TUỔI TRẺ
TTO – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (KSND) vừa có văn bản yêu cầu Viện KSND cấp cao tại TP.HCM kiểm tra, báo cáo rõ một số nội dung liên quan đến vụ án tử tù Hồ Duy Hải (Long An).
Viện KSND tối cao cũng yêu cầu hai đơn vị của Viện gồm Cơ quan điều tra (Cục 1) và Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (Vụ 6) vào cuộc kiểm tra, báo cáo Lãnh đạo Viện về những điểm mâu thuẫn trong vụ án nêu trên.
Theo văn bản này, vụ án Hồ Duy Hải giết hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An xảy ra ngày 13-1-2008 đã được đưa ra xét xử.
Tòa án đã tuyên phạt Hồ Duy Hải mức án tử hình. Hồ Duy Hải đã có quyết định thi hành án nhưng sau đó được tạm hoãn thi hành án vì có đơn kêu oan.
Trong thời gian qua, luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn luật sư TP.HCM) và bà Nguyễn Thị Loan (mẹ Hồ Duy Hải) đã có đơn đề nghị các cơ quan tố tụng làm rõ việc hồ sơ của vụ án có dấu hiệu bị làm sai lệch.
Cụ thể, hồ sơ đã rút bỏ kết luận giám định dấu vân tay và diễn giải sai lệch kết quả giám định dấu vân tay, tự ý sửa, thay đổi kết quả nhận dạng về chiếc xe máy của nhân chứng, thay đổi lời khai về kích thước con dao dùng để cắt cổ nạn nhân,
Cơ quan điều tra cũng đã rút khỏi hồ sơ những tình tiết liên quan đến một nhân chứng đặc biệt quan trọng trong vụ án…
Theo đơn tố cáo, sau khi Hồ Duy Hải bị bắt tạm giam, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định 4 tang vật gồm dấu vân tay, lông tóc, máu và than tro.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra chỉ sử dụng duy nhất 1 trong số 4 kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự kết luận về “than tro” thu được tại nhà Hải.
Thế nhưng, phần sử dụng này lại cắt bỏ phần nội dung quan trọng nhất: “Không đủ yếu tố kết luận có thành phần các nguyên liệu làm ra dây thắt lưng, quần áo và simcard”.
Trong khi đó, các kết luận giám định còn lại (máu, lông tóc) thể hiện không có sự liên quan đến Hồ Duy Hải thì không được đưa vào.
Bản kết luận giám định cũng cho thấy các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không trùng khớp với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải.
Từ những mâu thuẫn nên trên, luật sư Trần Hồng Phong và gia đình Hồ Duy Hải có nhiều đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến Viện KSND tối cao. Một số báo cũng có bài viết phản ánh về vấn đề này.
Vì vậy Viện KSND tối cao yêu cầu các cơ quan liên quan cần kiểm tra, làm rõ và báo cáo lãnh đạo Viện để theo dõi.