Tuệ Sỹ, buông tay nơi vách núi

0
63
Thầy Tuệ Sỹ-Ảnh : FB Mạnh Kim

Manh Kim

Không có ngôn từ nào đủ để miêu tả chính xác và đầy đủ về chân dung một người nhỏ thó về ngoại hình nhưng quá khổ về tầm vóc của Thầy Tuệ Sỹ. Thầy không chỉ là một nhà tu. Thầy là một nhân vật văn hóa vĩ đại với dấu ấn vĩ đại trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Thầy là nhà thơ, Thầy là nhà văn, Thầy là nhà nghiên cứu Phật học, Thầy là triết gia, Thầy là thiền sư, Thầy là giảng sư của nhiều thế hệ… 

Thầy là một người rất Việt Nam, một con người phi thường, một nhân vật ngoại hạng. Tất cả những gì được tích lũy trong con người bình dị này đều do tự học. Thầy tự học tiếng Phạn, tự học chữ Hán, tự học dương cầm… Chỉ có một trí tuệ siêu việt khác thường mới có thể lãnh hội ít nhất 12 ngôn ngữ với trình độ thông thạo tuyệt luân… 

Đạo Phật được truyền dạy qua Thầy là một môn Phật học cao thâm vượt quá khuôn khổ một tôn giáo với tín ngưỡng thờ phụng dân gian để trở thành một triết lý huyền diệu mà không bao giờ có thể thẩm thấu đến tận cùng nếu chỉ “tu” mà không có “học”. 

Thầy Tuệ Sỹ đã cứu tôi, dù tôi không phải là đệ tử của Thầy. Những năm tháng nghèo khổ và hoàn toàn lạc lõng vô định những năm 1990, tôi đã đi tìm những cái phao triết học, đặc biệt Phật học, để dò dẫm bước tới. Và chỉ khi “gặp” được Thầy Tuệ Sỹ, cùng với những trí tuệ trác tuyệt ở thời của Thầy, trong đó có Phạm Công Thiện, Thích Minh Châu, Trí Hải…, tôi mới tự “trị liệu” được cho mình. Tôi vĩnh viễn biết ơn những vị thầy này, đặc biệt Thầy Tuệ Sỹ. 

Một số nhân vật xuất hiện trên đời dường như để cho thấy họ vượt ra khỏi và hoàn toàn không bị bất kỳ quy luật thông thường nào có thể khiến họ khuất phục. Cuộc đời của Thầy Tuệ Sỹ không chỉ là tấm gương đồng bóng loáng sáng rực cho trí tuệ minh mẫn và sức làm việc cổ kim hiếm có mà còn là hình ảnh sừng sững đứng vững trước những trận phong ba kinh hồn, từ bản án tử hình đến những năm tháng tù tội. 

Từ khi là giảng sư Phật học tại Đại học Vạn Hạnh khi chỉ hơn 20 tuổi, Thầy Tuệ Sỹ đã là một cây cổ thụ. Suốt hơn nửa thế kỷ, cây cổ thụ Tuệ Sỹ không ngừng tỏa bóng mát cho thế gian. Giờ đây cây cổ thụ đã trút hết lá. Thầy phẩy tay áo cà sa, thanh thản, mỉm cười. Nếu những năm tháng sống ở đời không khác gì việc níu vào vách núi để làm những gì phải làm cho chúng sinh, bây giờ Thầy nhẹ nhàng buông tay. Thầy, đứng dậy, đi về với Phật.

___________ 

PS: Nhân tiện, xin giới thiệu một trang web công phu lưu giữ nhiều bài viết giá trị về Thầy Tuệ Sỹ, tuesy.net. Anh Nguyễn Hoàng Thanh Tâm – một đệ tử của Thầy Tuệ Sỹ – đã mất năm năm trời để xây dựng trang web này.

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã viên tịch vào lúc 4:00 PM hôm nay, 24/11/2023.

Cánh chim trời

Một ước hẹn đã chôn vùi tang tóc

Cánh chim trời xa mãi giữa lòng sâu

Nghe một nỗi hao mòn trong thoáng chốc

Một mùa thu một vạn tiếng kêu gào

Khuya còn lạnh sương mù và gió lốc

Thở hơi dài cát bụi cuốn chiêm bao

Bên cửa sổ bên kia đồi sao mọc

Một lần đi là vĩnh viễn con tàu

Đi để nhớ những chiều pha tóc trắng

Mắt lưng chừng trông giọt máu phiêu lưu

TUỆ SỸ

Nguồn: Tuệ Sỹ, Giấc mơ Trường Sơn, An Tiêm xuất bản, California, 2002.

* Với hạnh nguyện của bậc Bồ Tát thì sát na sinh tử, đi- trở lại còn nhanh hơn chúng ta bật tắt một công tắc đèn. Ngài và nhiều bậc chân tu khác vẫn còn ở đây cùng những ai có chung hạnh nguyện.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here