Home Blog Page 1130

Chỉ thấy nhớ một thời tuổi thơ, một thời tuổi trẻ…

0

Giữa những tranh cãi về bolero gần đây, hay như hồi tháng 3 là vụ lôi ra cấm lại một bài hát lâu nay vẫn cấm (và nó vẫn được hát rất phổ biến) – Con đường xưa em đi – đôi khi tôi cứ có cảm giác dửng dưng nào đó, như thể tôi là người ngoài cuộc, hoàn toàn lạc lõng.

Hôm nay, gặp bạn, tôi mới chợt nhận ra rằng hình như không phải riêng tôi, mà cả một thế hệ những người như chúng tôi, đang lạc lõng giữa các dòng chảy âm nhạc. Chúng tôi rất hiểu rằng dòng nhạc nào cũng có tác phẩm hay, tác phẩm dở. Chúng tôi tôn trọng bolero, đề cao tuyệt đối tự do sáng tác, và luôn cố gắng đa dạng hóa các thể loại âm nhạc mình nghe… Nhưng nếu nói về một dòng nhạc thật sự là tiếng lòng của chúng tôi, thì dường như đó là những Beatles, Bee Gees, ABBA, Smokie, Queen…

Thế hệ chúng tôi là những đứa trẻ ra đời trong những năm tháng đói kém nhất, cả đói ăn lẫn đói văn hóa. Là những đứa trẻ sống tuổi thơ của mình trong những thành phố xám xịt, còn đầy ao chuôm và duối gai. Là những đứa trẻ bập bẹ câu hát tiếng Anh đầu tiên cùng với cassette nhà hàng xóm, sang hơn nữa thì cùng với làn sóng FM. Là những đứa trẻ đầu tiên choáng váng, bỡ ngỡ khi Việt Nam nối mạng Internet với thế giới, mở ra cả một bầu trời kiến thức – cả vàng lẫn rác.

Nên chỉ có chúng tôi mới chìm đắm trong những giai điệu kỳ ảo của “Here, There and Everywhere”, “If I fell”, “If”, “I Started A Joke”, “You’re the Love of My Life”… Chỉ có chúng tôi mới bám chặt cassette nhà để rình thu từng bài hát trong chương trình nhạc quốc tế trên sóng FM. Chỉ có chúng tôi mới thức thâu đêm để mò mẫm từng nốt nhạc, từng lời hát của các ca khúc ấy. Chỉ có chúng tôi mới chuyền tay nhau những cuốn sổ bài hát nhàu nát, với những chữ tiếng Anh sai chính tả be bét, và các hình Beatles, ABBA… do chúng tôi tự vẽ hoặc sang trọng lắm thì mua decal về dán.

Và chỉ có chúng tôi mới có thể ngồi với nhau trong quán café mưa, rì rầm hát “I’ll Kiss Your Memory”, như hôm nay.

Bây giờ, chúng tôi thành lạc lõng rồi. Đến như “25 Minutes”, “Take Me to Your Heart”, “Wake Me Up When September Ends” còn là nhạc cổ, thì những bài hát năm xưa ắt phải là thứ nhạc “thượng cổ” trong mắt các bạn trẻ bây giờ.

Không buồn, không vui. Chỉ thấy nhớ một thời tuổi thơ, một thời tuổi trẻ…

Nhiều cán bộ đô thị TP.HCM nghỉ việc vì ‘áp lực cao nhưng lương 2 triệu’

0
 Nhiều cán bộ phụ trách đô thị tại 24 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM mới đây đã nộp đơn xin nghỉ việc vì tiền lương 2 triệu đồng/tháng, không được hưởng bảo hiểm xã hội, trong khi phải làm việc ngày đêm.

Theo phản ánh của lãnh đạo nhiều quận huyện trên địa bàn TP.HCM, trong hoạt động ra quân xử lý lấn chiếm lòng lề đường, lập lại trật tự đô thị, nhiều cán bộ thuộc lực lượng đô thị phải làm việc liên tục ngày đêm, số lượng công việc nhiều nhưng lương lại quá thấp, nên một số cán bộ đã chủ động nộp đơn xin nghỉ việc đi làm nghề khác.

Theo đó, với mức lương 2 triệu đồng/ tháng, cán bộ thuộc lực lượng đô thị không được hưởng các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, trong khi luôn phải luôn làm việc áp lực, gánh nặng tài chính lo gia đình. Tình trạng này diễn ra nhiều hơn ở các quận Thủ Đức, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp…

Trao đổi với phóng viên báo Thanh Niên, ông Lê Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND Q.Tân Bình cho biết, vừa qua cũng có một số anh em trong đội đô thị quận xin nghỉ việc vì khó khăn chuyện gia đình và cũng như công việc nhiều, mức lương quá thấp. “Trước tình trạng trên, lãnh đạo quận cũng thường xuyên động viên tư tưởng anh em nên cũng không xảy ra tình trạng nghỉ việc hàng loạt. Vừa qua, quận cũng đã có văn bản trình lên UBND TP.HCM xem xét lại trợ cấp thêm cho anh em”, ông Bình nói.

