TS Phạm Đỗ Chí: Cải cách thể chế kinh tế – nền tảng thúc đẩy kinh tế TP Hồ Chí Minh

1
58
TS Phạm Đỗ Chí

QUÊ HƯƠNG ONLINE

Từng là chuyên viên cao cấp về kinh tế và đầu tư tài chính tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trên 25 năm, tiến sĩ Phạm Đỗ Chí hiện là Cố vấn Cao cấp về đầu tư và tài chính cho Chương trình Đầu tư và Định cư EB5 của hãng Hexaport International tại Florida, Hoa Kỳ. Ông cũng là tác giả của nhiều bài báo và sách viết về kinh tế tại Việt Nam.

Tạp chí Quê Hương xin giới thiệu bài phỏng vấn TS Phạm Đỗ Chí về vấn đề cải cách thể chế kinh tế để phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh.

PV:  Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư và tài chính, ông đánh giá như thế nào về kinh tế của TP Hồ Chí Minh hiện nay? Và TP Hồ Chí Minh nên tập trung phát triển kinh tế theo những hướng mũi nhọn nào?

TS Phạm Đỗ Chí: TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế phát triển của cả nước, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại rất nhiều bất cập, “trói buộc” sự phát triển của doanh nghiệp, tạo thành rào cản phát triển kinh tế của thành phố. Tôi cho rằng TP Hồ Chí Minh cần có một chương trình cải cách thể chế kinh tế một cách toàn diện, nhằm “cởi trói” cho doanh nghiệp tư nhân, tạo cú hích để tăng tốc phát triển nền kinh tế.

Cụ thể, TP Hồ Chí Minh có thể phát triển kinh tế theo những hướng sau:

Thứ nhất, phát triển TP Hồ Chí Minh như Đặc khu Kinh tế và Thương mại trong 4 năm 2017-2020 bao gồm các chính sách cải cách thể chế kinh tế toàn diện để: (1) Kích thích khu vực kinh tế tư nhân phát triển sản xuất và thương mại, trở thành đầu tàu cho cả nước và cạnh tranh hiệu quả trong vùng và thế giới; (2) Cho phép áp dụng các qui chế và luật lệ thuế khóa đặc biệt phát triển ngoại thương, đưa thành phố trở thành trung tâm sản xuất của vùng và thế giới về một số mặt hàng xuất khẩu quen thuộc trong khu vực FDI hay mặt hàng mới; (3) Áp dụng chính sách cải cách giáo dục mạnh dạn với đầu tư nước ngoài nhằm tăng cường khối nhân lực sản xuất hiện đại, theo đòi hỏi của việc thiết lập Trung tâm Công nghệ cao, hay một Trung tâm Tài chính vùng; (4) Áp dụng các chính sách mới về Y tế Công cộng nhằm tăng cường sức khỏe người dân và năng lực sản xuất công nhân…

Thứ hai, thành lập và phát triển Trung tâm Công nghệ cao vào năm 2018 với việc xây dựng Quy chế đặc biệt cho Khu Công nghệ cao, khuyến khích doanh nghiệp mới phát triển đi đôi với phát triển giáo dục và hội thảo về công nghệ cao.

Thứ ba, tiến tới thiết lập Trung tâm Tài chính vùng vào năm 2020 với việc thực hiện cải cách ngân hàng và tiền tệ; chuẩn bị cho việc thiết lập thị trường tỷ giá tự do (2018) và hệ thống công nghệ cao thích hợp; phát triển hệ thống du lịch tương ứng.

PV: Theo ông, cải cách thể chế kinh tế có vai trò như thế nào trong sự phát triển của TP Hồ Chí Minh?

TS Phạm Đỗ Chí: Theo tôi, cải cách thể chế kinh tế đóng vai trò cốt lõi trong việc phát triển kinh tế của TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung hiện nay. Cải cách thể chế kinh tế phải là mục tiêu cốt lõi của Chính phủ trong 4 năm tới (2017-2021), gồm cải cách hệ thống luật pháp, chính sách kinh tế và cơ chế thực thi.

Mục đích chính của cải cách thể chế kinh tế là phát triển kinh tế dựa trên phát triển doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước, và doanh nghiệp nhà nước.

Đặc biệt, điều quan trọng nhất trong cải cách thể chế kinh tế là chúng ta phải tạo ra sự bình đẳng về cơ hội và tiếp cận nguồn lực giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân và ngay trong nội bộ doanh nghiệp tư nhân.

Cải cách thể chế cần bắt đầu từ xây dựng pháp luật công bằng, bình đẳng, xoá bỏ ưu tiên chỉ dành cho một số ít doanh nghiệp, một số ít nhà đầu tư hưởng lợi lớn. Trong đó, trọng tâm cần giải quyết mâu thuẫn giữa vai trò bảo hộ quyền sở hữu (quyền sử dụng đất) của Nhà nước và nhu cầu phát triển, sử dụng đất của các dự án.

