Home Blog Page 7

Elon Musk mất cả chì lẫn chài.

Từng là biểu tượng công nghệ, Elon Musk rời chính phủ với uy tín sụp đổ, kế hoạch cắt giảm thất bại. Ảnh: Reuters.
Elon Musk rời khỏi vai trò cố vấn chính phủ Mỹ, để lại sau lưng một kế hoạch cải cách thất bại và hình ảnh cá nhân sứt mẻ nghiêm trọng.
Khó ai ngờ, Elon Musk – tỷ phú từng được tung hô như biểu tượng sáng tạo của thế kỷ 21 – lại rút lui khỏi chính trường Mỹ bằng một dòng tweet nhạt nhòa và sáo rỗng: “Tôi xin cảm ơn Tổng thống @realDonaldTrump đã cho tôi cơ hội cắt giảm chi tiêu lãng phí của chính phủ”.
Musk từng tuyên bố sẽ cắt giảm 2.000 tỷ USD ngân sách liên bang. Khi rời đi, ông vẫn còn “thiếu” đến 1.860 tỷ USD để đạt được mục tiêu đó, ngay cả theo đánh giá tự thân.
Trong khi đó, dự luật thuế mới của ông Trump lại làm gia tăng thêm 2.300 tỷ USD thâm hụt ngân sách. Giấc mộng “cải cách ngoạn mục” của Musk chỉ còn là ảo ảnh. Nếu từng kỳ vọng một màn chào sân lộng lẫy với 2.000 vũ công cưa máy đầy kịch tính, thì thực tế chỉ là một cái chấm hết lặng lẽ trên X, theo Guardian.
Vấn đề lớn nhất là: điều duy nhất Musk thực sự “cắt giảm” được lại chính là danh tiếng của mình. Từ một doanh nhân có phần huyền bí, được mệnh danh là “Iron Man ngoài đời thực”, ông rời chính trường với hình ảnh một kẻ lập dị, ám ảnh chuyện sinh sản, thích giả vờ giỏi chơi game và… bị nghi ngờ từng phẫu thuật nâng cấp “bộ phận đàn ông”.
Dư luận bắt đầu nhìn nhận nghiêm túc rằng vai trò kỹ thuật của Musk trong thành công của Tesla hay SpaceX có thể đã bị thổi phồng quá mức.
Sự sụt giảm danh tiếng này cũng phản ánh rõ nét trong giới đầu tư. Sau nhiều tháng cổ phiếu Tesla lao dốc vì các phát ngôn thất thường và bê bối cá nhân của Musk, các cổ đông đang gây sức ép buộc ông chủ phải làm việc nghiêm túc 40 giờ mỗi tuần thay vì “vừa làm CEO vừa làm chính khách”.
Họ đã đủ mệt mỏi với những lần Musk biến bãi cỏ Nhà Trắng thành nơi trưng bày xe điện, để rồi than thở trong Washington Post rằng “người ta đốt xe Tesla, và tôi không hiểu vì sao”.
Nhưng từ nay, có lẽ công chúng cũng không còn quan tâm Elon Musk nghĩ cái gì là “ngầu” nữa. Quyền lực và tiền bạc có thể khiến những “mọt sách” trở thành người có sức hút. Trên Phố Wall, Hollywood, hay thậm chí là Jeff Bezos, ta thấy sự lột xác từ người thường thành “ông hoàng quyền lực”.
Nhưng với Musk, công chúng được chứng kiến quá trình đó đi ngược. Sự huyền bí của một “thiên tài” sụp đổ từng ngày khi ông dấn sâu vào chính trị, nơi các cuộc khảo sát công khai cho thấy tỷ lệ ủng hộ Musk đang tụt dốc không phanh.
Giờ đây, có lẽ Musk sẽ đổ lỗi cho “cử tri” rằng họ không đủ thông minh để hiểu thiên tài toàn năng của ông.
Sau tất cả, Elon Musk dường như đang xây dựng một “đế chế riêng” tại Texas, nơi ông có thể tập trung nuôi dạy đàn con đông đảo của mình. Nhưng về mặt tâm lý, có lẽ chỉ có sao Hỏa mới đủ “kích thước” để ông khỏa lấp nỗi bẽ bàng quá lớn từ trái đất.
Dù sao Hỏa chỉ là một bãi đá đỏ hoang vu – nơi nếu tìm thấy một cánh hoa hóa thạch cũng đủ khiến giới khoa học mở tiệc ăn mừng, thì với Musk, đó vẫn có thể là vùng đất “riêng tư tối thượng”, nơi ông hóa thân thành Teslamandias, vua của các vị vua.
Và cũng tại đó, loài người sẽ có thể nhìn vào những gì Elon Musk tạo ra… và tuyệt vọng.

Bạn có muốn trở thành người bất đồng chính kiến ​​không?

