VN muốn có nhiều HCV, Chính phủ đừng chi xu nào cho các VĐV

0
47

Giang Công Thế

Tuyển bóng đá nữ vừa về nhà trong vòng tay của những người hâm mộ, những buổi đón tiếp và gặp gỡ với Thủ tướng, lễ mừng công, bằng khen, diễu hành trên xe buýt mui trần. Báo chí, MXH khen ngút ngàn.

Như thường lệ, chúng ta lại kêu gọi nhà nước phải đầu tư nhiều hơn nữa, nuôi các mầm giống cho quốc gia. Thói quen dùng tiền “chùa” đã lây lan sang nhiều lĩnh vực kể cả thể thao.

Hoa Kỳ giầu mạnh nhất thế giới kể cả kinh tế và quân sự, thể thao cũng không kém. Thế mà Chính phủ không phải bỏ ra một xu lẻ kinh phí nào cho vận động viên, nhưng vẫn có thể bội thu huy chương trong những cuộc tranh tài đỉnh cao.

Trong 28 Olympic mùa Hè kể từ năm 1896 tại Athens đến Tokyo 2020, trừ năm 1980 tại Moscow do phản đối Liên Xô nên không tham dự, Mỹ đã 19 lần xếp thứ nhất về số huy chương, 10 Olympic còn lại xếp thứ 2 hoặc 3. Tổng số huy chương là 2.945, trong đó có 1170 huy chương vàng.  

Như nhiều quốc gia trên thế giới, Hoa Kỳ có Ủy ban Olympic quốc gia (United States Olympic Committee – USOC). Nhưng có điều, USOC hoạt động nhờ vào kinh phí đi… xin, do các cá nhân, tổ chức, các công ty tài trợ trong khi chính phủ không dành cho một xu lẻ nào.

Nếu Tổng thống ký chi tiền thưởng cho các vận động viên được huy chương Olympic thì phải lấy từ tiền túi của ông ta. Tiền thuế của dân không thể chi cho thể thao dù các cuộc thi quốc tế mang lại màu cờ sắc áo cho đất nước, trừ cuộc thi cho người thương tật từ quân đội được hưởng lợi từ ngân sách nhà nước. Tiền thuế không trả cho hobby của bạn và có thể làm giầu cho bạn.

Các vận động viên Mỹ đến Olympic hay đá bóng bằng kinh phí… đi xin.

Tuy vậy, nhà nước có chính sách về qui hoạch đô thị, kiến trúc cảnh quan, công viên cây xanh, khu vui chơi công cộng… tất cả nhằm mục đích cho mỗi người dân được hưởng một cách công bằng về cơ hội trong hoạt động thể thao và rèn luyện sức khỏe.

Trong khu nhà liền kề hay chung cư nhất định phải có công viên, các sân chơi tennis, bóng đá, bóng chuyền, đường đi xe đạp. Tiền xây dựng và bảo trì lấy từ kinh phí thuế của địa phương.

Các trường phổ thông từ tiểu học đến đại học đều có chuẩn tỷ lệ về cây xanh, sân chơi hay nhà tập thể thao. Điểm thể dục là một điểm quan trọng trong học bạ của học sinh.

Nhiều công viên do các nhà hảo tâm hiến tặng. Ở Washington DC, giữa sông Potomac có đảo Roosevelt, một vị tổng thống Hoa Kỳ, do chính gia đình ông hiến tặng, hiện là khu bảo tồn thiên nhiên.

Chính phủ tạo ra môi trường, các quận đều có những trung tâm thể thao miễn phí hoặc trả phí rất nhỏ, dân chúng tự chọn môn thể thao. Nếu theo học tại các trung tâm chuyên nghiệp thì tiền trả nhiều hơn.

Nhà tôi từng có hai con theo học karate tại quận với phí 60$/tháng. Một cháu trả 40$/tháng, cháu thứ hai được giảm 50% tương đương với 20$. Nếu học lớp tư nhân thì giá sẽ là vài trăm đô/người tùy nơi.

Có anh bạn Danh Nguyen, chuyên IT gốc Việt làm việc ở California, khoe vui trên Facebook tham gia chạy marathon tại tiểu bang. Với khẩu hiệu “Trump chạy được thì mình cũng chạy được” ý nói ai cũng có thể tham gia.

Tuy nhiên, tham gia phải đóng phí, mua áo, giầy, huy hiệu. Nếu ở xa phải tự mua vé, thuê khách sạn, chi phí lên hàng ngàn đô. Anh bạn tự hào đã chạy 42 km hết 4 giờ 34 phút về tới đích.

Vụ đánh bom vào marathon ở Boston mấy năm trước, có anh bạn đồng nghiệp cùng phòng cũng tham gia. Về chậm 30 phút thì anh chắc dính bom.

