Home Blog Page 1476

2016: ’11 người bị bắt, 202 người bị đánh’

Ngày 27/2, Hội cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam công bố cáo cáo vi phạm nhân quyền giai đoạn 2015-2016.

Báo cáo cho biết chính quyền gia tăng “tấn công nhắm vào những người tham gia mạng xã hội, người bất đồng chính kiến, người bảo vệ nhân quyền, và cả dân thường,” với 11 người bị bắt giam và 202 người bi đánh đập trong năm 2016.

Báo cáo cũng cho biết trong năm 2015 số người bị bắt là 9 và số người bị đánh đập là 157.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, anh Phạm Bá Hải, điều phối viên của Hội cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam cho VOA biết:

“Báo cáo vi phạm nhân quyền ở Việt Nam 2015-2016 tập trung việc trấn áp của chính quyền với người bất đồng chính kiến và những người bảo vệ nhân quyền, đặc biệt trong số đó có thường dân, những nạn nhân của chính sách bất cập. Chúng tôi làm rõ vấn đề chính quyền Việt Nam đã sử dụng bạo lực để tấn công những người này. Chúng tôi cũng kêu gọi nhà nước Việt Nam cần chấm dứt các hành động dùng bạo lực.”

Trong báo cáo này lần này, Hội cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam tập trung vào mối tương quan giữa chính quyền và người bất đồng chính kiến, người bảo vệ nhân quyền. Con số trong thống kê này được thu thập qua các hệ thống truyền thông trong và ngoài nước và mạng lưới cộng tác viên.

Biểu đồ - Báo cáo vi phạm Nhân quyền Việt Nam 2015-2016 của FVPOC. (Ảnh: FVPOC.org)

Biểu đồ – Báo cáo vi phạm Nhân quyền Việt Nam 2015-2016 của FVPOC. (Ảnh: FVPOC.org)

“Chúng tôi cũng muốn cho thế giới thấy rõ Việt Nam trong 3 năm qua là thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhưng họ không thật sự cải thiện vấn đề tôn trọng nhân quyền. Theo số liệu chúng tôi công bố, thì càng ngày chính quyền Việt Nam càng trấn áp thô bạo hơn đối với người bất đồng chính kiến.”

Theo anh Phạm Bá Hải, Hội cựu tù nhân lương tâm là một tổ chức xã hội dân sự có các thành viên là cựu tù nhân lương tâm, theo khái niệm của tổ chức Ân xá Quốc tế, đã từng trải qua nhiều năm trong tù.

Nhiệm vụ của hội là đấu tranh “cho một đất nước Việt Nam không còn tù nhân lương tâm. Hội kêu gọi Việt Nam thả các tù nhân lương tâm hiện còn ở trong tù, dù biết rằng công việc này là rất khó khăn “thậm chí chúng tôi phải đối mặt với nguy cơ tiếp tục đi vào tù một lần nữa”, anh Hải cho biết.

“Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh và tiếp tục lên tiếng trong và ngoài nước, kêu gọi các tổ chức quốc tế, các tổ chức nhân quyền ra áp lực Việt Nam thả tất cả các tù nhân.”

“Theo như chúng tôi tìm hiểu và nghiên cứu, chính quyền Việt Nam có đánh đập và bắt bớ nhiều từ giữa năm 2016 đến nay, sau sự kiên Formosa. Số lượng nạn nhân vị đánh đập rất lớn, đó là những người đã tuần hành ôn hòa và bị cảnh sát cơ động và cảnh sát môi trường đánh đập. Tiếp theo sau đó là những người sử dụng mạng truyền thông để đưa tin về vấn đề này, trong đó cũng có vấn đề bất cập về chính sách an sinh xã hội. Các blogger làm truyền thông đều trở thành đối tượng của các vụ bất bớ gần đây.”

Theo anh Hải, nhóm anh Lưu Văn Vịnh bị bắt giữ theo điều 79, cho thấy “chính quyền Việt Nam sợ hãi tất cả những ai bày tỏ ước vọng rằng Việt Nam sẽ tiến đến nền dân chủ đa nguyên thì họ đều mạnh tay bắt bớ.”

Anh Hải nói trong hai tháng đầu năm của 2017, người bị tấn công bị liên quan đến vấn đề Formosa và khuynh hướng này sẽ tiếp tục gia tăng trong năm nay.

Hội cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam kêu gọi chính quyền Việt Nam phải chấm dứt sử dụng bạo lực tấn công giới bất đồng chính kiến, tôn trọng nhân phẩm và quyền con người khi người dân thực thi quyền của mình, đặc biệt là quyền bày tỏ ôn hòa nơi công cộng. Ngoài ra, Hội kêu gọi chính quyền Việt Nam thừa nhận và tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội dân sự độc lập phát triển, và đồng thời thả vô điều kiện tất cả 66 tù nhân lương tâm hiện đang bị giam giữ.

Ân xá Quốc tế yêu cầu VN tuân thủ Quy tắc Nelson Mandela

VOA

Tổ chức Ân xá Quốc tế vừa gửi thư ngỏ cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm để bày tỏ quan ngại về điều kiện giam giữ “vi phạm Quy tắc Nelson Mendela” đối với trường hợp của ông Trần Huỳnh Duy Thức, người đang chịu án tù 16 năm về tội “tuyên truyền chống Nhà nước XHCN Việt Nam” theo Điều 88.

Trong thư, tổ chức Ân xá Quốc tế nêu lên quan ngại về “tình trạng giam giữ không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế” đối với ông Thức, “làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tinh thần” của ông.

Ân xá Quốc tế nói điều kiện giam giữ ông Thức hiện nay vi phạm nhiều điều khoản của Quy tắc Nelson Mandela của Liên Hiệp Quốc, quy định về việc giam giữ tù nhân.

“Tại trại giam hiện nay – trại giam số 6 – ông không được cung cấp đủ ánh sáng trong buồng giam khi điện bị cắt vào mỗi buổi sáng để ông có thể đọc và viết thoải mái”, trích từ thư ngỏ.

Ân xá Quốc tế nói điều này vi phạm quy tắc 14(a) và 14(b) của Quy tắc Nelson Mandela, quy định “Cửa sổ buồng giam phải đủ lớn để tù nhân có thể đọc và làm việc bằng ánh sáng tự nhiên, và phải được xây dựng để không khí có thể lưu thông trong điều kiện có hay không có hệ thống thông gió nhân tạo” và “ánh sáng nhân tạo phải được cung cấp cho tù nhân để có thể đọc và viết mà không gây tổn thương mắt và thị giác”.

