Truyện ngắn cuối tuần – Chú Lam về phép.

    0
    72

    Nguyễn Ngọc Hoa

    Chú là em họ của cha tôi nhưng cha mẹ mất sớm nên chú được ông bà nội đem về nuôi từ thuở bé. Từ ngày bà nội mất, đây là lần đầu tiên chú về thăm nhà.

    Ông nội cho làm heo cúng ông bà và mời bà con họ hàng ăn mừng ông quan một oai phong trong bộ quân phục ka-ki, trên cầu vai gắn lon mới toanh.

    Chị vú kể ngày trước chú học giỏi lắm; học ở trường tỉnh đậu bằng Tiểu học rồi vô Huế học trường Khải Định. Cuốn Pháp-Việt từ điển và nhiều sách Pháp trên kệ sách là của chú. Chú thương một cô gái trong làng nhưng bà nội nhất định không tán thành vì chú tuổi Ngọ mà cô ấy tuổi Dậu, Tý Ngọ Mẹo Dậu tứ hành xung. Hơn nữa, bà nói mua heo chọn nái lấy gái chọn dòng, mẹ cô ấy là người lẳng lơ trắc nết. Thời con gái tát nước ngoài đồng có lần bà ta hát ghẹo ông nội lúc đó là trai tơ chưa vợ.

    Cô gái thương chú trốn nhà vô Huế, nhưng chú là học trò chưa đủ sức đùm bọc người yêu nên cô bị cha tìm bắt về. Đồng thời, bà nội triệu chú về bắt lấy vợ. Thím Sẻ lớn hơn chú mười tuổi, đảm đang và hiền hậu cả đời không mất lòng ai. Không bằng lòng nhưng chú không dám cãi lời bác Thông gái (tức là bà nội, Thông là tên của cha tôi) dày công dưỡng dục. Chú chỉ không gần gũi đụng chạm đến cô dâu.

    Để khỏi phải ở nhà, chú đăng lính và ở luôn trong đồn; khi nào bà nội cho người nhắn chú mới về nhà, mang theo giường bố kê ngủ ở phòng ngoài, không buồn ngó ngàng đến thím. Sau ba năm làm dâu mà không chồng, thím Sẻ buồn tình ra làng xin để (ly dị) chú.

    Chuyện kể rằng chú Lam không muốn làm sĩ quan nhưng một hôm chú ngủ mớ bằng tiếng Pháp bị ông thượng sĩ thường vụ nghe thấy. Ông ta nghĩ chú cà mèng mà muốn làm le nên buộc chú làm đơn xin học sĩ quan, định làm chú mất mặt cho bõ ghét; không dè vì vậy mà chú trúng tuyển và “bị” gửi vào trường Võ bị Liên quân Đà Lạt.

    Tốt nghiệp trường võ bị, chú quyết định dùng thời gian nghỉ phép về thăm quê nhà trước khi đi Sông Cầu nhận nhiệm sở.

    ***

    Ông Há có họ với mẹ ngày trước cũng học trường Khải Định, đậu bằng đít-lôm (diplôme – tức là tốt nghiệp Trung học đệ nhất cấp) và rất giỏi tiếng Pháp. Ông làm thông ngôn, mang lon trung sĩ nên được gọi là Đội Há. Ngôi nhà hai tầng của ông là căn nhà lầu duy nhất trong làng, nằm ngay góc đường cái và đường làng chính dẫn lên nhà ngoại.

    Đội Há hách dịch và phách lối, ai cũng ghét nhưng gặp thì khúm núm sợ sệt. Không ai muốn làm ông phật lòng, vì chỉ cần một lời thông dịch ác ý của ông là toàn gia bị sát hại. Chứng cớ là năm xưa dẫn lính Pháp bố ráp làng Hoàn Lão, ông chỉ điểm cho Pháp bắn chết gia đình giàu có nhất làng, không ai sống sót.

    Sợ Đội Há, người ta sợ cả con ông là thằng Xê trạc tuổi thằng Gái. Thằng Xê ỷ thế cha tác oai tác quái mà không ai dám kêu ca, tự an ủi một sự nhịn chín sự lành.

