Trong bối cảnh EU vẫn đang căng mình hạn chế phụ thuộc vào năng lượng Nga, động thái này từ Mỹ không chỉ mang tính kỹ thuật, mà còn có thể là dấu hiệu cho một sự điều chỉnh địa chính trị mang tầm chiến lược.
Trong thông báo hôm 29/6, ông Szijjarto Ngoại trương Hungary cho biết, vào tháng 11/2024, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng Gazprombank (Nga) – ngân hàng cung cấp vốn để xây dựng dự án Paks 2 cho Hungary.
Điều này khiến dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Paks-2 của Hungary không thể tiếp tục.
“May mắn thay, từ tháng một năm nay, Tổng thống Donald Trump đã quay lại Nhà Trắng. Ông ấy xem Hungary là bạn. Nhờ đó, chính phủ Mỹ đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến khoản đầu tư vào nhà máy điện hạt nhân Paks”, ông Szijjarto nói.
Văn bản giấy phép chung (general license) được Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ ban hành cuối tuần qua đã cho phép Gazprombank cùng nhiều ngân hàng lớn khác của Nga như Sberbank, VTB, Alfa-Bank, được thực hiện các giao dịch liên quan đến năng lượng hạt nhân dân sự. Điều đó đồng nghĩa với việc các rào cản tài chính từng khiến dự án điện hạt nhân Paks-2 đình trệ suốt nhiều tháng qua chính thức được tháo gỡ.
Nhà máy điện hạt nhân Hungary Paks-2, dự án trị giá 12,5 tỉ euro với khoản vay 10 tỉ euro từ Nga, vốn là trụ cột trong chiến lược an ninh năng lượng của Hungary. Dự án này nhằm xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân mới, nâng công suất tại tổ hợp điện hạt nhân Paks duy nhất của nước này – nơi đang cung cấp gần một nửa sản lượng điện cho cả quốc gia.
Các lệnh trừng phạt trước đó khiến việc chuyển tiền từ phía Nga qua Gazprombank bị phong tỏa, đã làm tiến độ xây dựng Paks-2 gần như đóng băng. Budapest nhiều lần cầu viện Washington để được miễn trừ, và giờ đây họ đã đạt được điều đó khi Donald Trump bước vao Nha Trắng.

Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto ngày 29.6 xác nhận: “Chính phủ Mỹ đã quyết định dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến đầu tư vào nhà máy điện hạt nhân Paks. Đây là một bước ngoặt quan trọng đối với an ninh năng lượng của chúng tôi”.
Ông thẳng thắn cho rằng: “Mỹ từng đưa ra nhiều quyết định mang động cơ chính trị, đặt Hungary vào tình thế cực kỳ khó khăn. Trong số đó có việc cố tình cản trở việc xây dựng Paks-2” ý nói đến chính quyên tiên nhiệm Mỹ Joe Biden.
Tuy nhiên, ông Szijjarto cho rằng cục diện đã thay đổi sau khi Mỹ có “một tổng thống mới nhìn nhận Hungary như một người bạn” – ám chỉ Tổng thống Donald Trump, người có quan hệ nồng ấm với Thủ tướng Viktor Orbán.
Đáng chú ý, giấy phép của OFAC không chỉ áp dụng với Gazprombank mà còn với Ngân hàng Trung ương Nga, các ngân hàng thương mại lớn và cả các giao dịch dân sự liên quan đến hạt nhân.
Giới quan sát nhận định, quyết định này có thể phản ánh sự dịch chuyển trong cách tiếp cận của Mỹ – từ đối đầu cứng rắn sang mở cửa có điều kiện, đặc biệt trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao nhằm kết thúc xung đột tại Ukraina đang diễn ra.
Từ đầu cuộc xung đột Nga – Ukraina, Hungary luôn là quốc gia EU cứng rắn nhất trong việc phản đối các biện pháp trừng phạt Nga sâu rộng. Budapest cho rằng điều đó không phục vụ lợi ích của họ, nhất là khi 80% khí đốt và hơn 60% dầu của Hungary vẫn đến từ Nga.
Không chỉ giữ nguyên các hợp đồng dài hạn với Gazprom, Hungary còn nhiều lần phủ quyết các đề xuất của EU về cắt giảm hoàn toàn nhập khẩu năng lượng Nga trước năm 2027.
Thậm chí, mới đây nhất, Hungary còn bác bỏ đề xuất của Ủy ban châu Âu về việc loại bỏ khí đốt Nga ra khỏi thị trường năng lượng EU.
Các lệnh trừng phạt Nga được áp đặt dưới thời cựu chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Kể từ khi trở lại Phòng Bầu dục vào năm 2025, Tổng thống Donald Trump đã cố gắng thúc đẩy Nga và Ukraine tham gia các cuộc đàm phán hòa bình để chấm dứt xung đột và chưa áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Nga.
“Một quyết định quan trọng đã được đưa ra nhằm rút các lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ khỏi một số ngân hàng và công ty bảo hiểm của Nga liên quan đến dự án năng lượng hạt nhân, trong đó có dự án Paks-2” theo Tập đoàn Nhà nước về năng lượng nguyên tử Nga (Rosatom).
“Tổng thống Donald Trump và chính quyền của ông ấy đã giúp Hungary. Đồng thời, chúng ta vẫn còn một cuộc chiến khác ở Brussels để duy trì quyền mua dầu và khí đốt giá rẻ. Chúng ta sẽ chiến đấu trong trận chiến này và sẽ thành công”, ông Szijjarto nói.