Home Blog Page 13

Điếu Cày tuyệt thực đến ngày thứ 37, Công an tiếp tục bưng bít thông tin

Được RFI đặt câu hỏi, bà Dương Thị Tân , vợ cũ của anh Nguyễn Văn Hải, nghi ngờ anh đã chết trong tù. Đó là lý do tại sao cấp lãnh đạo công an có thái độ “trốn tránh trách nhiệm, lúc nào cũng đi vắng” trong những ngày qua và cho đến hết tuần này.

Bà Dương Thị Tân: Thứ Sáu tuần rồi họ có kêu mẹ con tôi mang đơn ra Cục 8, thì họ chỉ sang Bộ Công an. Sang Bộ Công an thì họ lại chỉ về Thanh tra Công an. Lại Thanh tra Công an thì họ nói với mẹ con tôi là đầu tuần sẽ trả lời. Sáng nay mẹ con tôi lại ra Thanh tra Công an, chờ khoảng hơn một tiếng đồng hồ thì họ có cho một cái thông báo, cho biết là cái đơn của mình yêu cầu khẩn cấp đã chuyển cho Tổng cục trưởng Tổng cục 8 Cao Ngọc Oánh, và yêu cầu mẹ con tôi sang Tổng cục 8 để gặp ông Cao Ngọc Oánh.

Thế là mọi người lại cùng mẹ con tôi lên đường đi sang Tổng cục 8. Nhưng mà đến cổng thì họ chặn mẹ con tôi lại, để mẹ con tôi đứng ngoài mưa. Khi thấy tôi đứng ngoài mưa, các anh các chị bức xúc quá nên phản đối việc đó, thì họ có mở cửa phòng tiếp dân cho mẹ con tôi vào. Và sau đấy thì cũng lại điệp khúc cũ là thủ trưởng đi vắng, tức là ông Tổng cục trưởng Tổng cục 8 Cao Ngọc Oánh đi vắng, không có mặt ở Tổng cục trong một tuần lễ.

RFI: Thưa chị Dương Thị Tân, yêu sách của gia đình là như thế nào? Muốn Bộ Công an phải giải quyết vấn đề cụ thể ra sao?

Mẹ con tôi chỉ yêu cầu họ can thiệp khẩn cấp để biết được hiện trạng sức khỏe của ông Hải, khi đến hôm nay đã bước sang ngày thứ 37, họ đã giải quyết đến đâu, hoặc là đến bao giờ giải quyết? Tôi chỉ xin một cái thông báo rõ ràng. Nhưng mà họ không dám ra một cái thông báo như vậy nữa. Một cái cơ quan đường đường lúc nào cũng nói thực thi luật pháp, nhưng mà một cái thông báo cho nhân dân cũng không dám, đùn qua đẩy lại, thậm chí trong khi cậu ta viết cho tôi mấy chữ thông báo rằng sếp của cậu đi vắng, nhưng mà cậu cũng không dám đóng dấu vào.

RFI: Chị cũng như các nhóm bằng hữu tại Hà Nội đã cùng với chị lặn lội đòi công lý cho Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải), thì chị và các thân hữu phân tích và giải thích ra sao về lý do mà Bộ Công an tránh né?

Dư luận thì nhiều chiều lắm anh ạ, bạn bè thân hữu cũng như là những người ngoài cuộc. Ngày hôm nay mẹ con tôi đến chỗ Thanh tra Bộ Công an, thậm chí có những người không phải thân hữu của chúng tôi, họ cũng động viên chúng tôi là hãy cố gắng lên. Ở góc độ gia đình thì chúng tôi chỉ có một điều suy nghĩ duy nhất, là họ cố tình hãm hại thân nhân tôi. Có thể ông ấy không còn nữa, nhưng họ không dám trả lời. Họ đùn đẩy trách nhiệm qua lại để hòng làm mẹ con tôi nản chí.

RFI: RFI Việt ngữ xin cám ơn chị Dương Thị Tân.

Bà Dương Thị Tân – Việt Nam

Tú Anh

Trong khi đó, bản kiến nghị yêu cầu chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẩn cấp giải quyết vụ tuyệt thực của blogger Điếu Cày đã nhận được 624 chữ ký ủng hộ, theo danh sách được đăng trên trang mạng Bauxite Việt Nam hôm nay. Đây là số chữ ký thu thập được trong  vòng hai ngày, kể từ khi công bố bản kiến nghị ngày 26/07 cho đến khi khoá sổ cuối ngày hôm qua, 28/07.

Nguyên văn bản kiến nghị :

Kính gửi: Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, yêu cầu Chủ tịch Nước và Chính phủ Việt Nam thực hiện đúng trách nhiệm của mình để khẩn cấp giải quyết vụ tuyệt thực, nhằm giữ mạng sống cho công dân yêu nước Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày.

Công dân Nguyễn Văn Hải, do các hoạt động bảo vệ nhân quyền và chủ quyền cho Việt Nam, đã bị kết án 30 tháng tù “vì tội trốn thuế”, sau khi hết hạn tù lại bị kết án tiếp 12 năm tù giam “vì tội tuyên truyền chống nhà nước”. Bị ngược đãi trong tù, ông phải tuyệt thực để phản đối.

Chúng tôi kêu gọi những người Việt Nam trong và ngoài nước ký tên vào Bản yêu cầu này để cứu blogger Điếu Cày mà tính mạng đang trong tình trạng nguy cấp.

Chúng tôi kêu gọi các nhà ngoại giao, các sứ quán nước ngoài ở Việt Nam, các tổ chức quốc tế đang có mặt ở Việt Nam đòi các nhà cầm quyền Việt Nam cung cấp những thông tin xác thực về Điếu Cày, tạo điều kiện cho họ đến thăm Điếu Cày nơi giam giữ để hiểu rõ tình trạng sức khỏe của ông.

Chúng tôi đòi các nhà chức trách trả tự do vô điều kiện cho công dân Nguyễn Văn Hải và các tù nhân lương tâm khác.

Nhớ anh Nguyễn Văn Hải – Điếu Cày

0

LS Lê Công Định

14-08-2014

Tôi đã theo vụ án “trốn thuế” của anh Hải Điếu Cày từ những ngày anh chưa bị bắt (tháng 5/2008), cho đến khi anh ra tòa (tháng 11/2008). Trong vụ án này tôi gặp nhiều trở ngại và áp lực từ nhiều phía. Đầu tiên, với tư cách luật sư, tôi bị gây khó khăn vô lý để không tham gia vào giai đoạn điều tra ban đầu mà luật pháp cho phép trong các vụ án phi chính trị.

Sau đó, trước ngày xét xử, một quan chức cao cấp của Tòa án TPHCM đã gọi điện thoại cho luật sư Nguyễn Đăng Trừng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Sài Gòn, yêu cầu Đoàn Luật sư cấm tôi biện hộ cho anh Hải. LS Trừng hỏi lại quan chức ấy rằng họ dựa trên cơ sở pháp lý nào để cấm luật sư Định biện hộ thì chỉ giúp ông. Quan chức đó đành ngậm ngùi trước sự bảo vệ tôi mạnh mẽ của LS Trừng. Nhân đây, tôi đang tự hỏi, nếu ai thay thế LS Trừng ở vị trí Chủ nhiệm Đoàn Luật sư trong tương lai, liệu người ấy có đủ dũng khí và lý lẽ nặng ngàn cân của một vị thủ lĩnh như vậy để chống lại sự can thiệp vô luật pháp kiểu đó?

Tại phiên tòa, khi tôi đòi điều tra và khởi tố Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an quận 3 lúc bấy giờ vì đã chỉ đạo sai luật vụ án này, vị đại diện Viện kiểm sát đã giận dữ hỏi tại sao tôi “dám” đòi hỏi với ngụ ý cố tình “lăng mạ” một vị lãnh đạo công an quận như thế, rồi quay sang vị thẩm phán chủ tọa yêu cầu tòa án làm việc với Đoàn Luật sư để kỷ luật và tước quyền hành nghề của tôi. Tôi từ tốn giải thích rằng đòi hỏi của tôi hoàn toàn hợp pháp và phải chăng vị đại diện Viện kiểm sát muốn đe dọa để ngăn cản luật sư giữa phiên tòa (!). Sau khi nghe tôi nói, vị thẩm phán chủ tọa nhìn vị đại diện Viện kiểm sát xua tay ra dấu dừng lại. LS Nguyễn Đăng Trừng về sau kể lại rằng vài ngày tiếp theo phiên tòa quả thật đã có chỉ đạo từ “đấng bề trên” về việc thi hành kỷ luật và tước quyền hành nghề của tôi, nhưng LS Trừng một lần nữa hỏi họ cơ sở pháp lý nào để làm việc ấy!

Phiên tòa hôm đó tuy mang tiếng là công khai, nhưng người đến dự phải trình giấy mời và bước qua máy soi kim loại như thường thấy ở các sân bay quốc tế, không ai được cầm theo điện thoại và máy ghi âm. Bước vào phòng xử, tôi ngạc nhiên vì thấy phòng đầy kín người ngồi, trong khi ngoài đường xe cộ qua lại bị hạn chế, điều không bao giờ có trong các vụ án phi chính trị đúng nghĩa. Người dự khán, mà tôi cố tin và giả định là những người dân thật sự muốn đến xem xét xử công khai, lại được tòa án phát bánh mì và nước uống vào buổi trưa, và nhận phong bì vào lúc kết thúc phiên tòa. Tôi lại cố tin và giả định rằng trong phong bì đó chỉ là một mẩu giấy ghi lời cám ơn công dân đã bỏ thời gian vàng bạc đến tham dự thôi, chứ không phải tiền bạc gì, như nhiều người hay nghĩ “xấu” mà thành “xuyên tạc”!

Từ vụ án của anh Hải Điếu Cày tôi bỗng ước ao mọi công dân có thịnh tình dự khán các phiên tòa ở nước ta, bất kể chính trị hay phi chính trị, sẽ được ra vào tự do và, quan trọng hơn, đều được phát cơm, nước và phong bì cám ơn!

Về sau, lúc ngồi trong tù, nhớ anh Hải Điếu Cày, tôi đã viết bài thơ sau đây tặng anh:

Tính cách quân nhân tâm ý thẳng,
Nạn nhân công lý tột đê hèn.
Trò hề trốn thuế vu oan vụng,
Kế xảo bám quyền nuốt nhục quen.
Nhà báo tự do thầm thắp lửa,
Tiếng dân đè nén giục thay nền.
Đa chiều ngôn luận xô màn sắt,
Ảo tưởng thiên đường bớt máu hoen!

Nguồn: FB LS Lê Công Định

——–

Kỷ niệm với anh Nguyễn Văn Hải – Điếu Cày

LS Lê Công Định

11-08-2014

Bốn năm về trước, sau khi chuyển từ trại Xuân Lộc về trại Chí Hòa vào chiều ngày 10/8/2010, ngay sáng hôm sau tôi được phân công lao động tại thư viện của toàn trại đặt ở Khu G. Sách của thư viện nghèo nàn, đa phần là giáo trình về chủ nghĩa Marx-Lenin và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, in từ 20 năm trước đó. Về sau, nhờ gia đình của một vài tù nhân biếu tặng thêm sách mới, đặc biệt là tiểu thuyết, nên mọi người còn có cái để đọc cho qua ngày đoạn tháng.

Trước khi tôi về lao động tại trại Chí Hòa, thư viện còn mở cửa cho tù nhân mượn và đọc sách. Vì không muốn người tù khác tiếp xúc và trò chuyện với tôi, nên việc mượn sách bị giới hạn dần, đến nổi ai đến thư viện mà không có cán bộ đi kèm theo sẽ bị kỷ luật nặng. Sự hiện diện của tôi do đó chỉ giúp bộ mặt thư viện khang trang và sạch sẽ hơn, do tôi quý sách và biết sắp xếp ngăn nắp, dọn dẹp vệ sinh thường xuyên.

Đỉnh điểm của sự cô lập hóa tôi là ngay trước của thư viện người ta gắn luôn tấm bảng cấm tù nhân ra vào tự do, thậm chí cách đó độ 10m một tấm bảng khác cấm tù nhân đi ngang sát cửa thư viện. Tôi thường nói đùa với các cán bộ quản giáo canh giữ tôi, rằng thư viện của Chí Hòa là độc nhất vô nhị trên toàn thế giới từ cổ chí kim, vì được lập ra không nhằm mục đích cho mượn sách, còn người đọc bị hạn chế lui tới như thể đó là chuồng nuôi thú dữ (!).

Việc tôi về Chí Hòa chỉ sau một tháng chuyển lên Xuân Lộc cùng các anh Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long có nguyên nhân sâu xa. Thoạt đầu người ta nói với tôi rằng Công an TPHCM xin tôi về lại Sài Gòn, thay vì ở Đồng Nai, là do họ thương xót tình cảnh mẹ tôi già cả, mang bệnh tật, phải đi đường xa thăm con trai hàng tháng. Tôi nghe thấy cũng cảm kích lắm, nhưng rồi tự hỏi sao hai bà mẹ của anh Thức và anh Long cao niên hơn và đau ốm nặng hơn mẹ tôi, mà hai anh vẫn bị giam ở Xuân Lộc xa xôi thế (?).

Về trại giam Chí Hòa khoảng vài tuần lễ tôi có ngay câu trả lời. Thật ra, không phải họ thương mẹ tôi già yếu đi xa thăm con, mà thương các điều tra viên phải đi đường dài thẩm vấn tôi hơn, nên tôi mới bị di lý về Sài Gòn nhanh chóng như thế. Lúc ấy, vụ án Câu lạc bộ Nhà báo tự do của anh Hải Điếu Cày, chị Tạ Phong Tần và anh Phan Thanh Hải đang được Công an TPHCM điều tra, chờ xét xử, mà cả Nguyễn Tiến Trung và tôi đều bị tình nghi liên quan. Suốt gần một năm ở Chí Hòa tôi bị thẩm vấn liên tục về mọi khía cạnh của vụ án này như một bị can trong vụ mới, mà lắm lúc căng thẳng cao độ, tôi tưởng mình sẽ bị tuyên thêm một bản án nữa. Có lần mẹ tôi đến thăm theo định kỳ, tôi buộc lòng thổ lộ khả năng ở lâu hơn 5 năm tù như đã tuyên, để chuẩn bị tinh thần cho bà. Về phần mình, tôi bình thản chấp nhận mọi điều sẽ xảy ra.

Kỷ niệm giữa tôi và anh Hải Điếu Cày có nhiều, nhưng cảm động nhất có lẽ là lúc anh và tôi cùng bị giam ở Chí Hòa đầu năm 2013. Tin tức anh Điếu Cày về Chí Hòa được anh em bạn tù thông báo đầy đủ cho tôi. Khi tòa phúc thẩm xử vụ án của anh xong, tôi tìm cách chuyển lời thăm anh và chúc vững lòng tin. Đến lúc gần bị chuyển đi xa khỏi Sài Gòn, anh gửi lại lời thăm tôi và dặn dò giữ gìn sức khỏe cho ngày sau. Tin tức qua lại ngắn gọn, nhờ nhiều bạn tù truyền miệng nối tiếp nhau mới đến nơi, nên khi nhận được, lòng tôi thấy se thắt, mắt rưng rưng, song cảm giác vô cùng ấm áp giữa không gian ngột ngạt của nhà tù. Sau đó một thời gian không lâu, tôi được trả tự do. Giây phút bước chân khỏi cổng, rời trại giam để trở về nhà, tôi nghĩ ngay đến anh Hải Điếu Cày và thầm cầu chúc anh sẽ trở về một ngày không xa.

Nguồn: FB LS Lê Công Định

Phản ứng trước bản án 26 năm tù của blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, AnhbaSG

Ba blogger được nhiều người biết đến tại Việt Nam bị tuyên án tổng cộng 26 năm tù về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’. Ba thành viên chủ chốt trong Câu lạc bộ Nhà báo Tự do này bị bắt sau khi đăng tải các bài viết phê phán nhà nước bao gồm chính sách bảo vệ chủ quyền biển đảo của chính phủ Hà Nội trước sự xâm lấn ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông.

Sau phiên tòa chớp nhoáng sáng ngày 24/9, blogger Điếu Cày bị tuyên án 12 năm tù, 5 năm quản chế. Blogger Tạ Phong Tần bị 10 năm tù, 5 năm quản chế. Blogger AnhbaSG bị kêu án 4 năm tù, 3 năm quản chế.

Dù nhà nước tuyên bố đây là phiên xét xử công khai, nhưng chính gia đình của các bị can cũng không được phép tham dự. Thân nhân bị can và những người ủng hộ tìm cách dự phiên tòa hôm nay đã bị lực lượng công quyền dùng võ lực ngăn cản và đã xảy ra các vụ bắt bớ.

Blogger Bùi Minh Hằng, một trong số những người tìm cách đến cổng tòa sáng 24/9 để theo dõi phiên xử, cho VOA Việt ngữ biết:

“Ngay từ đêm hôm qua, lực lượng an ninh của nhà cầm quyền đã có sự bố ráp rất kinh khủng đối với gia đình của những blogger và những người bạn có khả năng tham dự phiên tòa. Sáng sớm 24/9 khu vực Dòng Chúa Cứu thế ở 38 Kỳ Đồng bị lực lượng an ninh dày đặc bao quanh. Khi Hằng cùng mọi người bước ra, không thể tưởng tượng được, công an chìm nổi và lực lượng bảo vệ đứng dọc hai bên đường kéo dài từ Dòng Chúa Cứu Thế cho tới tòa án, trên đoạn đường khoảng 2-3 cây số. Tới cách cổng tòa chừng 2,3 trăm mét, họ chặn lại ngay khách sạn Victory. Họ dàn quân ra. Họ ra lệnh bắt tất cả ngay ngã tư đó. Cho tới giờ này, hai cô em gái của Tạ Phong Tần và theo như gia đình thông báo, cả cậu em trai của cô Tần nữa hiện vẫn bị bắt giữ, không biết ở đâu.”

