Bạch Thu
Gửi tới BBC từ Sài Gòn

Blog là một dạng nhật ký trực tuyến về mọi chủ đề
Blog là một dạng nhật ký trực tuyến và người sử dụng đưa lên mạng mọi chủ đề họ quan tâm từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, giải trí…cho đến việc mô tả đời sống riêng tư của mình để mọi người khác có thể xem.
Blog cũng được xem như một dạng phương tiện truyền thông của cá nhân nhưng có tác động không nhỏ đến đời sống xã hội. Một blog nổi tiếng có thể định hướng được dư luận xã hội.
Đáp ứng nhu cầu xã hội
Cũng cần phải nhắc lại rằng truyền thông Việt Nam do nhà nước quản lý và kiểm soát chặt chẽ nên thông tin đều mang tính định hướng rõ rệt.
Từ đó xuất hiện một nhu cầu tất yếu là người đọc ở Việt Nam buộc phải tìm kiếm những luồng thông tin phi chính thống khác để có thể cập nhật được những diễn biến xã hội mang tính chất nhạy cảm ở Việt Nam.
Các blog “nổi tiếng” ở Việt Nam thường đáp ứng được nhu cầu tìm kiếm “thông tin ngoài luồng” như sự việc xảy ra ở vũ trường New Century hay đồng bào khiếu kiện ở trước Văn Phòng Quốc Hội II.
Một nhu cầu khác đó là sự bức xúc trước các vấn nạn của một xã hội đang trên con đường phát triển đầy rẫy những bất cập ở Việt Nam.
Blogger thường là những người nhạy cảm với những vấn đề xã hội và
luôn mong muốn được thể hiện sự quan tâm của mình đối với những chuyển biến của đất nước.
Trong khi đó, do những hạn chế về vấn đề quản lý nên báo chí trong nước thường không thể phản ánh một cách đầy đủ và kịp thời những bức xúc của họ. Vì thế, blog trở nên một “sân chơi” phù hợp để họ thực hiện “khát vọng” cải biến xã hội.
Blog và chủ nghĩa cá nhân
Blog ra đời xuất phát từ ý tưởng muốn đề cao chủ nghĩa cá nhân và chính bản thân nó cũng phản ảnh chủ nghĩa cá nhân rất rõ. Mỗi một blogger là một cá nhân có những quan điểm và sở thích riêng hoàn toàn khác biệt với những cá nhân khác.
Thực tế cũng cho thấy rằng blog có được sự thu hút mạnh mẽ giới trẻ Việt Nam chính là nhờ vào “luồng gió mới mát lành” của chủ nghĩa cá nhân.
Những blog nổi tiếng ở Việt Nam như blog của Joe, một anh chàng người Canada nhưng nói tiếng Việt rất sành thu hút được đông đảo bạn trẻ Việt Nam chính là nhờ cá tính không thể nhầm lẫn với bất cứ người nào khác cộng với sự dí dỏm, châm biếm trong từng bài viết.
Mỗi một quan điểm, một sở thích riêng của Joe cũng đều rất “khác người” và chính điều đó đã thu hút một lượng fan hâm mộ Joe đông đảo.
Mỗi người đều theo đuổi một giá trị khác nhau nên có cách biểu lộ không ai giống ai, cần tôn trọng giá trị đó của họ.
Friedrich von Hayek, một kinh tế gia nổi tiếng từng đoạt giải Nobel cũng cho rằng: “Chủ nghĩa cá nhân là sự tôn trọng cá nhân với tư cách là một CON NGƯỜI, tức là sự thừa nhận các quan điểm và sở thích riêng của anh ta là tối thượng trong phạm vi riêng của anh ta, bất chấp những quan điểm đó thiển cận thế nào; và lòng tin rằng xã hội sẽ phát triển và tốt đẹp hơn nếu mỗi người được tự do phát triển tài năng và khuynh hướng cá nhân của mình.


Blog là hiện tượng mang tính toàn cầu và bao phủ nhiều vùng ngôn ngữ
Chủ nghĩa cá nhân có nguồn gốc lâu đời từ đạo Thiên Chúa Giáo (Christianity) và triết học cổ đại Hy Lạp và La Mã, được hoàn thiện thời kỳ Phục Hưng (Renaissance) để trở thành cái mà người ta vẫn gọi là Văn minh Âu Châu”.
Tôn trọng quan điểm của từng cá nhân chính là góp phần xây dựng một nền văn minh mà Việt Nam muốn xây dựng trong tương lai.
