Vì sao ‘chưa có’ nền kinh tế thị trường, Hà Nội vẫn muốn Washington thừa nhận là đã có

0
57
(Tổng thống Mỹ Joe Biden nâng cốc cùng Chủ tịch Võ Văn Thưởng tại buổi tiệc cấp Nhà nước ở Hà Nội hôm 11/9/2023)

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.09.12

“Trong việc công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, Việt Nam có được công nhận như vậy thì mới được hưởng đầy đủ những ưu đãi về thương mại, đầu tư theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO),” PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh, một chuyên gia về thương mại quốc tế và có nhiều năm giảng dạy về lĩnh vực này tại nhiều trường Đại học ở Việt Nam, bình luận với Đài Á Châu Tự Do hôm 11/9/2023 nhân việc Việt Nam nhấn mạnh đề nghị Hoa Kỳ ‘xem xét’ công nhận quy chế kinh tế thị trường tại Việt Nam vào thời điểm lãnh đạo của hai nước tuyên bố xác lập quan hệ đối tác song phương ở mức độ cao nhất là chiến lược toàn diện hôm 10/9.

Ngược lại, theo PGS. Nguyễn Hoàng Ánh, nếu Việt Nam chưa được công nhận là một nền kinh tế thị trường, thì Việt Nam không thể được hưởng những ưu đãi theo quy định của WTO. Do đó, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh nói tiếp: “Cho nên tôi nghĩ việc công nhận này cũng là một bước mở đường để cho quan hệ thương mại Việt – Mỹ có thể phát triển lên một tầm cao mới. Còn nếu Mỹ chưa làm điều này, thì chúng ta chưa thể bàn đến chuyện là ký một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) ở tầm mức phát triển cao hơn được.”

Việt Nam có nền kinh tế thị trường chưa?

Khi được hỏi về thực chất, Việt Nam hiện nay đã phải là một quốc gia có nền kinh tế thị trường chưa, bà Nguyễn Hoàng Ánh đáp:

“Theo cá nhân tôi thì chưa, bởi vì chúng ta vẫn nhìn thấy sự ưu đãi cho thành phần kinh tế quốc doanh vẫn quá nặng nề, thực sự vẫn chưa có một sự công bằng giữa ba thành phần kinh tế: tư nhân, quốc doanh và nước ngoài.

Và sự can thiệp của chính quyền vào các lĩnh vực kinh doanh vẫn còn khá rõ rệt, cho nên chắc là Việt Nam vẫn còn phải có nhiều sự sửa đổi trước khi mà có thể dễ dàng được công nhận quy chế nền kinh tế thị trường.”

Từ thành phố Cologne, CHLB Đức, hôm 12/9/2023, nhà báo Thọ Nguyễn, người theo dõi các vấn đề chính trị – thể chế của Việt Nam, cũng như khía cạnh liên quan kinh tế, thị trường, công nghệ và đầu tư của Việt Nam, nêu quan điểm với RFA Tiếng Việt:

“Quy chế kinh tế thị trường không phải chỉ có việc anh cho ra một nền kinh tế tư nhân hoạt động, rồi anh bỏ các chỉ tiêu của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước để mà rồi anh nghĩ anh có nền kinh tế thị trường. Tại vì trước kia, Việt Nam không gọi là nền kinh tế thị trường mà gọi là nền kinh tế kế hoạch, bởi vì anh hoạt động theo một nguyên tắc là kinh tế nhà nước, và các mục tiêu do Ủy ban Kế hoạch nhà nước sắp đặt. Thế nhưng khi đổi mới, người ta bỏ dần đi và người ta để cho nền kinh tế chạy theo nhu cầu của thị trường, nhưng khi để cho như thế, mà sự cạnh tranh vẫn không công bằng, anh vẫn coi trọng các thành phần kinh tế khác nhau trong đó kinh tế nhà nước là chủ đạo, thì cái đó không được coi là nền kinh tế thị trường”.

Nhà báo Thọ Nguyễn cho rằng, nhà nước ở Việt Nam không những chỉ can thiệp vào các hoạt động của các doanh nghiệp ‘tư nhân’ lớn, mà còn đứng ra bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp tư nhân lớn này đối với phía người lao động. Tức là, vai trò của nhà nước trong một xã hội có kinh tế thị trường là độc lập (khách quan), không can thiệp vào những tranh chấp của giới chủ và người lao động, nhưng ở Việt Nam rõ ràng người lao động không được Nhà nước bênh vực và bằng chứng là các công đoàn độc lập không được hoạt động.

Do đó, nhà báo Thọ Nguyễn nói tiếp: “Đó cũng là một khía cạnh khiến cho các nước không coi đó là một nền kinh tế thị trường, bởi vì những doanh nghiệp nào được Nhà nước đứng ra hỗ trợ, công nhân lên tiếng đòi quyền lợi là Nhà nước không ủng hộ và thậm chí người ta có thể trấn áp. Đó cũng là một khía cạnh mà yếu tố thị trường của anh bị mất đi.”

Mỹ sẽ xem xét yêu cầu của Việt Nam?