Vụ án của blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và AnhbaSG đã khiến giới bảo vệ nhân quyền quốc tế một lần nữa mạnh mẽ chỉ trích thành tích nhân quyền xuống dốc của Việt Nam. Chính blogger Điếu Cày đã từng được Tổng thống Mỹ Barack Obama nhắc tới nhân ngày Tự do Báo chí Thế giới năm nay như một trong những ngòi bút bênh vực dân chủ-nhân quyền bị đàn áp trên thế giới.

Ngay trong ngày diễn ra phiên xử ba blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và AnhbaSG, tòa đại sứ Mỹ tại Việt Nam đã ra tuyên bố kêu gọi Việt Nam phóng thích ba ngòi bút tự do này.

Thông cáo của đại sứ quán nhấn mạnh: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về tin Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã kết tội và kết án blogger Điếu Cày 12 năm tù giam cho việc ông bày tỏ quan điểm chính trị của mình một cách ôn hòa.

Cách chính phủ xử lý Điếu Cày dường như không nhất quán với các nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị, cũng như các điều khoản của Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu liên quan đến tự do ngôn luận và xét xử theo đúng trình tự pháp lý.”

Tòa đại sứ Mỹ tại Việt Nam dẫn lời của Tổng thống Obama nói về Ngày Tự do Báo chí Thế giới, kêu gọi chính phủ Việt Nam thực hiện các bước cần thiết để tạo ra xã hội mà ở đó các nhà báo độc lập có thể hoạt động tự do, không sợ hãi.

Phản ứng mạnh mẽ trước bản án nặng nề dành cho ba thành viên trong Câu lạc Bộ Nhà báo Tự do ở Việt Nam hôm nay, Phó giám đốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch phụ trách khu vực Châu Á, ông Phil Robertson, khẳng định:

“Các bản án nặng nề dành cho những blogger này hết sức vô nhân đạo, cho thấy chính phủ Hà Nội không dung chấp các quan điểm đối lập và sự đàn áp của họ đối với các quyền căn bản của con người tới mức nào. Bằng hành động hôm nay, nhà nước Việt Nam đang chứng tỏ cho thế giới thấy họ coi thường các nhân quyền được quốc tế công nhận và thách thức cộng đồng thế giới. Cộng đồng quốc tế nên cho Hà Nội biết rằng các hành động kiểu này cũng đồng nghĩa là Việt Nam ít có cơ may có được chiếc ghế mà họ đang nhắm tới tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc vào năm 2014.”

Tổ chức bảo vệ ký giả quốc tế Phóng viên Không biên giới RSF ngay trong ngày 24/9 cũng ra thông cáo lên án chính phủ Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng khi tuyên án 3 ngòi bút đấu tranh cho tự do-dân chủ tại Việt Nam này.

Bà Lucie Morillon, trưởng bộ phận truyền thông mới thuộc RSF, nhấn mạnh:

“Tổ chức Phóng viên Không biên giới hết sức phẫn nộ trước bản án quá nặng và phi lý dành cho 3 blogger tại Việt Nam hôm nay. Lâu nay chúng ta ít thấy các bản án trên 10 năm dành cho các blogger và thật vô nhân đạo khi bỏ tù ba người này vì họ chẳng làm gì sai trái. Họ chỉ bày tỏ quan điểm, thực thi quyền tự do ngôn luận của công dân khi chỉ trích những sai trái, bất công, và thực trạng thiếu nhân quyền trong xã hội Việt Nam. Qua việc lên án bản án dành cho 3 blogger này, chúng tôi nỗ lực đánh động sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Thế giới yêu chuộng dân chủ cần cho Việt Nam thấy rằng họ không thể bỏ tù những người bất đồng chính kiến trong nước mà không bị thế giới phản ứng, họ không thể tíêp tục cách hành xử như vậy. Thân mẫu blogger Tần đã phải tự thiêu vì tuyệt vọng trước những bất công tại Việt Nam. Chúng ta không những cần huy động sự quan tâm để bảo vệ cho ba blogger bị tuyên án hôm nay mà cần phải bảo vệ cho người thân của họ nữa, vì gia đình các blogger này hiện đang bị chính quyền nhắm mục tiêu tấn công, sách nhiễu, và đối xử tàn bạo.”

Cùng ngày, tổ chức tranh đấu nhân quyền cho người dân Việt Nam có trụ sở tại Pháp mang tên Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam ra thông cáo nói rằng bản án của 3 blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và AnhbaSG là bằng chứng cho thấy Hà Nội không từ một thủ đoạn nào để bóp nghẹt các tiếng nói cổ xúy cho tự do-dân chủ trong nước.

Chủ tịch Ủy ban, ông Võ Văn Ái, phát biểu với VOA Việt ngữ:

“Sự kiện 3 blogger đấu tranh cho dân quyền, dân chủ bị kết án một cách quá nặng nề như vậy cho thấy đây là một phiên tòa hết sức dã trá, là một thách thức rất lớn đối với các nước văn minh. Bởi vì tới nay các nứơc trên thế giới đã ủng hộ giúp đỡ cho Việt Nam rất nhiều trên phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội…Trước những yêu sách của thế giới đã lên tiếng đòi trả tự do cho 3 blogger, nhưng Việt Nam đã quay lưng. Sự thật, 3 blogger này chỉ nói lên quan điểm của họ về nhân quyền và kêu gọi cải cách dân chủ. Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng tại Liên hiệp quốc. Chúng tôi hoạt động chung với hai tổ chức quốc tế gồm Đài Quan sát những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền và Liên đòan Quốc tế Nhân quyền. Chúng tôi sẽ đưa vụ này ra Liên hiệp quốc trong những ngày tới và chắc chắn chúng tôi sẽ mở rộng việc kêu gọi trả tự do cho 3 blogger này tới các chính quyền Âu, Mỹ.”

Ba bản án nặng tay hôm nay không chỉ nhắm vào 3 thành viên của Câu lạc bộ Nhà báo tự do mà còn là một lời răn đe nghiêm khắc đối với giới blogger đang vận dụng internet để thu thập thông tin và đòi hỏi cải thiện dân quyền, nhân quyền trong nước. Tuy nhiên, tác dụng đó khó được như chính quyền mong muốn trong thời đại thông tin mở ngày nay.

Blogger Bùi Minh Hằng nói:

“Điều luật 88 hay 79 hay bất cứ điều luật gì ở Việt Nam đều không có giá trị vì họ có làm đúng pháp luật đâu ạ? Không làm đúng pháp luật thì lấy gì để những bản án đó được người dân có thể tâm phục, khẩu phục. Những con người yêu nước, những blogger này hoàn tòan không có hành vi gì để mà căn cứ vào những điều luật đó cả. Chúng tôi bây giờ thật sự là lúc nào cũng sẵn sàng bị nhà nước trả thù. Bởi vì một nhà nước khi dùng tất cả những thủ đoạn dã man, man rợ nhất để trả thù con dân của mình thì cái nhà nước đó đã đến lúc là cáo chung cho họ rồi.”

Điếu Cày, một cựu chiến binh từng được tổ chức Human Rights Watch trao giải thưởng uy tín Hellman/Hammett năm 2009 dành cho những ngòi bút bị đàn áp. Ông bị bắt từ tháng tư năm 2008 và bị tuyên án 2 năm rưỡi tù giam về tội ‘trốn thuế’ sau khi đăng tải các bài viết và tham gia các hoạt động chống Trung Quốc xâm lấn Trường Sa-Hoàng Sa của Việt Nam. Từ ngày mãn án vào tháng 10 năm 2010 tới nay ông tiếp tục bị chính quyền giam cầm với cáo buộc mới về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’.

Tạ Phong Tần bị bắt ngày 5/9 năm ngoái, nguyên là một sĩ quan công an và từng là đảng viên đảng cộng sản. Trang blog Công lý & Sự thật của bà ra đời từ cuối năm 2006, với hàng trăm bài viết về bất công xã hội, tham nhũng, và tình trạng lạm dụng quyền lực của bộ máy công quyền. Bà Tần được trao giải thưởng uy tín Hellman Hammett năm 2011.

Blogger AnhbaSG tức Phan Thanh Hải, bị bắt từ tháng 10 năm 2010 với cáo buộc đăng tải thông tin sai sự thật trên trang blog cá nhân với các bài viết về tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam với Trung Quốc, về dự án bauxite Tây Nguyên gây tranh cãi, và về các nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam. Ông nhận giải Hellman/Hammett vào hồi năm ngoái.

Phiên xử của ba blogger này đã bị đình hoãn 3 lần, lần mới nhất là sau vụ tự thiêu của mẹ blogger Tạ Phong Tần hồi cuối tháng 7 năm nay.

Tổ chức Phóng viên Không biên giới liệt kê Việt Nam vào danh sách các nước ‘Kẻ thù của Internet’ trên thế giới. Sau Trung Quốc và Iran, Việt Nam là nước bỏ tù blogger và các ngòi bút bất đồng chính kiến trên mạng nhiều nhất trên thế giới.