Albert Einstein, nhà vật lý vĩ đại của thế kỷ 20 cũng từng khẳng định rằng: “Tất cả những gì thực sự vĩ đại và truyền cảm đều được tạo bởi những cá nhân sáng tạo trong tự do”.
Blog mang lại một giá trị tự do thật sự, nơi đó mọi người có thể trình bày quan điểm riêng, có thể sáng tạo những tác phẩm và truyền cảm hứng sáng tạo đấy cho người khác. Sự hưởng ứng của giới trẻ đối với văn chương trên mạng là một ví dụ điển hình.
Còn trong tác phẩm nổi tiếng Bàn về tự do John Stuart Mill, triết gia người Anh khẳng định rằng: “con người phải được tự do hình thành ý kiến và tự do bày tỏ ý kiến không chút giấu giếm”. Bởi vì, “bản chất con người không phải là cái máy được chế tạo ra theo một khuôn mẫu và nhằm làm đúng một công việc định trước, mà nó giống như cái cây cần được lớn lên và phát triển ra mọi phía tùy theo khuynh hướng của sức mạnh bên trong nó, cái sức mạnh làm cho nó là một sinh vật”
Các blogger Việt Nam chắc chắn không phải là những cái máy để các nhà quản lý uốn nắn theo một khuôn mẫu được định dạng sẵn. Cần phải để nó được tự do phát triển thì mới phát huy được sức mạnh của cộng đồng blogger Việt Nam.
Những hoạt động thiện nguyện của cộng đồng blogger Việt Nam như “Nhật ký ung thư” của Trần Tuyên, tâm sự một người mẹ trên blog Hoahuongduong đều xuất phát từ những nhu cầu tự phát, do chính bản thân các blogger phát động và nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều blogger cả trong và ngoài nước.
Cái xấu mà những nhà quản lý lo lắng nếu xảy ra trên blog thì sẽ bị cộng đồng blog tẩy chay, đó là điều chắc chắn.
Hoạt động quản lý
Tuy thế, bộ Thông tin và Truyền thông đang muốn tìm cách quản lý blog bởi vì họ nhìn nhận được ảnh hưởng sâu rộng của blog đối với đời sống xã hội ở Việt Nam.
Trong buổi hội thảo “Blog trong thế giới thật” hôm 21.08 vừa qua ở TPHCM, ông Trần Thế Tuyển – Phó Cục trưởng Cục Báo chí – Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn: “Các vị đại diện cho người cung cấp và sử dụng Internet, các cơ quan báo chí có những ý kiến xác đáng góp phần giúp cơ quan quản lý nhà nước về báo chí truyền thông, các cấp có thẩm quyền tạo hành lang thông thoáng cho báo chí nói chung và dịch vụ Internet phát triển, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới…”.


Quản lý và kiểm soát blog là một vấn đề rất phức tạp
Tuy nhiên quản lý và kiểm soát blog là một vấn đề rất phức tạp.
Thứ nhất về mặt kỹ thuật không cho phép các cơ quan chức năng thực hiện được điều đó bởi vì các dịch vụ blog được cộng đồng blogger Việt Nam sử dụng hiện nay như Yahoo 360 hay Blogger đều có máy chủ đặt ở nước ngoài và do các “đại gia” như Yahoo, Google quản lý.
Việt Nam sẽ rất khó khăn trong việc gây áp lực với các tập đoàn đó để họ cho phép việc nhà nước kiểm duyệt blog. Trung Quốc có thể gây áp lực được bởi vì họ có một thị trường rất lớn nên dễ dàng gây sức ép cho các “đại gia”. Nếu như áp dụng biện pháp “bức tường lửa” như lâu nay chính phủ Việt Nam vẫn thực hiện đối với các trang web được xem là “nhạy cảm” thì sẽ gây ra một phản ứng không thể lường trước được hậu quả từ một cộng đồng blogger Việt Nam đang ngày một lớn mạnh.
Thứ hai, đa số các nước có trình độ phát triển công nghệ thông tin cao trên thế giới đều không đề cập đến vấn đề quản lý blog. Bởi vì các nước ấy cho rằng blog là một nơi riêng tư để mọi người bày tỏ chính kiến, cảm xúc và đời sống riêng tư của mình. Việc quản lý blog là một việc làm lợi bất cập hại.
