BBC
23 tháng 10 2022
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tuyên bố đưa Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) vào diện kiểm soát đặc biệt vào ngày 15/10
Nhiều người gửi tiền ở Việt Nam hoang mang sau tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) vào diện ‘kiểm soát đặc biệt’ vào ngày 15/10.
BBC News Tiếng Việt vừa có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng.
Từ California (Mỹ), Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đã đưa ra nhận định chi tiết về những diễn biến sắp tới tại SCB, trái phiếu công ty An Đông và hệ sinh thái khổng lồ của tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
BBC:Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, theo ông điều này có ý nghĩa gì?
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Theo Luật tổ chức tín dụng, ‘Kiểm soát đặc biệt’ là việc đặt một ngân hàng dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước để cơ cấu lại ngân hàng này.
Trong thời gian bị kiểm soát đặc biệt bởi Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét những phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Các phương án đó bao gồm:
Phương án phục hồi
Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp
Phương án giải thể
Phương án chuyển giao bắt buộc
Phương án phá sản
Vậy hiện nay SCB đang bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt để thanh tra ngân hàng này và cuối cùng sẽ xác định phương án tái cơ cấu nào phù hợp nhất cho SCB.
Thời gian kiểm soát đặc biệt kéo dài bao lâu sẽ tùy thuộc vào quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng theo tôi có lẽ không dưới sáu tháng.
BBC: Theo luật phá sản và luật tổ chức tín dụng, ngân hàng có thể bị đưa vào diện phá sản. Vậy sự khác biệt giữa “ngân hàng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt” và “ngân hàng bị tuyên bố phá sản” là gì, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Mục đích của kiểm soát đặc biệt là để cơ cấu lại ngân hàng yếu kém. Nếu việc cơ cấu lại không thành công thì Ngân hàng Nhà nước sẽ trình chính phủ xem xét quyết định phá sản ngân hàng.
Trong vòng 30 ngày kể từ khi chính phủ chấp thuận phương án phá sản thì Ban kiểm soát đặc biệt sẽ phối hợp với công ty bảo hiểm tiền gửi quốc gia lên phương án phá sản. Sau đó nếu chính phủ đồng ý với phương án phá sản thì ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt phải nộp đơn yêu cầu Toà án mở thủ tục phá sản.
Nếu được tòa tuyên bố phá sản, toà án sẽ chỉ định một Quản tài viên (tương tự như Receivership theo luật phá sản của Mỹ) để thực hiện việc thanh lý tài sản của ngân hàng bị giải thể.
Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa là phương án phá sản một ngân hàng là phương án cuối cùng sau khi những phương án để tái cơ cấu, giải thể và chuyển giao bắt buộc đã được xem xét đến, mà không có tính khả thi.
Cho đến nay từ khi có Luật tổ chức tín dụng đầu tiên 1997 thì chưa có một ngân hàng nào bị tuyên bố phá sản. Biện pháp mạnh tay nhất của Chính phủ là mua lại ba ngân hàng gồm Ocean Bank, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam và GP Bank năm 2015, tránh việc phá sản ngân hàng vì sợ gây nên khủng hoảng hệ thống ngân hàng. Sau đó, Ngân hàng Đông Á cũng bị đem vào diện kiểm soát đặc biệt. Sau một thời gian tương đối êm ả thì bây giờ Ngân hàng Nhà nước đưa thêm SCB vào diện kiểm soát đặc biệt.
Tôi muốn nói một chút thế nào là kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước. Năm 2015 khi Ngân hàng xây dưng Việt Nam bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt thì tôi được mời về này để chỉnh đốn và do đó tôi đã chứng kiến tận mắt thế nào là kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước.
Tất cả mọi hoạt động của ngân hàng đều được ban kiểm soát đặc biệt kiểm soát nghiêm ngặt nhất, có thể ví von nói như thế này là “một con kiến cũng không thể đột nhập vào nhà băng” mà không có phép của ban kiểm soát đặc biệt.
