Christine Nguyen
Ngày 17/7, nhân sinh nhật 66 tuổi của thủ tướng Angela Merkel, tuần báo Der Spiegel của Đức chúc mừng bằng bài phỏng vấn cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, John Bolton, với các chi tiết liên quan đến mối quan hệ Đức – Mỹ trong bóng dáng của mối quan hệ cá nhân giữa bà Merkel và ông Trump – hai lãnh tụ của hai cường quốc kinh tế này.
Người dịch: không tiết lộ.
Ảnh: AFP / Jesco Denzel
– Der Spiegel (DS): thưa ông Bolton, Donald Trump đã khởi đầu bằng cách phát ngôn châm chọt ác ý nhắm vào bà thủ tướng Đức Angela Merkel ngay lúc ông ta vận động tranh cử cho vị trí ứng viên tổng thống đảng Cộng Hòa. Chính sách di dân của bà Merkel, ông ta đã có nhắc tới như là một thảm họa cho nước Đức. Liệu chúng tôi có ấn tượng sai lệch, hay liệu ông Trump có một sự ám ảnh nào đó đối với bà thủ tướng Đức?
– Bolton: Mối quan hệ của ông Trump với bà Merkel và bà Theresa May là hai mối quan hệ khó chịu nhất mà tôi chứng kiến. Tôi cho rằng có một thứ gì đó khiến cho sự khó chịu đó ngày một gia tăng trong quan hệ với các lãnh tụ là nữ giới ở ông Trump. Nhưng đối với bà Merkel, đó là một mối quan hệ phức tạp – cha của tổng thống là một người Đức, và cũng vì thế nó có gì đó liên quan ở đây. Nhưng cũng có thêm các lý do mang tính chính trị. Quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và EU cũng là một lý do chính tạo nên sự tranh cãi giữa Hoa Kỳ và Đức. Và rồi thêm vào đó là các vấn đề liên quan đến NATO và thỏa thuận mỗi thành viên phải chi tiêu 2 phần trăm GDP cho quốc phòng, mà ở đây thì Đức lại chưa chi đủ.
– DS: Dù sao thì ông Trump vẫn cứ có các mối bất hòa với nhiều lãnh tụ trện thế giới. Có thể giải thích đơn giản rằng ông ta có vấn đề trong đối xử với phụ nữ không?
– Bolton: Tôi cho rằng đó cũng là một nguyên do. Nhưng ông ta cũng có vấn đề với nhiều lãnh tụ được dân bầu lên ở các thể chế dân chủ, nam giới cũng như phụ nữ. Ông ta dường như có mối quan hệ với các nhà độc tài tốt hơn so với những ai được bầu lên một cách dân chủ.
– DS: Ông giải thích về nhận định này thế nào?
– Bolton: Một phần của sự khó ăn khó ở của Trump trước các vấn đề quốc tế là do bởi ông ta thiếu hẳn nền tảng căn bản của triết học. Ông ta không có bất kỳ nền tảng triết lý nào. Điều này là một nhân tố rất phức tạp cho mọi người làm việc chung. Tôi là một người bảo thủ Cộng Hòa. Còn ông ta thì không theo trường phái đó. Nhưng ông ta cũng chẳng phải là một người tự do Dân Chủ nốt. Ông ta có xu hướng tạo sự rối mù trong quan hệ cá nhân với nhiều lãnh tụ thế giới dựa trên nền tảng ưu tiên về quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và quốc gia đó.
– DS: Trong các chuyến công du đến Hoa Kỳ, bà Merkel đã cố tình cho thấy bà như là một người “chống lại Trump”, ví dụ như trong bài phát biểu của bà tại Đại học Harvard, trong đó bà đã ca tụng chủ nghĩa đa phương. Ông Trump có khó chịu vì điều đó không?
– Bolton: Không hề, bởi vì tôi không cho rằng ông ta hiểu biết chủ nghĩa đa phương là cái gì cả.
