Chiều chủ nhật 27/8/2017 vừa qua, người dân Đồng Tâm đã họp Hội nghị bài trừ tham nhũng, mà họ gọi là “Hội nghị Công dân” để biểu thị tinh thần quyết tâm, đồng lòng nhất trí chống bọn tham nhũng, diệt giặc nội xâm, bảo vệ đất đai và cuộc sống yên bình, cho dù có phải đổ máu hoăc hy sinh tính mạng.
Hội nghị đã kêu gọi công luận và các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài nước, lên tiếng đồng tình, ủng hộ họ trong cuộc đấu tranh này. Cuộc họp đã thu hút hàng trăm đại diện người dân thay mặt cho hơn 9.000 cư dân trong xã tham dự. Nhiều người dự Hội nghị ví đây như một “Hội nghị Diên Hồng” thu nhỏ của thời đại @ trong thế kỷ XXI ngày nay.
Hội nghị đã gửi đi 2 thông điệp: Thông điệp thứ nhất là Biên bản Hội nghị gửi các tổ chức Xã hội Dân sự trong nước, kêu gọi họ ủng hộ và đồng hành cùng bà con Đồng Tâm trong cuộc đấu tranh giữ đất, chống giặc nội xâm. Nhưng thông điệp thứ hai mới là chuyện đáng bàn. Thông điệp này là Thư của Hội nghị gửi các Sứ quán nước ngoài ở Hà Nội (Đoàn Ngoại giao) và Cơ quan đại diện các Tổ chức quốc tế ở Việt Nam, kêu gọi họ giúp đỡ cuộc đấu tranh đang diễn ra của bà con Đồng Tâm, bằng cách mời họ đóng vai trò trung gian giám sát việc thực thi bản “Cam kết 3 điểm” ngày 22/4/2017 của ông Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung với người dân Đồng Tâm.
Hai trang thư viết tay của người dân Đồng Tâm, gửi các Sứ quán nước ngoài ở Hà Nội và Cơ quan đại diện các Tổ chức quốc tế ở Việt Nam. Nguồn: tác giả Nguyễn Đăng Quang gửi tới.
Đây quả là một hiện tượng mới, một cách làm rất sáng tạo của bà con nông dân xã Đồng Tâm. Nếu tôi nhớ không nhầm, thì đây là lần đầu tiên những người nông dân Việt Nam gửi văn bản chính thức kêu gọi các Cơ quan Đại diện Ngoại giao nước ngoài và các Tổ chức Quốc tế ở Việt Nam đứng ra làm trung gian, giám sát việc thực thi các cam kết giữa những người Việt Nam với nhau, cụ thể trong trường hợp này là bản “Cam kết 3 điểm” của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội với công dân của mình.
Người dân Đồng Tâm buộc phải tiến hành bước đi này, tôi nghĩ, có lẽ là một điều bất đắc dĩ. Nếu chính quyền nghiêm chỉnh thực thi những điều đã cam kết, tôi nghĩ người dân sẽ vui lòng và chẳng ai muốn “vén áo cho người xem lưng”, càng không muốn “quốc tế hóa” một vấn đề nội bộ vốn chỉ là cam kết giải quyết tranh chấp đơn thuần giữa các bên Việt Nam với nhau. Hẳn phải có lý do và nguyên nhân sâu xa gì đó khiến họ phải cầu cứu đến sự giám sát trung lập, khách quan của quốc tế? Phải chăng những người dân yếu thế này đã cạn kiệt niềm tin, chẳng còn chút hy vọng, trông cậy nhỏ nhoi nào vào chính quyền, nên buộc họ mới làm vậy?
Cuộc sống của người dân Đồng Tâm sau biến cố 15/4/2017 đang êm ả trôi qua, bởi vụ việc đã được người đứng đầu thành phố tuyên bố khép lại. Nhưng đâu phải vậy. Cuối tháng 7/2017, UBND Tp. Hà Nội công bố một kết luận thanh tra đầy sai trái và bất nhẫn, khiến cho cuộc sống nơi đây dậy sóng. Tình hình càng trở nên bất an khi CAHN và Cục Điều tra Hình sự – Bộ Quốc phòng liên tục triệu tập hàng loạt công dân xã Đồng Tâm (trong đó có cả cụ Lê Đình Kình đang dưỡng thương và con trai là Trưởng thôn Hoành Lê Đình Công), yêu cầu họ phải bỏ công ăn việc làm, vượt quãng đường dài 50km đến trình diện CQĐT.