Quan điểm của blogger Công Lý và Sự Thật, một blogger có nhiều bài viết thu hút trong giới viết blog, bàn về vấn đề quản lý blog của các cơ quan chức năng nhà nước phần nào nói lên được tâm tư của những người viết blog: “viết blog là viết sự thật, chính xác, khách quan, trung thực. Không vu khống, không đổi trắng thay đen (nói xấu), không mạo danh, nhân danh cá nhân mình phát biểu, đó là quyền tự do ngôn luận của công dân được Hiến pháp Việt Nam cho phép mà không ai có quyền xâm phạm đến quyền cá nhân này”.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Quý vị có đóng góp hay bình luận, xin gửi thư về vietnamese@bbc.co.uk hoặc sử dụng hộp tiện ích bên tay phải.
—————————
Catmoon, Hà Nội
Đọc bài viết mà thấy bệnh trong người, nguời ta bói chấy ra rận giỏi thật. Ko quản lý mà dược à? để mấy vị tự cho mình là người tân tiến, quan điểm dân chủ dùng blog để nói xấu chế độ hay làm bẩn con mắt người vô tình lạc bước à? Cũng như mấy người tự cho đất nước mấy người đang sống, đang phục vụ dân chủ hơn VN chúng tôi, đòi hỏi bản thân được bảo vệ khỏi chủ nghĩa khủng bố, chúng tôi cũng cần được bảo vệ bởi những âm mưu xấu xa bẩn thỉu của mấy người. Quản lý blog là cần thiết đấy, tôi thể hiện được quan điểm cá nhân của mình và không bôi nhọ, vu khống sự thật thì tôi việc quái gì phải sợ bị quản lý nhỉ.
Thuý Vi
Bạn Giang Nam, UK ơi bạn sâu sắc quá, bạn chỉ viết “qlý” thôi là tôi đã suy ra là “quản lý” rồi. Bởi vì quản lý là điều rất thông thường tự nhiên trong xã hội Việt Nam mà dân Việt chúng ta đã quen thuộc từ khi có chế độ CS, từ khi điều gì cũng được đảng quản lý.
Trần kim Tuyến
Việt Nam ta vừa trải qua cuộc tranh chấp dài hơn 20 năm, đất nước tan hoang, tài nguyên kiệt quệ, lòng người còn phân tán,dân trí còn chao đảo, nhưng từ ngày đổi mới chế độ đến giờ, thì đã khá trông thấy về mọi mặt trừ giáo dục và chính trị. Các Blogger nên góp phần cho dân trí, cho văn hóa dân tộc, không nên dùng để giải trí nhảm nhí, đồi trụy. Theo tôi mặt yếu duy nhất trên đất nước mình hôm nay, chỉ còn có một điểm nhỏ là hiến pháp VN dung dưỡng cho một đảng chỉ đạo, cai quản, ai là người Việt máu đỏ da vàng nên tận dụng lợi ích của blog để giúp dân trí ý thức việc này.
Giang Nam, UK
Có những người khi không hài lòng không thích một điều gì đó thì họ tìm mọi cách chống đối lên án nó, bằng chứng là những vấn đề mà tôi nghĩ là rất bình thường như vấn đề blog chẳng hạn chưa có một thông tin một quyết định chính thức nào về việc quản lý của nhà nước mà người ta cũng gán ghép, cũng suy diễn đủ điều. Mai, Ngân, Việt Tiến, Nghi Nguyên, Teddy, Tô Ngân các bạn cũng nên tỉnh táo một chút hãy đọc lại bài báo, tôi thề với các bạn CSVN sẽ không qlý và cũng chẳng thể qlý được như những điều mà các bạn từng gán ghép cho nó.
Danngu, Việt nam
Có gì đâu mà nóng hoảng vậy anh hai WinXP hay xung phong gì đó ơi? anh không lo sợ thông tin hiện đại có thể gây nguy hại cho chính quyền hiện thời , chứ nhà nước lo lắm đấy, anh không nghe các vị cao cấp mà anh yêu mếm bao đời luôn mồm kêu gọi hãy cảnh giác mọi “thế lực thù địch” hay “diễn biến hòa bình à,mà nếu có tăng trưởng 7, 8% thì không biết số tiền tăng trưởng đó đi đâu, hơn nữa Việt Kiều khắp nơi trên thế giới đang trực tiếp hoặc gián tiếp nuôi phần nào của VN đó anh ạ ( hằng năm VK gởi về đều đem tính vào tiền tăng trưởng ) có khi nào ảo không anh, chúc anh may mắn .