Cần phải hiểu rằng, bốn yếu tố cơ bản nhất để điều hành kinh tế tốt là: Tính minh bạch của chính sách và số liệu thống kê vĩ mô; Khả năng dự báo chính sách; Sự tham gia của tất cả các tác nhân kinh tế trong quá trình tăng trưởng trong xây dựng chính sách và hưởng thụ kết quả; Trách nhiệm giải trình.

Phải tạo ra sự bình đẳng về cơ hội và tiếp cận nguồn lực giữa các doanh nghiệp

PV: Theo ông, những rào cản nào còn tồn tại ảnh hưởng đến việc “cởi trói” cho doanh nghiệp, phát triển kinh tế tại TP Hồ Chí Minh?

TS Phạm Đỗ Chí: Hiện nay, rào cản lớn nhất vẫn là chúng ta chưa có một hệ thống pháp luật và các chính sách hoàn thiện tối ưu để giúp “cởi trói” doanh nghiệp, phát triển kinh tế. Rất nhiều các vấn đề về luật chưa hoàn thiện. Ví dụ như Pháp luật về sở hữu toàn dân đã sửa như Luật Đất đai, Tài nguyên Khoáng sản, Đầu tư công, Kinh doanh vốn Nhà nước, Ngân sách Nhà nước, nhưng vẫn phức tạp, thiếu minh bạch, nhiều tầng nấc dẫn đến phân bổ, quản lý, sử dụng chưa hiệu quả và công bằng.

Cơ chế bảo hộ quyền sở hữu chưa hiệu quả, cần tăng cường vai trò trọng tài của Nhà nước, bảo vệ quyền sở hữu, lợi ích của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong tranh chấp quốc tế trong và ngoài lãnh thổ.

Luật về Doanh nghiệp Nhà nước chưa hình thành hệ thống thống nhất và định hướng rõ, quy định rải rác nhiều nơi.

Nhiều quy định chưa đáp ứng được yêu cầu về tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng như rào cản gia nhập thị trường, giấy phép con, can thiệp vào quyền tự do kinh doanh, phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân…

Bên cạnh hệ thống pháp luật còn chưa hoàn thiện, các chính sách phát triển kinh tế của cơ quan quản lý Nhà nước nói chung và của TP Hồ Chí Minh nói riêng chưa phát huy được hiệu quả.

Nhiều khó khăn trong sản xuất còn tồn tại như: chi phí đầu vào cao, nhiều quy định hạn chế cạnh tranh, loại bỏ sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ trong khi cạnh tranh với hàng ngoại lớn hơn

Giải pháp tái cấu trúc các tập đoàn và tổng công ty mới chỉ giải quyết phần ngọn, chưa phải gốc, thiếu giải pháp thúc đẩy cổ phần hoá. Chương trình cổ phần hóa triển khai chậm, Nhà nước vẫn nắm quyền chi phối, khó thay đổi mô hình quản trị.

Nhà nước có biện pháp xử lý tốt nợ xấu ngân hàng, theo báo cáo thì đã kiểm soát được (dưới 3% dư nợ) nhưng xử lý chưa thực chất; Chính sách tiền tệ tín dụng vẫn còn nhiều bất cập, lãi suất giảm nhưng vẫn cao so với lạm phát và sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Cải cách thể chế kinh tế sẽ đẩy mạnh sự phát triển của TPHCM

PV: Nhà nước, Chính phủ và lãnh đạo TP Hồ Chí Minh nên có những giải pháp nào để kích thích các doanh nghiệp phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế của TP Hồ Chí Minh?

TS Phạm Đỗ Chí: Các giải pháp mà TP Hồ Chí Minh có thế áp dụng để phát triển kinh tế nằm chủ yếu ở việc cải cách về pháp luật và cải cách các chính sách để phát triển doanh nghiệp.

Cải cách về pháp luật theo tôi cần thực hiện được sáu mục tiêu cơ bản sau:

Thứ nhất, thực hiện ba đột phá liên quan đến quyền của người dân gồm quyền sở hữu tài sản; quyền tự do kinh doanh và quyền tự do cạnh tranh.

Trong đó, pháp luật về chế độ sở hữu cần: Sửa Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phá sản, Luật Cạnh tranh, Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, nhằm làm rõ cơ chế thực hiện quyền, phân bổ lợi ích và giám sát việc sử dụng tài sản lớn là đất đai, tài nguyên; Ban hành mới Luật quản lý tài sản công (của chung toàn xã hội) và tài sản Nhà nước (của chính quyền các cấp), Luật cổ phần hoá, quản trị trong doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, quản lý phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn Nhà nước, PPP, mua bán sáp nhập…