“Anh em thuộc lực lượng đô thị hiện lãnh lương khoảng 2 triệu đồng/tháng. Trước đó, anh em nghỉ cũng hơn 10 người, thời gian này, được sự động viên của quận nên hơn 20 anh em ở lực lượng đô thị hiện cũng cố gắng làm việc và không nghỉ nữa. Tôi hy vọng thời gian tới TP sẽ có chính sách tốt để khuyến khích các anh em có tinh thần làm việc hiệu quả hơn”, ông Bình cho biết.

Nhiều cán bộ đô thị TP.HCM nghỉ việc vì 'áp lực cao nhưng lương 2 triệu' - ảnh 2

Các anh em lực lượng đô thị quận chỉ nhận lương 2 triệu đồng và không có bảo hiểm xã hội ẢNH: AN HUY

Ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân cũng cho biết vừa qua cũng có một số anh em đô thị nghỉ nhưng không nhiều. Hiện anh em đô thị lương 2 triệu đồng/tháng, làm ngoài giờ được thêm 600.000 đồng, nói chung cũng khó khăn.

“Loại hình công việc này làm thường xuyên, thứ bảy và chủ nhật cũng đi làm thành ra mức chế độ vậy là thấp. Quận cũng đã kiến nghị với UBND TP và TP cũng đã kiến nghị với Sở Nội vụ, Sở Tài chính xuống khảo sát, hy vọng sắp tới TP sẽ quan tâm tạo điều kiện cho anh em có nguồn thu nhập cao hơn”, ông Bình cho biết.

Còn theo ông Đặng Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch UBND Q.Thủ Đức, vấn đề anh em đô thị gặp khó khăn bởi lương thấp mà công việc nhiều, xin nghỉ việc thì hầu hết quận nào cũng có chứ không riêng Q.Thủ Đức. “Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng đã ghi nhận vấn đề này và giao Sở Nội vụ cùng Ban an toàn giao thông khảo sát, nên đang chờ chỉ đạo từ TP. Gần 10 anh em trong đội đô thị quận Thủ Đức cũng nộp đơn xin nghỉ việc nhưng lai rai chứ không đồng loạt. Sau nhiều đợt ra quân thì vỉa hè trên địa bàn quận cũng đi vào nề nếp và quận cũng tiếp tục phát huy trong thời gian tới”, ông Minh cho biết.

Nhiều cán bộ đô thị TP.HCM nghỉ việc vì 'áp lực cao nhưng lương 2 triệu' - ảnh 4

Hiện UBND TP.HCM đang xem xét để hỗ trợ mức lương cho nhân viên lực lượng đô thị các quận, huyện TP.HCM ẢNH: AN HUY

Ông Lê Hoàng Hà, Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp cho biết cũng có tình trạng một số anh em đô thị quận xin nghỉ nhưng lí do gì thì chưa rõ, nhưng đó là trước đây còn hiện tại anh em đang làm việc ổn định.

“Không phải khi anh em đô thị nghỉ thì mới biết chế độ cho anh em thấp, mà quận đã nhìn thấy vấn đề này từ lâu. Lực lượng đô thị là thí điểm, thành thử các chính sách cho anh em còn thấp. Q.Gò Vấp cũng thường xuyên cho anh em đô thị luân chuyển qua các bộ phận khác nhau để không bị áp lực”, ông Hà cho biết.

Bà Hứa Thị Hồng Đang, Chủ tịch UBND Q.Tân Phú cũng cho biết, đây là tình trạng chung của các quận huyện địa bàn TP.HCM. Anh em đô thị nhiều khi làm việc từ sáng sớm đến tận khuya nhưng lương vậy là quá thấp. Theo quy định, muốn có bảo hiểm xã hội thì người lao động phải đạt mức lương ngang tối thiểu vùng, nhưng anh em đô thị không đạt mức lương đó nên không được hưởng các chính sách, cũng mong TP sắp tới sẽ quan tâm nhiều hơn cho anh em đô thị.

An Huy

Bắc Triều Tiên tăng cường thiết bị cho lò phản ứng

0
VOA

Bắc Triều Tiên gia tăng các nỗ lực chế tạo phụ tùng cho một lò phản ứng hạt nhân mới đang xây dựng trong khi tiếp tục điều hành một lò phản ứng chính hiện có để cung cấp nhiên liệu cho bom hạt nhân, cơ quan theo dõi hạt nhân Liên hiệp quốc cho biết trong một phúc trình hàng năm công bố ngày 25/8.