Bà Lê Đinh Kim Thoa, vợ ông Trần Huỳnh Duy Thức, cho VOA biết trong lần thăm mới nhất, gia đình muốn gửi cho ông Thức một đèn pin bằng nhựa, sau khi biết ông bị giam trong tình trạng thiếu ánh sáng dẫn tới bị suy giảm thị lực nghiêm trọng. Nhưng trại giam đã không cho phép ông Thức nhận đèn pin.

Thân nhân ông Thức nói họ bị gây khó dễ đủ kiểu. Em trai ông Thức, ông Trần Huỳnh Duy Tân, nói với VOA:

“Họ bố trí để gặp anh Thức trong một phòng đặc biệt, cách ngăn bằng một tấm kiếng, nói chuyện cũng khó, ảnh cũng không thể bắt tay được người nhà. Họ đối xử rất tàn bạo với gia đình và anh Thức trong chuyện đó”.

“Hồi trước, cái đường mà ảnh đi từ trại giam đi ra, gia đình đi từ ngoài vô, có một cái cổng làm bằng hàng rào. Gia đình còn tranh thủ bắt tay được với ảnh. Nhưng đến lần thứ hai thì họ lấy một tấm tôn chắn ngang luôn. Họ cắt luôn con đường mà chỉ để thọt tay qua hàng rào nắm tay ảnh một cái, để ảnh nắm tay vợ con một cái, mà họ cũng không cho, họ ngăn luôn”.

Theo tổ chức Ân xá Quốc tế, việc trại giam không cho phép ông Thức gửi và nhận thư từ hay tiếp cận các ấn phẩm, tài liệu là vi phạm điều 58(1) và 64 của Quy tắc Nelson Mandela.

Ngoài ra, “trong quá trình thụ án, ông bị chuyển trại nhiều lần mà không báo trước cho gia đình, khiến họ phải đi quãng đường xa để thăm ông”, điều này vi phạm điều 59 trong quy tắc của Liên Hiệp Quốc.

Quy tắc Nelson Mandela quy định “tù nhân phải được giam giữ, trong phạm vi có thể, ở những trại giam gần nhà hay nơi phục hồi xã hội của họ”.

Kể từ khi ông Thức bị chuyển ra trại giam ở Nghệ An, gia đình không thể đi thăm ông mỗi tháng như trước đây vì nhiều điều kiện trở ngại.

Gia đình ông Thức nói họ rất lo ngại cho tình trạng sức khỏe của ông, đặc biệt sau khi được cập nhật tin tức từ nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, người bị giam chung với ông Thức ở trại Xuyên Mộc, vừa mãn hạn tù 4 năm về Điều 88.

“Thời gian ở Xuyên Mộc, anh Thức cũng bị xỉu vài lần. Có lần đang nằm trên giường, ảnh xỉu, té xuống đất, may mà có cái thùng đỡ được cái đầu. Lần thứ 2 là ở trong nhà vệ sinh trong đó, ảnh bị xỉu, té xuống đập bể cái thau luôn. Gia đình rất lo. Mới cách đây vài ngày gặp Trần Vũ Anh Bình mới biết được chuyện đó nên gia đình rất lo. Hồi nào tới giờ ảnh có bệnh huyết áp thấp, thêm điều kiện như thế này thì rất nguy cho sức khỏe của ảnh”.

Tổ chức Ân xá Quốc tế yêu cầu chính quyền Việt Nam tuân thủ Quy tắc Nelson Mandela, đối xử với ông Thức bằng sự tôn trọng và phẩm giá, đồng thời “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” cho ông Thức và các tù nhân lương tâm khác.

Ngay sau cuộc Đối thoại Nhân quyền Mỹ-Việt tại Hà Nội vào ngày 23/5, phái đoàn Mỹ do Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề dân chủ, nhân quyền và lao động, bà Virginia Bennett, đã có cuộc gặp riêng với một số nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam vào ngày 24/5. Phía Việt Nam đề nghị chính phủ Hoa Kỳ quan tâm và can thiệp để ông Trần Huỳnh Duy Thức sớm được trả tự do.

Điều trần tại Hạ viện Mỹ về Nguyễn Hữu Tấn, chết trong đồn công an

Ngay trước khi Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sang Hoa Kỳ gặp Tổng Thống Donald Trump vào cuối tháng này, Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ mở một buổi điều trần vào ngày 25/5, về tình trạng vi phạm tự do tôn giáo, nhân quyền đang diễn ra ở Việt Nam.

Dân Biểu Christopher Smith thuộc đảng Cộng Hoà, đại diện bang New Jersey, cho biết lý do điều trần trong một thông cáo: “Chính quyền cộng sản Việt Nam giới hạn tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng, và Uỷ ban Tự Do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), vừa khuyến nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt nam trở lại danh sách Quốc gia phải Quan tâm Đặc biệt –CPC.”

Dân biểu Smith nói: “Khi Thủ Tướng Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ cuối tháng này, chính quyền Tổng thống Trump sẽ có một cơ hội để khẳng định: người dân Hoa Kỳ sẽ không tài trợ việc đàn áp nghiêm trọng các nhóm tôn giáo, các nhà tranh đấu dân chủ, các blogger và các nhà báo.”

Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch BPSOS Nguyễn Đình Thắng cho biết chị Nguyễn Thị Mỹ Phượng, chị ruột của anh Nguyễn Hữu Tấn, một tín hữu Hòa Hảo chết trong khi bị tạm giam ở Vĩnh Long, sẽ từ thành phố Atlanta, bang Georgia, tới Washington dự buổi điều trần này.

Chị Mỹ Phượng, định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1999, cho VOA biết chị và chồng sẽ có mặt ở thủ đô Washington vào ngày 25/5 để dự buổi điều trần do các dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ tổ chức.

Chị Phượng cho biết sẽ cố gắng đòi công lý cho người em đã chết oan tại đồn công an tỉnh Vĩnh Long hôm 3/5:

Em rất lo lắng cho gia đình, vì đang sống trong sự đe đọa: một người anh và một người em hiện đang gặp tình trạng rất nguy hiểm.

“Em rất lo lắng cho gia đình, vì đang sống trong sự đe đọa: một người anh và một người em hiện đang gặp tình trạng rất nguy hiểm, gia đình, ba mẹ của em rất là sợ, ủy quyền cho em để đòi công lý cho đứa em chết oan. Gia đình của em rất sợ hãi, không dám lên tiếng gì hết.”

