
Nguyễn Vĩnh
Trao đổi về chính sách ngoại giao về “nước nhỏ, nước lớn”?
Trong hộp thư email chủ blog nhận được ngày đầu tuần hôm nay, thứ Hai, 14/8, có bài viết dưới đây của tác giả Nguyễn Thị Linh. Chị là cử nhân chuyên ngành Chính trị quốc tế và Ngoại giao Việt Nam, cũng là hội viên Câu lạc bộ Galileo, Học viện Ngoại giao.
Hiện tại chị Nguyễn Thị Linh là trợ lý nghiên cứu tại Viện Biển Đông tại Học viện nói trên.
Nhận thấy đây là một bài viết có nội dung hay và có tính thực tiễn (trao đổi về một chính sách ngoại giao thích hợp với từng quốc gia…), blog tôi xin đưa lên đây để bà con và bạn bè xa gần đọc tham khảo.
Nguyễn Vĩnh/Vệ Nhi
* Bài được đăng lần đầu trên Website Nghiên cứu Biển Đông.
—–
Ngoại giao nước nhỏ và bài học cho Việt Nam
Tác giả: Nguyễn Thị Linh
Tháng 7/2016 tại Singapore nổ ra một cuộc bút chiến bàn luận về chủ đề ứng xử của nước nhỏ trong quan hệ quốc tế giữa các nhà ngoại giao kỳ cựu của nước này. Cuộc tranh luận thu hút sự chú ý của dư luận bên trong và bên ngoài Singapore bởi nó không chỉ phản ánh sự chia rẽ tư tưởng trong giới hoạch định chính sách đối ngoại Singapore hiện nay mà còn động chạm đến vấn đề cốt lõi liên quan đến bản sắc của một chủ thể hết sức đặc biệt trong chính trị quốc tế hiện đại. Singapore là một quốc đảo với dân số 5,6 triệu nhưng lại có nền kinh tế phát triển bậc nhất thế giới và thành tích đối ngoại đáng khâm phục. Từng được coi là “một chấm đỏ” (little red dot), nhưng Singapore ứng xử với tư thế của một quốc gia độc lập, không ít lần từ chối những đề nghị của các cường quốc. Rõ ràng, đây không phải lần đầu tiên cuộc tranh luận nổ ra, và chắc cũng không phải lần cuối. Những ý kiến trong diễn đàn hết sức có giá trị để giới nghiên cứu chính sách của Việt Nam tham khảo.
Khác biệt quan điểm
Lời qua tiếng lại bắt nguồn từ bài bình luận “Bài học lớn từ một Nước nhỏ” trên Nhật báo Strait Times của Giáo sư Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu. Sở dĩ bài viết thu hút sự chú ý bởi Mahbubani được coi là nhà tư tưởng có ảnh hưởng của Singapore với cuốn sách nổi tiếng Can Asians Think? (tạm dịch: Người châu Á có thể tư duy được không?). Ông cũng có sự nghiệp kỳ cựu trong lĩnh vực đối ngoại, đã từng được bổ nhiệm Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao và Đại sứ của Singapore tại Liên Hợp Quốc.
Trong bài bình luận, Mahbubani viện dẫn trường hợp của Qatar, nước đang bị dính vào cuộc khủng hoảng chính trị-ngoại giao với các thành viên còn lại trong Liên đoàn Ả-rập, để lập luận rằng nước nhỏ không nên phớt lờ quy tắc vĩnh viễn của địa chính trị: “Nước nhỏ phải hành động như các nước nhỏ”, không phải hành xử giống cường quốc hạng trung. Quan điểm trên được hình thành trên nhận định: do tự tin về tiềm lực kinh tế và mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ, Qatar đã hành xử “quá sức” như một cường quốc hạng trung, trực tiếp can dự vào các cuộc chạy đua địa chính trị ở khu vực (can thiệp trực tiếp vào tình hình Syria, hỗ trợ các nhóm nổi dậy ở các quốc gia khác). Các nước láng giềng lớn hơn như Ả Rập Xê Út, Bahrain, Ai Cập, Liên minh Ả Rập cắt đứt quan hệ ngoại giao với cáo buộc “Qatar gây chia rẽ nội bộ Ả Rập, xúi giục các âm mưu chống lại Nhà nước, vi phạm chủ quyền, chứa chấp các tổ chức khủng bố như Nhóm Anh em Hồi giáo, ISIS và Al-Qaeda.”
Cựu Đại sứ lưu động Ong Keng Yong, hiện đang là Phó Chủ tịch điều hành của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, cũng cảnh báo rằng quan điểm của Mahbubani đi ngược lại lợi ích của Singapore. Quan hệ quốc tế không đơn thuần dựa trên quy mô diện tích và dân số. Theo ông, nước nhỏ không thể lựa chọn “sự sợ hãi” trước các nước lớn, mà buộc phải đứng lên bảo vệ lợi ích quốc gia vì nếu làm khác sẽ luôn bị các nước lớn chèn ép.