Các nhân viên làm việc dưới sự quan sát của nhân viên ban kiểm soát và mọi dịch vụ thông thường như chuyển tiền, rút tiền của khách hàng và cho vay đều phải được ban kiểm soát thông qua. Còn những giao dịch với các bên liên quan, đặc biệt là với các cá nhân hay doanh nghiêp bị nghi ngờ hay điều tra có liên quan đến nhưng hoạt động làm thiệt hại cho ngân hàng thì hầu như bị tạm ngưng và tài khoản của các đối tượng đó bị kiểm soát nghiêm ngặt, thậm chí phong tỏa. Các nhân viên thanh tra thuộc ban kiểm soát đặc biệt làm việc hằng ngày tại ngân hàng bi kiểm soát và chi phí đi lại, ăn ở cho các nhân viên này ngân hàng bi kiểm soát phải đài thọ.
Kiểm soát đặc biệt tại Việt Nam cũng tương tự như lệnh C&D (Cease and Dexist Order) tức là lệnh ngưng hoạt động của cơ quan quản lý ngân hàng tại Mỹ khi một ngân hàng tại Mỹ bị đưa vào diện kiểm soát và có thể bị bắt buộc ngưng hoạt động bất cứ lúc nào.
Tại Ngân hàng Xây dựng nơi tôi đã được Chủ tịch Hội đồng Quản trị mời về để hỗ trợ và chấn chỉnh ngân hàng thì kiểm soát đặc biệt kéo dài hai năm nhưng cuối cùng ngân hàng này không tái tổ chức được và cuối cùng Ngân hàng Nhà nước đi đến quyết định là mua lại toàn bộ ngân hàng với giá 0 đồng và từ đó đến nay ngân hàng thuộc về Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, trong bảy năm qua, ngân hàng này vẫn không phục hồi và hiện nay Chính phủ đang tìm cách giải quyết rốt ráo ngân hàng này cùng với các ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước đã mua lại với giá 0 đồng để tránh đổ vỡ hệ thống.
BBC: Như vậy theo ông thì sau khi SCB bị kiểm soát đặc biệt, liệu ngân hàng này có bị phá sản hay không? Và nếu trường hợp xấu nhất đó xảy ra thì liệu người gửi tiền sẽ được đảm bảo quyền lợi hợp pháp gì?
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Như tôi đã trình bày thì vấn đề tùy thuộc vào sự hồi phục của ngân hàng này. Tôi nghĩ trong vòng từ ba đến sáu tháng tới nếu SCB được cơ cấu lại và hồi phục thì có thể được đem ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt, còn không thì sẽ được xử lý với những phương án tiếp theo trong đó có phương án sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chuyển giao bắt buộc. Theo tôi thì Ngân hàng Nhà nước sẽ tìm mọi cách để tránh mở thủ tục phá sản.
Việt Nam có Luật bảo hiểm tiền gửi ban hành năm 2012 và quy định:
Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.
Người được bảo hiểm tiền gửi là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Hiện nay hạn mức bảo hiểm tiền gửi là tối đa 125 triệu tại một ngân hàng. Cho đến nay công ty bảo hiểm tiền gửi quốc gia chưa phải chi trả bảo hiểm cho bất cứ một ngân hàng nào vì chưa bao giờ có chuyện ngân hàng phá sản. Tuy nhiên công ty bảo hiểm tiền gửi đã chi trả cho người gửi tiền tại một số quỹ tiết kiệm địa phương khi những quỹ này mất khả năng thanh toán.
Tôi lấy một ví dụ, một người gửi 300 triệu đồng, thì khi ngân hàng đó bị phá sản thì công ty bảo hiểm tiền gửi chỉ trả ngay 125 triệu, vì đây là hạn mức tối đa dù người gửi tiền có gửi bao nhiêu tiền.
