ByY Chan11/08/2020
Trong mọi cuộc tranh luận về “tự do ngôn luận”, ta đều thường gặp hai thái cực khác nhau, một bên là ảo ảnh, và một bên là ám ảnh.
Ảo ảnh về sự tồn tại của cái gọi là tự do tuyệt đối, và ám ảnh sợ hãi về tự do của người khác.
Các cuộc tranh luận, hay tranh cãi, ở Việt Nam thời gian gần đây cũng đã bắt đầu xuất hiện hai thái cực như vậy, và đó là điều rất mới.
Một xã hội bảo thủ, được quản lý dưới chế độ phong kiến rồi độc tài toàn trị, xưa nay hầu như không có chỗ cho khái niệm tự do cá nhân được sinh sôi tồn tại.
Những sự kiện như Duy Mạnh thời gian gần đây là một dấu hiệu cho thấy xã hội Việt Nam cũng đã đồng bộ được với thế giới – đủ điều kiện để bước vào các cuộc thảo luận mà thiên hạ đã quần thảo nát nhừ trong suốt vài trăm năm qua.
Không có thứ gì tuyệt đối
Cần phải khẳng định ngay rằng trên đời này không có thứ tự do nào là tuyệt đối, kể cả thứ dễ dàng nhất như tự do ngôn luận.
Nói là dễ dàng vì so với những quyền khác của con người, quyền tự do ngôn luận (freedom of speech), hay còn gọi là tự do biểu đạt (freedom of expression), về mặt kỹ thuật là thứ không ai có thể ngăn cản được.
Cho dù phạt tiền hay cầm tù một ai đó, chính quyền hay bất kỳ hội nhóm nào cũng không thể cấm một người nói ra những gì trong đầu họ. Ngay cả có bị dán băng keo bịt kín miệng, người đó vẫn có thể dùng ánh mắt, cử chỉ, động tác, thậm chí là dùng chính sự im lặng để biểu đạt ý định của mình. Trong trường hợp có bị giết chết, những gì họ đã nói, viết, biểu đạt vẫn sẽ tồn tại – thông qua những người khác.
Quyền tự do biểu đạt vì vậy là thứ gần như không thể ngăn cản.
Như nhiều người từng nhận xét, trên thực tế, ai cũng có tự do ngôn luận. Vấn đề chỉ là sau khi phát ngôn xong, chuyện gì sẽ xảy ra.
Để hạn chế quyền tự do ngôn luận, người ta có thể dùng tập quán xã hội/ áp lực đám đông và hệ thống luật pháp để chế tài, tạo ra cái giá phải trả cho những hành vi ngôn từ hoặc biểu đạt nhất định.
Cái giá càng cao thì mỗi người sẽ càng phải cân nhắc trước khi thực hiện quyền tự do biểu đạt của mình.
Bất kỳ một xã hội nào, kể cả ở những nơi mà tự do ngôn luận được xem là một thứ “kinh thánh chính trị” như nước Mỹ hiện tại, cũng đặt ra những cái giá phải trả như vậy.
Vì sao lại phải đặt ra các giới hạn đó?
Về cơ bản, tự do ngôn luận là một hình thức tương tác giữa người với người.
Người ta chỉ nói về tự do ngôn luận khi có sự tồn tại của hai người trở lên.
Nếu ngày xưa Mai An Tiêm bị đày ra đảo một mình, sống với chim và dưa hấu, sẽ không ai nói gì đến quyền tự do ngôn luận của Tiêm. Không có ai để tương tác cùng, thứ quyền đó là hoàn toàn vô nghĩa.
Chỉ khi có tương tác, người ta mới nói đến tự do cá nhân. Mà một khi có tương tác, bắt buộc phải có giới hạn.
Giới hạn đơn giản nhất là “trật tự” – tất cả cùng mở miệng thì ai nghe ai?!
Mọi tương tác, tùy vào môi trường, đều có những giới hạn riêng biệt. Trong phòng họp có quy định riêng, trong lớp học có quy tắc riêng, trong nhà anh A có luật này, nhà chị B có phép nọ… Tương tác ở môi trường nào sẽ phải chịu sự quản lý chi phối của môi trường đó.
