Một số cán bộ xã Đồng Tâm và cán bộ các phòng chuyên môn của huyện Mỹ Đức bị kết luận có sai phạm trong quản lý đất đai ở địa phương sẽ bị đem ra xét xử vào tháng 7 tới đây.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố Hà Nội cho biết như vậy tại cuộc họp báo hôm 30 tháng 6.
Theo ông Nam, đó là quyết định của Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội cùng với Viện kiểm sát huyện Mỹ Đức đưa ra.
Nói về việc thanh tra quản lý, sử dụng đất đai khu vực sân bay Miếu Môn ở Đồng Tâm, ông Nam cho biết hiện tại việc thanh tra đã kết thúc và kết luận thanh tra đang được hoàn thiện, sẽ được công bố trong vòng 7 ngày khi được hoàn thành.
Còn về việc công an Hà Nội bắt giữ người dân Đồng Tâm là đúng hay sai ông Nam nói rằng đây là trách nhiệm thanh kiểm tra của bộ Công an và vụ việc đang được bộ Công an thanh tra.
Người đứng đầu ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng nói rằng khi nào có kết luận thanh tra sẽ xử lý đúng theo kết luận đó, kể cả cán bộ sai cũng phải bị xử lý theo pháp luật chứ không chỉ xin lỗi dân là xong.
Vụ người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm tiến hành bắt giữ 38 cán bộ và cảnh sát cơ động làm con tin vào trung tuần tháng tư vừa qua được cho là đỉnh điểm tình trạng tranh chấp đất ruộng của người dân địa phương với phía quân đội lâu nay.
Để giải cứu số con tin bị bắt, đích thân chủ tịch thành phố Hà Nội là ông Nguyễn Đức Chung phải về tận địa phương đối thoại theo như yêu cầu của người dân.
Ông Nguyễn Đức Chung viết bản cam kết không truy tố hình sự người dân Đồng Tâm. Tuy nhiên vừa qua Cơ quan Điều tra, Công an Thành phố Hà Nội ra quyết định khởi tố hai vụ án ‘bắt giữ người trái pháp luật’ và ‘hủy hoại tài sản’.
Quyết định đó gây xôn xao dư luận; sau đó ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng sẽ xử cán bộ sai phạm trước, rồi đến người dân bị cho có vi phạm.
Hội Cựu Tù nhân Lương tâm vào chiều ngày 26/6/2017, tại Hà Nội, tổ chức buổi tọa đàm về vấn nạn bạo lực của chính quyền Việt Nam đối với giới bất đồng chính kiến.
Nội dung chi tiết
Tham gia buổi tọa đàm ở Hà Nội có sự góp mặt của các cựu tù nhân lương tâm, các nhà hoạt động xã hội, đấu tranh cho dân chủ – nhân quyền, nhà báo độc lập và một viên chức của Đại sứ quán Thụy Sỹ.
Ông Nguyễn Vũ Bình – cựu tù nhân lương tâm, nhà báo độc lập cho biết thêm thông tin về buổi tọa đàm này:
“Hiện nay chúng ta biết, nhà cầm quyền Việt Nam đã chuyển phương thức sử dụng bạo lực là một trong những công cụ chính để đàn áp giới đấu tranh, thì chúng ta biết là dư luận xã hội rất đang quan tâm và hội tù nhân lương tâm hôm nay tổ chức là góp phần làm cho dư luận hiểu thêm được về hành xử của nhà cầm quyền đối với giới bất đồng chính kiến.”
Nhà cầm quyền Việt Nam đã chuyển phương thức sử dụng bạo lực là một trong những công cụ chính để đàn áp giới đấu tranh.
– Nguyễn Vũ Bình
Tham gia tọa đàm, các nhà hoạt động, cựu tù nhân lương tâm đưa ra phân tích các trường hợp nạn nhân bị bạo hành bởi lực lượng thân chính quyền trong nhiều năm trở lại đây. Qua đó, họ cùng nhau bàn thảo phương cách nào để giảm bớt vấn nạn bạo hành ngày càng gia tăng một cách công khai, coi thường luật pháp và các giá trị nhân bản.
Theo ông Nguyễn Vũ Bình, dưới sức ép của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế, thương mại toàn cầu của Việt Nam, buộc phía chính quyền phải tuân thủ theo cam kết quốc tế, giảm bớt án tù.
“Thế thì bây giờ người ta chuyển sang phương thức dùng bạo lực mà đánh đập tại chỗ trực tiếp đối với những người đấu tranh. Thế thì những bạo lực người ta sử dụng chúng ta thấy là thường xuyên và liên tục, đến mức mà chúng ta thấy là những cuộc biểu tình bị hạn chế rất là nhiều so với một hai năm trước, xu hướng sử dụng bạo lực hiện nay rất là mạnh mẽ và không có giới hạn.”
Các trường hợp nổi bật bị bạo hành trong những năm qua là các nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến, Trịnh Anh Tuấn, Lã Việt Dũng, Trần Thị Nga, Lê Mỹ Hạnh… những người biểu tình ôn hoà vì môi trường tại Sài Gòn và gần đây nhất là Luật sư Lê Quốc Quân ở Hà Nội, bạn trẻ Nguyễn Peng bị hành hung ở Buôn Mê Thuột, Huỳnh Anh Tuấn bị tấn công tại Sài Gòn ngày 25/6/2017 vừa qua.
