Home Blog Page 1156

Bản tin ngày 20/8/2017

0
TIẾNG DÂN

Tin trong nước

Tin Biển Đông

Báo Thanh Niên đưa tin: Cứu 6 ngư dân gặp nạn trên tàu cá bị 2 tàu Trung Quốc đâm chìm. Tàu cá QNg 95001 TS cùng 6 ngư dân đã bị 2 tàu Trung Quốc 46105 và 46106 đâm chìm ngày 18/8, ở khu vực Đá Chim Yến, thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Năm ngoái, VTV đưa tin, tàu cá QNg 95001 TS do ngư dân Huỳnh Văn Khanh làm chủ, đã từng bị con tàu “ôn hoàng” hải giám 46102 của Trung Quốc truy đuổi và sách nhiễu vào ngày 9/7/2016.

Như vậy là, chỉ trong hơn một tháng rưỡi, kể từ ngày 2/7/2017 đến ngày 18/8/2017, đã có ít nhất 12 tàu cá của ngư dân Việt nam bị tàu Trung Quốc tấn công, gồm:

1- Tàu cá QNg 91727 TS của ông Võ Đắc, bị tàu TQ tấn công ngày 2/7

2- Tàu cá QNg 90847 TS của ông Bùi Văn Nhành, bị tàu TQ tấn công ngày 26/7.

3- tàu cá QNg 90999 TS của ông Võ Văn Hân, bị tàu TQ tấn công ngày 26/7.

4- tàu cá QNg 90899 TS của ông Võ Cu, bị tàu TQ tấn công ngày 26/7.

5- Tàu QNg 91584 TS của ông Lê Mười, bị tàu TQ uy hiếp ngày 7/8

6- Tàu QNg 91642 TS, của ông Lê Thanh Kim, bị tàu TQ đập phá ngày 7/8

7 – Tàu cá QNg 90289 TS, của ông Bùi Ngọc Lành, bị tàu TQ tấn công ngày 7/8.

8- Tàu QNg 91261TS của ông Nguyễn Hữu Lâm, bị TQ tấn công trong tháng 8, không rõ ngày.

9- Tàu QNg 91747 TS của ông Lê Văn Được, bị TQ tấn công trong tháng 8, không rõ ngày.

10-Tàu QNg 91626 TS của ông Trần Cu Tân, bị TQ tấn công trong tháng 8, không rõ ngày.

11- Tàu cá QNg 90513 TS của ngư dân Phan Minh bị TQ tấn công ngày 12/8.

12- Tàu cá QNg 95001 TS của ngư dân Huỳnh Văn Khanh, bị TQ tấn công ngày 18/8.

Mời xem thêm tin tức về các vụ tấn công nói trên đã được báo Tiếng Dân điểm trong các bản tin: ngày 15/8/2017  —  ngày 16/8/2017  —  ngày 17/8/2017  — ngày 18/8/2017  —  ngày 19/8/2017.

Mời đọc thêm tin về Biển Đông: Tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứ: Quân đội đòi Manila phản ứng (RFI). – Trung Quốc chuyển từ Biển Đông sang Hoàng Hải (Viễn Đông). – Ngư dân bị lừa bán máy tàu cá “dỏm” (báo QN).

Gọi tên quân Trung Quốc xâm lược

Về sự kiện Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phát hành bộ sách Lịch sử, dám chỉ đích danh quân Trung Quốc xâm lược Việt Nam, báo VnExpress có bài: Chiến tranh xâm lược của Trung Quốc được đưa trong sách Lịch sử Việt Nam.

TS Trần Đức Cường, tổng chủ biên bộ sách lịch sử nói trên, cho biết: Bộ sách này viết rõ về “quan hệ với Trung Quốc và cuộc chiến tranh bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam ở biên giới phía Bắc“. Nội dung chỉ “tóm lược” quan hệ Việt – Trung sau năm 1975, những căng thẳng dẫn đến cuộc chiến nổ ra sáng 17/2/1979.

Tuy nhiên, cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược tàn khốc và đầy đau thương này, diễn ra trong nhiều năm, cướp đi bao nhiêu sinh mạng người lính và dân lành vô tội, Việt Nam để mất bao nhiêu lãnh thổ khi cuộc chiến tàn, mà chỉ được tóm lược có 9 trang, từ trang 351 đến 359, thì quả là lịch sử đã bị cắt xén đi quá nhiều.

“Cách mạng mùa Thu, ai mù, ai sáng”?

BBC có bài viết, điểm lại giai đoạn lịch sử mà sử gia Trần Trọng Kim viết trong hồi ký ‘Một Cơn Gió Bụi”, đã bị thu hồi vào tháng 6/2017: ‘Chính phủ Việt Nam và tình thế trong nước’ 1945-46. Bài viết điểm lại chương 6 của cuốn hồi ký, chương ‘Chính phủ Việt Nam và tình thế trong nước‘, viết về tân chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời từ tháng 9/1945.

Mời đọc lại cuốn hồi ký Một Cơn Gió Bụi của Lệ thần Trần Trọng Kim và bài bình luận của nhà báo Mạnh Kim, nhân dịp cuốn sách này bị cấm phát hành. Mời xem lại bài viết của Nhát Sĩ Tô Hải: “Cách mạng Mùa Thu”… Ai mù? Ai sáng? Ai loạng quạng? Ai gà mờ?

Xã hội đen dọa giết “xã hội đỏ”

Truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin: Bắt anh Chánh VP Thành uỷ Đà Nẵng vì tin nhắn doạ Chủ tịch TP. Ông Đào Tấn Cường là Phó Giám đốc Công ty Cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex, chi nhánh Đà Nẵng, và là anh trai ông Đào Tấn Bằng, Chánh VPTU Đà Nẵng, đã nhắn tin đe dọa giết Chủ tịch Đà Nẵng là ông Huỳnh Đức Thơ, cùng gia đình ông Thơ và một Phó văn phòng UBND TP Đà Nẵng.

Facebooker Bạch Hoàn bình luận: “Khi đọc thông tin này tôi chợt nhớ đến lời khẳng định của Bí thư thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh: Không có chuyện nội bộ Đà Nẵng mất đoàn kết. Cá nhân tôi thì thấy, trước một Huỳnh Đức Thơ dày dạn kinh nghiệm chính trường, thì hiện ra một Nguyễn Xuân Anh hoàn toàn… trẻ trung!

Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (giữa) trao quyết định bổ nhiệm Chánh VP Thành ủy Đà Nẵng cho ông Đào Tấn Bằng (phải), anh trai nghi can nhắn tin dọa giết Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ. Ảnh chụp tháng2/2016. Nguồn: Infonet.

Giải quyết mâu thuẫn bằng cách nhắn tin dọa giết, có vẻ như các băng đảng xã hội đen đang hiện diện trong chính quyền Đà Nẵng. Qua sự việc này và nhiều sự việc khác đã xảy ra, có thể thấy, dường như các quan chức không còn tin vào luật pháp nữa, nên sử dụng luật rừng giải quyết mâu thuẫn, có lẽ sẽ nhanh hơn và đôi khi hiệu quả hơn (nếu phe của họ mạnh hơn).

Mời đọc thêm: Bắt khẩn cấp nghi can đe doạ chủ tịch TP Đà Nẵng (TT). – Chánh Văn phòng Thành ủy nói về việc anh trai bị bắt vì đe dọa Chủ tịch Đà Nẵng (Soha). – Đà Nẵng: Bắt anh trai của Chánh VP Thành ủy nhắn tin đe dọa giết Chủ tịch (MTG). – Nghi can dọa giết Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng là anh trai Chánh văn phòng Thành ủy (TN). – Bắt khẩn cấp nghi can đe doạ Chủ tịch TP Đà Nẵng (PLVN).