Bắc Triều Tiên đã hai lần thử nghiệm hạt nhân và hơn chục vụ thử nghiệm phi đạn kể từ đầu năm ngoái, bất chấp khuyến cáo của các cường quốc và gây lo ngại về khả năng bùng nổ xung đột tại bán đảo Triều Tiên.

Một vụ thử nghiệm phi đạn trong tháng qua nhắm đất liền Mỹ trong tầm bắn. Bình Nhưỡng sau đó tuyên bố có kế hoạch bắn phi đạn đến đảo Guam, lãnh thổ của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, trong khi Tổng thống Donald Trump nói bất cứ đe dọa nào cũng sẽ gặp “hỏa thịnh nộ”.

Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley ngày 25/8 nhấn mạnh: “Đây là một mối lo ngại, việc này cho thấy Bắc Triều Tiên không lùi bước, Bắc Triều Tiên không ngưng việc đang làm và đây là lý do tại sao chúng ta tiếp tục cảnh giác khi nói tới Bắc Triều Tiên.”

Hiện chưa rõ Bình Nhưỡng có thể thu nhỏ bom hạt nhân để đặt lên đầu một phi đạn như vậy hay không, và hiện nay nhiều người tin rằng Bắc Triều Tiên không thể bảo vệ một đầu đạn như vậy tránh khỏi sức nóng tạo ra khi phi đạn trở lại bầu khí quyển trái đất.

Tuy nhiên nỗ lực của Bắc Triều Tiên chế tạo nhiên liệu cho bom hạt nhân đã được đẩy mạnh, theo phúc trình của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA) tại hội nghị khoáng đại thường niên. IAEA không tiếp cận được Bắc Triều Tiên và chỉ theo dõi những hoạt động của nước này chính yếu qua các hình ảnh vệ tinh.

“Có những chỉ dấu cho thấy những hoạt động xây dựng lò phản ứng nước nhẹ gia tăng, tương ứng với việc chế tạo một số bộ phận của lò phản ứng,” phúc trình của IAEA cho biết.

“IAEA không thấy những chỉ dấu về việc chuyển giao hay sản xuất các bộ phận chính yếu cho lò phản ứng được đưa vào tòa nhà chứa lò phản ứng,” IAEA nói. Lò phản ứng mới dự kiến sẽ lớn hơn lò phản ứng đang thử nghiệm tại Yongbyon.

Trong năm qua cũng không có chỉ dấu cho thấy quốc gia cộng sản này đã sử dụng phòng thí nghiệm gần lò phản ứng chính mà họ thường dùng để sản xuất plutonium từ các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng, IAEA nói. Việc này đường như mâu thuẫn với một phúc trình mới đây của một cơ quan nghiên cứu Mỹ là phòng thí nghiệm này hoạt động không liên tục.

Có những chỉ dấu cho thấy lò phản ứng thí nghiệm tiếp tục hoạt động, IAEA nói. Những phúc trình trước đây của IAEA cho biết lò phản ứng này lại được tiếp nhiên liệu trong năm 2015 và những thanh nhiên liệu có thể đã được chuyển đi hai năm sau đó. Phúc trình ngày 25/8 xác nhận tiên đoán này, nói rằng chu kỳ nhiên liệu có thể kéo dài cho đến cuối năm 2017.

Không có nhiều thông tin về các nỗ lực của Bắc Triều Tiên chế tạo một nhiên liệu khác có thể dùng cho vũ khí hạt nhân—chất uranium tinh chế cao—nhưng phúc trình cho thấy việc này đang tiếp tục tại Yongbyon.

Bắc Triều Tiên bắn 3 phi đạn, nhưng không đề ra mối đe dọa

0
VOA

Một chỉ huy Hải quân Hoa Kỳ xác nhận rằng Bắc Triều Tiên đã phóng “nhiều” phi đạn đạn đạo tầm ngắn hôm thứ Sáu, nhưng không cái nào bắn trúng đích.

Một phát ngôn viên cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ hôm thứ Sáu cho biết ba phi đạn được phóng đi cách nhau khoảng 10 phút, khoảng 2200 giờ UTC. Ông nói phi đạn thứ nhất và thứ ba gặp trục trặc trong lúc bay trong khi phi đạn thứ hai dường như nổ tung gần như ngay tức thì.

Phát ngôn viên này cũng cho biết không có phi đạn nào đe dọa Bắc Mỹ, hay Guam, lãnh thổ của Mỹ gần Bắc Triều Tiên nhất. Ông nói các lực lượng của Mỹ “tiếp tục theo dõi chặt chẽ các hành động của Bắc Triều Tiên.”

Trước đó, hội đồng tham mưu trưởng quân đội Hản Quốc nói rằng Bắc Triều Tiên dường như đã bắn một số phi đạn từ khu vực Gitdaeryong thuộc tỉnh Gangwon của Bắc Triều Tiên. Các tham mưu trưởng cho biết các phi đạn này có thể là một phần của một cuộc tập trận quân sự.

