Trump cân nhắc sa thải lãnh đạo FBI hậu bầu cử vì xung đột với Wray và Barr ngày càng gắt gao

0
72
Giám đốc FBI Christopher A.Wray phát biểu trong một cuộc họp báo tháng này. (Pool/Reuters)

Người Thông Dịch

Translated from The Washington Post article “Trump weighs firing FBI director after election as frustration with Wray, Barr grows

Devlin Barrett & Josh Dawsey, ngày 22 tháng 10, 2020

Một số nguồn tin thân cận cho hay, tổng thống Trump và các cố vấn của ông đã nhiều lần thảo luận về việc liệu có nên sa thải lãnh đạo FBI Christopher A. Wray sau Ngày Bầu cử hay không – một viễn cảnh tương tự cũng có thể sẽ xảy đến với nhiệm kỳ của Bộ trưởng bộ Tư pháp William P. Barr khi mà Tổng thống ngày càng cảm thấy bất mãn với việc lực lượng thi hành án đã không quảng bá và thúc đẩy chiến dịch bầu cử của ông vào phút cuối như cách FBI đã làm năm 2016.

Theo lời của các nguồn tin, các cuộc thảo luận giữa tổng thống và các trợ lý cấp cao xuất phát một phần từ nỗi thất vọng đối với Wray và Barr vì đã không làm những gì Trump hy vọng, ám chỉ rằng ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden, con trai ông ấy Hunter Biden và những ai có quan hệ với gia đình Biden đều đang bị điều tra. Như những cuộc thảo luận khác, họ trò chuyện và tiết lộ các vấn đề nội bộ dưới tư cách được giấu tên.

Trong những tuần cuối của cuộc chạy đua tái bầu cử, tổng thống đã liên tục công khai tuyên truyền việc bỏ tù đối thủ của mình, như cách ông ta đối xử với bà Hillary Clinton –đối thủ của ông ta năm 2016. Trump đã gọi Biden là một “tên tội phạm” mà không đưa ra được bất cứ điều luật nào ông tin là đối thủ của mình đã phá vỡ. 

Những người quen thuộc với các cuộc thảo luận nói rằng Trump muốn các hành động chính thức tương tự như tuyên bố được đưa ra 11 ngày trước cuộc bầu cử bởi lãnh đạo FBI đương nhiệm khi đó James B. Coney, tuyên bố với Quốc hội là ông đã tái mở trở lại cuộc điều tra về việc bà Clinton đã sử dụng email cá nhân khi còn là ngoại trưởng sau khi một bằng chứng mới được tìm thấy.

Trong một phỏng vấn hôm thứ Ba với kênh Fox News, Trump đã nhấn mạnh rằng “chúng ta cần Bộ trưởng Tư pháp ra tay hành động” và Barr cần phải triển khai “nhanh chóng.” Tổng thống đã cố tình ám chỉ đến thông tin mới mà luật sư riêng của ông ta, Rudolph W. Giuliani, mới khai thác về Hunter Biden dựa trên một số tài liệu trong một máy tính xách tay được cho là thuộc về con trai của cựu phó tổng thống.

“Đây là một vụ tham nhũng lớn, và cử tri cần được biết về thông tin này trước khi kỳ bầu cử diễn ra,” Trump phát biểu.

Phát ngôn viên Judd Deere cho biết Nhà Trắng không theo dõi các vấn đề nhân sự. “Nếu tổng thống không tin tưởng ai đó, ông ấy sẽ cho bạn biết,” Deere nói.

Một phát ngôn viên của FBI từ chối bình luận.

Theo như dữ liệu của các cuộc thăm dò, tuyên bố vào cuối tháng Mười bốn năm trước của Comey đã làm suy giảm đáng kể vị thế dẫn đầu của Clinton trước Trump. Mặc dù Trump có lẽ đang mong đợi một động thái bất ngờ tương tự từ chính quyền của ông, các quan chức cấp cao của FBI lại khá cẩn trọng trước những bước đi tương tự, lo ngại về những chỉ trích là không phù hợp và thiếu công bằng. 

Trong một bức thư gửi tối thứ Ba cho Thượng nghị sĩ Ron Johnson (Cộng hòa – Wisconsin), Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa và Các vấn đề Chính phủ của Thượng viện, một quan chức FBI đã tìm cách né tránh các câu hỏi do Johnson đặt ra về sự hiểu biết của cơ quan này về máy tính xách tay của Hunter Biden.

Theo bức thư, FBI “không còn gì để bổ sung” vào tuyên bố của Giám đốc tình báo quốc gia John Ratcliffe vào đầu tuần này khi ông bác bỏ các mối nghi ngờ rằng máy tính xách tay của Biden là một sản phẩm đánh nhiễu thông tin của Nga. Ratcliffe cũng nói với Fox Business Network hôm thứ Hai là chính phủ Mỹ không có bất cứ tin tình báo nào để ủng hộ luận điểm này.

Bằng việc từ chối đáp trả các cáo buộc từ phía Đảng Dân chủ và một vài cựu quan chức tình báo rằng việc tiết lộ thông tin muộn màng về chiếc máy tính xách tay có thể là một dạng can thiệp quấy nhiễu bầu cử từ nước ngoài, FBI đang ngầm ủng hộ ý kiến rằng các email trong thắc mắc là có thật. Nhưng lá thư từ cơ quan gửi đến cho Johnson không mang tin tức cụ thể, chỉ nhắc đến sự chỉ trích của Tổng thanh tra Bộ Tư pháp Michael Horowitz trước hành động của Comey vào năm 2016. 