NHỮNG NGƯỜI CÒN LẠI

86
Gần mười giờ trưa ô tô mới về đến bến Cầu Ôc. Từ đó tôi phải đi bộ năm cây số đường đất chạy qua cánh đồng lúa mới tới được làng La.
Lâu rồi mới có dịp trở về vùng quê. Quanh tôi bao la đồng xanh hương lúa, những lượt gió thổi tới từ chân trời trong lành êm ả. Thật thư thái và nhẹ lòng mỗi khi được rời bỏ không khí ngột ngạt, ồn ào cuả phố phường để trở về đây. Nếu bác Hải, mẹ anh Hoàng không ốm, chắc gì tôi đã đi nổi một chuyến như thế này.
Nhờ sự chỉ dẫn kỹ lưỡng của bác, tôi nhận ra làng La ngay từ xa. Nó tách khỏi những cụm làng khác. Một mình trôi nổi giữa biển lúa giống như chiếc tàu buồm cô đơn. Vùng này vốn đồng chiêm trũng. Bác Hải kể, hồi trước vào mùa nước, từ quốc lộ muốn vào làng, hoặc từ nhà này sang nhà khác phải đi đò, thúng mủng. Mênh mông trắng xoá, lụt đồng, lụt làng, không nhận ra nổi đâu ruộng, đâu ao, đâu đường xá.
Quê hương anh Hoàng đấy ư? Con đường bấy nát lồi lõm chạy giữa hai hàng bạch đàn còi trắng mủn khẳng khiu. Đầu làng là một cây đa cổ thụ. Gốc của nó sần sùi hang hốc, rêu mốc ăn lõm cả vào thân cây. Dưới tán lá lốm đốm trắng là một ngôi nhà cũ xiêu mọp, tường vôi lở lói nham nhở, rêu phong bao phủ, mái ngói xô thủng. Có lẽ đó là ngôi trường làng mà bác Hải hay nhắc đến mỗi khi kể về quê hương bản gốc. Hồi còn bé, trước khi gia đình bác chuyển lên Hà Nội, anh Hoàng đã học vỡ lòng tại đây. Hình như chẳng ai ngó ngàng tới việc sửa sang hoặc dỡ bỏ ngôi nhà hư nát này. Lớp lớp tuổi thơ vẫn tới đây vào cái ngày đầu tiên cắp sách tới trường. “Vậy mà có lúc nói gở thằng Hoàng bảo trước khi chết phải về thăm ngôi trường ấy, gốc đa ấy rồi mới ra ngoài đồng nước”. Bác Hải vẫn hay sụt sịt kể lại điều đó với tôi.
Vẻ tiêu điều, hoang lạnh nơi Hoàng đã từng ngồi học, lặng lẽ khơi lên nỗi buồn trong tôi. Những giây phút thảnh thơi nhanh chóng mờ lụi. Thẫn thờ, tôi lủi thủi đi sâu vào làng dọc theo con đường hẹp, phủ đầy lá tre khô.
Trong làng nhà ngói tường xây thật hiếm hoi. Giữa các vườn cây, nép dưới khóm tre là những mái gianh xám xịt, vách đất tềnh toàng chảy rữa. Bộ đồ tôi mặc về quê rất giản dị mà vẫn lạc lõng giữa chốn này. Có lẽ vì thế mà tôi cuốn bọn trẻ con đi theo tôi như một đám rước. Chúng nhìn ngó, xì xầm bàn tán, đứa nào đứa lấy mặt mũi, người ngợm nhem nhuốc, xống áo tả tơi.
“Cả làng anh có hai mươi người đi tha phương cầu thực đến nay vẫn bặt tin, trong đó có người cô ruột của anh…Năm nào nơi khác được mùa thì làng anh đủ ăn. Thiên hạ đủ ăn thì làng La đói to, đến quả hồng xanh chát xít cũng chả còn mà vặt” – Anh Hải kể.
Tuổi thơ của anh Hoàng, xa hơn là bác Hải, của vô số những kiếp người, từ năm nảo năm nào với muôn vàn cảnh nghèo khổ dường như vẫn còn nguyên trước mắt tôi, không mấy đổi thay…
Trên đường thôn có một bà cụ đang đi về phía tôi. Lưng bà còng gập xuống, lụi cụi bước giữa cái nắng trưa khô khốc.
-Bà ơi, cho cháu hỏi thăm? – Tôi níu lấy cánh tay bà.
-Cô hỏi lối vào nhà ai? – Ngước cặp mắt đục mờ bà cụ nhìn tôi.
-Thưa, cháu không vào nhà ai đâu ạ. Xin cụ chỉ giùm lối ra đồng Chuôm.
-Vậy cô cứ thẳng lối này, tới đê thì trẽ tay phải, gặp cái điếm thì trẽ xuống ruộng. Đồng Chuôm đấy…Dưng mà cô tìm gì ngoài ấy?
-Cháu có chút việc – Tôi ngập ngừng – Cháu tìm mộ người nhà.
-Mộ à? – Bà cụ nghĩ ngợi -Còn ai nằm ngoài Chuôm đâu? Làng chuyển hết lên đồng cao từ năm kia…à phải rồi, có một người nữa. Ra cô là…
Gật gù, chẳng nói gì thêm bà cụ bỏ đi. Chẳng kịp cảm ơn, tôi đứng ngơ ngác nhìn theo cái lưng còng của bà cụ nhô về phía tôi.
-A, vợ của thằng giết người…Ra Chuôm thăm nó đấy!
Một đứa trong bọn trẻ nghe thủng được câu chuyện giữa tôi và bà cụ hí hửng thông báo với bọn bạn. Bọn trẻ ồn lên, ép sát, ngó thẳng vào mặt tôi. Rõ ràng tôi chẳng có gì đáng để chúng phải kiêng nể nữa.
-Nom xinh gái thế mà lại lấy thằng giết người, chúng mày nhỉ?
Tôi đi nhanh lên như chạy, cố như điếc, như mù.
-Đấy là cái mả điên chứ? -Gió vẫn cứ tàn nhẫn đưa đến tai tôi tiếng lao xao của bầy trẻ nhỏ.
-Cũng là vậy! Ơ ngoài Chuôm chỉ còn cái mả ấy là làng không bốc đi.
Ra khỏi làng một đoạn xa, dọc theo đường đất bụi bặm rồi còn phải lội vào giữa đồng mới tới được chỗ anh Hoàng. Ngôi mộ quá nhỏ nằm ở góc ruộng, lọt thỏm giữa đám lúa xanh, cách chục bước chân khó mà nhìn thấy.
Tôi lặng đi. Tim muốn ngừng đập khi đột nhiên trước mặt là nấm mồ của anh. Nhiều phút trôi qua vẫn không thể trấn tĩnh, nước mắt lặng lẽ ứa ra, đau đớn, nóng rực tròng mắt.
Tám năm rồi anh nằm đấy, hình hài tan biến trong lòng sâu đất ẩm. Giữa thế giới những âm hồn, anh vẫn thế, trơ vơ, cô lẻ. Bề mặt ngôi mộ chỉ bày đủ đĩa hoa và nải chuối. Đĩa xôi và con gà luộc phải chờ tuần hương sau. Cả nắm hương bùng lửa ngọn. Khói thơm bị cuốn đi, tan biến, không kịp vương vít quanh mộ.
Anh Hoàng…Tám năm qua rồi em mới một lần về thăm anh. Tám năm, em đã qua thời niên thiếu, đã vào đời hưởng sướng vui, chịu đau khổ và ở tuổi hai mươi ba này, với em, cuộc đời đang mở ra, bát ngát như chân trời trước mắt kia. Nhưng tám năm qua cùng sự lớn khôn theo nghĩa thông thường, em còn trưởng thành lên trong những hồi tưởng càng ngày càng rõ rệt hơn về anh, trong sự càng ngày càng thấu hiểu anh hơn. Càng thấm thía thì càng đau đớn, càng cay cực, bị dày vò, càng u uất không thể nói với ai về anh, về bất cứ cái gì. Với ai anh cũng là kẻ sát nhân điên khùng, đơn giản vậy thôi. Cuộc sống này vốn được coi là bình dị, nên người ta hiểu cuộc sống này, hiểu con người một cách thẳng thừng, thản nhiên, nhẹ nhõm, như là đếm, là xếp vậy. Và người ta có lý. Và người ta đúng. Chỉ có nỗi đau không chấp nhận con đường ấy. Nó cứ lắt léo và đau đớn, đau mãi trong lòng em, anh Hoàng…
*
…Năm ấy tàn cuộc chiến, anh Hoàng từ mặt trận trở về, tôi tròn mười bốn tuổi.
Khi anh đi bộ đội tôi còn quá nhỏ, phần vì quan hệ thưa nhạt giữa hai nhà, nên tôi chẳng chú ý gì lắm, ngoài cái tên Hoàng, con bác Hải. Anh cũng vậy, sau ngày trở về cũng chỉ sang nhà tôi chơi một lần trong dịp thăm hỏi suốt lượt hàng xóm láng giềng. Với lại trông anh thật khó gần, mới hai mươi ba mà cứ như bốn mươi, vóc người gầy nhỏ, nước da tái mét, rất ít lời, vẻ khắc khổ.
Vài lần tôi gặp anh bên dậu cúc tần ngăn giữa hai nhà. Cứ độ vài ngày tôi lại mang rổ ra hái lá cúc tần để mẹ đem bán cho các bà làm vòng hoa đám ma. Thỉnh thoảng anh lại gần xem tôi làm, rủ rỉ bắt chuyện. Bao giờ tôi cũng trả lời qua quýt và kiếm cớ bỏ đi. Để ý thấy thế mẹ dặn.
-Thằng Hoàng dở người đấy, liệu mà tránh xa. Còn nó đã hỏi han thì cố trả lời cho tử tế, rành rọt. Mày cứ nhấm nhẳn nó nổi cơn bất đồ thì khốn.
Chẳng riêng gì mẹ tôi, ở làng hoa này lâu nay có tin đồn là anh con trai bà Hải dở người. Tôi nghe mà không hiểu. ở Hà Nội người điên có hiếm đâu, tôi thấy mãi còn lạ gì. Anh Hoàng chẳng có chút gì giống họ. Nhưng ngẫm kỹ thấy câu nói của anh có gì khang khác, là lạ…Tú này, dạo này làng mình ồn quá em nhỉ? Đêm đêm như có ai la hét, em có nghe thấy không? … Tú này, em có để ý thấy hoa của làng mình lâu nay nom cứ nhợt nhạt thế nào ấy. Bông hoa nào cũng thấy nhạt như mặt người chết hơn…
Chẳng tin, cũng chẳng không tin, xong những lời bàn tán của mọi người làm tôi chú ý đến anh hơn. Với lại, mặc dù còn bé, tôi cũng ý thức được rằng, cái dáng vẻ lừ lừ không lúc nào rời bộ quần áo lính, đôi dép đúc nom cũ cũ của anh Hoàng thật khác so với mọi người. Mà đã khác người đời, thì hoạ là người điên, người hâm hấp, gàn dở, ai cũng nghĩ thế.
Một buổi tuần trăng tháng mười. Cái buổi tối không thể nào quên trong đời tôi…
…Tôi ngồi học khá muộn. Chương trình vô tuyến trong ngày đã hết. Mọi âm thanh im bặt, làng trở lên yên ắng. Bấy giờ trăng mới lên. Cũng lúc ấy bắt đầu tiếng sáo, dìu dặt, trầm bổng.
Như bị ai níu chặt, tôi đứng giữa sân ngập ánh sáng xanh nhạt. Thoạt nhiên tiếng sáo nghe xa xăm, nghe chơi vơi, hết sức mơ hồ, huyền ảo. Không gian tràn ngập tiếng nhạc ru dương. Không ra là tiếng gió vi vút, tiếng sương rơi nhè nhẹ. Hay là tiếng hát của vầng trăng vẳng xuống. Dường như là một. Khúc điệu của nó, tiếng sáo ấy, trong lành, tươi sáng hay sầu thương, bi thảm tôi cũng không nhận ra ngay được. Tôi bị cuốn trong cái bổng cao chót vót, rồi đắm chìm xuống, âm thầm, dịu buồn.
Đêm thu. Trời trăng, tiếng sáo …
Tiếng sáo dắt tôi nhè nhẹ đến bên dậu cúc tần. Bên kia vườn phía nhà bác Hải là nơi ẩn dấu của tiếng sáo ấy. Lẳng lặng tôi ra ngõ vòng sang nhà bác Hải. Vừa đến sân thì bác Hải đứng trong bóng tối của chái nhà đi ra giữ lấy tay tôi.
-Tú đấy ư? Cháu đừng ra vườn…-Bác nghẹn ngào.- Anh Hoàng đang lên cơn.
-Cơn gì kia? -Tôi kêu lên Thế ai đang thổi sáo?
Ôm lấy vai tôi, giọng đầy nước mắt, bác thì thào:
-Về đi cháu. Bác phải đứng đây trông chừng. Khi nào nó thôi thổi sáo bác sẽ dỗ nó vào trong nhà…Bây giờ mà ra nó sẽ bỏ đi mất, nó sẽ đi mất của bác, cháu ơi.
-Nhưng anh Hoàng thổi sáo hay thế cơ mà. Để cháu ra xem?
-Không được…Tú, Tú cháu ơi.
Tôi vụt chạy ra sau vườn bỏ mặc bác Hải đứng ôm mặt giữa sân. Khi ấy tôi nghĩ gì cũng chẳng biết, nhưng không ai có thể cản tôi dừng lại.
Trong đêm, vốn đã rộng, khu vườn giống như một cánh rừng. Cỏ cây đẫm sương, màu sương bạc, mờ dâng như hơi thở nóng hổi của trời khuya. Các tán lá bưng lấy vầng trăng. Và tiếng sáo nữa dường như cũng bị cây cối che phủ, làm lu mờ…Tôi đi chậm lại rồi từng bước, từng bước rón rén, mắt mở to, tai lắng nghe.
Tôi sững bước. Anh Hoàng!
Trực thốt lên mà đôi môi bậm chặt hụt hơi, không kêu nổi. Trước mặt tôi dưới vòm cao của cây hồng xiêm, một đống lửa đang toả sáng. Củi cháy lách tách. Mùi khói bay lên giăng giăng nhè nhẹ. Trong vòng ánh sáng tròn hồng nhạt, anh Hoàng nằm ngả người trên võng thổi sáo. Dây võng buộc vào thân cây hồng xiêm.
Tiếng sáo ngừng bặt. Anh Hoàng nhổm dậy, nhìn tôi chằm chằm, vầng chán nhăn lại, bất chợt anh reo lên:
-Tú hả? ơ kìa, sao vào được đây?
-Vâng ạ? -Tôi ngạc nhiên – Em ở nhà sang mà.
Vẫn không rời mắt khỏi tôi, anh hỏi đầy băn khoăn:
-Làm thế nào vào được tận đây nhỉ? Nhà à? -Anh bật cười- Rõ khéo nhà với cửa. Cái lán của tiểu đội trông như cái lều vịt, nhóc ạ!
Tôi sững sờ nhìn anh, chẳng hiểu ra sao cả? Tim tôi đập loạn xạ, tự đáy lòng tiếng nói bản năng thầm thôi thúc đi khỏi đây thật nhanh.
-Thôi , ngồi xuống đây. – Anh đập tay xuống lưng võng- Chả sợ bị đứt như dạo nọ đâu.
-Dạ…
-Ở đây được cái hay, dù ban đêm cũng đéo sợ gì củi lửa cả. Rừng tre kín hết, ơ kìa, ngồi xuống?
Tôi bước tới nén sợ ngồi xuống cạnh anh. Tôi giật mình, người anh Hoàng nóng rực.
-Anh bị sốt rồi? -Tôi thảng thốt.
-Đã đành…-Giọng anh tỉnh khô- Ốm nên bị tụt tạt laị. Đại đội đã sang bên kia đèo rồi.
-Cái gì cơ? Đèo nào? – Tôi kinh hãi.
-Đèo Ăng Bun chứ đèo nào? -Anh ngạc nhiên nhìn tôi: -Mày bị ù tai hả? Khéo mà lại điếc như thằng Toá. Cái thằng ngồi trong hang ăn bom mà cứ ngậm miệng hến thì có ngaỳ lòi nhĩ ra. Mày cũng thế, bảo bao bận không nghe.
Anh cúi xuống ném thêm mấy cành củi khô vào đống lửa. ánh lửa dập dờn soi rõ khuôn mặt gâỳ võ hốc hác của anh. Tôi đăm đăm nhìn anh, cố hiểu và chẳng hiểu gì hết. Rõ ràng là anh đang thức, đang trò chuyện cùng tôi, mà rõ ràng cũng không còn tỉnh táo. Anh biết tôi là cái Tú hàng xóm, vậy mà như đang nói chuỵên với ai đó. Đột nhiên anh thẳng lưng lên, dỏng tai nghe.
-Tàu rà hả? Sao ban đêm lại có tàu rà? – Anh thì thào vào tai tôi.
-Tàu rà là caí gì? Bỏ tay em ra…- Kinh hãi, run cầm cập tôi kêu to.
-Tiếng nó đấy thôi. Đó…Nghe ra chưa? -Anh lắng nghe một lần nữa- Không biết phải nó không?
Bất giác tôi cũng lắng nghe. Quả thật, những xoáy gió ào ào, tuy không rõ lắm…Tiếng quạt trần.
Thừa lúc anh Hoàng buông tay ra, tôi chạy vút vào nhà gọi bác Hải:
-Tắt quạt trần đi, bác Hải ơi!
Bác Hải giờ nãy vẫn đứng ở chái nhà lập tức đi nhanh vào buồng. Tiếng quạt nhỏ dần rồi tắt.
Tôi trở lại chỗ anh Hoàng. Chiếc võng không còn treo đó nữa.
-Bọn tàu rà hay tung thám báo lắm, nhưng nó cút rồi. – Anh Hoàng thông báo, dụi tắt đống lửa.
Ánh trăng mờ dần. Khu vườn chìm trong bóng tối. Cả tôi và anh Hoàng, mái tóc, quần áo ướt đẫm sương đêm.
Kể từ đó cứ độ tuần trăng, anh Hoàng lại mắc võng ngoài vườn, đốt củi, thổi sáo, đôi khi còn đào hầm cho tôi xem. Những lúc đào hầm trông anh lầm lũi, dữ tợn, hết hốt, xúc lại đào bới, người gày gò, cúi gập lồng ngực phập phồng thở đốc, lưng áo đẫm mồ hôi. Tôi đứng bên cạnh nửa tỉnh nửa mê, thỉnh thoảng lại gọi tên anh. Hồi ấy tôi không hiểu nổi cái gì đang xảy ra với anh, chỉ biết rằng nó rất ghê gớm, rất đáng sợ. Nó giằng xé, thôi thúc anh và dù thế nào nó cũng không hề có vẻ gì điên rồ như mọi người khẳng định. Anh âm thầm mắc võng đào hầm trong khu vườn, thêm sự chứng kiến của tôi và bác Hải. Vậy mà…”thằng Hoàng nó tìm của báu”…; ”thằng Hoàng khát chuyện chiến tranh; “nó điên lên vì sự đời yên ổn…”. Thế đấy, người đời!
Còn tôi, sau những sợ hãi rụt rè, tôi nhập cuộc cùng anh với cả niềm ham thích và lòng thương mến. Tôi mắc võng giúp anh. Anh làm bếp hoàng cầm, đào công sự. Tôi say mê tiếng sáo của anh. Những bản nhạc vô danh của đời lính tha thiết, nhói đau nhưng gần gũi lạ lùng với tuổi thơ của tôi, để giờ đây như còn văng vảng bên tai. Từ khi có tôi nhập bọn, anh Hoàng không âm thầm nữa, anh kể chuyện. Cảnh tượng chiến trận, đời sống người lính, lần đầu tôi được biết không phải qua sách vở. Thường nhớ cái gì anh kể cái đó, không đầu, không cuối, nhưng sống động, thật vô cùng.
Mẹ tôi sau một thời gian lo sợ, ngăn cấm cũng quen với “trò chơi” của hai anh em. Bác Hải không phải đứng canh chừng anh Hoàng nữa. Quan hệ hai nhà trở nên mật thiết hơn. Bác Hải hay sang nhà trò chuyện với mẹ tôi, thường là than thở về anh: “Khổ lắm cô ạ. Đã học một năm đại học rồi mới xung phong đi bộ đội đấy chứ. Bây giờ xin một chân bảo vệ cũng không xong. Bệnh viện xác nhận nó không điên, nhưng thiên hạ nhất mực bảo nó rồ. Mà nó cũng rồ thật cô nhỉ?”. “Suốt ngày lầm lỳ, nghĩ tận đâu đâu…Hễ nói toàn chuyện đánh nhau. Có lẽ nó chỉ hợp trò chuyện với cái Tú nhà cô thôi!”.
Có lần tôi nghe mẹ nói với bố:
-Thằng Hoàng làm sao thế không biết, nói năng đúng mực, lòng dạ cũng thật tử tế. Động tới chuyện súng đạn, tang tóc thời chiến là như hoá dại.
-Ấy là nó bị ám thị quá khứ! – Bố tôi giải thích.
-Khổ thân…- Mẹ tôi chép miệng- Bác Hải còn sống thì còn được chăm sóc tử tế, nay mai ai là người nhòm ngó đến nó? Nhà đã neo, chỉ có hai mẹ con mà ông trời còn bắt tội.
Từ đấy tôi luôn bị ám ảnh bởi nỗi anh Hoàng không được ai chăm nom, bị bỏ đói rách rưới, cùng khổ. Dấu mọi người tôi dành dụm, chắt bóp trong số tiền mẹ cho ăn quà sáng, xem phim cất đi. Tôi tin là có ngày số tiền ấy sẽ rất lớn, giúp được anh Hoàng. Nào ngờ khi ngày ấy tới, phá con lợn đất nung to tướng, đầy một bụng tiền mà chỉ đủ mua một vòng hoa và vài thẻ hương. Đồng tiền mỗi ngày một xuống giá tôi đâu có biết.
Cái ngày ấy, có thể nói, suýt nữa đã xảy ra ngay cuối năm một nghìn chín trăm bảy lăm, năm đầu tiên anh trở về. Đêm hôm trước anh Hoàng còn dạy tôi bài hát “Lời ru cánh võng” ở ngoài vườn, hôm sau anh đã liệt giường. Thân nhiệt anh lên quá bốn mươi độ. Ây là lần đầu tiên tôi thấy anh như một người điên thật sự. “Thằng Hoàng hoá dại rồi?”. Người ta tò mò xúm đông trước cổng nhà bác Hải, nghe tiếng anh Hoàng gào la, vật vã từ trong buồng vọng ra.
Bác Hải chỉ biết tấm tức khóc. Không một ai dám lại gần. Anh vật vã quằn quại trên giường, hung hãn hét lên bằng cái giọng khàn khàn, khủng khiếp. Không ai hiểu nổi những tên người, tên địa danh mù rối, lạ lẫm. Tuy nhiên tên tôi: “Tú, Tú…” thì rõ ràng anh có gọi, gọi mãi, đến nỗi dù khiếp đảm mẹ tôi cũng đành phải để cho tôi vào với anh.
-Anh ơi, em đây, Tú đây. -Tôi chỉ kêu lên được thế là oà khóc, sụp xuống bên giường ôm lấy vai anh.
Toàn thân run bắn mặt mày biến dạng thâm bầm, cặp môi sưng vù, tím lịm, mấp mấy, anh lào thào:
-Sốt…Sốt…Sốt rét…Ký ninh…Tú ơi, ký ninh. Ai làm ơn cho tôi ký ninh với.
Hình như anh lặp đi lặp lại mãi lời cầu khẩn ấy, mà không ai nghe ra, cuối cùng tôi lắng nghe và hiểu được, nhờ vậy anh sống thêm được nhiều tháng nữa.
Sự cố bữa đó như một bảo chứng chắc chắn cho điều tôi hằng quả quyết là anh Hoàng không điên, mọi người vẫn cứ nói ngược lại. Họ có lý của họ. Kể từ bữa đó, anh không chỉ mắc võng, thổi sáo đào hầm, nổi lửa, mà còn hành quân, như anh nói với tôi. Nhiều năm qua rồi mà tôi vẫn như nhìn thấy anh mặc quân phục, đội mũ cối, chân mang đôi dép đúc đi dọc phố xá đông người, giữa các chàng trai cô gái mặc quần bò áo phông đủ màu sắc. Nét mặt anh lầm lì, lặng lẽ, thờ ơ, dửng dưng với tất cả. Như một chiếc kim địa bàn chỉ riêng về một hứơng không suy suyển. Và, vào những lúc bình lặng, giấu mình trong nhà, anh trở nên cực độ âm thầm, khó hiểu như là cắn răng chẳng chịu thốt một lời nói với ai, trừ tôi và bác Hải. Càng ngày trông anh càng rộc rạc đi. Dường như một cái gì vô hình vô ảnh vô vị đang từ từ lặng lẽ gặm nhấm đè bẹp anh.
*
Tôi trở lại bến cầu ốc khi chuyến xe chót cuối ngày về Hà Nội đã rời bánh từ lâu. Bến xe nằm rìa đường quốc lộ giữa đồng không quạnh quẽ. Trời xâm xẩm tối. Tôi đến bên bậc thềm của phòng bán vé mệt mỏi ngồi xuống. Phần nào yên tâm vì thấy nhiều người cùng cảnh, hầu hết là bộ đội.
