Việt Nam “phải đi lên bằng khoa học”.

    0
    132

    Nhân dịp tham dự hội nghị G20 bên Đức, ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghé Hòa Lan. Tại đây ông thủ tướng CSVN “thăm đại học tốt nhứt Hòa Lan”, gặp vài sinh viên VN đang tu học ở đó. Thấy bề thế nền nông nghiệp của đất nước nhỏ xíu này, ông Phúc có nói là VN “phải đi lên bằng khoa học”. Ý nói đại khái nông nghiệp VN, cũng phải bắt chước Hòa Lan, phải dựa vào khoa học.

    Ý kiến này không hề mới. Từ 1995, Nghị quyết Đại hội VII, ông nào lên tới “đỉnh” thì cũng nói những điều y như vậy. Vấn đề là (từ đó đến nay), chẳng ông nào làm được cái gì.

    Bởi vì, ông nào lên cũng vậy, phải làm theo khuôn phép “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, theo “định hướng xã hội chủ nghĩa”, như nghị quyết đã qui định.

    Vấn đề là chủ nghĩa xã hội đã thất bại. Các nước trong khối XHCN đã đồng loạt sụp đổ. Nếu lãnh đạo VN “thông minh” và “có trách nhiệm”, tất cả những gì có gắn cái đuôi, hay định hướng “xã hội chủ nghĩa”, bắt buộc đều phải “xét lại”.

    Vì sao nó thất bại ? Câu trả lời hôm nay rõ rệt: vì nó “phi khoa học”.

    Nhưng với thái độ “duy ý chí” cộng với trình độ thấp kém của lãnh đạo, ta thấy VN “cứng đầu như con lừa”. Mặc kệ thất bại, mặc kệ tụt hậu, họ vẫn khẳng định, từ chế độ chính trị cho tới kinh tế, tất cả đều phải theo “định hướng XHCN”.

    Phi khoa học. Rốt cục VN đi từ thất bại này đến thất bại khác. Hệ quả chồng chất làm cho đất nước và dân tộc bị “tàn phế”.

    Nói đến nông nghiệp là nói đến miền nam, nói đến đồng bằng sông Cửu long. Khu vực này đang đứng trước những nguy cơ hủy diệt “bất khả hoàn nguyên”. Tức là bị hủy diệt, vĩnh viễn không thể trở lại tình trạng ban đầu.

    Đứng trước tình cảnh hạn hán, nhiễm mặn, nước biển xâm thực… khoa học gia bàn tán “trồng cây gì nuôi con gì”, “bỏ lúa nuôi tôm”… Lãnh đạo xuôi tay, nói với dân rằng phải làm quen “sống với lũ”, với ngập mặn.

    Đất nước Hòa Lan, từ đầu thế kỷ 19 đã có những trận lụt kinh hồn nhận chìm một phần lớn quốc gia này dưới làn nước biển. Tình hình miền nam, ĐBSCL hiện nay là hiện thân của Hòa Lan hai trăm năm trước.

    Quốc gia Hòa Lan còn có tên là “Pays Bas”, tức đất dưới thấp. Nếu xét về địa mạo, đất ở Hòa Lan còn thấp hơn ĐBSCL, một diện tích không nhỏ thấp hơn mặt nước biển.

    Nếu mà khoa học gia Hòa Lan, cùng với lãnh đạo Hòa Lan, xuôi tay như VN để “sống chung với lũ”, thì bây giờ làm gì có nước Hòa Lan tiên tiến hôm nay.

    Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Ông Phúc đã “sáng mắt”.

    Ông Phúc muốn VN “phải đi lên bằng khoa học”.

    Nói tới “khoa học” là nói tới “con người khoa học”. Lên cung trăng không thể đi bằng “dép lốp”.

    Khoa học gia VN không thiếu. Trong hàng ngũ những người giỏi nhứt thế giới, ở Mỹ, ở Pháp… đều có tên người Việt. Thành phần này có những đóng góp (vừa phải) vào sự tiến bộ của nhân loại.

    Nhưng lãnh đạo CS càng kêu gọi, hết chính sách “đãi ngộ” này tới chính sách đãi ngộ khác, không thấy ai có thực tài về làm việc “dưới trướng” hết cả. Dĩ nhiên ngoại lệ, lúc nào cũng vậy, khoa học gia có loại “chân chính” và có loại “cơ hội”.

