Tác giả: Joseph E. Stiglitz
Đỗ Kim Thêm, dịch
5-4-2022
Giống như những gián đoạn trước đây đối với nền kinh tế toàn cầu, cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã làm nổi bật sự sai lầm của việc chỉ dựa vào thị trường để giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng phục hồi của các quốc gia. Thêm một thử thách khác nữa, chủ nghĩa tân tự do đã thất bại và cuối cùng phải được thay thế bằng một tầm nhìn kinh tế mới dựa trên các giá trị mới.
Hậu quả từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã nhắc nhở chúng ta về những gián đoạn liên tục không lường trước được mà nền kinh tế toàn cầu đối phó. Chúng ta đã được dạy bài học này nhiều lần. Không ai có thể dự đoán được các cuộc tấn công của bọn khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, và rất ít người dự đoán được cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đại dịch COVID-19 hoặc cuộc bầu cử của Donald Trump, dẫn đến việc Hoa Kỳ chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ và tinh thần dân tộc. Ngay cả những người đã dự đoán những cuộc khủng hoảng này cũng không thể nói chính xác là khi nào chúng sẽ xảy ra.
Mỗi sự kiện này đều có những hậu quả to lớn đối với nền kinh tế vĩ mô. Trận đại dịch buộc chúng ta chú tâm tới sự thiếu khả năng phục hồi trong nền kinh tế của chúng ta dường như khá mạnh mẽ. Mỹ là một siêu cường thậm chí không thể sản xuất được các sản phẩm đơn giản như khẩu trang và các thiết bị bảo vệ khác, chứ đừng nói đến các mặt hàng tinh vi hơn như các máy xét nghiệm và máy thở. Cuộc khủng hoảng đã làm gia tăng sự hiểu biết của chúng ta về sự mong manh của nền kinh tế, lặp lại một trong những bài học của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi sự phá sản của chỉ của một doanh nghiệp, Lehman Brothers, đã gây ra sự sụp đổ gần như của toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu.
Tương tự như vậy, cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine đang làm trầm trọng việc tăng giá lương thực và năng lượng đáng lo ngại, có hậu quả nghiêm trọng tiềm tàng đối với nhiều nước đang phát triển và các thị trường mới nổi, đặc biệt là những nước có nợ đã tăng vọt trong đại dịch. Châu Âu cũng rất dễ bị tổn thương, do tình trạng lệ thuộc vào khí đốt của Nga – một nguồn tài nguyên mà từ đó các nền kinh tế lớn như Đức không thể tự giải quyết nhanh chóng hoặc không tốn kém. Nhiều người lo ngại rằng sự phụ thuộc như vậy đang làm dịu lại các phản ứng đối với các hành động nghiêm trọng của Nga.
Sự phát triển đặc biệt này đã được dự đoán trước. Hơn 15 năm trước, trong tác phẩm Making Globalization Work, tôi đã hỏi: “Có phải mỗi quốc gia chỉ đơn giản chấp nhận rủi ro [an ninh] như một phần của cái giá mà chúng ta phải đối mặt cho một nền kinh tế toàn cầu hiệu quả hơn? Châu Âu đơn giản nói rằng nếu Nga là nhà cung cấp khí đốt rẻ nhất, thì chúng ta nên mua từ Nga bất kể tác động đối với an ninh của nước này là gì?” Thật không may, câu trả lời của châu Âu là bỏ qua những nguy hiểm rõ ràng trong việc theo đuổi các lợi nhuận ngắn hạn.
Bên dưới sự thiếu khả năng phục hồi hiện tại là sự thất bại cơ bản của chủ nghĩa tân tự do và khuôn khổ chính sách mà nó củng cố. Các thị trường chỉ dựa vào riêng mình là thiển cận, và cách tài trợ của nền kinh tế đã làm cho các thị trường thậm chí còn thiển cận nhiều hơn như vậy. Các thị trường không tính đến đầy đủ các rủi ro chính yếu – đặc biệt là những rủi ro có vẻ xa vời – ngay cả khi các hậu quả có thể rất nghiêm trọng. Hơn nữa, những người tham gia thị trường biết rằng khi các rủi ro có hệ thống – như trường hợp tất cả các cuộc khủng hoảng được liệt kê ở trên – các nhà hoạch định chính sách không thể đứng yên và nhìn.
