Đôi khi, sự… thiếu hiểu biết lại mang đến những cảm giác thật tươi mới. Tôi nhận thấy điều này khi một mình ngồi trong Việt Phủ Thành Chương.
Không phải tự nhiên, có những nhà nghiên cứu như Phan Cẩm Thượng hàng chục năm đi – về, ăn – ngủ trong chùa Bút Tháp. Mỗi khi, đi cùng các học giả như TS Nguyễn Xuân Diện hay các họa sĩ như Lê Thiết Cương, Bùi Hoài Mai… về các đình chùa Bắc Bộ, nghe các anh giải thích mới thấy sở học quá mênh mông.
Một đầu đao, bờ nóc hay một bậu cửa cũng chứa không biết bao nhiêu dằn vặt trong đời sống tinh thần người Việt.
Thành Chương quá xa xỉ khi tập trung về Việt Phủ một khối lượng các cổ vật rất đa dạng về chủng loại, thật phong phú về nguồn gốc. Có những cổ vật đã 4, 5 trăm năm tuổi, có cổ vật đã xuất hiện gần nghìn năm trong nền văn minh vật chất của người Việt [tất nhiên không thiếu những cổ vật của người Chăm, Mường, H’mong, Thái, Tày…].
Tôi không hiểu bằng cách nào để trên một diện tích chỉ hơn 8.000 m2, Thành Chương có thể xây được hàng trăm công trình lớn nhỏ. Ở đấy, có đình, có đền, có miếu… có cầu ao, có giếng nước, có đụn rơm… mà không hể thấy chúng chen chúc nhau, đối chõi nhau. Có lẽ nhờ triền dốc, những công trình ấy không nằm trên một mặt phẳng; nhưng chắc chắn phải nhờ vào đầu óc tổ chức mới có không gian kiến trúc ấy.
Rất nhiều không gian Việt sẽ dần dần biến mất trong công cuộc hiện đại hóa, trong khát vọng văn minh hóa và cả trong tiến trình trọc phú hóa[không tránh khỏi] của người Việt.
Không có sự đầu tư nào của nhà nước về văn hóa lại có thể kiến tạo cho ngày nay và cho ngày sau một “nơi trú ngụ tâm hồn Việt” như Việt Phủ. Đầu tư cho văn hóa vì thế không phải là tiền mà là không gian cho người tài tự do sáng tạo.
Thành Chương sinh 1948, học mỹ thuật từ năm 6 tuổi. Ít ai biết ông đã từng ở chiến trường chín năm. Hồ sơ quân nhân của ông khi chuyển ngành về tuần báo Văn Nghệ ghi: Nghề nghiệp, “Phá bom”; Chuyên môn kĩ thuật, “Hội hoạ”
Thành Chương từng là một trong những họa sĩ đương đại có tranh bán đắt nhất và chạy nhất. Ông vừa có tiền, vừa có khả năng sáng tạo, vừa sẵn sàng lao động cật lực về cơ bắp. Thành Chương cho biết, lúc đầu ông muốn bê nguyên xi từng kiến trúc Việt về Phủ. Nhưng rồi khi nhìn lại những công trình được dựng lên theo cách tiếp cận ấy, ông thấy không hài lòng. Cuối cùng, ông chọn cách thổi vào mỗi công trình cổ ấy thêm những dấu ấn của mình.
Nghe nói có vài “học giả” đến đây viết bài phê phán.
Tri thức thật là cần thiết. Nhưng đôi khi tri thức cũng có thể triệt tiêu cảm xúc. Tôi may mắn nhờ sở học không thấu đáo, không biết các “học giả” ấy viết đúng hay sai. Bởi tôi không đến đây đối chiếu với sách vở. Tôi đến đây như về nhà mình. Tôi đến đây để thấy, trên bất cứ “bình độ” nào cũng có thể ngồi xuống, ở bất cứ góc khuất nào cũng có thể nhận thấy sự tĩnh lặng. Dù biết, sự tĩnh lặng ấy sẽ nhanh chóng bị phá vỡ bởi ký ức nôn nao tự trong lòng mình.
PS: Trong khuôn viên Việt Phủ, Thành Chương vừa hoàn thành một bảo tàng tranh với một khối lượng các tác phẩm đồ sộ và hết sức độc đáo. Ông thường xuyên có mặt ở đây không phải như một nghệ sĩ lớn mà như một nông phu. Có được đồng bán tranh nào là lại xuất hiện thêm sáng kiến đào đắp. Dù khi được hỏi tương lai của Việt Phủ, ông chỉ lắc đầu, cười trừ. Cái Phủ mà chỉ riêng phần “vật thể” đã trị giá nhiều trăm tỷ đồng ấy không còn chỉ thuộc về Thành Chương nữa, nó đã trở thành một điểm đến của những ai muốn đắm mình trong không gian Việt.