Ngoài việc bị tấn công về thể xác gây tổn hại sức khoẻ, các nhà hoạt động còn bị bao vây về kinh tế, khủng bố về tinh thần, bị ly gián trong quan hệ với gia đình, họ hàng, làng xóm, đồng nghiệp, bạn bè…
Đặc biệt, đối với các nhà hoạt động nữ, theo luật sư Lê Thị Công Nhân – một cựu tù nhân lương tâm chia sẻ, ngoài “bạo lực cú đấm”, còn là sự sỉ nhục về mặt danh dự, nhân phẩm và hình ảnh.
“Tôi thấy với đàn ông ít có điều đó lắm. Ví dụ như là xé rách quần áo chẳng hạn hoặc là cào xước người rồi tóc tai, làm cho người ta trở nên một cái hình ảnh vô cùng thê thảm và sỉ nhục người ta. Trong lúc hỗn loạn mà chúng tôi bị đánh đập như vậy chúng tôi yếu thế tuyệt đối. Tôi thấy rất rõ sự lợi dụng và tất nhiên đây là một chủ ý rằng họ sẽ đánh đập bạo lực vào các vùng nhạy cảm trên cơ thể của phụ nữ.”
Hai nhà hoạt động tham gia buổi tọa đàm RFA
Tất cả các hành động khủng bố, hành hung từ phía những người thân chính quyền có tác động lớn đến tâm lý của những người hoạt động xã hội, đấu tranh cho dân chủ – nhân quyền, cũng như thân nhân của họ và cộng đồng xung quanh.
“Hiệu quả của biện pháp bạo lực nó làm cho người ta cảm thấy kinh hãi đến mức độ nào. Nó kinh hãi đến mức sự việc đã trôi qua mà nỗi sợ vẫn còn rất là lâu. Và chính vì cái hiệu quả như vậy mà một người đấu tranh, một người hoạt động bị đàn áp về bạo lực đó thì cả gia đình họ cũng cảm thấy đau đớn là chia sẻ cái nỗi đau và đương nhiên chia sẻ luôn cái nỗi sợ đó, điều này là không thể tránh khỏi.”
Tác động quốc tế
Theo anh Vũ Quốc Ngữ, các nạn nhân cần phải có tiếng nói, lập hồ sơ báo cáo sự việc cho cộng đồng quốc tế một cách công khai, rõ ràng.
“Tất nhiên là nhiều trường hợp, chính quyền Việt Nam lờ đi các báo cáo của quốc tế, của chính phủ Mỹ chẳng hạn hoặc là các tổ chức quốc tế. Họ cũng nói rằng là những thông tin trên đều là sai lệch nhưng mà ta có nhân chứng đầy đủ, có những thông tin hình ảnh bằng báo viết thì ta có thể đối chứng với luận điệu của nhà cầm quyền.”
Dù hiệu quả từ sự tác động của cộng đồng quốc tế đối với vấn nạn bạo hành giới bất đồng chính kiến là chưa rõ ràng, nhưng việc cung cấp thông tin liên tục, chính xác là hoàn toàn cần thiết.
“Cộng đồng quốc tế có thể là họ sẽ đưa ra bản báo cáo thực tế về tình trạng đàn áp tại Việt Nam. Bằng cách nào đó họ tác động lên chính sách của nhà cầm quyền Việt Nam dù nhiều hay ít nhưng họ có những tác động nhất định.”
Cộng đồng quốc tế có thể là họ sẽ đưa ra bản báo cáo thực tế về tình trạng đàn áp tại Việt Nam. Bằng cách nào đó họ tác động lên chính sách của nhà cầm quyền Việt Nam dù nhiều hay ít nhưng họ có những tác động nhất định.
– Vũ Quốc Ngữ
Còn đối với người dân trong nước, các nhà hoạt động mong đợi một sự thay đổi trong nhận thức về vấn nạn bạo hành này và hiểu rõ thêm về thực tế đang diễn ra hàng ngày tại Việt Nam.
“Chúng ta biết là theo thời gian thì sự thật sẽ được bộc lộ, đó là một quy luật và cách thức chúng ta tác động vào thì hằng ngày chúng ta vẫn tác động để cho mọi người dân hiểu được những sự đàn áp của nhà cầm quyền đối với giới đấu tranh.”
Song song với buổi tọa đàm như vừa nêu tại Hà Nội, một số cựu tù nhân lương tâm và các nhà hoạt động độc lập vì dân chủ- nhân quyền tại Sài Gòn cũng có sinh hoạt tương tự. Một đại diện của Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ cũng có mặt tham gia là bà Pamela Pontius.
Đây là năm thứ ba Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam tổ chức thảo luận nhằm phản đối tình trạng sử dụng bạo lực đối với giới bất đồng chính kiến trong nước.
Thống kê đưa ra cho thấy có đến 70-80% những người bất đồng chính kiến, đấu tranh cho dân chủ- nhân quyền tại Việt Nam từng bị đánh đập bởi chính lực lượng công an và thành phần mặc thường phục được nói do công an chỉ đạo.
Các nhà hoạt động xã hội, đấu tranh cho dân chủ – nhân quyền mà chúng tôi tiếp xúc đều khẳng định sẽ vẫn tiếp tục con đường họ đã chọn, vì một đất nước Việt Nam tốt đẹp hơn, bất chấp mọi đe doạ về mặt sức khỏe, tinh thần và kinh tế.
Bản án 10 năm tù mà Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa tuyên quyết đối với blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chiều 29 tháng 6 bị nhiều cư dân mạng và những người quan tâm trong cũng như ngoài nước cho là một phán quyết phi lý và vô cảm trước những nguyện vọng chính đáng của người dân.