Bài luận cuối tuần
Một cẩm nang thực tế để nuôi dưỡng lòng can đảm trong thời kỳ đầy sợ hãi dưới chế độ Trump.
Tác giả: Julia Angwin và Ami Fields-Meyer
Ngày 12 tháng 4, 2025.
————
Ngày xửa ngày xưa—thật ra thì chỉ cách đây vài tuần thôi —người Mỹ vẫn nghĩ rằng những nhà bất đồng chính kiến sống ở một nơi khác, một thời đại khác. Họ là những anh hùng —những cái tên như Alexei Navalny, Jamal Khashoggi, Nelson Mandela hay Mahatma Gandhi—những người dám cất tiếng nói chống lại các chế độ đàn áp và phải trả giá đắt cho lòng can đảm đó.
Nhưng trong hai tháng qua, nước Mỹ đã bước vào một lãnh địa mới, lạ lẫm—nơi mà hậu quả của việc thách thức nhà nước giờ đây mang theo những hiểm nguy thực sự. Vị tổng thống đương nhiệm, được bầu với lời hứa rằng sẽ trả thù các đối thủ chính trị, đã bắt đầu nhiệm kỳ mới bằng cách áp đặt các cuộc kiểm tra lòng trung thành, cấm dùng một số từ ngữ, thanh trừng bộ máy công quyền và bổ nhiệm một giám đốc FBI nổi tiếng vì lời cam kết là sẽ trừng trị những ai chỉ trích cấp trên của mình.
Sự trả đũa đã nhanh chóng diễn ra. Vì “phạm tội” là đã thuê các luật sư từng chỉ trích hoặc điều tra ông ta, Donald Trump đã ký sắc lệnh khiến nhiều hãng luật không thể tiếp tục đại diện cho các thân chủ có liên quan đến chính phủ. Vì “có tội” đã phát biểu trong các cuộc biểu tình ở trường đại học, Bộ An ninh Nội địa đã bắt đầu sử dụng các đặc vụ mặc thường phục để bắt sinh viên ngoại quốc—những người cư trú hợp pháp tại Mỹ—ngay trên đường phố, trong khi Tòa Bạch Ốc thì đe dọa cắt tài trợ các trường nơi biểu tình diễn ra. Và vì “có tội” cố gắng giải quyết vấn đề bất bình đẳng sắc tộc và giới tính, chính phủ Trump đã mở cuộc điều tra hàng chục trường đại học công lẫn tư, đồng thời gỡ bỏ các biểu tượng tôn vinh cựu chiến binh da đen và người da đỏ ra khỏi các tượng đài quốc gia.
Cùng lúc đó, Elon Musk, cánh tay phải của Trump, đã “đốn hạ” bộ máy công quyền liên bang, cử các cộng sự viên đột kích vào các cơ quan và sa thải nhân viên cố ngăn chặn họ truy cập i dữ liệu chính phủ một cách bất hợp pháp. Musk, người thường xuyên dùng mạng xã hội của mình để quấy nhiễu nhân viên chính phủ, cũng đã kích động đánh phá một nhân viên mù của một tổ chức phi lợi nhuận chỉ vì người này dám chỉ trích nhẹ nhàng việc làm của ông ta, và kêu gọi bỏ tù các nhà báo của chương trình “60 Minutes” vì họ dám chất vấn hành động của ông.
Ngày càng nhiều người chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành “người hoạt động”, nhưng vì chống lại Trump, họ buộc phải bước vào mê cung của những lựa chọn mới, phải cân nhắc đầy rủi ro cho cá nhân. Chúng ta đang sống trong thời kỳ của những “danh sách”: danh sách những nhân vật hoạt động cho “nhà nước ngầm” sẽ bị truy tố, các cơ quan truyền thông bị loại bỏ, và cả những gì bị coi là bất hợp pháp.
Ngay cả những ngành nghề từng không liên quan đến chính trị bây giờ cũng gánh chịu hậu quả nghiêm trọng. Một bác sĩ ở New York bị tòa án Texas phạt nặng vì đã cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (dù tòa án New York từ chối thi hành). Tại Arkansas, một nhân viên bị sa thải vì không gỡ bỏ sách viết về chủng tộc và LGBTQ khỏi kệ sách. Một nữ dân biểu Quốc hội đã bị đe dọa truy tố từ liên bang vì đã tổ chức một cuộc hội thảo về quyền của người nhập cư theo Hiến pháp Hoa Kỳ.
Nền chính trị trả đũa khiến nhiều người bị tê liệt: Các nhà tài trợ giàu có thuộc phe tự do đã ngưng quyên góp vì sợ bị trả thù. Một thượng nghị sĩ Cộng hòa đã rút lại lời phản đối ứng cử viên Bộ Quốc phòng của Trump sau khi nhận được “những lời đe dọa đến tính mạng”
Một số khác bị áp lực, đã chọn cách thỏa hiệp: Các trường đại học ký những “thỏa thuận” với chính quyền —như việc Đại học Columbia chấp nhận để một “người giám sát” kiểm soát một khoa chuyên nghiên cứu về thế giới. Ngày càng nhiều hãng luật phải cam kết cung cấp hàng trăm triệu đô la dịch vụ pháp lý để phục vụ ưu tiên cá nhân cho Trump, hòng tránh bị trừng phạt. Một số đảng viên đối lập thì lo sợ rằng nếu lên tiếng quá mạnh, Trump có thể tuyên bố thiết quân luật.
Nhưng không phải ai cũng bị khuất phục bởi nỗi lo sợ. Hàng trăm ngàn người đã biểu tình ở khắp 50 tiểu bang vào ngày 5 tháng 4 để bày tỏ sự bất bình với chính quyền mới. Trong nhiều tuần, người ta đã biểu tình trước các đại lý Tesla của Musk, khiến cho cổ phiếu của công ty này tụt gần 30% kể từ tháng Giêng. Nhân viên của National Park bị sa thải vì đã leo lên ngọn El Capitan ở Yosemite và treo cờ Mỹ lộn ngược—biểu tượng của sự báo nguy. Tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Cory Booker (New Jersey) có bài phát biểu lịch sử dài 25 tiếng, khơi dậy tinh thần chiến đấu của một đảng từng bị rệu rã.
Những hành động ban đầu này có thể có vẻ nhỏ bé, thậm chí yếu ớt, nếu so với hình ảnh hàng triệu người tham gia cuộc Tuần hành của Phụ nữ diễn ra vào đầu nhiệm kỳ đầu của Trump. Nhưng theo dữ liệu từ Dự án Crowd Counting, do Trường Kennedy Harvard và Đại học Connecticut đồng tổ chức, số lượng các cuộc biểu tình hiện nay đã vượt xa thời kỳ năm 2017. Từ lễ nhậm chức đầu tiên của Trump đến cuối tháng Ba năm đó, có khoảng 2.000 cuộc biểu tình. Trong cùng kỳ năm 2025, con số đã vượt 6.000.
Tuy nhiên, cách người Mỹ hành thực thi bất đồng chính kiến sẽ cần phải tiến hóa trong kỷ nguyên của “chủ nghĩa chuyên quyền cạnh tranh” đang gia tăng—nơi mà các chế độ đàn áp vẫn giữ lại bề ngoài dân chủ, như bầu cử, nhưng sử dụng quyền lực nhà nước để bóp nghẹt mọi sự phản kháng. Các lãnh đạo chuyên quyền cạnh tranh, như Viktor Orbán ở Hungary, nâng cao cái giá phải trả cho sự đối lập bằng cách kiểm soát các “bộ phận giám sát”— như tòa án, hệ thống truyền thông và quân đội. Ở Hoa Kỳ, nhiều “bộ phận giám sát” này đang bắt đầu ngoan ngoãn phục tùng Trump.
Chúng tôi đã phân tích các tài liệu về nền phản kháng chính trị và phỏng vấn nhiều đối tượng—từ các nhà bất đồng chính kiến ở nước ngoài, các nhà lãnh đạo đối lập, các chiến lược gia xã hội, các nhà hoạt động trong nước cho đến các học giả về phương thức đấu tranh bất bạo lực. Chúng tôi hỏi họ: trong những tuần lễ đầu tiên của nhiệm kỳ Trump thứ hai, họ có lời khuyên gì dành cho những ai muốn phản kháng nhưng vẫn sợ mất việc, mất tự do hay mất cả lối sống. Có những bài học đã được chứng minh—về mặt chiến lược lẫn tinh thần—từ những người từng đối đầu với các chế độ đàn áp. Đây là cẩm nang tạm thời để tìm dũng khí trong thời kỳ chuyên chế của Trump.
Người Mỹ không xa lạ gì với việc chính quyền vũ khí hóa nỗi sợ. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Tổng thống Harry Truman đã phát động chiến dịch thanh lọc bộ máy chính quyền liên bang, nó kết thúc với hơn 7.000 nhân viên bị loại trừ vì bị nghi ngờ có tư tưởng “phá hoại”.
Sau đó, FBI dưới quyền của J. Edgar Hoover đã tích cực gieo rắc tâm lý bất an vào các phong trào dân quyền của người da đen—như treo truyền đơn giả mạo để dẫn dụ các nhà hoạt động tới những buổi họp “giả” rồi ghi lại biển số xe của họ. Sau ngày 11/9, các cộng đồng Hồi giáo và người Mỹ gốc Ả Rập cũng bị theo dõi gắt gao, cảnh sát chìm xâm nhập nhà thờ Hồi giáo và thu thập dữ liệu sinh viên tham gia các nhóm Hồi giáo tại đại học.
Những âm vang lịch sử ấy bây giờ lại vang lên trong khoảnh khắc chính trị ngày nay. Một số cộng đồng—như dân nhập cư và người da màu—từ lâu đã là mục tiêu theo dõi, đàn áp và phân biệt. “Các thể chế từng nghĩ rằng mình được miễn nhiễm trước sự trả đũa chính trị giờ đây cũng đang cảm nhận được sự mong manh mà các cộng đồng bị thiệt thòi đã chịu nếm trải từ lâu,” Faiza Patel, giám đốc cấp cao tại Trung tâm Tư pháp Brennan, tuyên bố.
Nhưng những nỗi sợ hiện nay lại mang một bản chất khác. Phạm vi rộng lớn và sự thèm khát trả thù của Trump đã thay đổi hoàn toàn môi trường đe dọa—và gần như chỉ sau trong một đêm. Trong một đất nước với truyền thống lâu đời về quyền tự do ngôn luận, việc những ai bày tỏ tinh thần phản đối dù nhỏ nhất cũng bị trừng phạt đã khiến hệ thống xã hội Mỹ choáng váng.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn hy vọng. Nghiên cứu chính trị cho thấy các lãnh đạo độc tài hoàn toàn có thể bị thách thức. Giáo sư Erica Chenoweth của Đại học Harvard đã phân tích hơn 600 phong trào quần chúng nhằm lật đổ chính phủ quốc gia (thường thì khi các chính phủ này từ chối công nhận kết quả bầu cử) hoặc giành độc lập lãnh thổ trong thế kỷ qua. Chenoweth phát hiện rằng khi ít nhất 3,5% dân số tham gia phản kháng phi bạo lực thì phong trào đó có khả năng thành công cao.
Dữ liệu của Chenoweth cũng cho thấy rằng cách phản kháng phi bạo lực có hiệu quả hơn là bạo lực, và các phong trào có xu hướng thành công hơn khi tích lũy được động lực theo thời gian—chẳng hạn như tổng đình công dài hạn thay vì một hành động đơn lẻ. Chiến dịch có hiệu quả là khi nó làm suy yếu được sự ủng hộ của công chúng với nhà độc tài, bằng cách khuyến khích các nhóm xã hội khác nhau—giới doanh nghiệp, tôn giáo, công đoàn, quân đội—rút lại sự hậu thuẫn với chế độ bất công. Khi sự ủng hộ được rút lại thì hệ thống quyền lực sẽ lung lay.
Hãy nhìn vào Nam Phi cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990: các doanh nghiệp da trắng chịu thiệt hại từ sự tẩy chay kinh tế trong và ngoài nước. Nó đã gây áp lực buộc chính phủ phải thương lượng với Mandela và chấm dứt chế độ apartheid.
Hoặc Serbia đầu thế kỷ 21: khi phong trào sinh viên phản đối Slobodan Milošević lan rộng, họ tặng hoa và bánh ngọt cho các cảnh sát và binh lính. Khi hàng trăm ngàn người xuống đường cùng tổng đình công ở Belgrade, Milošević đã ra lệnh đàn áp, nhưng cảnh sát từ chối thi hành.
“Tất cả những kẻ cầm quyền, dù tàn nhẫn đến đâu, cũng phải dựa vào sự chấp thuận và hợp tác của người dân bình thường,” Maria J. Stephan, đồng tác giả với Chenoweth trong cuốn Why Civil Resistance Works, nhận định.
Chìa khóa để đối đầu với chế độ độc tài, theo Stephan, là công dân phải từ chối tham gia vào các hành vi vô đạo đức và bất hợp pháp với chính quyền. Bà gọi điều này là “sự bướng bỉnh tập thể”.
Danny Timpona đứng trước phòng họp lúc màn hình lần lượt chiếu lên các bức ảnh: một chiếc xe của Bộ An ninh Nội địa màu trắng; một chiếc SUV Chevy màu đen có kính tối. Rồi đến những cảnh quay gần của các phù hiệu quân phục mang biểu tượng của các cơ quan thi hành luật nhập cư—ICE, Hải quan và Tuần tra Biên giới, cũng như Bộ Điều tra An ninh Nội địa.
Đó là một buổi tối se lạnh đầu tháng Ba. Khoảng 75 người ngồi san sát trên những chiếc ghế xếp trắng tại một trung tâm cộng đồng vùng ngoại ô Boston. Họ đến để học cách nhận diện đặc vụ nhập cư mặc thường phục. Timpona, giám đốc tổ chức thuộc Neighbor to Neighbor Massachusetts, khởi động buổi hướng dẫn bằng một câu đố nhỏ. Khi những hình ảnh mới hiện ra, mọi người hô to: “Người đó là ICE!” “Đó là xe cảnh sát!”
Vài tuần trước đó, Tom Homan—một “quan chức biên giới” nổi tiếng cứng rắn của Trump—đã tuyên bố trong một bài diễn thuyết được đưa tin rộng rãi rằng sẽ sớm “biến Boston thành địa ngục” thông qua các cuộc truy quét người nhập cư. Chỉ vài ngày sau, liên minh các nhóm bảo vệ quyền lợi người nhập cư tại Massachusetts đã khởi động hoạt động đào tạo khắp tiểu bang, dạy mọi người cách tiếp cận những chiếc xe đáng nghi ngờ, cách ghi âm, ghi hình cuộc trò chuyện với các đặc vụ bên trong rồi gọi đến đường dây nóng của liên minh để báo tin.
Từ lâu, các buổi huấn luyện cách thức phản kháng phi bạo lực đã là nét đặc trưng của các phong trào dân quyền và công bằng sắc tộc ở Mỹ. Các buổi họp tập thể này không chỉ dạy kỹ năng mà còn mang đến một thông điệp tinh thần: “Đúng là bạn đang chấp nhận rủi ro cao hơn vì lợi ích chung, nhưng bạn không đơn độc.”
Nhiều nhà bất đồng chính kiến cho biết, giữa những cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài, việc xây dựng một “tổ chính trị” cho riêng mình là điều cần thiết để nuôi dưỡng tinh thần bất hợp tác. Hãy xem đây như việc tham gia vào một cộng đồng tín ngưỡng—một thói quen thường xuyên để chống lại sự cô đơn và tuyệt vọng, đồng thời gặp gỡ những người đang cùng trải qua tình huống tương tự.
Felix Maradiaga là một nhà lãnh đạo đối lập Nicaragua, từng bị giam giữ năm 2021 sau khi tuyên bố tranh cử tổng thống, chống lại nhà độc tài Daniel Ortega. Maradiaga đã nổi tiếng vì chỉ trích thẳng thắn nạn tham nhũng của Ortega, như việc lãng phí ngân sách nhà nước qua các dự án tư nhân của gia đình và phe cánh của ông. Đến năm 2023, Maradiaga được thả. Ông chia sẻ rằng giai đoạn khó khăn nhất đối với ông là khi ông cảm thấy cô đơn nhất về mặt chính trị. “Tôi lên tiếng mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony capitalism),” ông nói. “Thật ngạc nhiên, hầu như không ai lên tiếng đứng cạnh tôi.”
Maradiaga cho rằng khả năng tiếp tục đấu tranh trước khi bị giam giữ có được là nhờ một cộng đồng bảo trợ mà ông đã xây dựng—ngay cả ở địa phương, qua gia đình và bạn bè, lẫn toàn cầu, qua Liên minh Tự do Thế giới (World Liberty Congress), một liên minh các nhà hoạt động chống độc tài từ Iran, Nga, Rwanda và Trung Quốc.
Hiện sống lưu vong tại Mỹ, Maradiaga là giám đốc học viện của W.L.C., nơi đào tạo các nhà hoạt động chống các chính quyền độc tài. Trong số các chiến thuật biểu tình mà ông giảng dạy, ông cho rằng không có gì quan trọng bằng việc tìm được “người của mình”: “Có được một cộng đồng là có được một công cụ mạnh mẽ để tạo nên sức mạnh nội tâm.”
Vài tuần sau buổi huấn luyện ở Boston, nhóm chuẩn bị cộng đồng này đã phát hiện được một số dấu hiệu. Đó là sự xuất hiện của những chiếc xe khả nghi trước công trường, nơi các công nhân đang làm việc. Casey (tên đã được thay đổi), một giáo viên tiểu học địa phương từng tham dự buổi học tập, nhận được tin nhắn kêu gọi đến công trường để trợ giúp. Khi Casey tới nơi, những người khác trong mạng lưới đã đối thoại với các đặc vụ, ghi hình lại cuộc đối đầu đó. Cuối cùng, các đặc vụ lái xe đi, nhưng Casey ở lại thêm khoảng hai giờ. Khi thấy vài công nhân rút lui ra cửa sau, Casey cùng một vài tình nguyện viên đến tiếp xúc, phân phát tài liệu để họ “biết quyền của mình” và đề nghị chở họ về. Các công nhân đã nhận lời.
Tom Homan đã giữ lời khi chỉ đạo vụ truy quét cuối tháng Ba. Họ bắt 370 người nhập cư không có giấy tờ tại tiểu bang Massachusetts. Nhưng trong ngày hôm đó, không ai tại công trường bị bắt giữ hay giam giữ.
Tham gia vào các hoạt động bất hợp tác hay thách thức chính quyền không có nghĩa là bạn phải hy sinh đến cùng hay phải từ bỏ mọi biện pháp tự vệ cá nhân, nhất là ở Mỹ, nơi còn nhiều sự giúp đở về pháp lý và có một nền văn hóa cho phép tự do ngôn luận. Dẫu vậy, thời điểm này đòi hỏi chúng ta phải thận trọng.
“Không bao giờ không có rủi ro,” Ramzi Kassem, một giáo sư luật tại City University of New York và là người đồng lãnh đạo văn phòng khám xét pháp lý Clear, chia sẻ. “Bạn chỉ cần quyết định mức độ rủi ro mà bạn sẵn sàng chịu để tiếp tục công việc của mình.”
Lo lắng về những sự nguy hiểm mơ hồ có thể khiến bạn tê liệt. Thay vào đó, nếu bạn đang cân nhắc công tác bất hợp tác, hãy lập kế hoạch cho kịch bản xấu nhất—bạn sẽ làm gì nếu bị sa thải, bị kiểm tra thuế má hay gặp phải rắc rối pháp lý. Hãy liên hệ với luật sư, nhà kế toán hoặc bất cứ ai khác có thể giúp bạn quyết định.
Bây giờ là lúc thu xếp cuộc sống của chúng ta —cuộc sống ảo trên mạng và cả cuộc sống cá nhân. Nhiều nhà bất đồng chính kiến đã thuật lại rằng, các nhà độc tài và tay chân của họ thường khai thác scandal cá nhân để làm mất uy tín của các nhà hoạt động và làm suy yếu phong trào.
“Bạn phải sống như một vị nữ tu hoặc một thánh nhân,” một nhà hoạt động người Venezuela, xin giấu tên, nói. “Nếu ai đó cố tình muốn bới lông tìm vết, họ sẽ tìm được, nên bạn đừng cho họ có cơ hội tìm được vết nhơ của mình.”
Điều đó có nghĩa là bạn nên xóa các bài đăng cũ trên mạng xã hội và chỉ dùng ứng dụng cách nhắn tin mã hóa đáng tin cậy. Đáng tiếc, sự dọn dẹp này có thể bao gồm việc từ bỏ các phần mềm giúp bạn hò hẹn—hoặc ít nhất phải thận trọng hơn để xác minh rằng đối tượng bạn hò hẹn thật sự là người thậti.
Một ngừoi hoạt động thuộc phe Cộng Hoà James O’Keefe đã quảng cáo trên Facebook và X để tìm người bất đồng chính kiến và sử dụng phần mềm hò hẹn để tiếp xúc với những ngừoi này với và bí mật ghi âm. Hồi tháng Giêng, hắn đã “bắt” được một nhân viên từng làm trong Nhà Trắng của Biden, và tháng trước nữa, tổ chức cũ của hắn, Project Veritas, đã dùng chiêu tương tự để lừa một nhân viên của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ.
Trớ trêu thay, một chiến lược then chốt nữa là tuân thủ—tuân thủ càng nhiều luật lệ càng tốt. Luật thuế, luật giao thông.
Sandor Lederer, người điều hành K-Monitor, một tổ chức giám sát tham nhũng ở Hungary, kể rằng tổ chức của ông từng bị chính quyền Orbán điều tra về nhiều hoạt động phi lợi nhuận. Ông cho biết chính phủ Orban nhắm vào các tổ chức này như một chiến lược gây khó.
“Họ chủ yếu muốn làm cho chúng tôi mất thời giờ thay vì hoàn toàn dập tắt phong trào của chúng tôi,” ông nói.
Lederer nói ông rất ghét phải lúc nào cũng sống trong cảnh hoài nghi, nhưng bây giờ ông làm mọi thứ theo đúng quy tắc. Nếu một nghiên cứu sinh muốn phỏng vấn ông, ông yêu cầu email từ địa chỉ trường, thư giới thiệu của giáo sư, và các thủ tục kiểm tra phù hợp để chứng minh yêu cầu đó không phải là một cái bẫy. “Đây là cách sống tồi tệ,” ông nói. “Bạn luôn phải nghĩ ai sẽ lừa bạn hoặc đặt bẫy bạn.”
Điều đó dẫn đến chiến lược tiếp theo: phân chia thông tin—không chia sẻ với bất cứ ai bạn không thực sự tin tưởng. Về mặt kỹ thuật, phân chia có thể đồng nghĩa với cách dùng thiết bị công việc và cá nhân riêng biệt—như điện thoại và máy tính—để nếu một bị khám xét, thiết bị kia vẫn an toàn. Nhưng kỹ thuật không phải là cách duy nhất mà bạn có thể làm lộ thông tin.
Những người bảo vệ phụ nữ cần phá thai ở các tiểu bang Mỹ nơi hành động đó là bất hợp pháp thường cảnh báo rằng khi họ bị phản bội, nguyên nhân thường không phải từ sự sơ hở kỹ thuật, mà là do người quen—bạn bè, người thân, y tá hoặc những người ma họ có tiếp xúc. Đây là lúc bạn phải dùng “mật khẩu” (code words) khi nói về vấn đề nhạy cảm nếu có thể bị nghe lén.
Nhưng bạn cần nhận thấy cái ranh giới thật mỏng giữa sự thận trọng và tự kiểm duyệt. Chìa khóa là chọn trận để đánh—hãy đấu tranh cho những gì bạn muốn đấu tranh, chứ không phải những lời nói không quan trọng với bạn. “Hãy thận trọng, nhưng đừng tự im lặng,” David Kaye, luật sư nhân quyền, khuyên.
Một tối tháng Hai, những người dân Washington, D.C. run run trong gió lạnh tập trung trước Trung tâm Nghệ thuật Biểu diễn John F. Kennedy. Những nghệ sĩ giả gái xoay người, khiêu vũ nhào lộn trong nền nhạc sôi động, trong khi đám đông hòa theo giai điệu của bài “Pink Pony Club” của Chappell Roan.
Đây vừa là “dance party” vừa là một cuộc biểu tình đường phố. Một ngày trước đó, Trump đã cố gắng chiếm quyền kiểm soát hội đồng quản trị và chương trình biểu diễn của trung tâm Kennedy. Trên mạng xã hội, Trump đe dọa: “KHÔNG CÒN DRAG SHOW NỮA.”
Giữa lúc các cuộc tấn công vào trật tự nền Hiến pháp ngày càng dồn dập, người ta dễ có cảm giác rằng những buổi trình diễn như thế là phù phiếm—kém ý nghĩa, thậm chí không đúng lúc. Họ nghĩ rằng trong “đấu trường” của nền dân chủ Mỹ, chỉ vài trăm người nhảy múa và giơ bảng bên lề đường, liệu có đem lại tiến triển gì không?
Theo Keya Chatterjee, một trong các tổ chức viên của buổi trình diễn tại Kennedy Center này, những cuộc tụ họp như vậy mang lại ưu thế quan trọng. Chatterjee tin rằng, trước làn sóng độc tài dâng cao, những nơi cho phép người dân tận hưởng sự vui vẻ bên nhau chính là tiền đồn để bắt đầu các tổ chức.
“Họ muốn chúng ta sợ hãi,” cô nói. “Và cách duy nhất để chống lại nỗi sợ là niềm vui.”
Tháng Giêng, Chatterjee thành lập tổ chức FreeDC, với mục tiêu là phải đạt được một điều mà Thủ Đô Hoa Kỳ chưa từng bao giờ có: quyền tự trị.
District of Columbia (DC) đã tìm cách để trở thành một tiểu bang suốt nhiều thế hệ, nhưng giờ đây nhu cầu đó càng cấp bách trước nỗ lực phá vỡ nguyên tắc của Trump. Đó là những nỗ lực tập trung quyền lực để đối đầu với tòa án, quốc hội, bộ quốc phòng, ngành tình báo và quân đội. Điều khiển quân đội dễ dàng hơn ở một quận của liên bang (tình trạng của DC hiện nay) so với một tiểu bang. Điều đó có nghĩa rằng bất kỳ một kháng cự dân sự nào cũng có thể bị dập tắt ngay tại trung tâm quốc gia. “Khi Trump muốn thành một nhà độc tài, điều quan trọng là ông ta có thể tổ chức ở thủ đô hay không,” Chatterjee nói.
Chatterjee cố gắng kết nối dân sống ở thủ đô qua các buổi nhảy drag, buổi uống nước thư giãn, lễ hội làm vòng tay và vòng trống. Ở mỗi tám quận của D.C., các ủy ban FreeDC tổ chức sự kiện định kỳ với nhiệm vụ “ưu tiên niềm vui.” Mỗi ủy ban đặt mục tiêu vận động 3,5% dân số quận—tương đương khoảng 3.100 người. Con số này, theo nghiên cứu của Chenoweth, tuy không bảo đảm được sự thành công, nhưng nó là mục tiêu cụ thể, có thể đạt được.
Công việc này rất mất công. Trong vài tuần đầu, tổ chức tăng lên khoảng 400 thành viên/tuần. Jeremy Heimans, đồng sáng lập GetUp!—tổ chức tương tự với MoveOn.org ở Úc—và Purpose, một tổ chức toàn cầu, có nhận xét là khoảng thời gian hiện nay ít thuận lợi nhất trong 20 năm vừa qua. “Đây có lẽ là thời điểm thấp nhất về cả mức độ tham gia lẫn hiệu quả của phong trào quần chúng,” ông nói.
Ông Heimans chỉ ra môi trường kỹ thuật số ngày càng trở thành thù địch và là rào cản cho các phong trào cơ sở. Thời kỳ đầu của kỷ nguyên của kỹ thuật số, những năm 2000, email đã làm nền tảng tổ chức chính trị thay đổi mạnh mẽ, giúp MoveOn.org khởi xướng các chiến dịch lớn phản đối chiến tranh Iraq, và giúp những ứng cử viên mới như Howard Dean và Barack Obama gây quỹ trực tuyến, không phụ thuộc vào bộ máy đảng.
Nhưng giờ đây, hộp thư của mọi người bị quá tải. Các công nghệ kiểm soát mạng xã hội ngày càng ít ủng hộ hoạt động cánh tả. Trên phương diện toàn cầu, các nhà độc tài có thêm công cụ để giám sát và gây gián đoạn chiến dịch phản kháng. Và người dân thì đã mệt mỏi trước những hành động không giải quyết triệt để các vấn đề xã hội.
Có một câu chuyện thường được kể về Andrei Sakharov, nhà hoạt động lẫy lừng người Liên Xô của thế kỷ 20.
Sakharov nổi danh khi còn là nhà vật lý phát triển bom hydro cho Liên Xô, nhưng trở thành ngôi sao quốc tế sau khi chế độ Brezhnev trừng phạt ông vì ông dám nói công khai về nguy cơ của vũ khí hạt nhân và về sự đàn áp của chính quyền.
Khi một người bạn Mỹ đến thăm Sakharov và vợ, nhà hoạt động Yelena Bonner, ở Moscow, người bạn đó gọi Sakharov là nhà bất đồng chính kiến. Bonner đính chính: “Chồng tôi là một nhà vật lý, chứ không phải là nhà bất đồng chính kiến.”
Đây là mâu thuẫn cơ bản trong việc xây dựng một nền văn hóa bất đồng—nó dễ biến người ta thành một “danh tính phủ định,” một tấm áo choàng mà họ từ chối. Các nhà bất đồng chính kiến Liên Xô đều hiểu rằng công việc của họ là đấu tranh để gìn giữ những luật lệ và quyền lợi đã được ghi trong Hiến pháp Liên Xô, chứ họ không phải đấu tranh để chống lại một chế độ.
“Họ rất kỹ lưỡng trong việc bảo đảm mọi hành động đều phù hợp với luật pháp Liên Xô,” Benjamin Nathans, giáo sư lịch sử tại Đại học Pennsylvania và là tác giả sách về các nhà bất đồng Liên Xô, nhận xét. “Tôi gọi đó là tuân thủ dân sự triệt để.”
Hãy nhớ đến Mariann Budde, vị giám mục Giáo hội Anh giáo, người đã dùng bài giảng của mình trước khi Trump tuyên thệ nhậm chức để cầu xin Tổng thống “có lòng thương xót” cho hai nhóm dễ bị tổn thương mà Trump đã thể hiện sự căm ghét mãnh liệt.
Vì “tội” dám có lời kêu gọi đó nên Mike Collins, một dân biểu của tiểu bang Georgia, và là một đồng minh của Trump, đã đề nghị đưa tên bà gíam mục vào “danh sách những người cần trục xuất.”
Trong những tháng và năm tới đây, cái giá phải trả cho những ai trực tiếp cản trở kế hoạch của Trump có thể càng lúc càng cao. Nhưng những hành động đầu tiên này, dù mang tính đối kháng, cũng đã thể hiện tầm nhìn rõ ràng về một xã hội công bằng và nhân ái.
Ngay cả trong những giờ đen tối nhất, cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, khi KGB giam giữ nhiều người lãnh đạo bất đồng chính kiến Liên Xô vào các trại lao động cưỡng bức và trại tâm thần, các nhà hoạt động ấy vẫn tiếp tục viết sách, viết vẽ, và xuất bản các bản tin. Và khi gặp nhau, họ nâng ly chúc: “Cho sự thành công của lý tưởng vô vọng của chúng ta.”
Và rồi năm 1989, Bức tường Berlin sụp đổ.