    Những người (gọi là trí thức, khoa học gia) trở về theo tiếng gọi “phục vục cho đất nước”. Nhưng thấy họ càng phục vụ thì làm như đất nước “dậm chưn tại chỗ”, nếu không nói là “tụt hậu”.

    Không đổ thừa cho ai. Đất nước ra sao thì họ có trách nhiệm phần lớn.

    Họ được nhà nước “đãi ngộ”. Nguyên nhân “dậm chưn” hay “tụt hậu” là ở chỗ này.

    Ở các xã hội tiên tiến, không ai được “ưu tiên”, “đãi ngộ” về cái gì cả. “Đãi ngộ” chính là cái định hướng gọi là XHCN.

    Công bằng về cơ hội là nền tảng cho sự phát triển, chớ không phải là chính sách “đãi ngộ” nọ kia. Công bằng về cơ hội có nghĩa là không ai bị “loại trừ” vì các nguyên nhân liên hệ tới nguồn gốc, tôn giáo hay chính kiến của mình.

    Thỉnh thoảng có người “được đãi ngộ” kêu gọi nhà nước “trọng dụng nhân tài”. Họ đưa đủ thứ lý do này kia. Đất nước tụt hậu là vì nhà nước không có chính sách đãi ngộ nhân tài. Thật là phiền vì họ không chịu gởi thẳng lên “lãnh đạo”, mà viết lên facebook cá nhân, rồi “tag” tên mình vào trong đó.

    Trong bất kỳ một quốc gia bình thường, với sự phát triển trung bình, không hề hiện hữu một chính sách “đãi ngộ” đặc biệt cho một tầng lớp dân chúng nào đó. Ngay cả khi lớp người đó là lớp “trí thức”. Bất kỳ chính sách “đãi ngộ” nào (của nhà nước) cũng thể hiện sự bất công trong xã hội.

    Người ta chỉ đặc biệt chiếu cố, hay ưu tiên, cho một số người nào đó, vì lý do họ già cả, tật nguyền, những người sinh ra vốn đã thua kém những con người bình thường khác. Những giúp đỡ cho lớp người này chỉ nhằm tạo điều kiện cho họ hội nhâp dễ dàng vào xã hội. Đơn giản vì tạo hóa đã “bất công” đối với họ.

    Nếu nhà nước tạo ra những cơ chế ưu đãi, chỉ dành cho lớp trí thức, hay chỉ dành cho một tầng lớp dân chúng nào đó, thì nhà nước đã trở thành nhà nước của giai cấp.

    Mà bản chất của nhà nước XHCN là nhà nước của giai cấp. Giai cấp đó là giai cấp vô sản. Sự nhặp nhằng đảng CS với “giai cấp vô sản”, đưa tới việc đảng CS độc quyền lãnh đạo. Đảng viên đảng CSVN được ưu tiên mọi thứ, từ lãnh vực (độc quyền) chính trị cho tới độc quyền làm khoa học, thao túng xã hội.

    Rốt cục những “khoa học gia” theo tiếng gọi của con tim về “phục vụ đất nước”, rốt cục là “phục vụ cho giai cấp lãnh đạo”. Họ chỉ là những “con chim hót trong lồng”, nhưng bông hoa trang điểm cho chế độ.

    Một người bằng cấp (nước ngoài) đầy mình, khi về VN là không có đất dụng võ. Họ thuộc giai cấp được “đãi ngộ”, nhưng được đãi ngộ để phục vụ cho giai cấp “ưu tiên”.

    Vì vậy, làm thế nào VN “đi lên bằng khoa học” ?

    Cũng giống như chừng nào VN hội nhập “kinh tế thị trường” ?

    Chừng nào quân đội, công an không còn làm kinh tế. Chừng nào không có cái gì “chủ đạo” trong nền kinh tế. Chừng nào cán cân “cung cầu” do người tiêu thụ quyết định. Thì lúc đó (hy vọng) VN có “nền kinh tế thị trường”.

    Cũng vậy, khoa học thì không có gì ràng buộc, định hướng nó hết. Kể cả các việc “đãi ngộ”, hay “cơ chế ưu tiên”.

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here