Không ngạc nhiên và không mong đợi điều gì tốt đẹp từ phiên xử Mẹ Nấm là cảm tưởng của chị Đặng Bích Phượng, một cư dân Hà Nội người từng tự ra ứng cử vào quốc hội năm ngoái:
Mẹ Nấm chỉ là một trong những người dám lên tiếng bày tỏ và thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình thôi, mình thấy sao thì mình nói vậy. Những gì Nguyễn Ngọc Như Quỳnh làm thì rất nhiều người làm. Ta hãy nhìn xem những điều Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nói và làm thì có bao nhiêu người làm như vậy, có bao nhiêu người nói như vậy, tại sao lại chỉ kết án một mình Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Ý tôi muốn nói cái này nó là cả một quá trình, nếu kết án Như Quỳnh với những tội danh như vậy thì phải kết án rất nhiều người, hàng triệu người Việt Nam chứ không phải chỉ một mình Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Thật sự bây giờ không biết dùng từ gì để mà nói nữa, một phụ nữ tranh đấu ôn hòa như thế mà bị 10 năm tù.
– Nhà hoạt động Hoàng Hùng
Từ Cộng Hòa Czech, nhà hoạt động dân chủ Hoàng Hùng, bảo anh không biết nói gì ngoài sự ngán ngẩm:
Rất là sốc! Chế độ này như một con thú bị dồn đến chân tường rồi và nó đang lồng lộn đang cắn tất cả mọi thứ, cảm tưởng của tôi là như thế. Thật sự bây giờ không biết dùng từ gì để mà nói nữa, một phụ nữ tranh đấu ôn hòa như thế mà bị 10 năm tù.
Từ California, Hoa Kỳ, nhạc sĩ kiêm blogger Bùi Thanh Tuấn cho biết:
Mười năm tù với tôi là bản án bất công, nó chà đạp hoàn toàn lên luật pháp của một xã hội mà bao nhiêu người dân mong muốn tiến bộ. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đấu tranh cực kỳ ôn hòa, cô ấy chỉ muốn điều tốt đẹp cho nước Việt, chỉ muốn giữ biển đảo và biển sạch, cá sạch… Mười năm tù đối với một đời người là lấy mất tương lai của họ, hơn nữa là 2 đứa con bơ vơ, nhà không có đàn ông. Đó là sự tàn nhẫn, vô nhân đạo và man rợ.
Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại một tòa án ở thành phố Nha Trang vào ngày 29 tháng 6 năm 2017. AFP photo
Theo nhà hoạt động Nguyễn Hồ Nhật Thành, nói với đài Á Châu Tự Do từ Sài Gòn:
Thật sự là tôi đã sốc khi buổi sáng nghe Viện Kiểm Sát đề nghị mức án 8 tới 10 năm tù, đến chiều nghe tuyên án 10 năm thì không còn biết dùng từ nào để diễn tả sự phi nhân của bản án này. Rõ ràng một người bình thường khi đọc bản cáo trạng thì thấy nội dung họ đưa ra hoàn toàn thiếu cơ sở, vô lý hết mức khi căn cứ vào những hoạt động rất ôn hòa của chị Quỳnh để kết một bản án rất nặng.
Họ thông qua bản án của chị Quỳnh để nhằm cảnh cáo những người đang lên tiếng. Cá nhân tôi nghĩ bản án này gây bức xúc nhưng chính cái bất xúc đó làm tăng động lực cho mình và cho anh em bất chấp sự đàn áp để mà tham gia đấu tranh dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.
Những gì cô ấy làm đều đề cao giá trị phổ quát của nhân loại. Họ cần bảo vệ chế độ nhưng cách bảo vệ chế độ của họ quá là cực đoan.
_ Nhà văn Đoàn bảo Châu
Tiếp lời nhà hoạt động Nguyễn Hồ Nhật Thành, bạn trẻ Huỳnh Thành Phát khẳng định:
Mười năm tù đối với chị Quỳnh phải gọi là một bản án khốn nạn vì chị Quỳnh chỉ đấu tranh bảo vệ môi trường. Nếu đặt vấn đề mình phải chịu bản án giống chị tôi sẽ không chùn bước bởi vì một ngày nào đó tôi và con cháu tôi sẽ được tự do.
Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là tiếng nói đấu tranh mạnh mẽ cho quyền con người tại Việt Nam, cũng là một trong những người thành lập Mạng lưới Blogger Việt Nam, vì thế bị trù dập, bắt bớ, tù đày là chuyện không thể tránh khỏi, là phát biểu của chị Kim Thu, dân oan nhiều lần vào tù ra khám ở trong nước và nay đang định cư tại miền Tây nước Mỹ:
Quá nặng nề cay nghiệt với những nhà tranh đấu chỉ đòi hỏi công lý và sự thật đang diễn ra hàng ngày trong nước. Nhà cầm quyền Việt Nam đã dựa vào luật rừng và luật riêng của họ, dù áp lực thế nào đi chăng nữa mà việc họ thích thì họ cứ tuyên, để cho thế giới thấy được bộ mặt thật của đảng cộng sản chứ không có gì hết.
Nhà văn Đoàn bảo Châu cũng có ý kiến:
Không phải riêng tôi mà rất nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ bởi bản án quá khắc nghiệt, quá dã man. Những gì cô ấy làm đều đề cao giá trị phổ quát của nhân loại. Họ cần bảo vệ chế độ nhưng cách bảo vệ chế độ của họ quá là cực đoan. Tâm trạng của tôi là sốc, phẫn nộ, ghê tởm trước một bản án dã man đối với một phụ nữ đơn thân, nuôi 2 con, có mẹ già.
Đó suy nghĩ của những người được hỏi ý kiến về bản án 10 năm mà Tòa án tỉnh Khánh Hòa tuyên cho blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chiều ngày 29 tháng 6.