Trời oi nồng. Bụi phủ kín cỏ cây. Mùi xăng dầu nặng nặng. Tiếng cười nói to nhỏ ở xung quanh. Đêm nhanh chóng ập xuống. Không thể ngủ được, đoán chừng đêm nay sẽ thức trắng.
Lúc chiều sau tuần hương cuối cùng, tôi đứng lên định giã từ anh nhưng rốt cuộc không thể đi nổi, lại sụp xuống. Nỗi cô lẻ của nấm mỗ giữ chặt lấy tôi. Biết là muộn lắm rồi nhưng tôi không đủ sức bỏ anh nằm lại với thẻ hương đã tàn, đĩa hoa cúng héo úa. Tôi thắp nốt bó hương còn lại. Lác đác vài ba người đi làm đồng về qua chỗ tôi, ngạc nhiên, tò mò, nhưng không ai nói một lời. Làm sao bây giờ? Em đâu muốn chỉ về với anh chốc lát thế này? Xong dù em ở lại, mãi mãi nơi đây, thì anh em mình vẫn mãi mãi chia lìa xa cách!
Đồng Chuôm hoang vắng. Tiếng gió. Tiếng sóng lúa rì rào. Hồi đó em quá bé dại, non nớt biết chừng nào. Miệng lưỡi chưa có, làm sao đương lại với miệng lưỡi thế gian…Cuộc đời đã dìm chết anh, người em yêu dấu ngay trước mắt em, ngay khi em mới bước vào thời trưởng thành. Mãi mãi ấy là vết thương lòng, là niềm oán hận. Và, vì thế ngay từ ngày đó đời không còn như em hắng mơ, hằng tưởng…
Trong ráng chiều đỏ rực, tôi lầm lũi bước đi. Trước mặt vầng dương đỏ tấy, nặng nề đang chìm xuống. Đằng sau ngôi mộ khuất trong đám lúa mong manh một làn khói bay lên. Mọi vật lặng lẽ, chao đảo. Đằng sau sự chao đảo ấy là hư vô, trống rỗng, trong đó hình bóng anh Hoàng thoắt hiện, thoắt ẩn chập chờn.
Tôi gục mặt xuống đầu gối, nước mắt trào ra, khe khẽ thổn thức, khi nghĩ rằng giờ này ngôi mộ của anh lại chìm trong bóng đêm bao la, lạnh lẽo. Em cũng cô đơn vô cùng kể từ khi anh mất đi, anh biết không? Những câu chuyện làm em vui sướng khi xưa của anh em mình giờ đã chấm dứt. Em tự khép lòng mình ở phía ấy, chỉ lưu giữ hình ảnh đau đớn nhưng đẹp đẽ kỷ niệm của đời anh mà em nhớ mãi…
Xung quanh bến xe mọi người chìm trong giấc ngủ im ắng lạ lùng. Trăng lên non nớt và lạnh lẽo.
*
…Đêm nay là đêm trăng thứ mấy của hai anh em tôi cũng không nhớ nữa. Dưới trăng, anh thẫn thờ loạng choạng đi lại như người mù trong ánh lửa dập dờn. Anh nhìn tôi mà tôi biết anh chẳng nhìn gì cả, cố lần sợi chỉ rối của ký ức, rồi bỗng lầm rầm cất tiếng. Những phút xuất thần đó của anh làm tôi vừa thích thú, vừa khiếp hãi.
-Chiến tranh, trận mạc…Ngày đó bọn tao (những lúc thả hồn thế này anh xưng tao) chỉ là một lũ nhóc, và bọn tao ra đi…Mới tới Quảng Bình thi nhau ngã rồi, vào tới Kon Tum cả tiểu đoàn nhìn nhau chỉ còn dăm chục đứa…Tan tác, tứ tán, tụt nằm lại gác rừng le, rừng khộp xứ Lào. Rồi dăm chục đứa ấy cũng lại rơi rụng chỉ còn lại mình tao. Tao sống thế này để mà chuộc lại tội vẫn sống khi anh em, chiến hữu chết cả. Lẽ ra phải quên hết, chôn hết, nhốt hết mọi chuyện cũ vào lòng. Trời cứ bắt tội phải nhớ…Có thằng bị mảnh bom phạt đứt đầu mà vẫn còn lao về phía trước. Có đứa đang cười tự nhiên ngã vật xuống như bị trúng gió độc, không nghe tiếng súng, cơ mà đạn chọc đúng tim. Bỗng nhiên có bao nhiêu người chết mà họ không đáng chết ấy là chiến tranh. Chừng nào chuộc được lỗi với những thằng đã chết tao sẽ xin từ giã chiến tranh, hãy ghi nhớ lấy.
Anh ngừng bặt nhìn tôi đầy nghi ngại và hỏi dè dặt.
-Anh đào tới cái hầm thứ tám trăm rồi đấy, Tú nhỉ!
-Cái anh này toàn đếm gian…-Tôi đấm thùm thụp vào lưng anh- Tối qua anh bảo đến cái tám trăm rưỡi rồi cơ mà.
-Im đi! -Anh nổi khùng trợn mắt quát: -Sống chết có số việc gì tao phải ăn gian.
Tôi sợ quá oà lên khóc. Anh Hoàng hoảng hốt dỗ mãi, dỗ mãi tôi mới chịu nín.
-Đúng tám trăm rưỡi thật à?
-Rõ ràng anh bảo thế- Tôi thổn thức.
-Anh xin lỗi!
Anh Hoàng vuốt tóc tôi. Im lặng chờ không còn tiếng nấc của tôi anh mới nói tiếp.
-Vậy là anh nói sai đấy. A, mà anh tính cả những cái đã đào ở vườn này. Bởi đến cái tám trăm là anh bị bật bãi hôm đánh nhau ở đèo Phượng Hoàng. Tính cho sít sao cũng chưa tròn cái tám trăm vì hầm đào chưa xong.
-Nhưng anh đếm thế để làm gì?
-Là vì…-Anh Hoàng thở dài- Hồi còn tân binh chưa đi B, anh ở cùng tiểu đội với một thằng tên là Thái, Thái “Thầy tướng”. Hắn hay xem tử vi, chỉ tay cho từng đứa, nói vanh vách chẳng biết đúng sai ra sao. Một lần anh với hắn vặc nhau, hắn bảo:” Sống đẹp với nhau đi. Tao thì ngỏm là cái chắc. Còn mày giỏi lắm cầm cự đến cái hầm thứ một nghìn sẽ gặp tao dưới ấy”, và hắn chỉ xuống đất. Tú biết không, vài hôm sau, doanh trại của bọn anh bị bom, mấy đứa chết trong đó có nó. Từ đó anh đếnm từng cái hầm mà mình đã đào.
Tôi rùng mình, hớt hải nói ngay, chẳng cần nghĩ ngợi.
-Thế thì đúng tám trăm thật, em nhầm đấy.
Anh cười. Nụ cười làm méo sẹo khuôn mặt.
-Tại anh đấy, dạo này lũ lẫn quá. Hôm đào cái hầm thứ tám trăm anh bị sốt húc mãi không xong. Thấy vậy anh Trường cùng tiểu đội bảo anh sang hầm anh ấy ngồi nghỉ để anh ấy làm giúp. Vừa sang được năm phút thì tụi nó rót cối tới tấp. Anh bị thương vào lưng trong trận ấy lúc bắt đầu xung phong. Còn Trường chết ngay từ loạt pháo đầu vì cái hầm quá nông. Mảnh phào chém ngang lưng thế này này…Giá mà hôm ấy anh…
Anh ngã nằm xuống vườn úp mặt vào đất, hai tay dang ra, hồi lâu không cựa quậy. Lúc ngẩng lên tôi thấy mặt anh ướt nhăn nhúm. Anh rên khe khẽ và dọc cổ yết hầu chạy giật cục như bị nghẹn. Có vẻ anh không nhận ra tôi nữa, cả khu vườn này, cả thời khắc này. Lẽ nào trước mắt anh chỉ còn cảnh tượng một đường đèo ngùn ngụt lửa khói, đạn cối nổ dập xung quanh và một thân người nằm sấp ở miệng hầm, giữa vũng máu…
-Anh Hoàng ơi, vào nhà đi- Tôi cũng không nhận ra giọng của mình.
-Không! -Anh đáp cộc lốc.
Đôi mắt anh bắt ánh trăng, lúc tối sầm, lúc loé lên như từng ý nghĩ đứt đoạn. Người anh khuất trong bóng cây, lấp loáng những vệt ánh sáng. Dường như anh bị trói vào một cái gì vô hình. Biết làm thế nào với anh đây? Khi đó tôi đã không nghĩ ra.
*
…Tôi bừng tỉnh ngước nhìn lên. Mảnh trăng non bên rìa trời soi vào mặt tôi. Bên cạnh, một người đàn bà đến lúc nào không hay. Chị ngồi dựa lưng vào cửa, yên lặng.
-Chào em, lúc chị đến em đang ngủ. Không sợ à?- Người đàn bà nhìn tôi thân thiện.
-Em bị lỡ xe. Sợ cũng đành chịu.
-Chị cũng thế. May rồi, mình có hai chị em. Chị tên là Lan.
Người phụ nữ khá tự nhiên, chất phác. Tôi nhìn chị, nhưng khó đoán tuổi. Xa xa vang lên tiếng cười, sau đó là tiếng nhị cò cưa run rẩy. Một giọng hát già nua cất lên.
-Người đời thật vô duyên- Chị Lan bực bội- Cái gì cũng cười được. Cuộc sống bây giờ thừa mứa tiếng cười mà vẫn buồn chán. Mãi cũng chỉ độc một kiểu cười.
-Thế chị ghét cười đùa à?- Tôi ngạc nhiên.
-Thì em nhìn cuộc sống ngày hôm nay khắc thấy. -Hoá ra chị Lan không hiền lành như khuôn mặt tròn trĩnh của chị- Ngày xưa khác nhiều…
-Ngày xưa chị đi bộ đội à? – Bỗng dưng tôi hỏi.
-Chị là thanh niên xung phong. Chồng chị là bộ đội, hy sinh rồi.
Tôi nép sát vào chị. Hơi ấm từ người chị truyền sang tôi. Sương xuống nhiều làm đêm lành lạnh.
-Anh ấy mất hồi bảy hai. Bọn chị quen nhau khi anh ấy qua cung đường của chị. Yêu chui, ở chui được hai ngày đêm thì anh ấy đi, đi mãi…Chị nhớ anh ấy, đau khổ vì anh, không thể quên được thời chiến tranh cũng chỉ vì anh ấy- Giọng chị buồn buồn- Năm mười tám tuổi chị đi thanh niên xung phong, vào Quảng Bình rồi sang Lào, cung đường của bọn chị vắt dọc đèo Mây của đường Mươì. Giữa mùa khô mà mây che kín trời, chỉ hé ra được vài giờ nắng buổỉ trưa. Nhà ở là một hang núi sát mép đường, trước cửa hang có một thác nước. San hố bom, vá mặt đường… Công việc chỉ vậy thôi, đơn giản nhưng cực nhọc, nguy hiểm, nói chung là quá sức của phụ nữ. Vào mùa mưa ít bom chơi dài, hàng tuần liền nằm lỳ trong hang nghe thác dội, khổ sở vì sốt rét, nhất là sự cô đơn, buồn thảm…
Chị lặng im thở dài. Tôi vuốt nhè nhẹ cánh tay chị, thầm cảm ơn vì sự cởi mở, tin cậy của chị. Mới đây còn xa lạ, giờ tôi thấy chị thật gần gũi, thân thiết.
-Thế tại sao có rất nhiều người con gái đi thanh niên xung phong thời ấy?- Tôi hỏi.
-Chiến tranh như máy tuốt lúa ấy, tuốt tuột đều trôi vào guồng quay của nó. Đám đàn bà, con trẻ đáng lẽ phải để ra ngoài. Nhưng từ khi mất anh ấy chị chợt hiểu: Bọn con gái chúng ta trên đường chiến tranh chính là để thầm nhắc nhủ những người lính ngày đêm trẩy dọc con đường đừng quên rằng: Nếu các anh chỉ say mê cái hùng tráng, chỉ theo đuổi sự vinh quang và phi thường sẽ chẳng thắng trận đâu. Bất cứ trong hoàn cảnh nào, dù đang chiến đấu, cũng đừng bao giờ làm mất đi vẻ bình thường của cuộc sống: Tình yêu, mất mát, tủi hờn, khóc than… Dũng cảm là cần thiết, nhưng đừng quên nét yếu đuối đương nhiên của con người. Xét cho cùng, theo chị, cảm nhận đau khổ bao giờ cũng hơn sự kêu gọi hãy chịu đựng đau khổ.
-Thế những người lính không biết cách đau khổ ư?
-Có chứ, cơ mà lúc ấy họ đau khổ bằng con mắt, nhưng đau khổ bằng tâm trí thì phải sau này, khi đã chui ra khỏi cuộc chiến.
-Anh Hoàng em… – Tôi buột miệng.
-Ai hả em?
Tôi im lặng. Thâm tâm không hiểu lắm những điều chị Lan nói, tôi vẫn bị ý nghĩ khác thường của chị lôi cuốn. Dường như từ lâu tôi muốn tìm kiếm một người như chị, một người biết nâng niu niềm đau khổ với sự nhớ nhung, hoài tưởng về nó. Tôi phải kể cho chị nghe về anh Hoàng mà tám năm nay tôi cố chôn chặt vì không người hiểu, không ai tin, cảm thông cùng tôi. Điều này hiển hiện ngay cả khi anh còn sống.
*
Giờ tập văn cô giáo ra đề bài “Những phẩm chất cao quý của anh bộ đội trong thơ ca chống Mỹ cứu nước”. Cả lớp cắm cúi viết. Tôi lập dàn bài, liệt kê phẩm chất theo thứ tự một, hai, ba như cô giáo vẫn dạy…Nhiều lắm, muốn viết hết, nói hết, nhưng thời gian eo hẹp lên phải viết gạn lọc. Thơ của các nhà thơ có tên tuổi, hàng ngày vẫn hay nhắc đến tôi thuộc khá nhiều. Nói chung đề bài dễ làm. Ngó sang mấy đứa bạn ngồi bên cạnh thấy có nhiều ý giống dàn bài lập xong khiến tôi yên tâm hơn.
Thật lạ lùng, mỗi dòng chữ trơn tru hiện lên từ giấy kiểm tra trắng tinh, lòng tôi càng chán nản, trống rỗng. Dường như ai đó đang viết chứ không phải tôi. Dường như một cái đầu khác đang suy nghĩ, điều khiển những thứ viết ra, chứ không phải con bé Tú giỏi văn này. Tôi ngẩn ngơ và những ý nghĩ về anh Hoàng chợt hiện về. Chỉ mình anh thôi và tuyệt nhiên không nghĩ được bài làm, về thơ thẩn của ai nữa. Bấy lâu nay hình ảnh anh bộ đội được nghe, được biết, được dạy dỗ giống các tranh áp phích treo đầy ngoài đường, vạm vỡ, tươi cười. Vậy không biết từ lúc nào trong tiềm thức của tôi hình ảnh anh lính chiến thực thụ chính là anh Hoàng. Thầm lặng, khó hiểu, tự mình chìm sâu vào chính mình, nín thinh trước cuộc đời và vĩnh viễn bị trói chặt vào dĩ vãng xa lắc luôn luôn sống dậy. Và, tôi bắt đầu viết, viết mãi, tới phút chót của giờ kiểm tra, là người cuối cùng nộp bài. Có lẽ đấy là lần đầu tiên trong đời, tôi buông mình vào sự mộng mị ngoài giấc ngủ, một thứ xuất thần.
Nửa tháng sau cô giáo chấm xong bài kiểm tra. Bài luận của tôi được đưa ra trước lớp đọc. Điểm ba! Ây là còn châm chước với một học sinh giỏi văn như tôi, cô giáo bảo thế. Cả lớp cười rộ lên từng đoạn khiến cô giáo phải ngừng để lấy lại trật tự. Tôi tái mặt, nước mắt dần dần ứa ra. Tôi không thấy xấu hổ, tức giận, chỉ thấy tủi thân như bị oan ức, bị xúc phạm. Không phải tôi bị oan ức xúc phạm mà là anh Hoàng của tôi.
Tôi hoàn toàn lạc đề bài. Toàn bộ bài kiểm tra chỉ kể độc chuyện anh Hoàng, cuộc chiến đấu hoang tưởng, cái hầm thứ một nghìn, những buổi hành quân dọc phố, những trận sốt rét rừng như cơn điên của anh. Ngay việc trích dẫn tôi cũng đưa vào những câu thơ mình thích, bất kể thời xưa hay thời nay.
Cuối buổi cô giáo yêu cầu tôi ở lại gặp cô.
-Dạo này em gặp chuyện bất ổn phải không? -Cô hỏi một cách thân tình: -Sao bỗng nhiên em viết rối loạn như vậy? Hơn nữa, theo cô, đây là một đề bài không khó lắm với khả năng của em.
Tôi cúi đầu không dám nhìn cô.
-Sao bỗng nhiên em lại viết như viết về một kẻ điên khùng thế?
Tôi ngẩng lên nhìn cô trân trối, lòng dạ rối bời, nhức nhối, cay cực. Người tôi run lên, nghẹn thở không thốt nổi một lời.
-Anh Hoàng này em vớ được ở đâu vậy? Làm gì có anh bộ đội nào lại như thế?
-Không… không! -Tôi đưa tay ôm đầu, lập bập hét lên – Ai bảo anh ấy điên mới là…
Tôi sợ hãi ngừng bặt, nhắm nghiền mắt khi bỗng dưng thấy vẻ mặt tức giận, mắt trợn lên đầy ngạc nhiên của cô. Tôi hình dung là cô giáo sẽ tát vào cái mặt hỗn láo xấc xược của tôi.
-Em xin lỗi cô…-Tôi nghẹn ngào- Hôm kiểm tra chính là ngày giỗ đầu của anh Hoàng…Em chỉ nhớ tới anh ấy nên không thể…Lẽ ra em nên kể thêm nỗi oan ức của anh ấy để cô hiểu nhưng hết giờ…
Cô giáo đứng dậy xô ghế.
-Thì ra không phải em lạc đề mà là cố ý! Tôi sẽ nói lại việc này với cán sự lớp và chi đoàn. Ngày mai em mời bố mẹ đến gặp tôi.
Sân trường âm u dưới những vòm lá dày. Tôi đi đầu cúi gằm, lòng dạ ngổn ngang. Anh Hoàng mất đã tròn một năm. Một năm tôi không bạn bè, không người trò chuyện. Trứơc đây mỗi khi gặp rủi ro, tôi đều kể với anh, nghe anh khuyên giải. ở tuổi bắt đầu trưởng thành, những ý niệm đầu tiên về một người đàn ông đều do hình ảnh anh Hoàng chi phối, trầm tĩnh, cô đơn, nhân ái, đặc biệt anh rất quý tôi. Anh đã mất. Nhớ về anh lòng tôi nặng nề đau khổ. Nếu tạm l•ng ra được, tạm lắng xuống thì tôi vẫn không thoát nổi tâm trạng âu sầu, buồn bã và lúc nào cũng âm thầm nỗi cay đắng. Không còn cái Tú nghịch ngợm như quỷ sứ, nhí nhảnh huyên thuyên suốt ngày nữa…
Có một mùa hè tôi cùng bố mẹ vào Nam nghỉ phép, đi chơi Huế, Đà Lạt, Sài Gòn, Vũng Tàu. Những cảnh đẹp với bao điều lạ lẫm, thú vị đã gặp làm tôi vui sướng. Sau giây phút ấy lòng tôi luôn bứt rứt không yên, nóng ruột một cách khó hiểu, lạ lùng. Hơn một tháng sau gia đình tôi trở về Hà Nội.
-Mới hơn một tháng nom con gái mẹ lớn hẳn. – Ngồi trên tàu mẹ tôi bảo: -Là thiếu nữ rồi, con phải biết giữ gìn, ý tứ. Trước mẹ chẳng cấm đoán gì, nhưng giờ con phải dè chừng anh Hoàng. Cặp kè với nó suốt, nếu xảy ra chuyện gì thì khốn. Nó chưa hẳn điên khùng, chẳng tỉnh táo gì, thế mới đáng sợ.
Anh Hoàng! Tôi bàng hoàng và chợt hiểu lòng mình trong hơn tháng qua. Quả thực tôi không quên được anh, luôn nhớ anh như một thói quen thân thiết trong cuộc sống hàng ngày mà tạm thời phải xa nó. Suốt ba ngày, ba đêm, tốc độ quá khiêm tốn của tàu Thống Nhất hành hạ nung nấu ruột gan tôi. Con đường chập trùng qua núi rừng, rồi ra biển, rồi lại đồi núi…Tưởng như không có điểm dừng.
Vừa về đến nhà, tôi lẻn mẹ sang ngay nhà anh.
Trước cửa nhà bác Hải lù lù một chiếc xe cứu thương đang đỗ. Trong sân lố nhố đầy người lạ mặc áo blour trắng. Bác Hải mặt mày sưng húp vì khóc, nom gìa sọm đi đang đứng nói chuyện với ông cán bộ phường, đâu như phụ trách thương binh xã hội.
-Bác cứ khăng khăng như thế làm gì? -Ông ta cáu kỉnh -Không điên mà cứ la hét, làm mất trật tự làng xóm. Người ta kêu ca, than phiền với chính quyền đã nhiều.
-Người điên thì chúng tôi đã ép buộc. – Ông bác sĩ đứng bên cạnh đỡ lời: -Đằng này khuyên bà nên đưa cậu ấy đi chạy chữa chứ ai đưa đi đâu làm gì mà bà lo.
Hiểu điều gì đang xảy ra tim tôi thắt lại. Cái làn trên tay rơi xuống sân, chôm chôm, soài, mãng cầu tung toé, lăn lóc.
-Không, không được! -Tôi thét lên, chạy đâm bổ đến bên bác Hải – Bác đừng đồng ý. Họ không có quyền. Anh Hoàng không điên.
-Cái gì? Con cái nhà nào đây? Mày muốn gì? -Ông cán bộ phường quát to.
-Anh con đâu rồi- Tôi oà khóc.
Bác Hải ôm chặt lấy tôi, nức nở.
-Anh con… ở trong buồng. Thôi con ạ, đành phải…
-Không ! – Tôi rít lên- Các ông điên thì có. Các ông cút đi!
-Sao cháu láo thế ? Ông bác sĩ cau mặt.
-Xin các bác, trăm lạy các bác…-Bác Hải cuống cuồng: -Cháu nó bé dại, chưa biết… Ôi, Tú ơi, con thương bác, đừng dại dột thế, con ơi!
Tôi trừng trừng nhìn mọi người xung quanh tôi như muốn thiêu cháy tất cả, hét lên.
-Ai cũng bảo là điên. Anh Hoàng mà điên thì tất cả mọi người, kể cả các ông, cả tôi nữa cũng điên. Đi mà bắt hết tất cả.
Tôi lao vào trong buồng. Đóng chặt cửa buồng, gài chốt ở bên ngoài. Tôi gạt chốt, xô cửa nhào vào bên trong.
-Kìa Tú!- Anh Hoàng đang ngồi trên giường đứng bật dậy:- Em về khi nào vậy?
Tôi ôm trầm lấy anh, nức nở:
-Họ ở ngoài kia…Họ định bắt anh đi bệnh viện đấy.
Anh Hoàng gỡ nhẹ tay tôi, đẩy xa xa, giọng buồn buồn.
-Mới hơn tháng mà nom em khác quá, trông xinh hẳn ra…à, họ đển để mang anh đi thật đấy. Họ bảo anh điên.
-Nhưng anh không điên.
-Ừ, cơ mà ai tin. Hôm nọ bị sốt cao, anh la hét suốt ngày, lại còn đánh cả hàng xóm vào thăm. ?
-Anh cứ ở lại, không sợ! -Tôi quả quyết giữ lấy tay anh.
-Cơ mà họ đông thế?
-Em không cho ai đụng đến anh đâu. Ngồi im không được nói gì đấy nhé? -Tôi thầm thì.
Ở ngoài tiếng cười nói, tiếng bước chân rầm rầm. Tôi cài chốt cánh của buồng và dùng chiếc khoá tủ khoá trái của lại.
-Chẳng sợ nữa – Tôi mừng rỡ- Đố họ vào đây được?
-Cám ơn em! – Anh Hoàng mỉm cười buồn bã- Đúng là anh chẳng muốn đi chút nào.
Có tiếng đấm của. Tôi gần như nín thở và đưa tay giữ chặt cái chốt đang rung lên bần bật.
-Mở ra! -Giọng ông bác sĩ- Con bé đến láo lếu.
-Tú ơi, mở của ra đi cháu! – Bác Hải run rẩy.
-Không mở đâu! -Tôi hét vọng ra- Bác đuổi họ về đi.
-Chúng tao đập cửa ra bây giờ, mở cửa…-Ông cán bộ phường điên tiết quát lên.
-Nếu hỏng cửa tôi sẽ bắt đền. Tôi sẽ gọi công an.
Tiếng cười rộ từ bên ngoài.
Tôi trở lại giường ngồi bên cạnh anh Hoàng. Mặc họ hết doạ nạt lại dỗ dành.
