Những con số báo cáo ra Quốc hội, nếu được cộng dồn lại, sẽ cho thấy tổng nợ xấu đã xử lý và chưa xử lý lên tới khoảng 1.200 ngàn tỷ đồng, chiếm đến hơn 40% tổng dư nợ cho vay là hơn 3 triệu tỷ đồng vào giai đoạn năm 2011-2012, gấp đến 10 lần so với tỷ lệ nợ xấu chỉ 4% từ báo cáo của Ngân hàng nhà nước vào thời gian đó!
Tháng 5/2017, lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại của mình, Quốc hội Việt Nam phải nhận lãnh một trách nhiệm liên đới mật thiết đến “sự tồn vong của đảng”: bắt buộc phải ban hành một nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Sát kỳ họp trên, con số mới nhất về nợ xấu ngân hàng, còn được mệnh danh là “cục máu đông”, được công bố: 600.000 tỷ đồng!
Kỳ họp Quốc hội tháng 5 – 6/2017 bất chợt râm ran đề nghị “xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu” và “không loại trừ xử lý hình sự người gây ra nợ xấu”.
Dù không nói thẳng tên, nhưng rất nhiều người hiểu rõ một trong những “thủy tổ” của núi nợ xấu hiện thời là cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình.
Những bằng chứng giấu nợ xấu
Có một bằng chứng không thể phủ nhận: nếu từ năm 2011, trong khi nhân vật nổi tiếng “báo cáo láo” – Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình – đã báo cáo số liệu nợ xấu chỉ khoảng 100.000 – 150.000 tỷ đồng, còn chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cố ép nợ xấu về dưới 3%, các chuyên gia phản biện độc lập đã đề cập đến con số nợ xấu tồn tại trong hệ thống ngân hàng lên đến 500.000 tỷ đồng, thì vào năm 2012.
Cũng vào thời gian trên, chính báo cáo của Ủy Ban Giám Sát và Tài Chính Quốc Gia – một cơ quan phân tích tài chính thuộc chính phủ mà trước đây mang tâm thế khá khép nép – lại cho thấy tỉ lệ nợ xấu thực lên đến 17%.
Vũ điệu nhảy múa số liệu nợ xấu của Ngân hàng nhà nước đã biến diễn đầy ma mị kể từ khi chính phủ mới của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng được thành lập vào Tháng Tám, 2011. Từ đó đến cuối năm 2015, thống kê sơ bộ cho thấy đã có ít nhất 15 lần tỉ lệ nợ xấu được Ngân hàng nhà nước cho “khiêu vũ” với độ biến thiên từ 3% đến 10%. Tuy thế, các số liệu được công bố lại quá thiếu cơ sở và chẳng còn làm mấy người ngờ nghệch tin tưởng. Trùng với thời điểm cơ quan này công bố tỉ lệ nợ xấu chỉ khoảng 4% vào đầu năm 2014, một tổ chức xếp hạng tín nhiệm tín dụng có uy tín trên thế giới là Fitch Ratings đã tuyên bố một con số khác hoàn toàn dành cho nợ xấu Việt Nam: 13%!
Vào năm 2015, một tổ chức tín dụng độc lập khác là FT Confidential Research cũng công bố: Tỉ lệ nợ xấu ngân hàng Việt Nam vào khoảng 15% trong năm 2014, thực tế cao hơn nhiều so với con số chính thức.
Chỉ đến cuối năm 2014, hẳn nhận ra tình hình không hề “êm”, Thống Đốc Bình mới buộc phải thú nhận trước Quốc hội con số thực về nợ xấu tương đương đến 500 ngàn tỷ đồng.
Một bằng chứng khác về che giấu nợ xấu thuộc về VAMC (Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng), thuộc trách nhiệm điều hành của Thống đốc Bình.
Trong các báo cáo của VAMC những năm trước, doanh nghiệp có vị trí rất hiểm yếu trong nền kinh tế quốc dân này đã luôn phô trương việc xử lý nợ xấu “rất hiệu quả” trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần, và cho đến giờ tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng này đã giảm hẳn, còn tỉ lệ nợ xấu bình quân đã được kéo giảm dưới 3% theo “nghị quyết” của chính phủ.