Về tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng, cần: Xây dựng hệ thống luật công (phân biệt với hệ thống luật tư), trong đó quy định chế độ hậu kiểm kèm theo chế tài xử phạt vi phạm để thực hiện tự do kinh doanh; Làm rõ trách nhiệm của công chức trong thi hành công vụ; Xác định quyền của cơ quan và công chức Nhà nước từ trung ương đến địa phương (chuyển trọng tâm từ  “thẩm định”, “phê duyệt”, “chấp thuận”, quyền cho phép và cấp phép kinh doanh… sang hướng dẫn, kiểm tra việc thực thi pháp luật); Rà soát các luật đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường…, loại bỏ các quy định phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời xử lý các chồng chéo, mâu thuẫn trong một số lĩnh vực pháp luật về kinh doanh; Quản lý đăng ký doanh nghiệp…

Thứ hai, nâng cao chất lượng các quy định. Trước khi công bố luật cần kiểm tra việc thực hiện đầy đủ các quy định, ngoài việc ban hành, soạn thảo, cần xây dựng báo cáo đánh giá tác động của luật ban hành…

Thứ ba, nâng cao tính minh bạch của luật và các qui định. Đối với những luật đã ban hành thì các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng quy định để hướng dẫn thực hiện luật; Xây dựng cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật của các địa phương và công bố trên mạng…

Thứ tư, cải thiện tham vấn công chúng và các cơ chế tham gia của các bên liên quan về xây dựng và phát triển chính sách.

Thứ năm, cải thiện các quy trình giám sát của Chính phủ. Tăng cường vai trò của các chuyên gia ngoài chính phủ để cung cấp luận cứ có căn cứ khoa học và thuyết phục; Tổ chức đoàn đến kiểm tra doanh nghiệp phải có quyết định của thủ trưởng cơ quan kiểm tra…

Thứ sáu, nâng cao chất lượng thông tin và tính minh bạch về hiệu quả thực hiện chính sách, nâng cao sự tham gia của người dân vào hoạt động giám sát và đánh giá thực hiện chính sách.

Về cải cách chính sách để phát triển doanh nghiệp, cần thực hiện ba mục tiêu chính.

Thứ nhất, tạo động lực, kích thích sản xuất, tăng hiệu quả và cạnh tranh. Trong đó đặc biệt chú trọng tăng cường động lực kinh tế trong các chính sách; tăng yếu tố khoa học công nghệ (TFP) & giảm vai trò yếu tố vốn (giảm ICOR); tăng hiệu quả kinh tế vĩ mô & tính cạnh tranh vi mô của từng khu vực và ngành sản xuất.

Thứ hai, phải ổn định kinh tế vĩ mô nhằm tăng trưởng bền vững. Chính phủ cần hỗ trợ bằng các chính sách vĩ mô thích hợp như: Thực hiện chính sách tiền tệ dựa trên “lạm phát mục tiêu”; Thực hiện chính sách tài khóa theo lộ trình giảm thâm hụt trong trung hạn; Giám sát chặt chẽ hệ thống ngân hàng và đảm bảo tính thanh khoản trên thị trường tài chính; Phối hợp chính sách tài khóa (Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư) và tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước).

Thứ ba, tăng trưởng đều khắp và bền vững nhằm gia tăng an sinh xã hội và cơ hội tham gia cho các nhóm dễ bị tổn thương. Trong đó cần chú ý: Thực hiện mức tăng trưởng đều đặn của sản xuất nông nghiệp trong GDP; Giảm đều tỷ lệ của các hộ nghèo trong xã hội; Giảm thiểu các rào cản luật pháp và qui định đối với phụ nữ, dân tộc thiểu số và các nhóm dễ bị tổn thương khác; Nâng cao sự tham gia, lãnh đạo và tiếng nói của phụ nữ, dân tộc thiểu số và các nhóm dân cư dễ tổn thương trong thảo luận chính sách; Cải thiện dữ liệu và phân tích về bình đẳng giới, các nhóm dân tộc thiểu số và các nhóm dân cư dễ tổn thương khác; Cải thiện việc tiếp cận cơ hội kinh tế cho phụ nữ, các nhóm dân tộc thiểu số và dễ bị tổn thương.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí tốt nghiệp bằng cử nhân Kinh tế học tại Đại học Laval (Canada) và các bằng thạc sĩ, tiến sĩ kinh tế học tại Wharton School, Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ).

Ông từng kinh qua nhiều vị trí công việc:

– Nhà kinh tế cao cấp và chuyên viên đầu tư của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) (1974 – 2001);

– Phó Giáo sư thỉnh giảng về kinh tế và tài chính thuộc chương trình MBA, trường American University tại Washington D.C (2002 – 2003);

– Cố vấn trưởng về nghiệp vụ Ngân hàng Quốc tế tại Vientiane (2003 – 2005);

– Phó Giám đốc điều hành và Kinh tế gia Trưởng của VinaCapital tại Việt Nam (2007-2009);

– Chuyên gia cấp cao kinh tế tài chính, USAID/STAR Program (2010 – 2013);

– Giám đốc Thành viên Quản trị của Công ty Kidwell International (2014).

Kim Ngân (thực hiện)

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here