-Anh có sợ không?
-Hồi hộp ra phết, cứ như là ngồi dưới hầm nghe tiếng giày đinh của tụi nó đạp trên đầu.
-Nếu bị tung cửa, anh em mình sẽ nhảy cửa sổ chạy ra vườn nhé.
-Ừ, em can đảm lắm!
Hồi lâu đám người bên ngoài chán nản, ông cán bộ phường nói với bác Hải:
-Gia đình bà làm phiền mọi người quá đấy. Cũng tuỳ bà, nhưng đừng trách cán bộ phường thiếu quan tâm đến các cựu chiến binh. Nếu anh ta hoá dại thì bà cố chịu, lúc đấy đừng kêu ai. Còn con nhà Viễn cứ liệu hồn, sẽ thông báo về trường cho mày biết tay. Đồ nặc nô!
-Không sợ! Không sợ! Không sợ!
Tôi hét to và lao tới cánh cửa đấm mạnh.
Đám đông kéo đi. Tôi nhìn qua cửa sổ. Chiếc xe cứu thương rồ máy chạy mất. Không hề thấy vui sướng, trái lại lòng tôi tan nát, lo lắng, sợ hãi cho anh Hoàng, cho bác Hải và cả bản thân tôi. Trong đám bụi mù mà chiếc ô tô khuấy lên liệu còn gì nữa đây?
Kể từ bữa đó anh Hoàng đổi khác. Anh rất ít đi đâu ra khỏi cổng nhà. Dường như anh đã lãng quên các cuộc hành quân, quên khu vườn râm mát, quên những đêm trăng đào hầm, mắc võng, quên tiếng sáo trúc ngân nga.. Giờ đây, anh Hoàng như một cái bóng. Ngay cả tôi, anh cũng lảng tránh, mặc tôi cố tình hỏi han trò chuyện, cố làm ra vui vẻ. Tôi nhõng nhẽo đòi anh thổi sáo anh lặng thinh. Tôi rủ anh ra sau vườn, anh lắc đầu.
-Anh sợ họ à? – Tôi giận dỗi hỏi.
-Anh muốn mọi người quên anh đi.
Anh trả lời rồi lại chìm đắm trong sự im lìm khó hiểu. Đau đớn vì thái độ đó của anh, và cay đắng, nỗi cay đắng tựa hồ bị bỏ rơi. Không chấp nhận điều ấy, tôi vẫn đến với anh hằng ngày, từng giờ, kiên trì kéo anh ra khỏi trạng thái cô đơn bi thảm. Bất kể sự ngăn cấm, khó chịu của bố mẹ, bất chấp mọi lời đồn đại độc địa, những lời ong tiếng ve của mọi người, càng ngày tôi càng tỏ sự gần gũi với anh. Song tôi bất lực.
-Sao em không đọc sách cho anh ấy nghe?
Tiếng người hỏi kéo tôi ra khỏi trạng thái mơ ngủ hoang đường. Tôi ngơ ngác nhìn… Chị Lan! Hoá ra tôi đã kể cho chị nghe chuyên của anh Hoàng từ bao giờ.
-Em đã thử. Thoạt đầu anh lắng nghe với vẻ chăm chú, cặp mắt dịu buồn, nhưng không tự đọc bao giờ, dù chỉ một trang. Nhưng nỗi lòng anh vẫn kín bưng. Một cái gì không thể hiểu được, có thể trạng thái tinh thần suy sụp, một niềm thất vọng lặng lẽ gặm mòn tâm hồn anh? Nhưng lẽ gì, em không hiểu, ngay lúc ấy và bây giờ?
-Đó là con đường bi thảm của chiến tranh dẫn dắt người ta. – Chị Lan thầm thì như không phải nói với tôi.
-Nhưng chiến tranh đã kết thúc từ lâu rồi? – Tôi băn khoăn
-Mạch gầm trong núi, em biết không, tưởng trái núi vẫn ngạo nghễ, vững chãi, mà thật thế, bề ngoài xanh tốt cây cối, nhưng trong lòng cứ sụp đổ, dần dần tan vụn, trống rỗng. Nó phong hoá ở trong lòng, ai nào biết. Để sống phải biết lãng quên em ạ!
Năm ấy tôi mười sáu tuổi, nhưng khác với bạn bè cùng lớp, lòng tôi khép kín. Buồn dầu, đăm chiêu, càng ngày càng ít nói, xa lánh bạn bè, lẩn tránh các cuộc vui, những buổi tiệc sinh nhật mặc dù được mời tha thiết. Mẹ tôi lo sợ, nói với bố tôi dường như lây bệnh của anh Hoàng. Sức học của tôi sút hẳn, nhưng tôi mặc tất cả mọi điều. Dù thế, tôi vẫn không gần gũi được thực sự với anh, vẫn không sao hiểu anh như trước kia…
-Rốt cuộc sự thể ra sao? – Chị Lan sốt ruột hỏi.
Tôi thở dài, im lặng. Xa tít tắp, sau sương mù, chân trời vệt một dải dài tím ngắt. Từ thôn xóm bên kia cánh đồng tiếng gà vẳng tới. Ngày mới đang lên. Tôi rùng mình.
Lạnh – Cái lạnh của mùa thu tàn canh.
*
Chuyện ấy xảy ra vào một ngày đẹp trời cuối mùa thu…
Anh Hoàng lại tái phát trận sốt rét kịch liệt. Hai tuần liền anh nằm liệt giường. Chút sức lực cuối cùng của tuổi trẻ cơ hồ mất cả vào trận sốt này. Khi trở dậy anh như một người có tuổi, sức lực suy yếu, gày gộc, tóc rụng và bạc nhiều ở hai bên thái dương, ánh mắt mệt mỏi xa lạ mọi thứ. Lúc này trong thâm tâm tôi hết hy vọng vào khả năng trở lại tình thân thiết ngày nào giữa hai anh em. Tôi và bác Hải cùng cảm thấy có sự cân bằng đang được thiết lập trong tâm trí anh. Con người bình thường đang hồi phục trong anh, có lẽ anh đang cố gắng rũ bỏ mình. Bác Hải đi khoe điều đó với nhiều người.
Sáng hôm ấy như thường lệ, tôi sang với anh khi bác Hải đi làm.
-Hôm nay Tú có bận gì không?
-Có việc gì ạ? – Tôi vội hỏi cầu thân.
-Chẳng là lâu rồi anh không ra khỏi nhà. Hôm nay đẹp trời quá, anh muốn ra ngoại thành nhìn cảnh đồng quê kia. Quê anh đẹp lắm em biết không?
-Để em về lấy xe đạp nhé – Tôi mừng rỡ – Em sẽ đèo anh sang bên kia Hồ Tây chơi cả ngày hôm nay.
-Thôi đừng đi xe đạp. Hai anh em mình lại tổ chức hành quân, được chứ? – Anh mỉm cười.
Hai anh em đi lên Bưởi, rồi đi tiếp sang cánh đồng bên kia Cổ Nhuế. Trông chúng tôi như đang dạo chơi, vãn cảnh. Anh mặc bộ đồ quân phục, đi đôi dép đúc nom tươm tất, gọn ghẽ. Cạnh anh, tôi hoàn toàn là con nhóc đi bên người đàn ông đứng tuổi, trầm lặng, u buồn.
Anh lặng lẽ ngắm cảnh đồng quê, hầu như chẳng nhớ gì đến tôi. Bỗng dưng tôi thấy sợ sự thản nhiên ấy của anh. Sự thản nhiên cố tình che dấu sự nhức nhối, đau đớn nào đó bên trong sắp bùng nổ. Lẽ nào căn bệnh của anh như người ta vẫn thường nói, đến lúc trở thành sự thật buộc tôi phải thừa nhận? Con người trước khi nhắm mắt vĩnh viễn thường có giây phút tỉnh táo lạ thường, thật thế.
Chúng tôi đi xem mấy cánh đồng người ta đang làm cỏ lúa, phun thuốc trừ sâu, dọc con mương sâm sấp nước, đến tận trạm bơm sát chân đê.
-Anh thích không?- tôi ướm hỏi.
-Thích chứ, cảnh đồng quê sao không thích được, mà anh vốn sinh ra ở nông thôn. Tất nhiên cánh đồng quê này làm sao sánh bằng đồng lúa quê anh. Có dịp anh đưa em về thăm làng La của anh, vui chơi thỏa chí. Ru rú mãi ở thành phố khó mà nên người. Trời ngả chiều, tôi giục anh về.
-Nhưng vào quán uống nước đã. Nghĩ đến lúc phải rúc vào bốn bức tường kín bưng là thấy chán, như người tù tự nguyện ấy.
Ngập ngừng giây lát tôi cũng vào theo. Uống hết chén nước trà có một anh thanh niên phóng chiếc hon đa đi tới. Anh ta bước vào quán, ngồi xuống chiếc ghế đối diện với anh Hoàng :
-Cho một điếu ba số -Anh ta nói trống không- Thêm một chén ruợu nữa.
Bà chủ quán rối rít mời chào. Anh ta trông cao lớn, hai hàng ria lởm chởm, tóc dài cụp gáy, miệng không ngừng nhai kẹo cao su tóp tép. Đáng sợ nhất bộ quần áo rằn ri, loang lổ, đầy túi con may ngang dọc, đi đôi giày cao cổ lút bụng chân. Không hiểu đâu ra mà dạo này những bộ quần áo và đôi giày của lính Mỹ tung ra thị trường nhiều vậy? Tôi gặp không ít cánh con trai mặc bộ đồ này như thể những bộ cánh diện, hợp mốt.
Anh ta dịp chân, ư ử bài bát gì đó nghe không rõ, nhưng điệu nhạc ủ rũ, buồn não nùng. Thỉnh thoảng khoé mép anh ta có một bong bóng nở phồng, sau đó tiếng lép bép giòn tan. Anh ta không chán trò chơi thổi bong bóng ấy. Chết rồi! -Một dòng điện chạy dọc thân thể khi ánh mắt tôi bất chợt chuyển sang phía anh Hoàng. Nét mặt anh tối sầm, cặp mắt như hai đốm lửa, hung dữ và hoang dại. Hai hàm răng nghiến chặt, đôi bàn tay run bần bật.
-Đi thôi anh… Đi… -Tôi lật đật trả tiền bà chủ quán.
-Nguỵ… nguỵ đấy… -Anh Hoàng lắp bắp.
-Anh ta làm sao thế? -Anh thanh niên nói kẻ cả – Bị cảm à, có dầu đây này?
Anh ta móc túi lôi ra lọ dầu. Cùng với lọ dầu, rơi ra một nắm kẹo cao su với giấy bạc in hình lính Mỹ đội mũ sắt, tay lăm lăm khẩu tiểu liên, đi bên cạnh chiếc xe tăng có nòng pháo chĩa lên trời. Anh Hoàng đăm đăm nhìn hình vẽ, khuôn mặt nhăn nhúm, méo mó như bị cơn đau dữ dội.
-Cám ơn anh! -Tôi hớt hải! -Anh tôi không sao đâu, chỉ xin làm ơn anh hãy đi khỏi đây mau, mau lên.
-Cái gì? -Anh ta trợn mắt -Mày là thá gì mà tự nhiên đuổi tao? Làm phúc phải tội à?
Bà chủ quán cũng sưng xỉa mắng tôi, bênh chằm chằm anh kia.
-Không phải thế! – Vừa nói tôi vừa ngó chừng anh Hoàng. Vì bộ rằn ri kia sẽ làm anh tôi lầm tưởng cảnh đánh nhau với bọn Nguỵ ngày xưa…Đi thôi anh Hoàng ?
-Nguỵ? -Anh ta cười lớn- Nguỵ là gì, ở đâu ra thế hở con nhóc? Sắc phục của thuỷ quân lục chiến, bọn nó anh hùng ra phết, em ạ!
-Không! -Anh Hoàng bật dậy nói như mộng mị- Bọn dù. Chính bọn mặc bộ quần áo này đã giết mấy đứa con gái ở binh trạm, những đứa chẳng có gì bảo vệ…
-A…Anh trai tính sinh sự với thằng em hả? -Gã trai cũng nhẩy bật dậy, xô lại chỗ anh Hoàng: -Thủy quân lục chiến hay dù thì can gì tới anh? Tôi mua được thì tôi mặc, ngoài chợ giời bán đầy, mù hay sao mà không thấy.
Tôi lao tới ôm gì lấy anh, rối rít.
-Em van anh…Đi thôi, kệ người ta.
Anh hất mạnh tay tôi, đôi mắt vằn đỏ như muốn đốt cháy tay thanh niên. Họ lao vào nhau đấm đá huỳnh huỵch. Tôi ngã dúi vào góc quán.
Gã “lính dù” vùng dậy được, lôi từ túi quần một vật gì đó. Sau tiếng “tách” khô khốc, một vệt thép nhỏ dài, sáng loáng bật ra. “Anh Hoàng, nó có dao đấy”. Tôi hét lên và nhắm vội mắt lại kinh hoàng.
“Uỵch” – Tiếng người đổ vật xuống. Mở mắt ra đã thấy gã “lính dù” nằm bên cạnh chiếc hon đa, con dao nhíp vẫn cắm sau lưng. Tôi thét lên thất thanh. Trước khi ngất tôi còn kịp nghe tiếng kêu đau đớn của anh Hoàng.
-Trời ơi…Máu…Máu người…Tôi…Tôi làm gì thế này?
*
Tỉnh dậy thấy mình nằm trong đồn công an gần đó. Không thấy anh Hoàng đâu. Bà chủ quán và một người nữa đang kể lể. Đợi tôi tỉnh hẳn, anh công an tiến hành hỏi han.
-Em dẫn anh Hoàng đi thăm đồng…-Tôi gắng giữ bình tĩnh- Anh Hoàng nhớ cảnh đồng quê, anh ấy…
-Kể cho đúng, ngắn gọn? -Anh công an ngắt lời – Sự việc thế nào cho thật, không được thêm bớt, loanh quanh.
-Vâng ạ, thì như vậy mà…Bộ quần áo rằn ri mà anh kia mặc làm anh Hoàng tuởng…Con dao cũng của anh kia. Anh Hoàng mới ốm dậy chưa được tỉnh táo, cho nên…
-Cái gì? -Anh công an gắt- Cô nói vớ vớ, vẩn vẩn gì vậy? Lính ngụy nào? Người bị giết là một công nhân, anh ta chả có tội tình gì.
Tôi im lặng nghẹn ngào. Biết nói gì để mọi người hiểu? Tất cả các nhân chứng kể rõ ràng, mạch lạc, hoàn toàn đúng sự thật. Tôi không thể phản đối được họ. Đôi khi tự vấn: sao anh Hoàng lại nhầm lẫn đến thế? Nếu nhầm tưởng vị tất điên khùng đến như vậy sao?
Nghẹn ngào, bất lực, tôi đứng cúi đàu không nói được thêm được điều gì. Trong lòng đau đớn, giằng xé, vừa âm thầm kết tội, vừa âm thầm thương xót cảm thông với anh. Nhất định tôi không chịu ký vào biên bản, mặc dù không thể nói biên bản đó là sai, thiếu đúng đắn.
-Thế cô cho rằng anh ta bị điên à?- Người ta hỏi.
-Không! -Tôi gần như hét lên.
-Vậy thì anh ta giết người một cách có ý thức?
-Không đúng!
-Thế tại sao?
-Tại…
Mãi mãi tôi không quên, mãi mãi không tha thứ cho mình vì cái chữ “tại” bỏ lửng ấy…
*
Cửa buồng bán vé đã mở. Cả bến xe ồn ào như chợ. Họ chen lấn xô đẩy trước cửa buồng bán vé để được mua nhanh chóng. Tiếng la lối, chửi bới om sòm. Hai chị em tôi bị xô bật ra khỏi ô cửa bán vé nhỏ xíu.
-Chịu thua Tú ơi! -Chị Lan lắc đầu -Đành ra ngoài mà chờ, tý nữa đưa tiền cho ông tài để lên xe vậy.
Mệt nhọc, buồn bã tôi lẳng lặng đi theo chị ra ngoài. Chị Lan mua cho tôi một ổ bánh mì, song không sao ăn nổi. Sau một đêm thức trắng nhớ về anh người rã rời, lòng dạ nhấc nhối.
-Ít nhất nửa giờ nữa xe mới chạy. Nghe nói ông tài còn chờ đám dân buôn mang hàng lên Hà Nội…-Chị Lan chép miệng- Ờ, mà cũng phải, trông chờ những người như chị em mình hoạ người ta chết đói.
Tôi trải nilon xuống đất và ngồi xuống. Đầu đau nhấc quay cuồng. Không khí trong lành từ đồng lúa thổi về không giúp ích được gì cho tôi. Và, cả cảnh huyên náo của bến xe cũng không làm tôi lưu tâm. Ký ức vẫn dẫn dắt tôi…Lạy trời! Cái ký ức bi thảm của anh Hoàng từ bao giờ đã thấm vào máu thịt tôi.
*
Lần đó tôi không được gặp anh Hoàng. Bị giữ lại ở đồn công an tới tận chiều hôm sau. Khi mẹ tới đón, tôi van vỉ được nhìn thấy anh, dù chỉ từ xa thôi cũng được. Nhưng đã bị từ chối. Tôi khóc đến sưng mắt. Ngày hôm sau lên cơn sốt, li bì, mê man. Trong cơn sảng tôi gọi anh, gọi mãi. Nửa tháng ròng tôi vật vã, bị nhấn chìm hằng hà giữa cơn ác mộng đâm chém chết chóc, máu me đầm đìa. Tôi thấy mình đang đào cùng anh chiếc hầm thứ một nghìn, một chiếc hầm kỳ dị, méo mó, giống cái miệng lởm chởm đầy răng nhọn hoắt, đỏ lòm. Cảnh tượng vụ xô xát diễn đi diễn lại…Dường như tôi bị mất hoàn toàn tuổi thơ ấu trong những ngày đau ốm nặng nề ấy.
Mỗi lúc tỉnh dậy tôi xin mẹ được nói chuyện với bác Hải, nhưng bố mẹ tôi sợ hãi không cho. Sau này tôi mới biết bác Hải cũng muốn gặp tôi nhưng không được. Một mình chạy vạy cứu gỡ con trai, cách thức thế nào bác cũng không được ai bày. Song chẳng biết bằng cách nào, bác xin được giấy chứng nhận anh Hoàng bị yếu thần kinh, rất dễ lên cơn loạn trí..
Khốn khổ thay cho bác, anh Hoàng luôn phủ nhận căn bệnh của mình: “Tôi không cố ý giết anh ta”. “Thế tại sao anh đang tâm giết một người không quen biết, không thù oán gì mình?”. “Tôi nhầm…”. “Sao lại nhầm? Anh bị điên không? “. “Không, không điên…”
Anh không thể trả lời được. Chính anh cũng không sao hiểu được trong giây phút điên loạn ấy của mình…
Khi tôi được vào thăm anh trời đã sang đông. Cũng lần đầu tiên anh được tiếp xúc với người nhà. Bác Hải khóc lặng đi. Chẳng nói được nhiều với con trai, thời gian lại quá ít. Anh gầy khủng khiếp, hỗ mắt trũng sâu, gò má nhô cao, da xanh nhợt, đờ đẫn. Nhưng chẳng hiểu sao anh bình tĩnh lạ lùng. Giọng nói từ tốn, thong thả, anh tỏ ra rất tỉnh táo. Anh âu yếm hỏi han, an ủi mẹ mọi chuyện vạch vãnh trong nhà.
Tôi lặng ngắm nhìn anh, lắng nghe câu chuyện giữa anh và bác Hải. Anh lảng tránh tôi, không nhìn, không trò chuyện. Mãi tới lúc được báo sắp hết giờ, anh mới đưa mắt sang tôi, nói khe khẽ, cố nén xúc động nghẹn ngào.
-Anh có tội và chẳng muốn thanh minh với mọi người, với mẹ và cả Tú nữa. Nhưng anh hy vọng rồi đây, cùng với thời gian lớn lên, từng trải lẽ đời, Tú sẽ dần dần hiểu được cái khó tránh khỏi điều xảy ra với anh. Và, em sẽ tha thứ cho anh… Như thế cũng quá đủ cho anh. Còn anh, anh luôn tin ở trên đời này vẫn còn người đồng đội thân yêu bé nhỏ, niềm yêu đời chưa tắt của anh. Xin từ giã em, em nhé, Tú…
Ra khỏi cổng nhà giam tôi bật khóc.
Chiều đông giá rét. Gió bấc, mữa phùn.
Cái vô màu lạnh ngắt của cuộc sống đang diễn ra, đang trôi đi quanh tôi.
Nỗi chia lìa, niềm tuyệt vọng xoáy vào sự trống rỗng trong tâm hồn tôi.
Bác Hải cũng nức nở…Và cứ thế, trong mưa, dưới chiều, giữa dòng trôi ơ hờ của thành phố, hai bác cháu tôi dựa vào nhau, đúng hơn là cùng dựa vào nỗi đau đớn vô bờ…
-Anh Hoàng vô tội! -Tôi nói với bác Hải mà như kêu lên thất thanh – Anh ấy không có tội…không có tội.
Những người qua đường tò mò nhìn tôi.
Anh Hoàng thân thiết của tôi tự sát ngay trong ngày hôm ấy, ngay trong buổi chiều ảm đạm khủng khiếp ấy. Anh chẳng giết ai cả, tôi tin thế, mà chỉ tự giết mình.
Anh Hoàng treo cổ bằng sợi dây võng. Một tuần trước đó, anh nhắn bác Hải gửi vào cái võng để đắp đỡ lạnh. Tôi thì nghĩ là vì anh nhớ nó, cái võng từng ngắn bó với anh suốt đời lính. Nào ngờ…Dây võng cũ quá nên bị đứt. Anh Hoàng không chết ngay mà đưa vào bệnh viện mới tắt thở vì gãy xương cổ.
Hôm sau đi học về tôi hay tin.
Người ta đưa xe đến đón bác Hải, còn tôi bị bố mẹ giữ trong buồng. Một tuần liền tôi không được ra khỏi nhà. Mọi người chăm sóc, nâng niu, dỗ dành vì sợ tôi phát điên, sợ tôi cùng quẫn làm liều, giống anh Hoàng.
Sự đời tự giết mình đâu phải dễ. Nhưng đau khổ thì con người có thể chứa chất chịu đựng được. Chịu đựng suốt đời cũng đuợc. Bao nhiêu cũng được. Chỉ nỗi day dứt, sự mặc cảm tội lỗi với chính mình, với một quá khứ tươi đẹp của mình, với tất cả những người thân yêu thì không phải ai cũng vượt qua được.
Bác Hải đưa anh Hoàng về quê chôn cất hợp với ý nguyện của anh. Hơn nữa bác muốn được anh yên ổn, thoát khỏi mọi bàn tán của người đời giữa cảnh thanh bình, êm ả của đồng quê. Vậy mà…
Hôm đưa anh Hoàng về đây tôi không được về cùng.
Ba năm sau bốc mộ cũng không.
Mãi tới bây giờ, tám năm trôi qua, tôi trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, duyên dáng mới được về bên anh…
-Xe đến rồi, đi thôi em..
Chị Lan nắm tay tôi kéo đi như chạy về phía chiếc xe buýt đang vào bến đón khách. Nhưng vừa được dăm bước đột nhiên chị đứng sững lại.
-Khổ chưa, ôi trời…Anh ta…Em ơi!
Chị thốt kêu, giọng lạc đi, run rẩy lùi lại, nép vào sau lưng tôi.
-Ai cơ…ai hả chị?
Tôi kinh ngạc nhìn khuôn mặt đang nhợt ra khiếp hãi của chị. Bất chợt chị buông tay tôi, chạy ra sau nhà đợi. Theo ánh mắt chị, tôi thấy một người đàn ông nhỏ thó, lách đám đông thô bạo xăm xăm về phía tôi, mắt nhìn quanh quất vẻ tìm kiếm. Ông ta khoảng trên năm mươi tuổi, khuôn mặt cô hồn bạc phếch căng thẳng lạ lùng.
Tôi hoàn toàn không hiểu chuyện gì xảy ra với chị Lan. Vừa lúc đó ô tô nhấn còi. Dường như có ai níu giữ tôi lại, nhưng đồng thời tôi vẫn vô tri bước lên xe. Lần cuối cùng tôi đưa mắt tìm kiếm. Gã đàn ông với vẻ mặt cau có, thất vọng ra khỏi bến xe, nhảy lên xe đạp đi. Chị Lan từ phía sau nhà đợi vụt ra, chạy theo ô tô đang dần dần tăng tốc. Lẫn trong tiếng động cơ ồn ào, tíêng người nói lao xao tôi nghe giọng chị Lan lạc đi, yếu ớt.
-Đợi tôi với!
Bóng trắng của chị xiêu vẹo trên đường, chấp chới lùi mãi, lùi mãi về cuối chân trời. Chao ôi, chị Lan, tôi âm thầm gạt giọt nước mắt đọng bờ mi nhìn bóng chị đổ trên đường. Chị nào quên gì đâu mà vẫn phải sống đấy thôi ! Em sẽ nhớ chị, nhớ mãi, và nhớ thêm một nỗi đau, đau mãi..