Ít nhất một trong số đó các phi đạn này đã bay khoảng 250 km trước khi rơi xuống biển, theo hội đồng tham mưu trưởng của Hản Quốc

Bộ An ninh Nội địa Mỹ duyệt lại chương trình di dân DACA

0
VOA

Các giới chức hàng đầu của Bộ An ninh Nội địa tuần này họp để duyệt xét lại tình trạng của chương trình hoãn hành động đối với di dân không giấy tờ hợp lệ. Chương trình này trong tháng tới có thể bị Texas đệ đơn kiện. Cuộc họp tuần này khiến người ta lo ngại rằng Tổng thống Trump có thể hủy bỏ Chương trình Trì hoãn Hành động đối với những Người đến Mỹ từ khi còn nhỏ (DACA).

Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Elaine Duke và ông Thomas Homan, quyền giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan có mặt trong cuộc họp hôm đầu tuần để thảo luận về tương lai của chương trình DACA, theo một viên chức của Bộ cho hay.

Trong cuộc vận động tranh cử, ông Trump hứa rằng ngay ngày đầu nhậm chức sẽ chấm dứt chương trình DACA và gọi đây là một việc lạm quyền của hành pháp bất hợp hiến. Tuy nhiên, ông Trump chưa thực hiện lời đe dọa đó. Chương trình bắt đầu vào năm 2012 dưới chính quyền Obama đã cấp giấy phép mới cho phép làm việc hai năm cho gần 800.000 di dân đến Mỹ bất hợp pháp từ khi còn nhỏ.

Hiện không rõ cuộc họp đưa tới kết luận thế nào, nhưng những người hoạt động bảo vệ quyền của di dân râm ran tin đồn từ hôm qua rằng ông Trump chắc chắn sẽ có quyết định.

Bất cứ quyết định nào cũng sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ của hai bên tranh luận.

DACA rất được các cộng đồng người Mỹ gốc Châu Mỹ La Tinh và gốc châu Á ủng hộ. Tổng thống đã hoãn thực hiện lời đe dọa của ông, và tháng 4 năm nay, ông Trump còn tuyên bố rằng những người thuộc diện DACA có thể “yên tâm.”

Trump ân xá Cảnh sát trưởng Arizona bị kết tội khinh mạn tòa án

0
VOA

Tổng thống Donald Trump ra quyết định ân xá cựu cảnh sát trưởng Joe Arpaio ở bang Arizona, một trong những người ủng hộ ngay từ đầu chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump, chưa đầy một tháng sau khi ông ta bị kết tội khinh mạn hình sự trong một vụ án liên quan đến chính sách của sở cảnh sát của ông ta chặn giữ người dựa trên yếu tố chủng tộc.

Trong một thông cáo phát đi vào tối thứ Sáu, Nhà Trắng nói về ông Arpaio như sau: “Trong suốt thời gian làm cảnh sát trưởng, ông Arpaio tiếp tục công tác suốt đời của mình là bảo vệ công chúng khỏi những vấn nạn tội phạm và tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Cảnh sát trưởng Joe Arpaio giờ đã tám mươi lăm tuổi. Sau hơn năm mươi năm phụng sự đáng khâm phục cho Quốc gia của chúng ta, ông ấy là một ứng viên xứng đáng cho lệnh ân xá của Tổng thống.”

Ông Trump đã nói bóng gió trong cuộc tập hợp kiểu vận động tranh cử hồi đầu tuần này rằng ông có thể ân xá ông Arpaio, người được những người ủng hộ gọi là “cảnh sát trưởng cứng rắn nhất nước Mỹ.”

Khi còn là cảnh sát trưởng Quận hạt Maricopa của bang Arizona, ông Arpaio là người lớn tiếng cổ súy cho những vụ trấn áp nhập cư bất hợp pháp và tháng trước đã bị kết tội khinh mạn tòa án vì từ chối thi hành một lệnh hồi năm 2011 của một thẩm phán tòa án liên bang Hoa Kỳ buộc ông ta chấm dứt những cuộc tuần tra giao thông nhắm mục tiêu xác định những người nhập cư bất hợp pháp.

Một số người chỉ trích ông Arpaio bày tỏ thất vọng về quyết định của ông Trump, trong đó có Cecillia Wang, phó giám đốc luật pháp của Liên đoàn Quyền Tự do Dân sự Mỹ.

“Với việc ân xá Arpaio, Trump đã chọn sự vô luật pháp thay vì công lý,” bà Wang nói, nhắc tới những biện pháp kỷ luật phi chính thống của ông Arpaio. Một số biện pháp này – chẳng hạn như chính sách chặn giữ người dựa trên yếu tố chủng tộc – đã bị tòa án phán quyết là bất hợp pháp.

