Voi học giao tiếp 

0
43
   

Nguyen Thi Bich Nga

Sau tết, một bữa nắng xuân rọi qua ô cửa chiếu những ánh nắng lốm đốm xuống mặt bàn. Ly cà phê vợi nửa. Bầy chim riu ríu trên hàng cây bên đường trước cửa quán cà phê xinh xắn trên con phố nhỏ. Hai chị em đã yên lặng hồi lâu, cứ ngồi đó, chẳng làm gì. Mình thường tư duy rằng chỉ cần hiện diện bên nhau, hay nói đúng hơn là trong nhau, là đủ. Mình vốn là đứa trẻ không nói năng chi rúc kẹt cửa ôm cuốn sách mắt ngơ ngác sợ hãi run lẩy bẩy mỗi khi có ai đó đến gần. Nên mình yêu những lúc một mình hoặc những lúc ở bên ai đó cũng thích một mình. Thiệt dễ chịu.

“Có lẽ em cần phải đi học một khóa học cách giao tiếp chị ạ.” Mình phá vỡ sự im lặng.

Chị nhướng mày, cười toe ra mỗi khi mình mở miệng nói bất cứ cái gì, xong, gật gật ra vẻ đồng ý, lại cười nụ cười của kẻ vừa nhìn thấy một ý nghĩ vui nhộn gì đó lướt qua trong đầu. Mình nghiêng nghiêng mặt, nhìn chị bằng đuôi mắt, đón chờ coi bả nói cái gì.

“Ừ, ừ. hi hi. Bé Voi đi học giao tiếp với loài người.”

A câu này bất ngờ, mình cười chảy nước mắt. Vừa với lấy cái khăn giấy chậm nước mắt trên mặt, mình tồng tộc kể, không suy nghĩ.

“Ha ha.. Em tự kỷ mà chị. Gần cả đời em sợ người muốn chết, có giao tiếp đâu. Em không thể hiểu nổi được việc tại sao mọi người xung quanh em đều nói một đàng làm một ngã. Điều đó làm em sợ muốn chết. Em không sợ vì ghét bởi trẻ con đâu biết ghét là gì. Em sợ vì điều đó làm em quá hoang mang bối rối và nhiều lần bị la hoặc ăn đòn. Em cảm thấy bị lừa dối, phản bội mỗi khi đối diện với người nghĩ một đàng nói một nẻo làm một ngã. Sợ lắm. Nên em không dám lại gần ai hết. Ở nhà thì chui trong xó vườn, góc cửa mong cho đừng ai chú ý đến. Em thích một mình với lũ kiến hoặc một cái cây, cục đất nào đó. Chơi một mình vậy thôi. Em biết đọc từ rất sớm. Các anh chị đi học về học bài ở nhà em nghe hết và học theo, từ năm mấy tuổi không nhớ, nhưng em nhớ khá chi tiết từ năm lên năm tuổi đến bây giờ, thì năm lên năm tuổi em đã đọc sách. Hồi đó em không có sách thiếu nhi. Thỉnh thoảng mẹ mua cho một cuốn truyện mỏng lét kể chuyện cổ tích Việt Nam. Tấm Cám, Sọ Dừa..mà em đọc thấy không thích, không hiểu tại sao giết một ai đó lại có thể là hành động tốt đẹp, he he, mà em không biết hỏi ai nên không muốn đọc những truyện như thế. Mẹ thấy em không đọc thì mẹ đọc cho nghe, em toàn mong cho nhanh hết để trốn ra một góc đọc sách của ba hoặc của anh chị mượn đem về. Ba kệ em. Mẹ thì cấm. Bảo chưa tới tuổi đọc sách người lớn. Nhưng sách thiếu nhi vừa thiếu vừa chán nên em cứ lén canh mẹ không ở nhà hoặc đang mãi bận làm gì đó là lại lôi cuốn sách giấu trong kẹt ra ngấu nghiến. Như con nghiện. Ha ha. Em sống trong thế giới đó và giao tiếp với những nhân vật. Họ là chính họ qua từng chữ, từng chương, từng hồi và nó không làm em bị bối rối. Ha ha, tin nổi không, nếu em không là em thì em cũng không tin nổi từ năm tuổi em đã đọc đi đọc lại cuốn Trăm Năm Cô Đơn và Đèn Không Hắt Bóng. Bảy tuổi em đọc triết học Mác Lê, Tìm Đường Cứu Nước, Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng.. Tủ sách của ba có gì em chén hết. Ăn đi ăn lại. Ha ha. Giờ kể lại thấy điên bỏ mẹ.”

Chị cười chảy nước mắt. Tháo kính, lấy khăn lau.

“Thế thì bé Voi đi học giao tiếp với loài người là đúng quá rồi còn gì. Ha ha..”

“Thì thế nên mới cười không dứt được. Ha ha.”

“Ừ ừ. Học đi học đi. Nhưng mà em bây giờ cũng đâu phải là người không biết giao tiếp. Chị thấy Ngà giao tiếp ok mà. Trên Facebook, ngoài đời đầy bạn quý.”