Gia đình của ông Nguyễn Hữu Tấn ở tỉnh Vĩnh Long - Ảnh Facebook Vietnam Advocacy Day
Gia đình của ông Nguyễn Hữu Tấn ở tỉnh Vĩnh Long – Ảnh Facebook Vietnam Advocacy Day

Chị Mỹ Phượng nói trong những tuần qua gia đình ở Vĩnh Long đã bị công an áp lực và đe doạ nặng nề như tịch thu tất cả các máy điện thoại “có thể lưu trữ chứng cớ đi ngược với lời giải thích của công an về cái chết của Nguyễn Hữu Tấn.”

Theo chị Phượng, chính quyền còn đe doạ sẽ bắt giam anh trai và em trai của anh Tấn.

Trước đó, anh Nguyễn Hữu Tài, em trai của anh Tấn nói với VOA-Việt ngữ rằng gia đình không tin anh Nguyễn Hữu Tấn, người bị tạm giam theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam, chết do tự cắt vào cổ.

Anh Trần Thanh Hùng, chồng của chị Phượng, nói với VOA-Việt ngữ rằng công an tỉnh Vĩnh Long đã chiếu cho gia đình xem hai đoạn video khác nhau, theo đó công an cho rằng người cầm dao tự sát là anh Nguyễn Hữu Tấn.

Anh Hùng nói rõ sự khác biệt giữa video chiếu ngày 3/5 với video chiếu ngày 6/5 như sau:

“Lần đầu tiên mà ông già đến đồn công an và công an cho xem video, thì con dao cầm bên tay trái, hai tay không có bị còng, nhưng lại mặc đồ tù, chỉ thấy ngang vai, phớt qua thôi, cầm dao rạch hai, ba cái, rồi té xuống. Còn video họ đem ra chiếu lần thứ hai thì lại khác video lần thứ nhất mà ông già thấy. Trong video lần thứ hai thì hai tay bị còng, cầm dao rạch qua rạch lại mười mấy lần.”

Video họ đem ra chiếu lần thứ hai thì lại khác video lần thứ nhất.

Cũng theo anh Hùng, thông qua một nhà sư ở cùng chùa, công an địa phương đã gây áp lực với cha của anh Tấn, là một tu sĩ theo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, phải chấp nhận lời giải thích là anh Tấn đã dùng dao rọc giấy để tự cắt cổ cho đến chết trong đồn công an ngày 3/5.

Truyền thông trong nước đưa tin rằng ngày 6/5, Công an tỉnh Vĩnh Long đã công bố đoạn phim “ghi lại toàn bộ quá trình làm việc giữa cán bộ an ninh điều tra với Nguyễn Hữu Tấn và hành động tự sát của Nguyễn Hữu Tấn tại phòng hỏi cung của Trại tạm giam – Công an tỉnh.”

Báo VietnamNet nói rằng “sau khi xem đoạn phim trên, người thân, cha ruột và vợ của Nguyễn Hữu Tấn cùng các vị chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo, đoàn thể và người dân địa phương đã công nhận việc Nguyễn Hữu Tấn tự sát là đúng sự thật, còn những thông tin khác trên các trang mạng xã hội hiện nay là bịa đặt, vu khống.”

Ông Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch BPSOS, ông Dương Xuân Lương, đại diện Cao Đài Chơn Sanh, và Dân biểu Chris Smith, ngày 16/5/2017.
Ông Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch BPSOS, ông Dương Xuân Lương, đại diện Cao Đài Chơn Sanh, và Dân biểu Chris Smith, ngày 16/5/2017.

Thông cáo của dân biểu Chris Smith cho biết tham gia buổi điều trần tại Hạ viện, còn có tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch tổ chức phi chính phủ BPSOS, bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch tổ chức Yểm trợ Cao trào Nhân bản, và ông T. Kumar, Giám đốc phân ban Quốc tế của Ân Xá Quốc Tế.

Theo trang Machsongmedia, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng sẽ trình bày về các hành vi đàn áp nhắm vào các cộng đồng Phật giáo Thống nhất và Phật giáo Khmer Krom, các hội thánh Tin Lành Tây Nguyên và Tin Lành Hmong, các xứ đạo Công giáo Đông Yên và Cồn Dầu, các cộng đồng Cao Đài và Phật Giáo Hoà Hảo Độc Lập.

Điều trần về ‘khủng hoảng nhân quyền’ Việt Nam

Năm ngày trước khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc, hôm 25/5, một buổi điều trần về “khủng hoảng nhân quyền thầm lặng” của Việt Nam được tổ chức tại trụ sở Quốc hội Mỹ để hối thúc Tổng thống Trump ra điều kiện nhân quyền đối với chính phủ Hà Nội.

Chủ tọa buổi điều trần, dân biểu Chris Smith:

“Trong một thời gian quá dài, vấn đề nhân quyền Việt Nam được cho qua quá dễ dãi. Các nhà ngoại giao chỉ tập trung vào thực tế rằng Việt Nam “không phải là Trung Quốc”, trong khi nhà nước do công an nắm quyền áp bức này lại được hưởng các quyền lợi thương mại và an ninh mà không có điều kiện nào cả. Nhân quyền nên được đưa vào nội dung trong cuộc gặp giữa Tổng Thống Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào tuần tới.”

Nhân quyền nên được đưa vào nội dung trong cuộc gặp giữa Tổng Thống Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào tuần tới.

“Tổng thống Trump có cơ hội thực sự mang lại cải cách hữu hình ở Việt Nam nếu liên kết các mối quan hệ tốt hơn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam với những cải thiện trông thấy về nhân quyền,” ông Smith nhấn mạnh.

Lưu ý điểm yếu của chính quyền trước, Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền Toàn cầu ở Hạ viện, cho rằng cựu Tổng thống Obama đã ‘đánh mất một cơ hội’:

“Năm ngoái, ông Obama đã bỏ lỡ một cơ hội rất lớn để phóng thích cho những tù nhân chính trị Việt Nam. Thay vào đó, ông ấy chỉ như đang đi nghỉ dưỡng. Tôi đã cảm thấy cực kỳ thất vọng với chuyến đi đó của ông Obama. Chúng tôi muốn ông ấy đề cập đến những cái tên cụ thể, nhưng ngay khi Tổng thống Obama rời đi, chính quyền Hà Nội lại bắt còn nhiều người hơn thế.”

Dân biểu Smith nói trong suốt 42 năm qua, người dân Việt Nam không giàu hơn bao nhiêu, và nhân quyền cũng không khá hơn.