Việc triệu tập này cho dù có đúng luật, nhưng cách triệu tập là thiếu tình người. Nếu các CQĐT muốn thu thập thông tin, tiến hành điều tra phục vụ cho vụ án nào đó, họ hoàn toàn có thể về xã Đồng Tâm, mời các công dân này ra trụ sở UBND xã để làm việc, thực hiện công tác thu thập tin tức, điều tra chứng cứ. Người dân nói sẽ sẵn sàng hợp tác nếu CQĐT về xã Đồng Tâm làm như vậy. Thử hỏi có khôn ngoan và thành tâm không khi buộc người dân phải trình diện CQĐT khi họ chưa phải là can phạm, và đặc biệt giữa 2 bên còn đang ngờ vực nhau nặng nề?
Theo thiển nghĩ của tôi, việc bắt buộc phải làm và phải làm trước tiên, đó chính là CAHN và Cục ĐTHS-BQP phải tiến hành gặp gỡ, làm việc với toàn bộ 38 quan chức và CSCĐ – những viên chức bị người dân Đồng Tâm buộc phải bắt giữ hôm 15/4/2017 – yêu cầu tất cả họ phải viết tường trình chi tiết xem quá trình họ bị người dân Đồng Tâm bắt giữ, đối xử ra sao, để đi đến kết luận, khẳng định xem người dân Đồng Tâm đối xử với họ thế nào, có ai bị đánh đập, tra tấn dã man không, có bị bỏ đói, bỏ khát không? Việc này cần làm kỹ và làm gấp. Nếu tất cả họ đều khẳng định được người dân đối đãi tử tế, nhân hậu, thì CQĐT nên khép lại vụ án đã khởi tố hôm 13/6/2017 bằng cách tuyên bố đình chỉ vụ án, kết thúc điều tra, vì vụ việc không để lại hậu quả nghiêm trọng gì.
Theo tôi, đây là cách khép lại vụ việc nhạy cảm này một cách khôn ngoan, đồng thời mở ra một lối thoát danh dự cho mọi bên theo nguyên tắc WIN-WIN, tức các bên cùng thắng, không có bên nào thua cả. Tuyệt đối không cố chấp, vì đây là DÂN, có phải là ĐỊCH đâu? Nếu có thua, thì là thua dân, là những người sinh ra ta và đóng thuế nuôi ta, có gì đâu mà phải nhục, phải không các bạn?
Ông Nguyễn Văn Túc, cựu tù nhân lương tâm mới vừa bị an ninh điều tra tỉnh Thái Bình khởi tố và bắt tạm giam theo điều 79, cái gọi là “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Một bản tin ngắn đăng tải trên website của Công an tỉnh Thái Bình, cho biết: “Ngày 01/9/2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Túc, sinh năm 1964, đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn Cổ Dũng 1, xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân quy định tại Điều 79, Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiện vụ án đang được điều tra theo quy định của pháp luật“.
Bà Bùi Thị Rề, vợ ông Nguyễn Văn Túc, đã cho trả lời phỏng vấn đài RFA, như sau: “Khoảng 8 giờ 45 anh đi lên huyện, đang đi giữa đường thì nó vồ nó quắp lên xe đưa đi rồi, giờ không biết đưa đi đâu. Rồi là nó ập vào nhà tôi hàng mấy trăm người, có mỗi một mình tôi ở nhà thế là nó bắt tôi ngồi ở ghế, nó đọc lệnh khám nhà rồi nó đi khám xét hết nhà cửa từ sáng đến giờ, suốt một ngày nay”.
RFA đưa tin thêm, ông Túc bị bắt khi ông cùng với người em trai của ông từ huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, đang trên đường về nhà. Vợ ông nói rằng, ông là người đại diện cho dân ở xã Đông La, huyện Đông Hưng đấu tranh đòi đất ruộng, bị chính quyền địa phương thu hồi. Sáng 1/9 chính quyền huyện Đông Hưng mời ông tới để giải quyết tranh chấp đất đai, “sau khi ông rời khỏi văn phòng huyện khoảng 30 mét, ông và người em trai bị bắt. Người em trai sau đó đã được thả vào chiều cùng ngày“.