Ẩn danh
Việt Nam thì cái gì không phân, không quản. Chúng tôi còn nhớ là ngay cả đi học ở nước ngoài cũng có một bộ phận chuyên theo dõi tư tưởng của sinh viên. Vậy thì quản blog chỉ là chuyện nhỏ. Gửi XP: Chuyện blog là chuyện tự do dân chủ về lâu dài đấy, và chuyện đó thì sẽ động tới điều 4 của Hiến Pháp, có hiểu không? Thôi đừng làm bộ nai nữa!
Mai Ninh, Việt Nam
Điều lý tưởng của các đồng chí công an văn hoá là sức quản lý của họ đến đâu thì cho phép internet và blog phát triển đến đó. Nói khác, mọi điều không thể vượt khỏi khả năng quản lý. Người ta muốn có khả năng quản lý cả Trời. Trên thực tế, sức quản lý có hạn, quy luật tự do tư tưởng nó cứ phát triển theo quy luật. Bởi vậy các đồng chí ta đành áo dụng “internet và blog phát triển đến đâu thì cố mà theo đuôi để quản lý tới đó”. Có thể dự kiến đảng ta sẽ chi rất nhiều tiền cho quản lý blog, nhưng blog cứ phát triển và tự điều chỉnh. Những trang blog nào không có bạn đọc sẽ tự đào thải. Cái gì bạn đọc thích thì nó cứ tự “mọc” ra, đáp ứng nhu cầu như một hàng hoá. Chớ nên bẻ nạng chống Trời.
XP, TPHCM
Tôi thật sự không hiểu nhà nước VN quản lí blog thì có liên quan gì tới tự do dân chủ đâu mà cũng có vài vị ở đây lại vô tình hay hữy ý kéo sang chính trị đa đảng. Bài của người tên Tô Ngân giống y chang bài trên một website của mấy “nhà dân chủ” và của mấy tay hải ngoại mà tôi đã đọc” như CNCS sẽ bị tiêu diệt, các nhà lãnh đạo VN muốn thể hiện tình yêu dân tôc thì phải giống như Govbachov hay Yeltsin vân vân và vân vân”. Luận điệu đó xưa rồi chả có gì mới mẻ.Nếu kinh tế VN cứ phát triển đều đều 8%-9%, đời sống nhân dân cứ ngày một nâng lên thì cái mớ lí thuyết của mấy “ngài dân chủ ” chỉ còn nước đem bỏ sọt rác.
Tô Ngân
Ý kiến của bạn Mai-Florida thật chí lý. Nói cho cùng hôm trước nhân loại có computer sau đó con người nhờ computer nên có internet từ internet con người có đủ thứ khác trong đó có Blog và các nước có chính quyền “độc tài” ắt hẳn vì muốn kìm kẹp nhân dân để tồn tại sẽ tìm đủ mọi cách, mánh khóe để cấm cản nhân dân. Thiết nghĩ tư tưởng thì làm sao mà kiểm soát? bởi lẽ kỹ thuật hôm nay là computer và Blog ngày mai con người sẽ phát minh gì nữa đây?
Nói cho cùng chính quyền dù có muộn hãy quay lại với tình yêu dân tộc đích thực vì theo luật “tiến hóa” những gì không phù hợp với tự nhiên, với khát vọng của con người sẽ bị đào thải và nó áp dụng cho mọi chế độ. Ngày nay tại Việt Nam đang bị cai trị bởi đảng cộng sản và chủ thuyết cộng sản nay đã bị thoái hóa đã và đang tự diệt. Những nước cộng sản còn lại như Việt Nam, Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn theo thời gian và hoàn cảnh của từng nước rồi cũng sẽ đi đến tự diệt.
Riêng Việt Nam tôi mong muốn nếu có người trong hàng ngũ lãnh đạo hiện nay nếu có lòng yêu nước và vì biết trước chế độ rồi sẽ phải cáo chung thì hãy sửa soạn cho cuộc ra đi nhẹ nhàng của chế độ mà vẫn dữ đục phát triển và không đem lại đau khổ cho dân tộc đó là chuyện phải làm, đừng khinh thường nhân dân và cho rằng dân trí chưa đủ tôi không biết dân trí ngoài bắc ở cấp độ nào nhưng dân miền nam thì họ có đủ kiến thức để hiểu thế nào là tự do dân chủ vì chính họ đã có hơn hai mươi năm sống trong dân chủ dù rằng không phải là loại dân chủ trưởng thành.
