Bùi Thanh Hiếu
Đội 19 ở trong trại Văn Hoà, ban ngày ra khu lao động ngay ngoài cổng trại làm việc. Đội trồng rau, lúa và nuôi cá, gà, lợn, vịt.
Tù sĩ quan rất nhiều, đội có 64 người thì có đến 6 sĩ quan, anh Tuấn Trang đội trưởng, anh Cường C, Sơn Toàn, Lâm Liên Xô và thằng Lợi Đại Bàng, một anh gì nữa tôi quên tên vì án ngắn làm trách nhiệm.
Trừ anh Tuấn Trang và anh Lâm Liên Xô, bốn anh còn lại đều hàng ngày chích thuốc phiện.
Buổi sáng đội xếp hàng ra khỏi trại, ai cũng cầm một cái cạp lồng nhựa. Khi đi qua nhà dân, tù ném những cặp lồng nhựa ấy vào mấy nhà dân. Ra đến chỗ lao động mọi người sắp hàng để anh Tuấn Trang phân việc.
Đầu tiên anh bảo lẻ đi làm.
Lẻ là những người chăn trâu, nuôi cá, chăn vịt, nuôi lợn, phục vụ cán bộ, trông kho dụng cụ, gánh rau vào trại.
Những người làm việc lẻ là tự giác làm, không ai quản, họ đi đâu làm gì tự họ quyết. Đầu tiên họ nộp quản giáo 1-2 triệu xin suất lẻ, sau đó mỗi tháng nộp 2-3 trăm nghìn.
Có đến mười mấy người làm việc lẻ, với mấy ông chả làm gì và các ông ra đồng chỉ lượn lờ hay vào nhà dân xem tivi, 2 ông này gọi là chân chơi, tháng nộp 500.
Tính ra sĩ quan, chân chơi, làm lẻ hơn 1/3 quân số đội.
Số còn lại chia ba, thành tổ cuốc, tổ tưới, tổ làm cỏ.
Đội trưởng Tuấn Trang phân việc xong, cùng với đám sĩ quan trách nhiệm ra quán nhà ông Lượng ăn sáng, quản giáo và hai anh vũ trang ăn sáng trong phòng. Lẻ thì họ ăn sáng chỗ họ. Còn bọn tù nhân dân thì ăn sáng ở chỗ kè đá có rặng chuối, mương nước.
Đồ ăn sáng do những nhà dân giáp với vườn rau cung cấp, có bún, phở, mỳ tôm, bánh cuốn, trứng vịt lộn.
Anh Thành gọi hai bát mỳ tôm rau muống, mỗi bát một quả trứng ăn sáng. Ăn xong tù nhân dân pha trà, hút thuốc, ai nghiện thì đi chích ở đằng sau gò đất.
Mất khoảng 30 phút ăn sáng, trà, chích, hút xong. Các trách nhiệm trở về dẫn tù nhân dân đến khu làm. Tôi được phân công vào tổ cuốc. Anh Cường C là tổ trưởng, anh chỉ cho tôi một vạt đất ngang chừng 1, 2 m. Dài khoảng 15 m, bảo nhiệm vụ của tôi buổi sáng là cuốc vạt này. Những người bên cạnh mỗi người một vạt.
Vì quen anh Hưng tôi, nên anh Cường cho tôi chỗ đất mềm, xốp. Tôi cuốc một lèo hết nửa luống, thằng bên cạnh nó bảo.
– Đm ông làm vừa thôi, một buổi xong là vừa, xong sớm lại bị làm việc khác đấy.
Tôi ngừng tay nhìn quanh, quản giáo và hai vũ trang vác súng chẳng thấy đâu, họ chui vào phòng đánh bài. Nhóm trách nhiệm trải chiếu ngồi bóng mát bụi chuối uống trà. Mấy thằng tù dân thì đang bám tường nhà dân mua nước chanh đá uống. Bọn làm cỏ thì vừa thẩn thơ nhặt cỏ, vừa nói chuyện lao xao.
Đến lúc nắng thì bọn tù thay nhau tìm chỗ tránh nắng, thỉnh thoảng thằng trách nhiệm nó gào.
– Đm chúng mày nghỉ thế được rồi, ra làm tiếp đi.
Bọn tù uể oải ra làm, lúc nó chửi.
– Đm thầy xuống, ra làm nhanh.
Bọn chúng nhanh nhẹn, hoạt bát, tay chân linh hoạt như thằng nào cũng chăm lắm.
Ông quản đi qua nhìn bọn tù làm, bọn trách nhiệm đi sau, qua khu nào ông ấy dặn phải làm cái này, cái kia. Bọn trách nhiệm vâng dạ, hối thúc tù dân làm nọ kia. Ông đi rồi thì đâu lại vào đấy.
Ông quản giáo biết tù làm ăn láo nháo thế không ? Tất nhiên là ông biết hết. Có điều đội này thành phần nọ kia, ban giám thị cũng ngầm chủ trương cho tù ở đội làm lờ vờ như thế, vì tính ra toàn người của các cán bộ gửi vào cả.