“Một lần nữa, Tổng thống đã hành động ủng hộ những tập tục bất hợp pháp và thất bại để chấp hành luật di trú vốn dĩ nhắm mục tiêu vào người da màu và đã bị tòa án bác bỏ,” bà nói. “Việc ân xá Arpaio là một sự ủng hộ công khai của tổng thống đối với sự kì thị chủng tộc.”

Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (ABA), một tổ chức của những luật sư và những người chuyên nghiệp ngành luật khác, nói trong một thông cáo rằng họ thất vọng về hành động của Tổng thống, rằng nó làm suy yếu niềm tin của công chúng vào hệ thống luật pháp của Mỹ. ABA nói ông Arpaio đã “không tuân lệnh của các tòa án và vi phạm quyền của những người mà ông ta tuyên thệ bảo vệ,” dùng cách hiểu riêng của ông ta về công lý thay cho luật pháp.

Hiệp hội Quốc gia các Quan chức Công cử và Được Bổ nhiệm Người Mỹ Latin gọi quyết định ân xá là “sự ủng hộ công khai nạn kì thị chủng tộc từ văn phòng cao nhất của đất nước.”

Ông Arpaio lẽ ra đã phải đối mặt với án tù 6 tháng trong phiên tòa tuyên án vào ngày 5 tháng 10 tới đây.

Tòa tối cao Hong Kong bác đơn kháng cáo của hai nhà lập pháp

RFA

Tòa Tối Cao Hồng Kông hôm 25 tháng 8 bác kháng cáo của hai nhà lập pháp ủng hộ độc lập về việc bãi nhiệm họ khỏi cơ quan lập pháp.

Tin từ Reuters cho biết hai nghị sĩ trẻ Lương Tụng Hằng và Du Huệ Trinh từng bị tòa cấp dưới cho không tuyên thệ đúng như yêu cầu khi nhậm chức vì đã nhục mạ Trung Quốc. Còn Quốc hội Trung Quốc từng đưa ra giải thích về Hiến Pháp của Hồng Kông để ngăn không cho hai người chính thức tham gia Hội Đồng Lập Pháp đặc khu Hành chánh Hong Kong. Biện pháp này gây ra nhiều tranh cãi.

Hai nhà lập pháp trẻ được bầu ra kháng cáo về quyết định của tòa dưới; và đối với phán quyết của Tòa Tối Cao ngày 25 tháng 8, họ bày tỏ thất vọng.

Phát biểu với báo giới bên ngoài toà án, anh Lương Tụng Hằng cho rằng họ có thể bị loại, thậm chí có thể bị đưa vào tù, nhưng tinh thần tự do dân chủ của người Hong Kong, mong muốn công bằng và công lý của người Hong Kong sẽ không bao giờ bị khuất phục trước Bắc Kinh.

Hai người trúng cử hồi tháng 9 năm 2016 cố tình đọc sai lời tuyên thệ trong buổi lễ nhậm chức vào tháng 10.2016. Hai người này cũng treo băng rôn với dòng chữ “Hồng Kông không phải của Trung Quốc” trong buổi lễ đó.

Cũng theo Reuters, vào tháng 7 năm nay, bốn nhà lập pháp ủng hộ dân chủ khác đã bị truất quyền vì lời tuyên thệ không đúng.

Tai nạn hải quân không ảnh hưởng chiến dịch tự do hàng hải

0
RFA

Mấy vụ tai nạn gần đây mà Hải Quân Hoa Kỳ gặp phải ở khu vực Thái Bình Dương sẽ không làm gián đoạn hoạt động tự do hàng hải tại vùng Biển Đông. Tướng Tư lệnh Lực lượng Không Quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương tuyên bố như vừa nêu hôm 25 tháng 8 tại Kuala Lumpur, Malaysia.

Tướng Terrence J. O’Shaughnessy, Tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương, hiện có chuyến thăm Malaysia và một nước khác trong khu vực, nói rõ vụ đụng chiến hạm USS John S. McCain không hề phủ bóng lên khả năng quân sự mà Hoa Kỳ đưa đến khu vực Thái Bình Dương. Hoa Kỳ khẳng định mạnh mẽ sẽ cho tàu và máy bay đi qua bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép.

Khu trục hạm USS John S. McCain vào vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn hồi ngày 10 tháng 8. Trước đó vào ngày 25 tháng 5, tàu USS Dewey cũng tiến hành hoạt động tự do hàng hải áp sát Đá Vành Khăn, thuộc Trường Sa. Và sang ngày 2 tháng 7, chiến hạm USS Stethem đi qua phạm vi 12 hải lý của Đảo Tri Tôn thuộc Hoàng Sa.

Chiến dịch tự do hàng hải được tiến hành tại khu vực tranh chấp Biển Đông nhằm thách thức Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền gần như trọn vùng biển giàu tài nguyên hải sản, dầu khí và là tuyến đường biển quan trọng với tổng lượng hàng hóa qua lại hằng năm lên đến mấy ngàn tỷ đô la Mỹ.