Teddy, HN
Ngoài blog còn wikipedia (từ điển mở) nữa, liệu mấy ông CS có định quản lý nốt không nhỉ. Hay các ông ấy nghe thiên hạ đồn có blog thì nghĩ ra cái đề tài quản lý blog. Tôi đọc trên wikipedia thấy có nói cả về bức tường beclin,cải cách ruộng đất… và rất nhiều điều cấm kỵ ở VN. Ý kiến tôi về quản lý blog: đối xử với blog như hoạt động dân sự. Nếu có hành vi như bôi nhọ, giả danh… thì người bị hại có thể khởi kiện. Những blog mang tính chính trị cũng có thể bị xét sử bởi luật “một còng” và luật “hai còng” để thoả mãn ham vọng kiểm soát của nhà nước.
Nghi Nguyen, Hoa Kỳ
Ở một nước mà tất cả báo chí đều nằm trong sự kiểm soát của nhà nước, thông tin và bình luận thì bưng bít, một chiều, thì trào lưu blog có phát triển mạnh mẽ cũng là một điều đương nhiên. Người dân trong thời đại internet này đang cần một “đời sống” thông tin mới, mang nhiều tính cách cá nhân và độc lập. Cái nhu cầu này, hồi xưa thì eo hẹp như rỉ tai, truyền miệng, bây giờ thì rộng lớn như text message, viết blog.
Ở Mĩ, những blogs đã ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống con người – từ những chuyện nhỏ (vật giá leo thang, y tế xập xệ, môi trường ô nhiễm…) cho tới chuyện lớn (vấn đề di dân, chiến tranh Iraq, cứu trợ bão lụt…). Tác dụng của blog rất mạnh trên chính trường, một ứng cử viên tổng thống phải bỏ cuộc vì đã lỡ lời nói một câu không đẹp với một sắc dân, và vài dân biểu, nghị sĩ phải từ chức, vào tù vì những hành động mờ ám. Tất cả đều khởi đầu, bị khui ra bởi những bài blog trên mạng.
Nhà nước VN hiện đang để yên cho người ta viết blog, nhưng họ đã thấy cái nguy cơ của sự tự do “ngầm” này rồi. Một khi người viết blog không còn viết linh tinh, “xe cán chó, chó cán xe”, và bắt đầu đi “quá trớn”, rồi còn mang sắc thái chính trị nữa thì CSVN phải có biện pháp đối phó mà thôi. Chắc rồi cũng bắt chước Trung quốc lập tường lửa, áp lực Yahoo, Google, và đặt cảnh sát ảo trên mạng. Sự tự do của con người, nhất là tự do ngôn luận, không căn cứ trên nhân quyền quốc tế mà lại dựa vào chính sách nhà nước cầm quyền. Đó là điều đi ngược lại trào lưu tiến hóa của thế giới bây giờ.
Nam, Quảng Ninh
Blog cũng là một dạng báo, việc quản lý blog hay có những quy định nào đó cho blog cũng là điều dễ hiểu. Có người viết blog để nói lên sự thật thì sẽ có người viết blog để sai sự thật. Cũng rất có thể đây là một kênh để tuyên truyền chủ nghĩa khủng bố, dân tộc cực đoan, ly khai, phỉ báng tôn giáo…
Viet Tien, Sài Gòn
Cái hay nhất của Blog là quá trình tự đào thải, tự điều chỉnh. Những Blog viết hoặc đưa lên những ngôn từ, hình ảnh bậy bạ sẽ bị cộng đồng xa lánh hoặc phỉ nhổ. Những Blog hay mọi người sẽ tung hô, sẽ tìm đến. Cho nên, các ông các bà làm ơn đừng bao giờ tìm cách quản lý hay đưa Blog “đi đúng lề đường bên phải”. Cả thế giới người ta có đặt vấn đề quản lý Blog không, hay chỉ có “đồng minh” Trung Quốc?
Mai, Florida, Hoa Kỳ
Cái gì thì nhà nước CSVN cũng muốn quản lý tất tần tật! Nhưng nghĩ kỹ thì làm sao quản lý được suy nghĩ của con người? Các quan ngài lãnh đạo liệu có quản lý được vợ, con mình chưa? Cấm ko cho người ta nói thì chí ít cũng phải để người ta viết chứ! Và điều quan trọng là người ta viết cho chính mình chứ đâu phải viết cho người khác. Ai thích thì vào đọc, góp ý, còn ko thích thì ai bắt buộc mình phải vào đọc đâu? Cho nên quản chế blog là quản chế tư duy của con người, một việc làm bất khả kháng và chỉ phô bày thú tính hơn là nhân tính. Thiển nghĩ, nhà nước nên vào đọc các blog được nhiều fan ủng hộ để tìm hiểu suy nghĩ của xã hội.