Nguồn gốc của cuộc tranh luận
Cuộc tranh luận công khai về chính sách đối ngoại của Singapore nảy sinh trong bối cảnh khu vực này có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt liên quan đến căng thẳng gia tăng ở Biển Đông. Kể từ 2009, những va chạm liên quan đến vấn đề Biển Đông đẩy quan hệ Trung Quốc và một số nước ASEAN vào một số đối đầu về ngoại giao cũng như trên thực địa. Từ đó, mâu thuẫn giữa Singapore và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông xuất hiện. Là một quốc gia thương mại, Singapore chủ trương duy trì trật tự trên biển dựa trên luật pháp quốc tế, trong khi đó Trung Quốc có xu hướng sử dụng sức mạnh chèn ép các nước nhỏ mà bỏ qua luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS. Bên cạnh đó, Singapore nỗ lực duy trì đoàn kết ASEAN trong khi Trung Quốc tìm cách gây chia rẽ.
Chuỗi sự kiện và căng thẳng gia tăng trong quan hệ Singapore và Trung Quốc có lẽ là cơ sở thực tế để nhà ngoại giao kỳ cựu Kishore Mahbubani đưa ra bình luận “nước nhỏ nên theo ngoại giao nhỏ”, không nên can dự vào những vấn đề liên quan đến địa chính trị của các cường quốc. Câu chuyện Qatar cơ bản chỉ là cái cớ để Mahbubani thể hiện sự bất mãn đối với chính sách đối ngoại của Chính phủ Lý Hiển Long. Các nhà ngoại giao khác như Kausikan Bilahari, Ong Keng Yong, và S. Shanmugam là những nhân vật chủ chốt đã từng phục vụ trong nội các của Thủ tướng Lý Hiển Long. Rõ ràng, Mahbubani ám chỉ Singapore nên theo chính sách đối ngoại thực dụng, không nên có lập trường quá mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông, trong khi Bilahari, Yong và Shanmugam cho rằng Singapore nên đứng lên bảo vệ luật pháp quốc tế.
Sức mạnh của các lập luận
Cuộc tranh luận về ngoại giao Singapore phản ánh hai trường phái chính sách truyền thống là chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lý tưởng. Chủ nghĩa hiện thực chính trị nhấn mạnh vào thực tế tồn tại độc lập so với suy nghĩ, ý tưởng và nhận thức. Quan điểm của Giáo sư Mahbubani xuất phát từ tiền đề rằng Singapore là một nước nhỏ, không còn là một lãnh đạo có khả năng cân bằng quan hệ với các nước lớn như Lý Quang Diệu và tình hình quan hệ căng thẳng giữa Singapore và Trung Quốc gần đây, nước này nên tự lượng sức mình, tránh gây sự với các nước lớn. Trong khi đó các ý kiến chỉ trích quan điểm của ông bắt nguồn từ hệ tư duy lý tưởng, cho rằng thực tế được định hình bởi suy nghĩ và các tư tưởng, và thực tiễn của Singapore kể từ khi lập quốc. Theo đó Singapore phải có lý tưởng, dám theo đuổi lý tưởng như Lý Quang Diệu, dám thách thức các nước lớn trong nhiều tình huống cụ thể để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, thượng tôn pháp luật và duy trì ổn định khu vực.
Tuy nhiên, lập luận của Mahbubani có một số điểm yếu về lô-gic. Một là, lập luận này dựa trên tiền đề rằng Qatar sẽ chịu khuất phục trước sức ép từ các nước Ả-rập khác. Trên thực tế, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng đến nay Qatar vẫn đứng vững nhờ nội lực mạnh và mạng lưới quan hệ rộng giúp giải toả phần nào sức ép từ phía Tây. Có thể thấy, cuộc khủng hoảng này sẽ còn kéo dài, và hồi kết còn chưa rõ ràng. Hai là, việc sử dụng một trường hợp điển hình để đi đến một khái quát hoá quá lớn tạo ra những lỗ hổng trong dẫn chứng. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng Qatar hiện nay rất khác với vấn đề mà Singapore phải đối mặt ở Biển Đông, cả về bản chất vấn đề, phe phái và tương quan lực lượng. Qatar can dự mạnh mẽ vào một số vấn đề Trung Đông cơ bản là mục tiêu ảnh hưởng, trong khi đó Singapore đấu tranh ở Biển Đông là cho lợi ích lâu dài và bản sắc của nước này. Singapore giàu có và thành công phần lớn nhờ nguồn lực trí tuệ, tự do hàng hải trên biển và trật tự dựa trên luật pháp. Theo đó, hoà bình, ổn định và luật pháp trên biển là lợi ích sát sườn của Singapore. Ba là, việc Mahbubani cho rằng vai trò của Lý Quang Diệu là độc nhất, không thể lặp lại là thiếu thuyết phục. Có thể thấy, quá trình đấu tranh chống lại cường quyền luôn đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn. Bốn là, Mahbubani không thuyết phục khi không thảo luận cụ thể về các nước nhỏ nên “kiềm chế” đến đâu là vừa đủ. Lịch sử cho thấy chính sách cầu hoà thường không bao giờ thoả mãn các cường quốc.
