Vụ Tấn Công Điện Capitol Là Hồi Chuông Báo Thức Mà Lẽ Ra Nước Mỹ Không Cần

0
80

The NewViet Ngày 09-01-2021 (GMT +7)

ByHIẾU CHÂN

Nhà độc tài Dân túy được giới thượng lưu hỗ trợ có thể nhấn chìm nền Dân chủ

Larry Diamond (*) – Hiếu Chân dịch

Cuộc tấn công ngày hôm qua vào Điện Capitol của một đám đông cực hữu có thể chỉ gây thiệt hại nhẹ cho tòa nhà nhưng làm tổn thương nghiêm trọng uy tín của nền dân chủ Hoa Kỳ. Những kẻ thù độc tài của Hoa Kỳ đang hả hê. Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, nhắc lại phản ứng của Hoa Kỳ với các cuộc biểu tình dân chủ năm 2019 ở Hong Kong, đã gọi việc đám đông tràn vào Điện Capitol là một “cảnh đẹp”. Còn các đồng minh dân chủ của Hoa Kỳ, những người hiểu rõ tầm quan trọng của vai trò lãnh đạo dân chủ của Hoa Kỳ trong sự nghiệp tự do toàn cầu, đã bị chấn động mạnh khi thấy hình ảnh đám đông lưu manh xông vào trụ sở dân chủ quyền lực nhất thế giới vào ngày thực hiện nhiệm vụ hiến định quan trọng nhất: chứng nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống. Sau thảm họa này, giờ đây các nhà lãnh đạo chính trị và dân sự Hoa Kỳ phải đối mặt với một yêu cầu cấp bách là phải sửa chữa kết cấu của nền dân chủ.

Cuộc tấn công Điện Capitol là một thảm kịch, nhưng nó cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh. Tại thời điểm này, chưa có bằng chứng nào cho thấy đây là một âm mưu được dàn dựng cẩn thận bởi các lực lượng dân quân có tổ chức hoặc được đào tạo bài bản. Người ta rùng mình khi tưởng tượng chuyện gì có thể xảy ra nếu có một âm mưu như vậy. Nếu như một băng đảng những kẻ có đầu óc âm mưu và tàn ác đã có thể buộc các thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ phải phá đồ đạc trong nhà để tự vệ và di tản các văn phòng trong hỗn loạn, thì một cuộc nổi dậy nghiêm trọng sẽ còn gây ra chuyện gì nữa? Yêu cầu đầu tiên của bất kỳ nền dân chủ nào là phải an toàn về mặt vật chất và tự bảo vệ được — bảo vệ người dân, các quan chức công quyền và các thể chế của nó. Hãy ghi nhớ một cách sơ lược về thực tế đó, đất nước có thể tránh được một thảm kịch tồi tệ hơn nhiều trong tương lai.

Tuy nhiên, lẽ ra không nên tấn công cơ quan lập pháp chỉ để cảnh báo người Mỹ về những mối nguy hiểm rình rập ngay bên dưới bề mặt các diễn ngôn chính trị. Các nhà phân tích đã cảnh báo trong nhiều năm về sự xói mòn các chuẩn mực dân chủ của Hoa Kỳ và về khối cử tri bị phân cực sâu sắc ngày càng sẵn sàng dung túng hoặc chấp nhận bạo lực chính trị. Trong một cuộc khảo sát vào tháng 12-2019, nhóm nghiên cứu Vote Study Group cho thấy 1 trong 5 người Mỹ được xác định là đảng viên Dân chủ hoặc đảng viên Cộng hòa cảm thấy rằng bạo lực ít ra cũng sẽ được biện minh “một chút” nếu ứng cử viên của đảng đối lập giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Đáng lo ngại hơn nữa, khoảng 1 trong 10 thành viên của cả hai đảng nói rằng sẽ có “rất nhiều” hoặc “rất nhiều” lời biện minh cho bạo lực nếu bên đối lập thắng.

