Kiếm toán Nhà nước chỉ đích danh các dự án “có vấn đề” của EVN, PVN

0
97
   

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc vừa trình Quốc hội hàng loạt vấn đề của ngành điện trong đó chỉ đích danh các dự án giải ngân vượt tổng mức đầu tư, thanh toán không đúng, chất lượng kém…của EVN, PVN.

Theo báo cáo kết quả kiểm toán năm 2016 Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc  vừa trình Quốc hội, ở ngành điện có nhiều dự án được phê duyệt khi chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; thực hiện đầu tư khi chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

EVN giải ngân bừa bãi, gây lãng phí hơn 3 triệu USD

Đơn cử Dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 và cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Duyên Hải của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Cả 2 dự án này vừa có bảo lãnh của Chính phủ, vừa phải mua bảo hiểm khoản vay với mức phí 5% (tính trên tổng nợ gốc và lãi phải trả) và việc thanh toán phí bảo hiểm được thực hiện 1 lần không theo quá trình giải ngân thực tế làm lãng phí phí bảo hiểm 3,3 triệu USD.

Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1. Ảnh: Ngọc Hà – TTXVN.

Riêng Dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, theo Kiểm toán Nhà nước, EVN đã giải ngân vượt tổng mức đầu tư tới 6.056,9 tỷ đồng trong khi chất lượng công trình chưa đảm bảo. Cụ thể, Hệ thống van Bypass hạ áp từng gặp sự cố khi sử dụng phải sửa chữa, đến thời điểm kiểm toán chưa có phương án thay thế để đảm bảo hoạt động ổn định cho hai tổ máy ở đây.

Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện EVN thanh toán không đúng theo điều khoản hợp đồng. Cụ thể là khoản chi 401,4 tỷ đồng cho nhà thầu Hyundai (Tổng thầu EPC) để thanh toán chi phí than, dầu, đá vôi phục vụ công tác chạy thử Dự án Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1.

Đáng chú ý, dự án trên chưa chuyển đổi chủ thể hợp đồng vay khi chuyển đổi chủ đầu tư theo quy định làm tăng chi phí đầu tư. Cụ thể, khi chuyển đổi chủ đầu tư của dự án nhiệt điện Mông Dương 1 từ EVN sang Genco3 từ ngày 1/1/2013, EVN đã tính bổ sung khoản phí cho vay lại 0,2%/năm trên dư nợ gốc của các nguồn vốn vay ngoài nước (ADB) làm tăng chi phí đầu tư của dự án lên 70,8 tỷ đồng do EVN chưa có thỏa thuận với tổ chức cho vay (ADB) hoặc Bên bảo lãnh cho vay (Bộ tài chính) để xin chuyển đổi chủ thể hợp đồng vay lại sang Genco3.

Trong báo cáo, ông Hồ Đức Phớc  cho rằng công tác tổ chức thực hiện quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện vẫn còn một số tồn tại, thiếu sót của cơ quan quản lý, của EVN cần được rà soát để chấn chỉnh, khắc phục.

Báo cáo nêu rõ một số khoản thu khác như thu lãi tiền gửi (chi phí lãi vay đã tính vào giá thành), thu công suất phản kháng, thu cho thuê thiết bị điện cho dù đã hạch toán đúng chế độ tài chính, kế toán nhưng chưa được xem xét quản trị để giảm mức điều chỉnh khi xác định phương án giá bán điện;…

Ngoài ra, còn những tồn tại trong chấp hành quy định về giá bán lẻ điện như thiếu bảo lãnh hợp đồng, ghi chỉ số công tơ đối với khách hàng phân kỳ chưa đúng ngày theo quy trình kinh doanh, chưa sử dụng công tơ 3 giá một số khách hàng tiêu thụ điện lớn…

Bên cạnh đó là một số thiếu sót trong quản lý doanh thu, chi phí, giá thành điện mà theo Kiểm toán Nhà nước cần được chấn chỉnh, khắc phục sớm.

Không chỉ thế, một số quy định hướng dẫn cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện theo đơn vị kiểm toán cũng chưa rõ ràng, chưa cụ thể, chưa sát với thực tiễn dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Đơn cử, định nghĩa về giá bán lẻ điện bình quân và giá bán điện bình quân cơ sở chưa rõ ràng; quy định về tần suất và mức điều chỉnh giá bán điện bình quân giữa hai lần liên tiếp chưa sát với thực tiễn biến động; quy định về việc giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với giá điện chưa kịp thời…

Từ thực tế trên, Kiểm toán Nhà nước đề nghị quy định về thẩm quyền điều chỉnh và trách nhiệm trả lời cần xác định lại cho thích hợp; quy định về giá bán cần nghiên cứu áp dụng chính sách giá bán đối với các đối tượng cụ thể theo công suất, theo thời gian  hoặc có cơ chế điều tiết với nhóm đối tượng sử dụng điện…

Dự án của PVN chất lượng kém

Toàn cảnh Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1

Kiểm toán Nhà nước cho hay Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được đưa vào sử dụng chưa lâu đã có hiện tượng xuống cấp, hư hỏng, gặp sự cố lúc vận hành.

Cụ thể, Tổ máy số 1 của nhà máy từng gặp sự cố phải ngừng hoạt động trong khi Khối nhà 1A1 bị nứt, nhà 1A1B chân móng sau nhà bị nứt và nứt lớn tại tường phòng B12, nhiều cửa bị hỏng không khóa được, thấm nước trần nhà, hỏng trần thạch cao, gạch block bị sụt lún tại nhiều điểm, cây xanh bị chết…

Ở dự án này, PVN đã sử dụng vốn của dự án sai mục đích, không đúng đối tượng: Dùng vốn dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 thanh toán cho dự án Sân phân phối 500Kv 73,2 tỷ đồng hoặc sử dụng vốn chưa phù hợp với điều khoản hợp đồng (dùng vốn dự án để mua than, dầu cho hoạt động chạy thử và phát điện thương mại 1.116,9 tỷ đồng).

Kiểm toán Nhà nước cho rằng để xảy ra các sai phạm trên, trách nhiệm thuộc nhà thầu của dự án.

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 tọa lạc tại thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, Thị xã Kỳ Anh – Hà Tĩnh. Đây là dự án trọng điểm quốc gia về nguồn điện cấp bách có công suất tổ máy lớn nhất hiện nay với 2 tổ máy 600MW do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư, giao cho Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVPower) và trực tiếp là Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh vận hành sản xuất.

Nhà máy đã chính thức vận hành thương mại từ tháng 1/2015, nhưng đến ngày 5/6/2016, đoàn kiểm tra liên ngành mới hoàn tất kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại đây.

Ngọc Linh
theo Tamnhin.net.vn

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here