‘Viết Về Ngư Dân Việt Nam,’ bài hát bị CSVN kết tội

0
113
Nhạc sĩ Tuấn Khanh. (Hình: Facebook)
Vũ Đình Trọng/Người Việt
Nhạc sĩ Tuấn Khanh. (Hình: Facebook)

WESTMINSTER, California (NV) – “Bài ‘Viết Về Ngư Dân Việt Nam’ tôi viết từ năm 2011 sau nhiều năm tôi chứng kiến ngư dân Việt Nam ra biển bị bắt cóc, đòi tiền chuộc, bị đâm chém, bị giết, bị cướp, thậm chí bị bắn, rồi có những người thiệt mạng đem xác trở về, mà sau đó nỗi đau là cái mà người Việt Nam hoàn toàn gánh chịu.”

Đó là lời của nhạc sĩ Tuấn Khanh nói về bài hát “Viết Về Ngư Dân Việt Nam,” hay còn được gọi một cái tên khác là “Biển Đông,” khi mới đây bài hát này bị nhà cầm quyền Việt Nam cho là “Bài hát ‘Viết Về Ngư Dân Việt Nam’ của tác giả Tuấn Khanh trong dĩa CD nhạc thu giữ khi khám xét tại chỗ ở của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ‘mang nội dung kích động nhân dân phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, truyền bá tư tưởng, văn hóa phản động.’”

Cáo buộc này nằm trong cáo trạng của Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa do Phó Viện Trưởng Nguyễn Thanh Hào ký ngày 31 Tháng Năm vừa qua.

Đây không phải là bài hát đầu tiên mà nhạc sĩ Tuấn Khanh viết cho đồng bào, cho đất nước.

Từ năm 2006, khi những cuộc biểu tình đầu tiên của người dân Việt Nam nổ ra, người nhạc sĩ này đã viết bài “Trái Tim Việt Nam Của Tôi,” và ngay sau đó, anh bị công an mời lên làm việc.

“Người ta tức giận hỏi tôi rằng tại sao tôi lại viết một bài hát như vậy. Tôi không hiểu tại sao người ta lại tức giận như thế trong khi bài hát tôi chỉ muốn nói một chuyện là vì sao Trung Quốc lại xâm lược Việt Nam? Tôi cũng không hiểu tại sao chuyện đó lại kéo dài cho từng bài hát của tôi. Và không phải mới đây, ngay cả khi trung tâm Asia trình diễn bài hát của tôi, tôi cũng bị mời lên hỏi là tại sao, và tại sao tôi lại đưa bài hát đó cho Asia, rồi bài hát đó nói ý gì… Tôi phải tường trình hết, rồi phải ký nhận như một quan điểm của mình,” anh cho biết.

Khi “ký nhận như một quan điểm của mình,” có nghĩa là anh đã chấp nhận một bản cáo trạng nào đó ẩn giấu trong đó, mà Tháng Năm vừa qua nó đã được bộc lộ ngay trong bản cáo trạng dành cho blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Ở một đoạn khác trong bản cáo trạng viết: “Ngoài ra Nguyễn Ngọc Như Quỳnh còn tàng trữ tại nơi ở của mình một tập thơ có tiêu đề ‘Bài Thơ Một Vần’ của tác giả Bùi Chát và một dĩa CD nhạc chứa bài hát ‘Viết Về Ngư Dân Việt Nam’ của tác giả Tuấn Khanh có nội dung tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam.”

Đây là lời bài hát bị cho là “mang nội dung kích động:”

“Đêm nay gió lên rồi
Mà đường về xa lắm em ơi
Biển xanh nay nghe tù tội
Phận người theo con sóng trôi.

Chim ơi bay phía chân trời
Gửi lời này đến quê tôi
Quê tôi xa xôi vời vợi
Nước mắt rơi thành lời

Ngửa mặt lên trời
Như xác ngư dân trôi ngoài biển khơi
Trôi theo con sóng vỗ
Trôi theo phận nước tôi

Tiếng thở than nào
Trên áo tang đẫm máu
Có tiếng ai về sau
Hay linh hồn nghẹn ngào?

Đêm nay gió lên rồi
Đời người buồn lắm em ơi
Biết đâu tương lai mà đợi
Từng ngày nhìn con sóng trôi

Ai đang ngóng con thuyền
Vật vờ phía khơi xa?
Trôi theo con sóng xô
Trôi theo phận nước tôi

Ngửa mặt lên trời
Như xác ngư dân trôi ngoài biển khơi.
Trôi theo con sóng vỗ
Trôi theo phận nước tôi

Biết về nơi nào
Khi biển xanh nhuốm máu.
Ai mang chung niềm đau
Khi nước Việt nghẹn ngào?”