Đường dây viễn liên của đài ACTD được nối về tỉnh Khánh Hòa, xin gặp viên chức chánh văn phòng Ủy Ban Nhân Dân tỉnh để hỏi ý kiến về vụ xử công dân Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trong ngày 29 tháng 6 nhưng rất tiếc vị này không bắt máy.
Các đan sĩ của Đan viện Thiên An, Huế, tiếp tục bị côn đồ tấn công vào ngày 29/6. Một người bị côn đồ dùng thanh sắt đánh đến bất tỉnh, co giật.
Sự việc xảy ra khi các đan sĩ quay phim cảnh chính quyền ngang nhiên cho xe ủi, xe xúc đất mở một con đường ngay trên khu đất thuộc quyền sở hữu của đan viện.
Thuật lại với VOA tối 30/6, đan sĩ Giuse Maria Chử Mạnh Cường, cho biết:
“Có 3 hồ ngăn nước để tưới tiêu cho vườn Thiên An, thì họ tận dụng con đập đó, san lấp nới thêm ra để họ đi ôtô qua được và nói đó là con đường dân sinh. Các thầy đã lặng lẽ đi lên để bảo vệ trong ôn hòa, chỉ khoanh tay nhìn họ làm thôi”.
“Khi họ phát hiện ra một thầy quay phim, chụp ảnh thì họ bắt đầu đuổi đánh thấy quay phim chụp ảnh. Thầy đó chạy về rồi thì không ngờ lại sót 2 thầy còn ở lại trong căn nhà của mình. Căn nhà đó họ đang chiếm giữ để làm trụ sở nhằm bảo kê cho các máy [xúc, ủi] làm việc. Thầy John Baptist Trương Vĩnh Hậu là một trong số các thầy đang đứng đó xem họ làm. Thầy Hậu bị sót lại đó. Họ phát hiện ra thấy Hậu ở đó nên họ lên kéo, lôi thầy Hậu từ trên gác xép xuống. Họ đánh đập thầy Hậu choáng váng đến mức thầy cố gắng chạy ra đó được khoảng 5 mét thì ngã gục xuống và co giật”.
Các đan sĩ nói đây chỉ là vụ tấn công mới nhất trong một loạt cuộc tấn công đã diễn ra để chiếm đất của đan viện. Một ngày trước đó, các giới chức chính quyền mặc thường phục đã chỉ đạo khoảng 150 người đến tấn công đan viện, đập nát thánh giá và gây thương tích cho nhiều người.
Linh mục Nguyễn Văn Đức, bề trên đan viện, cập nhật với VOA về tình trạng của thầy Hậu vào tối 30/6:
“Hiện giờ thì không bị đe dọa đến tính mạng, nhưng thầy còn bị chấn thương não. Sáng nay, người ta đem truyền thông tới và đem dân ra nói là mình lấy đất của họ, để lái dư luận”.
Đan sĩ Cường cho biết thêm về việc “dàn xếp truyền thông” này:
“Ba đài truyền hình, trên mic ghi là VTV, đài truyền hình của Huế và Zan TV gì đó, họ đưa ba đài đó lên và phỏng vấn, ghi hình và được bảo kê bởi các côn đồ xung quanh nên các thầy không dám xuất hiện. Họ dàn xếp để ghi lại lời của ông hàng xóm bên cạnh. Hai bố con ông cụ này đã chiếm đất của Thiên An rất nhiều, nên bây giờ họ lại vu khống rằng mình chiếm đất của họ”.
Đan viện Thiên An thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên- Huế, được mệnh danh là “Đà Lạt trên đất Huế”. Đan viện tọa lạc trên ngọn đồi lớn nhất trong số nhiều ngọn đồi thuộc quyền sở hữu của đan viện từ năm 1940.
Rừng thông trong khu đất này đã bị chính quyền “tiếp quản” từ năm 1976 đến nay vẫn chưa hoàn trả. Những năm gần đây, đan viện cho biết chính quyền địa phương, qua trung gian của Công ty TNHH MTV Lâm Trường Tiền Phong, tìm cách chuyển đổi đất-rừng thông thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An thành đất tư.
Cây thánh giá mà các đan sĩ dựng lên trên một ngọn đồi trong khu vực để khách hành hương đến thăm viếng liên tục bị đánh cắp và đập phá.
Các đan sĩ cho biết nhiều chốt cảnh sát đã được dựng lên xung quanh lối vào đan viện. Tất cả khách hành hương, thăm viếng đều bị chặn, không được lên đan viện.
Tại buổi họp báo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở thủ đô Washington chiều ngày 29/6, phát ngôn viên Heather Nauert kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho Blogger Mẹ Nấm, bà nói chính phủ Mỹ “quan ngại sâu sắc” về tình trạng gia tăng bắt giữ và kết án những người lên tiếng ôn hòa.
“Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho Mẹ Nấm và tất cả các tù nhân lương tâm, đồng thời cho phép tất cả mọi người dân Việt Nam được bày tỏ quan điểm tự do và ôn hòa mà không sợ bị trừng phạt. Chúng tôi thấy có một số bước tích cực về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam trong vài năm qua. Tuy nhiên, xu hướng gia tăng bắt bớ và kết án những người phản đối ôn hòa từ đầu năm 2016 là điều rất đáng lo ngại”.
Đại diện của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói thêm rằng “Tiến bộ về nhân quyền sẽ cho phép mối quan hệ đối tác Mỹ – Việt đạt được tiềm năng to lớn nhất”.
