Hello chị Ba
Vậy là hồi Tết tới giờ, tui viết cho chị ba cái thư rồi đó nha. Không phải là tui tính toán từng cái thư với chị nhưng mà phải nói cho rõ như vậy để chị và má khỏi cằn nhằn. Chị biết là tui làm biếng dữ lắm. Mà thà là chị nhờ tui đi vô rừng kiếm thuốc về cho chị uống, hay vô rẫy cuốc giùm chị mấy công đất thì còn dễ, chứ còn cái vụ thư từ thì tui sợ muốn chết.
Tui công nhận là mình cũng hơi nhiều chuyện, vậy mà riết rồi nhiều khi xong cái câu: “Kính thưa ba má, đầu thư con kính mong ba má, vợ chồng anh chị Hai, chị Ba và sắp nhỏ luôn luôn vui mạnh…” rồi cái là tui… không biết viết cái gì tiếp nữa. Chị than là ở nhà chán lắm. Bộ chị tưởng ở đây không chán chắc.
Kỳ này hên cho tui mà cũng hên cho chị là tui mới đi Oregon thăm anh chị Hai và sắp nhỏ trở về nên có chuyện mới để kể cho chị nghe. Tui chịu phong cảnh và khí hậu ở Portland quá chị Ba à.
Mấy ngày ở đó, tui thấy nó giống y chang như Đà lạt mình vào mùa mưa vậy đó. Sao mà thương hết sức. Về tới nhà là tui lật đật viết thư liền cho chị. Tui phải kể cho ai đó nghe một chút về Oregon, nếu không, tui dám…chết. Ở đây tui không quen nhiều người và tui chắc rằng không có ai biết rõ về Đà Lạt như tui với chị để mà nói cho người ta hiểu, và thông cảm được.
Xe buýt chạy vô ranh giới tiểu bang này đâu chừng vài chục dặm là trời đổ mưa liền. Thiệt nó đã gì đâu! Mấy tháng nay ở Cali nóng muốn đổ lửa và cây cỏ vàng cháy ngó mà muốn héo lòng.
Ra khỏi trạm xe buýt trời vẫn còn mưa. Tui hỏi thẳng cha tài xế taxi, bộ ở đây mưa liền liền vậy sao cha nội? Chả gật đầu, mặt buồn xo hà. Tui thì thấy khoái trong bụng.
Tui thích mưa lắm chị Ba. Từ nhỏ tui đã mong mưa như một thằng bạn đi học xa, mỗi năm mới ghé về một lần. Mưa là tui xếp thuyền giấy thả cho nó chạy dọc theo đường Duy Tân. Mưa, tui đạp xe đạp chạy vòng vòng thành phố. Chạy có tới khi nào người cóng lạnh, môi tím ngắt tui mới chịu về.
Về nhà len lén pha một ly cà phê sữa, ăn cắp của ba một điều thuốc lá và vô cầu tiêu ngồi… uống cà phê hút thuốc lén. Sau đó lên giường đắp mền, trùm đầu kín mít, nằm lắng nghe mưa rơi trên mái tôn.
Những giây phút hạnh phúc, sung sướng an bình vô tư đó sao nó giản dị quá há? Và chỉ khi nào những ngày tháng hạnh phúc đầm ấm đó qua rồi mình mới biết là mình đã sống những ngày hạnh phúc.
Lớn thêm một chút tui thấy là mưa làm cho tâm hồn mình tươi mát và dịu dàng đằm thắm hơn. Cuộc đời lưu lạc của tui bắt đầu bằng những ngày mưa đầu mùa ở Thái Lan. Sau đó là những ngày mưa rừng, mưa đảo tả tơi ở Nam Dương, những chiều mưa trên những hè phố rực rỡ ánh đèn ở Tân Gia Ba… Rồi là mưa Houston, mưa Crete, mua Wichita, mưa Los Angeles, mưa San Jose…
Ở đâu tui cũng thầm mong mưa. Ở đâu mưa cũng vẫn tới. Và những mùa mưa nơi đất lạ xứ người bao giờ cũng làm tui thất vọng ít nhiều. Tui có cảm tưởng như mình đã vĩnh viễn đánh mất những buổi chiều êm đềm xưa cũ ở Đà Lạt rồi.