Lê Đình Y Sa và VAALA – Hai năm thoáng chốc hai lần mười năm

Loạt bài vinh danh Tháng Năm – Tháng Người Mỹ Gốc Á Thái Bình Dương.

Đêm 7/3/2025, trong khán phòng của Bowers Museum, một tiếng nói đậm chất “đài phát thanh” vang lên, dẫn dắt hàng trăm khán giả bên dưới bước vào đêm nhạc Mừng Sinh Nhật Khánh Ly 80 Tuổi. Một tháng sau, cũng tại Bowers Musem, người MC này bước lên sân khấu dẫn dắt những buổi hội luận về báo chí, văn học tại Hội Chợ Sách “Viet Book Fest” lần thứ 3 do Hội Văn Học và Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) tổ chức. Cô cũng là Giám Đốc Điều Hành, người lèo lái con tàu VAALA 34 năm nay.

Đó là Lê Đình Y Sa, con gái của Y Dịch Lê Đình Điểu – người mà thưở sinh thời, nhà thơ Du Tử Lê viết về ông: “Từ một Lê Đình Điểu, nhà thơ, với bút hiệu Y Dịch, thuở học trò, qua tới một Lê Đình Điểu, nhà giáo, công chức, nhà báo, dịch giả, nhà hoạt động văn hóa, xã hội, chuyên viên tổ chức, phát thanh… Danh xưng nào, cũng đúng, và đồng thời, cũng không đầy đủ với Lê Đình Điểu.”

Nghệ thuật là hương hoa

Lê Đình Y Sa trong một hoạt động của VAALA (Ảnh: VAALA)

Năm 1994, cô sinh viên Lê Đình Y Sa ra trường University of Southern California, trở thành một Dược sĩ. Đây là môn học “tự chọn” như cô nói: “Dược là môn mà mình lựa chọn, chứ không phải cha mẹ mong muốn. Ban đầu thì mẹ tôi muốn tôi học ngân hàng vì nghĩ là giờ giấc sẽ nhẹ nhàng hơn ngành nghề thuộc y khoa. Mẹ tôi là y tá nên bà muốn giờ làm việc của tôi ổn định hơn bà, không phải trực đêm, tăng ca.”

Tuy nhiên, cái giờ giấc “nhẹ nhàng” mong muốn ấy lại bị những hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở vùng Little Saigon “đánh cắp.” Nói một cách dễ hiểu, dòng máu văn thơ, nghệ thuật của Y Dịch Lê Đình Điểu đã tưới tẩm tâm hồn con gái của ông tự khi nào. Từ nhỏ, ông đã đặt vào tay Y Sa cây đàn tranh truyền thống.

Khi còn ở Việt Nam, ông chở con gái đến học đàn với nhạc sĩ Thúy Hoan. “Nhờ bố đưa tôi đến cái duyên với đàn tranh. Nhà cô xa lắm nhưng ông vẫn chở tôi đi. Rồi sau đó ông mời cô Ngọc Châu, vợ của thầy Nguyễn Văn Đời, đến nhà dạy cho tôi cho đến khi cả nhà đi Pháp. Sang Pháp, ông lại dàn xếp cho tôi tiếp tục học đàn tranh với cô Đỗ Phương Oanh. Sang Mỹ thì tiếp tục với thầy Nguyễn Châu,” cô nói.

Có thể nói, tiếng đàn tranh réo rắc, mượt mà của dân tộc Việt chảy suốt tâm hồn của Lê Đình Y Sa từ khi còn bé đến khi trưởng thành, từ Việt Nam đến Pháp, lan tỏa đến Mỹ. Năm 1988, Y Sa là một trong những thành viên đầu tiên của Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng.

Đó là âm nhạc. Nói về văn chương, thi ca, thì cô con gái của Y Dịch Lê Đình Điểu đã được kề cận với những giới tinh hoa của văn học miền Nam cũng từ thưở nhỏ. Trước khi chính thức tham gia vào Hội Văn Học và Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) do bố của cô khởi xướng, cô đã tổ chức thư viện Lê Quí Đôn, sắp xếp những buổi nói chuyện của những nhà văn như Nguyễn Mộng Giác, Trần Xuân Hoàng, Đỗ Khiêm, Hoàng Khởi Phong… “Mỗi tối cuối tuần, có dịp thì mời các nhà văn đến đọc sách, rồi trò chuyện, trong khuôn khổ của nhóm bạn chứ không phổ biến ra cộng đồng,” cô nói.

Thế nhưng, tất cả những “di sản” về văn học nghệ thuật và cả các mối tương giao với những người muôn năm cũ mà cô thừa kế từ người bố, Lê Đình Y Sa vẫn hiểu rõ, “đó là những ‘hobbies’”.

“Để trở thành một nhạc sĩ hay một nhà văn phải có niềm đam mê mãnh liệt. Tôi không có được điều đó. Tôi thích như thích hương hoa của bộ môn đó, không nghĩ là mình đeo đuổi cả đời được. Tôi thích vì khi mình nghe một bài cổ nhạc hay một bài quan họ, hò Huế chẳng hạn, thì tôi ngưỡng mộ vì cảm nhận được cái hay của nó, vì được học âm nhạc dân tộc từ nhỏ. Nó khác với cái đam mê mà mình theo đuổi. Và còn phải có tài năng, khả năng nữa. Do đó, thôi tôi thấy mình nên dừng lại và thưởng thức hương hoa thôi,” cô nói và bật cười sau “bản tuyên bố” của chính mình.

Người ta hay nói, “Hoa sẽ tàn, nhưng hương sẽ còn lại mãi.” Cũng như theo Y Sa, chính vì mình làm những việc theo thói quen, sở thích nên nó sẽ đi theo mình suốt.

Một ngày không còn như mọi ngày

Các hoạt động của VAALA đã bị gián đoạn khoảng hai năm, khi Y Dịch Lê Đình Điểu ngã bệnh rồi qua đời năm 1999. Từ năm 2001 đến nay, thời khóa biểu của Dược sĩ Lê Đình Y Sa cũng theo đó mà thay đổi, cô nói:

“Một ngày, tôi đi làm công việc một dược sĩ vào lúc 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Sau khi làm cơm, ăn cơm xong thì tôi bắt đầu ngồi vào bàn làm việc để làm việc của VAALA. Khoảng 10 năm trở lại đây tôi làm việc 4 ngày/1 tuần, và dành trọn vẹn ngày thứ Hai cho những công việc liên quan đến VAALA, và tennis. Đó là cách tôi giữ sức khỏe cho mình.”

Dân gian xưa nay truyền miệng câu nói: “Có duyên có nợ.” Theo cách nói của Phật giáo, thì duyên lành làm cho con người gặp nhau, giữa biển người mênh mông như sao trên trời. Và chính cái nợ sẽ giữ người ta ở lại bên nhau. Nhưng đối với Lê Đình Y Sa và VAALA, tất cả dường như ngược lại. Cô giải thích:

“Ngược lại. Cái nợ thì mình nghĩ là bố mất năm 1999 vì ung thư, thì tôi nói với mẹ để tôi làm thiện nguyện cho VAALA trong hai năm. Đó là cái nợ. Mình muốn tri ân ông, vinh danh công việc của ông. Tôi nhớ buổi họp đầu tiên khi VAALA trở lại hoạt động, bác Vũ Duy Tự, một thành viên của VAALA nói rằng đừng để hội trôi vào quên lãng. Khi đó Dược sĩ Hoàng Ngọc Tuệ, bác Tự, cô Phan Mỹ Sương quyết định kêu gọi các thành viên trở lại. Ngay trong buổi họp đầu tiên, tôi nói với mẹ, “con sẽ làm việc cho VAALA trong hai năm.”

Thế rồi, cái nợ hai năm ấy, bỗng chốc hóa thành hai lần của mười năm.

“Nhưng cái duyên đến không ngờ là mình cảm thấy rất thích thú với những công việc của VAALA, được tìm hiểu thêm các họa sĩ, nhà văn, nhà làm phim. Tôi thấy đời sống của mình càng ngày càng trở nên giàu có, phong phú hơn qua cái duyên mà mình tìm được qua những người bạn.

Do đó, đối với tôi nếu nói về duyên nợ thì cái nợ nó lại đến trước, sau đó là cái duyên và mình luôn cảm ơn người cha của mình. Không biết là ông đã hướng dẫn tôi như thế nào, nhưng thật sự là có sự đưa đẩy để mình đến với VAALA trước khi ông mất.”

Một buổi triển lãm nghệ thuật của VAALA khi Y Dịch Lê Đình Điểu chưa rời cõi tạm (Ảnh: VAALA)

Với Y Sa, cô luôn tin rằng duyên sẽ đưa đẩy mình đi, nhưng nhất định chúng ta phải làm một cái gì đó.

“Tôi không tin sẽ có cái gì đó từ trên trời rơi xuống mà mình phải ra ngoài, phải làm, tạo những mối liên kết tạo ra những cái duyên, và cả nghiệp. Tôi tin vào duyên nghiệp. Tôi nghĩ những gì mình làm sẽ tạo ra những con đường mà mình có thể mang đến những lợi ích cho bản thân và những người chung quanh.”

Đúng thật sự thì cộng đồng Việt, đặc biệt ở miền Nam California biết đến Lê Đình Y Sa từ những sinh hoạt của VAALA. “Qua VAALA tôi được tìm hiểu thêm về cộng đồng của mình, cũng như tìm hiểu thêm về chương trình hoạt động của các nghệ sĩ mà mình được cùng làm việc, những thiện nguyện viên rất có tâm cùng với tôi trong suốt nhiều năm, như chị Ann Phong, Thúy Võ Đặng, Lan Dương, Tú Uyên Nguyễn…”

Kết nối cộng đồng và sứ mệnh bảo tồn

Nghĩ về VAALA là nghĩ về nghệ thuật. Năm 1991, Y Dịch Lê Đình Điểu kêu gọi một nhóm các nhà báo, nghệ sĩ và bằng hữu người Mỹ gốc Việt khởi xướng VAALA để lấp đầy khoảng trống trong cộng đồng và cung cấp một sân chơi cho các văn nghệ sĩ nhập cư. VAALA được thành lập trên tinh thần và lý tưởng của Lê Đình Điểu, tinh thần tự nguyện, tinh tưởng vào khả năng tự rèn luyện, tự phát triển của giới trẻ khi được sống trong bầu không khí tự do. Tinh thần và sứ mệnh ấy, cho đến nay, chưa bao giờ thay đổi trong hơn 20 năm nay, theo lời Y Sa nói.

“Tiêu chí đó chưa bao giờ thay đổi. Dùng nghệ thuật để yểm trợ cho những người nghệ sĩ. Dùng nghệ thuật để diễn tả, kể lại những gì mình muốn trình bày.”

Theo tâm lý chung, đặc biệt là người gốc Á, nghệ thuật đòi hỏi sự hy sinh vô cùng lớn, và rất khó để theo đuổi nếu muốn mưu cầu vinh quang hay tiền bạc. Nhưng với VAALA, tất cả là sứ mệnh và niềm đam mê của kết nối cộng đồng.

“Nghệ thuật gắn liền với tài năng, niềm đam mê và sự kiên trì. Đó là ba thứ mà tôi thấy rất cần thiết để theo đuổi một bộ môn nghệ thuật nào đó. Với VAALA, tôi rất mừng vì bạn nhìn nhận ‘nói đến VAALA là nói đến nghệ thuật’ vì điều đó đúng với tiêu chí của VAALA là dùng nghệ thuật để nối kết cộng đồng, đặc biệt là nghệ thuật Việt Nam, bất cứ điều gì về con người, cuộc sống Việt Nam.”

Với Y Sa, khi nhìn thấy một nghệ sĩ có cơ hội trình bày một tác phẩm nghệ thuật, nói lên tiếng nói, kể lên một câu chuyện không phải của riêng họ mà của chính mình, và được người thưởng lãm hưởng ứng, “đó là một hạnh phúc.”

“Khi thấy mọi người đến xem một bức tranh, đọc một cuốn sách, cùng chia sẻ những cảm nghĩ cùng với tác giả đó thì đó là hạnh phúc của mình,” Y Sa nói.

Một phần quan trọng trong sứ mệnh bảo tồn văn hóa nghệ thuật của VAALA là kết nối với cộng đồng, đặc biệt là trong bối cảnh đa thế hệ và đa dạng kinh nghiệm, cảm xúc, chưa kể những phát triển quá nhanh của khoa học kỹ thuật ảnh hưởng đến tư duy và ý thức hệ. Những năm gần đây, VAALA có rất nhiều những hoạt động vinh danh, bảo tồn và đặc biệt là khuyến khích các bạn trẻ mạnh dạn tham gia vào các hoạt động đa dạng của nghệ thuật, từ phim ảnh đến hội họa hay văn học. Trong đó có cả những bạn trẻ trong nước hoặc vừa định cư ở Mỹ. Để cân bằng giữa bảo tồn nghệ thuật và văn hóa truyền thống Việt Nam, đồng thời phản ánh những bản sắc và trải nghiệm đang thay đổi của cộng đồng người Việt hải ngoại hiện nay, là cả một chiến lược của lòng tự hào. Y Sa nói:

“Sau này dùng phần nhiều là tiếng Anh, thay vì tiếng Việt, ví dụ như ra mắt những cuốn sách, những triển lãm của người Mỹ gốc Việt. Tiêu chí cốt lõi của VAALA vẫn giữ nguyên, dùng nghệ thuật để chuyển tải tư tưởng của mình đến công chúng.”