Blogger Mẹ Nấm, tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, vừa bị Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa kết án 10 năm tù vào ngày 29/6 về tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Ngay sau khi tòa tuyên án, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Liên hiệp châu Âu và nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đồng loạt ra tuyên bố, đòi Việt Nam lập tức trả tự do cho bà.
Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho Mẹ Nấm và tất cả các tù nhân lương tâm, đồng thời cho phép tất cả mọi người dân Việt Nam được bày tỏ quan điểm tự do và ôn hòa mà không sợ bị trừng phạt.
Trưởng Cao ủy Nhân quyền LHQ, ông Zeid Ra’ad Al Hussein, trong tuyên bố hôm thứ Sáu 30/6 bày tỏ quan ngại về tình trạng đàn áp ngày càng tăng của chính quyền Việt Nam đối với các nhà hoạt động nhân quyền, trong đó có việc bắt giữ và kết án Mẹ Nấm.
Ông Zeid nói: “Điều 88 rất hiệu quả trong việc biến thành tội phạm bất kỳ công dân Việt Nam nào thực thi các quyền tự do căn bản như bày tỏ quan điểm, thảo luận hoặc thắc mắc về chính quyền hay các chính sách. Phạm vi quá rộng và mơ hồ của điều luật này tạo điều kiện để nhà cầm quyền dễ dàng ngăn chặn bất kỳ quan điểm bất đồng nào, và bắt giữ những cá nhân dám phê phán các chính sách của chính phủ”.
Blogger Mẹ Nấm bị chính quyền tỉnh Khánh Hòa bắt vào tháng 10/2016. Trong suốt thời gian từ khi bị bắt cho đến vài ngày trước khi ra tòa, bà không được tiếp xúc với gia đình hay luật sư. LS. Võ An Đôn, một trong 3 luật sư bào chữa cho Mẹ Nấm, còn cho VOA biết rằng trại giam thậm chí không cho Mẹ Nấm mặc đồ lót và dùng băng vệ sinh.
Đại diện của LHQ nói giam giữ và cấm người bị giam cầm tiếp xúc với người thân trong một thời gian dài như vậy có thể được coi là một hình thức tra tấn, vi phạm Công ước chống tra tấn (CAT) mà Việt Nam đã ký kết vào tháng 2 năm 2015.
Ông Zeid Ra’ad Al Hussein nói:
“Tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật nhân quyền, hủy cáo trạng đối với bà Quỳnh và trả tự do cho bà ngay lập tức”.
Đại diện Liên hiệp châu Âu tại Việt Nam cũng khẳng định việc bắt giữ Mẹ Nấm là “đi ngược lại các cam kết về quyền con người của Việt Nam với quốc tế và trong nước”, theo Reuters.
Nhiều luật sư tại Việt Nam cũng lên tiếng chỉ trích bản án đối với Mẹ Nấm là quá nặng và không công bằng.
Các luật sư, giới quan sát và hoạt động dân chủ tại Việt Nam nói bản án 10 năm cho thấy sự sợ hãi của chính quyền. Một số ý kiến khác cho rằng bản án nhằm để “mặc cả” và “đổi chác” sau này cho những mục đích chính trị và trao đổi nhân quyền.
LS. Lê Công Định viết trên trang Facebook cá nhân:
“Bản án 10 năm tù thật bất ngờ với tôi. Không phải vì tính chất phi nhân tàn bạo của nhà cầm quyền đối với một bà mẹ trẻ đơn thân, mà bởi tôi không ngờ đảng cầm quyền hoảng loạn đến mức như vậy”.
Điều 88 rất hiệu quả trong việc biến thành tội phạm bất kỳ công dân Việt Nam nào thực thi các quyền tự do căn bản như bày tỏ quan điểm, thảo luận hoặc thắc mắc về chính quyền hay các chính sách.
Bà Tuyết Lan, mẹ Blogger Mẹ Nấm, cũng bày tỏ quan điểm tương tự và nói bản án là một “đòn thù” đối với con gái và gia đình bà.
“Họ sợ hãi con tôi, sợ cái cộng hưởng lan rộng, được nhiều người hưởng ứng, nên họ phải bóp cổ, bóp miệng con tôi”.
Trong khi đó, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam vào chiều 29/6, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Phiên tòa xét xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đang diễn ra công khai đúng theo các quy định pháp luật Việt Nam”.
Bà nói: “Như tại các nước khác trên thế giới thì tại Việt Nam, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam”.
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nhận được nhiều giải thưởng quốc tế, nhờ nhiều bài viết trên mạng xã hội về các vấn đề chính trị xã hội như trưng thu đất đai, công an bạo hành, bảo vệ chủ quyền, môi trường và các hoạt động cổ xúy cho tự do ngôn luận, dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam,
Gần đây nhất, vào tháng 3/2017, Mẹ Nấm được Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Melania Trump vinh danh với “Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế”. Trước đó, bà được trao giải Người Bảo vệ Quyền Dân sự của tổ chức Người bảo vệ Quyền Dân sự năm 2015, và giải Hellman/Hammett của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền năm 2010.
Bên ngoài văn phòng một tướng lãnh, Raith al-Shababi, một binh sĩ thuộc Lực lượng Đặc biệt Iraq đang lướt qua Facebook.
“Đây là em tôi,” al-Shababi nói, và cho một phóng viên xem hình một thiếu niên mặc sơ-mi trắng, vẻ mặt trầm tư, nghiêm nghị.
“Daesh,” al-Shababi giải thích, đưa ngón tay lên đầu như một khẩu súng. “Bùm, bùm.” Các phần tử hiếu chiến Nhà nước Hồi Giáo bắn chết em của al-Shababi lúc mới 21 tuổi.