Dầu thất vọng hoài hoài mà tui vẫn cứ mong như mong một người tình lỡ. Khi người ta còn trẻ (hoặc chưa già lắm) thì mưa cũng như tình yêu vẫn có dịp tới hàng năm. Và cũng giống như mùa mưa muộn màng trong cuộc đời, những mối tình muộn vẫn thường xuyên chở theo mỗi lúc thêm nhiều thất vọng.
Chiều đầu tiên ở Oregon, chị Hai cho tui ăn cá kho với riềng và canh cá chua thịt bò rau răm. Bên ngoài mưa nho nhỏ, trời buồn xám, âm u. Trong nhà, căn nhà rất cũ, ánh điện vàng cơm trắng, cá kho riềng. Cái mùi riềng thiệt tui không thích lắm mà lâu lâu mới có dịp ăn lại nên vẫn thấy bùi ngùi.
Ngồi nhai cơm nghe chị Hai nói chuyện nhà. Cái giọng nói quen thuộc của bả với tiếng mưa rơi đều đều trên mái tôn làm tui cảm tưởng như mình đang ngồi ở căn nhà đường Nguyễn Biểu vậy. Không phải tui nói nịnh cho má và chị vui chớ lúc đó tui nhớ nhà, nhớ má, nhớ chị muốn đứt ruột luôn.
Mấy bữa ở Oregon với chị Hai, tui sống khỏe! Sáng tui pha một ly cà phê mang xuống quầy ngồi uống, hút thuốc và nói chuyện cà khịa với chị Hai chút đỉnh cho bả đỡ buồn. Chừng mười lăm hai mươi phút cái là hai chị em hết chuyện. Có chuyện khỉ gì mà nói ở cái xứ mắc dịch này.
Đợi lúc bả có khách là tui đi ra khỏi nhà. Tui đi co ro dưới những mái hiên để tránh mưa, với cái bành tô dầy cộm khoát trên người mà tưởng chừng như mình đang từ nhà đi lên cà phê Tùng vào một buổi sáng Đà Lạt trời mưa.
Ở đây có ít quán cà phê lắm. Toàn là quán rượu không. Bởi vậy tui phải vô quán rượu! Cái kiểu của tui bây giờ nó vậy đó. Thiệt là tệ hết sức nói mà tui bỏ không được. Nói gì thì nói, mỗi buổi sáng, mỗi buổi chiều ở một thành phố là lạ tui phải vô quán rượu. Phải hai ba ly gì đó bất cứ với hai ống vố thuốc rồi sau đó tính gì mới tính được.
Mà có tính khỉ gì đâu chị Ba. Tui chỉ ngồi chờ mưa tạnh, nắng lên. Nắng lên vừa ráo mặt đường là tui đi ra khỏi quán, thả bộ trên những con đường nho nhỏ và tĩnh lặng của thành phố Portland.
Buổi chiều tui cũng đi chơi như vậy. Nghe tui nói chị nghĩ là chán mà thiệt ra đã lắm. Ở cái xứ thời giờ là tiền bạc và mọi người đều tìm cách giựt tiền của nhau như ở Mỹ, được đi bộ tà tà trên những con đường phố đẹp, lạ và vắng vẻ không phải là chuyện mà thằng nào cũng biết và có điều kiện để chơi.
Tui thích buổi chiều hơn buổi sáng. Một buổi chiều mưa vừa tạnh ở Portland thì thiệt là không có gì để phàn nàn. Tui cứ đi chầm chậm trên những con đường vắng ở một nơi xa lạ mà tưởng như mình đang đi trên đường Phạm Phú Quốc, Phạm Phú Thứ hay Yersin ở thành phố quê hương mình.
Cũng là một buổi chiều mát rượi, những lá cây xanh mướt, những viên gạch sạch bóng sau một trận mưa. Cũng là màu vàng yếu ớt của một ngày đã ngã chiều và tiếng chim hót trong trẻo đó đây, sau một lùm cây.