– DS: Tại sao ông Trump không có biểu hiện gì quan tâm đến hợp tác với các đối tác lâu năm của Hoa Kỳ cả?
– Bolton: Có một nỗ lực trường kỳ từ các nhà bình luận chính trị tại Hoa Kỳ và châu Âu là tìm cách phân tích và hiểu ông Trump hoặc dể định hình cái gọi là học thuyết Trump. Phải dừng ngay lại các tìm hiểu này bởi nó chỉ phí thời gian mà thôi! Chả có cái gì gọi là học thuyết Trump cả đâu. Quyết định mà người ta thấy vào buổi sáng cho một vấn đề nào đó có thể sẽ khác ngay trong buổi chiều, hoàn toàn phụ thuộc vào các tính toán vì mục tiêu chính trị. Ông ta chỉ quan tâm mỗi việc tái thắng cử mà thôi.
– DS: Ở châu Âu, người ta tính toán làm sao để tiếp cận Trump được tốt nhất. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, là một ví dụ, mời ông Trump và đệ nhất phu nhân Melania lên một nhà hàng khoa trương lộng lẫy trên tháp Eiffel. Còn bà Merkel, thì dù sao cũng chả có thái độ cố gắng gì để chìu chuộng ông ta cả. Thế cách nào là cách tốt hơn ở đây?
– Bolton: Mỗi người sẽ chọn lựa thái độ thích hợp và an toàn cho họ. Tôi thấy ông Macron cho rằng nếu ông ta có thể thiết lập một mối quan hệ cá nhân tốt với ông Trump, thì ông ta có thể tận dụng việc đó cho lợi ích của nước Pháp. Tôi thì cho rằng cuối cùng chuyện đó chẳng có xảy ra đâu.
– DS: Từ lúc ông Trump chuyển vào Nhà Trắng, chính phủ Đức đã có mối bận tâm về việc ông ta có thể áp thuế trừng phạt lên xe hơi Đức. Cho đến nay thì ông ta chưa hành động như cách ông ta phát ngôn răn đe. Thế liệu vấn đề này đã được bỏ qua chưa?
– Bolton: Nó chưa bao giờ được bỏ qua cả. Trump là người mê chuyện thuế quan và đó là chuyện mà ông ta có thể làm và không cần đến quốc hội phê chuẩn. Đó là cách mà ông ta ưa làm khi tiếp cận các đàm phán quốc tế. Tâm điểm quan trọng là để ứng phó với các mối đe dọa đến từ Trung Quốc khi họ là đối tác đánh cắp các sở hữu trí tuệ của người châu Âu và của người Mỹ, cưỡng bức chuyển giao công nghệ và rồi phân biệt đối xử với các công ty ngoại quốc.
– DS: Một bất hòa khác giữa Hoa Kỳ và Đức đến từ dự án đường dẫn khí Nord Stream 2. Có phải nguyên nhân lo sợ rằng Đức và châu Âu sẽ dần dần phụ thuộc vào Nga? Hay đó là vấn để liên quan đến việc làm ăn và công ty Hoa Kỳ muốn bán khí ga cho châu Âu?
– Bolton: Nó kết hợp cả hai ý đó. Ông ta bàn tới chuyện cấm vận mọi lúc, nhưng ông ta chả làm gì cả. Tôi cho rằng đã có thể dừng dự án đó. và nó vẫn chưa xong. Nó vẫn có thể bị dừng lại. Nó là nguyên nhân gây sứt mẻ mối quan hệ chiến lược giữa châu Âu và Hoa Kỳ.
– DS: Chuyện bức ảnh nổi tiếng của hội nghị G-7 tại Canada vào tháng 4/2018. Nó cho thấy bà Merkel chống tay chồm về phía Trump, còn ông ta thì khoanh tay trước ngực và mặt mày tỏ vẻ khó chịu. Ông đã đứng ngay chỗ đó, cạnh ông ta. Ông có thể nhớ là lúc đó họ đang bàn chuyện gì không?