“Ồ. Em mới bớt sợ và có bạn khoảng chục năm nay thôi chị. Trước đó em hoàn toàn cô đơn cô độc khép kín. Dĩ nhiên sống trong gia đình, đi học, đi làm, ra đường thì em phải tiếp xúc rồi. Nhưng em hạn chế nó đến mức tối thiểu. Em chọn bàn cuối trong lớp, góc trong cùng, ngồi một mình hoặc nếu lớp đông phải ngồi cùng bàn thì  cố gắng tránh xa hết mức có thể. Không bao giờ bắt chuyện với bất cứ ai trước, trừ với ba, để khỏi phải nói chuyện, khỏi phải bị đụng chạm tiếp xúc. Ai mà ôm em vào lòng là em chết điếng. Không hiểu sao cái bà hàng xóm to bự đang ôm mình miệng nói thương quá cưng quá cho nựng miếng coi mà ngữ điệu âm vực giọng nói thì lại biểu lộ cái gì đó khác và hành động thì đang làm mình nghẹt thở sắp chết rồi. Một đứa trẻ làm sao giải thích được điều đó chị. Em không biết là mọi người không cảm nhận mọi thứ như em cảm nhận nên càng bối rối, không thể giải thích được tại sao họ lại như vậy mà mình thì lại như vầy.

Có việc phải đi giao tiếp thì em sẽ chọn ngồi góc khuất xa nhất. Xếp hàng thì luôn đi sau cùng, tới lượt hết thì thôi chả phàn nàn kêu ca gì chỉ để khỏi phải nói. Hồi T. biết em thì em đang như vậy. Em và hắn ngồi cà phê là chỉ mình T. nói, em gật gù, không hỏi không nói gì trừ khi T. hỏi. Em giao tiếp tốt hơn khi viết. Bởi em quen với chữ hơn lời. Em chẳng bao giờ kể cho ai nghe bất cứ chuyện gì của mình. Bị hỏi quá thì em tránh giao tiếp. Có lần vì không muốn tránh giao tiếp với một người bạn mà em quý nên em nói dối. Ngu và ăn hậu quả. Em sợ kinh khủng. Mấy chuyện này với người khác em thấy họ làm dễ quá mà em thì mỗi lần như vậy lại như địa ngục vậy. Sau này bớt sợ nhiều rồi. Mọi thứ mình đã trải dần dần làm cho mình hiểu, hiểu tới đâu bớt sợ tới đó nên về sau em có đông bạn hơn như chị thấy. Nhưng em luôn nhận thấy có một sự chênh và mãi em vẫn không học được.”

“Em thấy chênh chỗ nào?”

“Ưm. Ví dụ: em thấy mọi người thường quan tâm nhau kiểu hỏi thăm anh ăn chưa, em ngủ ngon không, hôm nay ăn món gì,.. Em thì không bao giờ hỏi những câu như vậy trừ khi em biết có một chuyện gì đó bất thường. Người đó ốm thì em sẽ hỏi, nếu họ cần bất cứ cái gì mà em có thì em sẳn sàng trao hết, còn bình thường thì thôi em chẳng nói năng chi đến hết, cho đến khi có việc gì đó. Bất cứ khi nào ở bên cạnh bất cứ một người nào thì em dành trọn vẹn với họ trong giây phút đó. Đứng dậy thì thôi. Giữ nhau trong lòng là được rồi. Còn những chuyện sinh hoạt hằng ngày thì em không quan tâm vì từ nào giờ chính bản thân em cũng có quan trọng những chuyện đó đâu. Em không hỏi người khác, không giao tiếp được với họ theo cách đó. Em cảm thấy tự do và tôn trọng họ và cả chính em khi em làm như vậy. Em tưởng rằng mỗi người có cách quan tâm khác nhau thì ai biết cách nào thì cứ làm cách đó. Nhưng không phải vậy. Cái việc không nói năng chi đến của em làm cho nhiều người nghĩ em không quan tâm. Em cũng bị trách, hờn, bồ đá, hiểu sai, hiểu lầm, chửi mắng, blah blah nhiều cũng chỉ vì, chẹp, không biết giao tiếp.”

“Chị thì thấy không có vấn đề gì.”

“Ấy là vì chị lắng nghe. Chị hiện diện, ở đây, khi em nói. Nhiều khi em nói xong người nghe trả lời một câu trớt quớt thì em biết lúc em nói họ không thực sự nghe. Họ nghe có một nửa, một phần ba..tùy theo câu trả lời của họ mà em biết họ nghe, đọc mấy phần. Còn chị thì bình thường tâm trí lang thang đi đâu em không biết, nhưng em để ý thấy mỗi khi em nói thì chị tập trung chăm chú lắng nghe, chị hiểu điều em nói. Thật ra có những điều không cần nói. Em thích như vậy hơn.”

“Mình thích thì mình làm thôi.”

“À, chỗ này, mâu thuẫn nảy sinh giữa cái thích và cái cần. Công việc của em hiện tại cần giao tiếp nhiều. Từ cái chỗ sợ người hơn tất thảy mọi thứ trên đời em đi đến cái chỗ ngày nào cũng gần gũi đụng chạm lên gần như toàn bộ thân thể bệnh nhân và cả tâm trí của họ. Những chỗ đau trên thân thể, những vết sẹo trong ký ức, những tổn thương mới hình thành, thông qua việc xúc chạm và lắng nghe em nhìn thấy cảm nhận được. Với người bệnh nào em cũng cần chia sẻ với họ kiến thức chăm sóc sức khỏe và cách để tự giải quyết vấn đề trong đời sống. Nhưng mỗi khi chia sẻ thì em nhận thấy hiệu quả không cao. Có người thì vì tâm trí họ lang thang. Có người thì vì phản ứng phòng vệ. Có người thì vì em chưa khéo. Em muốn học một lớp nào đó để có thể biết cách giao tiếp hài hòa hơn với mọi người. Em muốn làm tốt công việc hiện tại thì phải học. Vả lại dạo sau này mất nhiều bạn quá, những người em yêu, nên ngày em càng thấy cần phải học.”

Gần cuối năm rồi vẫn chưa học khóa giao tiếp nào hết chèn ơi ở đó mà nhiều chuyện à 

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here