Ở phía đối lập, các ý kiến chỉ trích mạnh về lập luận, nhưng yếu về cách trình bày. Tính thuyết phục của dòng lập luận này xuất phát từ mô hình đối ngoại thành công của Singapore, nước đã kiên trì xây dựng và đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Trường hợp của Lý Quang Diệu chứng tỏ nước nhỏ vẫn có thể “nghĩ lớn” và hành động dựa trên nguyên tắc và lý tưởng, và đó cũng là lợi ích lâu dài. Tuy nhiên, thay vì tranh luận trực tiếp với các lập luận của Giáo sư Mahbubani, các ý kiến trên quá nghiêng về đả kích cá nhân như chỉ trích tác giả là “nguy hiểm”, “dối trá” hay có “vấn đề về học thức.” Trong bài viết, Mahbubani phần nào có lý khi cho rằng Singapore nên kiềm chế và cẩn trọng trong phát ngôn hay tuyên bố liên quan tới các cường quốc chứ không nói rằng Singapore phải cúi đầu, khúm núm hay để bị bắt nạt. Mahbubani cũng cho rằng, các nước nhỏ cần dựa vào Liên Hợp Quốc và tổ chức khu vực, nhưng luận điểm này bị bỏ qua. Nói chung, cần giữ lý tưởng và nguyên tắc, cần khôn khéo tránh đối đầu đầu trực diện, công khai với các cường quốc. Tuy nhiên, ranh giới giữa điều cần giữ nguyên tắc và cần ứng biến linh hoạt luôn rất khó để xác định. Nó thuộc về nghệ thuật và bản lĩnh của các nhà lãnh đạo. Cả hai hệ thống quan điểm trên có lẽ đều có những yếu tố cực đoan, không phản ánh lịch sử và thực tại của Singapore.
Lý tưởng “lợi ích quốc gia”
Bài học cho Việt Nam
Việt Nam hiện nay đang theo đuổi chính sách thực dụng trên cơ sở cân bằng quan hệ với các nước lớn, đồng thời tích cực, chủ động mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các đối tác khác. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2017, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã thực hiện nhiều chuyến thăm chính thức để thúc đẩy các mối quan hệ song phương quan trọng. Cụ thể, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc vào tháng 1/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ và Nhật Bản tháng 5 và tháng 6/2017; Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Trung Quốc, dự Hội nghị Thượng đỉnh Vành đai và Con đường tháng 5/2017 và thăm Liên Bang Nga tháng 6/2017. Các chuyến thăm giúp làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác và đối tác với các cường quốc chủ chốt, giúp tạo dựng lợi ích lâu dài của các nước ở Việt Nam, đồng thời tranh thủ các nguồn lực mới để phát triển đất nước.
Tóm lại, cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại của Singapore gợi mở cho Việt Nam về cách ứng xử với các nước lớn trong các vấn đề khu vực. Theo đó, có ba vấn đề chính sách mà Việt Nam nên chú ý: (1) sức ép, đe dọa của các cường quốc sẽ ngày càng lớn đối với Việt Nam, đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải luôn nắm bắt được thực tiễn, bản chất của thế giới, khéo léo nhưng kiên quyết bảo vệ lợi ích chính đáng và dài hạn của quốc gia; (2) nếu không thay đổi được bản thân thì không thể thay đổi thế giới xung quanh, không có sức mạnh và tầm nhìn dài hạn thì không thể có độc lập về tư duy và chính sách như Singapore đã thay đổi số phận của họ nhờ nắm bắt thực tiễn, kiên trì mục tiêu dài hạn, dám kiên định giữ nguyên tắc; (3) không can thiệp vào nội bộ nước khác, không tham gia vào cạnh tranh nước lớn, nhưng tích cực đóng góp xây dựng luật chơi chung qua các cơ chế quốc tế.
Nguyễn Thị Linh là cử nhân chuyên ngành Chính trị quốc tế và Ngoại giao Việt Nam và là hội viên CLB Galileo, Học viện Ngoại giao. Chị Linh hiện nay là trợ lý nghiên cứu tại Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao.
——-
truy cập ngày 10/07/2017.
upx
Регистрация на официальном портале Up X
Регистрация в Up X — простой и быстрый процесс. Вам не придется выделять много времени, чтобы стать клиентом сервиса. Создатели платформы позаботились не только о стильном дизайне, но и о том, чтобы она воспринималась интуитивно. Минимализм и продуманный интерфейс — отличная комбинация. С созданием профиля не будет никаких проблем
https://skachatreferat.ru/