SỰ SỤP ĐỔ CỦA NỀN CỘNG HOÀ

Thảo Kỳ Hồ
Benedict Arnorld có thể phản bội nước Mỹ. Jefferson Davis có thể dẫn một tập hợp bang ly khai khỏi nước Mỹ. William Harding có thể ăn hối lộ một cách trắng trợn. Nixon có thể trắng trợn đặt máy nghe lén ở Watergate. Nhưng không ai trong những nhân vật này gây hại cho Hoa Kỳ bằng Donald Trump.
4 năm vừa qua, chưa ngày nào Donald Trump không tấn công vào các mệnh đề cơ bản của nền dân chủ Mỹ.
Đầu tiên, ông ta khắc hoạ những người thuộc đảng Dân Chủ Mỹ như những con ác quỷ muốn tiếm quyền và biến nước Mỹ thành một nước xã hội chủ nghĩa. Ông ta tấn công vào sự thoả hiệp của hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ vốn được xây dựng để có thể đưa nước Mỹ tiến xa trên con đường duy lý.
Ông ta biến đảng Cộng Hoà trở thành một đảng của riêng ông ta và của những con người coi trọng ông ta hơn cả đất nước. Tự khắc hoạ bản thân như một người bảo vệ đất nước khỏi những giá trị cấp tiến, Trump đã dần dần đầu độc tâm trí của những người mà trước kia còn có được một tí tỉnh táo để trở thành những con tốt thí bảo vệ cho ông ta trên mọi mặt trận. Trong mắt của những người này, nước Mỹ là chiến trường cuối cùng để bảo vệ những giá trị mà họ tin là đúng đắn. Rất tiếc rằng phần lớn những thứ này chỉ là ảo tưởng vì những đồng bào còn tỉnh táo của họ ở phía bên kia chưa bao giờ muốn phá bỏ các giá trị truyền thống đó của nước Mỹ.
Bằng việc công khai hay không công khai bảo vệ các nhóm thượng đẳng, Donald Trump cũng làm cho tư tưởng của đảng Cộng Hoà đi đến bước đường mà họ đã từng chống lại. Hãy nhớ đến Lincoln, người đã mất cả mạng sống của mình để mang lại cho nước Mỹ Amendment số 13. Và hãy nhìn cách Trump nói về Proud Boy, “stand back and stand by” và không có một thượng nghị sỹ Cộng Hoà nào dám chống lại ông ta. Hãy đổi tên đảng thành đảng Trump, đừng lấy tên đảng của Lincoln nữa, điều đó đáng xấu hổ lắm.
Bằng việc tấn công vào các định chế truyền thông lâu đời của Mỹ, Trump đã từng bước phá huỷ thêm một thứ thiêng liêng của nước Mỹ, quyền lực thứ Tư. Đẩy truyền thông đối lập về một hướng và luôn lan truyền các fake news là chuyện thường tình của các nhà độc tài nhưng lại là chuyện xa lạ tại nước Mỹ. Hãy xem cái Trump đuổi Jim Arcosta ra khỏi phòng họp báo của Nhà Trắng và tuyên bố ông ta là “kẻ thù của nhân dân”. Hãy chú ý từ “nhân dân”, ông ta chỉ được bầu bởi số phiếu nhỏ hơn Hillary Clinton đến 2.9 triệu phiếu.
Các định chế truyền thông giả hiệu cứ theo chân Trump mà đi khắp nơi trên nước Mỹ. Ở đâu có fan Trump, ở đó fake news có đất sống. Ai mà tin được breitbart có bao nhiêu độc giả, ai mà tin được có ngày người ta tin Newsmax hơn cả New York Times. Ngay khi Fox News nói sự thật thì kỳ lạ thay rằng trong mắt người hâm mộ Trump nó đã biến thành fake news. Có ai hiểu được sự ngược ngạo này của nước Mỹ ngày nay?
Điều làm Trump nguy hiểm và tồi tệ nhất đó là việc tấn công thẳng vào định chế cơ bản nhất của nước Mỹ, bầu cử. Có tổng thống nào dành gần như 6 tháng trước bầu cử để kêu gào về sự gian lận bầu cử không có thật tại nước mình không? Có tổng thống Mỹ đương nhiệm nào lại muốn người dân bầu cử bằng cách tiện lợi và an toàn trong đại dịch lớn nhất gần trăm năm nay không? Có tổng thống nào đẩy người dân của đảng phái phía bên kia về một phía và coi họ như kẻ thù không? Ông ta là tổng thống của the United States, không phải chỉ là tổng thống của Republican không thôi.
Ngày 4.11.2020 vào lúc 2 giờ 30 sáng mãi là thời khắc ô nhục bậc nhất trong lịch sử nước Mỹ. Đó là ngày mà một tổng thống nước Mỹ tuyên bố chiến thắng một cách lố bịch chỉ vì ông ta đang dẫn trước ở một số bang nhất định và quan trọng hơn là ông ta đòi HUỶ PHIẾU BẦU hợp pháp của người dân Mỹ. Chưa hết, ông ta còn kêu gào những lá phiếu bầu hợp pháp đó là những lá phiếu gian lận mà không có bằng chứng nào rõ ràng. Việc tố cáo gian lận và đòi huỷ phiếu bầu chính là bằng chứng không thể chối cãi về việc tấn công trực tiếp vào nền dân chủ Mỹ, vốn được xây dựng bằng những lá phiếu đó.
Và chưa hết, đoán xem ai là tổng thống đầu tiên không chịu nhận thua khi đã có kết quả rõ ràng. Vẫn là Donald Trump! 4 năm trước, khi biết không thể lật ngược thế cờ qua phiếu bầu, Hillary Clinton đã nhận thua và kêu gọi người bầu cho bà ta hãy cho Trump một cơ hội điều hành đất nước. 4 năm sau, Trump biến cuộc bầu cử thành một cuộc tố giác gian lận không bằng cớ và từ chối thừa nhận rằng ông ta đã thua cuộc, mặc dù ông ta thua đến 5 triệu phiếu. Ông ta gieo rắc vào đầu fan ông ta việc chối bỏ một cuộc bầu cử diễn ra đúng luật, chỉ công nhận nó nếu ông ta thắng. Các tin fake news về gian lận mọc lên nhiều như nấm như một cuộc witch hunt vào đảng Dân Chủ và nền dân chủ của nước Mỹ.
Việc chấp nhận thua cuộc và có sự hợp tác của những người bầu cho họ là một nguyên tắc quan trọng trong việc xây dựng nước Mỹ. Chúng ta chửi nhau, tranh luận, công kích nhau trong bầu cử, nhưng sau bầu cử chúng ta trở lại làm đồng bào, làm American fellow của nhau. Điều đó sẽ không còn nữa sau cuộc bầu cử đau thương này. 72 triệu người bầu cho Trump đã bị gieo rắc về mầm mống của sự gian lận và ngay cả khi toà án không tìm ra được gì thì họ vẫn tin là toà án bị mua. Sự im lặng và đồng minh của số đông của đảng Trump thật đáng kinh ngạc, có lẽ cái tên GOP đã mất đi mãi mãi, chỉ còn GSP (Grand Shame Party) là còn mãi.
Tôi không phải là một công dân Mỹ nhưng tôi đã lặng lẽ quan sát sự thay đổi của xã hội Mỹ trong bao nhiêu năm gần đây. Tôi tưởng như nước Mỹ mãi mãi thay đổi sau khi bầu Obama, một người mà với tầm nhìn của mình xứng đáng cho một nhiệm kỳ thứ Ba. Tôi đã sai lầm, nước Mỹ sẽ mãi mãi thay đổi sau cái ngày họ bầu Donald J Trump, họ chỉ có thể lấy lại phẩm giá sau cái ngày Trump rời khỏi Nhà Trắng, hoà bình hay bạo lực.
Bài viết bởi một người ở Việt Nam

