Huỳnh Ngọc Chênh.
Vào ngày nhà báo blogger Trương Duy Nhất bị bắt cách đây tròn 2 năm, tôi tình cờ có mặt tại Đà Nẵng. Lúc một đoàn công an trên 20 người đang lục soát nhà và đọc lệnh bắt khẩn cấp anh thì tôi còn nghe một người quen ở Đà Nẵng khẳng định với tôi rằng Trương Duy Nhất là an ninh. Trước đó thì tôi nghe khá nhiều người nói đến tai tôi rằng TDN là người của tổng cục 2. Tôi không tin lắm vì biết chắc rằng cũng những người đó đi rỉ tai ở chỗ khác rằng tôi cũng là an ninh.
Khi TDN bị 17 nhân viên an ninh của cơ quan điều tra bộ công an áp giải lên máy bay ra Hà Nội thì một doanh nhân có cỡ ngồi cùng khoan hạng C với TDN, thấy anh ngồi cùng với một đám an ninh đã chào hỏi: “Nhất ra Hà Nội công tác à?” Nhất nghiêm nghị trả lời: “Ừ, đi công tác”. “Lâu không?” “Chưa biết, khi nào xong việc thì về”. Lúc ấy doanh nhân đó đã mở cờ trong bụng về phát hiện động trời của mình: Blogger nổi tiếng TDN là một an ninh gộc của bộ, đi công tác ra Hà Nội cùng với một đoàn an ninh bằng vé máy bay hạng C. Có lẽ doanh nhân nầy chưa kịp tiết lộ bí mật động trời nầy cho bạn bè thì tối đó vào mạng mới hay TDN bị bắt.
“Vì sao bị bắt di lí ra Hà Nội mà được đi máy bay hạng C?” Tôi thắc mắc, Nhất nói: “Vì đi khẩn cấp làm gì có vé máy bay nếu không mua vé hạng C”. Thế đấy bộ công an khẩn cấp điều 17 nhân viên an ninh của cơ quan điều tra bay vào Đà Nẵng để áp giải TDN ra Hà Nội, vào ra toàn bằng vé hạng C trong khi lực lượng an ninh của thành phố Đà Nẵng cũng “đông như quân Nguyên” nhưng không dùng đến. Người ta xài tiền thuế của dân một cách vô tội vạ khi nhân danh lý do an ninh.
Nhất kể, họ ập vào nhà anh bằng một lực lượng hùng hậu trên 20 người gồm an ninh bộ, công an thành phố, công an quận và công an phường. Ghê gướm thật, một blogger với vũ khí chỉ là cái bàn phím nhựa mà được đối xử còn hơn một nghi phạm giết người có trang bị súng ống.
Buổi chiều, TDN bị áp giải ra sân bay Đà Nẵng, tay anh không bị còng. Phóng viên báo Tuổi Trẻ ngửi ra tin Nhất bị bắt sớm nhất, đã lên phục kích tại sân bay. Nhất thấy phóng viên đó, cũng quen với anh, lấp ló nấp sau hàng cột chĩa ống kính ra chụp, anh ngoắc tay nói, ra đây chụp chứ sợ gì. Báo Tuổi Trẻ đã có tấm ảnh đầu tiên của Nhất khi bị bắt. Trong tấm ảnh đó, Trương Duy Nhất hiên ngang ngẫng cao đầu bước đi giữa hai an ninh áp giải cúi gầm xuống mà nhìn như hai nhân viên đi theo bảo vệ yếu nhân.
Hình ảnh đó là đòn tiến công đầu tiên của Nhất trong một trận chiến ác liệt mà anh phải đối mặt, một trận chiến kinh hồn suốt hai năm trời đối diện với hàng loạt sĩ quan điều tra có số má của bộ công an, đối diện với quan tòa chỉ biết nghe lệnh trên, đối diện với các quản giáo khe khắt của trại giam và đối diện với chính những người bạn tù được “cài cắm” nằm cùng phòng với anh. Một cuộc chiến kéo dài hơn cuộc đua marathon mà anh phải đơn độc chiến đấu và không cho phép anh lơ là bất cứ phút giây nào, không cho phép anh gục ngã trước bao nhiêu áp lực của cường quyền, không cho phép anh sa chân lỡ bước trước bao nhiêu cái bẫy thâm độc giăng ra. Anh nói: “Tôi mà sa vào bẫy, tôi mà gục ngã, thì đời tôi bị vùi ngay xuống hố đen bùn nhơ, tôi sẽ sống kiếp con vật cho đến hết cuộc đời còn lại”. Anh đã phải chiến đấu cho đến giây phút cuối cùng vào ngày anh được trả tự do như mọi người đã thấy, khi anh bị cưỡng chế bí mật đưa lên vùng núi rừng hoang vắng trên đường Hồ Chí Minh giữa một đám vừa công an vừa côn đồ. Anh nói, nếu anh không thắng được trận cuối đó thì chưa biết bây giờ anh đã ra sao.
“Anh chiến đấu trên nguyên tắc như thế nào?” tôi hỏi, Trương Duy Nhất nói: “Xuyên suốt trong hai năm, tôi phải chiến đấu để cho họ thấy rằng tôi không có tội mà tội phạm chính là những kẻ đã ra lệnh bắt tôi, đã giam tôi và đã xử tôi. Ngay cái hình ảnh báo Tuổi Trẻ đăng khi tôi bị đưa ra sân bay thì tôi cũng đã gởi đến mọi người một thông điệp: Tôi không có tội.”
Anh chỉ tấm hình lộng kiếng treo trên tường phòng khách và nói: Tôi đã qua được cuộc chiến khốc liệt đó vì tôi biết chính nghĩa đứng về phía chúng ta.
HNC
(còn tiếp)