Trong khi chờ các tướng lãnh cùng đi chào mừng chiến thắng trong Cổ thành Mosul, al-Shababi nói hiện chưa hoàn toàn chiếm được Mosul, nhưng trận chiến gần chấm dứt.
Tuy nhiên những thiệt hại, mất mát trong 8 tháng giao tranh, 3 năm dưới sự cai trị của Nhà nước Hồi Giáo tại Mosul, và hơn một thập niên chịu sự tấn công thường xuyên của các phần tử cực đoan, làm cho việc chiến thắng buồn nhiều hơn là vui.
“Chúng tôi đã thắng, nhưng hãy nhìn quanh đây,” Đại tá Saaed Badeer Katam, thuộc Tiểu đoàn Lực lượng Đặc biệt Najaf nói “Tất cả đều bị phá hủy.”
Ngay cả Đền al-Nuri, nơi phái đoàn đến tham quan, là một nơi hoang tàn đổ nát, với tòa tháp biểu tượng bị đốn ngả và nơi thờ phượng bị phá hủy. Abu-Bakar al-Baghdadi tự xưng là “Caliph” của Nhà nước Hồi Giáo tại ngôi đền này vào năm 2014. Ba năm sau Nhà nước Hồi Giáo phá hủy ngôi đền, dường như để hạ thấp chiến thắng của lực lượng Iraq tại Mosul.
Rời khỏi chiến trường, Đại tá Katam nói ông không để ý đến việc tuyên bố thắng lợi trước khi giao tranh chấm dứt. Trong lúc ông nói, các cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu của Nhà nước Hồi Giáo đang tiếp tục, và các phần tử hiếu chiến bắn súng cối và bắn sẻ. Binh sĩ chiến đấu để giành lại từng ngôi nhà, và các gia đình tiếp tục trốn khỏi vùng giao tranh.
Đại tá Katam cho nổ các quả bom tự chế nằm rải rác trên các đường phố của Cổ thành Mosul vừa được chiếm lại. Các loại mìn bẩy tự chế này được giấu trong các đống đổ nát và ngay cả trong đồ chơi trẻ em.
Các tòa nhà trong khu vực bị phá hủy và bỏ hoang, và xác các phần tử hiếu chiến thối rữa trên đường phố. Dưới các đống đổ nát là xác các gia đình bị giết khi nhà cửa sụp đổ trong các cuộc không kích, đôi khi những người này bị chôn sống trong nhà.
“Tôi mất 25 người bạn trong trận chiến Mosul, Kaisar, 28 tuổi, một chiến binh thuộc Lực lượng Đặc biệt Iraq nói. Khi được hỏi ông có vui mừng vì chiến thắng không, ông Kaisar trả lời “Tôi rất mệt và chỉ muốn về nhà.”
Đối với các binh sĩ Iraq, về nhà chỉ là để nghỉ xả hơi, nhưng không phải là chấm dứt chiến tranh.
Các phần tử hiếu chiến tiếp tục ẩn núp trong những lãnh thổ do Iraq kiểm soát, sẵn sàng tấn công trở lại. Nhà nước Hồi Giáo vẫn còn chiếm giữ nhiều nơi tại Iraq, bao gồm một phần tỉnh Anbar, Hawija và thành phố chiến lược Tal Afar, theo lời Đại tá Katam.
“Các cuộc hành quân sẽ tiếp tục cho đến khi Nhà nước Hồi Giáo tan rã,” ông nói.
Tal Afar đã bị các chiến binh Đơn vị Động viên Nhân dân hay Hashd Shaaby bao vây kể từ năm ngoái, dù việc tiến chiếm chưa bắt đầu.
Và địa hình chung quanh Tal Afar quá hiểm trở nên khó kiểm soát hoàn toàn, đại tá Katam nói. Các phần tử hiếu chiến trốn khỏi những khu vực khác sẽ cuối cùng rút về thành phố này nếu có thể được.
Đại tá Katam nói “Nơi cuối cùng chúng tôi chiến đấu sẽ là Tal Afar. Và ở đây các phần tử hiếu chiến sẽ chiến đấu cho đến chết.”
“Những tổ nằm vùng” tại Mosul do Iraq kiểm soát đã mở những cuộc tấn công. Tuần trước ba tay đánh bom tự sát nhằm vào những mục tiêu phía đông Mosul, giết và làm bị thương nhiều người trong một khu chợ.
Trước đây trong tuần, khoảng từ 40 đến 50 phần tử hiếu chiến, được biết ẩn núp trong một khu công nghiệp bỏ hoang, tràn ngập hai khu vực tại tây Mosul trong một nỗ lực đánh lạc hướng các lực lượng Iraq trong trận chiến chiếm lại Cổ thành Mosul.
Trung sĩ Mahmoud Mohammad thuộc Sư đoàn 9 bộ binh Iraq nói “Các phần tử hiếu chiến nghĩ là lực lượng Iraq sẽ rời Cổ thành Mosul để một số phần tử hiếu chiến khác có thể trốn thoát.”
Các binh sĩ Lực lượng Đặc biệt và Quân đội Iraq giết tất cả những phần tử hiếu chiến, ông nói, và chỉ cho chúng tôi thấy vết máu trên sàn một ngôi nhà. Máu vẫn chưa khô, và hai vỏ đạn nằm trên sàn nhà. Ông Mohammad nghĩ đây là một vụ xử tử hai người của Nhà nước Hồi Giáo.