Còn 175 triệu thì phải chờ khi tòa án thi hành thủ tục phá sản. Và sau khi ngân hàng đó đi vào thủ tục phá sản thì tất cả tài sản đó được thanh lý và người quản tài viên, được tòa án chỉ định sẽ thanh lý tất cả tài sản của ngân hàng đó, chẳng hạn như bất động sản, các món cho vay của ngân hàng, tiền mặt ngân hàng đó gửi cho các tổ chức tín dụng khác, chứng khoán ngân hàng đó mua trong quá khứ… Tất cả những tài sản đó, người quản tài viên sẽ thu thập lại rồi rao bán, có thể bán đấu giá, hoặc bán cho các tổ chức tín dụng khác, tùy trường hợp.
Và sau khi có số tiền từ việc thanh toán những tài sản đó, thì quản tài viên sẽ thực hiện việc thanh toán cho những đối tượng liên quan đến ngân hàng đó theo thứ tự ưu tiên mà luật phá sản của Việt Nam quy định, chẳng hạn ai được trả trước, ai được trả sau, tiền thuế của chính phủ, tiền lương của người lao động, tiền nhà cung cấp, tiền các ngân hàng khác cho ngân hàng đó vay…
Việc thanh lý phụ thuộc vào ngân hàng đó có bao nhiêu tài sản, rồi được thanh lý với giá nào, như chứng khoán còn phụ thuộc giá thị trường, có thể 60% là khoản cho vay doanh nghiệp, cá nhân, và đó là tài sản mà quản tài viên thanh lý.
Họ yêu cầu người vay tiền phải trả cho ngân hàng, dùng biện pháp thu hồi nợ cứng rắn như yêu cầu tòa án ra lệnh người vay tiền trả lại nợ…
Giả sử sau khi thanh lý tài sản mà họ không có đủ tiền để thanh toán đủ cho 175 triệu, chỉ có thể trả 100 triệu thôi thì 75 triệu còn lại coi như mất, mà không thể lấy lại, kiện bằng bất cứ giá nào.
Nguyen Tri Hieu
BBC: Theo ông trong trong trường hợp SCB không bị phá sản thì liệu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ mua lại ngân hàng này với giá 0 đồng như đã làm với ba ngân hàng gồm Ngân hàng Đại dương (Ocean Bank), Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và Ngân hàng dầu khí toàn cầu (GP Bank) cách đây khoảng bảy năm hay không? Theo đánh giá của ông thì đâu là ‘lằn ranh đỏ’ (red line) cho một quyết định quan trọng như vậy của Ngân hàng Nhà nước, có nghĩa nếu SCB vượt qua ‘red line’ đó sẽ khởi động quyết định của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến sự sống còn của SCB?
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Tôi không nghĩ là Ngân hàng Nhà nước sẽ trở lại phương án mua một ngân hàng với giá 0 đồng như đã làm với ba ngân hàng năm 2015.
Ba ngân hàng này sau bảy năm vẫn hoạt động rất yếu và các ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank đã tốn rất nhiều nguồn lực tài chính và nhân sự để hỗ trợ các ngân hàng 0 đồng này theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, nhưng hình như những ngân hàng này vẫn chưa vực lại được để có thể hoạt động một cách hiệu quả và cạnh tranh với các ngân hàng khác trong hệ thống.
Theo ước tính của tôi thì ‘lằn ranh đỏ’ (red line) cho SCB có thể ở mức âm 3.000 tỷ vốn chủ sở hữu. Có nghĩa là nếu SCB thua lỗ đến mức vốn chủ sở hữu âm khoảng đâu đó 3.000 tỷ đồng thì đây có thể là điểm khởi động những biện pháp rất mạnh tay của các cơ quan quản lý để cơ cấu lại ngân hàng này. Nhưng đó chỉ là ước đoán của tôi dựa vào kinh nghiệm với ba ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.
