Việt Nam: Thuế đất đô thị tăng vọt, người dân ‘sốc’

    0
    203
    Không ảnh một góc khu vực TP. Hồ Chí Minh.

    Người dân ở một số quận thuộc thành phố Hồ Chí Minh nói họ “sốc” về mức thuế đất ở đô thị cao gấp 3 hoặc 4 lần so với trước, trong khi một chuyên gia trong lĩnh vực đất đai nói thuế đất sẽ còn tăng nữa.

    Một bài đăng trên báo Tuổi Trẻ hôm 12/8 dẫn lời một người dân có tên Hoàng Văn Xuân ở quận Phú Nhuận cho hay rằng ông “bất ngờ” khi nhận thông báo tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của năm 2017 là gần 450.000 đồng.

    Con số này cao hơn 4 lần so với mức khoảng 100.000 đồng mà ông nộp trước đây trong nhiều năm.

    Vẫn theo Tuổi Trẻ, một người dân khác ở quận Bình Thạnh, ông Nguyễn Văn Búp, cho biết rằng tiền thuế ông phải nộp vừa tăng từ 105.000 đồng lên gần 390.000 đồng.

    Cả hai người nộp thuế này đều phàn nàn rằng họ không được nhà chức trách thông báo, giải thích trước về việc tăng tiền thuế.

    Từ phía chính quyền, hai trưởng chi cục thuế của các quận Bình Thạnh và Phú Nhuận nói tiền thuế tăng do mới có sự điều chỉnh về giá đất để tính thuế.

    Theo Nghị định số 93 của chính phủ Việt Nam, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bao gồm cả đất ở đô thị, được giữ ổn định trong 5 năm. Chu kỳ 5 năm đầu tiên kể từ khi nghị định này có hiệu lực là từ 2012 đến 2016.

    Trong những năm đó, giá đất ở TP. HCM đã tăng nhiều lần, được chính quyền thành phố cập nhật vào bảng giá để tính thuế, dẫn đến mức thuế cao như đã được một số người dân phản ánh.

    Hai trưởng chi cục thuế nói mức tiền thuế mới được điều chỉnh sẽ áp dụng từ nay đến 2021.

    Về trình tự thu thuế ở TP. HCM như mới được phản ánh trên báo chí, giáo sư Đặng Hùng Võ, cựu thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, cho rằng cách làm đó “có những điều chưa hợp lý”.

    Ông Võ nói rằng nhà chức trách đáng lẽ ra cần công bố và giải thích từ sớm về các thông tin về việc đất đai được định giá lại với mức cao gấp 3, 4 lần và các hệ lụy để người dân hiểu và có sự chuẩn bị.

    Tuy nhiên, với kiến thức chuyên ngành, giáo sư Võ bình luận rằng việc tăng tiền thuế đất ở TP HCM là điều cần làm:

    “Tất cả những người ở đô thị thì phải trả tiền cho những hạ tầng đô thị, dịch vụ công cộng ở đô thị, chính là phải trả qua thuế, thì ở Việt Nam lại rất thấp. Thành ra việc chúng ta tăng thuế ở đô thị đối với nhà đất tôi cho rằng ở Việt Nam còn phải tăng nữa mới hợp lý, với cái lý là đô thị hiện nay không còn nguồn lực để phát triển và những người ở đô thị lại không chịu chi trả cho việc phát triển đó”.

    Theo luật Việt Nam, thuế suất đối với đất phi nông nghiệp có các mức từ 0,03% được áp dụng với đa số trường hợp cho đến cao nhất là 0,15% đối với một số trường hợp. Mức này được giới chuyên môn đánh giá là rất thấp so với mức 1% đến 3% ở nhiều nước khác.

    Trong khi đó, bảng định giá đất của các tỉnh và thành phố cũng thấp nhiều lần, có nơi thấp hơn khoảng 10 lần so với giá trị giao dịch trên thực tế.