Còn rất nhiều điều mà Y Sa và các thành viên VAALA muốn thực hiện thêm nữa. Dù khó khăn, hay nhiều đến bao nhiêu, thì VAALA sẽ luôn tỏa sáng với tinh thần của Y Dịch Lê Đình Điểu.

Năm nay, VAALA bước sang năm thứ 34 – 34 năm cộng đồng Việt hải ngoại có VAALA. Trong đó là 24 năm kể từ ngày Lê Đình Y Sa tự nguyện kết duyên nợ ngỡ chỉ hai năm nhưng thoáng chốc đã hơn hai lần mười năm. Đời người có mấy lần mười năm? Cộng đồng Việt sẽ có VAALA thêm rất nhiều lần 10 năm. Bởi vì, câu châm ngôn mà Lê Đình Y Sa kết thúc câu chuyện là: “Chúng tôi chân cứng đá mềm.”

Kalynh Ngô

Tác phẩm điêu khắc Thúy Kiều và nỗi nhục quốc thể

Vũ Đức Khanh
Khi Tổng Bí thư Việt Nam tặng tác phẩm điêu khắc Thúy Kiều cho Tổng thống Pháp, đó không chỉ là một món quà ngoại giao – mà là một tuyên bố về hình ảnh tự thân mà đất nước này muốn trình diện với thế giới.
Câu hỏi không còn là “Thúy Kiều có xứng đáng hay không” mà là: Chúng ta muốn nói gì về mình, trong khoảnh khắc hiếm hoi được cả thế giới lắng nghe?
Câu trả lời ấy có thể khiến nhiều người cảm thấy đau đớn, và càng đau hơn khi ta nhận ra: Nó nói lên sự thật về tâm thế hiện tại của một nền chính trị đang thiếu tự tin, thiếu bản lĩnh, và thiếu cả khát vọng định hình tương lai bằng biểu tượng tích cực.
Khi biểu tượng trở thành ngôn ngữ chính trị
Việc Tổng Bí thư Tô Lâm tặng tác phẩm điêu khắc “Nàng Kiều” cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm Việt Nam là một sự kiện gây nhiều tranh cãi. Dưới góc nhìn biểu tượng và thông điệp chính trị, hành động này cần được soi chiếu một cách nghiêm túc và sâu sắc.
Trong thế giới hiện đại, nơi mà hình ảnh quốc gia và quyền lực mềm đóng vai trò ngày càng quan trọng, những món quà mang tính biểu tượng giữa các nguyên thủ quốc gia không bao giờ là hành vi vô thưởng vô phạt. Chúng là ngôn ngữ, là thông điệp, là tuyên bố chính trị bằng hình ảnh.
Trong trường hợp này, lựa chọn “Nàng Kiều” làm quà tặng có thể nói là một sai lầm nghiêm trọng, làm tổn thương quốc thể và phản ánh một tâm thế yếu kém về tư duy văn hóa – chính trị.
Truyện Kiều là kiệt tác văn chương, không ai phủ nhận. Nhưng tôn vinh Thúy Kiều như biểu tượng của đất nước Việt Nam, hay đại diện cho hình ảnh người phụ nữ Việt trong một cuộc gặp gỡ thượng đỉnh với một cường quốc phương Tây, là một sự lựa chọn sai lầm.
Thúy Kiều là nhân vật bất hạnh, bị giày vò, bị lợi dụng, bị chà đạp.
Hình ảnh ấy gợi nhắc một dân tộc mất chủ quyền hơn là một quốc gia khẳng định vị thế.
Biểu tượng của sự tự ti và lệ thuộc
Nếu ngoại giao là “nghệ thuật của biểu tượng”, thì đây là một biểu tượng nghèo nàn.
Thay vì chọn hình ảnh nữ anh hùng như Hai Bà Trưng, Bà Triệu – biểu tượng của lòng quả cảm và độc lập dân tộc – hay các phụ nữ hiện đại thành công trên trường quốc tế, Việt Nam lại chọn một cô gái bị ép duyên và bán thân vì hoàn cảnh.
Đó là biểu tượng của sự bất lực, của thân phận nhược tiểu – hoàn toàn không phù hợp để đại diện quốc gia.
Phía Pháp hành xử khác hẳn.
Họ tặng lại những bức ảnh quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh thời hoạt động tại Paris và mô hình tàu cao tốc – biểu tượng cho hiện đại hóa và tương lai.
Họ nói về di sản và khát vọng hợp tác công nghệ.
Ta nói về số phận trôi nổi và quá khứ đau thương.
Người tặng tàu cao tốc – ta tặng gái lầu xanh.
Người nói về tương lai – ta kể về nỗi đau thân phận.
Chính sách ngoại giao biểu tượng này phản ánh tư duy đu dây, lệ thuộc – như “Nàng Kiều” hết gửi mình cho Từ Hải rồi lại rơi vào tay Hồ Tôn Hiến.
Khi dùng “Nàng Kiều” làm biểu tượng quốc gia, không chỉ là một lỗi biểu tượng, mà còn là một tuyên bố vô thức rằng Việt Nam vẫn chưa đủ tự tin bước ra thế giới với bản lĩnh độc lập.
Cần một tư duy mới về quyền lực mềm
Ngoại giao hiện đại là cuộc thi kể chuyện.
Nhật Bản kể về đổi mới công nghệ, Hàn Quốc kể bằng làn sóng văn hóa, Rwanda kể chuyện tái sinh sau thảm họa.
Việt Nam cũng có những câu chuyện đáng kể: Từ kháng chiến giành độc lập, tới quá trình phát triển và hội nhập ngày nay.
Nhưng muốn kể chuyện hấp dẫn, cần biểu tượng xứng đáng.
Chúng ta không thiếu biểu tượng đẹp: hình ảnh người phụ nữ Việt trong lao động, học tập, khoa học, văn hóa, trong ngoại giao, trong khởi nghiệp…
Những hình ảnh đó vừa hiện đại, vừa truyền cảm hứng, vừa thể hiện bản sắc.
Việt Nam không cần thiết phải quay lại với tâm thế tự thương hại mình.
Đó là cái bóng cần vượt qua, không phải đem làm quà tặng.
Ngoại giao là biểu tượng – và biểu tượng là danh dự quốc gia
Ngoại giao không chỉ là chính sách, mà còn là biểu tượng.
Và sai biểu tượng – đôi khi còn nguy hiểm hơn sai chính sách.
Chúng ta không cần phải biện hộ cho Truyện Kiều.
Nhưng chúng ta có quyền đòi hỏi lãnh đạo quốc gia phải chọn lựa biểu tượng cho đúng nơi, đúng lúc và đúng tâm thế.
Tặng tác phẩm điêu khắc “Nàng Kiều” cho Tổng thống Pháp không phải là “tôn vinh văn hóa,” mà là một hành động tổn hại đến hình ảnh quốc gia, đánh mất cơ hội khẳng định bản lĩnh và khát vọng phát triển.
Chúng ta không thể tiếp tục nói về “4000 năm văn hiến” mà lại hành xử bằng tâm thế của một “kiếp đoạn trường”.
Đã đến lúc đất nước này phải bước ra khỏi bóng tối của những biểu tượng nhược tiểu, để xây dựng một hình ảnh mới – một Việt Nam tự tin, chủ động, sáng tạo và kiêu hãnh trên trường quốc tế.
Không còn là “Nàng Kiều” bị bán đi, mà là người kiến tạo, người đối thoại ngang hàng, người làm chủ vận mệnh của mình.
Hỡi những người còn tha thiết với phẩm giá dân tộc, xin đừng im lặng trước những lựa chọn biểu tượng làm tổn thương đến tinh thần Việt Nam.
Hãy lên tiếng. Hãy đặt câu hỏi. Và hãy đòi hỏi một tầm vóc mới trong tư duy lãnh đạo – vì danh dự của quốc gia, vì thế hệ mai sau.
Không ai chối bỏ Thúy Kiều – nhưng Thúy Kiều không thể đại diện cho Việt Nam.
Không ai phủ nhận giá trị của văn học cổ điển – nhưng thời đại này đòi hỏi những hình tượng mới.
Chúng ta cần một Việt Nam bước ra thế giới với tâm thế của người kiến tạo, chứ không phải kẻ đi xin lòng thương hại.
Chúng ta không cần những biểu tượng nhắc nhở thế giới rằng ta từng khổ đau.
Chúng ta cần những biểu tượng để thế giới kính trọng.
Và để có được điều đó, mỗi quyết định mang tính biểu tượng của quốc gia phải bắt đầu bằng một tư duy văn hóa chính trị trưởng thành, dũng cảm, và tự chủ.
_______
Ảnh: Tổng bí thư Tô Lâm và tổng thống Emmanuel Macron tại Văn Miếu, Hà Nội ngày 26/05/2025. Nguồn: Reuters/ Chalinee Thirasupa

DONALD TRUMP LIỆU CÓ ÁP LỆNH TRỪNG PHẠT NGA NHƯ ĐÃ ĐE DỌA

Donald Trump yêu “hòa bình” nên luôn coi trọng hòa đàm và ngoại giao cá nhân, đồng thời không tin tưởng về hiệu quả của lệnh trừng phạt. Nhưng Putin hung hăng và tàn bạo hơn trong cuộc xâm lược vào Ukraine kể từ khi Trump trở lại nắm quyền nước Mỹ, không biết liệu Donald Trump có thay đổi thái độ với Putin bằng hành động.
Donald Trump: “Nếu tin rằng đã gần đạt được thỏa thuận, tôi sẽ không muốn phá hỏng nó bằng cách áp đặt lệnh trừng phạt mới với Nga”. Trump nói thêm “Tôi cứng rắn hơn so với những người khác, nhưng chúng ta phải biết thời điểm nào nên áp lệnh trừng phạt”.
Giới quan sát cho rằng tuyên bố này phần nào cho thấy cách tiếp cận chính sách đối ngoại mang tính cá nhân, thực dụng của Trump, đặc biệt trong vấn đề liên quan Nga và cuộc xung đột tại Ukraine. Điều này khiến ông không muốn áp đặt ngay lệnh trừng phạt với Nga, dù nhiều đồng minh châu Âu và Ukraine liên tục kêu gọi Donald Trump làm vậy.
Sau khi nhậm chức, Trump đã bổ nhiệm tướng Keith Kellogg làm đặc phái viên giải quyết xung đột Ukraine, với đề xuất sử dụng việc cắt viện trợ cho Ukraine và nới lỏng trừng phạt Nga như “đòn bẩy” để thúc đẩy Putin đàm phán. Các nhà phân tích nhận định điều này cho thấy Trump ưu tiên giải pháp ngoại giao thay vì tăng cường áp lực với Nga thông qua các biện pháp trừng phạt, điều mà chính quyền tiền nhiệm Joe Biden đã thực hiện.
Lev Sokolshchik, nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu châu Âu và Quốc tế Toàn diện thuộc Trường Kinh tế Cao cấp HSE của Nga, nhận định một trong những lý do chính khiến ông Trump không muốn áp lệnh trừng phạt Nga là Tổng thống Mỹ ưu tiên chiến lược đàm phán hòa bình để giải quyết xung đột.
Donald Trump tin rằng các biện pháp trừng phạt có thể làm leo thang căng thẳng, gây khó khăn cho việc đạt được một thỏa thuận giữa Nga và Ukraine. Thay vào đó, Trump sử dụng chính sách “cây gậy và củ cà rốt”, vừa đe dọa nhưng cũng đưa ra các biện pháp khuyến khích như nới lỏng trừng phạt để thuyết phục Putin ngồi vào bàn đàm phán.
Trump gần đây mới tăng cường nhắc đến khả năng áp lệnh trừng phạt Nga, sau khi nhiều lần bày tỏ nỗi thất vọng với tiến triển chậm chạp của quá trình đàm phán, Nga tấn công dữ dội vào Ukraine, đặc biệt là việc Nga kiên quyết từ chối đề xuất ngừng bắn vô điều kiện trong vòng 30 ngày.
“Những tuyên bố của ông Trump về việc áp thêm lệnh trừng phạt là một phần của chiến thuật đàm phán. Ông ấy vừa gây sức ép lên Kiev vừa tạo áp lực lên Moskva, nhưng mục tiêu cuối cùng là đạt được một thỏa thuận hòa bình”, Sokolshchik nhận định.
Chuyên gia này cho rằng ông Trump không muốn đẩy Nga vào thế bị dồn ép quá mức như người tiền nhiệm Joe Biden, vì điều này có thể làm Moskva từ chối đàm phán, đẩy mọi thứ vào bế tắc.
Tom Luongo, nhà phân tích tài chính và địa chính trị của trang Newsmax, Mỹ, lập luận rằng ông Trump nhận thức được tiềm lực sức mạnh kinh tế của Nga, khi đã vượt qua các dự đoán về sự sụp đổ do các lệnh trừng phạt trước đó.
“Nga đã vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới theo chỉ số sức mua tương đương (PPP), với tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục 2,3%. Ông Trump hiểu rằng các lệnh trừng phạt mới có thể không hiệu quả như kỳ vọng và chỉ khiến Nga mạnh hơn trong dài hạn”, Luongo nói với Sputnik.
Các chuyên gia kinh tế và địa chính trị phương Tây đã chỉ ra rằng loạt lệnh trừng phạt chưa từng có mà Mỹ và châu Âu đã áp đặt với Nga trong ba năm chiến sự đã giảm xuống nhưng chưa thể đạt ngay được mục tiêu mong muốn.
Nga đã tìm cách giảm phụ thuộc vào thị trường phương Tây bằng cách tăng xuất khẩu dầu sang Trung Quốc, Ấn Độ, theo Reuters. Năm 2024, Trung Quốc nhập trung bình hơn 2,1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày từ Nga, mức cao nhất từ trước đến nay. Xuất khẩu dầu từ Nga tới Ấn Độ đạt mức kỷ lục 2,07 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 7/2024.
Từ góc nhìn của Nga, chuyên gia Sokolshchik nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt chỉ khiến Nga thích nghi tốt hơn với áp lực kinh tế. “Nga đã xây dựng các cơ chế để vượt qua lệnh trừng phạt, từ phát triển hệ thống thanh toán độc lập đến tăng cường quan hệ thương mại với các nước thân thiện như Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Trung Đông – châu Phi”, Sokolshchik nói. “Ông Trump có thể nhận thấy rằng các biện pháp trừng phạt mới sẽ không thể mang lại kết quả như mong đợi”.
Lý do thứ hai ông Trump chưa muốn áp lệnh trừng phạt với Nga là Tổng thống Mỹ không muốn bị cuốn theo áp lực từ các đồng minh ở châu Âu, những người muốn Mỹ duy trì lập trường cứng rắn với Putin như người tiền nhiệm Biden.
Các lãnh đạo châu Âu, đặc biệt là từ Anh, Pháp, Ba Lan và Đức, nhiều lần hối thúc Donald Trump áp đặt trừng phạt mới nếu Nga không chấp nhận lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, Trump bỏ qua không muốn thực hiện các yêu cầu này vì Trump cho rằng sự đoàn kết của NATO đang bị “lung lay” bởi những bất đồng nội khối.
Trump mới đây gây chú ý với Liên minh châu Âu (EU) khi thông báo đang cân nhắc rút lệnh trừng phạt Nga để “mở rộng cơ hội kinh tế” cho Mỹ. Trump dường như đang có kế hoạch thay đổi đáng kể chính sách đối với Nga, ưu tiên các lợi ích kinh tế của Washington hơn là tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt.
Động thái này, được cho là nhằm “tối đa hóa” cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp Mỹ, đang gây ra những rạn nứt sâu sắc trong liên minh NATO và khiến các đồng minh châu Âu lo ngại, theo New York Times.
Tại Mỹ, một số nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa theo ý Trump cho rằng việc áp đặt trừng phạt mới với Nga có thể làm tổn hại đến các lợi ích kinh tế của Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh ông Trump đang tập trung vào đàm phán thương mại với Trung Quốc và EU.
Điều này dẫn đến cách tiếp cận thận trọng hơn của Trump với Putin, khi Trump ưu tiên các cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo châu Âu để tìm kiếm giải pháp cho đàm phán, thay vì hành động mạnh mẽ ngay lập tức.
Donald Trump từ lâu cũng nổi tiếng với phong cách ngoại giao “đàm phán trong một giờ”, tập trung vào các mối quan hệ cá nhân và các thỏa thuận nhanh chóng. Nhưng điều đó chẳng đi đến đâu khi Donald Trump “đối đầu” với một Vladimir Putin thì hoàn toàn ngược lại.
Cuộc điện đàm kéo dài hơn hai tiếng với ông Putin vào ngày 19/5 là một ví dụ điển hình. Sau cuộc điện đàm, Trump nói với báo giới rằng Washington không muốn áp đặt thêm trừng phạt với Moscow vì “vẫn còn cơ hội” đạt được tiến triển trong việc giải quyết xung đột ở Ukraine.
Giới chuyên gia nhận định sự ngần ngại của Trump trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga phản ánh một chiến lược đối ngoại phức tạp, kết hợp giữa thực dụng, đàm phán cá nhân hóa và sự hoài nghi về tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt. Có nhận định sự ngần ngại của Trump với Putin chính là sự nhu nhược trong ý thức chính trị mơ hồ của Trump.
Trump dường như muốn định hình lại cấu trúc an ninh châu Âu thông qua các kênh song phương, thay vì tuân theo lập trường chung của NATO. Tuy nhiên, cách tiếp cận này cũng đặt ra nhiều rủi ro, từ việc làm suy yếu liên minh phương Tây đến việc tạo cơ hội cho Nga, Trung Quốc… củng cố vị thế.
“Trong ván cờ chiến lược của ông Trump, lệnh trừng phạt chỉ là một công cụ để đàm phán. Trong khi châu Âu và Ukraine hối thúc Mỹ hành động mạnh mẽ hơn, ông dường như tin rằng hòa bình có thể đạt được thông qua đối thoại trực tiếp với Putin, thay vì đối đầu kinh tế”, chuyên gia Luongo nhận định.
Trong vài tuần tới đây, liệu Donald Trump có thể hiện vai trò của nước Mỹ từ sau thế chiến thứ II họ đã từng mạnh mẽ giúp đỡ đồng minh và bạn bè.