Nhưng từ đầu năm 2016 đến nay, người ta đã rõ là có thể đã chẳng có “tiền tươi thóc thật” nào được tung ra để mua nợ xấu của các ngân hàng thương mại vào những năm trước. Thay vì tiền mặt, rất có thể VAMC đã phát hành “trái phiếu đặc biệt”- một thứ giấy tờ rất gần với khái niệm vô giá trị trong tình hình thâm thủng ngân sách hiện nay – để ép các ngân hàng thương mại phải miễn cưỡng nhét vào ngăn kéo.
Nói cách khác, nếu như trước đây Ngân hàng nhà nước tìm cách “phù phép” để đẩy các khoản nợ đặc biệt xấu và không thể thu hồi được lên những nhóm nợ cao hơn (có thể thu hồi), thì nay do chẳng có gì thu hồi được nên nợ xấu vẫn còn y nguyên và vẫn hàng ngày lãi mẹ đẻ lãi con, toàn bộ “công tác xử lý nợ xấu” của VAMC từ trước đến nay chỉ còn ý nghĩa trên giấy.
Những báo cáo trên lại được chính phủ Nguyễn Tấn Dũng liên tục trình ra trước quốc hội như một thành tích, đặc biệt vào thời gian sắp diễn ra Đại Hội 12 của đảng cầm quyền vào Tháng Giêng, 2016. Thậm chí còn đặt ra chỉ tiêu sẽ giải quyết toàn bộ nợ xấu trong vài ba năm tới.
Thế nhưng sau Đại Hội 12 và cùng với sự ra đi của Thủ Tướng Dũng, sự thật về nợ xấu dần lộ diện theo cách không còn cách nào khác.
“Lấy của người nghèo chia cho người giàu”
Thành tích “giảm nợ xấu về dưới 3%” của Ngân hàng nhà nước và chính phủ cho tới nay vẫn chỉ là con số rất thiếu tính liêm sỉ.
Gần như toàn bộ khối nợ xấu vẫn như một quả bom tấn được hẹn giờ, vẫn đang âm ỉ chờ lúc phát nổ trong lòng các ngân hàng thương mại và cả nền kinh tế.
Thậm chí còn có một âm mưu rất lớn bắt ngân sách – tiền đóng thuế của dân – phải trang trải cho núi nợ xấu.
Vào tháng 10 năm 2014, ba năm sau khi triển khai đề án xử lý nợ xấu, chính phủ của Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Văn Bình đã đưa kiến nghị “xem xét dành một phần chi ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước” ra Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội.
Nhưng cũng bởi quá chủ quan nên chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã vấp phải một làn sóng phản đối quyết liệt từ đủ mọi thành phần dân chúng và cả trong giới quan chức. Cho tới lúc đó, đa số người dân đều đã nhận ra nợ xấu có bản chất là những chiến dịch kinh doanh cực kỳ phiêu lưu và tham đến mờ mắt của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vào các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm trong thời kỳ “đầu cơ vàng” những năm 2006-2007, để sau đó khi các thị trường đầu cơ lao dốc và gần như sụp đổ thì phần lớn các chủ thể đầu tư đều rước họa vào thân.
Không chỉ giới ngân hàng thương mại chìm trong thảm họa nợ xấu, nhiều tập đoàn kinh tế được coi là “quả đấm thép” (từ ngữ của cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng) cũng vướng vòng “lao lý.” Chỉ tính riêng những tập đoàn lớn của nhà nước có tham gia đầu cơ bất động sản và chứng khoán đã mang về số lỗ kinh hoàng, như Tập Ðoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) lỗ 10.000 tỷ đồng, Tập Ðoàn Ðiện Lực Việt Nam (EVN) lỗ 30.000 tỷ đồng. Nhưng cái kết quả còn tàn nhẫn hơn nhiều là những tập đoàn này, để bù đắp dễ nhất và nhanh nhất số lỗ của mình, đã “móc ngoặc” với giới chủ quản là Bộ Công Thương để vận dụng “tham nhũng chính sách,” liên tiếp gây ra các chiến dịch tăng giá điện và xăng dầu trên đầu hàng chục triệu người nghèo.