Một thằng loại bét dí làm cuốc đất như tôi ở đội 19 còn sướng hơn cả thằng làm trách nhiệm, tổ trưởng tổ gánh gạch, xếp gạch ở ngoài đội 16.
Tôi hài lòng lắm, cho dù làm chân bét dí ở đội này đến hết án cũng là quá ước mơ.
Đội 19 có hình thức kỷ luật rất ngược đời với các đội khác, nếu bị kỷ luật nhẹ gì, tù ấy ở trong buồng nằm chơi, không được đi làm. Trong khi như đội gạch ở ngoài xa trại, ai mà được nghỉ một lúc đã là hạnh phúc.
Đến ngày chủ nhật, muốn đi làm phải lo lót. Chân lẻ được đi làm, còn chân chơi hay trách nhiệm nằm nhà hết trừ đội trưởng ra. Ngày chủ nhật được đi làm là phải có số má, điều kiện.
Còn nếu bị kỷ luật nặng bị bắt lỗi nặng thì chuyển đội.
Một năm có ba lần thanh lọc chuyển đội. Những người thầy không ưa, người đỡ đầu lâu không thăm hỏi gì thầy ( thầy hiểu ý là nhà họ không cốp chát đều đặn cho người đỡ đầu ), người hay vi phạm hoặc đánh nhau, lượn lờ ra dân bị ban giám thị bắt…
Cứ mỗi lần hô sắp hàng nghe tên chuyển đội , là mặt mũi ai cũng xám ngoét, kể cả trách nhiệm, dân chơi. Khi cán bộ đọc tên ai, người lầm bầm chửi , người lo sợ luống cuống sắp đồ, người loanh quanh cầu cứu, nhờ người này người kia gọi điện về nhắn gia đình lên lo gấp.
Những người ở lại là có ô cứng hay ô còn cứng.
Ông Hạnh Xoăn cán bộ trực trại đỡ tôi, ông quen anh rể tôi. Ông Hạnh là cán bộ thuộc loại bát nháo, bố láo. Ông chẳng coi cán bộ khác ra gì , kể cả cấp trên ông cũng nghênh ngang, nên nhiều cán bộ không ưa ông.
Anh rể tôi trước kia tập trung cải tạo, anh khá có tên tuổi, nhiều anh chị ở các tỉnh miền Bắc đều biết anh tôi. Anh Đạt và anh Thắng Mều đều là dạng đàn em anh rể tôi.
Những năm 70-80 tù có số má trong trại đều là những người cải tạo bằng máu, họ là những người liều lĩnh, lỳ lợm, va chạm đâm chém trong tù liên tục. Họ đi tập trung cải tạo, chẳng có án, chẳng có ngày về. Thích lúc nào người ta tha về, không thích có người đi đến mười mấy năm. Chỉ là thanh niên trong phố hay đánh nhau, hay cờ bạc, lêu lổng tụ tập cũng bị đưa đi tập trung cải tạo như thế. Họ đi cùng thời với những sĩ quan VNCH ở những vùng rừng núi heo hút, nghe đến cái tên như Cổng Trời, Yên Hạ, Phong Quang, Phố Lu, Tân Lập…ai trải qua đều rùng mình.
Lúc anh rể tôi làm đội trưởng ở trại Phong Quang, ông Hạnh còn trẻ, làm lính vác Ak đi canh đội.
Từ những năm 90 trở đi, đặc biệt là từ năm 1995 khái niệm tù xương máu không còn tồn tại. Không có đất cho những anh chị bản lĩnh ngang tàng. Thời của tù tiền, cải tạo bằng tiền, cải tạo gia đình lên ngôi. Tôi nhìn thấy anh Phi Ngọ ở gần nhà bị nhốt trong khu biệt giam. Anh ấy là người hung đồ bất chấp tất, một mình anh ấy dám cầm dùi hiên ngang tiến tới chỗ nhóm thi đua, trật tự gặp ai đâm nấy. Nhưng chả để làm gì, cán bộ cùm chân anh ấy nửa tháng , thả ra đi không nổi, dù anh vẫn sẵn sàng xiên bọn thi đua, tuy nhiên thì cơ hội chẳng có, cán bộ cho anh vào kiên giam. Hàng ngày tù bếp đưa nắm cơm qua song sắt cho anh. Vĩnh viễn đời tù của anh trong căn buồng kiêm giam tối lạnh ấy. Tha hồ thích anh hùng, anh bá gì thì làm.
Anh Dũng Quái ở Đào Duy Từ cũng vậy, anh lúc nào cũng mặc áo dài tay, dao dắt ở ống tay. Một mâu thuẫn nhỏ là anh xốc tay như trong phim chưởng, dao đã trong tay đâm đối thủ lút cán. Có lần tôi cầm cái xóc bát đĩa ngoài đường, anh Dũng ngồi chơi, gặp một thằng ở đâu đến ngang tàng phá đám. Anh vẩy tay dao, xiên một nhát vào vai. Đám bạc chạy tứ tán để thằng đó nằm trong vũng máu rên như bò.