Nhưng lý do quan trọng nhất người ta cần phải đặt ra giới hạn cho tự do ngôn luận là vì về bản chất, thứ quyền này chỉ là một phương tiện.
Giống như chiếc xe, không ai ngồi vào nó chỉ vì muốn ngồi – họ hoặc muốn di chuyển đến một địa điểm khác, hoặc muốn chui vào bật điều hòa ăn kem tránh nóng, hay dùng nó như chỗ ngủ qua đêm bên lề đường, hay chỉ đơn giản ngồi vào chụp một bức tự sướng lung linh đăng lên mạng.
Tương tự, mỗi người dùng quyền tự do biểu đạt của mình để đạt được một mục đích nào đó.
Khi một xã hội cùng đồng thuận về một giá trị mà phương tiện đó mang lại, những gì ngược lại với giá trị đó đều không được bảo vệ.
Nếu quyền tự do ngôn luận được thống nhất là phương tiện để tìm kiếm và bảo vệ sự thật, bất kỳ hành động ngôn luận nào có mục đích dập tắt, che giấu sự thật đều phải bị chế tài.
Hoặc nếu tự do biểu đạt được xem là công cụ để đảm bảo bình đẳng giữa mọi người trong xã hội, mọi hành vi biểu đạt đi ngược lại giá trị bình đẳng đó đều không thể được bảo vệ.
Vấn đề vì vậy không phải là có nên hạn chế tự do ngôn luận hay không.
Câu hỏi là nên đặt giới hạn đó ở đâu và như thế nào.
Trong số những thước đo dùng để canh chỉnh giới hạn đó, có ba loại được cân nhắc nhiều nhất.
Nguyên tắc Gây hại (Harm Principle)
Thước đo đầu tiên để giới hạn tự do ngôn luận được triết gia người Anh John Stuart Mill đề xuất. Ông được xem là một trong những người bảo vệ quyết liệt nhất quyền tự do biểu đạt của nhân loại.
Mill cho rằng bất kỳ một ý tưởng nào trên đời cũng phải được quyền biểu đạt tồn tại, cho dù nó có vô đạo đức (immoral) dưới mắt tất cả những người khác.
Theo ông, “nếu toàn bộ nhân loại ngoại trừ một người có cùng một quan điểm, và chỉ người đó có quan điểm trái ngược, thì việc nhân loại buộc người đó phải ngậm miệng cũng vô lý ngang với trường hợp kẻ đó có quyền lực và muốn bịt miệng tất cả nhân loại.”
Tự do biểu đạt, Mill tuyên bố, là điều kiện để đẩy con người đến giới hạn của tư duy logic, thay vì bị trói buộc bởi rào cản xã hội. Nó cần thiết để hình thành nên phẩm giá của con người. Không có nó, con người sẽ sống trong sự ôn hòa giả tạo, dìm toàn bộ nhân loại chung trong một cái lồng hèn nhát (diễn dịch từ ý“sacrifices the entire moral courage of the human mind”).
Bảo vệ quyết liệt tự do ngôn luận là vậy, Mill vẫn đặt ra giới hạn cho nó. Theo ông, trường hợp duy nhất tự do của cá nhân có thể được kiểm soát là để tránh nguy hại (harm) đến người khác.
Nhằm minh họa cho nguyên tắc này, Mill đưa ra ví dụ về nhà buôn bắp (corn dealer). Để tiện hình dung, ta có thể thay đổi ví dụ đó thành trường hợp một nhà thuốc buôn khẩu trang bị cáo buộc nâng giá vô tội vạ.
Theo nguyên tắc của Mill, nếu một người đăng bài viết nêu quan điểm buộc tội nhà thuốc ăn lời trên tính mạng của đồng bào, đó là quyền tự do biểu đạt của họ và chấp nhận được.