Những người láng giềng trở lại nói là tình trạng hổn loạn xảy ra khi Nhà nước Hồi Giáo xuất hiện tại khu vực do Iraq kiểm soát kể từ giữa tháng 4. Các gia đình bị tan lạc khi mọi người hoảng sợ chạy tán loại khi họ thấy những bộ râu rậm và những bộ quần áo truyền thống. Họ không biết có ai bị giết hay không.
Tuy nhiên, các binh sĩ và thường dân đồng ý là có nhiều tổ nằm vùng đang ẩn núp đâu đây tại Mosul và những cuộc tấn công còn lâu mới chấm dứt.
Ông Mohammad, 31 tuổi, cha của 7 đứa con sống tại Tenek, một trong những khu vực bị Nhà nước Hồi Giáo chiếm trong một thời gian ngắn trước đây trong tuần nói “Dĩ nhiên chúng tôi luôn luôn sợ hãi, nhưng chúng tôi đi đâu bây giờ?”
Nhằm đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, chính phủ quân đội Thái Lan sẽ ký một thỏa thuận trị giá hơn 5 tỷ đôla với Trung Quốc để xây một mạng lưới đường sắt cao tốc.
Giai đoạn đầu tiên của tuyến đường sắt cao tốc, dài 252 km nối thủ đô Bangkok với thành phố Nakhon Ratchasima, là bước quan trọng trong mạng lưới đường sắt này. Khi hoàn thành, trọn mạng lưới có chiều dài hơn 1.260 km, đến tận thành phố Côn Minh, thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Các giai đoạn tiếp theo sẽ tuyến đường dẫn đến biên giới giữa Thái Lan với Lào.
Các nhà phân tích xem tuyến đường sắt này là một phần mở rộng của Sáng kiến Một Vành đai – Một Con đường của Trung Quốc, nhằm mở rộng thương mại và đầu tư khu vực. Dự án này cũng nhấn mạnh sự ảnh hưởng khu vực đang trỗi dậy của Trung Quốc.
Thỏa thuận tuyến đường sắt cao tốc, dự kiến sẽ được ký trong tháng 7, sau gần hai năm trì hoãn việc đàm phán với các chi tiết cuối cùng của hợp đồng vẫn chưa được công khai.
Các nhà kinh tế cho rằng đầu tư vào cơ sở hạ tầng đường sắt của Thái Lan cần được ưu tiên.
Bà Pavida Pananond, Phó giáo sư nghiên cứu kinh doanh tại Đại học Thammasat, cho biết những cải tiến chung đối với mạng lưới giao thông của Thái Lan được hoan nghênh.
Bà Pavida cho biết: “Đó là điều tốt cho Thái Lan và rất tốt cho hoạt động kinh doanh của Thái Lan, tôi ủng hộ vì Thái Lan đang cần cơ sở hạ tầng tốt hơn, đặc biệt là về giao thông.”
Thỏa thuận bị nhiều chỉ trích về việc chính phủ lợi dụng các điều khoản đầy quyền lực trong một hiếp pháp tạm thời của Thái Lan.
Các cuộc đàm phán xung quanh thỏa thuận đường sắt Trung-Thái đã bị sa lầy trong hơn hai năm do các tranh chấp về việc tiếp cận đất đai tới Trung Quốc, tranh luận về các khoản tiền lãi vay từ các ngân hàng Trung Quốc và sự hợp lệ khi đưa các kỹ sư và kiến trúc sư Trung Quốc làm việc cho dự án này.
Giáo sư kinh tế học Somphob Manarangsan cho biết dự án đường sắt cung cấp cho khu vực tiềm năng kinh tế đáng kể và thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc.
Ông cho biết Thái Lan cũng đang hướng tới Trung Quốc để đầu tư vào hành lang kinh tế Đông phương (EEC) do chính phủ hỗ trợ nhằm phát triển đầu tư nước ngoài trong khu vực.
Mạng lưới đường sắt bao gồm một đoạn dài 410 km qua Lào, trong đó Trung Quốc đóng góp 70 % trong tổng chi phí 5,8 tỷ đôla. Lào xem tuyến đường sắt này có vai trò quan trọng để có thể xuất khẩu hàng hoá đến cảng biển Thái Lan Laem Chabang, gần thủ đô Bangkok.
Các nhà phân tích cho biết, chính phủ muốn thúc đẩy ký kết một thỏa thuận khi Thủ tướng Thái Prayut sắp tới thăm Trung Quốc vào tháng 9 này để tham dự các cuộc họp của Diễn đàn khối BRICS bao gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi ở Hạ Môn.
Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang và Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi giải quyết các tranh chấp trên biển Đông bằng giải pháp hòa bình theo luật lệ quốc tế.
Hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại điện Kremlin hôm 29/6 để bàn việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ chiến lược và ký kết thêm các hợp đồng hợp tác song phương, theo trang web của điện Kremlin.
Thông Tấn Xã Việt Nam tường thuật rằng trong bản tuyên bố chung được đọc cho báo chí tại điện Kremlin, 2 nhà lãnh đạo đồng ý rằng bất cứ tranh chấp nào về lãnh thổ và biên giới cần được giải quyết một cách hòa bình và không sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước luật biển 1982 (UNCLOS) của Liên Hiệp Quốc.
Kênh truyền hình tin tức của Nga Ruptly TV trích dẫn Chủ tịch nước Việt Nam nói: ”Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Nga và muốn Nga tiếp tục đóng vai trò quan trọng và tích cực trong việc gìn giữ hòa bình và ổn định trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.”