100 NGÀY ĐẦU TIÊN: SỰ PHẢN BỘI, THẤT BẠI VÀ SỰ HỦY DIỆT NƯỚC MỸ VĨ ĐẠI

Dịch từ bài viết của Joe Trippi, ngày 28 tháng 4 , 2025 trên trang Lincohn Square Media
Donald Trump tự coi mình là một vị vua. Nhưng 100 ngày đầu tiên của ông ta — và số liệu thăm dò sự ủng hộ của dân Mỹ bị giảm sút — chứng minh rằng ông không phải bất bại.
100 ngày đầu tiên của Donald Trump với tư cách là “người cai trị nước Mỹ và Thế giới” (lời của Trump) đã khiến nhiều người Mỹ tỉnh mộng trước sự phản bội, thất bại và sự phá hủy lòng tin mà các đồng minh trên khắp thế giới từng dành cho đất nước chúng ta.
Thay vì làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại như lời tuyên truyền, ông ta lại đang phá hủy nó.
Chúng ta hãy nghe chính Vua Trump nói trong một cuộc phỏng vấn mới đây với báo The Atlantic.
“Nhiệm kỳ đầu, tôi phải làm hai việc – điều hành đất nước và sống sót; tôi đã phải đối mặt với những kẻ gian dối, và lần thứ hai, tôi điều hành đất nước và cả Thế giới.”
Vậy chúng ta hãy cùng xem thử ông ta đang làm gì.
Nhân vật tin rằng mình “đang điều hành Thế giới” đã hứa ông ta sẽ chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trước khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Những lời hứa rất kêu với từ ngữ đao to búa lớn. Thực tế thì sao? La hét Tổng thống Zelenskyy và đứng về phía Putin chỉ làm mối đe dọa nền an ninh của Âu Châu tăng lên và khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn.
Con người này đã phát động một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu chỉ bằng một nét bút. Tuyên bố “Ngày giải phóng! Mức thuế quan cao và đẹp nhất từ ​​trước đến nay!” Thực tế thì dấu hiệu cho thấy sự hợp tác/ tuân theo mệnh lệnh của Thế giới “ông ta đang điều hành” lại rất leo lét (không như Quốc hội và Thượng viện Mỹ đang cúi đầu trước ông ta).
Thực tế là, lượng du khách từ khắp nơi đến Mỹ bị giảm sút nhanh chóng. Vật giá trong nước gia tăng. Nền kinh tế thế giới và dân Mỹ sẽ phải chịu đựng cỡ nào? Ông ta không quan tâm. Vua Trump bảo đảm với nông nô rằng đây chỉ là một thời kỳ “thắt lưng buộc bụng” không lâu.
Con người tin rằng mình đang điều hành nước Mỹ và Thế giới đã hứa ông ta sẽ làm cho thực phẩm hạ giá và chấm dứt lạm phát ngay ngày đầu tiên — và sau khi nhậm chức lại nói ngược: việc hạ giá sẽ rất khó. Giá trứng cũng không đi xuống.
Sự phản bội và thất bại cứ tiếp diễn liên tục. Trump hứa hẹn một “sự bùng nổ kinh tế chưa từng có” trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ. Đúng như lời của Vua Trump, nó thực sự nổ toang. Thị trường chứng khoán sụt giảm tệ nhất trong 100 ngày đầu tiên của bất kỳ vị Tổng thống đương đại nào.
Con người “đang điều hành nước Mỹ và Thế giới” đã phớt lờ lệnh của tòa án, đã bác bỏ quy trình tố tụng được luật pháp cho phép— quyền được ra tòa để bào chữa cho vụ án của mình trước khi ai đó bị đưa đến trại lao động khổ sai ở El Salvador. Có thể người đó là tội phạm, nhưng trước đây chính phủ phải chứng minh điều đó trước khi tuyên án, thì bây giờ không có chuyện đó nữa. Một lần nữa, Vua Trump lại nổi giận với các tòa án đang can thiệp vào lệnh của ông ta. Tay sai của Trump giờ đây đã bắt đầu bắt giữ các thẩm phán.
Con người tin rằng mình có thể điều hành nước Mỹ và Thế giới đã giao cho Elon Musk phụ trách Bộ Hiệu quả Chính phủ. Một tỷ phú không được dân bầu chịu trách nhiệm cắt giảm và phá bỏ toàn bộ các cơ quan phục vụ người Mỹ với danh nghĩa để tiết kiện ngân sách. Họ tuyên bố hàng nghìn tỷ sẽ được tiết kiệm! Thực tế là sự an toàn và sức khỏe của hàng triệu người Mỹ đã bị đe dọa trong khi chi tiêu của chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Vua Trump tiếp tục tăng.
Và người dân Mỹ đang thức tỉnh trước mối nguy hiểm về vị Tổng thống tin rằng mình có thể điều hành nước Mỹ và Thế giới.
Cuộc thăm dò gần đây của ABC cho thấy:
57% số người không tán thành cách thức Trump quản lý chính quyền liên bang.
58% cho rằng Trump không quan tâm đến lợi ích của người lao động Mỹ.
61% không chấp thuận phương cách Trump điều hành nền kinh tế.
61% không chấp thuận các chính sách của Trump về mối quan hệ của Hoa Kỳ với các nước khác.
64% không chấp thuận chính sách thuế quan của Trump.
66% phản đối việc đóng cửa Bộ Giáo dục.
66% phản đối lệnh hành pháp của Trump chấm dứt quyền công dân khi được sinh ra trên đất Mỹ..
67% nhận ra ảnh hưởng xấu của Trump lên thị trường chứng khoán.
77% phản đối việc cắt giảm nguồn tài trợ liên bang cho nghiên cứu y khoa.
Đây là con số khổng lồ thể hiện sự phản đối Trump, người tin rằng mình đang điều hành nước Mỹ và Thế giới.
Phản ứng của Nhà vua ra sao?
Không phải đùa vì việc này đã được ghi nhận sáng nay:
“Tổng thống Donald Trump đã nói rằng các báo công bố các cuộc thăm dò ý kiến ​​cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông ta đang giảm sút trong những tuần gần đây nên bị điều tra. Trump đã trích dẫn các cuộc thăm dò gần đây của The New York Times, ABC News/The Washington Post và Fox News, trong đó tỷ lệ ủng hộ ông theo thứ tự đó là 42 phần trăm, 39 phần trăm và 44 phần trăm.”
Rõ ràng bây giờ không phải là lúc để dân Mỹ nằm yên chờ chết. Giờ là lúc chúng ta phải lên tiếng phản đối Vua Trump.
Ông ta đang nhân danh người Mỹ làm tất cả những điều này:
-phản bội các đồng minh của chúng ta,
-làm thất vọng những người đã bỏ phiếu cho ông ta, cũng như những người chưa hề bỏ phiếu cho ông ta,
-phá hoại tòa án, chính phủ, dân quyền và chính sách của chúng ta
Từ đó dẫn đến việc hủy hoại vị thế của nước Mỹ trên thế giới, một vị thế mà hàng triệu người Mỹ đã hy sinh mạng sống và cuộc đời họ để xây dựng.
Nhiều thế hệ người Mỹ đã xây đắp nên sự vĩ đại của đất nước, và ngay cả với những khiếm khuyết của đất nước này, họ không bao giờ tin rằng sẽ có ngày một vị Tổng thống Hoa Kỳ sẽ nói những lời mà Donald Trump vừa nói “Tôi điều hành nước Mỹ và Thế giới”.
Họ không bao giờ tin rằng chúng ta sẽ chuyển giao quyền lực của quốc gia vĩ đại này vào tay một vị hôn quân đang trút cơn điên loạn của mình lên thế giới và lên chính nước Mỹ.
Và họ không bao giờ tin rằng Vua Trump sẽ có những người ủng hộ tại Hạ viện và Thượng viện, những người sẽ cúi đầu trước một tổng thống như vậy thay vì ngăn chặn ông ta — vì sợ hãi hoặc thèm khát quyền lực, họ sẽ giúp ông ta làm điều đó.
Điều mà những thế hệ người Mỹ trước đây tin tưởng, đó là người dân Mỹ sẽ thức tỉnh trước những mối nguy hiểm từ một con người như vậy và lên tiếng chống lại ông ta.
Donald Trump không phải là người điều hành nước Mỹ. Đó là công việc của người dân Mỹ lâu nay.
Chống cự và phản đối.
Hãy đứng lên, nước Mỹ!
Joe Trippi
Ngày 28 tháng 4, 2025

Ở thế thượng phong, Tập Cận Bình làm chủ thương chiến với Donald Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định đã điện đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai bên cũng chuẩn bị đàm phán về thuế đối ứng. Nhưng Bắc Kinh phủ nhận toàn bộ mọi khẳng định của nguyên thủ Mỹ. Ngày 28/04/2025, một lần nữa người phát ngôn bộ Ngoại Giao Quách Gia Côn nhắc lại « Trung Quốc và Mỹ chưa tiến hành tham vấn hay đối thoại về thuế quan ». Liệu Bắc Kinh đang lật ngược thế cờ, gây sức ép với Washington để bước vào đàm phán trên thế thượng phong ?

RFI- Thu Hằng

Cuộc chiến thuế quan do tổng thống Trump khởi động và những đòn đáp trả của Bắc Kinh đều khiến các địa phương xuất khẩu của Trung Quốc chịu đau đớn, theo nhận định ngày 27/04 của thông tín viên báo Le Monde tại Bắc Kinh. Người tiêu dùng Mỹ tạm thời chưa cảm nhận được hệ quả vì các container mất gần một tháng để cập bờ Tây Hoa Kỳ, thậm chí là hai tháng nếu đến bờ Đông. Tuy nhiên, Gene Seroka, giám đốc cảng Los Angeles « dự báo từ giờ đến hai tháng nữa, số lượng container giảm 35% vì tất cả hàng xuất khẩu từ Trung Quốc cho các nhà phân phối lớn hoặc các nhà sản xuất lớn đã dừng lại ».

Mỹ « hạ nhiệt » nhưng Trung Quốc chưa chấp nhận kiểu « ban ơn »

Hai bên đều cố gắng giảm thiểu tác động của cuộc chiến thương mại. Dấu hiệu « yếu đuối » đầu tiên xuất phát từ phía Mỹ, theo nhật báo Le Monde. Ngày 12/04, tổng thống Trump loại điện thoại thông minh, máy tính và nhiều mặt hàng thiết bị điện tử, chủ yếu nhập từ Trung Quốc, ra khỏi danh sách thuế 145%. Ông khẳng định trong bài phỏng vấn đăng trên tạp chí Time là sẽ đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh « trong ba hoặc bốn tuần nữa ». Bộ trưởng Tài Chính Scott Bessent cũng tỏ vẻ lạc quan tương tự khi cho rằng mức thuế lên đến 145% đối với Trung Quốc sẽ được giảm « đáng kể » và hai nước có thể đạt được một thỏa thuận.

Nhưng Bắc Kinh không dễ dàng chấp nhận kiểu « ban ơn » như vậy mà ngược lại, « lên gân » với Washington khi đặt điều kiện đối thoại là « Mỹ phải sửa chữa những sai lầm, ngừng đe dọa và gây áp lực với các nước khác, đồng thời hủy bỏ toàn bộ những biện pháp thuế quan đơn phương đối với Trung Quốc ». Nhưng đằng sau những phát biểu cứng rắn, Bắc Kinh cũng bắt đầu loại một số sản phẩm thiết yếu khỏi mức thuế 125% nhắm vào hàng Mỹ.

Ví dụ ngày 24/04, Trung Quốc quyết định không đánh thuế động cơ máy bay, càng hạ cánh, vỏ động cơ máy bay nhập từ Hoa Kỳ. Nếu không mua linh kiện máy bay từ Mỹ, ngành hàng không Trung Quốc sẽ bị tác động nặng nề vì vẫn phải bảo trì phi đội Boeing. Cho dù máy bay nội địa C919 đã hoạt động, nhưng cũng cần rất nhiều linh kiện nhập từ phương Tây, trong đó có động cơ LEAP của liên doanh Pháp-Mỹ. Theo hãng thông tấn Bloomberg, Trung Quốc cũng dự kiến loại nhiều sản phẩm khác khỏi mức thuế 125%, như thiết bị y tế, khí ethan được sử dụng trong sản xuất nhựa. Còn theo tạp chí kinh tế Tài Kinh (Caijing), Trung Quốc nới lỏng thuế quan trả đũa đối với 8 loại chíp bán dẫn. Các doanh nghiệp đã trả thuế sẽ được hoàn lại.

Trung Quốc « làm chủ tình hình » với Mỹ

Những biện pháp giảm nhẹ này cần được hiểu theo cả hai nghĩa, hoặc đây là một cử chỉ hòa dịu cho thấy sự uyển chuyển đằng sau giọng điệu hung hăng hoặc là một sự điều chỉnh cần thiết để chắc chắn rằng Trung Quốc có thể làm chủ tình hình. Nhưng để giữ được thế cân bằng với Mỹ trong nhiệm kỳ 2 của tổng thống Trump, Bắc Kinh đã rút ra bài học và chuẩn bị tốt hơn so với năm 2017.

Trung Quốc liên tục khởi xướng nhiều ý tưởng mang tầm quốc tế, tìm kiếm đối tác và để thể hiện là một miền đất ổn định trước một chính quyền Mỹ « bất ổn », không ngừng « ỷ thế mạnh để áp đặt ». Trong vòng một tháng, Bắc Kinh nói chuyện với nhiều đối tác tiềm năng, vẫn dè chừng Trung Quốc, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Liên Hiệp Châu Âu, thuyết phục các nước trong nhóm BRICS. Chủ tịch Tập Cận Bình vận động « một mặt trận chung » chống chính sách của tổng thống Trump tại Việt Nam, Cam Bốt và Malaysia – ba nước Đông Nam Á cũng chịu mức thuế đối ứng cao từ Mỹ.

Trên nhật báo Les Echos ngày 28/04, giáo sư địa-chính trị Philippe Le Corre của trường ESSEC cho rằng nhìn từ Mỹ, để có thể khởi động đàm phán với Trung Quốc thì trước mắt cần phải giảm thuế, sau hàng loạt phát biểu hăm dọa hùng hồn trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ của tổng thống Trump. Nhưng liệu chính quyền Trung Quốc có sẵn sàng không ? Dĩ nhiên Bắc Kinh sẽ mừng thầm nếu giảm được mức thuế « cao ngất ngưởng » 145%, nhưng đồng thời chính quyền Trung Quốc sẽ bình tĩnh, tiếp tục phân tích tình hình, và sẽ không thể hiện bất kỳ dấu hiệu yếu đuối nào.

Hai tổng thống Mỹ và Ukraina gặp nhau bên lề thánh lễ an táng giáo hoàng Phanxicô

0
Theo Nhà Trắng, bên lề thánh lễ an táng giáo hoàng Phanxicô, tại Roma hôm nay, 26/04/2025, tổng thống Mỹ Donald Trump và tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã có một cuộc họp “rất hiệu quả”. Không có chi tiết nào được công bố về nội dung thảo luận giữa lãnh đạo hai nước, nhưng Nhà Trắng hứa sẽ cung cấp thêm thông tin về cuộc họp đầu tiên kể từ cuộc đấu khẩu căng thẳng tại Washington vào ngày 28/02, khi Donald Trump và phó tổng thống J.D. Vance chỉ trích gay gắt tổng thống Ukraina. 