Nhưng nếu một đám đông giận dữ đang bao vây nhà thuốc đòi lôi cổ chủ tiệm ra hỏi tội, không ai được phép đứng trước đám đông đó nêu quan điểm cáo buộc như trên. Sự khác biệt là trong trường hợp sau, quyền tự do biểu đạt này có thể kích động đám đông dùng bạo lực, trực tiếp gây hại đến quyền lợi (ở đây có thể là tính mạng) của người chủ nhà thuốc.
Nguyên tắc Gây hại được xem là giới hạn thấp nhất để bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Theo đó, người ta phải chứng minh được sự thiệt hại (trực tiếp và rõ ràng) từ một hành vi biểu đạt của ai đó để có thể ra luật chế tài hoặc thưa kiện người đó ra tòa.
Ngay cả trong ví dụ của Mill, ông cũng không đề cập đến việc quan điểm buộc tội (nhà buôn) có đúng sự thật hay không mà chỉ quan tâm đến việc nó có gây hại trực tiếp và ngay tức thời hay không.
Ta có thể ngầm hiểu rằng nếu quan điểm trên sai sự thật, nhà buôn có quyền thưa kiện người đưa ra phát ngôn sau đó.
Nguyên tắc Gây hại là cơ sở cho các vụ kiện phỉ báng, tống tiền, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo sản phẩm có hại cho trẻ em…
Nguyên tắc Xúc phạm hay Phản cảm (Offense Principle)
Nhiều người cho rằng chiếc lưới mà Nguyên tắc Gây hại trùm lên quyền tự do ngôn luận là quá thưa, để lọt rất nhiều hạt sạn cần phải loại bỏ. Họ đề xuất cần có thêm những giới hạn khác.
Triết gia người Mỹ Joel Feinberg từ đó đề ra Nguyên tắc Xúc phạm: có những hành vi biểu đạt có thể bị cấm vì chúng xúc phạm hoặc gây phản cảm đối với người khác.
Feinberg tin rằng nhà nước có trách nhiệm trong việc ngăn cản các hành vi/ biểu đạt gây xúc phạm đến người khác. Nhưng vì xúc phạm không gây hậu quả nghiêm trọng bằng gây hại, nhà nước không nên dùng hình phạt nặng tương tự.
Tuy vậy trên thực tế, như chính Feinberg ghi nhận qua một số trường hợp tại Mỹ, hình phạt cho những hành vi tính dục “phản cảm” như loạn luân có đồng thuận (consensual incest) và loạn dâm (sodomy) là rất nặng, với mức phạt từ 20 năm tù đến cả tử hình.
Một vấn đề khác trên thực tế là “xúc phạm” hay “phản cảm” hoàn toàn mang tính chủ quan, phụ thuộc rất lớn vào nhận thức của mỗi người.
Một bộ phim nghệ thuật được đánh giá cao như Brokeback Mountain của đạo diễn Lý An hoàn toàn có thể là thứ “đồi trụy” trong mắt nhiều người vì có những cảnh khỏa thân hay âu yếm giữa hai người đồng tính.
Hay những loạt phim hài của nhóm Monty Python lừng danh của nước Anh vào thập niên 1970-80 cũng hoàn toàn có thể xếp vào hạng “báng bổ” với vô số các màn châm biếm nặng đô.
Những bộ phim chọc cười của Châu Tinh Trì thì đầy tình tiết và lời thoại “thô bỉ”, nhưng lại là món ăn tinh thần thú vị của hàng triệu người.
Để tránh việc áp đặt luật lệ lên tự do một cách tùy tiện – cứ có người thấy phản cảm là được phép cấm – Feinberg đưa ra nhiều bài kiểm tra để xác định mức độ của hành vi “xúc phạm”: độ bao phủ của sản phẩm biểu đạt, ảnh hưởng đến bao nhiêu người, mức độ nghiêm trọng của hành vi xúc phạm, giá trị xã hội mà nó mang lại, lợi ích của nó với cộng đồng…
Trong đó, yếu tố quan trọng thường được xem xét là “mức độ dễ dàng trong việc tránh khỏi hành vi/ lời nói xúc phạm”. Nếu đó là bộ phim chiếu ngoài rạp, người ta có thể đơn giản không mua vé xem, và như vậy không thể bị xúc phạm. Nếu đó là poster khổ lớn quảng cáo bộ phim với hình ảnh nhạy cảm treo ở vị trí công cộng, hành vi này có thể bị cấm vì người xem khó lùa mắt mình ra khỏi thứ “phản cảm” hơn.