Trung Quốc rất bất bình về những chuyến thực thi quyền tự do hàng hải mà tàu chiến Hoa Kỳ tiến hành tại khu vực Biển Đông như vừa nêu.

Truyền thông Nhà Nước Trung Quốc luôn loan truyền quan điểm của chính quyền Bắc Kinh rằng tàu chiến Hoa Kỳ gây ra mối nguy cho tàu dân sự ở Biển Đông.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng những tai nạn đụng tàu mà chiến hạm Hoa Kỳ gặp phải cho thấy cả khả năng sẵn sàng chiến đấu lẫn trình độ quản lý của Hải quân Hoa Kỳ đều suy giảm.

Tư lệnh Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Đô đốc Harry Harris, lên tiếng một ngày sau khi xảy ra tai nạn đụng tàu USS John S McCain, rằng thật liều lĩnh khi nghĩ rằng vụ việc là chỉ dấu của sự yếu đi hay dễ thương tổn của Hải quân Mỹ.

Theo Đô đốc Harry Harris thì Hải quân Hoa Kỳ lớn mạnh và có nhiều khả năng; nếu cần thì Mỹ sẽ tăng cường thêm nữa.

VỀ BỘ SÁCH LỊCH SỬ VIỆT NAM

0

Trong tuần vừa qua, sau bài phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ với PGS. TS Trần Đức Cường, có nhiều luồng ý kiến xoay quanh bài trả lời phỏng vấn này khi ông Cường đưa ra thông tin bộ sách có những điểm mới.

Ông nói, “Chính quyền Việt Nam cộng hoà là một thực thể ở miền Nam Việt Nam. Nó tồn tại trong gần 21 năm. Năm 1954 còn có một thể chế nữa gọi là Quốc gia Việt Nam. Sau đó đến 1955 thì Ngô Đình Diệm mới phế Bảo Đại để làm quốc trưởng, sau đó trưng cầu dân ý, bầu tổng thống.
…Trước đây, khi nhắc đến chính quyền Việt Nam cộng hoà, mọi người vẫn hay gọi là nguỵ quân, nguỵ quyền. Nhưng chúng tôi từ bỏ không gọi theo cách đó mà gọi là chính quyền Sài Gòn, quân đội Sài Gòn.”

Do đoạn trả lời này, rất nhiều người đã tin rằng bộ sách sử có điểm sáng, viết trung thực hơn, và từ đó hi vọng (tin rằng) chính quyền hiện tại đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực trong việc làm sử. Nhiều người cũng cho rằng đó là một động thái thừa nhận VNCH của chính quyền hiện tại trong bối cảnh cần giữ biển đảo. Có người còn lạc quan hơn khi dựa vào đó để lập luận rằng chính quyền đã chịu thừa nhận VNCH vì sự đấu tranh không ngừng nghỉ của những người tranh đấu… Nhiều tranh cãi đã diễn ra xung quanh vấn đề này. Ồn ào.

Với tinh thần phản biện phải có chứng cứ, ông anh mua sách. Tôi chưa có đủ thời gian để đọc trọn bộ 15 cuốn với hơn 10.000 trang giấy. Nhưng, lật giở những đoạn lịch sử hiện đại trong cuốn 12, thì thấy đó vẫn là lịch sử đảng mở rộng, không khác các sách tuyên truyền. Nó không phải là sách sử.

Ví dụ như sự kiện cải cách ruộng đất, sử vẫn viết đó là chính sách đúng đắn, sai lầm là do trong một thời gian ngắn phải huy động nhiều cán bộ để thực hiện nên họ chưa được quán triệt đầy đủ nên sai lầm. Sách có đề cập đến việc sửa sai nhưng không hề nêu lên con số người chết vì cái sai đó. Họ vẫn cho đó là một cải cách đúng để chia lại ruộng đất cho dân và dân phát triển từ đó. Quy địa chủ sai, sau đó sửa sai thì sách sử lại ghi là “sửa cho…không còn là địa chủ.” Cái từ “sửa cho” đó nó thể hiện sự ban ơn của kẻ nắm quyền sinh sát, và nó đi vào sách sử chính thống.

Về cuộc di dân vào Nam, họ vẫn cho đó là do “phần tử phản động đội lốt tôn giáo thực hiện kế hoạch dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam…Mỹ và tay sai cho người tung tin tuyên truyền với luận điệu ‘Chính phủ Việt Minh cấm đạo’…”

Về cải cách điền địa, chính sách người cày có ruộng ở miền Nam thì họ cho rằng đó chẳng qua là “xoá bỏ những thành quả mà cách mạng đưa lại cho nông dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp…phát triển giai cấp địa chủ phong kiến phản động ở miền Nam.”