Dữ liệu tốt hơn có thể dẫn đến tình dục tốt hơn như thế nào

0

– Cù Tuấn biên dịch phân tích của The Economist.

Tóm tắt: Những gì chúng ta không biết về hành vi tình dục của con người là điều đáng xấu hổ.
—–
Nhiều năm trước, khi Caroline Kabiru sắp phải học về tình dục ở trường, cô phát hiện ra rằng các trang liên quan của một trong những cuốn sách giáo khoa giới tính đã bị dán lại với nhau. Và giáo viên môn này không bao giờ xuất hiện.
Thật kỳ lạ, trong khi mọi người dành rất nhiều thời gian suy tưởng về tình dục, nhiều người lại hiểu biết rất kém về nó. Tiến sĩ Kabiru, hiện là chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu sức khỏe và dân số châu Phi ở Nairobi, nhớ lại một cuộc khảo sát mà nhóm của bà đã tiến hành trong số những thanh niên Kenya vào năm 2008. Khoảng một nửa số người nghĩ rằng thời điểm trong tháng mà một người phụ nữ có khả năng mang thai cao nhất là trong kỳ kinh nguyệt. Bà suy đoán rằng sự hiểu nhầm này có thể xuất hiện vì khi một cô gái có kinh nguyệt lần đầu, nhiều bậc cha mẹ Kenya nói rằng “Bây giờ con phải ngừng chơi với con trai, nếu không con có thể mang thai”.
Trên toàn cầu, có ba thế lực cản trở sự lan truyền thông tin tích cực về tình dục. Một là sự xấu hổ – nhiều người lớn, giống như giáo viên sinh học của Tiến sĩ Kabiru, thấy chủ đề này thật đáng xấu hổ. Một vấn đề khác là thông tin xấu thường lấn át thông tin tốt. Nhiều thanh thiếu niên lấy thông tin từ nội dung khiêu dâm trực tuyến, và việc coi phim khiêu dâm là hướng dẫn chính xác về tình dục ngoài đời thì cũng giống như việc coi các tình tiết của phim 007 James Bond là những thói quen hàng ngày của một công chức Anh. Rebecca Cant của Brook, một tổ chức từ thiện về giáo dục giới tính của Anh, trích dẫn lời một cậu bé tuổi teen nói một cách nghiêm túc rằng cậu chưa sẵn sàng quan hệ tình dục với bạn gái vì cậu “chưa sẵn sàng” bóp cổ cô ấy. Cậu cho rằng điều đó là bình thường.
Vấn đề thứ ba là dữ liệu thường không được thu thập ngay từ đầu. Lianne Gonsalves của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra ba điểm mù: các quốc gia không giàu có, nam giới và những người trên 50 tuổi. Người ta biết ít hơn về các quốc gia nghèo so với các quốc gia giàu có, vì họ có ít tiền hơn để chi cho các cuộc khảo sát về tình dục. (Trung Quốc và Nga cũng là các hố đen.) Và người ta biết ít hơn về nam giới và người lớn tuổi vì hầu hết các cuộc khảo sát lớn đều tập trung vào những phụ nữ có thể mang thai.
Đây là những thiếu sót lớn. Để làm mọi thứ trở nên khó khăn hơn, một số chính phủ tỏ ra nghiêm trang và rất miễn cưỡng khi đi sâu vào lĩnh vực này. Một số người, khi được hỏi về thói quen tình dục của họ, đã không nói sự thật. Và ở một số quốc gia, quan hệ tình dục đồng giới vẫn là bất hợp pháp, khiến việc đặt câu hỏi về nó trở nên khó khăn hơn.
Các nghiên cứu tình dục ban đầu thường khá sơ sài. Năm 1948, tác phẩm “Hành vi tình dục ở nam giới” của Alfred Kinsey đã gây chấn động nước Mỹ, nhưng vì nó dựa trên các mẫu chọn không ngẫu nhiên nên nó cực kỳ không chính xác.
Trên toàn cầu, AIDS đã thúc đẩy mạnh mẽ việc nghiên cứu tình dục vào những năm 1980 và 1990. Soazig Clifton của University College London cho rằng cuộc khảo sát tình dục quốc gia được đánh giá cao của Anh, natsal, sẽ không thể diễn ra nếu không có bệnh AIDS. Các nhà khoa học và chính trị gia lý trí ngay lập tức nhìn thấy mục đích của các nghiên cứu nhằm giúp dự đoán sự lây lan của căn bệnh AIDS, khi đó luôn gây ra tử vong.
1. Hãy nói chuyện về tình dục nhé, em yêu
Nguồn dữ liệu đáng tin cậy rộng rãi nhất hiện nay, Khảo sát nhân khẩu học và sức khỏe (DHS) do Usaid tài trợ, được tiến hành tại 90 quốc gia và tập trung vào phụ nữ trong độ tuổi từ 15-49. Khảo sát trên có xu hướng hỏi những câu hỏi cơ bản về các hành vi có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc thụ thai (“muỗi đốt và trẻ sơ sinh”). Khảo sát này không hỏi về khoái cảm, sự đồng ý hoặc bối cảnh diễn ra quan hệ tình dục.
Việc hiểu biết về tình dục không chỉ là vấn đề sức khỏe cộng đồng. Bằng chứng từ Mỹ, Ấn Độ và những nơi khác cho thấy rằng những rắc rối về sự gần gũi về mặt tình cảm hoặc thể xác là nguyên nhân gây ra 20-50% các vụ ly hôn—điều này có xu hướng khiến trẻ em của các gia đình này buồn bã hơn và gia đình họ nghèo hơn. Nếu thông tin tốt hơn dẫn đến tình dục tốt hơn, nó có thể làm con người vui vẻ hơn với mức giá không đáng kể. Không có gì ngạc nhiên khi các nhà nghiên cứu tình dục lại đam mê nghề nghiệp của họ.
Để khởi đầu, một số người đang cố gắng lấy thêm thông tin từ các cuộc khảo sát cơ bản. Emma Slaymaker của Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London cùng các đồng tác giả đã xử lý dữ liệu từ các cuộc khảo sát của DHS và ước tính số lượng bạn tình mà mọi người ở 47 quốc gia đang phát triển có thể mong đợi có được khi đến tuổi 50.
Và kết quả có sự khác biệt rất lớn. Một người đàn ông Congo 50 tuổi trung bình sẽ có 20 bạn tình; một người đàn ông Ấn Độ chỉ có 9 bạn tình. Cũng có sự khác biệt lớn giữa các châu lục. Đàn ông Niger chỉ có một phần tám số bạn tình so với những đàn ông Congo cùng tuổi. Có phải vì họ thường sống trong những ngôi làng nhỏ, bảo thủ và phải băng qua những sa mạc lớn để tìm đến những thành phố có cuộc sống về đêm? Không ai biết được.
Ở khắp mọi nơi, phụ nữ báo cáo có ít bạn tình hơn nam giới. Điều này nghe có vẻ không thể xảy ra về mặt toán học, nhưng các cuộc khảo sát hiếm khi ghi nhận được số lượng gái mại dâm, và phụ nữ thường báo cáo không đầy đủ. Tổng số người tình mà họ đã nêu trong suốt cuộc đời dao động từ 1,2 ở Campuchia đến 9 ở Gabon; đối với nam giới, con số này dao động từ 2,4 ở Niger đến 21 ở Gabon. Một số quốc gia phù hợp với giả định rằng khi đàn ông giàu hơn, họ có nhiều bạn tình hơn. Nhưng ở Ấn Độ và Madagascar, thì ngược lại: đàn ông nghèo hơn có nhiều bạn tình hơn. Có lẽ điều này là do nhiều người nghèo đã phải di cư để làm việc xa gia đình và họ đã trả tiền mua tình dục; một lần nữa, thật khó để chắc chắn cho giả định đó.
Khả năng có nhiều hơn một bạn tình cùng một lúc cũng khác nhau. Những người đàn ông ở Niger đã sống với một bạn tình có khả năng tìm được một người bạn tình mới mỗi năm cao hơn 60% so với những người đồng hương độc thân của họ; đối với những người đàn ông ở Albania, con số này chỉ là 1%. Điều này có thể phản ánh tình trạng đa thê lan rộng ở Niger—và có lẽ là sự miễn cưỡng trong số những người Albania khi thừa nhận với những người thăm dò ý kiến rằng họ đang ngoại tình.
Khi mọi người sống lâu hơn ở hầu hết mọi nơi, họ không từ bỏ tình dục. Trên 55 tuổi không có nghĩa là “chỉ tập trung vào làm vườn và cố gắng đi tất mà không làm đau lưng”, David Spiegelhalter, một nhà thống kê và là tác giả của “Sex by Numbers” lưu ý. Ham muốn tình dục giảm dần theo tuổi tác, nhưng khá chậm, và những người lớn tuổi có nhiều khả năng ly hôn và tìm kiếm bạn đời mới hơn so với các thế hệ trước. Tuy nhiên, ở hầu hết các quốc gia, không ai biết nhiều về những gì họ làm. Dữ liệu hiện có cho thấy sự khác biệt lớn. Phụ nữ Anh trung bình từ 55 đến 64 tuổi có bạn tình thì đã quan hệ tình dục hai lần trong tháng qua; nhưng phụ nữ Nhật Bản 49 tuổi đã kết hôn thì lại không quan hệ lần nào trong cùng thời gian. Tại sao?
“Có lẽ đó là một tiêu chuẩn,” Peter Ueda của Viện Karolinska ở Stockholm gợi ý. Ở Tây Âu, một cuộc hôn nhân không tình dục có thể được coi là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đang gặp rắc rối. Ở Nhật Bảnthì “điều đó được chấp nhận, [vì] hôn nhân mang tính giao dịch nhiều hơn.” Tuy nhiên, không thể tránh khỏi việc hơn 70% phụ nữ Nhật Bản đã kết hôn trên 50 tuổi nói rằng họ và chồng “không bao giờ nói chuyện với nhau” về ham muốn tình dục của họ.
Ngược lại, một nghiên cứu ở Nam Phi phát hiện ra rằng người già nước này rất khỏe mạnh: hầu hết đàn ông vẫn quan hệ tình dục cho đến khi họ 80 tuổi. Nghiên cứu cũng lưu ý rằng 23% nam giới trên 40 tuổi bị nhiễm HIV và ít người chịu sử dụng bao cao su. Mặc dù vậy, thông tin về nguy cơ nhiễm HIV ở người lớn tuổi vẫn còn khan hiếm, các tác giả than thở, và “rất ít biện pháp can thiệp phòng ngừa [được] nhắm mục tiêu cụ thể” vào họ.
Thông tin ít ỏi không chỉ là vấn đề đối với xã hội mà còn đối với các cặp đôi. Nhiều người ngại nói chuyện về tình dục, điều này không chỉ khiến tình dục trở nên khó chịu mà còn không thoải mái, đặc biệt là đối với phụ nữ. Ngay cả khi đàn ông có ý tốt, họ cũng hiếm khi có khả năng ngoại cảm. Họ không thể đoán được đối tác của mình thích hay không thích điều gì, và những tín hiệu không lời không thể thay thế cho lời nói thẳng thắn. Tuy nhiên, điều này thật khó khăn khi chủ đề này bị che giấu trong sự xấu hổ. Hãy xem xét Bangladesh, một quốc gia Hồi giáo bảo thủ. Cuộc khảo sát dhs của nước này thu thập dữ liệu về hôn nhân và biện pháp tránh thai, nhưng không phải về khoái cảm hay sự đồng thuận. Phụ nữ Bangladesh hài lòng với đời sống tình dục của họ như thế nào? Họ có dễ dàng nói với chồng mình những gì họ muốn không? Theo các thông tin thu thập được thì việc này không hề dễ dàng chút nào.
“Sự không hài lòng về tình dục là khá cao ở phụ nữ Bangladesh,” một nhà nữ quyền địa phương giấu tên cho biết. “Nhiều phụ nữ đã nghe nói đến thứ gọi là cực khoái, nhưng họ chưa bao giờ đạt được. Nếu tôi nói với chồng mình, ‘anh làm thế này khiến em không thích, anh ấy sẽ rất buồn bực và không thể làm lại được nữa.’”
Nếu một người vợ yêu cầu điều gì đó mới mẻ, chồng cô ấy có thể tức giận và cho rằng cô ấy là người lăng loàn, Prima Alam, một nhà nghiên cứu về sức khỏe tình dục, gợi ý: nếu không thì làm sao cô ấy biết được những điều như vậy? Không ai được dạy để hiểu về khoái cảm của phụ nữ. Nếu họ đã xem phim khiêu dâm, “những gì họ thấy là [người đàn ông] hăm hở làm điều đó, và người phụ nữ dường như thích thú, la hét, v.v., nhưng cuộc sống thực tế không như vậy, phải không?” Tư duy của người dân địa phương là đàn ông phải chịu trách nhiệm. “Tôi nghĩ rằng hiếp dâm trong hôn nhân có thể là khá phổ biến, nhưng chúng tôi không có đủ dữ liệu.”
Cần phải làm gì để thúc đẩy nghiên cứu về tình dục? Có lẽ cơn đói thông tin của cử tri sẽ dần lấn át sự e ngại của các chính trị gia. Nana Darkoa Sekyiamah, tác giả của “The Sex Lives of African Women” (Cuộc sống tình dục của phụ nữ châu Phi) và là người đồng sáng lập blog “Adventures from the Bedrooms of African Women” (Những cuộc phiêu lưu từ phòng ngủ của phụ nữ châu Phi), cho rằng có rất nhiều nhu cầu bị kìm nén về thông tin. Bà nghe thấy “nhiều cuộc trò chuyện hơn về tình dục bằng miệng”, cho rằng “Những người đàn ông trẻ tuổi đã nhận ra rằng đối với hầu hết phụ nữ, quan hệ tình dục với dương vật đi vào trong âm đạo theo tiêu chuẩn là không [đủ tốt]”.
Nước Anh có thể là một ví dụ. Giáo dục giới tính trong các trường học nước Anh dựa trên thực tế. Những thanh thiếu niên dựa vào giáo dục này ít có khả năng quan hệ tình dục lần đầu khi chưa đủ 16 tuổi và trải nghiệm đầu tiên của họ có nhiều khả năng là một trải nghiệm tốt, với cả hai đối tác đều sẵn sàng và được bảo vệ. NATSAL tiết lộ rằng đất nước này có rất nhiều vấn đề trong phòng ngủ, nhưng chỉ có khoảng một trong bảy người Anh hoạt động tình dục cho biết họ không hài lòng về tình dục. Những người cảm thấy thoải mái khi nói về tình dục với bạn đời của mình có nhiều khả năng thích thú chuyện đó hơn, bà Clifton lưu ý. Và những người Anh trẻ tuổi có thể tương tác tình dục rất tốt: họ sẽ vui vẻ thử một điều gì đó mới mẻ, nhưng sẵn sàng dừng lại nếu người yêu của họ không thích.
Tình dục bằng miệng, một hình thức từng bị cấm kỵ đến mức gái mại dâm đã từng tính phí thổi kèn cao hơn cả chuyện đóng gạch, đã trở thành một hình thức chủ yếu, đặc biệt là trong giới trung lưu và giới trẻ. Ngược lại, khi nói đến tình dục bằng miệng, khoảng 50% nam giới Anh và 40% phụ nữ Anh từ 25 đến 34 tuổi vào năm 2010 đã thử, nhưng số người thực hiện ít hơn một nửa so với năm trước. Tiến sĩ Spiegelhalter cho rằng đối với nhiều người, tình dục bằng miệng “là hình thức thử nghiệm nhưng [không nhất thiết] trở thành thói quen. Giống như chuyện bơi ở Blackpool vậy”.
Với các nghiên cứu chính xác hơn được phổ biến rộng rãi hơn, mọi người sẽ hiểu rõ hơn về những gì người khác đang làm. Điều đó có thể giúp vượt qua những điều cấm kỵ dễ dàng hơn, vốn thường dựa trên lý luận vòng vo (bạn không nên làm chuyện này chuyện nọ vì nó “không bình thường”). Cô Darkoa Sekyiamah cho biết: “Biết rằng bạn không hề đơn độc là thực sự hữu ích”. “Nếu bạn biết rằng rất nhiều cặp đôi khác cũng quan hệ tình dục bằng miệng, [ví dụ thôi], điều đó thường khiến mọi người cảm thấy rằng điều đó là ổn và đó là điều họ có thể thử áp dụng”. Một nền văn hóa minh bạch về những gì người khác đang làm cũng có thể giúp các cặp đôi nói chuyện với nhau về những gì họ thực sự muốn làm.
Các chuyên gia tại WHO đang háo hức lấp đầy một số khoảng trống trong kiến thức của thế giới. Họ đã dành bốn năm để thiết kế một cuộc khảo sát chi tiết hơn nhiều có tên là Shape. Ví dụ, cuộc khảo sát này hỏi về mức độ đồng thuận. (Lần cuối cùng bạn quan hệ tình dục, bạn có muốn không, chỉ đồng ý hay bạn bị “ép buộc hoặc sợ hãi” phải làm điều đó?) Mục đích là thực hiện các cuộc khảo sát Shape trên toàn thế giới. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có kinh phí. Đối với hầu hết các chính phủ, việc này không phải là việc cần ưu tiên.
Và nhiều người bảo thủ không muốn tài trợ cho các nghiên cứu có thể tiết lộ những sự thật không mong muốn, chẳng hạn như một số đồng bào của họ là người đồng tính. Một số chính phủ còn đi xa hơn nữa. Vào năm 2024, quốc hội Ghana đã thông qua một dự luật, đang chờ chữ ký của tổng thống, nhằm cấm mọi “quảng bá” trên phương tiện truyền thông xã hội về tình dục “không tự nhiên”. Điều này sẽ khiến blog có tư tưởng rộng mở của Darkoa Sekyiamah trở thành bất hợp pháp.
Sekyiamah nhớ lại rằng bà đã kết hôn với người đàn ông đầu tiên mà bà có quan hệ tình dục, “Bởi vì tôi cảm thấy đó là điều mình phải làm.” Chỉ sau khi ly hôn, bà mới trở thành chính mình về mặt tình dục. Bây giờ ở độ tuổi 40, Sekyiamah nói rằng bà không muốn con gái mình, hoặc bất kỳ cô gái trẻ nào khác, mắc phải những sai lầm giống như bà đã từng mắc phải. Và để tránh điều đó, họ cần được nghe những cuộc nói chuyện thẳng thắn về tình dục.