Trong khi đó, dân biểu Alan Lowenthal thuộc đảng Dân chủ cho rằng “nhân quyền ở Việt Nam đang biến mất.”

“Các giá trị nhân quyền ở Việt Nam đang biến mất. Trong suốt thời gian tôi làm dân biểu ở Quốc hội, tôi hoàn toàn không thấy sự tiến triển thật sự nào thông qua cách mà chính quyền đối xử công dân của mình.”

Dân biểu Ed Royce, đại diện bang California, kêu gọi không thể tách rời nhân quyền ra khỏi mối quan hệ kinh tế, thương mại:

“Mối quan hệ của chúng ta với Việt Nam đang phát triển, đặc biệt là về an ninh và thương mại, nhưng nhân quyền là giá trị cốt lõi đối với chúng ta, chúng ta không thể tách rời nhân quyền khi tăng cường mối quan hệ với chính phủ nước này.”

Một nhóm tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tại Mỹ đến dự phiên điều trần ngày 25/5

Một nhóm tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tại Mỹ đến dự phiên điều trần ngày 25/5

Chủ tọa buổi điều trần Chris Smith loan báo đã gửi thư cho Ngoại trưởng Rex Tillerson hối thúc Bộ Ngoại giao ưu tiên vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam vì “chính phủ nước này sách nhiễu quá mức đối với các nhóm tôn giáo.”

Các vụ vi phạm nghiêm trọng được nêu lên tại buổi điều trần bao gồm trường hợp của gia đình mục sư Nguyễn Công Chính và Hòa thượng Thích Quảng Độ.

Tham gia buổi điều trần, bà Nguyễn Thị Mỹ Phượng, chị ruột của anh Nguyễn Hữu Tấn, một tín đồ Hòa Hảo vừa thiệt mạng với các vết cắt trên cổ trong khi bị tạm giam ở Vĩnh Long, khẩn thiết kêu gọi:

Dân biểu Chris Smith và chị Nguyễn Thị Mỹ Phượng, chị ruột của anh Nguyễn Hữu Tấn

Dân biểu Chris Smith và chị Nguyễn Thị Mỹ Phượng, chị ruột của anh Nguyễn Hữu Tấn

“Gia đình của tôi rất lo sợ khủng hoảng. Tôi không muốn ai chết nữa hết. Cháu của tôi thấy cha của nó chết như vậy, nó quá khủng hoảng. Mẹ của nó thì ngồi đâu khóc đó. Cả nhà tôi đều lo sợ.”

Gia đình của tôi rất lo sợ khủng hoảng. Tôi không muốn ai chết nữa hết. Cháu của tôi thấy cha của nó chết như vậy, nó quá khủng hoảng. Mẹ của nó thì ngồi đâu khóc đó. Cả nhà tôi đều lo sợ

Các nhân chứng khác tham gia điều trần như đại diện Tổ chức Quốc tế Yểm trợ Cao trào Nhân bản, đại diện Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS, và ông T. Kumar, Giám đốc ban Quốc tế của tổ chức Ân xá Quốc tế đồng thanh thúc giục hành pháp-lập pháp Hoa Kỳ gây áp lực buộc chính quyền Việt Nam chấm dứt đàn áp nhân quyền và phóng thích tù nhân lương tâm.

Thông cáo cùng ngày từ văn phòng dân biểu Smith nói Hoa Kỳ nên “ra điều kiện” là chỉ khi nào Việt Nam có tiến bộ “đáng kể, có thể kiểm chứng, và có những cải tiến không thể đảo ngược” về tự do tôn giáo, quyền lao động, tự do Internet và các quyền tự do dân chủ khác, thì Hoa Kỳ mới mở rộng các lợi ích thương mại cho Việt Nam.

Thông cáo nêu rõ: “Những quyền tự do cơ bản này liên quan trực tiếp đến các lợi ích của Hoa Kỳ trong một môi trường kinh doanh tốt hơn, thương mại công bằng, sự tự tin cho nhà đầu tư, mở rộng tự do kinh tế và phát triển xã hội dân sự.”

“Không gây áp lực để có được tiến bộ thực sự về nhân quyền thì lực đẩy của Mỹ sẽ kém đi và sẽ làm thất vọng thế hệ trẻ ở Việt Nam. Rõ ràng là hiện nay Việt Nam đang cần thị trường Hoa Kỳ và các cam kết an ninh của Mỹ nhiều hơn là Mỹ cần thị trường và sự hợp tác an ninh của Việt Nam,” thông cáo nhấn mạnh.

Lệnh cấm di trú của Trump tiếp tục ‘mắc cạn’

Một tòa phúc thẩm ở Mỹ ngày 25/5 từ chối không cho phục hồi lệnh cấm di trú tạm thời của Tổng thống Donald Trump nhắm vào 6 nước có đa số dân theo Hồi giáo, mở màn cho một cuộc chiến pháp lý tại Tòa Tối cao để phân định thắng-bại.

Thẩm phán Roger Gregory nói sắc lệnh của ông Trump dùng những lời lẽ mơ hồ về an ninh quốc gia và bộc lộ sự kỳ thị, thù nghịch, và bất dung tôn giáo.

Tòa Bạch Ốc và Bộ Tư pháp chưa bình luận về diễn tiến này.

Tổng thống Trump nói lệnh cấm tạm thời của ông nhằm ngăn chặn các cuộc khủng bố tấn công nước Mỹ.

Vụ án này có thể sẽ đưa lên tới Tòa Thượng thẩm, nơi có phán quyết chung cuộc. Trong tiến trình này, chính phủ của ông Trump có thể đệ đơn khẩn cấp tìm cách hiệu lực hóa lệnh cấm của Tổng thống.

Thẩm phán Gregory dẫn phát biểu của ông Trump trong chiến dịch tranh cử 2016 gọi đây là ‘lệnh cấm Hồi giáo.’ Thẩm phán nói một người quan sát trung lập có thể kết luận rằng mục đích chủ yếu của lệnh cấm này nhằm cấm cửa người khác căn cứ vào niềm tin tôn giáo của họ.

Chính phủ lập luận rằng tòa không nên xét tới những bình luận của ông Trump hồi tranh cử vì những phát ngôn đó được đưa ra trước khi ông trở thành Tổng thống.

Tòa phúc thẩm bác quan điểm này, nói rằng những lời lẽ đó có thể là tiền đề động cơ hành động của ông Trump.