Sách viết, “Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam, công khai chặt đầu những người yêu nước với hình thức man rợ thời trung cổ.” Mà không có số liệu cụ thể.

Sách vẫn viết “chính quyền tay sai,” không hề thừa nhận VNCH như một số người nhận định. Trích một đoạn, “Sau khi từ chối tổng tuyển cử, để cố tạo cho được một bộ mặt dân chủ và hợp hiến, ngày 4-9-1956, Ngô Đình Diệm tổ chức tuyển cử bịp bợm, phản dân chủ. Ngày 1-3-1956, trước khi bầu cử ba ngày, hãng thông tấn Mỹ U.P khi đưa tin đã nhận xét: ‘Không khí vận động tuyển cử tẻ nhạt vì tất cả ứng cử viên đều là người của ông Diệm.’ Trên cơ sở quốc hội bù nhìn này, ngày 26-10-1956, Ngô Đình Diệm đã ban hành một bản hiến pháp phản dân tộc, phản dân chủ và dựng lên cái gọi là chính thể ‘Việt Nam Cộng hoà.’ ”

Sơ lược vài trang trong một số chương trong tập 12 từ 1954-1965 ta đủ thấy họ viết sử kiểu gì. Các anh chị đọc qua vài trang tôi chụp lại từ sách để thấy họ viết sử “mới” và “tiến bộ” như thế nào. Cuối cùng, ta thấy đây chỉ là một hình thức PR để khơi gợi sự chú ý, đánh vào tâm lý mong muốn có sự đổi mới trong xã hội, mong ước sự thật lich sử được làm rõ của nhiều người dân để…bán sách.

4.800.000 đồng/ bộ. Họ đóng gói 3 cuốn vào một hộp, bọc kín, không cho tháo đọc thử vài trang trước khi mua nên người mua chỉ có thể dựa vào lời giới thiệu hay báo chí để mua mà không thể kiểm chứng. Với mục đích mai mốt có bằng chứng để chỉ cho con cháu xem có một thời nguòi ta viết sử láo toét như thế nào thì hãy mua bộ sách sử này, còn để giáo dục hay nghiên cứu thì đừng.

Thiếu dân chủ, trả giá kinh tế

0
Hòa Ái, phóng viên RFA
2017-08-25

Mạng Bloomberg.com vào ngày 24 tháng 8 có bài đề cập đến mối liên quan giữa dân chủ và kinh tế đối với Việt Nam.

Viễn ảnh kinh tế Việt Nam

Bài báo có nhan đề tiếng Anh “In Vietnam, repression threatens growth”, tạm dịch “Tại Việt Nam, sự đàn áp đe dọa tăng trưởng” của tác giả Ilaria Maria Sala, mở đầu với các số liệu đáng chú ý của kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây như tỉ lệ thất nghiệp thấp ở mức 2,3%, tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến tăng đều mỗi năm ở mức hơn 6% cho đến năm 2019, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được giải ngân đạt kỷ lục hơn 16 tỷ đô la Mỹ trong năm 2017 và nền sản xuất của quốc gia được cho là đang ‘bùng nổ’ khi nhiều công ty Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam .

Tuy nhiên, tác giả Ilaria Maria Sala nhấn mạnh vì thiếu dân chủ nên kinh tế Việt Nam phải trả giá do thể chế chính trị của nhà cầm quyền Hà Nội ngày càng hà khắc hơn trong việc gia tăng bắt bớ cùng các bản án tù nặng nề đối với giới bất đồng chính kiến và đấu tranh dân chủ trong quốc gia chỉ có một đảng cộng sản lãnh đạo.

Theo tôi, một trong những điều Đức có thể làm là đe doạ cắt giảm viện trợ Việt Nam, và có lẽ Đức sẽ lên tiếng kêu gọi các quốc gia Châu Âu khác cùng làm như vậy. Đức cũng có thể sẽ kêu gọi chấm dứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Và nghiêm trọng nhất, tôi cho đó là chấm dứt Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam
-Ký giả David Hutt

Tác giả Ilaria Maria Sala trưng dẫn hai bản án gần đây nhất, tổng cộng 19 năm tù giam và 5 năm quản chế đối với blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và nhà hoạt động Trần Thị Nga. Theo khẳng định của tác giả mặc dù chỉ trích từ quốc tế cũng có phần nào tác động đến chính quyền Hà Nội, nhưng tình trạng đàn áp đang đe dọa tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam và Đảng Cộng Sản lãnh đạo cũng nhận thấy điều này.

Trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu viên chức cấp cao của Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam, bị Đức cáo buộc Việt Nam sang bắt cóc đưa từ Berlin về Hà Nội, hồi hạ tuần tháng 7 vừa qua, là minh chứng rõ ràng nhất. Qua vụ việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh mà truyền thông Đức mô tả giống phim gián điệp thời Chiến tranh Lạnh, những ngày đầu tháng 8, Ngoại trưởng Sigmar Gabriel tuyên bố Đức đang cân nhắc các biện pháp trả đũa Việt Nam. Và giới quan sát hầu như tiên liệu Việt Nam không thể ký kết Hiệp định Tự do Thương mại với Châu Âu.

Ngay sau khi vụ việc Đức cáo buộc chính quyền Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đưa về nước xảy ra, ông Davit Hutt, cây bút chuyên về khu vực Đông Nam Á của tờ Diplomat, đưa ra lời bình luận với RFA qua email rằng vụ việc này sẽ là mối đe dọa đáng kể đối với Việt Nam. Nguyên văn trong nội dung email, ông Davit Hutt viết là:

“Theo tôi, một trong những điều Đức có thể làm là đe doạ cắt giảm viện trợ Việt Nam, và có lẽ Đức sẽ lên tiếng kêu gọi các quốc gia Châu Âu khác cùng làm như vậy. Đức cũng có thể sẽ kêu gọi chấm dứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Và nghiêm trọng nhất, tôi cho đó là chấm dứt Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam.”

Trong vòng 10 năm qua, kim ngạch thương mại Việt Nam-EU gia tăng từ 10 tỷ lên hơn 48 tỷ đô la Mỹ. Và nếu Việt Nam không thể đạt được Hiệp định Thương mại Tự do với Châu Âu thì mức GDP của Việt Nam không thể đạt được mục tiêu gia tăng 2,7%/năm.

Mất cơ hội cạnh tranh

Tác giả Ilaria Maria Sala so sánh Việt Nam với Indonesia và Philippines trong khu vực Đông Nam Á, cho rằng hai quốc gia sau có dân chủ và đây là yếu tố làm giảm bớt rủi ro trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, trong khi Việt Nam chỉ có thể có thêm nguồn vốn FDA một khi Hà Nội cởi mở hơn trong lãnh vực dân chủ. Bà này sử dụng cụm từ nói một cách khác là “Việt Nam sẽ mất cơ hội cạnh tranh khi gia tăng đàn áp”.

Trong khi đó, cựu tù nhân lương tâm-Luật sư Lê Công Định nói với RFA rằng Việt Nam còn bị mất uy tín trên trường quốc tế cả về mặt ngoại giao, đặc biệt liên quan đến cáo buộc nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền. Luật sư Lê Công Định lập luận:

Bởi vì xưa nay các quốc gia giữ một vị thế độc lập và trung lập trong việc đánh giá. Những người bất đồng chính kiến nói rằng họ bị đàn áp, bị đối xử một cách không hợp pháp bởi nhà cầm quyền. Khi lên tiếng thì các cơ quan ngoại giao nước ngoài lắng nghe. Đồng thời họ cũng lắng nghe phía Chính phủ Việt Nam giải thích về những tố cáo cho là vi phạm nhân quyền
-LS. Lê Công Định

Bởi vì xưa nay các quốc gia giữ một vị thế độc lập và trung lập trong việc đánh giá. Những người bất đồng chính kiến nói rằng họ bị đàn áp, bị đối xử một cách không hợp pháp bởi nhà cầm quyền. Khi lên tiếng thì các cơ quan ngoại giao nước ngoài lắng nghe. Đồng thời họ cũng lắng nghe phía Chính phủ Việt Nam giải thích về những tố cáo cho là vi phạm nhân quyền.”

Luật sư Lê Công Định trình bày tiếp là phía Việt Nam dĩ nhiên bao giờ cũng đưa ra những lời bào chữa cho họ và bác bỏ không có vi phạm nhân quyền. Trong khi đó các nước có một nguyên tắc về phương diện luật pháp quốc tế là không can thiệp vào chuyện nội bộ của quốc gia nào mà không có mối bang giao chặt chẽ với họ. Thường bao giờ các nước cũng giữ sự trung lập. Luật sư Định nêu ra trường hợp Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc là hiển nhiên vi phạm luật pháp một cách có hệ thống. Theo ông thì về sau tất nhiên lời biện hộ của Chính phủ Việt Nam được nhìn bằng cặp mắt nghi ngờ nhiều hơn so với quan điểm trung lập trước đây.

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận cả tác giả Ilaria Maria Sala và một số nhà quan sát tình hình Việt Nam mà Đài tiếp xúc đều có cùng nhận định các đối tác thương mại của Việt Nam sẽ đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn trong việc hợp tác nếu như Hà Nội không tuân thủ luật pháp cũng như không cho người dân được tự do ngôn luận. Ngược lại nếu Chính phủ Hà Nội cứ tiếp tục bất chấp lời cảnh báo của thế giới thì có thể kinh tế của Việt Nam sẽ bị tác động hết sức bất lợi.