Phát ngôn từ “người thừa của thành phố

Theo báo Tiền Phong, tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành Hồ, diễn ra ngày 18/8, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề: TPHCM phát triển nhanh như những năm qua thì cần gì cơ chế đặc thù? Giàu nhất nước, tại sao TPHCM lại xin tiền Trung ương?

Ông Nhân cũng khẳng định: “Phải có cách gì cho đột phá giao thông. Giao thông phải trở thành đột phá trong tất cả các đột phá. Giao thông mà không xong sẽ kéo theo ách tắc toàn diện, từ kinh tế, di chuyển và lòng dân”.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nhân, cho rằng: 167 năm nữa giao thông TP.HCM mới đạt chuẩn. Mặc dù là người đứng đầu thành phố, nhưng không thấy ông đưa ra giải pháp nào, chỉ thấy hỏi “Chúng ta phải bàn xem đã làm được đến đâu và làm gì thời gian tới”?

Không nên kỷ luật LS Võ An Đôn, hãy bắt ngay Mark Zuckerburg!

Báo Tuổi Trẻ có bài: Xem xét kỷ luật luật sư Võ An Đôn vì bài viết trên Facebook.  Báo thuật lại nội dung văn bản của Đoàn LS tỉnh Phú Yên yêu cầu kỷ luật LS Võ An Đôn và nội dung trả lời của LS Đôn trên Facebook.

LS Đôn cho rằng “những bài viết này là để mọi người hiểu rõ hơn về đội ngũ luật sư hiện nay. Các bài viết này là quyền tự do ngôn luận của ông, không liên quan gì đến hoạt động nghề nghiệp luật sư. Việc bị xem xét kỷ luật, theo ông Đôn là không đúng quy định của pháp luật”.

Trước khi kỷ luật LS Võ An Đôn về “tội” viết bài trên Facebook, có lẽ chính quyền nên bắt bỏ tù ngay Mark Zuckerberg, ông chủ Facebook, cũng như đuổi cổ Facebook ra khỏi Việt Nam, bởi lẽ nếu không có Facebook thì LS Đôn không có nơi để nói lên sự thật, những gì diễn ra trong giới luật sư. Trong tương lai, để bảo đảm người dân trong nước không nói trái ý nhà cầm quyền trên Facebook, có lẽ chính quyền VN nên dẹp mạng xã hội này, tống cổ nó ra khỏi Việt Nam!

Còn nhớ, năm 2014, các ban ngành tỉnh Phú Yên cũng đã có công văn gởi Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên đề nghị xem xét, định rút chứng chỉ hành nghề luật sư của ông Võ An Đôn về việc ông Đôn bào chữa cho nạn nhân Ngô Thanh Kiều bị công an đánh tử vong.

Mời đọc thêm: Luật sư Võ An Đôn bị ‘xem xét kỷ luật’ vì chia sẻ trên Facebook (VOA).

Kết luận thanh tra ông quan Yên Bái: tiếp tục hoãn lần thứ 4

Việc công bố kết luận thanh tra khối tài sản của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái, lại bị hoãn lần thứ 4, không diễn ra như lời ông Phạm Trọng Đạt đã hứa công bố vào ngày 18/8.

Vậy là đã gần 2 tháng, kể từ khi công bố quyết định thanh tra tài sản của gia đình Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái Phạm Sỹ Quý, đến nay vẫn chưa có kết luận thanh tra. Trước đó, Cục Chống tham nhũng cho biết, họ sẽ công bố kết luận thanh tra từ ngày 30/7, nhưng cục này đã liên tiếp lùi thời điểm công bố kết luận thanh tra tới ngày 10/8, 14/8 và 18/8. Bây giờ sang ngày 20/8, nhưng vẫn không thấy kết luận thanh tra được công bố.

Báo VTC có bài: Tiếp tục hoãn công bố kết luận thanh tra ‘biệt phủ’ Yên Bái. Ông Đạt cho biết: “Về kết luận thanh tra thì do đồng chí Bùi Ngọc Lam chủ trì. Còn công bố công khai trên báo chí thì chưa đâu. Vì còn nhiều bước nữa, cần phải làm đúng quy trình“.

Báo Tiền Phong cho biết, mặc dù được tỉnh Yên Bái và cá nhân ông Phạm Sỹ Quý “tạo điều kiện” nhưng ông Đạt cho là “quá trình thanh tra chỉ trong 15 ngày là một khoảng thời gian hết sức gấp rút”. Ông còn nói ông đã phải rất giữ mình, không dám đi “giao lưu”, ngày nghỉ “không dám ra đường” vì mức độ nhạy cảm của vụ án:

Không công bố kết quả thanh tra, hứa lèo rồi thất hứa nhiều lần. Khi được hỏi về việc ông Quý vay 20 tỷ để xây biệt phủ có gì khuất tất hay không, và việc 6 giấy chuyển nhượng đất được ký trong cùng một ngày dưới tên vợ ông Quý, ông Đạt nói, đại ý: “đó là quyền của người ta, mình không xâm phạm được”.

Nhà báo Phạm Việt Thắng viết: “Vì ông này, khi còn làm cục trưởng cục II, được giao làm trưởng đoàn thanh tra đất đai ở Nghệ An, giai đoạn 2009 – 2015 (QĐ số 3883 ngày 28/12/2015), nhưng cho đến nay hình như vẫn đang ‘hoãn’ công bố. Thế mà, việc lên phó tổng thanh tra của ông này lại hanh thông, không bị hoãn lần nào. Xem ra, cục Đạt còn phải tuyên bố hoãn tiếp”.

Báo Người Đưa Tin có thư của Người Tham Vọng: Gửi ông Phạm Sỹ Quý: Nếu không khuất tất thì hãy thành thật. “Ông Quý ạ, nếu như tài sản của ông được tạo dựng bởi sự chân chính thì sao ông phải vòng vo, ngại ngần che giấu? Đã gọi là thành tựu thì phải công khai, phải tự hào, phải cho thiên hạ thấy rằng những thứ mình đang có hoàn toàn xứng đáng với sự phấn đấu của mình“.

Vụ án Giang Kim Đạt

Báo Tiền Phong có bài: Y án tử hình Giang Kim Đạt, Trần Văn Liêm. Chiều ngày 18/8, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án tử hình Trần Văn Liêm, cựu TGĐ Vinashinlines và Giang Kim Đạt, cựu Quyền trưởng phòng kinh doanh trong vụ tham nhũng xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương (Vinashinlines).

Theo HĐXX, “các bị cáo đã tham ô số tiền khoảng 16 triệu USD (tương đương 260 tỷ đồng) của Vinashinlines thông qua việc cho thuê 9 tàu, nhận tiền chênh lệch mua 3 tàu theo chỉ đạo của Trần Văn Liêm”.

Ông Giang Văn Hiển, bố đẻ của Giang Kim Đạt, là người đứng tên hàng chục tài khoản ngân hàng để nhận tiền cho con, được cho là phạm tội rửa tiền, bị tòa tuyên phạt 12 năm tù giam.