Chính phủ nói Tổng thống có thẩm quyền rộng ngăn cấm nhập cảnh Mỹ. Tòa phúc thẩm khẳng định Quốc hội cho Tổng thống quyền hạn rộng tay từ chối cho người nước ngoài vào Mỹ, nhưng thẩm quyền đó không phải là tuyệt đối.

Mỹ truy tố 7 người âm mưu đánh cắp bí mật thương mại

0

Bảy người bị truy tố về âm mưu đánh cắp bí mật thương mại của một doanh nghiệp Mỹ để trao cho một công ty tại Trung Quốc chuyên sản xuất sản phẩm cho hải quân dùng trong quân sự và dân sự.

Hai bị cáo bị bắt ngày 23/5 tại Washington D.C, ba người bị bắt tại Southern District bang Texas, và một người bị bắt tại tại Quận Massachusetts. Tất cả đều bị truy tố trước Tòa án Liên bang Washington D.C về tội âm mưu đánh cắp bí mật thương mại. Chính phủ cũng kiện tại Washington xin tước quyền dân sự hai bất động sản có liên hệ và có dính líu đến những hành vi bất hợp pháp.

Những người bị bắt và truy tố gồm 4 công dân Mỹ: Shan Shi, 52 tuổi, ở Houston, Texas; Uka Kalu Uche, 35 tuổi, ở Spring, Texas; Samuel Abotar Ogoe, 74 tuổi, ở Missouri City, Texas; và Johnny Wade Randall, 48 tuổi, ở Conroe, Texas.

Cùng bị truy tố là Kui Bo, 40 tuổi, công dân Canada cư ngụ tại Houston, và Gang Liu, 31 tuổi, có quốc tịch Trung Quốc nhưng ngụ tại Houston với tư cách thường trú nhân.

Ngoài ra, còn có một công dân Trung Quốc sống tại Trung Quốc tên là Hui Huang, 32 tuổi, cũng bị truy tố. Ông Hui Huang là công nhân của một công ty sản xuất Trung Quốc bị cáo buộc dính líu đến việc thuê mướn công nhân cho công ty Houston.

Theo cáo trạng, bí mật thương mại được đánh cắp để làm lợi cho một nhà sản xuất tại Trung Quốc. Nhà sản xuất là người có cổ phần duy nhất trong một công ty đăng ký tại Houston. Giữa khoảng năm 2012 cho đến nay, nhà sản xuất Trung Quốc và các nhân viên tại công ty có trụ sở ở Houston đã đánh cắp những bí mật thương mại của một công ty kỹ thuật toàn cầu, đứng đầu trong công nghệ biển.

Vụ này liên hệ đến việc chế tạo một sản phẩm kỹ thuật có tên là chất xốp tổng hợp, một chất liệu nhẹ có thể dùng trong thương mại và quân sự, như là thăm dò dầu khí, hàng không không gian, những loại khí tài vận hành dưới nước như tàu ngầm, và công nghệ tàng hình.

Theo cáo trạng, nhà sản xuất Trung Quốc có ý định bán chất xốp tổng hợp cho những công ty quốc doanh quân sự và dân sự tại Trung Quốc- trong khuôn khổ kế hoạch tiến tới những mục tiêu của Trung Quốc phát triển ngành hàng hải.

(Nguồn USDO DC)

Máy bay Trung Quốc chặn máy bay Mỹ trên biển Hoa Đông

0

Một chiến đấu cơ SU-30 của Trung Quốc đã tiến rất gần tới máy bay “thăm dò bức xạ” WC-135 của Mỹ, chỉ cách có 45m, sau đó bay ngửa trên chiếc máy bay của Mỹ trong vùng không phận quốc tế trên biển Hoa Đông.

Các giới chức quân đội Mỹ được CNN trích lời nói rằng máy bay Mỹ lúc đó đang làm nhiệm vụ dò tìm mức độ bức xạ trong khu vực. Trước đây những máy bay loại này được dùng để thu thập bằng chứng về các cuộc thử nghiệm hạt nhân của Bắc Hàn.

Hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên của không quân Mỹ, Trung tá Lori Hodge, chỉ trích sự cố xảy ra hôm thứ Tư là hành vi “thiếu chuyên nghiệp” do “cách điều khiển của phi công Trung Quốc cũng như tốc độ và khoảng cách bay giữa 2 máy bay.”

Trung tá Hodge cho biết vụ việc này “đang được giải quyết thông qua các kênh ngoại giao và quân sự với phía Trung Quốc” và một cuộc điều tra của quân đội đang được tiến hành.

Trung Quốc chưa bình luận gì về vụ việc này nhưng cáo buộc Mỹ đã tiến hành các chuyến bay do thám trên các vùng biển gần bờ của Trung Quốc và thường xuyên kêu gọi Mỹ giảm bớt các cuộc tuần tra trên vùng biển này.

Đây là lần thứ 2 trong năm nay quân đội Mỹ và Trung Quốc gần đụng độ trên vùng biển này, theo The Independent.

Một chiến đấu cơ SU-27 của Trung Quốc bay trên không phận biển Hoa Đông trong tấm ảnh chụp ngày 11/6/2014 do bộ Quốc phòng Nhật công bố. Máy bay của Trung Quốc từng tiếp cận máy bay Mỹ trước đây trong năm nay trên vùng biển gần Trung Quốc.

Một chiến đấu cơ SU-27 của Trung Quốc bay trên không phận biển Hoa Đông trong tấm ảnh chụp ngày 11/6/2014 do bộ Quốc phòng Nhật công bố. Máy bay của Trung Quốc từng tiếp cận máy bay Mỹ trước đây trong năm nay trên vùng biển gần Trung Quốc.

Trong những năm qua, Mỹ, Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á khác đã có những tranh cãi về các hoạt động tranh chấp trên biển Đông.

Tháng 2 năm nay, một tàu sân bay Mỹ bắt đầu “các hoạt động thường lệ” ở biển Đông với một hạm đội các tàu chiến hộ tống.

Đội tàu được triển khai bất chấp những lời cảnh báo của Trung Quốc yêu cầu Mỹ đừng thách thức chủ quyền của Bắc Kinh trong khu vực.

Vào tháng 5/2016, 2 máy bay chiến đấu Trung Quốc cũng có các hành động tương tự để chặn một chiến đấu cơ của Mỹ trong vùng không phận trên biển Đông.

Lúc đó, quân đội Mỹ nói rằng máy bay thăm dò hàng hải đang thực hiện một cuộc tuần tra thường lệ trong khu vực.