Theo AFP, phủ tổng thống Ukraina cũng vừa ra thông cáo hoan nghênh cuộc tiếp xúc “rất hiệu quả” giữa hai ông Trump và Zelensky. Cũng theo phủ tổng thống Ukraina, bên lề thánh lễ an táng giáo hoàng, cả bốn lãnh đạo, tổng thống Trump, tổng thống Zelensky, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Anh Keir Stamer cũng đã trao đổi với nhau hôm nay.

Hôm qua, 25/04/2025, tổng thống Volodymyr Zelensky đã bác đề xuất từ bỏ chủ quyền của Ukraina đối với Crimée, bán đảo chiến lược ở Biển Đen bị Nga sáp nhập từ năm 2014, và khẳng định tất cả các vùng lãnh thổ tạm thời nằm dưới quyền kiểm soát của Nga “đều thuộc về Ukraina” và “là tài sản của nhân dân Ukraina”. Nhưng tổng thống Ukraina cũng thừa nhận không đủ khả năng giành lại bán đảo Crimée bằng vũ lực.

Phát biểu trước báo giới, ông Zelensky khẳng định “lập trường của chúng tôi không thay đổi“, Ukraina sẽ không từ bỏ các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng. Ông cũng nói thêm: “Những gì tổng thống Mỹ Donald Trump nói là đúng, chúng tôi không có đủ vũ khí hay nhân lực để giành lại quyền kiểm soát Crimée bằng vũ lực, nhưng vẫn còn khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt, cũng như các áp lực kinh tế và ngoại giao khác“.

Hãng tin AFP cho biết, tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh đặc phái viên Hoa Kỳ Steve Witkoff hôm qua đã họp với tổng thống Nga Putin trong ba giờ tại Điện Kremlin. Báo chí sau đó đưa tin rằng việc công nhận chủ quyền của Nga tại Crimée nằm trong kế hoạch hòa bình mà Mỹ đề xuất. Trong một cuộc phỏng vấn, ông Trump cũng đã khẳng định “Crimée sẽ ở lại với Nga“, một ví dụ mới nhất cho thấy ông đang gây áp lực buộc Ukraina phải nhượng bộ để kết thúc chiến tranh

Cùng ngày, trên mạng xã hội Truth Social của mình, tổng thống Trump kêu gọi Kiev và Matxcơva tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao, đồng thời khẳng định hai bên đang tiến “rất gần đến một thỏa thuận” và “hầu hết các điểm chính đã được đồng thuận” nhằm chấm dứt cuộc chiến đẫm máu kéo dài ba năm.

Về tình hình tại chỗ, Nga vẫn tiếp tục oanh kích Ukraina dù khẳng định “sẵn sàng đàm phán hòa bình“. Theo chính quyền Ukraina, cuộc tấn công đêm thứ Sáu rạng sáng thứ Bảy đã khiến 1 người chết và 6 người bị thương, trong đó có một bé gái 11 tuổi, ở tỉnh miền trung Dnipropetrovsk.

Thuế quan hoạt động như thế nào

(Gợi ý: Thông thường, các quốc gia khác không phải trả thuế.)

Một trụ cột trong chính sách của Tổng thống Trump là thuế quan, tức là thuế đánh vào các sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia khác.

Ông đã áp đặt hoặc đe dọa áp đặt chúng như một cách để tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng doanh thu và giành được sự nhượng bộ từ các quốc gia khác. Nhưng điều thường bị bỏ qua giữa các tuyên bố nhắm vào các quốc gia khác là ai cuối cùng phải trả thuế quan. Thường thì không phải chính quốc gia đó.

Hiểu được ai sẽ phải trả chi phí cao hơn có nghĩa là hiểu cách thức hoạt động của sản xuất, thương mại và chuỗi cung ứng — và cách chi phí tăng lên theo từng bước của quy trình phức tạp. Lấy giày làm ví dụ.

Bước 1: Sản xuất ở nước ngoài

Phần lớn giày dép mua ở Hoa Kỳ được sản xuất tại Trung Quốc

Gần như tất cả giày dép được bán tại các cửa hàng ở Mỹ đều đến từ các quốc gia khác, với hàng nhập khẩu gần đây chiếm hơn 95 phần trăm thị trường. Trong những năm qua, hoạt động sản xuất giày dép dần chuyển sang Trung Quốc, Việt Nam và Indonesia, cùng với các quốc gia khác, nơi có chi phí sản xuất thấp hơn. Đối với Hoa Kỳ, Trung Quốc vẫn là nguồn cung chính, sản xuất hơn một nửa tổng lượng giày dép nhập khẩu.

Số lượng giày nhập khẩu năm 2023, theo quốc gia

Nguồn: Đài quan sát về sự phức tạp kinh tế

Lưu ý: Do làm tròn, các con số không cộng lại thành 100 phần trăm.

Quy trình sản xuất bắt đầu tại các nhà máy Trung Quốc, nơi công nhân lắp ráp giày thể thao. Chi phí sản xuất cuối cùng có thể thay đổi, tùy thuộc vào vật liệu. Chi phí thường trung bình khoảng 14 đô la một đôi, bao gồm cả chi phí nhân công và chi phí chung của nhà máy cộng với biên lợi nhuận của nhà sản xuất.

Giá ở giai đoạn này

Vật liệu và nhân công.           Biên lợi nhuận của nhà sản xuất

Bước 2: Chuẩn bị xuất khẩu

Hầu như tất cả hàng hóa gửi đến Hoa Kỳ đều phải chịu một số loại thuế

Để chuẩn bị thành phẩm xuất khẩu, nhà sản xuất giày tham khảo một hệ thống không ổn định do Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ điều hành, được gọi là Biểu thuế quan hài hòa, xác định mức thuế quan cho các sản phẩm và danh mục khác nhau.

Ngay cả trước khi ông Trump áp dụng mức thuế quan mới khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, hầu hết các sản phẩm nhập khẩu vào nước này đều phải chịu một số mức thuế quan nhất định.

Mức thuế quan đối với giày nhập khẩu có thể thay đổi, với hơn 430 phân loại khác nhau dựa trên vật liệu và kiểu dáng. Ví dụ, giày thể thao không phải da nhập khẩu từ Trung Quốc thường phải chịu mức thuế 20 phần trăm, theo Matt Priest, giám đốc điều hành của Hiệp hội phân phối và bán lẻ giày dép Hoa Kỳ.

Bước 3: Vận chuyển

Vận chuyển và hậu cần làm tăng thêm chi phí nhập khẩu

Giày thể thao được vận chuyển đến một trong các cảng của Hoa Kỳ. Điều này làm tăng thêm khoảng 3 đô la cho mỗi cặp chi phí vận chuyển và 3 đô la nữa cho các chi phí hậu cần khác.

Giá ở giai đoạn này

Vật liệu và nhân công    Lợi nhuận của nhà sản xuất  Vận chuyển và hậu cần

Bước 4: Điểm thuế quan

Trước khi giày có thể vào nước, nhà nhập khẩu phải trả thuế quan cho Hải quan Hoa Kỳ

Khi sản phẩm đến cảng Hoa Kỳ, công ty nhập khẩu thường làm việc với một công ty môi giới hải quan được cấp phép để xử lý các khoản thanh toán thuế quan cho Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ.

Giá ở giai đoạn này

Vật liệu và nhân công.     Biên lợi nhuận của nhà sản xuất  Vận chuyển và hậu cần

Những chuyên gia này quản lý tất cả các thủ tục hải quan và yêu cầu tuân thủ thay mặt cho nhà nhập khẩu. Trong khi mức thuế 20 phần trăm trước đây dẫn đến giá nhập khẩu là 24 đô la, thì mức thuế bổ sung 10 phần trăm mà ông Trump áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc hiện tăng thêm 2 đô la cho mỗi cặp, nâng tổng giá nhập khẩu lên 26 đô la.

Điều gì xảy ra tiếp theo

Ai trả giá cho mức giá tăng?

Hầu hết các chuyên gia về chính sách thương mại đều đồng ý rằng nền kinh tế Hoa Kỳ rất có thể sẽ phải chịu chi phí cho các mức thuế bổ sung, có thể xảy ra theo nhiều cách.

Kịch bản 1

Người tiêu dùng

Để bù đắp chi phí nhập khẩu cao hơn, các nhà bán lẻ thường tăng giá, chuyển gánh nặng sang người tiêu dùng. Do đó, người tiêu dùng thực sự phải trả thuế quan, làm giảm sức mua của họ.

Dữ liệu lịch sử trong 30 năm qua cho thấy thuế quan tăng đối với giày dép…

Thuế quan trung bình

trên một đôi

… luôn đi kèm với giá bán lẻ cao hơn

Giá trung bình

trên một đôi

Nguồn: Dữ liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ và Cục Thống kê Lao động. Giá trị năm 2024 là dự báo của Hiệp hội Phân phối và Bán lẻ Giày dép Hoa Kỳ dựa trên dữ liệu đến tháng 11.

Erica York, một nhà phân tích chính sách thuế tại Tax Foundation, cho biết: “Mặc dù gánh nặng pháp lý của thuế quan đổ lên đầu người nhập khẩu, nhưng chúng ta thấy rằng gánh nặng kinh tế toàn bộ thường được chuyển sang nền kinh tế Hoa Kỳ. Và người tiêu dùng thường phải trả chi phí cao hơn”.

Kịch bản 2

Các công ty bán lẻ và sản xuất của Hoa Kỳ

Các công ty và nhà sản xuất của Hoa Kỳ sử dụng vật liệu nhập khẩu phải đối mặt với chi phí cao hơn, cho dù họ tiếp tục lấy hàng từ Trung Quốc hay chuyển sang các nhà cung cấp trong nước đắt tiền hơn. Mặc dù họ có thể hấp thụ những chi phí này để duy trì giá cả cạnh tranh, nhưng việc làm như vậy sẽ làm giảm vốn khả dụng của họ cho các khoản đầu tư và hoạt động kinh doanh khác, cuối cùng ảnh hưởng đến nền kinh tế Hoa Kỳ nói chung.

Kịch bản 3

Chính phủ và các công ty nước ngoài

Để duy trì vị thế cạnh tranh của mình trên thị trường Hoa Kỳ, các nhà sản xuất nước ngoài đôi khi có thể cắt giảm giá và chấp nhận lợi nhuận thấp hơn. Ngoài ra, chính phủ mục tiêu có thể thiết lập một khoản hoàn thuế để giúp bù đắp gánh nặng thuế quan. Ví dụ, điều này đã xảy ra ở Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ vào năm 2018.

Kịch bản 4

Các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ

Việc áp dụng thuế quan đối với hàng nhập khẩu có thể đẩy giá trị đồng đô la Mỹ lên cao, khiến hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ trở nên đắt đỏ hơn và kém cạnh tranh hơn. Do đó, các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ có thể chịu thiệt hại và gián tiếp phải trả chi phí thuế quan.

 

Mặc dù đây là một số trong nhiều kịch bản, nhưng thuế quan hiếm khi chỉ ảnh hưởng đến một nhóm, vì tác động của chúng lan tỏa khắp toàn bộ chuỗi cung ứng, với các nhà sản xuất, nhà bán lẻ và người tiêu dùng thường chia sẻ gánh nặng theo những cách khác nhau.

Khi các công ty cố gắng thích ứng để giảm thiểu những chi phí này, một số nhà nhập khẩu có thể bắt đầu chuyển hoạt động sản xuất của họ sang các quốc gia không có thuế quan cao. Trong khi đó, người tiêu dùng có thể thay đổi thói quen mua sắm của mình, chuyển sang các thương hiệu khác hoặc các sản phẩm thay thế không bị ảnh hưởng bởi việc tăng giá.

Mặc dù các nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách có thể dự đoán một số tác động này, nhưng toàn bộ phạm vi phản ứng của thị trường thường diễn ra theo những cách không ngờ tới, được định hình bởi các yếu tố như sự cạnh tranh tại địa phương và tốc độ các công ty có thể thay đổi chuỗi cung ứng của mình.

HÒA GIẢI DÂN TỘC THẾ NÀO?

Cứ đến tháng tư là kiểu gì cũng phải nhắc tới chuyện hòa giải, vì có triệu người vui và triệu người buồn. Nhưng hòa giải thế nào?
Muốn hòa giải thì việc đầu tiên là đừng có cực đoan địch ta, rồi cứ phải ta thắng địch thua, ta luôn đúng, địch luôn sai… Nhưng để làm được điều đó thì phải có kiến thức lịch sử, chính trị, kinh tế vĩ mô đủ sâu để hiểu rằng không có danh nhân, lãnh tụ phe nào tuyệt đối đúng hay tuyệt đối sai, không phe nào được độc quyền yêu nước hay bán nước. Phải tôn trọng sự khác biệt về quan điểm chính trị nhưng phải phân biệt đâu là quan điểm và đâu là sự việc (opinions và facts).
Gần đây có vụ việc anh em dân chủ đấu tố anh Đoàn Bảo Châu về quan điểm của anh ấy với ông HCM, là có thể thấy là còn lâu mới hòa giải được. 2 phe đều vẫn nuôi dưỡng sự thù hận. Với cách phản ứng hung hăng với nhau như vậy, thì nguy cơ tắm ma’u khi có cách mạng là có thể xảy ra. Bao giờ 2 bên phải có sự bao dung lẫn nhau thì mới có thể coi là vết thương chiến tranh đã lành.
Vai trò lớn nhất để có thể hòa giải chính là Ban Tuyên giáo và đảng CS. Chừng nào họ vẫn còn lo sợ sự trỗi dậy của 1 chế độ đã sụp đổ gần 50 năm, thì chừng đó người ta vẫn phải tuyền truyền địch ta để kích động lòng căm thù. Nếu không có sự kích động đó thì cũng sẽ không có sự cực đoan của phe DC đâu.
Lâu nay, bằng các status giải ảo, mục đích đầu tiên của mình vẫn là để hàn gắn vết thương chiến tranh và mình chưa bao giờ nhận là thuộc về bên nào. Mình luôn cố để đứng ở vị trí khách quan để phân tích các sự kiện, nhân vật lịch sử với thái độ trung dung nhất có thể.
Mình có thể nói chuyện với bạn bè, người thân là CA, Tuyên giáo, cán bộ, công chức, đảng viên hay cựu công chức, cựu binh VNCH, nhưng người đang đấu tranh DC, các nhà sư rất đỏ lẫn các linh mục khá vàng…hoàn toàn bình thường, không kỳ thị bên nào.
Mình có thể rành sử đảng hơn đảng viên hay rành lịch sử phía Quốc gia hơn cả con cháu họ. Có lẽ vì có đủ thông tin về cả 2 phía nên mình mới giữ được thái độ ôn hòa, hiếm khi định kiến với phe nào. Mình chỉ định kiến và kỳ thị với những người cực đoan của cả 2 phe. Có lẽ vì thế nên nhiều anh em DC coi mình là AN, còn anh em bo` đỏ coi mình là PĐ! Tức phải đi lang thang giữa 2 làn đạn.
Nhưng ham muốn tột bậc của mình vẫn là làm sao để người Việt không còn thù hận nhau. Dù có đấu tranh với nhau cũng trên tinh thần ôn hòa. Chứ làm sao mà tránh được mâu thuẫn, tranh luận. Thường những kẻ cực đoan nhất của cả 2 bên đều do thiếu kiến thức về phía bên kia và bị tuyên truyền nuôi dưỡng lòng thù hận. Chứ mình không tin sự thù hận do gia đình có người thân bị tổn thất hoặc mất tài sản lại còn là lý do chủ yếu.
Thành phần cực đoan nhất bây giờ có lẽ là các cháu hồng vệ binh, ở lứa tuổi HS, SV và lực lượng vũ trang, do bị tuyên truyền nhiều nhất. Mình gặp nhiều người già có lẽ cũng là đảng viên già, cựu chiến binh, thường sống ở nông thôn, cũng rất hung hãn chửi bới, quá cả trẻ trâu. Đám trẻ thì trước sau cũng thoát thôi, còn các cụ kia thì khó mà tẩy não. Chắc chờ họ chết hết mới hòa giải được?
Trước mình có hỏi chuyện 1 anh bạn bên Cam xem dân Cam có thù hận các cựu binh, cán bộ công chức Khmer đỏ không. Câu trả lời là không. Cho dù vết thương của họ còn nặng hơn Việt Nam do còn có diệt chủng, lượng người chết quá lớn. Lượng cựu binh Khmer đỏ còn sống không ít đâu.
Đó là công lao của chính quyền Hun Sen hiện tại không kích động lòng căm thù, họ không hề e ngại sự trỗi dậy của Khmer đỏ hay phe Quốc gia (Lon Nol). Bản thân phe Hun Sen cũng đã chấp nhận sống chung với hoàng gia (cũng là đối thủ cũ).
Đó là điều mà Việt Nam thua xa Campuchia.
Mấy hôm rồi, nhiều người gửi link hay chụp ảnh status, comment của AEDC cạnh khóe, bôi nhọ, đấu tố mình do mình bộc lộ quan điểm như trên, do mình không chịu có tư duy địch ta như họ.
Đối diện với nhưng thông tin đó, mình chỉ cười thôi, kệ họ. Có ông nào đủ bản lĩnh hay kiến thức để đối diện với mình mà tranh luận phải quấy đâu. Họ chỉ túm tụm với nhau để nói xấu sau lưng ở nơi khác. Với những kẻ quá hằn học, cực đoan hay n gu dốt thì mình chỉ lẳng lặng block, hay unfriend. Chứ quan tâm tới họ hoặc tâm tư, bức xúc vì bị nói xấu thì chỉ hao tâm tổn trí.
Mình chỉ làm những gì mình thấy đúng thôi, không quan tâm đến dư luận phe nào đâu.