– Bolton: À, nó chẳng thoải mái chút nào cả. Theo trí nhớ của tôi, lúc đó không phải là bà Merkel đang nó chuyện với Trump, mà là tổng thống Macron đang nói. Nhưng đúng đó là bức ảnh lịch sử. Với tôi, nó diễn đạt hai điều. Một là lý do tại sao tôi không thích chuyện ra tuyên bố chung ở G-7 hay G-20 chút nào. Tôi cứ cho rằng cứ đốn hết cây chỉ để chẳng làm gì cả. Hai là, ngay thời điểm đó, bằng cách gây áp lực cho Trump như là kiểu dồn ông ta vào chân tường, họ khiến ông ta rất là khó chịu với tất cả mọi thứ. Không lâu sau khi hình ảnh đó được ghi nhận lại, khi chúng tôi đã ở trên Air Foce One, Trump rút lại sự đồng ý của ông ta đối với tuyên bố chung của hội nghị. Đây là lần đầu tiên một việc như thế xảy ra ở một hội nghị G-7. Một việc mà tôi biết phải làm gì lúc đó là tôi phải chuẩn bị xào nấu trước cho nội dung của tuyên bố chung cho hội nghị NATO sau đó vào tháng 7/2018, để không còn chi tiết nào khác bỏ sót để bàn thảo hay quyết định lúc gặp mặt.
– DS: Ông đã viết rằng ông Trump gọi bà Merkel là một vũ công thiết hài của NATO, một cái tên có thể diễn giải rằng đó là một người “ăn đằng sóng nói đằng gió”
– Bolton: Đó, “phập phập phập phập”, Trump thích nói như thế. Anh có thể thấy, thậm chí ông Barack Obama cũng đã nói trong một buổi phỏng vấn lúc đương chức rằng nhiều đồng minh trong NATO là những người “đi nhờ miễn phí”. Chưa hẳn trái ngược với ông Trump, ông ta nói gia tăng ngân sách quốc phòng là tự nguyện. Trump, một mặt khác, nhấn mạnh nó như là một trọng điểm khi đạt được thành công đáng kể trong việc gia tăng ngân sách quốc phòng trong các thành viên NATO.
– DS: Liệu ông Trump có rút ra khỏi NATO một khi ông ta thắng cử nhiệm kỳ 2 không?
– Bolton: Điều đó thiệt khó để dự đoán. Ngay lúc này, ông ta đang tập trung mục tiêu vào Trung Quốc. Nhưng nếu ông ta thắng cử lần nữa, tôi cho rằng ông ta có thể làm việc đó và thế là ông ta sẽ rảnh tay mà quay lại với bạn chí cốt của ông ta là Tập Cận Bình để cố gắng bắt đầu thương thảo lại các thỏa thuận thương mại. Lúc đó thì tương lại Hong Kong và nhiều vấn đề cốt lõi khác sẽ bị dẹp sang một bên một lần nữa mà thôi.
– DS: Liệu ông tổng thống này có quá khó cho nhân viên để dự đoán tâm tính và vì thế cho thế giới để hợp tác?
– Bolton: Anh có thể nhận định như thế. Sau hội nghị NATO tháng 7/2018, chúng tôi bay đi London để gặp bà Theresa May, và rồi bay đi Helsinki cho cuộc gặp thượng đỉnh và lắm điều tiếng với Putin. Trump đã có phát ngôn với nhóm ký giả đi theo ngay trên đường ra phi trường là: các anh biết gì không, sau tất cả các cuộc gặp như thế này, thì cuộc gặp mặt xem như dễ xơi nhất là đi gặp Putin. Có ai nghĩ ra được điều đó? Và câu trả lời là: không một ai, không một ai khác có thể nghĩ ra điều đó ngoài Donald Trump!
– DS: Liệu Đức và phần còn lại của châu Âu phải có trách nhiệm đối với vấn đề an ninh và quốc phòng cho họ trong tương lai?