NYT: Tại sao Việt Nam phớt lờ luật pháp của nước này để đẩy nhanh dự án khu phức hợp chơi golf của gia đình Trump

– Cù Tuấn biên dịch phóng sự của New York Times.
Tóm tắt: Khi Tổng thống Trump làm mờ đi ranh giới giữa chính trị và kinh doanh — và đe dọa áp thuế quan cao đối với các đối tác thương mại — các chính phủ cảm thấy buộc phải ủng hộ các dự án liên quan đến Trump.
—-
Khi các quan chức tại quê nhà của nhà lãnh đạo cấp cao nhất Việt Nam đi đến từng nhà dân, và gây sức ép buộc người dân ký các lá đơn đồng ý với kế hoạch của Trump Organization về một cộng đồng chơi golf mới, ông Lê Văn Trường đã muốn từ chối.
Các tài liệu quy hoạch đã hứa hẹn một “chuẩn mực mới về sự sang trọng, giải trí và kinh doanh”. Ông Trường, 54 tuổi, đã hình dung ra một điều khác: một nghĩa trang có mồ mả của năm thế hệ tổ tiên của ông sẽ phải bị đập bỏ và dự án sẽ lấy đi vùng đất nông nghiệp màu mỡ đã nuôi sống các gia đình tại địa phương này trong nhiều thế kỷ.
Tuy nhiên, ông vẫn ký vì, như ông nói, “tôi không thể làm gì được”.
“Trump nói rằng đó là chuyện riêng tư — chức Tổng thống và công việc kinh doanh của ông ấy là không liên quan,” ông Trường nói. “Nhưng ông ấy có quyền làm bất cứ điều gì ông ấy muốn.”
Khu phức hợp sân golf trị giá 1,5 tỷ đô la này nằm ngoài thủ đô Hà Nội, cũng như các kế hoạch xây dựng tòa nhà chọc trời của Trump tại Thành phố Hồ Chí Minh, là những dự án đầu tiên của gia đình Trump tại Việt Nam — một phần của doanh nghiệp kiếm tiền toàn cầu mà không gia đình nào của một Tổng thống Mỹ đương nhiệm từng thực hiện ở quy mô tầm cỡ này. Và khi chiến dịch chớp nhoáng đó khiến gia đình Trump giàu hơn, nó cũng làm méo mó cách các quốc gia tương tác với nước Mỹ.
Để đẩy nhanh quá trình phát triển của Trump, các chuyên gia pháp lý cho biết Việt Nam đã phớt lờ luật pháp của nước này, với việc đã nhượng bộ một cách hào phóng hơn cả những gì mà ngay cả những người dân địa phương có mối quan hệ nhất đã từng nhận được. Trong một lá thư mà báo New York Times có được, các quan chức Việt Nam đã tuyên bố rõ ràng rằng dự án này cần sự hỗ trợ đặc biệt từ các cấp cao nhất của chính phủ Việt Nam vì nó “đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ chính quyền Trump và cá nhân Tổng thống Donald Trump”.
Và các quan chức Việt Nam đã hào hứng đón chào dự án này trong một khoảnh khắc ngoại giao có rủi ro cao. Họ phải đối mặt với áp lực lớn để đạt được một thỏa thuận thương mại có thể ngăn chặn mối đe dọa của Tổng thống Trump về mức thuế quan cao, mà sẽ ảnh hưởng đến khoảng 30% hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Lễ động thổ cho một khách sạn và sân golf Trump mới tại tỉnh Hưng Yên. Các quan chức Việt Nam đã vẫy tay chào sự phát triển trong một khoảnh khắc ngoại giao có rủi ro cao.
Eric Trump, con trai thứ hai của Tổng thống Trump, là trung tâm của sự việc. Ông đã đến Việt Nam để khởi công dự án sân golf vào thứ Tư, chưa đầy một năm sau khi gặp ông Đặng Thành Tâm, đối tác xây dựng địa phương. Bên trong một căn lều bạt tiếp tân màu vàng, ông Eric Trump đã nói với quan khách, bao gồm cả thủ tướng Việt Nam, rằng “gia đình Trump sẽ khiến các bạn rất, rất tự hào”.
Nhà Trắng cho biết, trong một tuyên bố qua email, “Tất cả các cuộc thảo luận thương mại của Tổng thống Mỹ đều hoàn toàn không liên quan đến Trump Organization.” Họ lập luận rằng không có vấn đề đạo đức nào vì gia đình Tổng thống đã phát triển khoảng 20 bất động sản mang thương hiệu Trump trên toàn thế giới, và vì các con trai của Tổng thống đang điều hành các doanh nghiệp. Tuy nhiên, báo cáo công khai tài chính của Tổng thống Trump cho thấy rằng ông vẫn hưởng lợi về mặt tài chính từ hầu hết các dự án này.
Eric Trump, người không trả lời yêu cầu phỏng vấn, đã khẳng định rằng ông chỉ đang làm công việc của mình, đó là phát triển bất động sản. Các quan chức Việt Nam cho biết việc ưu tiên các dự án của Trump sẽ hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế của nước này.
Nhưng khi việc ký kết thỏa thuận diễn ra nhanh hơn và xung đột với các mối đe dọa của nước Mỹ đối với thương mại tự do, ranh giới giữa Trump với tư cách là Tổng thống và Trump với tư cách là ông trùm bất động sản hiện được các nhà ngoại giao, quan chức thương mại và các tập đoàn trên toàn thế giới coi là quá mờ nhạt, đến mức các chính phủ cảm thấy buộc phải ủng hộ bất cứ thứ gì liên quan đến Trump hơn bao giờ hết.
Trong khi các thỏa thuận khác của Trump đang diễn ra ở Serbia, Indonesia và Trung Đông, Việt Nam đã trở thành một trường hợp nghiên cứu về cách thương hiệu Trump gây ảnh hưởng và giành lợi thế, cách nó thách thức các chuẩn mực địa phương và khuyến khích các nhà lãnh đạo vội vàng phê duyệt các dự án để làm hài lòng gia đình Trump.
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại ngày càng căng thẳng, các quan chức Việt Nam đã cho phép dự án của Trump khởi công mà không hoàn thành ít nhất nửa tá các bước theo yêu cầu của pháp luật, từ việc đảm bảo toàn bộ đất đai và tài chính cho đến tiến hành đánh giá tác động môi trường.
Quá trình này thường mất từ hai đến bốn năm. Nhưng hồ sơ cho thấy các tài liệu lập kế hoạch ban đầu chỉ được nộp ba tháng trước sự kiện được tổ chức ngày 21/5, trên khu đất mới san phẳng dưới một cổng vòm thông báo “LỄ ĐỘNG THỔ CỦA TRUMP INTERNATIONAL, HƯNG YÊN”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không trả lời câu hỏi về tính hợp pháp của dự án này.
Người dân tụ tập bên ngoài khu vực phát triển để xem lễ động thổ, và đã bị cảnh sát giữ lại ở khoảng cách xa. Nhiều người lo lắng rằng sinh kế và đất đai của họ sẽ sớm bị tước đoạt. Năm mươi năm sau khi kết thúc cuộc chiến tàn khốc với Mỹ, họ cho biết họ sợ trở thành người phải chịu thiệt thòi ngoài dự kiến khi cách tiếp cận mới của chủ nghĩa Trump, “hành động nhanh chóng và bất chấp các quy tắc”, tiếp tục tiến triển.

Người dân đang xem thoáng qua lễ động thổ vào thứ Tư.
1. Lấy đất để xây biệt thự
Trong chế độ cộng sản Việt Nam, tất cả đất đai đều là sở hữu toàn dân và do nhà nước quản lý hoặc cho thuê. Hầu hết đất đai cho dự án sân golf trên vẫn do các gia đình có quyền sử dụng lâu dài kiểm soát. Tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên — nơi dự án Trump sẽ chiếm gần bốn dặm vuông dọc theo sông Hồng — một cảm giác bị phản bội đang âm ỉ cháy.
Tại các cuộc họp thị trấn vào đầu tháng 4, các quan chức đã nói với hàng trăm cư dân rằng mức giá tốt nhất mà họ có thể được đền bù chỉ bằng một nửa giá bán đất của họ ngay cả trước khi dự án sân golf được công bố vào tháng 10.
Giữa tiếng la ó phẫn nộ tại một cuộc họp như vậy, gần như tất cả mọi người đều bỏ ra về. Tin tức về mức giá đền bù đã lan truyền khắp các đường phố và các cánh đồng. Sự phản đối đã trở nên gay gắt khi nông dân lo sợ mất khoản đầu tư vào lứa cây non, vốn mất nhiều năm để trưởng thành, và sự an toàn mà đất đai đã mang lại cho nhiều thế hệ.
“Họ không lắng nghe chúng tôi,” Lê Thị Thanh, 57 tuổi, nói vào một buổi chiều nóng nực gần đây, khi bà đang ngồi xổm ghép những cây mãng cầu xiêm non. “Họ chỉ đến đây và áp đặt ý muốn của họ.”