Năm 2001, một chiến đấu cơ của Trung Quốc và một máy bay trinh sát của hải quân Mỹ đã va vào nhau ngoài khơi đảo Nải Ham, làm một phi công Trung Quốc thiệt mạng.

Máy bay trinh sát của Mỹ buộc phải hạ cánh khẩn cấp trên đảo Hải Nam, Trung Quốc giam giữ phi hành đoàn bay trong 11 ngày, gây ra một vụ rắc rối ngoại giao nghiêm trọng giữa 2 nước.

Mỹ điều động máy bay do thám Bắc Triều Tiên, Trung Quốc

0

Không lực Mỹ điều động máy bay do thám không người lái Global Hawk đến căn cứ không quân Yokota phía tây Tokyo để tăng cường do thám Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.

Trung tá Jeremy Fields, chỉ huy trưởng phi đoàn Global Hawk ngày 24/5 cho báo giới biết căn cứ nằm gần trung tâm Tokyo dễ dàng hơn cho việc đệ trình kế hoạch các chuyến bay cho Bộ Đất đai, Bộ Hạ tầng Cơ sở, Bộ Giao thông và Du lịch.

Ông không nói rõ các mục tiêu do thám, chỉ nói là không lực Mỹ có nhiều nhiệm vụ tại Thái Bình Dương, như là đối phó với khủng bố và hải tặc cũng như cứu trợ nhân đạo.

Tuy nhiên, rõ ràng là những máy bay này được dùng để hỗ trợ cho việc do thám trên không và trên biển hiện đang được thực hiện để chống lại Bắc Triều Tiên. Bắc Triều Tiên đã liên tiếp phóng phi đạn đạn đạo và cũng đang đẩy mạnh việc chế tạo vũ khí hạt nhân.

Máy bay không người lái Global Hawk đạt đến độ cao khoảng 15.000 mét và bay được khoảng 36 giờ không cần tiếp liệu.

Năm chiếc Global Hawk được điều động đến Căn cứ Không quân Yokota từ Căn cứ Không quân Andersen ở Guam.

Bốn trong năm chiếc đã đến Yokota và 110 nhân viên đã được chuyển từ Guam đến căn cứ này.

Việc triển khai đến Yokota chỉ có tính cách tạm thời, từ giữa tháng 5 cho đến cuối tháng 10 trong khi chờ đợi sửa chữa đường bay của Căn cứ Không quân Misawa ở Aomori nằm ở cực bắc đảo Honshu.

Kể từ năm 2014, một số máy bay Global Hawk đặt căn cứ tại Guam được chuyển sang Căn cứ Không quân Misawa trong mùa hè để tránh thời tiết xấu như các cơn bão có thể ảnh hưởng đến kế hoạch bay.

Tuy nhiên, việc sửa đường bay tại Misawa giữa tháng 5 và tháng 7 đã đưa đến quyết định điều động Global Hawk đến Yokota lần đầu tiên.

Lực lượng Tự vệ Nhật Bản có kế hoạch mua ba chiếc Global Hawk theo Chương trình Phòng vệ Trung hạn trong giai đoạn 2014-2018.

(Nguồn Asahi Shimbun/Jiji)

Kiểm toán Nhà nước soi nợ công, ‘bắt lỗi’ Bộ Tài chính

103

(VNF) – Kiểm toán Nhà nước vừa công bố báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 – được tổng hợp từ kết quả kiểm toán của 276 báo cáo kiểm toán tại 204 đơn vị được kiểm toán trong năm 2016 đối với niên độ ngân sách năm 2015.

Theo Báo cáo của Chính phủ số 464/BC-CP ngày 19/10/2016 về mục tiêu định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020, nợ công đến 31/12/2015 là 2,6 triệu tỷ đồng, bằng 62,2% GDP. Trong đó, nợ Chính phủ 2,1 triệu tỷ đồng, bằng 50,3% GDP; nợ được Chính phủ bảo lãnh 463.755 tỷ đồng, bằng 11%GDP và nợ chính quyền địa phương 36.317 tỷ đồng, bằng 0,9% GDP.

nợ công
Theo Kiểm toán Nhà nước, nợ công năm 2015 xấp xỉ 2,6 triệu tỷ đồng

Còn theo Kiểm toán Nhà nước, nợ công đến 31/12/2015 theo Luật Quản lý nợ công 2,55 triệu tỷ đồng, bằng 61% GDP, giảm 52.382 tỷ đồng so với số báo cáo của Chính phủ. Cụ thể, nợ Chính phủ hơn 2 triệu tỷ đồng, bằng 49,2% GDP, chiếm 80,8% nợ công; nợ được Chính phủ bảo lãnh 455.122 tỷ đồng, chiếm 17,8% nợ công; nợ chính quyền địa phương 36.285 tỷ đồng, chiếm 1,42% nợ công.

Nếu tính đầy đủ các khoản vay thực hiện trong năm 2016 để bù đắp bội chi năm 2014, 2015 số tiền 25.219 tỷ đồng và 8.171 tỷ đồng bù đắp bội chi năm 2015 đến thời điểm kiểm toán Bộ Tài chính chưa vay, thì nợ công xấp xỉ 2,59 triệu tỷ đồng, bằng 61,8% GDP, nợ Chính phủ là gần 2,1 triệu tỷ đồng, bằng 50% GDP.

Bắt nhiều “lỗi” của Bộ Tài chính

Theo Kiểm toán Nhà nước, quá trình kiểm toán cho thấy Bộ Tài chính chưa lập kịp thời Báo cáo giám sát nợ, chưa lập Bản tin nợ công năm 2015 theo quy định của Luật Quản lý nợ công về báo cáo thông tin và công khai thông tin về nợ công. Việc quản lý nợ công còn phân tán, thiếu đối chiếu; theo dõi, thống kê, tổng hợp và báo cáo số liệu nợ công chưa kịp thời, đầy đủ, chính xác theo quy định.

Về quản lý danh mục nợ, Kiểm toán Nhà nước đánh giá tình trạng vay tồn ngân không được quy định thời hạn trả nợ (hoặc quy định thời hạn tạm ứng 12 tháng nhưng phải gia hạn nợ nhiều lần) vẫn chậm được khắc phục.

Cụ thể, tính đến 31/12/2015, tổng số dư nợ vay tồn ngân kho bạc 157.162 tỷ đồng. Trong đó các khoản ứng vốn có thời hạn trên 3 năm là 60.816 tỷ đồng, trên 1 năm là 61.045 tỷ đồng; các khoản vay từ năm 2014 trở về trước đến năm 2017 phải gia hạn năm 2015 là 120.725 tỷ đồng.