Không có gì bảo đảm là Ngân hàng Nhà nước sẽ lên kế hoạch như thế. Hiên tại tôi không có thông tin về tình hình kinh doanh và vốn chủ sở hữu hiện nay của SCB đang ở đâu.
BBC: Và theo ông, nếu giải quyết bằng cách Ngân hàng Nhà nước mua lại SCB với giá 0 đồng thì có phải Ngân hàng Nhà nước sẽ gánh một ‘núi nợ’ khổng lồ hay không?
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Đúng là như thế, Ngân hàng Nhà nước mua lại SCB với giá 0 đồng thì đây sẽ là một gánh nặng cho Ngân hàng Nhà nước và cho cả những ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định hỗ trợ SCB.
BBC: Có một số nhận định cho rằng có nguy cơ về hiệu ứng domino ngân hàng sau SCB, theo ông điều này có thể xảy ra hay không trong khi giới chức ở Việt Nam cho rằng tình hình SCB đã lắng xuống và ổn định?
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi thì Ngân hàng Nhà nước sẽ dùng mọi biện pháp để ngăn ngừa một hiện tượng đổ vỡ hàng loạt theo kiểu domino.
Ngày 16/10 vừa qua khi Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính triệu tập lãnh đạo các ngân hàng thương mại thì ông ấy có nói hiện trạng của hệ thống ngân hàng Việt Nam là có tiềm lực tài chính nhỏ, chất lượng chưa cao, trình độ quản lý và công nghệ còn lạc hậu.
Nếu SCB “fails” (thất bại) có nghĩa là sụp đổ thì phản ứng dây chuyền có khả năng xảy ra vì sự liên kết giữa các ngân hàng và người dân sẽ mất lòng tin ở hệ thống.
BBC: Về trái phiếu công ty An Đông, nhiều nhà đầu tư hiện khá lo lắng, ông có lời khuyên gì cho họ lúc này?
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Với các nhà đầu tư trái phiếu An Đông thì trái phiếu của họ nếu được SCB bảo lãnh thì họ có thể yêu cầu SCB thi hành nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán. Nhưng hiện nay SCB cũng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt nên nếu SCB có bảo lãnh thì việc SCB thi hành nghĩa vụ bảo lãnh là bất khả thi.
Còn nếu trái phiếu được bảo đảm bằng tài sản bảo đảm thì việc thanh lý tài sản bảo đảm cũng ‘không có cửa’ vì có thể các cơ quan điều tra đang niêm phong tất cả tài sản của Vạn Thịnh Phát, mà theo ngôn ngữ pháp lý của Việt Nam thì gọi là “kê biên”.
Trong trường hợp xấu nhất là trái phiếu không được SCB bảo đảm thanh toán, cũng không có tài sản thế chấp để bảo đảm, thì vị thế của nhà đầu tư là rất bấp bênh, vì theo Nghị định 153 về phát hành trái phiếu riêng lẻ thì theo Điều 5 của Nghị định 153 năm 2020 thì nhà phát hành, doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ.
Nhà đầu tư chỉ biết trông chờ ở Vạn Thịnh Phát mà Vạn Thịnh Phát đang trong vòng điều tra. Công ty bảo hiểm tiền gửi quốc gia cũng sẽ không bồi thường vì trái phiếu không phải là tiền gửi ngân hàng.
Điều mà tôi khuyên các nhà đầu tư là họ phải thông qua “người đại diện nhà đầu tư” và làm việc ngay với các luật sư để được tư vấn ngay tại thời điểm này. Trễ một ngày là rủi ro thiệt hại tăng lên. Hãy làm ngay việc cần làm.
BBC: Ông có bình luận gì về hệ sinh thái khổng lồ của Vạn Thịnh Phát, theo ông vụ bắt giữ bà Trương Mỹ Lan sẽ còn những hệ quả nào sắp tới theo sau liên tiếp các diễn biến mới trong thời gian qua?