Loạt ảnh về sự kiện tấn công và đập phá trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ (Getty Images, AFP, AP, CNN)

Xã hội dân sự đã tập hợp để bảo vệ nền dân chủ

Trong khi các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa đều có vẻ chấp nhận khả năng bạo lực sau bầu cử, có một sự khác biệt lớn giữa hai đảng. Lãnh đạo đảng Cộng hòa – Tổng thống Donald Trump – tỏ dấu hiệu rằng ông ta sẽ bác bỏ kết quả bầu cử nếu thua. Liên tục trong suốt chiến dịch vận động năm 2020, Trump gây nghi ngờ sâu sắc độ tin cậy của cuộc bầu cử, bác bỏ các kết quả thăm dò bất lợi là “giả” và có những lời ám chỉ đáng lo ngại về gian lận trong cuộc bầu cử sắp tới. Những lời công kích không ngừng của Trump về tính liêm chính của việc bỏ phiếu qua thư và từ chối cam kết chấp nhận kết quả bầu cử đã làm gia tăng một cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp của cuộc bầu cử mà nhiều người, bao gồm cả tôi, đã cảnh báo trước. Tình huống khẩn cấp hiện nay, theo tựa đề cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Gabriel García Márquez, là biên niên sử về một cuộc khủng hoảng được báo trước.

Trong bốn năm qua, Trump là người đứng đầu cuộc đốt phá, đốt lên ngọn lửa tin đồn và phẫn nộ của chủ nghĩa dân túy. Sau một cuộc biểu tình bạo lực của phe da trắng cực hữu ở Charlottesville năm 2017, ông ta nhấn mạnh rằng ở cả hai bên của cuộc xung đột đều có “những người rất tốt”. Sau đó, ông ta đã đăng lại trên Twitter lời đe dọa sẽ xảy ra nội chiến nếu ông ta bị Quốc hội luận tội. Ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới, các nhà dân chủ nên suy nghĩ xem làm thế nào, ngay cả sau bốn năm lạm dụng liên tục các chuẩn mực dân chủ và bất lực thảm hại trong việc đối phó với đại dịch coronavirus, Trump vẫn có thể giành được nhiều phiếu bầu hơn bất kỳ ứng cử viên tổng thống nào trong lịch sử Hoa Kỳ trừ ông Joe Biden. Một phần của câu trả lời có liên quan đến những kẻ hỗ trợ và những kẻ đi theo Trump. Ngay cả một kẻ mị dân thượng thặng cũng không thể tự mình làm nên thắng lợi. Ông ta cần đồng bọn. Để lật đổ nền dân chủ cần có một đảng.

Trump có thể xa rời thực tế, nhưng những người trung thành xảo quyệt và đồng bọn của ông ta trong Quốc hội và trong chính quyền biết rõ những sự thỏa hiệp của họ với sự thật và sự trung thực. Họ vi phạm tội phổ biến nhất trong việc phá hủy nền dân chủ, là cái mà nhà khoa học chính trị quá cố Juan Linz gọi là “lòng trung thành một nửa”, tức là “sự sẵn sàng khuyến khích, khoan dung, che đậy, đối xử khoan hồng, bào chữa hoặc biện minh cho hành động của những người khác vượt ra khỏi giới hạn của nền chính trị hòa bình, hợp pháp… trong một nền dân chủ”. Hôm qua, nhiều người trong số những kẻ “trung thành một nửa” trong Quốc hội Hoa Kỳ vẫn tiếp tục ủng hộ nỗ lực vô căn cứ của Trump nhằm đảo ngược kết quả cuộc bầu cử, ngay cả sau khi tổng thống kích động cuộc biểu tình của những người cực đoan ủng hộ ông ta mang nỗi giận dữ và hùng hổ của họ tiến vào Điện Capitol – y hệt như ông ta đã khuyến khích những người biểu tình (một số người có vũ trang) tràn vào tòa nhà lập pháp tiểu bang Michigan hồi cuối tháng Tư.