Lê Văn Trường bên cạnh những ngôi mộ sẽ được dọn sạch để nhường chỗ cho dự án Trump.
Quy trình phê duyệt xây dựng của Việt Nam được cho là bắt đầu bằng việc giám sát độc lập vì lợi ích công cộng ở cấp huyện và cấp tỉnh. Trên thực tế, như các cuộc phỏng vấn và tài liệu của chính phủ cho thấy, hầu như việc giám sát này là không tồn tại, và luật quy hoạch đã bị gạt sang một bên.
Sau lá thư ngày 20 tháng 3 từ các viên chức cấp tỉnh cho biết dự án cần được đối xử đặc biệt, chính quyền đã hạn chế bình luận của công chúng và không tuân thủ các quy tắc thông thường về việc sử dụng tiền của nhà nước cho việc nghiên cứu sơ bộ, theo các tài liệu cho thấy. Các chuyên gia pháp lý cho biết dự án này đã xung đột với quy hoạch tổng thể nhà ở cấp tỉnh. Toàn bộ khu phức hợp trên, với các biệt thự do Trump Organization thiết kế và 36 lỗ golf tại một trong bốn khu phát triển, sẽ làm tăng thêm 35.000 cư dân, các công viên giải trí và một khu thương mại đô thị tại đó.
Ngoài ra, dự án này được lên kế hoạch tại một khu vực ven sông đã bị ngập lụt trong cơn bão năm ngoái, và tỉnh này còn rải rác các loại bom mìn chưa nổ từ chiến tranh Việt Nam. Một quả bom nặng 100 kg đã được phát hiện tại khu vực này cách đây sáu tháng.
Tuy nhiên, vào ngày 15 tháng 5, chỉ hơn ba tháng sau khi nộp hồ sơ chính thức đầu tiên, chính quyền trung ương Việt Nam đã kết thúc sớm quá trình lập kế hoạch để dành thời gian cho đầu tư và tổ chức một sự kiện mang tính đột phá – như yêu cầu trong lá thư vào tháng 3 – phù hợp với thời gian rảnh rỗi của Eric Trump và tránh “bỏ lỡ cơ hội tận dụng sự ủng hộ của chính quyền Donald Trump”.
Cùng ngày hôm đó, người dân đã đổ xô đến địa điểm động thổ, chỉ để thấy rằng một số công trình đã bắt đầu được thực hiện. Một chiếc Rolls-Royce Phantom màu đen (trị giá khoảng 500.000 đô la, thuộc sở hữu của ông Tâm – đối tác của Trump) đậu gần máy xúc, cách nghĩa trang gia đình ông Trường và đất của các gia đình khác chỉ khoảng vài chục mét.
Tại lễ động thổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tỏ ra nhạy cảm trước khả năng phản ứng dữ dội của công chúng tại một đất nước mà bất chấp quyền lực của nhà nước độc đảng, người dân vẫn không ngại phản đối khi bị buộc phải rời bỏ nơi họ sống và làm việc.
Lên tiếng trước đám đông gồm các chủ ngân hàng, tướng lĩnh và những người được Trump mời đến, với đàn ông mặc vest sang trọng, đàn bà đi giày cao gót bóng loáng, ông Phạm Minh Chính đã chỉ thị cho chính quyền tỉnh phải đảm bảo rằng những người đã phải hy sinh tài sản sẽ “có cuộc sống mới và ngôi nhà mới tốt hơn ngôi nhà cũ của họ”.
Ông cũng cho biết dự án sẽ “nhận được sự hỗ trợ tối đa” để “tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ”. Ông hứa rằng dự án sẽ hoàn thành vào năm 2027.
Một số luật sư và giám đốc các công ty bất động sản cho biết trong khi thủ tục hành chính của Việt Nam có thể chậm trễ, thì tốc độ của dự án Trump lại nhanh chưa từng có. Việc này là bất hợp pháp và không công bằng với các nhà đầu tư khác.
Người dân cho biết nhu cầu của họ đang bị bỏ qua để làm hài lòng những người vốn đã giàu có.
“Họ sẽ có khách sạn, sân golf và hồ bơi,” ông Trường nói. “Chúng tôi sẽ không có gì cả.”
2. Những người Mỹ đóng vai trò kết nối
Dự án đầu tiên của Trump tại Việt Nam bắt đầu bằng những nỗ lực chưa từng được tiết lộ của hai cựu chỉ huy trung đội Thủy quân Lục chiến với chủ nghĩa lý tưởng sau chiến đấu.
Billy Birdzell, 45 tuổi, lớn lên tại Larchmont, NY David Lewis, 47 tuổi, xuất thân từ một gia đình dầu khí ở Texas. Cuộc chiến tranh Iraq đã gắn kết họ mãi mãi sau ngày 5 tháng 8 năm 2004, khi một quả tên lửa trượt khỏi mũ bảo hiểm của ông Lewis và sau đó phát nổ trong một trận chiến tàn khốc ở Najaf.
“Anh ấy bị thương rất nặng,” ông Birdzell nói. “Các anh của tôi, chúng tôi đã sơ tán anh ấy.”
Họ vẫn giữ liên lạc, như những cựu chiến binh vẫn làm, và mỗi người đều phát triển mối liên hệ riêng với Việt Nam.
Ông Birdzell đã đến thăm Việt Nam vào năm 2007, đi bộ đến Khe Sanh và các địa danh khác của Thủy quân Lục chiến Mỹ trước khi thành lập một công ty ngân hàng đầu tư, Horatius Group, và chuyển đến California. Năm 2015, ông Lewis đã thành lập Energy Capital Vietnam, công ty phát triển các dự án điện khí đốt tự nhiên.
Vào tháng 1 năm 2024, họ đang ở khách sạn Melia tại Hà Nội trong chuyến công tác chung thì ông Birdzell xuống ăn sáng và giải thích rằng ông đã nhắn tin cho “một người bạn” đang quan tâm đến bất động sản ở Việt Nam.
“Đó là Eric,” ông Birdzell nói.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông không nói họ đã gặp nhau như thế nào. Họ chia sẻ niềm đam mê với súng và săn bắn. Ông Birdzell cũng đã kết hôn với một cháu gái của Robert F. Kennedy Jr., Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ.
Ông Lewis, với một thập kỷ làm việc và kết nối tại Việt Nam, cho biết ông thấy ở Eric Trump một cơ hội để đưa Mỹ và Việt Nam lại gần nhau hơn. Vì vậy, ngay sau khi nghe về sự quan tâm của Eric, ông đã liên hệ với ông Đặng Thành Tâm, người sáng lập công ty xây dựng công nghiệp Kinh Bắc City, và ông Tâm đã nắm bắt ý tưởng này ngay lập tức.
Ông Birdzell và ông Lewis cho biết nếu dự án phát triển mới này thành công, nó có thể trở thành chất xúc tác thúc đẩy các thỏa thuận và cập nhật nhận thức của người Mỹ về Việt Nam sau chiến tranh.
“Mục đích là để nâng cao vị thế của người dân Việt Nam,” ông Birdzell nói, “và nâng cao vị thế của Việt Nam.”
Ông Birdzell nói thêm rằng ông chủ yếu là người trung gian, mặc dù ông hy vọng có vai trò trong việc huy động vốn. Ông Lewis cho biết ông đã rút lui và không có cổ phần tài chính nào trong dự án.
Nhưng họ đều theo dõi sự tiến triển của dự án này. Họ đã tham dự cuộc họp đầu tiên tại Trump Tower giữa ông Tâm và Eric Trump vào tháng 7. Họ đã có mặt ở đó một lần nữa vào ngày 24 tháng 9 để chứng kiến lễ ký kết các tài liệu ban đầu của thỏa thuận.
Ngày hôm đó, sự pha trộn giữa cá nhân và chính trị của gia đình Trump đã được thể hiện rõ nét. Được các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và quan chức Việt Nam vây quanh, Donald J. Trump đã tạm dừng chiến dịch tranh cử của mình — chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ — để đóng vai trò chủ đạo[ của thỏa thuận].
Trong một bức ảnh quảng cáo ngày hôm đó, Eric Trump ngồi một bên, ông Đặng Thành Tâm ngồi bên kia. Vị Tổng thống của quá khứ và tương lai chiếm vị trí trung tâm, mỉm cười trước hai lá cờ Mỹ.
3. Rủi ro đối với quan hệ Mỹ-Việt
Giống như hai cựu lính thủy đánh bộ trên, những người coi sân golf Trump là sự mở rộng tiềm năng của nước Mỹ và Nhà Trắng, chính phủ Việt Nam coi chính quyền của ông Trump và Trump Organization là một.
“Khi ông ấy muốn xây dựng một dự án ở Việt Nam, dự án đó sẽ được thực hiện dưới thương hiệu cá nhân của ông ấy, và Việt Nam muốn thể hiện mối liên hệ đó”, ông Đặng Hùng Võ, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, người đã giúp soạn thảo một số luật đất đai của nước này, cho biết.
Một phần của sự thu hút này là lòng tự hào dân tộc: Chỉ một số quốc gia được Trump Organization đầu tư phát triển bất động sản, và Việt Nam muốn gia nhập câu lạc bộ đó. Nhiều người Việt Nam cũng ngưỡng mộ ông Trump vì sự giàu có và khả năng đối kháng của ông đối với Trung Quốc.
Trung Quốc đóng vai trò trung tâm trong mối quan hệ Mỹ – Việt — và những căng thẳng hiện tại.
Theo các quan chức Mỹ, vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5, Washington đã cảnh báo Việt Nam rằng hy vọng về mức thuế quan thấp hơn của họ đang gặp rủi ro vì Mỹ cho rằng có quá nhiều công ty Trung Quốc đang thành lập tại Việt Nam và lợi dụng quốc gia này để tránh thuế quan đối với Trung Quốc.
Các quan chức Việt Nam phát biểu, cả công khai và riêng tư, rằng họ hy vọng dự án sân golf này của Trump sẽ là biểu tượng của sự thiện chí và giúp gắn kết chặt chẽ hơn nữa mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam.
Lễ động thổ diễn ra chỉ vài ngày sau khi nhà đàm phán thương mại của chính quyền Trump, Jamieson Greer, gặp Bộ trưởng Thương mại Việt Nam, Nguyễn Hồng Diên, tại Hàn Quốc. Đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của họ kể từ khi ông Trump áp đặt (sau đó tạm dừng) mức thuế 46% đối với Việt Nam, quốc gia xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Mỹ hơn bất kỳ nơi nào khác.
Nhưng như các nhà kinh tế học lưu ý, các dự án phát triển lớn được thúc đẩy bởi sự ưu ái hoặc hình ảnh chính trị, thay vì tính toán đầu tư truyền thống, thường không được quan tâm đủ lâu. Bằng cách nâng cao sự bảo trợ hơn là tính khả thi, chúng có thể làm xói mòn lòng tin của công chúng.
Dự án Trump, ban đầu được công bố là một cộng đồng chơi golf, hiện bao gồm nhiều hơn thế nữa, và những cư dân tụ tập gần nơi động thổ đã yêu cầu cần minh bạch hơn về những gì dự án đòi hỏi và tác động của dự án đến họ.

Khu vực sẽ được phát triển là một trong những vùng đất nông nghiệp màu mỡ nhất của khu vực.
Nhiều nhà phân tích cho rằng việc dành sự đối xử đặc biệt cho doanh nghiệp gia đình Trump sẽ làm suy yếu nỗ lực của Tô Lâm, nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh hiện đại, công bằng và ít tham nhũng hơn.
Ja-Ian Chong, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, người nghiên cứu về Đông Nam Á, cho biết: “Điều này thúc đẩy Việt Nam theo hướng giao dịch kinh doanh mang tính cá nhân hơn, thay vì đầu tư nhiều hơn vào thị trường, tính minh bạch và tính đồng nhất”.
Ông nói thêm rằng mọi thứ diễn ra càng nhanh thì nguy cơ xảy ra các vấn đề lớn càng lớn. Tại Indonesia, chính quyền đã dừng xây dựng một dự án sân golf khác của Trump trong năm nay vì quản lý nước kém. Ông Đặng Thành Tâm, đối tác xây dựng địa phương của Trump tại Việt Nam, đã hứa tại lễ động thổ sẽ tiếp tục làm việc nhanh chóng trước khi bàn giao dự án sân golf tư nhân cho Trump Organization để vận hành.
Đối với những người thắc mắc về đất đai của gia đình họ, tốc độ thay đổi khiến rắc rối có vẻ như không thể tránh khỏi và đang rất cận kề.
“Chỉ trong năm ngày, họ đã lấp đầy toàn bộ đất đai ở nông trại đó và dựng lều để làm lễ động thổ”, bà Đỗ Thị Suất, 63 tuổi, vừa xem lễ động thổ cạnh một hàng cây bà mới trồng cạnh nhà, vừa nói. “Sao họ lại hành động nhanh thế nhỉ?”
“Họ sẽ lấy đi đất đai của chúng tôi,” bà nói. “Chúng tôi sẽ sống sao đây?”

Bức hình chỉ tôi có.

0
Có 11 khuôn mặt già, trẻ trong bức hình dưới đây, ( thêm một người chụp hình nên không có mặt), nhưng chỉ mình tôi sở hữu bức hình này.
Mười tám năm trôi qua, đến thời điểm 2025, tôi biết chính xác đã có 3 người trong bức hình trả xong nợ đời trở về Cát Bụi, (trong đó có thân mẫu Phạm Thanh Nghiên) 3 người đã trải qua tù đày, có 1 người đang trong tù lần thứ 2, 2 người đang tị nạn chính trị tại Mĩ, một người rời cuộc chơi, các người khác tôi không rõ.
Tấm hình được chụp vào trưa ngày 11/5/2007, tại một con phố nhỏ cách tòa án nhân dân Hà Nội 2 con phố.
Đó là ngày chúng tôi dự định cùng có mặt trước tòa án nhân dân Hà Nội để phản đối phiên tòa sơ thẩm xử Ls Nguyễn Văn Đài và Ls lê Thị Công Nhân với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”
Sáng hôm ấy An ninh Hà Nội bủa vây hai đầu phố, mỗi nơi cách cổng tòa án 200 – 300 m, khiến không ai trong chúng tôi đến được gần tòa án. Chúng tôi, người đến trước, người đến sau bị an ninh Hà Nội dồn ra xa và tìm, tụ lại với nhau tại con phố này.
Sau này được biết, công an Hải Phòng bám theo ông Vũ Cao Quận ngay từ Hải Phòng. Họ chặn xe ôm chở ông Quận tại một con phố cách tòa án khá xa. Họ bắt cóc ông Quận vào một quán cà phê và nửa thuyết phục, nửa cưỡng bức ông Quận ngồi uống cà phê cùng họ tại đó đến tận phiên tòa kết thúc. Ở phía Tây, bác sĩ Phạm Hồng Sơn đến được gần tòa án thì bị công an nhận diện. Họ cưỡng bức bác sĩ lên xe cảnh sát, hú còi ầm ĩ, chở bác sĩ ra tận ngoại thành Hà Nội, đẩy bác sĩ xuống xe, bác sĩ tự tìm phương tiện về Hà Nội.
Trong nhóm tụ hội được chúng tôi có luật sư Lê Quốc Quân. Anh quay lại, nói to: ” Ta phải phá vòng vây. Không có luật nào bắt chúng ta đứng hàng giờ tại đây!” Nói rồi Quân đi lên trước, tôi lên sau. Đám công an xô ra chặn đường, kéo Lê Quốc Quân đi, (vì vậy anh không có mặt trong tấm hình.) Một gã dùng chân “tác động vật lý” vào hạ bộ tôi và dùng tay đẩy tôi trở lại. ( RFA có đề cập đến chi tiết buồn cười này).
Đáng lẽ có 11 biểu ngữ trên tay 11 người trong hình; biểu ngữ bằng giấy khổ A3 với câu: ” Ls Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân vô tội”. Người giữ nó, nhận ra có nguy cơ bị vây ráp cùng chúng tôi, đã rời khỏi nhóm trước khi chúng tôi cần đến.
Tôi trân quý quá khứ, vì tôi hy vọng vào tương lai

Bị cấm vì bất đồng chính kiến: Cuộc chiến chống Harvard của Trump đã vạch trần Sách lược độc đoán