Một phần của bản cáo trạng dành cho blogger Mẹ Nấm. (Hình: Facebook)

Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho biết: “Không phải chỉ có tôi mà rất nhiều người khác làm trong lãnh vực nghệ thuật rất ngạc nhiên. Tôi nghĩ trong tất cả các án lệ chính trị khi người ta phải khó khăn lắm để buộc tội một ai đó, người ta mới kéo vào những thành tố có liên quan đến vấn đề về thưởng thức văn học nghệ thuật trong đó. Rõ ràng bản cáo trạng đó muốn làm dầy lên tất cả những giá trị được gọi là sự khác biệt về quan điểm chính trị, và hành động mang tính bất đồng chính kiến. Người ta phải làm dày thêm bằng cách bổ sung thêm tất cả những giá trị khác về thi ca, âm nhạc. Đột nhiên tôi và thi sĩ Bùi Chát trở thành hai nhân vật đóng góp vào chuyện tạo thành mức án cho cô Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.”

“Trên đất nước này sau hơn 40 năm được thống nhất về mặt địa lý, vẫn có một điều làm cho người ta hiểu rằng có một cơ quan nào đó, hay những nhân vật nào đó luôn giám định tư tưởng người khác, đó là công việc người ta vẫn không hiểu nổi đó là công việc gì. Bởi vì giám định tư tưởng, hay giám định về suy nghĩ, nhận định về tinh thần chỉ dành cho các trại tâm thần mà thôi. Chứ còn ở một xã hội bình thường thì người ta không giám định tư tưởng,” anh nói.

“Như thế, có thể nhận ra rằng, bất cứ người dân nào trong nước, khi nói lên tiếng nói khác với quan điểm của nhà nước, hay đề cập đến những vấn đề nhà nước không muốn đề cập, đều mang cho mình một bản cáo trạng, với những từ kết tội chung chung ‘phá hoại khối đại đoàn kết,’ hay ‘kích động thù hằn dân tộc’…” anh nói tiếp.

“Khi ngư dân bị bắt cóc, đòi tiền chuộc, bị đâm chém, bị giết, bị cướp, thì chúng ta chỉ nhận vài lời phản đối nhẹ nhàng của Bộ Ngoại Giao, Trung Quốc không buồn trả lời những điều đó. Khi tôi viết về biển Việt Nam nhuốm máu, và không còn bình yên nữa đối với những người Việt Nam đã ngàn đời sống với biển, thì tôi lại nhận được một câu là ‘phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.’ Tôi không hiểu người Việt Nam và Trung Quốc có khối đại đoàn kết từ lúc nào. Với tôi đó là câu hỏi, và tôi vẫn còn đợi một lúc nào đó khi ai đó chất vấn tôi, tôi xin được hỏi rằng khối đoàn kết dân tộc Việt Nam-Trung Quốc từ đâu mà ra, và tôi đã làm sao để phá hoại khối đại đoàn kết đó khi tôi nói về nỗi đau của dân tộc mình!,” anh nói thêm.

Với bài hát này, nhạc sĩ Tuấn Khanh nhận được nhiều lời chia sẻ đồng cảm trên Facebook cũng như ngoài đời.

Tuy vậy, anh cũng nhận được một câu chất vấn từ nhiều người: “Tại sao nhạc sĩ viết và hát nhiều bài ‘phản động’ như thế trong hơn 10 năm mà vẫn không bị tù? Có người chống lưng hay chính anh là người của công an?”

Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho biết: “Chuyện hôm nay người ta sử dụng mình cho một bản án với người khác, hay ngày mai người ta giữ mình ở đó để chờ một bản án thì đó là hành động của nhà nước, người dân không thể kiểm soát được. Không phải lần đầu tiên tôi nhận được câu hỏi này, nhưng quả thật bài hát ‘Biển Đông’ không phải là bài hát đầu tiên tôi nhận được lời nhận định như vậy.”

“Tôi từng viết bài ‘Án Tù Cho Nghệ Sĩ Có Sợ Không?’ trên BBC, ngay lúc đó tôi đã thăm dò rất nhiều người đại để rằng giữa đổi một chuyện là (1) chúng ta sẽ im lặng, sống cuộc đời của mình, không màng điều gì khác ngoài miếng cơm manh áo, và những tư tưởng tu thân không màng đến thế sự, chỉ làm sao tốt cho bản thân mình, với việc (2) sống như một người nghệ sĩ tự do, sẵn sàng chấp nhận mọi chuyện nó đi đến. Tôi nhận ra rằng vẫn có một lớp nghệ sĩ chọn sự lựa chọn thứ hai,” anh nói.

“Tôi có những bạn bè như thế, và tôi cũng ‘lỡ’ có một hành trình như vậy rồi, không quay lại được nữa đâu. Lúc này tôi quay lại thì chắc tôi không đủ mặt mũi để nhìn thấy ai, và chắc chắn mọi người sẽ nói tôi là một loại người tráo trở. Tôi đã chọn một con đường. Không phải chỉ riêng tôi, mà nhiều người khác nghĩ rằng giờ này chuyện một mức án hay một cái gì đó sẽ đến với chúng tôi, thì phải chấp nhận nó thôi. Chúng ta không may khi có một nhà nước không nhìn nhận được, và không cảm nhận được sự khác biệt là một điều quý giá,” anh khẳng định./.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here