Vấn đề Ukraine trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Mỹ

0
75

Phân tích của Trần Tô Hiệu
2022.05.10

Có phải Việt Nam đang “quay xe” trong lập trường đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine, sau khi tuyên bố viện trợ nhân đạo cho Kiev? Sự chuẩn bị kỹ càng cho chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Thượng đỉnh Mỹ – ASEAN và thăm nước Mỹ trong tuần tới có phải là chỉ dấu của những thay đổi trong tương lai?

Diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 5 của ĐCSVN do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày trước 200 Ủy viên trung ương hầu như không đề cập gì đến cục diện khu vực và quốc tế. Cuộc xâm lăng của Nga đối với Ukraine đang chấn động cả địa cầu, có khả năng làm thay đổi Trật tự thế giới trong cả khu vực lẫn trên toàn cầu, nhưng đối với Việt Nam, cho đến trước Hội nghị Trung ương 5 (TW5), hình như cuộc chiến ấy xẩy ra tận châu Phi hoặc trên Sao Hỏa. Tuy nhiên, với việc Thủ tướng Nhật Bản đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam hai ngày, 30/04 và 01/05, Việt  Nam bước đầu tỏ ra có một số điều chỉnh. Chiến tranh Ukraine là một trong những chủ đề trọng tâm trong chuyến thăm. Lãnh đạo chính phủ hai nước Nhật – Việt đã cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “ngừng bắn ngay lập tức” tại Ukraine và kêu gọi “không sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt”. Đặc biệt, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nhật, Việt Nam tuyên bố hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine 500.000 USD. Khoản viện trợ nhân đạo này cho Ukraine sẽ được tiến hành thông qua các tổ chức nhân đạo quốc tế” (1).

Thông tin trên  được Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố với báo chí sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Hà Nội vào ngày 1/5. Ngoài ra, “Việt Nam đã bày tỏ quan điểm toàn diện về vấn đề nhân đạo tại Ukraine, sẵn sàng đóng góp tích cực cho các hoạt động nhân đạo, tiến trình ngoại giao, đối thoại và đàm phán”, tờ Zing News dẫn lời Thủ tướng Việt Nam nói vào sáng 1/5. 

Theo David Brown, một nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã về hưu, việc Thủ tướng Việt Nam có mặt tại Washington có thể làm dấy lên bình luận tiêu cực. Những người đối thoại gay gắt có thể đặt vấn đề, tại sao Mỹ không trừng phạt vụ Hà Nội mua các hệ thống vũ khí của Nga và chỉ trích việc Hà Nội không tham gia bỏ phiếu lên án cuộc chiến của Putin ở Liên Hiệp quốc. Thủ tướng Chính và các đồng sự phải nói năng cẩn thận ở Washington. Ở đó, sự chú ý vẫn được tập trung vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Sẽ là khôn ngoan nếu ông Chính thể hiện sự đồng cảm thật sự với Ukraine và tỏ sự thất vọng với Nga, một người bạn đáng tin cậy lâu năm của chế độ Hà Nội, đã “đi chệch hướng”. Thủ tướng Chính cũng nên khẳng định một cách thẳng thắn và dứt khoát rằng, Việt Nam đã dựa vào các hệ thống vũ khí mua của Moscow để bảo vệ lợi ích của mình trước những phần tử hiếu chiến ở Bắc Kinh (3). 

Tuy nhiên, có những giới hạn thực tế về mức độ mà Việt Nam có thể xa lánh Nga mà không ảnh hưởng đến an ninh của chính nước này. Hơn 80% thiết bị quân sự của Việt Nam là do Liên Xô hoặc Nga sản xuất. Việt Nam phải đối mặt với cả sự cưỡng bức trên biển và biên giới trên bộ với Trung Quốc, nơi mà nó coi là một mối đe dọa lâu dài. Việt Nam đã đẩy lùi một cuộc xâm lược của Trung Quốc qua biên giới vào năm 1979 và duy trì một loạt các cuộc giao tranh với Trung Quốc trong thập kỷ tiếp theo, cả dọc theo biên giới và ở quần đảo Trường Sa. Hà Nội phải đối mặt với những thách thức thường xuyên trong vùng xám từ hải quân, lực lượng bảo vệ bờ biển và dân quân của Trung Quốc có thể leo thang bất cứ lúc nào và phải bảo vệ gần 50 tiền đồn biệt lập ở Trường Sa được đề phòng để chống lại cuộc xâm lược hoặc phong tỏa tiềm tàng. Việc xâm lược Ukraine khiến Nga trở thành một trách nhiệm chiến lược đối với Việt Nam, và Hà Nội biết điều đó. Do đó, Việt Nam đang đẩy nhanh việc đa dạng hóa hoạt động mua sắm quân sự của mình, như cách Việt Nam đã làm kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Đây sẽ là một quá trình rút ra từ từ và là một quá trình sẽ góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ an ninh Việt – Mỹ. Tuần tới đây, Thủ Tướng Chính phải thuyết phục Washington chấp nhận rằng Hà Nội không thể mạo hiểm nền an ninh của mình bằng cách công khai lên án Moscow (4). 

Nhân kỷ niệm sự kiện 30/4/1975, phát biểu trên tờ Tiền Phong, Thượng tướng Nguyễn Chí Vinh có nhắc lại lịch sử cuộc chiến tranh diễn ra từ sau năm 1954 – 1975: “Chiến thắng của Việt Nam đã mang lại cho dân tộc ta, cũng như cho thế giới một bài học rằng: Với cuộc chiến tranh xâm lược, với một dã tâm thôn tính của nước ngoài thì không có con đường nào khác là phải dùng bạo lực của chính nghĩa để đẩy lùi bạo lực phi nghĩa, làm thất bại cuộc chiến tranh phi nghĩa. Lịch sử chỉ ra rằng, không có cuộc chiến tranh xâm lược nào mà nước bị xâm lược có thể giữ được độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và hoà bình bằng sự thoả thuận, nhân nhượng” (5). Thiết nghĩ khi tướng Vịnh nhấn mạnh, “với một đội quân xâm lược… không có con đường nào khác là phải dùng bạo lực của chính nghĩa để đẩy lùi bạo lực phi nghĩa”, thì trong sâu thẳm tình cảm, đáng ra Việt Nam phải ngầm ủng hộ quân đội và nhân dân Ukraine. Dư luận nóng lòng chờ kết quả chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chính để đánh giá xem khi nào thì Việt Nam lên án cuộc xâm lăng của Nga, từ bỏ lập trường “trung lập” trong cuộc chiến Nga – Ukraine và sẽ tuyên bố, đấy là cuộc chiến tranh xâm lược?

_____________

Tham khảo:

1. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-donates-usd-500000-to-ukraine-05022022093153.html

2. https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/who-causes-trouble-for-pm-05022022104205.html

3. https://baotiengdan.com/2022/05/08/chuyen-hanh-huong-te-nhi-cua-thu-tuong-viet-nam/

4. https://www.csis.org/analysis/us-vietnam-partnership-complex-world

5. https://tienphong.vn/thuong-tuong-nguyen-chi-vinh-viet-nam-khong-chon-phe-viet-nam-doc-lap-post1433614.tpo

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here