Những người như các anh phải chạy mỗi tuần ít nhất từ 20 km đến 40 km. Nếu dự marathon quốc gia thì các vận động viên về đích với một số giờ nhất định.

Cuộc đua quốc tế tại Mỹ có giải thưởng 200.000 USD cho người về nhất, nhưng hầu hết người ta coi được dự là chứng chỉ về sức khỏe, tự hào đã vượt qua 42 km. Phong trào “tự phát” như thế nên nước Mỹ sinh ra những vận động viên quốc tế.

Nhiều HCV như Michael Phelps thì chẳng sợ thiếu tiền tài trợ.

Dự Olympic, đoàn Mỹ thường đông đảo nhất, khoảng trên 500 người. Chi phí vé máy bay, ăn ở đi lại do USOC tài trợ tối thiểu, còn nhu cầu khác phải tự lo.

Vì USOC dùng tiền tài trợ nên phải rất rõ ràng, không thể có chuyện sang Tokyo hay Bắc Kinh đi shopping trong vai quản lý. Không dùng tiền đúng mục đích thì chẳng ai mở hầu bao lần sau.

Mỗi lần có thế vận hội, bóng đá thế giới cả nam và nữ, các vận động viên thường lên mạng kêu gọi tiền tài trợ cho bản thân, ông bầu, và đôi khi cả gia đình.

Trường hợp bóng đá, nếu ở Mỹ có thể nhờ hiệp hội bóng đá Hoa Kỳ tài trợ. Viết thư cho người ta nói khéo và thuyết phục là họ giúp ngay nếu nhìn thấy tiềm năng.

Nếu được huy chương vàng thì lần sau sẽ được các tài trợ đến tận nhà, cho tiền đi dự thi, với điều kiện phải dùng áo mũ của họ… đại loại là một kiểu quảng cáo, thành triệu phú như chơi. Nhưng trước đó phải là sự nỗ lực cá nhân và phải có tài năng thực.

Đừng nghĩ các vận động viên Mỹ đi thi đấu Olympic có tiền đầy túi. Nhiều người phải xin tài trợ, có người bỏ cả việc làm để liều một cú.

Năm 2016 anh Brigman gửi thư đi 20 công ty xin tài trợ, chỉ có một phản hồi, nhưng chỉ là họ báo không có tiền. Tuy vậy, anh vẫn bỏ việc để xin tiền đi thi Rio. “Tôi phải chọn hoặc là đi Rio cùng với đội tuyển hoặc việc làm. Khi nói thi đấu vì đất nước thì chẳng ai nghĩ thêm lần nữa”, Brigman nói với báo giới.

Nếu được huy chương vàng thì ngoài số tiền 25.000USD (phải đóng thuế khoảng 30%) sẽ có những hợp đồng quảng cáo đôi khi là đổi đời. Để làm nên phút lịch sử thì sự cố gắng hàng chục năm trước đó, chưa kể nhiều môn phải bỏ tiền túi ra đầu tư khá tốn kém.

Trong hơn 500 người đi dưới cờ hoa, không phải ai trở về cũng có nụ cười như vận động viên bơi lội Michael Phelps (sinh 1985). Anh đoạt tới 65 huy chương vàng trong các cuộc thi quốc tế, trong đó có 22 huy chương vàng Olympic. Con số này còn tăng lên, anh là triệu phú đô la do bơi cũng chẳng ai ngạc nhiên.

Nếu biết Phelps sinh ra trong gia đình có bố mẹ ly dị, khi vào lớp 6, anh lại bị vấn đề tự kỷ, tăng động và không tập trung (attention deficit hyperactivity disorder – ADHD), nhưng được chị gái động viên, anh đã tập bơi kiên trì. Ở tuổi lên 10 đã giữ kỷ lục quốc gia về bơi bướm.

Anh khuyên bạn trẻ “You can’t put a limit on anything. The more you dream, the farther you get. – Đừng đưa ra một điểm dừng nào cả. Càng mơ ước nhiều, bạn càng tiến xa”.

Michael Phelps và đội tuyển Olympic Mỹ không có đội ngũ đông đảo các nhà quản lý đi theo, bởi đồng tiền bát gạo lấy từ túi của chính họ, người hâm mộ, nhà hảo tâm và tài trợ, không có chuyện một thành viên đi dự chỉ để du lịch miễn phí.

Thi đấu Olympic hay bóng đá nữ không cần ngân sách nhà nước như Hoa Kỳ mà đội tuyển vẫn thành công nhất thế giới. Đó là điều cần suy nghĩ khi phát triển phong trào thể thao nghiệp dư như dự định ban đầu của các nhà tổ chức Olympic tại Athens năm 1896.

HM Cua

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here