Mời đọc thêm: Tuyên y án tử hình Giang Kim Đạt và Trần Văn Liêm (TN). – Bác lời kêu oan, tuyên y án Giang Kim Đạt và đồng phạm (PLVN). – Sau án tử hình, Giang Kim Đạt vẫn còn hành vi sai phạm chờ xử lý (DV).

Ngụy biện để vắt cổ dân?

Facebooker Bạch Nhị Hà có bài viết về việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT). Dẫn thông tin từ bài Thuế VAT của Việt Nam ở đâu so với các nước trên thế giới?

Tác giả cho biết, khi đánh thuế phải minh bạch các khoản chi ngân sách, và “bất cứ ai” cũng có quyền hạch hỏi, kiểm tra. Ông dẫn chứng ở Đức có một tổ chức tư nhân mang tên Hiệp hội những người đóng thuế Đức “chuyên ‘rình rập’, kiểm tra những khoản chi tiền công của chính phủ”, hay Pháp đình Kiểm toán, một cơ quan độc lập với chính phủ, “chuyên kiểm duyệt các khoản công chi”.

Tác giả cho biết thêm: Khi đánh thuế phải lưu ý đến mức sống người dân. Việc so sánh mức thuế của VN (10%) với Đức (19%), người ta lại “quên” so sánh thu nhập trung bình của người VN (khoảng $2.200 /năm) với người Đức (khoảng $48.000 /năm), tức cao gấp 22 lần!

Tác giả kết luận: “Việc quyết định tăng VAT phải được nghiên cứu, đánh giá, phân tích, nhận xét, so sánh, v.v… với chính tình trạng cụ thể nội tại ở trong nước, chứ không thể so sánh một cách khập khiễng với các nước khác, thậm chí với cả các nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới. Không biết họ đang giả vờ ngu hay cố tình hướng dẫn sai lạc?

Báo Pháp Luật TP có bài: Tăng sốc thuế VAT, bão giá sẽ ập đến. Một người dân tại Sài Gòn bức xúc: “Nếu áp dụng tăng thuế VAT lên 12% như đề xuất của Bộ Tài chính, tôi phải đóng tới 560.000 đồng/tháng. Kiểu này chắc có lẽ phải quay lại dùng… nước ngầm cho đỡ tốn”.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết: “Việc đề xuất tăng thuế VAT lên 12% theo phương án của Bộ Tài chính sẽ dẫn đến mặt bằng giá nguyên nhiên vật liệu, nhận thầu thi công, nhân công… tăng lên. Người tiêu dùng khi mua bất động sản sẽ phải oằn lưng chịu đựng giá nhà tăng cao

Bất cập dự án BOT

Báo Pháp luật TP có bài: BOT Cai Lậy: 6 bất thường cần làm rõ. Đó là: Chèn dự án, chồng dự án, hai cây cầu biến mất, đánh tráo khái niệm, thu phí trước nghiệm thu, đường tránh chất lượng xấu.

Báo Dân Trí có bài: Vụ BOT Cai Lậy: “Đừng xem dân là con nít!”. Trước việc Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, vị trí đặt trạm Cai Lậy là phù hợp nên quyết không đổi vị trí trạm, TS Phạm Sanh, chuyên gia về lĩnh vực giao thông cho biết: “Mời ông Thứ trưởng và Bộ trưởng Bộ GTVT coi lại luật thuế, phí và lệ phí. Đề nghị các ông làm theo luật. Người dân không phải là con nít, không phải là mẫu giáo. Quan điểm của tôi là đề nghị Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phải xin lỗi“.

Báo Một Thế Giới có bài: Từ vụ BOT Cai Lậy: Những quan chức ‘ăn cây táo rào cây sung’. Bài báo dẫn lời tác giả Phạm Quang Long, cho biết, các lãnh đạo Bộ Giao thông luôn bênh vực quyết định của mình và nhà đầu tư, đồng thời hứa sẽ xem xét lại địa điểm đặt trạm thu phí, giá phí, thời gian thu phí… nhưng đều không thực hiện. Những việc này “có lẽ phải xem xét động cơ? Sao ông ủng hộ họ làm thế? Liệu có tư túi gì không?”.

Báo Dân Trí có bài: BOT, cái “vỗ vai”, ai “đứng tên người nhà một cựu lãnh đạo cấp cao”? Tác giả Bùi Hoàng Tám đặt câu hỏi: “Và nếu như lời tâm sự trên báo Thanh niên là có thật thì cần làm rõ ‘người nhà’ đó là ai? Và ai là ‘cựu lãnh đạo cao cấp’ dù không còn quyền chức vẫn ‘phủ bóng’ để ‘thâu tóm’ dự án này?

Tác giả khuyên người nhóm lò: “Lò đã nóng, xin đừng để bất cứ ‘khúc củi’ nào dù tươi và to đến mấy không cháy!” Khúc củi nào còn dám đốt, chứ  cây cổ thụ “răng chắc” này, chắc người nhóm lò không dám cho vào đâu.

Facebooker Hoàng Dũng có bài viết: Điểm những sai phạm nghiêm trọng của Bộ Giao thông. Một số đó là: Làm dự án một nơi, thu tiền một nẻo; qua mặt, gian dối Chính phủ; qua mặt, gian dối truyền thông (với người dân); định giá (mức thu phí) quá cao; chất lượng và số lượng sản phẩm quá tệ…

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông

Trang web Bộ giao thông cho biết: Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa tiếp và làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc. Phía Trung Quốc có lãnh đạo Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc tham dự. Về  Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông, lãnh đạo Tập đoàn “đang chỉ đạo trực tiếp Tập đoàn Cục 6 (Tổng thầu EPC) tìm mọi cách tháo gỡ” để có các biện pháp thúc đẩy tiến độ.

Đại diện phía Trung Quốc vẫn cho rằng, “khó khăn lớn nhất hiện nay là các thủ tục pháp lý giữa hai nước để chuyển vốn từ ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) cho giải ngân,” đồng thời “kiến nghị Bộ GTVT quan tâm, hỗ trợ để tháo gỡ vướng mắc này”.

Phía nhà thầu Trung Quốc muốn đẩy quả bóng sang chân Bộ Giao thông, có thể hình dung, dự án nói trên sẽ còn treo dài dài. Thế nên, chẳng vội nghe lãnh đạo Bộ Giao thông hứa hẹn lịch hoàn thành công trình này thêm một lần nào nữa.

Tin quốc tế

Biểu tình của các nhóm kỳ thị và chống kỳ thị ở Mỹ vừa xong

Sau vụ biểu tình bạo loạn gây chết người của những kẻ kỳ thị ở Virginia hôm 12/8/2017, một nhóm cánh hữu cực đoan ở Boston có tên “Free Speech”(Tự do Ngôn luận), mà nhiều người tin rằng, thành phần là những người thượng tôn sắc tộc da trắng, Tân Phát-xít, KKK, đã xuống đường sáng thứ Bảy 19/8/2017 ở Boston như kế hoạch mà họ thông báo.

Nhưng nhóm nhỏ này đã bị giải tán bởi một lực lượng hùng hậu, với hàng chục ngàn người, đông hơn gấp trăm lần, có tên “Fight Supremacists” (Chống lại những kẻ thượng tôn sắc tộc [da trắng], lấy từ cụm từ “White Supremacists”). Chính quyền TP Boston đã điều khoảng 500 cảnh sát tới bảo vệ trật tự.

