Tướng Chung-Người bội ước trở thành Quan tòa trong vụ Đồng Tâm

0
332
Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung (áo trắng) xuống xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 22 tháng 4 năm 2017. Courtesy: AFP photo
Hòa Ái, phóng viên RFA

Bản Dự thảo Kết luận Thanh tra về đất đai ở Đồng Tâm được công bố vào ngày 7/7/2017, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung. Nội dung của bản dự thảo không những mang lại nỗi thất vọng cho người dân Đồng Tâm mà bài phát biểu của ông Chung hôm đó còn khiến cho những người quan tâm đến vụ Đồng Tâm bất bình tột độ.

Khủng hoảng ở Đồng Tâm

Một tuần lễ đã trôi qua kể từ khi Dự thảo Kết luận Thanh tra về đất đai ở Đồng Tâm được công bố công khai, nhưng Đài Á Châu Tự Do ghi nhận dư luận trong và ngoài nước vẫn sôi nổi thảo luận liên quan đến bài phát biểu của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vào hôm 07/07/2017.

Hầu hết những người quan tâm đến vụ việc tranh chấp đất đai giữa chính quyền địa phương với dân chúng ở thôn Hoành, gọi ông Nguyễn Đức Chung, là “người bội ước” vì Công an Hà Nội vào ngày 13 tháng Sáu ra quyết định “khởi tố vụ án hình sự đối với vụ bắt giữ người trái pháp luật và hủy hoại tài sản ở xã Đồng Tâm”, không đúng theo cam kết mà ông Chung đã hứa hồi đầu tháng Tư rằng không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân ở đây, khi họ buộc phải bắt giữ 38 cán bộ, công an và cảnh sát cơ động để được yêu cầu đối thoại cùng chính quyền thành phố.

Mặc cho một trong ba điều cam kết của ông Nguyễn Đức Chung không được thực hiện, cụ Lê Đình Kình, người đại diện của dân chúng xã Đồng Tâm, khẳng định vẫn tin tưởng vào chính quyền Hà Nội, với hy vọng vụ tranh chấp đất đồng Sênh sẽ được giải quyết trước khi tiến hành khởi tố điều tra người dân xã Đồng Tâm. Dân chúng nơi đây vẫn mong mỏi và trông cậy vào kết luận thanh tra sẽ được công tâm đúng theo luật pháp.

Qua bài phát biểu của ông Nguyễn Đức Chung tại buổi công bố Dự thảo Kết luận Thanh tra về đất đai ở Đồng Tâm, ông Chung dùng từ “khủng hỏang”, mà trước đó cụ Lê Đình Kình đã buột miệng than rằng “Đồng Tâm lại rơi vào khủng hoảng nữa rồi!”, lúc cụ nghe tin Công an Hà Nội khởi tố vụ án hình sự đối với người dân giữ đất ở thôn Hoành.

Nhà quan sát tình hình Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho là Chính quyền thành phố Hà Nội có đồng quan điểm với dân chúng xã Đồng Tâm khi đánh giá mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nêu lên nhận định của ông:

Trong bài phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Hà Nội Nguyễn Đức Chung dùng từ ‘khủng hoảng’ để nói về Đồng Tâm. Điều đó cho thấy trong tâm thức, trong não trạng, trong cách hành văn, cách nói của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư trong nội bộ Đảng đã phổ biến từ ‘khủng hoảng’…Điều này cho thấy vụ Đồng Tâm rất lớn và ở tầm cỡ là ‘an ninh quốc gia’-TS.Phạm Chí Dũng

“Chúng ta thấy vừa rồi trong bài phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Hà Nội Nguyễn Đức Chung có một từ rất đáng chú ý là ông Chung dùng từ ‘khủng hoảng’ để nói về Đồng Tâm. Điều đó cho thấy trong tâm thức, trong não trạng, trong cách hành văn, cách nói của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư trong nội bộ Đảng đã phổ biến từ ‘khủng hoảng’; có nghĩa người ta đã đánh giá vụ Đồng Tâm là ‘một vụ khủng hoảng’ chứ không đơn thuần ở cấp độ như “điểm nóng xã hội’, ‘khiếu kiện đông người’, ‘gây rối trật tự công cộng’, hay thậm chí là ‘điểm nóng chính trị’ mà nó trở thành một vụ khủng hoảng lớn. Điều này cho thấy vụ Đồng Tâm rất lớn và ở tầm cỡ là ‘an ninh quốc gia’.”

Ông Nguyễn Đức Chung khẳng định đây là một vụ khủng hoảng nên bản thân ông với trách nhiệm là Chủ tịch đã chỉ đạo cũng như đôn đốc cán bộ trong suốt quá trình thanh tra và cần công khai, minh bạch kết luận thanh tra, đúng như tinh thần cam kết của ông hồi hạ tuần tháng Tư, tại Ủy Ban nhân dân xã Đồng Tâm. Tuy nhiên, Luật sư Lê Công Định lại cho rằng việc công bố Dự thảo Kết luận Thanh tra này không đúng về mặt pháp lý. Luật sư Lê Công Định lập luận:

“Việc ông Chung, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, công bố một dự thảo thanh tra, xét về phương diện thủ tục thì sai về mặt pháp lý. Lý do là việc thanh tra bao giờ cũng được tiến hành độc lập với các cơ quan hành pháp. Bởi vì việc thanh tra ở đây là thanh tra những hoạt động, những công việc, những hành vi mà nhân viên công vụ và Cơ quan Hành pháp thực hiện. Cho nên, tại sao một bản Dự thảo Thanh tra chưa hoàn tất lại có thể công bố ngay cho Cơ quan hành pháp do ông Nguyễn Đức Chung đại diện. Điều đó đối với tôi, hoạt động thanh tra mất đi tính cách độc lập mà theo quy định của Pháp luật Việt Nam hiện hành thì hoạt động thanh tra hoàn toàn độc lập.”