Điều này “tiềm ẩn rủi ro thanh khoản của hệ thống Kho bạc Nhà nước”, Kiểm toán Nhà nước nhận định.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng nhận xét việc Bộ Tài chính áp dụng mức phí tạm ứng tồn ngân Kho bạc Nhà nước (0,15%/tháng) đối với các khoản vay tồn ngân để bù đắp bội chi ngân sách là không đúng đối tượng quy định tại Điều 2, Thông tư số 162/2012/TT-BTC.

nợ công
Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều thiếu sót trong quản lý nợ công của Bộ Tài chính

Đặc biệt, theo Kiểm toán Nhà nước, tính đến 31/12/2015, Bộ Tài chính đã chuyển 4.438 tỷ đồng cho VEC để thanh toán trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đến hạn nhưng chưa được VEC ký nhận nợ (trong đó Bộ Tài chính tính vào nợ của Chính phủ 2.477 tỷ đồng).

Bộ Tài chính cũng ghi thu ghi chi vốn cấp phát đối với vốn vay nước ngoài về cho vay lại của 5 dự án đường bộ cao tốc của VEC (tổng số tiền đã ghi thu ghi chi 18.123 tỷ đồng chưa được quyết toán Ngân sách Nhà nước, trong đó năm 2014 là 10.783 tỷ đồng, năm 2015 là 7.340 tỷ đồng) khi các dự án chưa được chuyển đổi nguồn vốn đầu tư sang cấp phát và bổ sung kế hoạch vốn.

Bộ cũng chưa ký hợp đồng cho vay lại đối với khoản cho vay được cơ cấu lại từ nguồn trái phiếu quốc tế 1 tỷ USD theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 31/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu nợ vay lại của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) từ nguồn vốn trái phiếu quốc tế năm 2005 và năm 2010.

Bên cạnh đó, một số chương trình, dự án được Chính phủ cho phép miễn thế chấp tài sản không đúng quy định tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 15/2011/NĐ-CP, điển hình như khoản thuê mua 4 máy bay Boeing B787-9, 2 máy bay A321 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP.

Hoạt động quản lý tài sản đảm bảo đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh theo quy định tại Khoản 4 Điều 13 Nghị định số 15/2011/NĐ-CP còn chậm trễ. Đến thời điểm kiểm toán mới có 8 trong tổng số 61 dự án (chiếm 13%) ký hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo.

Hàng loạt khoản vay lại, vay được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả

Theo Kiểm toán Nhà nước, nhiều dự án vay lại và vay được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, khó khăn trong việc trả nợ, dừng sản xuất kinh doanh, phải cơ cấu lại.

Cụ thể, dư nợ của các dự án cho vay lại có nợ quá hạn tương đương 28.034 tỷ đồng (55 dự án 5.641 tỷ đồng và Vinashin 22.393 tỷ đồng), chiếm 9,1% tổng dư nợ.

Trong đó, các khoản nợ quá hạn tương đương 9.730 tỷ đồng (Vinashin 6.562,8 tỷ đồng; 8 dự án đóng tàu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy 1.402 tỷ đồng; Dự án Xi măng Hạ Long 268 tỷ đồng; Dự án Thiết bị thi công công trình – Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 là 185 tỷ đồng; Dự án Thủy điện Nậm Chiến 129,5 tỷ đồng…).

5 dự án cho vay lại có nợ ứng vốn từ Quỹ tích lũy 1.217 tỷ đồng (Xi măng Hải Phòng: 39,6 tỷ đồng; Xi măng Thái Nguyên: 575,2 tỷ đồng (quá hạn 411 tỷ đồng); Thủy điện ĐakMi4: 13,3 tỷ đồng; Chính phủ Lào: 68,9 tỷ đồng; Vinashin: 520,5 tỷ đồng (được khoanh nợ từ 2015)

10 dự án được Chính phủ bảo lãnh phải ứng vốn từ Quỹ tích lũy để trả nợ với dư nợ 199,02 triệu USD (7 dự án nợ quá hạn và phải khoanh nợ 105,95 triệu USD, chiếm 53,2% tổng dư nợ ứng vốn từ Quỹ Tích lũy). Trong đó Dự án Nhà máy sản xuất bột Giấy Phương Nam 60,42 triệu EUR (quá hạn 41,9 triệu EUR, khoanh nợ từ năm 2014); Dự án Xi măng Hạ Long 52,21 triệu EUR (quá hạn 23,51 triệu EUR); Dự án Xi măng Thái Nguyên 30,79 triệu EUR (nợ quá hạn 14,27 triệu EUR).

Những khoản này đã “làm gia tăng nghĩa vụ của Quỹ tích lũy và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ trong những năm tiếp theo”, báo cáo nhận định.

nợ công
Chính phủ đang phải trả nợ thay cho một loạt dự án sử dụng vốn không hiệu quả

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng cho hay, việc hoàn trả Ngân sách Nhà nước các khoản vay về cho vay lại chưa đầy đủ, kịp thời như: khoản trả lãi trái phiếu quốc tế 2014 (cho vay lại SBIC) số tiền 24 triệu USD tương đương 515 tỷ đồng; khoản trả lãi năm 2015 của Dự án đường cao tốc Bắc Nam 35 tỷ đồng (dự án cho vay lại của VEC).

Đối với nợ của chính quyền địa phương, Kiểm toán Nhà nước cho biết một số địa phương chưa xây dựng hạn mức vay; không lập kế hoạch vay và trả nợ vay; bố trí cho các công trình không đúng mục đích, danh mục đăng ký; chưa lập và gửi báo cáo về nợ chính quyền địa phương theo quy định;

14/46 địa phương được kiểm toán có mức dư nợ tại 31/12/2015 vượt 30% vốn đầu tư xây dựng ngân sách cấp tỉnh theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; một số khoản vay trong năm của địa phương nhưng đến hết năm 2015 không giải ngân hết, cá biệt, tỉnh Quảng Ninh phát hành trái phiếu nhưng phân bổ, sử dụng không kịp thời làm giảm hiệu quả sử dụng vốn vay.

THỤY KHANH

Kiếm toán Nhà nước chỉ đích danh các dự án “có vấn đề” của EVN, PVN

0

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc vừa trình Quốc hội hàng loạt vấn đề của ngành điện trong đó chỉ đích danh các dự án giải ngân vượt tổng mức đầu tư, thanh toán không đúng, chất lượng kém…của EVN, PVN.