Báo Washington Post đưa tin, có khoảng 20.000 – 30.000 người xuống đường ở Boston chống lại nhóm “Free Speech”. Họ giương cao những khẩu hiệu: ‘Mạng người Da đen thì quan trọng (“Black Lives Matter”) và hận thù không có chỗ ở Boston (“Hate Has No Home In Boston”). Hàng trăm người trong đoàn biểu tình nhảy múa, reo hò: “Hey hey, ho ho. Thượng tôn sắc tộc da trắng phải ra đi”!

Đài CBS đưa tin, có khoảng 30.000 người tham gia cuộc biểu tình chống những kẻ kỳ thị này. Mời xem clip về những người chống kỳ thị, xuống đường biểu tình ở Boston, diễn ra thứ Bảy 19/8/2017:

VOA đưa tin: Hàng ngàn người xuống đường ở Boston phản đối phát ngôn thù hằn. “Hãng tin AP dẫn lời một diễn giả theo lịch trình sẽ phát biểu nói rằng sự kiện này ‘đã đổ vỡ’. Những người tổ chức cuộc tập hợp trước đó đã công khai lên án và tách mình khỏi những người có chủ trương tân Quốc xã và thượng đẳng da trắng gây nên bạo lực ở Charlottesville vào ngày 12 tháng 8“.

Mời đọc thêm: Hơn 500 cảnh sát viên Boston bảo vệ cuộc tuần hành ‘tự do phát biểu’ (NV). – Boston: Sẽ Có 10,000 Người Biểu Tình Chống Kỳ Thị Da Màu (VB).

Bà Carmen de Lavallade, nữ nghệ sĩ 86 tuổi, tẩy chay Trump

VOA có bài: Trump không đến dự lễ tôn vinh nghệ sĩ sau khi thêm một người nữa tẩy chay. Nghệ sĩ 86 tuổi, bà Carmen de Lavallade, thông báo nhắm tới tổng thống Mỹ: “Sau khi xét tới luận điệu gây chia rẽ xã hội và sai quấy về mặt đạo đức mà lãnh đạo hiện thời của chúng ta chọn đưa ra, và để trung thành với những nguyên tắc mà tôi và rất nhiều người khác đã tranh đấu, tôi sẽ từ chối lời mời tham dự buổi chiêu đãi tại Nhà Trắng“.

Mỹ điều tra Trung Quốc

VOA đưa tin: Đại diện Thương mại Mỹ mở cuộc điều tra Trung Quốc. Vài ngày trước, ông Trump ký văn bản cho phép Mỹ điều tra nạn Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, hôm 18/8 chính thức mở cuộc điều tra này.

Bài trên BBC: Mỹ điều tra Trung Quốc về sở hữu trí tuệ. Hôm 15/8, Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo: “Nếu phía Mỹ có những hành động làm suy yếu quan hệ thương mại song phương, mà không quan tâm đến sự thật và không tôn trọng các quy tắc thương mại đa phương, thì Trung Quốc sẽ không ngồi yên

Trước đó, ngày 29/7/2017, Trump viết trên Twitter: “Tôi rất thất vọng về Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo ngu xuẩn của chúng ta trong quá khứ đã cho phép họ kiếm hàng trăm tỷ đô la một năm về thương mại, nhưng họ chẳng làm gì cho chúng ta về Bắc Hàn, mà chỉ có nói. Chúng ta sẽ không cho phép điều này tiếp tục xảy ra.Trung Quốc có thể giải quyết vấn đề này một cách dễ dàng!

Mời đọc thêm: Sở hữu trí tuệ: Mỹ chính thức mở điều tra nhắm vào Trung Quốc (RFI).

Bà Lưu Hà, vợ nhà hoạt động quá cố Lưu Hiểu Ba, xuất hiện

Bài trên RFI: Trung Quốc: Vợ góa của Lưu Hiểu Ba xuất hiện trên mạng xã hội. Vợ góa của ông Lưu Hiểu Ba giải thích về tình trạng biến mất sau cái chết của chồng: “Tôi cũng cần sắp xếp lại cho bản thân. Khi tình hình của tôi khá hơn về mọi chuyện, tôi sẽ lại cùng với các bạn”. BBC: Vợ góa ông Lưu Hiểu Ba xuất hiện trên video lần đầu tiên kể từ tang lễ chồng bà

Trung Quốc: Vợ góa của Lưu Hiểu Ba xuất hiện trên mạng xã hội

RFI

Theo AFP, sau nhiều tuần biệt tăm, bà Lưu Hà, vợ góa nhà ly khai Lưu Hiểu Ba qua đời hồi tháng trước, đã xuất hiện trở lại trong một vidéo phổ biến trên mạng internet ngày 18/08/2017.

Hình ảnh cuối cùng của bà Lưu Hà được truyền thông chính thức Trung Quốc phát đi hôm 15/07 là trong tang lễ của chồng, ông Lưu Hiểu Ba. Ngay sau đó, bà Lưu Hà biến mất không để lại tin tức gì.

Trong khi đó, Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu cũng như nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền lên tiếng đề nghị chính quyền Bắc Kinh hủy lệnh quản thúc để bà Lưu Hà được ra nước ngoài định cư.

Hôm qua, trên mạng YouTube, xuất hiện trong một vidéo, bà Lưu Hà nói : « Tôi đang nghỉ dưỡng ở một tỉnh ngoài Bắc Kinh. Tôi đề nghị các bạn cho tôi chút thời gian để nguôi đi nỗi đau ».

Trong video, bà Lưu Hà mặc áo thun, quần đen, ngồi trên chiếc tràng kỷ, tay cầm thuốc lá. Vợ góa của giải Nobel Hòa Bình 2010 giải thích thêm, sau cái chết của Lưu Hiểu Ba, « Tôi cũng cần sắp xếp lại cho bản thân. Khi tình hình của tôi khá hơn về mọi chuyện, tôi sẽ lại cùng với các bạn ». Tác giả, địa điểm thời gian ghi hình không được cho biết .

Việc bà Lưu Hà biến mất một cách khó hiểu cũng đã để lại đồn đoán trên mạng xã hội ở Trung Quốc rằng bà bị chính quyền quản thúc ở một nơi bí mật.

Phản ứng về video của bà Lưu Hà, ông Hồ Gia, một nhà ly khai tại Trung Quốc hôm nay nói với AFP rằng : « chắc chắn bà Lưu Hà đã bị chính quyền ép làm vidéo này ».

Theo ông William Nee, nhà nghiên cứu Trung Quốc thuộc tổ chức Ân Xá Quốc Tế, chính quyền dường như sẽ tiếp tục quản thúc bà một cách bất hợp pháp trước đại hội đảng 19, dự kiến vào mùa thu tới.

Do những hoạt động đòi dân chủ, năm 2009 Lưu Hiểu Ba bị kết án 11 năm tù vì tội « lật đổ » chính quyền. Ông qua đời ngày 13/07/2017 ở tuổi 61, trong một bệnh viện Trung Quốc, vài tuần sau khi ông được trả tự do có điều kiện để trị bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. Nhiều tiếng nói quốc tế đề nghị Bắc Kinh cho ông ra nước ngoài trị bệnh, nhưng đều chính quyền từ chối.

Vợ góa ông Lưu Hiểu Ba xuất hiện trên video lần đầu tiên kể từ tang lễ chồng bà

BBC
Bà Lưu Hà, vợ góa của ông Lưu Hiểu BaYoutube
Bà Lưu Hà xuất hiện trong video, nhưng không rõ có phải video được quay vì bà bị cưỡng bức hay không

Bà Lưu Hà, vợ góa của ông Lưu Hiểu Ba, nhà hoạt động Trung Quốc và người đã đoạt giải Nobel Hòa Bình, vừa xuất hiện trong một video được đưa lên mạng – đây là lần đầu tiên bà xuất hiện kể từ sau cái chết của chồng bà.