Kể từ thời Hy Lạp cổ đại, các nhà lý luận chính trị đã băn khoăn về khả năng nền dân chủ sẽ nhường chỗ cho chế độ chuyên chế dân túy. Thiên tài – dù là sơ khai và không hoàn hảo – của nền dân chủ Hoa Kỳ là ở chỗ nó đã kiểm tra, cân bằng và phân tán quyền lực để một kẻ dân túy không thể trở thành bạo chúa. Nhưng sự kiểm tra bằng thể chế chỉ mạnh chừng nào người dân sẵn sàng thực thi chúng. Câu hỏi nổi tiếng của nhà thơ La Mã Juvenal vẫn tồn tại: “Ai sẽ bảo vệ chính những người bảo vệ?”

Ở một mức độ mà nhiều người chỉ trích Trump sẽ ngạc nhiên, các tòa án đã đưa ra một câu trả lời rõ ràng cho tình huống khó xử đó: không gì tốt hơn là họ đã bác bỏ hàng chục vụ kiện vô căn cứ thách thức kết quả bầu cử. Tuy nhiên, một mình ngành tư pháp không thể kiểm soát nổi kẻ chuyên chế dân túy và các phán quyết của tòa án đã không ngăn được đa số các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện và hơn một chục nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Thượng viện ủng hộ các thách thức độc địa của Trump đối với tính hợp pháp của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Phải đến tấn thảm kịch kinh hoàng của cuộc tấn công vào Điện Capitol của đám đông ngày hôm qua mới thuyết phục được một số người trong số họ (nhưng chỉ một số) rút lui ý kiến. Sức khỏe của nền dân chủ Hoa Kỳ hiện nay phụ thuộc một phần vào việc các chính trị gia đảng Cộng hòa cuối cùng có ngừng khuyến khích, bào chữa và biện minh cho các hành động của nhà lãnh đạo phi dân chủ này, người đã giúp đỡ cho các kẻ thù của nền dân chủ trong và ngoài nước hay không.

Nếu có bất kỳ tin tốt nào từ cuộc khủng hoảng kéo dài sau bầu cử của Hoa Kỳ thì đó là xã hội dân sự đã tập hợp để bảo vệ nền dân chủ. Một nhóm lưỡng đảng rất ấn tượng gồm hơn 40 cựu quan chức dân cử, bộ trưởng trong nội các và tướng lĩnh quân đội đã tham gia cùng các nhà lãnh đạo dân sự khác trong Hội đồng Quốc gia về Liêm chính trong Bầu cử (National Council on Election Integrity) thực hiện các nỗ lực vận động trị giá nhiều triệu đô la để bảo đảm rằng mọi lá phiếu đều được tính và làm thất bại mọi nỗ lực ăn cắp hoặc làm trật bánh cuộc bầu cử năm 2020. Khi giai đoạn căng thẳng này trong lịch sử Hoa Kỳ được viết ra, phần lớn công sức sẽ ghi cho những nỗ lực không mệt mỏi của các tổ chức như Issue One, Fix the System, Leadership Now, Protect Democracy, và Healthy Elections Project và cho những phân tích thẳng thắn và kịp thời của các chuyên gia bầu cử, bao gồm Ben Ginsberg, Edward Foley và Richard Pildes. Để nền dân chủ Mỹ được ổn định và đổi mới, thì nền dân chủ sẽ phải dựa trên nền tảng là sự tham gia của công dân có nguyên tắc và lưỡng đảng.

(*) Larry Diamond là nhà nghiên cứu cao cấp Viện Hoover và Viện Freeman Spogli về Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Stanford, California. Ông là tác giả sách: “Ill Winds: Saving Democracy From Russian Rage, Chinese Ambition and American Complacency”.

Nguồn: The Capitol Siege Is the Wake-up Call America Shouldn’t Have Needed | Foreign Affairs

The NewViet : https://thenewviet.com/vu-tan-cong-dien-capitol-la-hoi-chuong-bao-thuc-ma-le-ra-nuoc-my-khong-can.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here