Tự do báo chí Mỹ sẽ gặp nhiều nguy hiểm dưới thời Trump

0
19
Chính quyền Donald Trump sẽ gây nhiều nguy hiểm cho tự do báo chí. (Hình minh họa: David Dee/AFP via Getty Images)

Thiện Lê/Người Việt

SAN FRANCISCO, California (NV) – Chính quyền Donald Trump chính thức bắt đầu được hơn ba tuần, nhưng nhiều cơ quan truyền thông đang lo lắng về tự do báo chí. Đó là chủ đề của buổi hội thảo hôm Thứ Sáu, 14 Tháng Hai, do Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) tổ chức.

Một số cơ quan truyền thông lớn đang gặp khó khăn từ chính quyền Trump như đài phát thanh KCBS ở vùng vịnh San Francisco bị Ủy Ban Truyền Thông Liên Bang (FCC) điều tra sau khi đưa tin về những vụ Cảnh Sát Di Trú (ICE) bắt người nhập cư ở San Jose vào ngày 26 Tháng Giêng, và có thể mất giấy phép hành nghề.

Trong khi đó, hãng thông tấn AP cho biết ký giả của họ bị cấm vào Tòa Bạch Ốc và không được lên máy bay Air Force One tháp tùng tổng thống vì không muốn làm theo sắc lệnh của Tổng Thống Donald Trump đổi tên “Gulf of Mexico” thành “Gulf of America.”

Không chỉ vậy, có nhiều cơ quan truyền thông lớn đang phải đối mặt với những vụ kiện từ ông Trump trước khi ông nhậm chức tổng thống.

Các diễn giả của buổi hội thảo là những chuyên gia về báo chí và pháp lý nói về những nguy hiểm mà những hành động đó gây ra cho tự do báo chí. Họ còn nói về các cơ quan truyền thông và nguồn tin của họ phải tự kiểm duyệt và cắt bỏ nhiều thông tin, cũng như nói về sự trông cậy vào pháp lý và quyền lợi của các ký giả.

Ông Joel Simon, giám đốc bảo vệ truyền thông của đại học City University of New York, cho biết những mối đe dọa cho truyền thông có hai kiểu là kiểm soát và pháp lý.

Những mối đe dọa về kiểm soát gồm FCC, có ông Brendan Carr đứng đầu, đang điều tra những đài phát thanh như KCBS, NPR, và PBS. Công ty Comcast, chủ đài truyền hình MSNBC nhận được một lá thư từ FCC, cho biết họ có thể điều tra những cách thực hiện đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI) của đài truyền hình này.

Ông Simon cho rằng đây chỉ mới là khởi đầu của những mối đe dọa về kiểm soát truyền thông lớn hơn.

Về những đe dọa pháp lý, ông nói các cơ quan truyền thông sẽ không bị tấn công về lĩnh vực này, vì những lý do liên quan đến nghề nghiệp, mà có thể sẽ bị quấy rối vì những thứ như các vấn đề về thuế, tố cáo gian lận, hay những quy định trong chỗ làm. Điều đó làm ông nhắc nhở các cơ quan truyền thông nên chuẩn bị cho những chuyện không ngờ được vì chính quyền Trump có những chiến thuật khó đoán trước được.

Ông David Loy, giám đốc pháp lý của Liên Đoàn Tu Chánh Án 1, cho rằng FCC sẽ tiếp tục lạm dụng quyền lực để điều tra các cơ quan truyền thông vì cho rằng họ đưa một số tin tức sẽ không đúng ý của công chúng.

FCC có quyền kiểm soát những cơ quan truyền thông phát sóng khi sóng phát thanh hay truyền hình còn hiếm thấy, nhưng hiện nay chưa được tòa án kiểm chứng.

Ông Brendan Carr, chủ tịch Ủy Ban Truyền Thông Liên Bang. (Hình: Jonathan Newton-Pool/Getty Images)

Về việc đài KCBS bị điều tra, ông Loy hy vọng họ sẽ không bị mất giấy phép, nhưng những cuộc điều tra như vậy ảnh hưởng rất nhiều đến tự do ngôn luận. Theo ông, chính phủ không có vai trò kiểm duyệt báo chí vì giới truyền thông có quyền lựa chọn tin tức và cách đưa tin, nhất là những tin mà công chúng đang quan tâm đến nhiều như các chiến dịch của nhân viên công lực.

Sau đó, ông nhấn mạnh FCC chỉ có quyền kiểm soát các cơ quan truyền thông phát sóng, nhưng không có quyền kiểm soát báo in, báo mạng, hoặc các cơ quan truyền thông chỉ đăng nội dung trên mạng.

Ông còn cho hay có những cách lấy thông tin bất hợp pháp như đột nhập vào nhà người khác, tấn công điện toán và hối lộ, nhưng Tu Chánh Án 1 bảo vệ những cách đưa tin hợp pháp, và ông còn khuyến khích các cơ quan truyền thông không nên tự kiểm duyệt rồi cắt bỏ thông tin vì sợ chính phủ lạm dụng quyền lực.

Diễn giả thứ ba là ông Zachary Press, luật sư chuyên phụ trách báo chí của Trung Tâm Công Lý Quốc Tế Cyrus R. Vance. Ông cho biết những cơ quan truyền thông địa phương rất quan trọng trong bốn năm tới vì có những tin tức địa phương mà các cơ quan lớn không chú ý đến.

Theo ông, các cơ quan truyền thông nên có những biện pháp bảo vệ bản thân, bất kể ai là người đứng đầu trong Tòa Bạch Ốc. Những biện pháp đó gồm có tăng cường an ninh mạng; có bảo hiểm trách nhiệm truyền thông giá cả vừa phải; chuẩn bị cho những trát tòa đòi cung cấp thông tin bảo mật; sẵn sàng đối mặt với những vấn đề có thể tiết lộ thông tin cá nhân.

Các ký giả nên biết quyền lợi khi tiếp xúc với nhân viên công lực. (Hình minh họa: Allison Bailey/Middle East Images/AFP via Getty Images)

Ông còn nói các ký giả nên hiểu biết rõ về quyền lợi của họ và nên cẩn thận khi tiếp xúc với nhân viên công lực, nhất là trong những cuộc biểu tình hoặc khi đưa tin về những chủ đề nhạy cảm.

Sau đó, ông Joel Simon cho biết tự do báo chí không chỉ gặp nguy hiểm ở Hoa Kỳ, mà báo chí của cả thế giới cũng đang bị đe dọa. Những thường lệ đang bị xóa bỏ và những cách bảo vệ pháp lý cho truyền thông đang yếu dần ở Hoa Kỳ là một phần của xu hướng mới toàn cầu.

Vì vậy, ông nhấn mạnh các ký giả ở Hoa Kỳ cần phải học hỏi đồng nghiệp ở nhiều quốc gia khác từng đối mặt với những khó khăn tương tự như chính phủ lạm dụng quyền lực và tăng cường kiểm duyệt. Theo ông, đây là thời điểm vô cùng quan trọng đối với tự do báo chí và tìm cách bảo vệ điều đó.

Cuối cùng, ông David Loy cho hay đây là thời điểm để giới truyền thông đứng lên và bảo vệ tin tức, cũng như phải “chống lại kẻ bắt nạt.” [đ.d.]

Liên lạc tác giả: le.thien@nguoi-viet.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here