Kể từ hôm tang lễ, người ta không nhìn thấy bà Lưu Hà, người đã bị quản thúc tại gia từ vài năm nay.

Trong video ngắn này, bà nói bà cần thêm thời gian để thương nhớ ông. Bạn bè nói họ đã không liên lạc được với bà.

Bà ở trong tình trạng bị canh gác từ năm 2010, nhưng chưa bao giờ bị buộc một tội gì.

Trung Quốc bị cáo buộc ‘giam giữ’ bà quả phụ Lưu Hiểu Ba

Trung Quốc bác chỉ trích về Lưu Hiểu Ba

TQ hỏa táng nhà bất đồng Lưu Hiểu Ba

Trong đoạn video này, người ta thấy bà Lưu Hà tay cầm một điếu thuốc và ngồi trong một phòng kiểu như phòng khách và nói vào máy quay rằng bà đang bình phục trở lại sau cái chết của chồng. Bà nói qua thời gian bà sẽ “thích nghi lại” được.

Không rõ ai đã thực hiện quay video này, hay nơi được quay là ở đâu, và điều đó khiến dẫn tới những suy đoán video có thể đã được thực hiện do bị cưỡng ép.

“Chắc chắn bà đã bị nhà chức trách buộc phải thực hiện video này”, một người bạn của bà nói với hãng tin AFP.

Giới chức Trung Quốc nói bà Lưu Hà là một công dân Trung Quốc tự do và chỉ đơn giản là đang đau buồn trong chỗ riêng tư.

‘Cần được giải thoát’

Ông Lưu Hiểu Ba và vợ ông, nhà thơ Lưu Hà, năm 2002Handout/AFP
Ông Lưu Hiểu Ba và vợ ông, nhà thơ Lưu Hà, năm 2002

Nhưng sau đám tang, một luật sư từng làm việc cho ông Lưu nói bà Lưu Hà đã bị giam giữ, bị ‘cấm liên lạc’, và cần được giải thoát.

Một tuần trước khi video này được đưa ra, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã nhắc lại kêu gọi đòi tự do cho bà. Người ta cho là bà Lưu Hà đang bị trầm cảm sau nhiều năm bị theo dõi giám sát nặng nề.

Người chồng quá cố của bà, ông Lưu Hiểu Ba, là một trong những nhà vận động dân chủ hàng đầu của Trung Quốc và là một người đã mạnh mẽ phê phán nhà nước Trung Quốc. Ông bị giới chức trách Trung Quốc xem là một nhà bất đồng chính kiến.

Ông Lưu Hiểu Ba là ai?

Ông được tặng giải Nobel Hòa bình năm 2010 trong khi đang bị cầm tù, và Ủy ban Nobel tuyên bố ông là “biểu tượng quan trọng nhất của cuộc đấu tranh rộng lớn về quyền con người ở Trung Quốc”.

Năm 1996, ông kết hôn với bà Lưu Hà, một nhà thơ xuất thân từ một gia đình có đặc quyền, nhưng cuộc hôn nhân của họ thường xuyên bị gián đoạn vì ông bị giam giữ nhiều lần.

Gửi ông Phạm Sỹ Quý: Nếu không khuất tất thì hãy thành thật

Người Đưa Tin.

Gửi ông Phạm Sỹ Quý!

Là một người luôn đau đáu “khát vọng đại gia”, ngay từ khi biết được vợ chồng ông sở hữu một khối tài sản khổng lồ, tôi đã luôn dõi theo sự việc. Vừa phần tò mò giống như bao người, vừa phần muốn học mót kinh nghiệm làm giàu của ông.

Sở dĩ vậy vì tôi được biết, khối tài sản khổng lồ của ông là kết quả của một quá trình dài nỗ lực vươn lên từ hồi ông còn là sinh viên đại học. Ông đã tạo động lực cho tôi tin rằng chỉ một vài năm nữa thôi, mình hoàn toàn có cơ hội để có thể mua một căn hộ chung cư cao cấp tại Hà Nội cùng bạt ngàn đất ở quê để cho mẹ già làm trang trại nuôi cá, lợn và trồng cây cảnh giống như công trình trang trại của ông mà người ta vẫn gọi là “biệt phủ”.

“Biệt phủ” trên mảnh đất hàng nghìn mét vuông của gia đình ông Phạm Sỹ Quý.

Bởi tôi cũng như ông, cũng sớm lăn lộn với đời. Nếu như ông buôn lá chít, chổi đót, nấu men rượu, làm giá đỗ, làm xưởng giày… thì tôi cũng làm gia sư, làm bồi bàn, cài Win dạo, bán đồ ăn đêm… Và với sự cố gắng chăm chỉ, tiết kiệm của mình, sau bao năm tôi cũng có chút thành tựu là một nhà hàng nhỏ nhỏ với thu nhập đủ để nuôi một gia đình.

Mấy đứa con hay trêu tôi rằng “bố sống ảo”. Sở dĩ chúng nói vậy vì tôi hay khoe tài sản của mình lên mạng xã hội. Nào như mua được cái xe máy mới cũng phải đăng ảnh khoe, cơi nới được căn nhà cũng khoe… Tôi khoe vì tôi tự hào với những gì mà tôi tự tay làm ra, tự hào với những thành tựu có được nhờ sức lao động của mình.

Vậy thì ông Quý ạ, nếu như tài sản của ông được tạo dựng bởi sự chân chính thì sao ông phải vòng vo, ngại ngần che giấu? Đã gọi là thành tựu thì phải công khai, phải tự hào, phải cho thiên hạ thấy rằng những thứ mình đang có hoàn toàn xứng đáng với sự phấn đấu của mình.

Nhưng đúng là mỗi người mỗi số, cũng tầm tuổi xêm xêm nhau, cũng vất vả, lặn lộn từ ngày trẻ. Vậy mà so với ông, tôi còn kém cỏi nhiều quá. Tôi cũng cố tìm ra nguyên nhân tại sao mình lại thua kém như vậy. Và khi đọc tiểu sử về ông, tôi bất chợt “À” một tiếng thật to.

Hóa ra, do bố mẹ tôi không để lại trang trại để giúp tôi tăng thu nhập 1 tỷ đồng/năm, chị gái tôi chỉ làm giáo viên quèn, và vợ tôi chẳng có mảnh đất hàng nghìn mét vuông nào “vắt vai”.

Được cái, “tay hòm chìa khóa” của gia đình tôi luôn biết tính toán, khuyên nhủ chồng con và đặc biệt luôn căn dặn tôi rằng “nhà mình có những tài sản gì, còn thiếu cái gì…” để chúng tôi cùng hoạch định tương lai, cùng phấn đấu.

Vậy nên, dù nền tảng về kinh tế của tôi có kém ông nhưng tôi vẫn thấy may mắn hơn ông rất nhiều vì tôi có một người vợ luôn quan tâm đến vấn đề tài sản của gia đình, luôn chung tay cùng với chồng để cùng xây dựng kinh tế. Điều đó chắc hẳn ông không thể cảm nhận được. Vì cái nghĩa vợ chồng của gia đình ông… tôi thấy… lạ quá!