Từ đó đến nay, âm mưu dùng ngân sách để “xử lý nợ xấu” đã không thể thực hiện. Vả lại, có muốn thực hiện cũng không thể được vì ngân sách đã không còn bất kỳ khoản kết dư nào cho phép làm cái việc táng tận lương tâm ấy.
Có thoát trách nhiệm?
Từ tháng 8/2011 khi chính phủ mới được hình thành, Nguyễn Văn Bình được bổ nhiệm làm thống đốc Ngân hàng nhà nước và mau chóng được coi là “cánh tay mặt” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Nhưng cũng vào cuối năm 2011, trong khi một trang báo điện tử của nhà nước là Vnexpress vinh danh Nguyễn Văn Bình là “Nhân vật của năm 2011”, thì một tạp chí có uy tín quốc tế là Global Finance đã xếp “Nguyễn Văn Bình là một trong 20 thống đốc kém nhất thế giới”.
Từ 2011 đến 2015, ông Nguyễn Văn Bình đã trở nên nổi tiếng với các chiến dịch “lấy mỡ nó rán nó” liên quan đến vàng, “nhảy múa” các tỷ lệ nợ xấu, cấp phát tín dụng và bị đồn đoán về lợi ích dày cộm liên quan đến chuyện sáp nhập các ngân hàng thương mại.
Tại đại hội 12, cùng với bất ngờ Thủ tướng Dũng phải chịu thất bại cay đắng, là việc Nguyễn Văn Bình nghiễm nhiên trở thành tân ủy viên bộ chính trị mà không phải chịu một án kỷ luật hoặc pháp luật nào.
Thời gian trôi qua… Hôm 21/5/2017, báo Công An Nhân Dân bỗng cho đăng một bài hết sức nhạy cảm của tác giả Đào Minh Khoa “Truy trách nhiệm người phê chuẩn bổ nhiệm trái quy định ông Phạm Công Danh“.
Dư luận cho biết ông Danh được bổ nhiệm ở Ngân hàng Xây Dựng năm 2012, thẩm quyền bổ nhiệm thuộc Thống đốc ngân hàng nhà nước.
Nhưng bài báo trên đã bị gỡ ngay trong ngày đăng…
Vài ngày sau, trong một buổi họp tổ của Quốc hội, khi giải đáp băn khoăn của một số ý kiến về trách nhiệm gây ra nợ xấu tại tổ thảo luận quốc hội gồm các đoàn Quảng Bình, Lào Cai, Đắc Lắc, ông Nguyễn Văn Bình bất thần lên giọng: “Tôi xin khẳng định lại một điều nghị quyết này không có gì ưu ái với những ông có hành vi vi phạm gây ra nợ xấu”.
Chỉ có điều trong thực tế, nợ xấu không chỉ đến 17% tổng dư nợ. Những con số báo cáo ra Quốc hội, nếu được cộng dồn lại, sẽ cho thấy tổng nợ xấu đã xử lý và chưa xử lý lên tới khoảng 1.200 ngàn tỷ đồng, chiếm đến hơn 40% tổng dư nợ cho vay là hơn 3 triệu tỷ đồng vào giai đoạn năm 2011-2012!
Việt Nam lại khá tương đồng với Thái Lan trong cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997. Trước khủng hoảng, các cơ quan của Thái báo cáo tỷ lệ nợ xấu chỉ có 5%. Nhưng khi khủng hoảng xảy ra, tỷ lệ nợ xấu Thái Lan đã vọt lên đến 50%, gấp 10 lần!
Nguyễn Văn Bình có thoát trách nhiệm về khối nợ xấu khổng lồ phát sinh dưới thời ông ta điều hành Ngân hàng nhà nước?
Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh ‘Anh hùng thông tin’.