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Theo thông tin trên Bnews, thì Vạn Thịnh Phát là một tập đoàn tài chính tham gia kinh doanh đến 140 ngành nghề kinh doanh, chủ yếu là bất động sản.
Tập đoàn này nắm giữ những dự án, công trình và tài sản bất động sản hàng đầu tại TP HCM. Tôi không có thông tin về tổng giá trị tài sản của họ.
Bà Trương Mỹ Lan làm ăn rất kín tiếng. Họ đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế TP HCM, đặc biệt trong lãnh vực kinh doanh bất động sản. Với tầm mức như thể việc bắt giữ bà Trương Mỹ Lan sẽ có những hệ quả lớn lao với TP HCM.
Tuy nhiên tại thời điểm này mọi chuyện còn trong vòng điều tra, chúng ta chưa thể có một kết luận nào.
BBC: Một số người thậm chí có chuyên gia ví vụ Vạn Thịnh Phát như ‘con voi chui lọt lỗ kim’, ông có nhận xét gì về so sánh này?
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Nếu tôi hiểu đúng thì những người hỏi câu hỏi này ngụ ý là làm sao một tập đoàn lớn như Vạn Thịnh Phát mà có thể qua mắt các cơ quan quản lý trong nhiều năm nay với những hành động vi phạm pháp luật.
Tôi không thể có câu trả lời, và cũng không rõ về sự liên hệ tài chính giữa Vạn Thịnh Phát và SCB ra sao.
Nhưng có một điều mà tất cả chúng ta đều quan tâm là Vạn Thịnh Phát đang bị điều tra về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đấu tư từ việc phát hành trái phiếu lên đến hơn 23.000 tỷ (tương đương 1 tỷ đô la) từ những năm 2018-2019.
Vậy tại sao đến bây giờ những cơ quan an ninh kinh tế mới điều tra cáo buộc này. Đây là câu hỏi mà có lẽ chúng ta phải chờ kết luận điều tra.
BBC: Ông có bình luận gì về vị trí và sự đóng góp của tập đoàn Vạn Thịnh Phát vào nền kinh tế của TP HCM bao gồm thu nhập của Vạn Thịnh Phát trên tổng GDP, thị phần của Vạn Thịnh Phát trên thị trường bất động sản, số người lao động của tập đoàn trên tổng số lao động, và tỷ lệ đóng góp thuế của tập đoàn này vào ngân sách thành phố?
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Những thông tin về việc họ đóng góp bao nhiêu cho nền kinh tế TP HCM hầu như không có. Những đóng góp vào GDP của TP HCM, thị phần của họ trên thị trường bất động sản, họ tạo ra bao nhiêu công ăn việc làm cho người lao động, tỷ lệ đóng góp của họ và ngân sách thành phố là bao nhiêu thì tôi thấy chưa có thông tin.
Getty Images
BBC: Ông có thể dự báo môi trường đầu tư ở Việt Nam trong thời gian ngắn hạn sắp tới như thế nào, có phải giới đầu tư đang mất niềm tin vào chứng khoán, bất động sản, trái phiếu?
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Môi trường đầu tư của người trong nước và cả nước ngoài ở Việt Nam có thể bị tác động tiêu cực từ vụ chấn động Vạn Thịnh Phát.
Lòng tin của nhà đầu tư trong nước lung lay. Các nhà đầu tư nươc ngoài cũng sẽ bị dao động.
Đặc biệt trong lúc này thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản đang trong xu hướng giảm và bất lợi.
Nhưng tôi tin rằng những vụ việc xảy ra sẽ là những bài học cho thị trường và cho cả các cơ quan quản lý để kiến tạo một thị trường tài chính minh bạch và ổn định hơn trong tương lai.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, đã hoạt động trong ngành tài chính ở Việt Nam và Mỹ trong hơn 43 năm qua.
Thank you very much for sharing, I learned a lot from your article. Very cool. Thanks. nimabi