Ông Nguyễn Văn Túc là cựu tù nhân lương tâm. Ông đã bị bắt lần đầu vào ngày 10/9/2008, cùng với các ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn… vì đã treo biểu ngữ tại cầu vượt Lạch Tray, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng ngày 16/8/2008, có nội dung: “Phường Tiền Phong kiên quyết đấu tranh tiêu diệt bọn tham nhũng. Yêu cầu Chính phủ kiên quyết bảo vệ giang sơn tổ quốc. Yêu cầu ĐCSVN chấp nhận đa nguyên, đa đảng”.
Ông Túc đã bị kết án 4 năm tù, 3 năm quản chế, theo điều 88 Bộ luật Hình sự, tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Ông đã mãn hạn tù ngày 10-9-2012, nhưng vẫn phải chịu 3 năm quản chế tại địa phương.
Cục Hải sự Trung Quốc thông báo nước này tiến hành diễn tập quân sự liên tục trong 6 ngày, từ 29.8 – 4.9 tại một khu vực rộng lớn trong vùng biển VN.
Ngày 31.8, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc thông báo tiến hành diễn tập quân sự tại khu vực ngoài cửa vịnh Bắc bộ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “VN hết sức quan ngại về việc Trung Quốc công bố tiến hành diễn tập quân sự trong khu vực ngoài cửa vịnh Bắc bộ. Lập trường của VN là mọi hoạt động của nước ngoài trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của VN cần phải được thực hiện phù hợp với các quy định của luật pháp VN và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật Biển 1982. VN đề nghị Trung Quốc chấm dứt và không lặp lại các hành động làm phức tạp tình hình tại Biển Đông”.
Bà Lê Thị Thu Hằng cũng cho biết trong ngày 31.8, đại diện Bộ Ngoại giao VN đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, để nêu rõ lập trường của VN.
Trước đó, website của Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) thông báo nước này tiến hành cuộc diễn tập quân sự từ 7 giờ ngày 29.8 đến 7 giờ ngày 4.9 tại khu vực nối liền bởi 4 địa điểm có tọa độ: 17o15’ vĩ bắc/109o40’ kinh đông, 17o15’ vĩ bắc/110o40’ kinh đông, 16o20’ vĩ bắc/110o40’ kinh đông và 16o20’ vĩ bắc/109o40’ kinh đông. Ít nhất một phần khu vực có diện tích tương đương 11.000 km2 này nằm hoàn toàn trong vùng biển VN, cụ thể là vùng đặc quyền kinh tế của VN. Trong đó, vị trí 16o20’ vĩ bắc/109o40’ kinh đông chỉ cách TP.Đà Nẵng khoảng 75 hải lý về phía đông. Thông báo của MSA còn ngang nhiên cấm tàu bè đi vào khu vực rộng lớn nói trên trong thời gian diễn ra cuộc diễn tập phi pháp.
Không những thế, Trung Quốc còn thông báo tiến hành 3 cuộc tập trận bắn đạn thật phi pháp trong các ngày 31.8, 1.9 và 2.9, lần lượt tại các khu vực nằm gần các đảo Phú Lâm, Quang Hòa và Hoàng Sa ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của VN. Nếu các cuộc tập trận này diễn ra trên thực tế thì đây là sự xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền VN, đe dọa an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Vào tháng 10.2016, Trung Quốc cũng từng tiến hành cuộc tập trận 1 ngày ở tây bắc Hoàng Sa, trong khu vực nối liền bởi 4 địa điểm có tọa độ: 17o50’ vĩ bắc/109o50’ kinh đông, 17o50’ vĩ bắc/110o20’ kinh đông, 17o20’ vĩ bắc/110o20’ kinh đông và 17o20’ vĩ bắc/109o50’ kinh đông. Có thể thấy lần này khu vực tập trận đã di chuyển sâu xuống phía nam, với phạm vi mở rộng gấp 4 lần và kéo dài đến 6 ngày.
Vào tháng 7.2016, ngay trước thời điểm Tòa trọng tài thường trực tại The Hague, Hà Lan công bố phán quyết trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về cách diễn giải Công ước LHQ về luật Biển 1982 trên Biển Đông, Trung Quốc cũng đã tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn kéo dài 6 ngày ở phía đông đảo Hải Nam với phạm vi bao trùm cả quần đảo Hoàng Sa của VN.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố thêm 5 bị can là lãnh đạo của Tập đoàn dầu khí Việt Nam liên quan đến vụ ‘đại án’ OceanBank.
