I. Tóm tắt vụ việc Vào ngày 17.2.2020, thời điểm toàn quốc chỉ có 9 ca nhiễm Sars Covi-2, Bộ Khoa học & Công nghệ cấp cho Học viện Quân y 18,9 tỉ đồng để nghiên cứu chế tạo bộ xét nghiệm Covid 19.
Ngày 3.3.2020 Bộ này nghiệm thu bộ xét nghiệm do Học viện Quân y và Công ty Việt Á sản xuất.
Ngày 4.4.2020 Bộ Y tế có văn bản chấp thuận cho lưu hành toàn quốc đồng thời hạn chế nhập khẩu để Việt Á độc quyền cung cấp bộ xét nghiệm, ra văn bản chỉ đạo các cơ quan phòng chống dịch bệnh toàn quốc mua bộ xét nghiệm của Việt Á với giá cả cụ thể.
Cùng thời gian đó Bộ Khoa học & Công nghệ loan tin bộ xét nghiệm Covid 19 của VN sản xuất đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chứng nhận cho phép lưu hành và đã được một số nước Châu Âu đặt mua, trong đó có Vương quốc Anh.
Tiếp đó là một chiến dịch quảng cáo rầm rộ do Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin truyền thông phát động, có sự tham gia cả của đài Truyền hình Trung ương, báo Nhân Dân, báo Quân Đội Nhân Dân (các báo do Trung ương Đảng trực tiếp quản lý chỉ đạo).
Hòa theo đó Ban Thi đua Khen thưởng cùng Văn phòng Chủ tịch nước làm văn bản trình Chủ tịch nước khen thưởng Huân chương Lao Động hạng ba cho Công ty Việt Á, được Chủ tịch nước phê chuẩn và ban hành.
Trên thực tế, bộ xét nghiệm Covid-19 Việt Á được lưu hành là sản phẩm của Trung Quốc được nhập lậu.
Theo chiến lược chống Covid-19 bằng Chỉ thị 16 rồi 16+ của Chính phủ, đi cùng với phương châm “Thần tốc xét nghiệm diện rộng”, “Chống dịch như chống giặc”, “Đi từng cửa gõ từng nhà ngoáy thử truy cùng diệt tận”, bất chấp ý kiến phản biện tâm huyết của các nhà khoa học cả trong lẫn ngoài nước, nhiều khu cách ly và bệnh viện dã chiến đã mọc lên gom F0, F1 vào một chỗ như các trại tập trung thiếu điều kiện vệ sinh cần thiết, gom rồi mà không có thuốc men điều trị cũng chẳng biết làm gì, tạo môi trường lây nhiễm chéo để dịch bệnh bùng phát mạnh đến mức không còn kiểm soát nổi.
Thành phố Hồ Chí Minh trở nên thành phố chết, một số tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… là những nơi tập trung rất nhiều khu công nghiệp lâm vào khủng hoảng.
Nhiều chợ bị đóng cửa, các chuỗi cung ứng hàng hóa liên tỉnh thành bị đứt, gây nên tình trạng thiếu hụt các loại nhu yếu phẩm, giá hàng tăng cao 3-4 lần so với lúc bình thường.
Chính phủ kêu gọi “ai ở đâu ở đó”, các trạm kiểm dịch mọc lên như nấm, khiến toàn dân bị “cầm tù” tại gia. Trong khi đó, lời hứa của Chính phủ về việc cung ứng gạo, tiền và các loại nhu yếu phẩm lại không được thực hiện một cách đồng đều khiến cho hàng trăm ngàn gia đình người lao động lâm vào cảnh thiếu đói.
Sau 3 tháng chịu đựng, hàng triệu người lao động đã phải dìu dắt nhau bỏ chạy về quê trong những điều kiện hết sức nguy hiểm để vừa tránh dịch vừa tránh đói, hậu quả là dịch bệnh lan tràn khắp các vùng miền Tây Nam bộ và nhiều nơi khác thuộc Trung, Bắc bộ.
Ban đầu, khi chưa phát hiện ra vụ Việt Á, ai cũng trách Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 phạm sai lầm gây nên cái chết đau thương của trên 30 ngàn người dân là do lúng túng, chủ quan, quan liêu, thiếu kinh nghiệm và hiểu biết.
Giờ đây, sau khi phát hiện vụ Việt Á, mọi người mới vỡ lẽ ra rằng thành tích của chiến dịch “Thần tốc” đè dân ngoáy mũi trên diện rộng rất có thể là để tiêu thụ nhiều bộ xét nghiệm Việt Á trong thời gian ngắn nhất, là âm mưu rất thâm độc lợi dụng dịch bệnh để kiếm lợi hàng ngàn tỉ đồng rút từ ngân sách nhà nước, không chỉ của Công ty Việt Á mà còn của một số bộ, ngành liên quan, đặc biệt Bộ Y tế, Bộ Khoa học & Công nghệ, Học viện Quân y, với sự tiếp tay đắc lực của các cơ quan truyền thông nhà nước dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Cho đến tháng 12.2021 Bộ Công An khởi tố vụ án, bắt Phan Quốc Việt và các phần tử liên quan về tội nâng giá bộ xét nghiệm Covid 19 và đưa nhận hối lộ, thì đã có 62 tỉnh thành mua bộ xét nghiệm của công ty Việt Á với tổng số tiền lấy từ ngân sách các địa phương lên tới 4000 (bốn ngàn) tỉ đồng; giá cung cấp thấp nhất là 470.000 đồng (bốn trăm bảy chục ngàn đồng) cho mỗi bộ xét nghiệm, cao gấp nhiều lần so với giá mua là 21.560 đồng mà Việt Á thừa nhận với cơ quan điều tra.
Mức “lại quả” (một hình thức đưa/ nhận hối lộ) trong mỗi thương vụ như vậy dành cho bên mua là các sở y tế, trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC), bệnh viện của 62 địa phương được khai ra là khoảng 20% trên doanh số bán. Cũng vào thời điểm nêu trên, Bộ Khoa học & Công nghệ đã phải gỡ bỏ bản tin giả do chính Bộ này đưa ra trước đây cho báo chí loan truyền để quảng cáo cho bộ xét nghiệm của Công ty Việt Á.