Hầu như mọi quốc gia trên thế giới, kể cả ở những xã hội dân chủ, đều có những phiên bản luật áp đặt giới hạn lên quyền tự do biểu đạt theo Nguyên tắc Xúc phạm này.
Dựa trên giá trị của dân chủ (On democratic grounds)
Không hài lòng với chỉ hai nguyên tắc trên, nhiều người muốn tạo ra thêm các giới hạn để kiểm soát quyền tự do biểu đạt dựa trên những giá trị, hay chính xác là phản-giá-trị mà chúng tạo ra.
Họ lập luận rằng nếu thể chế dân chủ được tạo ra dưới tiền đề là tất cả mọi người đều có quyền bình đẳng ngang nhau, thì mọi hành vi, biểu đạt có ý chỉ một cá nhân hay nhóm người nào đó thấp kém hơn do sắc tộc, tôn giáo, giới tính hay xu hướng tình dục đều nên bị cấm.
Tương tự, nếu xã hội tôn trọng quyền riêng tư, quyền an toàn… thì những hành vi biểu đạt đi ngược lại các giá trị đó cũng không nên được cho phép.
So với hai loại thước đo trên, đây là một lưới lọc chặt hơn nhiều. Những đạo luật áp đặt dựa trên tiêu chuẩn này không cần phải chứng minh nó gây hại trực tiếp đến ai (direct harm) hoặc gây ra sự xúc phạm không thể tránh khỏi cho người khác (unavoidable offense) – trong nhiều trường hợp việc đó hoặc rất khó chứng minh, hoặc trên thực tế không tồn tại “nạn nhân” nào theo hai nguyên tắc trên.
***
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng một phần trong các thước đo kể trên để tạo ra giới hạn cho các hành vi tự do ngôn luận.
Điểm khác biệt giữa những thể chế dân chủ tự do so với những quốc gia khác không nằm ở việc họ “có cấm hay không”, mà là họ cấm như thế nào, dựa trên những cơ sở gì.
Một xã hội càng tôn trọng tự do, những quy định hạn chế lại càng phải dựa trên những quy tắc rõ ràng, hợp lý, được đa số chấp thuận.
Ngược lại, một xã hội kìm kẹp tự do lại luôn thích áp dụng những quy định nửa vời, mơ hồ để quăng chiếc lưới ra rộng nhất có thể, hòng nhốt chặt không cho bất kỳ một ý tưởng lạc lối nào thoát ra ngoài.
Một xã hội tôn trọng tự do luôn khuyến khích việc thảo luận về những giới hạn, và sẵn sàng thay đổi khi quan điểm của cộng đồng có biến chuyển.
Một xã hội kìm kẹp tự do ngược lại luôn sợ hãi, né tránh và tìm cách dập tắt những cuộc thảo luận đó.
Xã hội cũng giống như cơ thể của con người. Trốn tránh những cơ hội thảo luận công khai cởi mở cũng giống như lo sợ không dám để bác sĩ chẩn bệnh.
Một xã hội như vậy không thể là một xã hội khỏe mạnh.
Đọc thêm:
- 4 án lệ định hình tự do báo chí tại Hoa Kỳ
- Hoa Kỳ kiểm duyệt phim như thế nào
- Mỹ: Dọa bắn tổng thống cũng là tự do ngôn luận
- Ông chủ Playboy Hugh Hefner: Tay chơi bảo vệ tự do ngôn luận Mỹ
- Tự do ngôn luận từ nhiều góc nhìn
- Kiểm duyệt: Bàn tay che nắng hay che được cả trời?
- Quản lý báo chí Mỹ: Không giấy phép, không kiểm duyệt, không thẻ nhà báo
- Nhập gia tuỳ… lãnh tụ
- “Piss on you, Trump!”: Sắc màu tự do