Trong tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên tầm mức đối tác chiến lược toàn diện được lãnh đạo hai nước long trọng công bố ở Hà Nội hôm 10/9/2023, phần nội dung về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, có đoạn nêu rõ:

“Hoa Kỳ hoan nghênh những bước tiến trong quá trình cải cách kinh tế dựa trên thị trường có ý nghĩa quan trọng của Việt Nam, đồng thời khẳng định sự nhiệt tình và cam kết đối với quá trình phối hợp rộng rãi, mạnh mẽ, mang tính xây dựng và trên tinh thần ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và tiến tới công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam theo luật Hoa Kỳ.

Ngày 8 tháng 9 năm 2023, Hoa Kỳ đã nhận được yêu cầu chính thức của Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường. Hoa Kỳ sẽ khẩn trương xem xét yêu cầu này của Việt Nam theo luật định.”

Khi được hỏi về triển vọng của việc được công nhận này đối với Việt Nam, khi mà theo chính nội dung tuyên bố cho hay Hoa Kỳ sẽ xem xét đề nghị nhưng theo ‘luật định’, ông Thọ Nguyễn bình luận với RFA:

“Chính phủ có muốn thì cũng không được, bởi vì nó còn có các hội đoàn về doanh nghiệp, rồi Phòng thương mại và công nghiệp của họ ở các nơi, rồi các tổ chức kinh doanh của họ ở Việt Nam. Họ phải công nhận điều đó, thì chính phủ mới có thể công nhận. Còn nếu chính phủ cứ đơn phương công nhận, mà điều đó không đúng thì họ không dám làm. Điều đó là một thực tế hiển nhiên là các chính phủ đó có muốn, nhưng thực trạng ở Việt Nam không phải thì người ta không thể công nhận được. Còn chính phía Việt Nam lúc nào cũng muốn, phía Việt Nam muốn là mình đi đâu đó cũng được đối xử ngang hàng như một nước công nghiệp và xã hội đã phát triển, nhưng điều đó thì chưa đúng, thì anh không đạt được thôi.”

Cũng theo ông Thọ Nguyễn các doanh nghiệp ở Đức không bắt buộc Việt Nam phải thay đổi thể chế chính trị, điều họ cần là phải có “không khí kinh doanh và không khí xã hội” minh bạch nhưng điều đó lại không có ở Việt Nam. Ông nói tiếp:

“Tức là rất nhiều doanh nghiệp vào Việt Nam thành công, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp thất bại. Những doanh nghiệp thành công vì ‘biết được cách đi’ trong xã hội không minh bạch ở Việt Nam, còn những doanh nghiệp mà không biết cách đi ‘trong bóng tối’, thì đến Việt Nam là bật ngửa, bay về. Đầu tư của bất cứ nước nào vào Việt Nam đều được Chính phủ Việt Nam đánh giá rất cao, nhưng chưa bao giờ đạt được mức mong muốn, thì nó nằm chính ở chỗ là ở xã hội Việt Nam và trong các chính sách công nghiệp, chính sách phát triển của Việt Nam, luật pháp Việt Nam không minh bạch.”

Còn từ góc nhìn riêng của mình, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh nêu quan điểm:

“Tôi nghĩ Việt Nam về mặt này khá mềm dẻo. Tôi vẫn còn nhớ trước khi Việt Nam chuẩn bị làm đơn gia nhập WTO vào khoảng từ đầu năm 2000 trở đi cho đến khoảng 2006, Việt Nam sửa đổi toàn thể các luật ở trong nước, và có những điểm sửa đổi hết sức triệt để so với quan điểm của Việt Nam trước đó. Ví dụ, tôi vẫn còn nhớ là rất nhiều luật của Việt Nam trước khi chúng ta gia nhập WTO quy định rằng trong trường hợp có tranh chấp quốc tế mà quy định của quốc tế mâu thuẫn với luật Việt Nam, thì sẽ áp dụng theo luật Việt Nam, nếu như một trong hai bên tranh chấp đó thường trú trên đất Việt Nam.

Nhưng rồi khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO, lập tức đổi hết là nếu mâu thuẫn sẽ tuân theo luật quốc tế, và một điều lúc đó gây tranh cãi rất nhiều trong Bộ Thương mại là Việt Nam ra luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ, lúc ấy rất nhiều người, kể cả các quan chức cao cấp cũng phản đối, nói rằng mình nghèo làm sao mình ‘chơi được trò’ sở hữu trí tuệ ấy, thế nhưng Việt Nam vẫn rất quyết tâm. Cho nên tôi tin rằng nếu như Việt Nam thực sự đã đến được bước có hợp tác chiến lược toàn diện như thế này, thì lãnh đạo Chính phủ đã có được những quyết tâm để sửa đổi, để làm sao biến hiệp định này trở thành hiện thực. Cho nên tôi có niềm tin vào chuyện đó.”

Hôm 22/7/2023, tạp chí mạng VnEconomy dẫn thống kê của Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công thương cho biết, tính đến tháng 7/2023, Việt Nam đã được 71 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận là một nền kinh tế thị trường thông qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó có nhiều đối tác thương mại quan trọng.

Source: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-wants-us-to-recognize-vn-market-economy-09122023104143.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here