Điều làm tui ngạc nhiên thích thú nhất là những vườn bông. Nhà nào cũng có vườn bông hết trơn đó chị Ba. Và toàn là những thứ bông hoa quen thuộc ở Đà lạt mình không hà, Glaieull vàng, trắng và hồng nhung.
Tui cứ nấn ná hoài trước nhà của người ta. Kỳ hết sức mà bỏ đi không nổi. Bao nhiêu năm rồi nghe chị Ba vậy mà nhìn lại cứ thấy là mình còn thương hết sức cái màu hồng nhạt mong manh của những cành hoa Tim Vỡ.
Ở Mỹ tiểu bang nào cũng có hoa Pensee. Tui thấy hoài hà. Nhà tui mướn ở San Jose cũng có trồng hai ba cụm nữa; vậy mà trừ khi nào tui lật đật qua chớ còn thường thường cứ nhìn những cánh Pensee rung nhẹ trong nắng sáng hay nắng chiều là tui lại thấy lòng mình se thắt. Nó cứ làm tui nhớ thương Đà lạt quá trời.
Nơi đây bên canh Pensee còn có Hồng, còn có những bụi Tường Vi nữa hỏi làm sao mà tui không ngỡ ngàng ngơ ngẩn hết chiều này qua chiều nọ. Có những góc đường nó giống Đà Lạt đến cái mức là tui tưởng như mình đi trong mơ vậy đó.
Lúc trở về lại Cali mới thiệt là rầu. Chuyến xe khởi hành buổi chiều. Ra khỏi thành phố là đúng lúc “nắng chia nửa bãi”. Xe chạy qua những cánh đồng nằm sát chân núi, những cánh đồng lúa mì lúa mạch gì đó mà người ta vừa mới gặt xong. Ngó y chang như mình đang đi trên quốc lộ 20 trên một đoạn đường nào bất cứ từ Di Linh đến Đà Lạt.
Không có những bụi quì vàng thắm trong nắng chiều nhưng thay vào đó bên đường cũng rực rỡ bao nhiêu là hoa Mayflower. Chỉ thiếu vài căn nhà gỗ lợp tôn nho nhỏ với giàn hoa giấy đỏ thắm màu xác pháo.
Cũng thiếu những ngôi nhà tranh của những bản làng nằm sát cạnh chân núi và một chút khói lam chiều nữa…, chớ phải đủ hết là tui sẵn sàng mở cửa phóng ra khỏi xe và vui lòng nằm chết không kịp ngáp ngay tại chỗ.
Thôi tui stop nghe chị Ba. Tui viết thư riết sao mỗi lúc một buồn. Tự nhiên làm chị buồn theo tội nghiệp. Tháng sau tui sẽ viết thư tiếp cho chị.
Tui nói chơi chứ chị đừng lo tui hết chuyện. Còn nhiều chuyện để kể cho chị nghe lắm. Chuyện tui đi học ở Mỹ cũng cười ra nước mắt được. Rồi chuyện mảnh đất nhỏ trong căn nhà mới thuê nữa. Mảnh đất đã có rau răm, rau húng quế, rau dấp cá, rau tía tô, rau kinh giới… có rau dền và cải xanh trổ bông vàng nữa.
Sáng nay tui vừa bắt gặp một con bướm trăng chàng ràng trong vườn hoa nữa. Và chuyện tui đang thất tình nữa chớ.
Bây giờ thì khuya dữ rồi, mà tui còn phải ngồi bỏ dấu cái thư nầy nữa. Chữ tui viết ở nhà không ai đọc được. Đánh máy thì bỏ dấu mệt hết sức. Không bỏ dấu thì sợ má rầy, má chửi.
Chị hưỡn là viết thư cho tui nha. Chị ăn gian tui ba bốn cái thư rồi đó. Còn quên chuyện này nữa, tui có đưa cho chị Hai ít tiền, nhờ bảơ mua quà gửi về. Nhà nhận được cho tui hay liền nha.
Tui, em chị: tnt – 1984