Ông vừa cáng đáng công việc ở sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái với cương vị lãnh đạo, lại vừa phải điều hành cái trang trại khổng lồ, có doanh thu 1 tỷ/năm. Trăm công nghìn việc như vậy, chắc chắn ông chẳng thể nhớ được gia đình mình có bao nhiêu tài sản. Thế nên tôi vô cùng thông cảm với ông khi thực hiện kê khai tài sản ông kê sót, kê giảm giá trị tài sản.

Tôi chỉ trách… trách sao “tay hòm chìa khóa” nhà ông lại vô tâm đến thế. Không giúp ông liệt kê tài sản một cách đầy đủ, chi tiết; đến lúc thấy ông kê sai, kê giảm giá trị tài sản mà vợ ông cũng không nhắc chồng còn thiếu cái nhà, miếng đất (chẳng hạn) để ông bổ sung cho thật đầy đủ. Ông bận trăm công nghìn việc thế, làm sao biết hết tài sản trong nhà có những gì. Thật chẳng bù cho vợ tôi chút nào, đến tiền trong ví tôi có bao nhiêu, cô ấy còn biết!

Cái chuyện rùm beng tài sản của ông, nói thực tâm nhé: Tôi trách ông ít mà trách “tay hòm chìa khóa” nhà ông nhiều hơn đấy!

Hay do gia đình ông chia tài sản theo kiểu “của ông – của tôi” nên vợ ông mới không quan tâm đến những tài sản đấy. Nhưng tôi nghĩ, dù tài sản của gia đình ông có “phân chia” thế nào thì ông cũng cứ mạnh dạn kê khai; “của chồng, công vợ” chứ có phải người dưng nước lã đâu mà rành mạch quá như thế!

Và không biết ông có trùng quan điểm với tôi hay không. Nhưng tôi để ý, chỉ những người kiếm tiền từ những việc khuất tất thì họ mới ngại ngần công khai tài sản – những thành tựu của mình.

Người tham vọng

Hàng ngàn người xuống đường ở Boston phản đối phát ngôn thù hằn

0
VOA

Hàng ngàn người ở thành phố Boston hôm thứ Bảy xuống đường để biểu tình phản đối một cuộc tập hợp mang tên “Free Speech” (Tự do Ngôn luận) có sự tham dự của những diễn giả cánh hữu, trong khi hàng trăm cảnh sát được huy động để ngăn chặn tình trạng bạo lực tái diễn vốn đã làm cho một người phụ nữ thiệt mạng tại một cuộc biểu tình của những người chủ trương thượng đẳng da trắng ở bang Virginia hồi tuần trước.

Chỉ riêng trong công viên Boston Common lịch sử, hàng trăm người biểu tình, cho rằng sự kiện này có thể trở thành nền tảng cho những tuyên truyền mang tính kì thị chủng tộc, áp đảo vài chục người tham dự cuộc tập hợp này.

Số lượng người biểu tình có phần chắc sẽ tăng vọt khi một cuộc tuần hành với hàng ngàn người nữa tiến về phía công viên.

Tin tức mới nhất cho hay những người tham dự cuộc tập hợp đã rời đi không lâu ngay sau khi nó đang bắt đầu. Hãng tin AP dẫn lời một diễn giả theo lịch trình sẽ phát biểu nói rằng sự kiện này “đã đổ vỡ.”

Những người tổ chức cuộc tập hợp trước đó đã công khai lên án và tách mình khỏi những người có chủ trương tân Quốc xã và thượng đẳng da trắng gây nên bạo lực ở Charlottesville vào ngày 12 tháng 8.

Khoảng 500 cảnh sát viên đã đặt rào chắn để ngăn xe chạy vào công viên, là công viên xưa nhất của quốc gia. Họ cũng rào địa điểm tập hợp lại để tách hai nhóm người.

Những vụ đụng độ cuối tuần trước ở Charlottesville, Virginia, nơi một người phụ nữ bị xe tông chết sau những vụ hỗn chiến đẫm máu trên đường phố, càng gia tăng căng thẳng chủng tộc vốn đã bùng lên vì những kẻ thượng đẳng da trắng tuần hành công khai hơn trong các cuộc tụ tập trên khắp nước Mỹ.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng trước đó tề tựu trong khuôn viên một trường đại học ở thành phố này để bảo vệ bức tượng Robert E. Lee, vị tướng lãnh đạo quân đội Liên bang Miền Nam ủng hộ chế độ nô lệ trong cuộc Nội chiến Mỹ, kết thúc vào năm 1865.

Bạo động vào cuối tuần trước khơi ra cuộc khủng hoảng lớn nhất ở trong nước đối với Tổng thống Donald Trump, người đã làm dấy lên sự công phẫn từ những người thuộc mọi quan điểm chính trị. Họ đả kích ông không chịu lên án ngay lập tức những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng mà còn nói rằng có những người “rất tốt” ở cả hai phía ẩu đả.

Bắt khẩn cấp nghi can đe doạ chủ tịch TP Đà Nẵng

19/08/2017 TUỔI TRẺ

TTO – Ông Đào Tấn Cường (anh trai của Chánh Văn phòng Thành ủy TP Đà Nẵng) được xác định là người đã gửi tin nhắn đe doạ đến số điện thoại của ông Huỳnh Đức Thơ – chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Bắt khẩn cấp nghi can đe doạ chủ tịch TP Đà Nẵng
Ông Huỳnh Đức Thơ (bên phải) trong một cuộc họp – Ảnh: Hữu Khá

Ngày 19-8, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, Cục Cảnh sát hình sự (C45), Bộ Công an vừa thực hiện lệnh bắt khẩn cấp ông Đào Tấn Cường – trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng để điều tra về hành vi đe doạ giết người.

Thời điểm trước khi bị bắt ông Cường là phó giám đốc Công ty Cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex chi nhánh Đà Nẵng. Được biết, ông Cường cũng là anh trai của chánh văn phòng thành uỷ Đà Nẵng.

Kết quả điều tra ban đầu xác định ông Cường đã có hành vi nhắn tin với nội dung đe doạ gửi đến số điện thoại của ông Huỳnh Đức Thơ – chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Nội dung của những tin nhắn có lời lẽ ám chỉ sẽ gây ra việc nguy hiểm đến cá nhân ông Thơ và người thân trong gia đình ông.

Ngoài ra, cùng thời điểm ông Thơ bị nhắn tin đe doạ thì một số lãnh đạo, cán bộ cấp sở, văn phòng uỷ ban của TP Đà Nẵng cũng nhận được những tin nhắn tương tự.

Được biết hành vi của Đào Tấn Cường xảy ra sau khi Thành uỷ, UBND TP Đà Nẵng có một số quyết định liên quan đến công tác điều động, bổ nhiệm nhân sự của TP.

Cũng thời điểm này, thông tin về kê khai tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ cũng bị lọt ra ngoài và đăng tải trên một số trang mạng.

THÂN HOÀNG – H.K.

​Bác kháng cáo, tuyên y án tử hình Giang Kim Đạt

TTO – Bị cáo Giang Kim Đạt và bị cáo Trần Văn Liêm, nguyên tổng giám đốc Vinashinlines bị Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm với mức án tử hình cho cùng tội danh tham ô tài sản.​
​Bác kháng cáo, tuyên y án tử hình Giang Kim Đạt
Giang Kim Đạt (bìa trái) cùng các bị cáo nghe tòa tuyên án – Ảnh: N.HÙNG

Sau hai ngày xét xử phúc thẩm, chiều muộn ngày 18-8, TAND cấp cao tại Hà Nội đã bác kháng cáo và tuyên giữ nguyên mức án sơ thẩm đối với 4 bị cáo trong đại án tham ô tài sản, rửa tiền tại công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương (Vinashinlines).