Một bức thư từ Trợ lý Giám đốc Jill C.Tyson vào hôm thứ Ba cho hay, FBI “không thể phủ nhận hay xác nhận sự tồn tại của bất cứ cuộc điều tra nào đang được tiến hành hay bất cứ cá nhân, tổ chức nào có liên quan đến nó, bao gồm cả các thành viên Quốc hội.” . “Như Tổng thanh tra đã kiên quyết nhắc nhở Bộ và FBI trong những năm gần đây, chính sách này được ban hành để duy trì tính liêm chính của tất cả các cuộc điều tra từ Bộ Tư pháp và khả năng của Bộ trong việc duy trì công lý một cách hiệu quả mà không bị ảnh hưởng bởi chính trị hoặc những yếu tố quá khích từ bên ngoài.”

Bức thư cũng đánh dấu sự kiện mới nhất trong mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa tổng thống, FBI và các quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp.

Theo những người quen trong cuộc, Trump xem Wary là một trong những lựa chọn tồi tệ nhất của chính ông ta. Những người này còn cho biết rằng Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows, và một cố vấn hàng đầu khác của Trump là Dan Scavino cũng đã chỉ trích mạnh mẽ Wray trong các cuộc thảo luận nội bộ.

Cũng theo những người này, Meadows đã bày tỏ sự thất vọng khi biết Wray sẽ không giải mật thêm các tài liệu liên quan đến cuộc điều tra năm 2016 của FBI về sự can thiệp quấy nhiễu bầu cử của Nga, mặc dù các quan chức thực thi pháp luật liên bang chưa được thông báo cụ thể những tài liệu mà Meadows muốn.

Trump đã bàn một cách công khai cũng như bí mật về tuyên bố của Wray về cuộc điều tra liên quan đến Nga, chống đối và gian lận cử tri mà ông ta cho là mờ nhạt.

Bộ trưởng Bộ tư pháp cũng đã bị lôi vào một số cuộc tranh luận khi tổng thống phàn nàn rằng một báo cáo được mong đợi từ Luật sư John Durham của Connecticut, người đang xem xét kỹ lưỡng nguồn gốc của cuộc điều tra Nga, sẽ không được tường trình trước Ngày Bầu cử.

Tổng thống đã ngừng ca ngợi Barr mà thay vào đó là một giọng điệu chỉ trích gắt gao. Trump đã từ chối trả lời một câu hỏi từ một phóng viên của Newsmax về khả năng của Barr được giữ chức vụ trong nhiệm kỳ thứ hai.

Theo những người thân cận, Trump đã thực sự quan tâm đến báo cáo của Durham đến mức ông ấy đã tăng âm lượng vô tuyến mỗi khi các phân đoạn về nó được lên sóng. Một vị cố vấn gần đây trao đổi với Trump cho biết, Trump đã từng nói với các đồng minh rằng ông ta tin Barr sẽ mang đến những “vết thương chí mạng” trong các tìm kiếm mới của Durham.. Dựa theo cá nhân này, tổng thống đã nói: “Nhưng họ lại đé* làm gì cả!”

Một số quan chức chính quyền đã lo ngại rằng Barr có thể trở thành nạn nhân của việc Nhà Trắng muốn loại bỏ Wray sau cuộc bầu cử. Nhưng những người thân cận trong các cuộc thảo luận cảnh báo rằng vẫn còn nhiều biến số có thể ảnh hưởng hoặc thay đổi suy nghĩ của tổng thống, quan trọng nhất là cách nước Mỹ bỏ phiếu và liệu đảng Cộng hòa có tiếp tục nắm quyền tại Thượng viện hay không. Trump thường phàn nàn về các thành viên trong Nội các của mình và có ý định sa thải họ, nhưng những ý định này không bao giờ được thực thi. Và quyết định sa thải Comey của Trump vào đầu năm 2017 chỉ làm căng thẳng thêm các vấn đề cho tổng thống.

Các đồng minh phe bảo thủ của tổng thống đã nhấn mạnh mức phản đối Wray trong các chiến dịch của họ trên vô tuyến và cả mạng xã hội, một vài người còn kêu gọi sa thải ông. Theo các quan chức, Wray cũng đang tránh mặt tổng thống. 

Với Wray trong cương vị lãnh đạo FBI trong suốt nhiệm kỳ đầy biến động dưới thời Trump, Barr thường đóng vai trò là đồng minh và lá chắn, và cũng không rõ nếu tổng thống có ý định hành động dựa trên sự bất mãn của ông ta đối với Wray khi mà Barr vẫn đương nhiệm chức Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp hay không. Các quan chức thực thi pháp luật hiện tại và cựu quan chức đang lo ngại rằng việc sa thải Wray quá sớm trong nhiệm kỳ 10 năm của ông này đối với FBI sẽ không mang đến ích lợi gì, nhất là khi nhiệm kỳ của Comey trước đây kéo dài chưa đầy bốn năm. Nó sẽ làm xói mòn tính độc lập chính trị của tổ chức này.

Brian O’Hare, chủ tịch Hiệp hội đặc vụ FBI, cho biết Wray đã phải đối mặt với “những thách thức chưa từng có” trong ba năm qua và đã cố gắng duy trì tính công bằng và liêm chính của cơ quan.

O’Hare cho hay, “lãnh đạo Wray đã cống hiến bản thân cho sự thật và chỉ quan tâm đến sự thật.”

Người dịch: Duong Nguyen

Biên tập: Calum Nguyen

Nguồn : https://www.the-interpreter.org/post/trump-can-nhac-sa-thai-lanh-dao-fbi-hau-bau-cu-wray-barr-xung-dot

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here