Bài hấp dẫn. Đọc để hiểu thêm người Trung Quốc nghĩ gì ?
Đăng ngày: 14/05/2020 – 11:03
Sửa đổi ngày: 14/05/2020 – 11:03
Minh Anh / RFI
« Trung Quốc muốn chiếm Đài Loan và khẳng định thế bá quyền của mình với thế giới ». Đây chính là tuyên bố của tướng Kiều Lương (Qiao Liang) trong bài trả lời phỏng vấn trên tờ tạp chí Bauhinia (Zijing) của Trung Quốc đăng tại Hồng Kông và được tạp chí « Conflits » (Các cuộc xung đột) của Pháp dịch toàn văn.
Tạp chí « Conflits » nhận định « Lắng nghe những gì Trung Quốc nói để hiểu rõ hơn Trung Quốc, nhãn quan của nước này về thế giới, cũng như hệ tư tưởng của nước này là một điều thiết yếu để đối mặt với một trật tự thế giới mới ». Tạp chí Pháp nói rõ ông Kiều Lương là một tướng Không Quân của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc đã về hưu, hiện là giáo sư đại học. Ông cũng là tác giả của nhiều tập sách chuyên về chiến lược, trong số này có cuốn “La Guerre Hors Limite” (tạm dịch là Cuộc chiến vô giới hạn”), được dịch và phát hành tại Pháp.
Với tờ báo chuyên về địa chính trị và lịch sử này của Pháp, những phân tích của tướng Kiều Lương, tuy mang tính chất cá nhân, không đại diện cho chính phủ Trung Quốc, nhưng cũng đáng để nghiền ngẫm, vì ít nhiều gì cũng nằm trong đường hướng suy nghĩ của giới chức cao cấp Trung Quốc và như vậy cho phép hiểu rõ hơn về những tham vọng của Trung Quốc. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu tóm lược bài phỏng vấn.
Đế quốc Hoa Kỳ đang hồi suy tàn
Đầu tiên hết, tờ « Conflits » nhắc lại bối cảnh cuộc phỏng vấn. Dịch Covid-19 nay đã được khống chế ở Trung Quốc. Tuy nhiên, người ta không thể phớt lờ rằng sự lây lan của dịch bệnh và phản ứng dây chuyền trên thế giới rất có thể gây ra một « cú sốc » thứ hai rất lớn cho Trung Quốc. Gần đây, Hoa Kỳ mở các chiến dịch sơ tán công dân của họ tại nhiều nước và kêu gọi tất cả các doanh nghiệp Mỹ cũng phải di tản (theo như ghi nhận của phía Trung Quốc).
Thêm vào đó, tổng thống Trump ký « Taipei Act – Đạo luật về Đài Loan » vào lúc dịch bệnh hoành hành dữ dội tại Mỹ. Hoa Kỳ đang che giấu những âm mưu gì sau những hành động bất thường đó ? Dịch bệnh sẽ có những tác động quan trọng ra sao đối với trật tự thế giới ? Liệu có xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ hay không ? Trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc sẽ phải phản ứng ra sao ?
Trước tiên, ông Kiều Lương đánh giá rằng vị thế siêu cường của Mỹ đã bị suy yếu từ bao lâu nay, kể từ khi nước này không còn duy trì nền sản xuất công nghiệp, mà ông Kiều Lương cho là một yếu tố quan trọng từng giúp nước Mỹ thắng hai cuộc Đại Thế Chiến và thống trị thế giới trong hơn 70 năm qua.
« Cho dù Hoa Kỳ vẫn sở hữu công nghệ cao, có đồng đô la và có nhiều binh sĩ, nhưng tất cả những yếu tố này cần có một sự hỗ trợ của ngành sản xuất chế biến. Không có công nghiệp sản xuất chế biến, ai hỗ trợ cho công nghệ cao? Ai hỗ trợ cho đồng đô la? Ai hỗ trợ cho quân đội Mỹ ? »
Nước Mỹ ngày nay là một siêu cường công nghiệp « ma », có nhiều bằng sáng chế, làm chủ nhiều công nghệ, nhưng lại phải dựa vào công nghiệp sản xuất chế biến của Trung Quốc để biến những « tấm bằng sáng chế » đó thành sản phẩm. Và cuộc khủng hoảng virus corona đã phơi bày một cách « tàn nhẫn » tình trạng suy thoái này, mà ví dụ điển hình nhất, theo tướng Kiều Lương, là tình trạng thiếu máy trợ thở.