    Điều này được xem như là con dao hai lưỡi, một mặt làm cho chính quyền thu tiền thuế ít hơn nhiều, mặt khác gây thiệt hại lớn cho người dân khi nhà nước căn cứ vào bảng giá chính thức để đền bù trong trường hợp cần lấy đất của dân để làm các dự án phát triển.

    Với việc áp dụng giá đất mới cao hơn, dường như TP. HCM đang có động thái để khắc phục sự bất hợp lý này. Giáo sư Võ đưa ra ý kiến:

    “Hiện nay ở Việt Nam, trên tất cả các hợp đồng chuyển nhượng, đất rồi nhà, không ai người ta ghi giá chuyển nhượng thật cả. Chúng ta nói với nhau rằng ở trung tâm Hà Nội, TP. HCM giá đất là 1 tỷ/1m2. Thế nhưng mà nó có thể hiện ở đâu đâu. Thế thì khuyến khích người ta ghi giá thật trên hợp đồng đi. Lúc đó nó mới giải quyết được rất nhiều chuyện liên quan đến giá đất. Chúng ta phải song hành với cái giá thật trên thị trường. Mọi người phải thừa nhận nó, thì lúc đó chúng ta mới có những câu chuyện về cải cách thuế, cũng như là quá trình tính toán bồi thường, rồi tính toán giá trị cổ phần hóa, v.v… tất cả các thứ nó mới là thật”.

    Các con số thống kê cho thấy Việt Nam có 17 triệu người nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho gần 18 triệu thửa. Diện tích đất phi nông nghiệp ở TP HCM tính đến năm 2011 là gần 91.000 hectare, chiếm hơn 43% diện tích toàn thành phố.

    Nói về mối băn khoăn của nhiều người dân rằng mức tiền thuế đất mới tăng lên và sẽ còn tăng nữa, vị cựu thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho rằng con số vài trăm nghìn đồng một năm không phải là quá lớn cho một hộ gia đình. Ông nói thêm, nếu nhà nước thật sự xây dựng một luật thuế tiến bộ, những hộ nghèo sẽ được miễn thuế hoặc chỉ đóng thuế thấp.

    Tuy nhiên theo ông Võ, nguyên nhân cản trở việc đánh thuế cao vào đất lại không hẳn đến từ những người dân bình thường. Ông nói:

    “Cái ở Việt Nam hiện nay tôi cho là đáng ngại hơn không phải là chuyện người dân cự nự đâu. Mà là có thể khi ta tăng tỉ suất thuế nhà đất lên như ở Mỹ, ví dụ như 1%/năm theo giá thị trường, thì có thể lại không được thông qua. Bởi vì nhiều người có thẩm quyền đó cũng đang có rất nhiều bất động sản lớn”.

    Thời gian qua, báo chí Việt Nam đã có nhiều bài báo về các biệt phủ hoặc biệt thự sang trọng trên các diện tích đất lớn của các quan chức cấp tỉnh, dẫn đến những phản ứng tiêu cực của người dân trên mạng xã hội lẫn báo chí chính thống.

    Trong lúc TP. HCM đã định giá lại đất đai để thu thuế cao lên, chưa có tin tức về việc thủ đô Hà Nội có làm tương tự hay không. Hà Nội được cho là nơi nhiều quan chức và người giàu khắp cả nước đổ tiền vào đầu cơ đất đai, bất động sản.

    Giáo sư Võ nói rằng TP. HCM lâu nay vẫn là nơi “năng động, tích cực hơn” trong các động thái phát triển. Ông nhận định rằng trung tâm kinh tế ở miền nam hiện không còn nhiều nguồn lực nên đã áp dụng việc tăng thu thuế từ đất đai. Trong khi đó, theo ông, Hà Nội đang theo dõi các phản ứng của người dân ở TP.HCM rồi mới cân nhắc có làm điều tương tự hay không.