Anh Dũng Quái cũng bị nhốt trong kiên giam, nhưng thỉnh thoảng anh còn được đi ra loanh quanh sân trại, thăm bạn bè ở buồng này, buồng kia, ăn bữa cơm rồi trở về kiên giam.
Nói về độ sát thủ của hai anh thì chắc anh Long Tròn em Hải Bánh cũng chỉ tương đương, chẳng hơn được. Nhưng chắc chắn về độ liều lĩnh một mình một dao chiến đấu thì khó ai dám như anh Dũng Quái.
Nếu là thời tù cải tạo bằng xương máu, chắc chỉ cần nương bóng anh Phi Ngọ , Dũng Quái tôi sẽ có điều kiện ở trại Văn Hoà này.
Mỗi thời một khác, thời tôi đang ở là thời của anh Tuấn Trang em vợ Khánh Trắng, thời của Dương Tử Anh người tình của Phúc Bồ. Thời của những anh chị xương máu xa lắm rồi, thay vào đó là thời của những kẻ tiền đè chết người.
Anh Dũng Quái hỏi thăm tôi mấy câu, anh cho bao ba số dở, chắc ai vừa cho anh ấy.
Trước khi trở lại kiên giam, anh bảo.
– Thời nay cải tạo gia đình, tù tiền thôi em à, cố gắng nhé.
Tôi nghĩ nhà tôi không có tiền, quan hệ chỉ là xưa cũ không đủ mạnh. Tôi định hướng ở đội này được lúc nào thì chăm làm để rèn luyện sức khoẻ, lúc ô dù yếu bị chuyển đi đội gạch, lò vôi thì đã có sẵn sức khoẻ. Cố gắng giữ được giảm án và cơ thể khoẻ mạnh, không bị hành hạ, đánh đập những trận đòn để lại hậu quả lâu dài.
Đến mùa gặt lúa là lúc bận rộn nhất của đội nông nghiệp 19, gặt xong sẽ cấy luôn. Sau đó thì đội nhàn, vì rau vụ đông chưa đến, đang trồng rau muống, rau cần tưới tắm tí là đủ.
Cấy xong tôi lăn ra ốm, trận ốm kinh khủng nhất trong đời tôi. Tôi chỉ nằm ăn cháo loãng, da bọc xương, lúc điểm danh còn không đi nổi. Đến nỗi ông Hạnh phải gọi anh tù án 14 năm làm tự giác trạm xá cho người khiêng tôi xuống trạm xá nằm tiếp nước.
Lúc ấy trong trại còn những người án dài, từ năm 1995 trở đi thì không còn người án dài nữa.
Ở trạm xá, tôi gặp một anh hùng thời kỳ đổi mới, một tay không sợ trời, không sợ đất, tất cả các loại anh chị trong trại từ thi đua đến số má giang hồ lừng lầy gặp anh ta cũng phải tránh.
Anh tên Toán, người ta gọi là Toán Cò Quay.
Anh không có gia đình, anh đi tù vì hôi của vụ cháy chợ Đồng Xuân.
Các bạn hãy cắt một tàu là chuối, rồi cầm dựng nó lên, đi trong phòng. Tàu lá chuối nó ẻo lả thế nào thì anh Toán y như thế. Anh thơ thẩn đi khắp trại mà chẳng bị ai đánh, chửi hoặc cấm. Anh đến các buồng xin cái này, cái kia. Anh xin bọn tù mới, không cho anh cứ lải nhải chửi đến lúc phải cho thì thôi. Tù mới thấy anh xin xỏ như thế mà thi đua, trật tự, trưởng phòng không đánh anh thì tù mới làm gì đến tuổi chửi đánh anh, nên thường họ cho anh cho yên thân.
Anh Toán đến buồng anh Đạt Ma làm đội trưởng, đây là đội kỷ luật từ các nơi đưa về. Anh xin ai gì đó, anh Đạt bợp nhẹ tai anh Toán một cái. Anh Toán ngồi lỳ đó yêu cầu anh Đạt Ma đánh tiếp.
Anh Đạt Ma là em trai anh gì lúc đó là trưởng bến xe Giáp Bát, anh Đạt tất chẳng sợ gì ai, nhưng mà gặp người họ lại xin anh đánh, thì anh sợ. Anh thừa biết anh Toán thế nào, cái bợp kia chỉ nhẹ kèm câu chửi chứ có phải đánh thật đâu.
Anh Toán ngồi mãi, anh Đạt không đánh. Anh Toán từ từ đi từng bước ra sân trại, rồi chầm chậm nằm xuống, anh nằm đến cả tiếng. Thi đua , trật tự trại coi như chẳng nhìn thấy anh nằm, họ đi còn né sang một bên. Đến lúc cán bộ đi qua, anh Toán thêù thào.
– Xin cán bộ cho tôi chết, tôi bị thằng Đạt đánh chắc không sống nổi nữa.
Rồi anh thở dốc, như người sắp chế …
Advertisement