Tuyên truyền và hệ thống tự hoại!

0
55
Thánh lễ tiễn đưa Linh mục Trần Ngọc Thanh, do Giám mục Giáo phận Kon Tum chủ tế, diễn ra tại Nhà nguyện Plei Đôn, thuộc Giáo xứ Kon Rơbang, Giáo hạt Kon Tum, vào ngày 30/1/2022.

Trân Văn

Cuối cùng, công an cũng cung cấp thông tin cho hệ thống truyền thông chính thức loan báo rộng rãi về án mạng xảy ra tại thôn Giang Lố 2, xã Saloong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum mà nạn nhân là linh mục Trần Ngọc Thanh, 41 tuổi (1)… 

Ngày 29 tháng 1 năm 2022, linh mục Thanh đến một nhà nguyện ở Saloong để thực hiện bí tích giải tội cho những người có nhu cầu hòa giải với Thượng đế và đồng loại trước thềm năm mới… Thế rồi ông Nguyễn Văn Kiên, 33 tuổi, đột nhiên xông vào, chém vô đầu linh mục Thanh hai lần. Sau đó, ông Kiên xoay qua tìm chém một tu sĩ ở gần đấy nhưng nạn nhân kịp dùng ghế đón đỡ (2)… Linh mục Thanh bị chém vỡ sọ nên không thể vượt qua được tình trạng nguy kịch!

Có một điểm đáng chú ý là khác với những án mạng từng xảy ra tại Việt Nam, cả công an lẫn hệ thống truyền thông chính thức im bặt, không đề cập gì đến sự kiện một linh mục Công giáo bị giết khi đang thực hiện mục vụ, cho dù đó rõ ràng là biến cố nghiêm trọng cả về tính chất lẫn mức độ. Thiên hạ chỉ biết tin này nhờ mạng xã hội và một số trang web có liên quan đến Công giáo… Đó cũng là lý do rất nhiều người suy đoán theo hướng, án mạng có sự sắp xếp…

Thiên hạ kể với nhau, rằng ông Trần Ngọc Thanh không phải là linh mục Công giáo đầu tiên bị tấn công. Trước ông đã có ít nhất bốn linh mục khác bị hành hung trên đất Kon Tum (3), có người bị đâm lòi ruột nhưng may mắn thoát chết. Chẳng riêng linh mục, nam tu sĩ, ngay cả nữ tu cũng bị hệ thống công quyền lẫn… thường dân gần gũi chính quyền dọa dẫm, sách nhiễu (4). Không phải ngẫu nhiên mà người thiểu số ở khu vực Tây Nguyên trốn ra ngoại quốc xin tị nạn do bị đàn áp vì… theo Tin Lành! 

*** 

Sự kiện linh mục Trần Ngọc Thanh bị giết khi đang thực hiện mục vụ không chỉ làm rúng động mạng xã hội Việt ngữ. Không ít trang facebook của các dòng tu, hội đoàn và tín đồ Công giáo trên thế giới đã loan báo sự kiện này kèm lời kêu gọi cầu nguyện. Chẳng hạn OP Laity East (trang facebook dành cho giáo dân tham gia các hội đoàn của Dòng Anh em Thuyết giáo mà người Việt thường gọi tắt là Dòng Đa Minh – gọi theo tên vị sáng lập đã được Việt hóa mà linh mục Trần Ngọc Thanh là một thành viên). 

Từ những trang facebook như OP Laity East (5), sự kiện tiếp tục được chia sẻ rộng hơn cả ở phương diện cá nhân lẫn cộng đồng của nhiều quốc gia. Ví dụ, có thể thấy thông tin về chuyện linh mục Trần Ngọc Thanh bị giết trên OP Laity East tiếp tục được chia sẻ trên Humphreys Catholic Community – trang facebook của cộng đồng Công giáo ở Humphreys, một căn cứ của quân đội Mỹ tại Nam Hàn (6). Rồi các thành viên của Humphreys Catholic Community lại chia sẻ thêm cho nhiều người, nhiều giới khác…

Có rất nhiều cá nhân không phải người Việt, chưa từng nghe ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư đảng CSVN khoe về thành tựu… dân chủ ở Việt Nam. Có rất nhiều cá nhân không phải người Việt nếu đã nghe thì cũng chẳng nhớ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã nói những gì về… thăng tiến nhân quyền, về… tiến bộ của tự do tôn giáo, về… sự ổn định tại Việt Nam. Song theo logic về tâm lý, họ sẽ nhớ rất kỹ và khi đề cập tới Việt Nam, họ sẽ nhắc rất nhiều người về chuyện linh mục Thanh bị giết! 

Chưa có bất kỳ bằng chứng nào về chuyện linh mục Trần Ngọc Thanh là nạn nhân của một âm mưu. Cho dù sự im lặng của hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam về án mạng này hết sức khác thường nhưng khả năng các cơ quan truyền thông chính thức bị chỉ đạo phải… “ngậm tăm” không lớn. Kẻ viết bài này tin rằng, chính cách quản lý, lối hành xử của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam mới là lý do khiến hệ thống truyền thông chính thức chủ động… “ngậm tăm”, tránh rắc rối.

Cách nay khoảng hai tuần, khi gặp gỡ báo giới trước thềm năm mới, ông Nguyễn Văn Nên – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TP.HCM, nhắc báo giới phải độc lập, phải tránh bốn đặc điểm là… bầy đàn, khuôn mẫu, ỷ lại và đổ lỗi (7).

Tại sao báo giới Việt Nam lại mang bốn đặc điểm mà ông Nên cảnh báo cần tránh? Nếu sự độc lập của báo giới được tôn trọng, chắc chắn sẽ không thiếu thông tin về những sự kiện như linh mục Trần Ngọc Thanh bị giết, hay hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Tây Nguyên xâm hại các quyền căn bản của con người, chà đạp tự do tôn giáo và tất nhiên không gây hoài nghi, rằng có âm mưu nào phía sau các sự kiện hay không! Còn xác định báo giới là công cụ tuyên truyền và ép buộc nhắm mắt, bịt tai để tuyên truyền theo mục tiêu, bất chấp thực tại, bất kể nhân tâm, dân ý thì “công tác tuyên truyền” đâu có khác gì quảng cáo cho hoạt động tự hoại. 

Chú thích

(1) https://tienphong.vn/nguoi-dan-vay-bat-doi-tuong-vac-dao-xong-vao-buoi-le-chem-linh-muc-tu-vong-post1413942.tpo

(2) https://www.facebook.com/maikhoi.net/posts/2129585747206956

(3) https://www.facebook.com/phamminhvuquangtri/posts/1020141705511645

(4) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=147304707694257&id=100072441848356

(5) https://www.facebook.com/OPlaityeast/posts/488641516115494

(6) https://www.facebook.com/HumphreysCatholicCommunity/posts/6962352120472664

(7) https://nld.com.vn/chinh-tri/bi-thu-thanh-uy-tp-hcm-dat-ra-4-yeu-cau-voi-bao-chi-thanh-pho-2022011915235886.htm

Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here