Chính vì các thị trường không tính toán đầy đủ cho những rủi ro như vậy, sẽ có quá ít đầu tư vào khả năng phục hồi và các chi phí gây cho xã hội cuối cùng thậm chí còn cao hơn. Giải pháp thường được đề xuất là “định giá” rủi ro, bằng cách buộc các doah nghiệp phải chịu nhiều hậu quả hơn từ hành động của họ. Logic tương tự cũng chỉ ra rằng, chúng ta định giá các yếu tố tác hại bên ngoài như lượng khí thải phát ra với hiệu ứng nhà kính. Nếu không có chi phí phát thải, sẽ có quá nhiều ô nhiễm, sử dụng quá nhiều nhiên liệu hóa thạch và quá ít đầu tư và đổi mới để bảo vệ môi trường.
Nhưng định giá cho rủi ro còn khó khăn hơn nhiều so với việc tính toán chi phí phát thải. Và trong khi các lựa chọn khác – các chính sách công nghiệp và các quy định – có thể đưa nền kinh tế đi đúng hướng, các “quy tắc của trò chơi” theo chủ thuyết tân tự do đã khiến các can thiệp để tăng cường khả năng phục hồi trở nên khó khăn hơn. Chủ thuyết tân tự do dựa trên một tầm nhìn mang đầy ảo ảnh của các doanh nghiệp thuần lý khi đang tìm cách tối đa hóa lợi nhuận dài hạn của họ trong bối cảnh của các thị trường hoàn toàn hiệu quả. Theo chế độ toàn cầu hóa tân tự do, các doanh nghiệp được giả định là mua từ nguồn hàng rẻ nhất và nếu các doanh nghiệp riêng lẻ không tính toán thích hợp cho nguy cơ phụ thuộc vào khí đốt của Nga, các chính phủ không được phép can thiệp.
Đúng vậy, khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới bao gồm một quy định miễn trừ vì lý do an ninh quốc gia mà chính quyền châu Âu có thể đã viện dẫn để biện minh cho các can thiệp để hạn chế sự phụ thuộc của họ vào khí đốt của Nga. Nhưng trong nhiều năm, chính phủ Đức dường như là một người thúc đẩy tích cực sự tương thuộc kinh tế. Cách giải thích đầy nhân ái về lập trường của Đức là hy vọng thương mại sẽ làm cho Nga thuần phục. Nhưng từ lâu đã có một làn sóng tham nhũng, được thể hiện bởi cá nhân của Gerhard Schröder, thủ tướng Đức, người đã chủ trì trong các giai đoạn quan trọng của sự ràng buộc nặng nề của đất nước với Nga và sau đó làm việc cho Gazprom, một tập đoàn khí đốt quốc doanh Nga.
Thách thức hiện nay là thiết lập các chuẩn mực trong toàn cầu cho phù hợp để phân biệt chủ nghĩa bảo hộ với các phản ứng hợp pháp đối với các mối quan tâm về lệ thuộc và an ninh, và phát triển các chính sách đối nội có hệ thống tương ứng. Điều này sẽ đòi hỏi sự cân nhắc đa phương và thiết kế chính sách cẩn trọng để ngăn chặn các động thái xấu như việc Trump sử dụng các mối quan tâm “an ninh quốc gia” để biện minh cho thuế quan đối với ô tô và thép của Canada.
Nhưng vấn đề không chỉ đơn thuần là điều chỉnh khuôn khổ thương mại tân tự do. Trong trận đại dịch, hàng ngàn người đã chết không cần thiết vì các quy tắc sở hữu trí tuệ của WTO ngăn trở việc sản xuất vaccine ở nhiều nơi trên thế giới. Khi virus tiếp tục lây lan, tạo ra các đột biến mới, làm cho dễ lây lan hơn và đề kháng với thế hệ vaccine đầu tiên.
Rõ ràng, đã có quá nhiều sự tập trung vào sự an toàn của tác quyền trí tuệ, và quá ít cho sự an toàn của nền kinh tế của chúng ta. Chúng ta cần bắt đầu suy nghĩ lại về toàn cầu hóa và các quy tắc của nó. Chúng ta đã phải trả giá đắt cho tính chính thống hiện nay. Hy vọng hiện nay nằm trong việc chú ý đến những bài học của những cú sốc lớn trong thế kỷ này.
_______
Joseph E. Stiglitz đoạt giải Nobel Kinh tế và là Giáo sư Đại học Columbia, Cựu Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (1997-2000), Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Hoa Kỳ, Đồng Chủ tịch của Ủy ban cấp cao về chi phí phát thải, Thành viên của Ủy ban độc lập cải cách thuế doanh nghiệp quốc tế và là tác giả chính của Bảng đánh giá khí hậu IPCC năm 1995.
Bài liên quan: Chiến tranh Ukraine làm giảm 1% các triển vọng tăng trưởng toàn cầu