Lời phát biểu thay cáo trạng

Người dân Đồng Tâm hy vọng bao nhiêu vào ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, khi ông tuyên bố trong bài phát biểu rằng “vụ Đồng Tâm phải lấy pháp luật làm trọng”, thì niềm hy vọng đó vụt tắt ngấm với kết quả thanh tra được công bố là khu đất đồng Sênh thuộc Quốc phòng. Và tuyệt vọng hơn cho dân chúng xã Đồng Tâm qua lời lẽ khẳng khái của ông Chung, mà dư luận gọi là chẳng khác nào một vị thẩm phán.

DongTamConTin.jpg
Cảnh sát cơ động được người dân thả ra hôm 22/4/2017 tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội Courtesy: AFP photo

Ông Chung nói rằng nếu như người dân còn khúc mắc thì đoàn thanh tra sẽ mời lên và sẵn sàng đối thoại; đồng thời ông Chung cũng nhấn mạnh “mọi người có quyền được kiến nghị, nhưng phát biểu phải có giới hạn”. Ông Chung cũng nêu đích danh Luật sư Trần Vũ Hải cùng nhóm luật sư đại diện cho bà con xã Đồng Tâm cần có trách nhiệm tuyên truyền pháp luật cho người dân, với lời khẳng định Quân đội không bắt buộc phải chứng minh cho dân chúng việc sử dụng khu vực đất đai phục vụ quốc phòng như thế nào. Chúng tôi xin được trích nguyên văn lời ông Nguyễn Đức Chung nói “Các anh không có quyền hỏi, bởi đó là an ninh quốc gia”.

Luật sư Lê Công Định nói với RFA rất bất ngờ về những lời tuyên bố này của ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vì ông Chung đã đánh tráo khái niệm quy định đất được sử dụng cho mục đích quốc phòng theo Luật Đất đai của Việt Nam hiện hành, là chỉ dành để phòng thủ và bảo vệ đất nước, chứ không phải dành cho một doanh nghiệp thuộc quản lý của các Lực lượng Vũ trang dùng vào mục đích kinh tế. Luật sư Lê Công Định diễn giải:

“Khi chính quyền dùng cho mục đích hoạt động kinh tế sinh lợi nhuận mà lại ảnh hưởng đến lợi ích của những người dân đang sử dụng đất thì người dân hoàn toàn có quyền đặt vấn đề rằng việc thu hồi đất đó có hợp pháp hay không, vấn đề thanh tra và thu hồi đất được tiến hành có đúng theo thủ tục luật định hay không? Người dân có quyền thắc mắc, đặt câu hỏi và yêu cầu chính quyền giải quyết, chứ không phải ông Chủ tịch Ủy ban với một thái độ rất kể cả, coi thường dân mà bảo rằng người dân chẳng có quyền gì để đặt câu hỏi.”

Việc ông Chung, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, công bố một dự thảo thanh tra, xét về phương diện thủ tục thì sai về mặt pháp lý. Lý do là việc thanh tra bao giờ cũng được tiến hành độc lập với các cơ quan hành phá-LS.Lê Công Định

Trong khi những ai am hiểu Luật pháp Việt Nam, giống như Luật sư Lê Công Định, tỏ ra bất ngờ trước luận điệu của ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung rằng có một nhóm người cố tình gian dối để kích động lòng tham trong khu đất đồng Sênh, thuộc Quốc phòng thì nhiều người Mỹ gốc Việt, là những người theo dõi sát sao vụ Đồng Tâm, khá ngỡ ngàng khi nghe ông Chung nêu dẫn chứng Việt Nam sử dụng đất dành cho mục đích quốc phòng giống như tất cả các quốc gia khác trên thế giới. Từ Bang Florida, Hoa Kỳ, ông Sáu Nguyễn nêu lên thắc mắc không rõ ông Nguyễn Đức Chung có hiểu được những gì ông nói?

“Ông Chủ tịch Chung đã phát biểu để chứng tỏ rằng việc trưng dụng đất cho nhu cầu quốc phòng giống như các nước tiên tiến trên thế giới, thành ra ông có nói câu ‘Ở Mỹ, người ta đã bỏ trống một bang dành cho nhu cầu quốc phòng’. Sẵn đây tôi hỏi ông Chung cho tôi biết đó là bang nào? Thú thật tôi ở đây trên 30 năm mà tôi chưa thấy bang nào bỏ trống hết. Và một điều nữa ông Chung có biết rằng ở Mỹ, khi cần nhu cầu sử dụng đất thì Chính phủ phải trả cho người chủ miếng đất đó số tiền rất nhiều hay không?”

Bài phát biểu của ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung được báo giới trong nước đăng tải dài hơn 5 trang giấy A4 và cộng đồng cư dân mạng bình luận đây là một màn “tấu hài đỏ”, mà qua đó nhiều người trông ngóng bà con Đồng Tâm trong những ngày tới ra sao trước quyết định khởi tố vụ án hình sự treo lơ lửng trên đầu họ.

Đài RFA còn ghi nhận không mấy ai tiên đoán được Tập đoàn Viễn thông Quân Đội (VIETTEL) sẽ làm gì đối với khu đất nông nghiệp đồng Sênh được chuyển giao cho Tổng Công ty này, nhưng đa số những người quan tâm vụ việc mà chúng tôi tiếp xúc đều quả quyết không bao lâu nữa trong Tự điển tiếng Việt sẽ có thêm từ “Dân oan Đồng Tâm”.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here