hiếu 

Trao đổi với Vietinfo.eu, ông Bùi Quang Hiếu, chủ nhân chiếc xe  Multivan VW – biển số 2AB-3140 được cho là chở Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Đức, cho biết thêm về vụ hỏi cung vừa qua. Ba nhân viên cảnh sát hình sự đến văn phòng và chở ông Hiếu về phòng lấy cung (lời khai) tại phòng điều tra Trung tâm Praha.

Ông Hiếu cho biết, mới thoạt vào đã bị sốc. Đội hình thẩm vấn quá hùng hậu. Trong bàn dài cho 12 người gồm đương sự, 6 cảnh sát điều tra Séc, 3 nhân viên điều tra từ Đức, một phiên dịch Séc–Việt và một phiên dịch Séc-Đức. Ngoài ra, ngoài hành lang còn một đội ngũ đông đảo cảnh sát và bảo vệ nữa.

Ông cho biết “cảnh sát hỏi cung tôi liên tục đến 15 giờ và chỉ nghỉ 4 lần, mỗi lần 5 phút để đi vệ sinh. Mỗi lần đi vệ sinh cũng có 2 nhân viên đi theo”.  “Chỉ duy nhất là họ không cùng vào phòng vệ sinh để giám sát”, ông cười và nói thêm.

Những câu hỏi thường lệ của bên điều tra xoay quanh mốc 20/7/2017 đến 27/7/2017 như mối quan hệ với anh Long mượn xe, về cá nhân người này, anh Oai, nhóm bắt Trịnh Xuân Thanh nhận dạng một số ảnh….

“Về phần này, như thoả thuận với cảnh sát tôi sẽ không thể tiết lộ điều gì cả” anh khẳng định.

Khi được hỏi anh về chiếc xe tạm giữ, ông Hiếu cho biết “qua vệ tinh, cảnh sát cho tôi biết, chiếc xe đang ở Đức và sau 2 tháng sau sẽ trả lại”.

Khi được hỏi ông làm gì với xe đó, sau một chút suy nghĩ ông cười “rất có thể tôi đổi biển số xe thành TXT 23-07 (ngày Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc trên xe này) để chở các VIP đi du lịch”.

Vụ án Trịnh Xuân Thanh đang được gấp rút điều tra. Phía Đức gia tăng áp lực với Việt Nam về kinh tế và ngoại giao trước bầu cử và “mất điểm” về an ninh. Phía Séc cùng đang điều tra, liệu cơ quan Đại diện của Việt nam tại Séc có dính lứu đến hay không.

Phía Việt Nam cũng không muốn mất một đồng minh chiến lược là Đức và EU. Hơn nữa hội nghị thượng đỉnh APEC sắp đến gần và Việt Nam không muốn mất mặt mình là nước không tôn trọng luật chơi, do đó sẽ tìm cách giải quyết vướng mắc này càng nhanh càng tốt.

Một lợi thế cho Việt Nam là có trong tay nhân chứng sống – Trinh Xuân Thanh. Nếu Thanh hoàn toàn thuần phục và nghe theo kịch bản của Việt Nam (kể cả khi trao trả lại Đức) thì đây chỉ là vụ vượt biên trái phép sau về đầu thú. Nếu không, tình hình sẽ còn phức tạp.

Minh Đức – Vietinfo.eu

* ông Đào Quang Trịnh, Lãnh sự danh dự của CH Séc tại Hải Phòng: https://www.haiphong.gov.vn/Portal/Detail.aspx?Organization=SNV&MenuID=468&ContentID=3851 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here