Người biểu tình bên ngoài Lãnh sự Trung Quốc ở Manila, Philippines, hôm 12/7/2016 trước khi Tòa trọng tài quốc tế ở La Hague phán quyết bác bỏ những tuyên bố chủ quyền trên hầu hết biển Đông của Trung Quốc. Việt Nam và nhiều nước trong khu vực đều có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.
Người biểu tình bên ngoài Lãnh sự Trung Quốc ở Manila, Philippines, hôm 12/7/2016 trước khi Tòa trọng tài quốc tế ở La Hague phán quyết bác bỏ những tuyên bố chủ quyền trên hầu hết biển Đông của Trung Quốc. Việt Nam và nhiều nước trong khu vực đều có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.
Cả 2 nhà lãnh đạo kêu gọi nhanh chóng thông qua một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển Đông (COC). Tuyên bố chung nêu rõ “Nga và Việt Nam ủng hộ và thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông.”
Hai bên còn đồng ý tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng. Báo chí trong nước đặc biệt nêu bật tầm quan trọng của hợp tác đào tạo quân sự trong quan hệ Việt-Nga.
Nga đang tìm cách thắt chặt quan hệ với Việt Nam để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Mosow tại Đông Nam Á trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Các chuyên gia nhận định rằng để thoát dần ảnh hưởng của Trung Quốc, Việt Nam đang tìm cách tăng cường quan hệ hợp tác với cả Hoa Kỳ và Nga.
Một cuộc thăm dò công chúng do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện vào năm ngoái cho thấy 75% người Việt có quan điểm tích cực về nước Nga. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh từng lên tiếng ủng hộ “vai trò lớn hơn của Nga trong các vấn đề toàn cầu”.
Việt Nam và Nga đặt chỉ tiêu tăng kim ngạch thương mại 2 chiều lên 10 tỷ USD trước năm 2020. Dầu khí sẽ tiếp tục là lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác giữa 2 nước, theo tổng thống Putin. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác và mở rộng vùng thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam.
Vietsovpetro, một liên doanh dầu khí giữa Việt Nam và Nga, chiếm 1/3 lượng dầu thô được khai thác ở Việt Nam.
Tranh cãi về khai thác dầu trên biển Đông được cho là lý do khiến mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc căng thẳng sau chuyến thăm bị cắt ngắn của một quan chức quốc phòng Trung Quốc tới Hà Nội.
Theo nhận định của giáo sư Carl Thayer trên The Diplomat, vụ việc này “là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang trở nên quyết đoán hơn trong vấn đề đối phó với các hoạt động khai thác dầu của Việt Nam và Philippines trên biển Đông.”
Một cựu nhân viên của một bệnh viện ở Thành phố New York đã nổ súng bên trong tòa nhà bệnh viện hôm thứ Sáu, làm thiệt mạng một bác sĩ và làm sáu người khác bị thương trước khi nổ súng tự sát trong một vụ bạo lực dường như là liên quan tới nơi làm việc, nhà chức trách cho biết.
Kẻ tấn công, mặc áo khoác màu trắng kiểu nhân viên phòng xét nghiệm và trang bị một khẩu súng trường tấn công, leo lên tầng 16 và 17 của Trung tâm Bệnh viện Bronx-Lebanon, và có lúc dường như tìm cách tự thiêu, giới hữu trách nói. Cảnh sát lùng sục tòa nhà tìm thấy ông ta đã chết vì một vết thương do đạn bắn mà ông ta tự gây ra sau cuộc lùng sục, họ nói.
Một bác sĩ bị bắn chết trong vụ đổ máu, và sáu người khác bị thương, năm người bị thương nghiêm trọng, trong đó có một người bị bắn vào chân, Cảnh sát trưởng James O’Neill cho biết tại một cuộc họp báo.
“Một bác sĩ đã chết và có một số người khác đang giành giật sự sống của họ ngay bây giờ,” Thị trưởng Bill de Blasio nói với các phóng viên.
Thị trưởng mô tả vụ nổ súng là một “sự cố đơn lẻ” mà dường như “liên quan đến nơi làm việc.”
Nhà chức trách không xác định danh tính tay súng hay bất cứ nạn nhân nào ngay tức thì.
Một tòa án Nhật Bản đã bắt đầu phiên tòa xét xử ba cựu giám đốc điều hành của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), chủ quản nhà máy điện hạt nhân Fukushima, về tội khinh suất trong công việc, gây tử vong và thương tích.
Cả ba đều không nhận tội liên quan đến thảm hoạ hạt nhân năm 2011 ở thành phố Fukushima, vì theo họ, không thể nào tiên đoán trận sóng thần khổng lồ đã làm ngập nhà máy.
Ông Tsunehisa Katsumata, cựu chủ tịch của công ty TEPCO, xin lỗi về “những hệ lụy lớn lao” mà tai nạn hạt nhân đã gây ra cho cư dân trong khu vực, nhưng nói thêm là ông không tin là ông có “trách nhiệm hình sự trong vụ án”.
Nếu bị kết án, ông Katsumata và các cựu phó chủ tịch Sakae Muto và Ichiro Takekuro phải đối mặt với án tù năm năm và mức phạt tiền lên đến 9.000 đôla.
Các cáo trạng đối với các giám đốc điều hành có liên quan đến cái chết của 40 bệnh nhân tại bệnh viện, những người đã được sơ tán ra khỏi khu vực Fukushima, nhưng đã qua đời sau đó.
Trận động đất và sóng thần năm 2011 đã giết chết 20.000 người ở đông-bắc Nhật Bản. Thảm hoạ này không chỉ kích hoạt sự tan chảy của ba lò phản ứng tại nhà máy điện Fukushima, mà còn gây tranh luận về những rủi ro của năng lượng hạt nhân.