– Bolton: Châu Âu rất nên xem xét ông Trump chỉ là một dị tật của nền chính trị tại Hoa Kỳ. Những gì ông Trump làm không phải là chính sách, và bởi vì những việc đó nó không phản ảnh bất kỳ triết lý nào cả. Và không có gì khó khăn để kéo mọi thứ trở lại trật tự bình thường. Đảng Cộng Hòa tin tưởng rằng châu Âu không thể bị bỏ ngoài cuộc khi đụng đến quốc phòng. Vấn đề với EU là có quá nhiều lời khua môi múa mép về chính sách an ninh hùng mạnh, nhưng không mấy ai chú ý tới chúng sau đó. Anh đã nghe các lãnh tụ châu Âu bàn lui bàn tới rằng “chúng ta phải tự phòng thủ”. Nếu ta không cẩn thận, thì lúc đó sẽ có thêm vài ba người như Trump xuất hiện ở Hoa Kỳ, và họ sẽ lập tức ra tuyên bố đáp lại “Tốt thôi. Cứ thế các anh tự tiến hành”.
– DS: Mức độ tin cậy với các đồng minh NATO thì thế nào?
– Bolton: Tôi cho rằng liên minh vẫn đang rất mạnh. Nhưng có một sai lầm lớn khi châu Âu quan niệm và cho rằng NATO là Hoa Kỳ là bảo vệ châu Âu. Quan điểm đó nó rơi ngay vào quan điểm của Trump về thế giới. Đó là cách Trump cho rằng Hoa Kỳ đang bảo kê thế giới và vì thế thế giới phải trả tiền thêm nữa cho Hoa Kỳ để Hoa Kỳ làm việc đó. Nhưng bản chất vấn đề là nó – NATO – là một liên minh phòng thủ chung. Mục tiêu dài hạn của liên minh phụ thuộc vào từng phần trong các chiến lược như cách mà cựu thủ tướng Tây Ban Nha Jose Maria Aznar đã đề xuất, là chúng ta phải xem xét và tạo thế mạnh toàn cầu cho NATO bằng cách thu nhận thành viên như Nhật Bản, Úc, Singapore, Israel.
– DS: Liệu một tổng thống như Trump đã khiến hình ảnh của Hoa Kỳ bị tổn hại?
– Bolton: Đã có tổn hại đó. Nếu Trump thua vào tháng 11 tới, nhiệm vụ lớn và chính cho chính phủ của Biden là sửa chữa nó. Nhưng nó cũng phụ thuộc vào ý nguyện của đảng Cộng Hòa là họ không để xảy ra một lần nữa với một ứng viên kiểu như Trump trong tương lai. Điềm mà tôi có thể dành cho quý vị ở châu Âu để an ủi, hay đại loại là thế bằng câu nói của Winston Churchill, ông ta đã nói: “Chỉ có thể mong người Mỹ làm điều gì đúng đắn – sau khi để cho họ thử hết mọi thứ trời ơi khác đã”. Hiện thời thì chúng tôi – người Mỹ – đang bận thử mọi thứ trời ơi khác.
– DS: Một vài người bên đảng Dân Chủ lo rằng ông Trump sẽ bỏ ngoài tai việc thất cử và sẽ cố thủ tại Nhà Trắng.
– Bolton: Tôi không thấy bất kỳ bằng cớ nào về mối lo đó. Nếu có, thì tôi đã kể điều đó trong sách của tôi rồi. Ông Trump có gan làm bất kỳ chuyện gì. Nhưng ở đây chúng ta đang nhắc đến là một triệu chứng bị loạn thần kinh bởi Trump (TDS): mọi thứ, mọi phân tích về chính trị đều được định hình từ Trump, do Trump và bởi Trump theo kiểu Trump làm chuyện này, hay Trump không làm chuyện kia. Và định bệnh chỉ dừng lại ở điểm đó mà thôi.
– DS; Cái gì là mối quan tâm lo sợ nhất của ông nếu Trump có thêm 4 năm nữa ở Nhà Trắng?