Các bị cáo Trần Văn Liêm, nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines, có vai trò chính, bị cáo Giang Kim Đạt, nguyên quyền trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines, có vai trò đồng phạm tích cực bị Hội đồng xét xử tuyên y án sơ thẩm với mức án tử hình cho tội danh tham ô tài sản.

Tòa cũng tuyên giữ nguyên mức án chung thân đối với bị cáo Trần Văn Khương, nguyên kế toán trưởng Vinashinlines. Bị cáo Giang Văn Hiển, bố Giang Kim Đạt, bị tuyên phạt 12 năm tù cho tội rửa tiền.

Hội đồng xét xử nhận định tội danh và các mức án mà Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên phạt các bị cáo là có căn cứ pháp luật, không oan sai.

Các bị cáo bị cơ quan tố tụng xác định đã có hành vi tham ô số tiền khoảng 16 triệu USD (tương đương 260 tỷ đồng) của Vinashinlines thông qua việc khai thác cho thuê 9 con tàu, nhận tiền chênh lệch “hoa hồng” từ các hợp đồng mua 3 tàu với các đối tác nước ngoài theo chỉ đạo của Trần Văn Liêm.

Trong đó bị cáo Giang Kim Đạt chiếm đoạt hơn 255 tỉ đồng, Liêm chiếm đoạt 3,1 tỉ đồng, Trần Văn Khương chiếm đoạt 1,7 tỉ đồng. Bị cáo Hiển đã mở 22 tài khoản, 92 lần nhận tiền từ Giang Kim Đạt để mua nhiều bất động sản, ô tô…

Hội đồng xét xử nhận định bị cáo Liêm mặc dù đã nộp lại tài sản tham ô nhưng do có vai trò chủ đạo trong vụ án đã làm Vinashinlines thua lỗ, thất thoát, phá sản, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp nhà nước, gây dư luận xấu… nên phải chịu mức án cao nhất.

Trong đơn kháng cáo và tại tòa bị cáo Giang Kim Đạt liên tục kêu oan và cho rằng mình bị bức cung, nhục hình tuy nhiên Hội đồng xét xử cho rằng căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được cũng như lời khai của các bị cáo đã đủ căn cứ để xác định Đạt có hành vi tham ô tài sản.

Đạt giữ vai trò tích cực, chiếm hưởng phần lớn nên cũng phải chịu hình phạt cao nhất.

Hội đồng xét xử cũng bác bỏ kháng cáo đòi lại tài sản của vợ và con bị cáo Hiển đồng thời quyết định tiếp tục kê biên 40 bất động sản và 2 ô tô.

Về dân sự, Hội đồng xét xử xác định Vinashin là nguyên đơn dân sự của vụ án nên số tiền thu hồi được trong vụ án này sẽ trả lại cho Vinashin.

THÂN HOÀNG

VỤ ÁN DOANH NHÂN GIANG KIM ĐẠT

Đồng chí Giang Kim Đạt sinh năm 1977, quê hương Thái Bình 5 tấn. Nhanh chóng trưởng thành dưới mái trường XHCN, Đạt sớm trở thành Trưởng phòng kinh doanh Công ty vận tải viễn dương Vinashin.

Đúng như cái tên của mình, anh là một doanh nhân thành đạt, trong khoảng thời gian này, nhờ ơn đảng chỉ đường, Đạt đã có tổng cộng 40 nhà biệt thự, căn hộ cao cấp, đất đai trên khắp cả nước cùng nhiều ô tô. Khối tài sản lớn này (gần 20 triệu USD) đều hình thành từ sau thời điểm Đạt đảm nhận cương vị trưởng phòng kinh doanh.

Ngày thành công cũng là ngày anh phụng dưỡng cha mẹ, đền đáp chữ hiếu. Tất cả tài sản đảng cho, anh đều để cho cha anh đứng tên. Thật là vinh hiển. Bố Đạt tên Giang Văn Hiển. Hẳn là hiển hách cả họ nhà Đạt.

Sáng 17/8 vừa qua, cha con nhà Hiển Đạt cùng dắt tay nhau ra tòa, đứng dưới vành móng ngựa. Hôm nay sẽ tuyên án. Nhiều khả năng Đạt sẽ được đi gặp các nhà cách mạng lão thành Lê nin, Các Mác sớm. Bố Đạt, anh Hiển, chắc sẽ ăn cơm cân cho đến khi về với Đạt, dự chừng 12 năm.

Phía bên ngoài tòa, ước chi có hàng trăm người hưởng lợi hay bạn bè Đạt Hiển đứng căng băng rôn khẩu hiệu bảo vệ cha con nhà này, với nội dung: “Đảng viên Đạt 09 là người yêu nước, thương dân”; “Đảng viên Đạt 09 là người học giỏi trong phong trào học tập tư tưởng HCM”; “Các đảng viên chúng tôi nguyện học tập tấm gương đồng chí Đạt 09”. “Không chán Đạt 09”; “Tham nhũng là yêu nước”; “Còn đảng – còn tiền”… Nhưng ghi nhận là không có ai cả.

Nguyễn Thị Ngân, mẹ Đạt 09 nức nở: Các bác cứ lấy lại hết các biệt thự ô tô, nhưng cho nhà em một phần nhỏ và cho cháu Đạt về với gia đình.

Ô hô hô. Sư bố cả lò sâu nhà chị.
Ảnh: Hình ảnh 2 cha con Hiển Đạt

Bác kháng cáo, tuyên y án tử hình Giang Kim Đạt

Vụ ông Bình khiến ‘mất cả sự tôn nghiêm của pháp luật’

VOA

Khánh An

VOA – Tiến sĩ Nguyễn Vi Khải hiện là Phó Viện trưởng Viện các vấn đề phát triển (VIDS). Ông là thành viên trong Ban Cố vấn của Thủ tướng Phan Văn Khải trong thời gian diễn ra đàm phán, thương lượng giữa ông Trịnh Vĩnh Bình với Chính phủ Việt Nam trong vụ kiện ở Tòa trọng tài lần thứ nhất (năm 2003 – 2006).

Là thành viên lâu năm nhóm think-tank của Thủ tướng, ông biết khá tường tận các ngóc ngách của vụ án Trịnh Vĩnh Bình. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với VOA ngày 17/8/2017, TS Nguyễn Vi Khải cho biết thêm một số chi tiết của vụ này và phân tích về tình trạng “hình sự hóa các quan hệ kinh tế – dân sự”, điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây cam kết sẽ chấm dứt.

***

VOA: Thưa Tiến sĩ, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải nhận được tin doanh nhân Hà Lan gốc Việt Trịnh Vĩnh Bình bị bắt và bị kết án trong hoàn cảnh nào? Phản ứng của Ban ra sao?

TS Nguyễn Vi Khải: Lúc đó, tôi mới bắt đầu về làm thư ký khoa học ở Tổ Lý luận trong Ban Nghiên cứu của Thủ tướng. Lúc đó có nhiều vụ tương tự như vụ của ông Bình nên chúng tôi rất băn khoăn. Đây là ví dụ của tình trạng “hình sự hóa các quan hệ kinh tế” rất nặng nề.