Tác giả: Tony Pentimalli
Vào ngày 22 tháng 5 năm 2025, chính quyền Trump đã tước giấy chứng nhận tuyển sinh sinh viên quốc tế theo Chương trình sinh viên và trao đổi khách mời của Đại học Harvard. Nếu không có giấy chứng nhận đó, Harvard không thể nhận thêm sinh viên nước ngoài hoặc tiếp nhận hợp pháp gần 6.800 sinh viên đã đăng ký. Những sinh viên đó hiện phải đối mặt với hai lựa chọn: chuyển trường ngay lập tức hoặc chuẩn bị bị trục xuất.
Cái cớ chính thức là gì? Harvard bị cáo buộc đã không cung cấp thông tin về sinh viên quốc tế tham gia các cuộc biểu tình chính trị. Chính quyền, do Bộ trưởng DHS Kristi Noem đứng đầu, cũng cáo buộc trường đại học này nuôi dưỡng chủ nghĩa bài Do Thái và hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Không có bằng chứng nào được đưa ra. Không có phiên điều trần nào được tổ chức. Không có sự thật nào được đưa ra. Điều quan trọng là quyền lực. Và Harvard đã bị nhắm đến để gửi một thông điệp.
Đây không phải là chính sách. Đây là hình phạt.
SEVP là một chương trình liên bang cho phép các trường đại học tài trợ hợp pháp cho sinh viên quốc tế theo thị thực du học. Khi chứng nhận đó bị thu hồi, sinh viên sẽ mất tư cách pháp lý trong vòng 60 ngày trừ khi họ tìm được một tổ chức khác sẵn sàng và có khả năng tiếp nhận họ. Hầu hết sẽ không. Tác động là nhanh chóng, tàn khốc và theo chủ đích.
Leo Gerdén, sinh viên Harvard, một công dân Thụy Điển, đã nói rõ điều đó. Phát biểu với Harvard Crimson, anh ấy đã cầu xin một phản ứng pháp lý mạnh mẽ: “Mọi công cụ có sẵn mà họ nên sử dụng để cố gắng thay đổi điều này… bất cứ điều gì họ có thể sử dụng mạng lưới chính trị của mình tại Quốc hội [để làm]. Đây phải là ưu tiên số một cho đến nay”.
Và anh ấy đã đúng. Đây không phải là một quyết định đơn lẻ. Đây là một phần của mô hình trả đũa ngày càng gia tăng của chính phủ đối với các trường đại học được coi là không đủ trung thành. Chỉ trong năm qua, chính quyền Trump đã đóng băng hàng tỷ đô la tiền tài trợ nghiên cứu, đe dọa đến tình trạng miễn thuế của các trường đại học tổ chức biểu tình và tiến hành điều tra các quỹ tài trợ. Bây giờ họ đã chuyển sang thu hồi quyền tiếp cận thị thực sinh viên.
Họ bắt đầu với Harvard vì đó là viên ngọc quý. Nhưng nếu điều đó có thể xảy ra ở đó, thì nó có thể xảy ra ở bất cứ đâu.
Cái cớ biện minh—“an ninh quốc gia”—là vỏ bọc mỏng manh cho hành vi độc đoán. Tội danh thực sự duy nhất của Harvard là cho phép biểu tình phản đối các chính sách của Trump và phản đối sự can thiệp quá mức của chính phủ. Vì điều này, trường đã bị coi là kẻ thù trong nước.
Chính quyền này đã từng làm như vậy. Năm 2020, Trump đã cố gắng trục xuất những sinh viên nước ngoài có lớp học trực tuyến trong thời gian đại dịch. Kế hoạch đó đã sụp đổ dưới áp lực pháp lý, do Harvard và MIT dẫn đầu. Ký ức đó vẫn còn cháy bỏng. Bây giờ, với ít trở ngại pháp lý hơn và một Bộ Tư pháp đầy những người trung thành, Trump đã quay trở lại để trả thù.
Và không chỉ là hành vi quan liêu. Sinh viên đang bị săn lùng vì bài phát biểu của họ. Mahmoud Khalil, một sinh viên của Đại học Columbia và là người tổ chức biểu tình, đã bị các đặc vụ ICE bắt giữ vào tháng 3. Anh ta không vi phạm luật nào. Tội duy nhất của anh ta là bất đồng chính kiến. Và anh ta không đơn độc.
Đây là sách lược độc đoán. Hình sự hóa biểu tình. Đồng nhất người sinh ra ở nước ngoài với mối đe dọa từ nước ngoài. Sử dụng luật nhập cư để loại bỏ bất đồng chính kiến ​​và tuyên bố rằng đó là vì sự an toàn. Từ Putin đến Erdoğan đến Tập Cận Bình, chiến thuật vẫn như vậy. Chúng ta đang chứng kiến ​​chiến thuật này diễn ra ở Hoa Kỳ.
Sự im lặng của các nhà lập pháp Cộng hòa không phải là thụ động. Đó là sự đồng lõa. Họ đang reo hò khi cả một lớp sinh viên bị lưu đày vì lên tiếng. Cùng một đảng phản đối văn hóa hủy bỏ đang vui vẻ theo dõi Harvard bị hủy bỏ về mặt chính trị giữa ban ngày.
Và trong khi công chúng tranh luận liệu điều này có quá khắc nghiệt hay có thể bảo vệ về mặt pháp lý hay không, thì hậu quả đã diễn ra. Các gia đình đang bị chia cắt. Bằng cấp đang bị cắt ngắn. Sự nghiệp đang kết thúc trước khi chúng bắt đầu. Tất cả chỉ vì tổng thống muốn làm gương cho kẻ thù của mình.
Vấn đề không phải ở Harvard. Vấn đề là về kiểm soát. Vấn đề không phải ở chủ nghĩa bài Do Thái hay Trung Quốc hay sự an toàn. Vấn đề là ai được thách thức quyền lực và ai bị trừng phạt vì đã cố gắng.
Nếu chúng ta để điều này xảy ra, chúng ta không chỉ làm hỏng một trường đại học. Chúng ta đang bật đèn xanh cho một chính phủ hiện đang trừng phạt những cuộc biểu tình, xóa bỏ quy trình tố tụng hợp pháp và nhắm vào những người dễ bị tổn thương để đe dọa những người còn lại.
Đây là cách các nền dân chủ sụp đổ. Không phải với tiếng nổ lớn. Nhưng với sự lưu vong lặng lẽ của 6.800 sinh viên, và một quốc gia quá mệt mỏi—hoặc quá sợ hãi—để ngăn chặn điều đó.
*Tony Pentimalli là một nhà phân tích chính trị và nhà bình luận đấu tranh cho nền dân chủ, công lý kinh tế và công bằng xã hội. Hãy theo dõi ông để có những phân tích sắc sảo và những lời chỉ trích mạnh mẽ trên Facebook và BlueSky
@tonywriteshere.bsky.social
Banned for Dissent: How Trump’s
War on Harvard Exposed the
Authoritarian Playbook
By Tony Pentimalli
On May 22, 2025, the Trump administration stripped Harvard University of its certification to enroll international students under the Student and Exchange Visitor Program. Without that certification, Harvard cannot admit new foreign students or legally host the nearly 6,800 who are already enrolled. Those students now face two choices: transfer immediately or prepare for removal.
The official excuse? Harvard allegedly failed to provide information about international students involved in political protests. The administration, led by DHS Secretary Kristi Noem, also accused the university of fostering antisemitism and collaborating with the Chinese Communist Party. No evidence was presented. No hearings were held. No facts were offered. What mattered was power. And Harvard was targeted to send a message.
This isn’t policy. It’s punishment.
The SEVP is a federal program that allows colleges to legally sponsor international students on student visas. When that certification is revoked, students lose their legal status within 60 days unless they find another institution willing and able to take them. Most won’t. The impact is swift, devastating, and by design.
Harvard student Leo Gerdén, a Swedish national, made that clear. Speaking to the Harvard Crimson, he pleaded for an aggressive legal response: “Every tool available they should use to try and change this… whatever they can use their political network in Congress [for]. This should be, by far, priority number one.”
And he’s right. This is not an isolated decision. It is part of a growing pattern of government retaliation against universities viewed as insufficiently loyal. In just the past year, the Trump administration froze billions in research grants, threatened the tax-exempt status of colleges that hosted protests, and launched investigations into endowments. Now they’ve moved to revoking student visa access.
They started with Harvard because it’s the crown jewel. But if it can happen there, it can happen anywhere.
The justification—“national security”—is thin cover for authoritarian behavior. Harvard’s only real offense was allowing protests against Trump’s policies and standing up to government overreach. For this, it has been branded a domestic enemy.
This administration has done this before. In 2020, Trump tried to deport foreign students whose classes went online during the pandemic. That plan collapsed under legal pressure, led by Harvard and MIT. The memory still burns. Now, with fewer legal obstacles and a DOJ stacked with loyalists, Trump is back for revenge.
And it’s not just bureaucratic. Students are being hunted for their speech. Mahmoud Khalil, a Columbia University student and protest organizer, was detained by ICE agents in March. He had violated no law. His only crime was dissent. And he’s not alone.
This is the authoritarian playbook. Criminalize protest. Equate foreign-born with foreign threat. Use immigration law to root out dissent and claim it’s about safety. From Putin to Erdoğan to Xi Jinping, the tactic is the same. We are now watching it play out in the United States.
The silence from Republican lawmakers isn’t passive. It is complicity. They are cheering as an entire class of students is exiled for speaking out. The same party that rails against cancel culture is watching gleefully as Harvard is politically canceled in broad daylight.
And while the public debates whether this is too harsh or legally defensible, the consequences are already unfolding. Families are being separated. Degrees are being cut short. Careers are ending before they begin. All because the president wanted to make an example of his enemies.
This is not about Harvard. It’s about control. This is not about antisemitism or China or safety. It’s about who gets to challenge power and who is punished for trying.
If we let this stand, we aren’t just failing a university. We are greenlighting a government that now punishes protest, erases due process, and targets the vulnerable to scare the rest.
This is how democracies collapse. Not with a bang. But with the quiet exile of 6,800 students, and a nation too tired—or too afraid—to stop it.
*Tony Pentimalli is a political analyst and commentator fighting for democracy, economic justice, and social equity. Follow him for sharp analysis and hard-hitting critiques on Facebook and BlueSky
@tonywriteshere.bsky.social

HÃY ĐỂ ÔNG TA BIẾN MẸ NÓ ĐI

0
Nguyễn Tuấn (dịch)
Về tình hình nội bộ Trung Quốc ngày 26/5/2025 Phóng viên Lý Tịnh Dao (李净瑶 ) có bài bình luận dưới nhan đề “ Khẩu hiệu ở cao tầng “ Hãy để ông ta biến mẹ nó đi” Uông Dương đã dẫn trước Hồ Xuân Hoa tiếp nhận Tổng bí thư”. Tất nhiên chỉ là tin tham khảo nhưng có tình tiết Tập Cận Bình nói với các lãnh đạo lão thành :” Hãy để tôi hạ đài có thể diện” nên tôi dịch ra cho bạn nào thích tham khảo.
Nội dung:
Gần đây, có thông tin Hồ Cẩm Đào và Trương Hựu Hiệp chỉ định Uông Dương và Hồ Xuân Hoa là người kế nhiệm. Uông Dương đã bắt đầu dẫn đầu Hồ Xuân Hoa trong danh sách người kế nhiệm. Người ta nói rằng Uông Dương sẽ chủ trì lễ duyệt binh tại lễ duyệt binh lần thứ 93 năm nay. Ngoài ra, một khẩu hiệu mới gần đây đã trở nên phổ biến trong giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc: “Hãy để ông ấy biến mẹ nói đi có thể diện “.
KHẨU HIỆU MỚI TỪ CAO TẦNG: HÃY ĐỂ ÔNG TA BIẾN MẸ NÓ ĐI MỘT CÁCH CÓ THỂ DIỆN
Nhà kinh tế học và nhà thơ Tô Tiểu Hoà tiết lộ trên phương tiện truyền thông của mình rằng Tập Cận Bình được cho là đã đưa ra yêu cầu với các bậc nguyên lão: “Hãy để tôi hạ đài có thể diện”. Vì vậy, một khẩu hiệu mới gần đây đã trở nên phổ biến trong giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc: “Hãy để ông ấy biến mẹ nói đi một cách có thể diện”. Tô Tiểu Hoà nói rằng câu nói này có lịch sử. Khi Tập Cận Bình mới lên nắm quyền, không ai lạc quan về ông và nói ông là một kẻ ngốc nghếch. “Từ Tài Hậu chỉ nói một câu: để ông ta làm năm năm rồi cho biến mẹ nó đi. Vào thời điểm đó, mọi người chỉ nghĩ Tập Cận Bình là một người ngoài cuộc, nhưng họ không ngờ ông lại ngầu đến vậy. Ông đã làm việc hơn mười năm và vẫn chưa nghỉ hưu. “
Bây giờ, các chính trị gia lão thành đã đồng ý để Tập Cận Bình hạ đài có thể diện , “nhưng người ta nói rằng một cuộc trưng cầu toàn đảng sẽ được tổ chức vào tháng 7/2025 để tóm tắt và đánh giá lịch sử của Tập. Đánh giá các thành viên và thúc đẩy dân chủ nội bộ đảng, bắt đầu từ Chủ tịch Tập và sau đó Tập sẽ hạ đài có thể diện.”
Tô Tiểu Hoà tin rằng thực ra chính những chính trị gia lão thành đã lừa dối Chủ tịch Tập. “Hiện tại, tôi nghe nói các cựu lãnh đạo quân đội đã kiềm chế Tập Cận Bình, trong đảng đã hình thành xu hướng cải cách mở cửa, không có ý định đảo ngược xu hướng đó.” Ngoài ra, sức khỏe của Tập Cận Bình cũng đang gặp vấn đề. Nếu ai đó không có sức khỏe tốt thì sẽ bỏ cuộc. Có lẽ là do sức khỏe của Tập Cận Bình không tốt, và các nhà lãnh đạo quân sự cũ đã gây sức ép với ông nên ông buộc phải từ chức một cách có thể diện.

Uông Dương Vương Hỗ Ninh và Thái Kỳ
UÔNG DƯƠNG TRỞ THÀNH TỔNG BÍ THƯ VÀ HỒ XUÂN HOA TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG
Gần đây, tin tức lan truyền trên mạng rằng Hồ Cẩm Đào và Trương Hựu Hiệp đã chỉ định Vương Dương và Hồ Xuân Hoa là người kế nhiệm. Uông Dương đã bắt đầu dẫn đầu Hồ Xuân Hoa trong danh sách người kế nhiệm. Tin tức cho biết Uông Dương sẽ giữ chức Tổng thư thư và Hồ Xuân Hoa sẽ giữ chức Thủ tướng.
Nhà bình luận “Hiểu Thuyết Gia” tiết lộ trên phương tiện truyền thông của mình rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc chắc chắn sẽ tổ chức duyệt binh vào ngày 3/9 năm nay để kỷ niệm 80 năm chiến thắng của cuộc chiến tranh chống phát xít. “Tập Cận Bình không thể chủ trì ngày này. Quân đội có thể để một người không có quyền lực quân sự nào chủ trì một cuộc diễu binh không? Vậy thì ông ta hẳn đã từ chức từ lâu rồi.”
Theo thông tin đáng tin cậy mà “Hiểu Thuyết Gia” thu thập được từ Trung Quốc, Hội nghị toàn thể lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 6 hoặc tháng 7. Đối với phe chống Tập, cuộc họp càng sớm càng tốt, nếu không đêm dài lắm ma, biến số càng lớn. “Theo tiết lộ, lễ duyệt binh lần thứ 93 năm nay sẽ do Uông Dương chủ trì. Nếu Uông Dương chủ trì, ông ta sẽ đảm nhiệm chức vụ Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương.”
“Hiểu Thuyết Gia” phân tích, độ tin cậy của những tiết lộ này cực kỳ cao, bởi vì Uông Dương đều giỏi hơn Hồ Xuân Hoa về lý lịch và trình độ. Ý tưởng của Uông Dương rất cải cách. “Hồ Xuân Hoa tụt hậu vì ông chưa từng là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, trong khi Uông Dương từng là Ủy viên nhưng buộc phải nghỉ hưu sớm tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX. Do đó, ngoại trừ tuổi tác và việc ông sẽ trở lại sau khi nghỉ hưu, Uông Dương là người kế nhiệm hoàn hảo ở các phương diện khác.”
“Hiểu Thuyết Gia” cho biết, những người kế nhiệm được phe chống Tập cân nhắc là Uông Dương và Hồ Xuân Hoa. Theo tiết lộ, Uông Dương đã nắm quyền lãnh đạo và rất có khả năng trở thành tổng bí thư. “Nếu Uông Dương tham dự lễ duyệt binh lần thứ 93, ông ấy sẽ là người lãnh đạo cao nhất. Đây sẽ là cách an toàn nhất để Uông Dương nắm quyền và sau đó trao lại cho Hồ Xuân Hoa tại Đại hội toàn quốc lần thứ 21. Hồ Xuân Hoa sẽ là thủ tướng, sau đó đạt được một số thành tựu trong Ủy ban thường vụ. Sau đó, tại Đại hội toàn quốc lần thứ 21, sẽ chính thức được thăng chức từ thủ tướng lên tổng bí thư.”
HỒ XUÂN HOA VIẾNG TANG CỰU CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM
Cùng thời điểm, ngày 25/5/2025, Phó chủ tịch thứ hai Ủy ban toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân Trung Quốc Hồ Xuân Hoa đã đến Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để thay mặt Đảng Cộng sản Trung Quốc chia buồn với nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương vừa qua đời, thu hút sự chú ý.
Gần đây, Hồ Xuân Hoa đã hoạt động trở lại, đến thăm An Huy và nhiều nước châu Phi. Khương Duy Bình, cựu giám đốc Văn phòng Đông Bắc của Văn Hối Báo Hồng Kông, đã suy đoán trên phương tiện truyền thông của riêng mình rằng có khả năng rất lớn là Hồ Xuân Hoa sẽ nhậm chức và động lực thay thế Tập Cận Bình của Hồ Xuân Hoa là không thể ngăn cản.
Hiểu Thuyết Gia tin rằng chuyến thăm của Hồ Xuân Hoa tới Đại sứ quán Việt Nam thay mặt Đảng Cộng sản Trung Quốc để viếng cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một tín hiệu rõ ràng về sự kế nhiệm.
PHE CHỐNG TẬP KIỂM SOÁT TÌNH HÌNH CHUNG VÀ BỘ CHÍNH TRỊ SẼ TRẢI QUA MỘT CUỘC CẢI TỔ LỚN
Gần đây, cuộc thanh trừng quân đội của Tập vẫn đang tiếp diễn. Gần đây, có tin tức cho biết Hà Hoành Quân và Hà Vệ Đông đã chết trong quá trình thẩm vấn. Tính đến thời điểm hiện tại, các tướng lĩnh đã được xác nhận đã bị cách chức bao gồm Ủy viên Quân uỷ, Chủ nhiệm Công tác Chính trị thượng tướng Miêu Hoa , Phó Chủ tịch Quân uỷ Hà Vệ Đông, Tư lệnh Chiến khu Đông Lâm Hướng Dương, Tư lệnh Chiến khu Tây Vương Hải Giang, Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Vương Hậu Bân, Tư lệnh Lực lượng Cảnh sát vũ trang Vương Xuân Ninh, Chính ủy Lực lượng Cảnh sát vũ trang Trương Hồng Binh, Phó Chủ nhiệm thường trực Cục Công tác Chính trị Hà Hoành Quân và Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Vương Nhân Hoa.
Nhà bình luận chỉ ra rằng cuộc thanh trừng quân đội quy mô lớn này là chưa từng có kể từ khi cải cách và mở cửa. “Từ danh sách, chúng ta có thể thấy rằng một phần ba số người đã bị thanh trừng. Người ta ước tính rằng một hoặc hai người nữa sẽ bị thanh trừng khỏi danh sách này, bởi vì họ vẫn đang bị thẩm vấn. Nhưng bây giờ tình hình về cơ bản đã được kiểm soát.”
Hiểu Thuyết Gia suy đoán rằng cuộc thanh trừng Bộ Chính trị tại Hội nghị toàn thể lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương khóa 20 sẽ diễn ra dữ dội hơn vì Bộ Chính trị do phe Tập chi phối. Phe chống Tập hiện nay mạnh hơn nhiều so với Bộ Chính trị và họ cũng đã chiêu mộ được cả Thạch Thái Phong. “Tôi dự đoán rằng Hội nghị toàn thể lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20 có thể thay thế 10 hoặc nhiều hơn trong số 24 thành viên Bộ Chính trị. Vì vậy, việc cải tổ Bộ Chính trị sẽ rất bi thảm. Nếu Tập Cận Bình vẫn còn nắm quyền, ông sẽ không thanh trừng quân đội theo cách này, bởi vì họ đều là tướng lĩnh được Tập Cận Bình thăng chức.”