Theo báo cáo kết quả kiểm toán năm 2016 Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc  vừa trình Quốc hội, ở ngành điện có nhiều dự án được phê duyệt khi chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; thực hiện đầu tư khi chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

EVN giải ngân bừa bãi, gây lãng phí hơn 3 triệu USD

Đơn cử Dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 và cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Duyên Hải của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Cả 2 dự án này vừa có bảo lãnh của Chính phủ, vừa phải mua bảo hiểm khoản vay với mức phí 5% (tính trên tổng nợ gốc và lãi phải trả) và việc thanh toán phí bảo hiểm được thực hiện 1 lần không theo quá trình giải ngân thực tế làm lãng phí phí bảo hiểm 3,3 triệu USD.

Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1. Ảnh: Ngọc Hà – TTXVN.

Riêng Dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, theo Kiểm toán Nhà nước, EVN đã giải ngân vượt tổng mức đầu tư tới 6.056,9 tỷ đồng trong khi chất lượng công trình chưa đảm bảo. Cụ thể, Hệ thống van Bypass hạ áp từng gặp sự cố khi sử dụng phải sửa chữa, đến thời điểm kiểm toán chưa có phương án thay thế để đảm bảo hoạt động ổn định cho hai tổ máy ở đây.

Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện EVN thanh toán không đúng theo điều khoản hợp đồng. Cụ thể là khoản chi 401,4 tỷ đồng cho nhà thầu Hyundai (Tổng thầu EPC) để thanh toán chi phí than, dầu, đá vôi phục vụ công tác chạy thử Dự án Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1.

Đáng chú ý, dự án trên chưa chuyển đổi chủ thể hợp đồng vay khi chuyển đổi chủ đầu tư theo quy định làm tăng chi phí đầu tư. Cụ thể, khi chuyển đổi chủ đầu tư của dự án nhiệt điện Mông Dương 1 từ EVN sang Genco3 từ ngày 1/1/2013, EVN đã tính bổ sung khoản phí cho vay lại 0,2%/năm trên dư nợ gốc của các nguồn vốn vay ngoài nước (ADB) làm tăng chi phí đầu tư của dự án lên 70,8 tỷ đồng do EVN chưa có thỏa thuận với tổ chức cho vay (ADB) hoặc Bên bảo lãnh cho vay (Bộ tài chính) để xin chuyển đổi chủ thể hợp đồng vay lại sang Genco3.

Trong báo cáo, ông Hồ Đức Phớc  cho rằng công tác tổ chức thực hiện quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện vẫn còn một số tồn tại, thiếu sót của cơ quan quản lý, của EVN cần được rà soát để chấn chỉnh, khắc phục.

Báo cáo nêu rõ một số khoản thu khác như thu lãi tiền gửi (chi phí lãi vay đã tính vào giá thành), thu công suất phản kháng, thu cho thuê thiết bị điện cho dù đã hạch toán đúng chế độ tài chính, kế toán nhưng chưa được xem xét quản trị để giảm mức điều chỉnh khi xác định phương án giá bán điện;…

Ngoài ra, còn những tồn tại trong chấp hành quy định về giá bán lẻ điện như thiếu bảo lãnh hợp đồng, ghi chỉ số công tơ đối với khách hàng phân kỳ chưa đúng ngày theo quy trình kinh doanh, chưa sử dụng công tơ 3 giá một số khách hàng tiêu thụ điện lớn…

Bên cạnh đó là một số thiếu sót trong quản lý doanh thu, chi phí, giá thành điện mà theo Kiểm toán Nhà nước cần được chấn chỉnh, khắc phục sớm.

Không chỉ thế, một số quy định hướng dẫn cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện theo đơn vị kiểm toán cũng chưa rõ ràng, chưa cụ thể, chưa sát với thực tiễn dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Đơn cử, định nghĩa về giá bán lẻ điện bình quân và giá bán điện bình quân cơ sở chưa rõ ràng; quy định về tần suất và mức điều chỉnh giá bán điện bình quân giữa hai lần liên tiếp chưa sát với thực tiễn biến động; quy định về việc giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với giá điện chưa kịp thời…

Từ thực tế trên, Kiểm toán Nhà nước đề nghị quy định về thẩm quyền điều chỉnh và trách nhiệm trả lời cần xác định lại cho thích hợp; quy định về giá bán cần nghiên cứu áp dụng chính sách giá bán đối với các đối tượng cụ thể theo công suất, theo thời gian  hoặc có cơ chế điều tiết với nhóm đối tượng sử dụng điện…

Dự án của PVN chất lượng kém

Toàn cảnh Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1

Kiểm toán Nhà nước cho hay Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được đưa vào sử dụng chưa lâu đã có hiện tượng xuống cấp, hư hỏng, gặp sự cố lúc vận hành.

Cụ thể, Tổ máy số 1 của nhà máy từng gặp sự cố phải ngừng hoạt động trong khi Khối nhà 1A1 bị nứt, nhà 1A1B chân móng sau nhà bị nứt và nứt lớn tại tường phòng B12, nhiều cửa bị hỏng không khóa được, thấm nước trần nhà, hỏng trần thạch cao, gạch block bị sụt lún tại nhiều điểm, cây xanh bị chết…

Ở dự án này, PVN đã sử dụng vốn của dự án sai mục đích, không đúng đối tượng: Dùng vốn dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 thanh toán cho dự án Sân phân phối 500Kv 73,2 tỷ đồng hoặc sử dụng vốn chưa phù hợp với điều khoản hợp đồng (dùng vốn dự án để mua than, dầu cho hoạt động chạy thử và phát điện thương mại 1.116,9 tỷ đồng).

Kiểm toán Nhà nước cho rằng để xảy ra các sai phạm trên, trách nhiệm thuộc nhà thầu của dự án.

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 tọa lạc tại thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, Thị xã Kỳ Anh – Hà Tĩnh. Đây là dự án trọng điểm quốc gia về nguồn điện cấp bách có công suất tổ máy lớn nhất hiện nay với 2 tổ máy 600MW do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư, giao cho Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVPower) và trực tiếp là Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh vận hành sản xuất.

Nhà máy đã chính thức vận hành thương mại từ tháng 1/2015, nhưng đến ngày 5/6/2016, đoàn kiểm tra liên ngành mới hoàn tất kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại đây.

Ngọc Linh
theo Tamnhin.net.vn