Ngày 31.8, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can, trong đó thực hiện bắt tạm giam 2 bị can về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), gồm Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN; Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng PVN, hiện là Phó tổng giám đốc PVN; Nguyễn Xuân Thắng và Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, nguyên Thành viên Hội đồng thành viên PVN đã có hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại 800 tỉ đồng trong việc PVN góp vốn điều lệ vào OceanBank.
Trong 5 bị can nêu trên, ngoài Nguyễn Xuân Sơn đã bị tạm giam (vì tội tham ô và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản – phóng viên), Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Ninh Văn Quỳnh và Nguyễn Xuân Thắng; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú Nguyễn Thanh Liêm và Vũ Khánh Trường. Cùng với lệnh bắt giữ, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thực hiện lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc các đối tượng nêu trên.
Hiện, Bộ Công an đang tập trung lực lượng điều tra làm rõ, mở rộng triệt để các đối tượng và đồng phạm liên quan để xử lý nghiêm trước pháp luật.
Chiếc xe nghi vấn dùng để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh Multivan VW (Volkswagen) – biển số 2AB-3140 vừa được trả lại cho ông Bùi Quang Hiếu hôm 1.9.2017
Hiện trường chiếc xe này với nhiều mảng máu loang và các vết rách xước bị nghi ngờ do vật lộn của những người đi trong chiếc xe này, đặc biệt phát hiện thêm 2 bình thuốc xịt gây mê chuyên dụng với 1 chiếc đã được dùng gần hết.
Vết máu loang trong chiếc xe
Tìm được bình xịt thuốc gây mê chuyên dụng đã được dùng
Các đố dùng do các đối tượng bỏ lại trong xe
Vết rách và xước tại ghế xe
Cửa xe vẫn còn dán băng niêm phong của Cảnh sát
Xưởng lưu giữ xe của Cảnh sát Berlin
Các dấu vết trong xe
Chiếc xe đỗ tại Công viên Tiergarten Berlin- khu vực đã xẩy ra vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh hôm 23.7
Biên bản trao trả xe từ Cảnh sát Đức cho ông Bùi Quang Hiếu hôm 1.9.2017 tại Berlin
ông Bùi Quang Hiếu trước trụ sở Cảnh sát số 1 tại Berlin hôm 1.9.2017 để chuẩn bị nhận lại xe.
( Thời báo sẽ tiếp tục đưa tin chi tiết tiếp theo)
Theo lịch thì ngày mai, ngày 2 tháng chín là ngày “quốc khánh 國慶”, tức ngày lễ lớn, vui mừng đất nước “độc lập”.
Nhưng với sức nặng “nợ công” như hiện nay (khoảng 450 tỉ đô la), mỗi người dân VN, kể cả những đứa trẻ trót sinh ra, đều mang khoảng nợ 4.500 đô la. Điều lo là số nợ này (lời mẹ sinh lời con) ngày càng lớn.
Thế hệ hiện tại, ngoài rau quả, cá mắm…, thành quả sản xuất của các chính sách “trông cây gì nuôi con gì” từ nhiều thập niên qua, thì chưa làm ra được sản phẩm công nghệ nào ra hồn. Công nhân cả nước hầu hết đều làm mướn cho tài phiệt nước ngoài.
Tình hình làm ăn như vậy thì đóng góp vào GDP quả là không bao nhiêu. Tay làm hàm nhai, tiền đâu trả nợ ?
Trong khi chi phí, chỉ tính lương hưu cho bộ sậu sĩ quan quân đội, tướng lãnh, đảng viên cộng sản về hưu, đã ngốn phần lớn ngân sách quốc gia.
Tất cả “sinh khí” của lãnh đạo Việt Cộng từ hơn 4 thập niên qua là nhờ vào các mỏ dầu khí ngoài khơi Vũng Tàu và các “quĩ đất”.
Mà hiện tại các mỏ dầu đang khai thác ngày càng cạn kiệt. Muốn mở các dầu mới phải đi ra ngoài xa, lại gặp TQ hăm dọa. Vụ giàn khoan Repsol khoan trên lô 136-03 bị dọa “mầy không rút tao đánh” vài tuần trước là thí dụ điển hình.