« Trong lúc này, hãng Medtronic của Mỹ đã vi phạm hoàn toàn quyền sở hữu trí tuệ về máy trợ thở của mình và đã để các nước khác sản xuất, đặc biệt là Trung Quốc. Vì sao ? Phải chăng là vì những yếu tố nhân bản và đạo đức được đặt lên trên hết trong trường hợp này ? Tôi không phủ nhận là có khả năng đó, nhưng điều quan trọng hơn chính là Mỹ không còn khả năng sản xuất máy trợ thở mà họ có bằng sáng chế. Trong số 1.400 chiếc, hơn 1.100 chiếc được sản xuất ở Trung Quốc, kể cả khâu lắp ráp sau cùng. Đây chính là vấn đề của nước Mỹ ngày nay. Họ có trong tay một nền công nghệ mũi nhọn, nhưng lại không có phương pháp và khả năng sản xuất, cho nên phải dựa vào nền sản xuất của Trung Quốc. »
Sai lầm của Hoa Kỳ và phương Tây là chỉ chăm chút cho các ngành công nghệ cao và xem thường các ngành công nghiệp cấp thấp, để rồi giờ đây gánh lấy hậu quả nhãn tiền là không thể sản xuất lấy một chiếc khẩu trang y tế để chống dịch.
Với ông Kiều Lương, việc tổng thống Mỹ Donald Trump và các lãnh đạo phương Tây hô hào tái dịch chuyển sản xuất chẳng qua chỉ là một trò đánh lừa công luận. Các nước châu Á khác không đủ nguồn nhân công giá rẻ dồi dào và có tay nghề bằng Trung Quốc. Nhưng nếu dời nhà xưởng về trong nước, sản phẩm có nguy cơ mất tính cạnh tranh trong dài hạn.
Ông nói : « Dịch bệnh hiện nay làm lộ rõ hơn nữa sự thiếu vắng đau đớn ngành công nghiệp chế biến, khiến nhiều người bị mất nguồn sinh kế, nhưng liệu có dễ để khôi phục lại nền sản xuất này hay không ? Đâu rồi các chủ doanh nghiệp, các kỹ sư và những lao động có tay nghề ? Giá nhân công ở Mỹ cao gấp 7 lần so với tại Trung Quốc. Làm thế nào tạo ra được lợi nhuận cho các doanh nghiệp? Cho dù chính phủ có giảm thuế và người lao động có tự động giảm lương đến một nửa, thì đó cũng chỉ là những biện pháp khẩn cấp trong ngắn hạn ».
Theo ông Kiều Lương, rủi ro lớn nhất đối với Mỹ là đồng đô la có nguy cơ mất thế độc quyền nếu các công ty, nhà xưởng của Mỹ hồi hương, như tuyên bố của tổng thống Donald Trump:
« Mắt khúc mía không dễ nhai chút nào. Để cung cấp thanh khoản cho các nước khác, thì cần phải mua sản phẩm của họ. Nhưng nếu tái khởi động ngành sản xuất chế biến, thì không cần mua hàng hóa của người khác. Như vậy sẽ có ít đồng đô la lưu hành sang các nước khác và khi những nước đó tự giao dịch với nhau, họ sẽ phải tìm đồng ngoại tệ khác. Liệu đồng đô la Mỹ có sẽ còn duy trì bá quyền được nữa hay không ? »
Đài Loan : Sớm hay muộn cũng phải trở về với Hoa Lục
Liên quan đến vấn đề Đài Loan, ông Kiều Lương xác định lập trường không thay đổi của Bắc Kinh là Đài Loan phải được hợp nhất với Hoa Lục. Chỉ có điều giờ là chưa phải lúc, bởi vì theo ông Kiều Lương, khái niệm chủ quyền quốc gia bây giờ không chỉ gói ghém trong hai chữ « lãnh thổ » nữa.