    Hôm ấy tôi đi lên nhà ngoại; thằng Xê chặn đầu đòi nộp tiền mãi lộ. Vốn nhát như cáy, tôi chạy về nhà hậm hực với thằng Gái: “Tổ cha thằng Xê không cho tui lên mệ (bà) ngoại”. Anh tôi nổi giận chụp cây căng dài lận lưng rồi kéo tay tôi đi. Căng (nơi khác gọi là khăng) là trò chơi gồm hai cây tre hay củi tròn, cây dài chừng ba tấc và cây ngắn khoảng một tấc; khi chơi cây dài được dùng để đánh cây ngắn.

    Thằng Xê còn đứng giữa đường diễu võ dương oai, to lớn dềnh dàng đứng cao hơn thằng Gái nửa cái đầu. Thấy chúng tôi đến, nó la lối:

    “Tau chấp cả nhà bây. Thằng Thông về tau cũng đập chết cha hắn luôn.”

    “Tổ cha thằng Há làm bồi cho Tây đừng phách chó,” anh tôi không chịu kém, chửi trả.

    Thằng Xê nổi xung tiến tới thoi vào mặt anh. Dùng thế cận chiến chú Lam dạy, anh tránh sang một bên, tay trái đỡ nắm thoi, tay mặt phang cây căng vào mông đối thủ. Thằng Xê đau điếng đưa tay ôm mông thì anh tôi chuyển thế, xoè bàn tay trái thúc vào mặt nó khiến máu mũi tuôn ra. Thằng Xê sợ điếng hồn ôm mặt chạy vào nhà.

    Một phút sau, Đội Há xuất hiện trên bao lơn, chỉ tay xuống giận dữ:

    “Tổ cha thằng Gái dám đập con tau sặc máu mũi. Đồ con không cha, tau bỏ tù mi chừ”.

    Không hề sợ hãi, anh tôi vạch quần ra rồi ưỡn bụng:

    “Bỏ tù con c… tau nì!”.

    ***

    Trước khi lên đường, chú Lam đưa mẹ tôi bưng khay cau trầu rượu lên nhà ông Đội Há; mẹ xin lỗi vì con dại cái mang. “Nể mặt quan một là người đồng môn và o (cô) Thông là kẻ biết điều” ông đồng ý bỏ qua cho thằng Gái lần này. Anh tôi không bị mẹ mắng mà cũng chẳng bị nội cho ăn roi mây về tội “trổ c…” với ông Đội.

    Hôm sau, một đêm hè nóng nực, tôi ngủ mê mệt thì nghe tiếng gọi: “Anh Bé, anh Bé dậy đi!”. Trong giấc mơ, tôi mở mắt nhìn: con Moi em lay vai tôi, đôi mắt cô tinh anh và nét mặt hiền hòa. Tôi tiếp tục ngủ thì tiếng gọi cấp bách hơn: “Anh Bé dậy mau kẻo trễ!”. Giật mình nhỏm dậy, qua cửa sổ tôi thấy lửa cháy đỏ rực bên nhà cậu Thăng.

    Tôi lính quýnh đánh thức mẹ và nội dậy. Nội gióng mõ báo động, mõ chuyền từ nhà này sang nhà khác, gọi trai tráng trong làng xách gàu đi chữa lửa. Tiếng mõ hòa với tiếng la “nhà cháy” vang dội khắp làng. Thu thập vội vàng các vật dụng quý giá cho vào một chiếc thúng, thúng kia thì đặt thằng Sáng, mẹ quảy gánh kéo tôi và thằng Gái lên nhà ngoại lánh nạn.

    Nhìn về phía nhà cậu Thăng giờ là một đống tro tàn, nội tuyên công: “Nhờ thằng Bé nửa đêm dậy đi đái mà lửa không cháy lan qua nhà mình”. Tôi hỏi về con Moi em thì anh Đồng tường thuật vắn tắt: “Hắn đốt nhà rồi nhảy vô lửa. Chết rồi!”.

    Tôi hiểu tại sao khi kể chuyện tình của chú Lam, chị vú đã không nêu tên người yêu năm xưa của chú.

    Tôi cũng không nói ai nghe tại sao tôi thức giấc giữa đêm.

    30 Tháng Ba, 2013

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here