– Bolton: Tôi lo rằng mức độ ảnh hưởng của các nhà độc tài trên thế giới (lên ông Trump) sẽ chỉ có thể phát triển thêm trong nhiệm kỳ 2 mà thôi.
– DS: Cuốn sách của ông được xuất bản có một phần mục tiêu là ngăn chặn Trump tiếp tục thêm một nhiệm kỳ nữa. Nhiều người Mỹ nhận định rằng nếu đó là mục tiêu thật sự của ông, thì ông đã đồng ý ra làm chứng trong các phiên điều trần luận tội và truất phế.
– Bolton: Tôi không cho rằng việc đó sẽ tạo nên được bất kỳ khác biệt nào cả. Phe Dân Chủ chỉ muốn lôi kéo một cuộc tranh giành đảng phái mà thôi, và họ đã có được nó. Để xác định có tội ở Thượng viện sau khi luận tội, phải đạt cho được hai phần ba số phiếu, điều đó có nghĩa là phải lôi kéo cho được rất nhiều thượng nghị sĩ Cộng Hòa đồng ý. Nhưng cuối cùng họ chỉ có một phiếu như thế. Tôi cho rằng dù tôi có điều trần thế nào đi chăng nữa ở Thượng viện thì cuối cùng cũng chả ăn nhập gì với họ cả.
– DS: Sau khi sách của ông được phát hành, ông Trump có nói rằng ông mà có quyền thì ông đã vấy tay vào vài ba cuộc chiến chứ chẳng ít.
– Bolton: (cười lớn) nhận định thế thì chỉ là chém gió kiểu trẻ con mà thôi, theo như tôi thấy thế là làm giảm giá trị quyền lực của phủ tổng thống rồi. Nên tôi chả phải buồn mồm mà đáp trả lại làm chi.
– DS: Ông muốn người ta nhìn ông thế nào? Là một anh hùng đã từ chức bởi các cáo buộc dành cho tổng thống? Hay là một tội đồ phản quốc trả thù sau khi bị sa thải, như kiểu mà Trump vẫn hay nói về ông?
– Bolton: Vấn đề cốt lõi là ông tổng thống đã dựa trên luận điểm đó để rồi chứng tỏ sức mạnh cho luận điểm mà tôi đưa ra. Tôi đã tham gia chính trường Hoa Kỳ và tham gia hoạt động chính quyền từ lúc tôi lên 15 tuổi, lúc tôi đi phát tờ rơi vận động tranh cử và gõ cửa vận động cho ông Barry Goldwater năm 1964…
– DS: ứng viên tổng thống đảng Cộng Hòa của kỳ bầu cử đó?
– Bolton: Triết lý của tôi luôn luôn là thế kể từ lúc đó. Tôi đã phục vụ bốn chính phủ thuộc đảng Cộng Hòa ở vị trí cấp cao. Với sự cẩn trọng cần thiết, mọi phê phán cá nhân sẽ tan biến sau 50 năm nữa. Mọi tay chơi đều biến mất khỏi sàn đấu. Nhưng cuốn sách này vẫn còn mãi với hậu thế
– DS: Có một cơ may nào cho ông Trump thắng cử trong tháng 11 tới?
– Bolton: Tất nhiên là có. Giờ ông ta đang thất thế và thua điểm – thua rất nhiều, bởi vì đại dịch và các hệ lụy của nền kinh tế. Nhưng các thăm dò năm 2016 cũng đã chỉ rõ Trump thua điểm sặc gạch đó. Vào ngày bầu cử năm đó đã có một sự ngấm ngầm với nhau, ngay cả trong ban vận động của Trump, rằng ông ta thất cử tại thời điểm đó. Theo ý tôi, chúng ta không nên xem thường khả năng của đảng Dân Chủ trong việc họ tự phá hỏng mọi thứ dọn sẵn cho họ xơi, họ chỉ việc há mồm xơi mà còn không làm nổi mà thôi!
– DS: Thưa ông Bolton, cảm ơn ông rất nhiều vì buổi phỏng vấn này.