« Trong thế giới hiện nay, chủ quyền kinh tế, chủ quyền tài chính, chủ quyền không gian mạng, chủ quyền về quốc phòng, chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên, lương thực, chủ quyền trong đầu tư, sinh học, văn hóa… và nhiều khía cạnh khác có liên quan đến các lợi ích và sự sống còn của các nước, tất cả những yếu tố này thuộc phạm trù chủ quyền quốc gia. »
Thế nên, người ta cần phải cân nhắc đâu là vấn đề ưu tiên, lãnh thổ là điều quan trọng, nhưng cũng không vì thế mà lơ là các chủ quyền khác.
Khi được hỏi vì sao tổng thống Trump ký « Taipei Act » vào lúc này, ông Kiều Lương cho rằng đây còn là một vấn đề chính trị.
« Điều chủ yếu ở đây là vì chính phủ Mỹ, Quốc Hội và các nhà hoach định chính sách đang gặp khó khăn ở Mỹ, kể cả trong việc đối phó với dịch bệnh lẫn trong việc thiếu sản xuất, nên cần phải gạt bỏ vấn đề nan giải này. Thế nhưng, do không có giải pháp cho mọi vấn đề, Hoa Kỳ không thể nào để cho Trung Quốc yên thânʺ. »
Ngoài ra, tướng Kiều Lương cũng không phủ nhận ý định của chính quyền Washington dùng hồ sơ Đài Loan như là một công cụ để gây bất ổn cho Trung Quốc. Nhưng vị tướng Trung Quốc về hưu này khẳng định Đài Loan sẽ không thể đi đến độc lập và ông nghi ngờ khả năng Hoa Kỳ sẵn sàng « đổ máu » vì nền độc lập cho Đài Loan. Ông cảnh báo, mọi ý đồ dùng vũ lực để giành độc lập cho Đài Loan sẽ đối mặt với quyết tâm và khả năng hợp nhất Đài Loan của Trung Quốc.
Covid-19 : Thời huy hoàng của Mỹ và phương Tây đã điểm
Cuối cùng khi được hỏi, dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra, đang hoành hành trên toàn cầu, sẽ tác động ra sao đến diện mạo thế giới, ông Kiều Lương nhận định, bản thân dịch bệnh này không khủng khiếp bằng hai cuộc đại chiến. Nhưng dịch Covid-19 như là « giọt nước sau cùng đến để phá vỡ vòng chu kỳ toàn cầu hóa và động lực của tiến trình toàn cầu hóa này », đồng thời gióng chuông báo hiệu thời suy tàn của phương Tây đã đến.
« Tại sao dịch bệnh diễn ra lúc này lại làm cho toàn bộ thế giới phương Tây lúng túng ? Điều cốt lõi là không phải để biết dịch bệnh khủng khiếp đến mức độ nào, mà là để nhận thấy là đối với cả Hoa Kỳ và phương Tây, đã qua rồi cái thời huy hoàng, và họ phải đối phó với trận dịch này vào lúc mà họ đang suy tàn. Dịch bệnh xảy ra vào lúc này, dù chỉ như một cành cây nhỏ rơi xuống, nhưng cũng đủ làm gãy lưng con lạc đà, vốn dĩ đang bước đi khó nhọc. Đây mới chính là nguyên nhân sâu xa nhất. »
Với những lời lẽ không chút vòng vo, tướng Kiều Lương cho rằng, sau trận dịch này, Hoa Kỳ và các nước phương Tây chắc chắn sẽ phải « gắng gượng hồi phục ». Nhưng phải mất đến bao lâu ? Ông Kiều Lương dự báo : phương Tây sẽ mất ít nhất từ một đến hai năm để khôi phục nền kinh tế và thoát khỏi cơn chấn thương tâm thần này.