VOA: Tại sao sau khi cả nguyên Thủ tướng lẫn đương kim Thủ tướng, Chủ tịch nước… can thiệp, ông Bình vẫn bị xử nặng? Có điều gì lấn cấn ở đây khiến sự việc xảy ra trái với logic thông thường?

TS Nguyễn Vi Khải: Vâng. Có thể các vị từ bên ngoài, các vị không thể hiểu được việc xử án của Việt Nam trong thời điểm đó. Người ta xử án theo kiểu “bỏ túi” (tức là án Kangaroo). Các cấp trên có can thiệp vào thì cũng phải theo án lệ này. Cho nên dù là Thủ tướng hay vị nào cấp cao nữa thì cũng chỉ là gõ ở trên thôi. Chứ còn ở dưới cơ sở người ta đã ký y án và “rất đúng quy trình.” Đấy là thực tế đáng buồn của một nền tư pháp “đang có vấn đề” của Việt Nam.

VOA: Ngoài lý do án “bỏ túi”, án Kangaroo, theo tiến sĩ, còn có những nguyên nhân nào khiến cho vụ án về ông Bình trở nên nổi cộm trong những năm bấy giờ, khiến những người đứng đầu hai chính phủ, cả Hà Lan lẫn Việt Nam, thậm chí một số bộ trưởng và nghị sĩ từ EU đều muốn đứng ra dàn xếp mà không xong?

TS Nguyễn Vi Khải: Cần phân biệt giữa hai mảng, mảng con người và mảng chính sách. Về con người tôi không muốn bình luận sâu, vì phần lớn những người “gieo quả” làm hại ông Bình thì họ đều đã nhận phần của mình theo luật nhân quả. Tôi biết có vị quan chức ở Bà Rịa-Vũng Tàu đã phải vào nhà thương điên, không biết là để trốn việc quy trách nhiệm hay bị điên thật.

Ở đây tôi muốn đề cập đến một vấn đề cho đến hôm nay vẫn còn mang tính thời sự, mà điều này, thì mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phải tái cam kết rằng, chính phủ của ông sẽ không “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế – dân sự.

Trong khi đó, lại có một tình trạng khác vào thời đó và cho đến bây giờ vẫn còn, là các trọng tội làm thất thoát hàng nghìn tỷ tài sản quốc gia thì đáng nhẽ phải hình sự hóa những vụ đó, thì lại hành chính hóa các tội phạm này. Để cho các tội phạm này trốn ra nước ngoài dễ dàng bằng cách đi chữa bệnh, đi học… như trường hợp Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy…

Thủ tướng Phúc đã nói tình trạng hình sự hóa kinh tế hiện nay rất nặng nề. Ở Việt Nam hiện nay có nhiều vụ chìm xuồng. Các quan chức mà đáng lẽ phải khởi tố hình sự thì họ lại lờ đi, chẳng hạn như vụ vỡ nước sông Đà.

VOA: Trở lại với vụ kiện sắp tới của ông Trịnh Vĩnh Bình, ngoài thiệt hại về vật chất mà người dân đóng thuế phải gánh chịu, tiến sĩ có nhận định gì khác về vụ án kéo dài này không?

TS Nguyễn Vi Khải: Ngoài thiệt hại về vật chất, đây còn là một vấn đề nóng bỏng của nhiều người dân bị oan ức hiện nay.

Thứ nhất, thiệt hại vật chất đã là quá lớn, nhưng thiệt hại tinh thần đối với người dân còn khủng khiếp hơn. “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại.” Một ngày ở trong tù người ta đã khốn khổ lắm rồi, huống chi mấy năm như thế thì bao nhiêu là thiệt hại về tinh thần, sức khỏe và cả cuộc đời của họ. Tiền tỷ cũng không đền bù được.

Nhà nước Việt Nam có mất tiền tỷ trong vụ này thì tôi cho điều đáng suy nghĩ hơn là mất uy tín trên thương trường quốc tế, đặc biệt khi ta tuyên bố hội nhập, bình đẳng, cùng một sân chơi…

Nhưng vụ án này đã làm cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Việt kiều, rất băn khoăn về chuyện về nước.

Từ hồi nổ ra vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình và ông ấy đã nhận được một phần bồi thường, nhưng từ đấy cho đến nay, tuyệt nhiên không hề Nhà nước này nhắc đến trách nhiệm của các cơ quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng như các cấp trên đứng sau việc này. Phải xử lý họ thế nào? Không thể chỉ phê bình, góp ý hay cho về hưu. Như vậy là luật pháp không nghiêm.

Tôi cho rằng trong vụ này Việt Nam có nhiều mất mát. Mất cả uy tín, mất cả sự tôn nghiêm của pháp luật.

VOA: Thưa tiến sĩ, điều gì làm ông nhớ nhất trong các chỉ thị của Thủ tướng liên quan đến vụ án Trịnh Vĩnh Bình?

TS Nguyễn Vi Khải: Tôi nhớ nhất là bút phê của Thủ tướng Phan Văn Khải và công văn gửi qua Bộ trưởng Công an Lê Minh Hương. Tôi còn nhớ nội dung đại thể: Anh Hương chỉ đạo cho Công an Bà Rịa—Vũng Tàu xem lại trường hợp của Trịnh Vĩnh Bình. Thủ tướng Hà Lan đã nêu vấn đề. Tôi đã trực tiếp hỏi một số đồng chí lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, anh Bình không có lỗi đến mức phải xử như vậy. Do anh ấy dựa vào người trong nước, nên đã bị họ lừa gạt, làm bậy.

VOA: Vâng, điều tiến sĩ vừa nói cũng giống với những tư liệu mà chúng tôi có được. Vậy theo ông, tại sao một chỉ dụ như vậy không được cấp dưới thực thi?

TS Nguyễn Vi Khải: Tôi thấy thấm thía điều dân nói: “Trên bảo dưới không nghe.” Điều này biểu hiện một nhà nước pháp quyền không theo đúng quy luật khống chế quyền lực và không có cơ chế để bảo vệ quyền lực một cách chính đáng. Nó cho thấy một nền chính trị, pháp quyền rất yếu, không dung nạp được sự thật và làm cho người dân mất lòng tin rất lớn. Và tình trạng này là hiện nay, chứ không phải chỉ trong thời cách đây hơn 20 năm.

VOA: Ông có đánh giá nào về xác suất thắng, thua của vụ tái kiện sắp tới hay không?

TS Nguyễn Vi Khải: Tôi cho rằng vụ kiện này chỉ có ý nghĩa về mặt tinh thần đối với ông Bình. Còn để thắng hoàn toàn và theo ý ông Bình, tôi cho rằng rất khó. Bởi vì cơ chế phán xử quốc tế là như thế, nhưng luật lệ của Việt Nam lại là một đằng khác. Nên đây sẽ là một cuộc giằng co, dây dưa kéo dài. Để ông Bình được đền bù vật chất, được đền bù tinh thần, được xin lỗi… tôi cho rằng sẽ rất khó khăn!

Phỏng vấn ông Bùi Quang Hiếu (CH Séc) – người cho thuê xe với nghi vấn dùng để bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh hôm 23.7 tại Berlin

18.08.2017 22:00
Phỏng vấn ông Bùi Quang Hiếu (CH Séc) – người cho thuê xe với nghi vấn dùng để bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh hôm 23.7 tại Berlin

Mời bạn bấm vào hình trên để xem nhiều tình tiết mới được tiết lộ qua phỏng vấn này

Trung Khoa – Thoibao.de