Còn các “quĩ đất” thì rõ ràng trở thành con dao hai lưỡi. Chính sách “làm giàu theo đường tắt” qua việc “thổi phồng” giá địa ốc thực ra đã làm cho một số nông dân, ngày trước ngày sau, trở thành triệu phú. Nhiều ông nông dân bán ruộng ôm được cục đô la tiền triệu. Việc này cũng giúp cho tầng lớp cán bộ đảng viên “có cơ hội làm giàu lớn”. Vì vậy mới có khẩu hiệu “đảng viên phải biết làm giàu”.
Vấn đề là ông nông dân, hay cán bộ đảng viên (xuất thân từ dép râu nón cối ở trong rừng), khi có cục tiền (bạc triệu đô la) trong tay, thì ngoài việc nhậu nhẹt và chơi gái cho đã đời, tới khi hết tiền. Chớ bọn họ biết cái gì mà “kinh doanh” với “làm kinh tế” ?
Rốt cục chính sách “làm giàu tắt bằng địa ốc” đã đưa đất nước vào tình trạng vật giá đắt đỏ kinh hồn. Ngoài kinh doanh bằng “vốn tự có”, qua các hình thức “thi hoa hậu”, “tuyển lựa hoa khôi”, du hí… là “thịnh”. Các thứ khác “điêu tàn”. Trong khi lương công nhân (ở các xí nghiệp nước ngoài) một tháng không đủ trả chầu nhậu.
Nhưng cuộc “vui” sắp tàn. Dầu khí đã hút cạn kiệt trong lúc giá cả trên thế giới sụt thê thảm. Còn “bong bóng” địa ốc, các đại gia chổng đít thổi, cách nào thì nó cũng phải xì.
Khi cuộc vui “tàn” thì “Quốc khánh 國慶” trở thành “Quốc khánh – 國罄”.
“Khánh罄” ở đây tĩnh từ, có nghĩa hết nhẵn. Chữ “khánh” ghép với chữ “tận” (khánh tận) có nghĩa là “không còn gì cả”.
Người ta thường nghe một đại gia bị “khánh tận”, khi đại gia này tuyên bố “phá sản”, tất cả tài sản bị “tịch biên” để trả nợ cho người ta.
“Quốc khánh-國罄” ở đây có nghĩa là một quốc gia khánh tận, không có tiền trả nợ, phá sản.
Hiện tượng báo trước về một đất nước sắp “phá sản” có nhiều, mà dấu hiệu rõ rệt nhất là sự “rã đàn” của dân tộc.
Lịch sử thế giới người ta thường thấy các phong trào di dân to lớn. Dân chúng từ vùng lãnh thổ (bất ổn) này di chuyển sang một vùng lãnh thổ khác bình yên hơn. Chỉ nói các hiện tượng gần đây nhất, những cuộc di dân lớn lao hiện nay đều đến từ các quốc gia đang sụp đổ, như Irak, Syrie, Libye… Việc này đã làm xáo trộn địa chính trị trong khu vực Châu Âu.
Người ta cũng thấy một hiện tượng di dân khác, ở mức độ nhỏ hơn, di dân về lý do kinh tế. Một vùng đất (quốc gia) trù phú luôn thu hút dân chúng ở các nơi hội tụ về đó. Nước Mỹ và các nước tiên tiến Tâu u là những thí dụ điển hình như các trung tâm trù phú thu hút di dân về lý do kinh tế. Dân chúng các nước Nam Mỹ có khuynh hướng di về phía Bắc Mỹ. Dân các khu vực Châu Phi, Đông Âu… thì có khuynh hướng di về Tây Âu (Đức, Pháp, Anh…)
Dân tộc VN không có thói quen “di dân” sang sinh sống ở một nước khác (có khác biệt về văn hóa, tiếng nói…), ngay cả lúc bị chiến tranh tàn phá hay bị nạn đói.
Trong suốt một thời kỳ lịch sử hơn 1 ngàn năm, dân tộc VN không bỏ nước đi đâu hết.
Cho đến sau 1975, dân tộc VN đã thay đổi.
Bằng nhiều phương cách khác nhau, một số đông đảo người Việt đã (thành công) bỏ nước ra ngoài sinh sống. Nếu không có rào cản từ các nước, con số người dân tình nguyện di dân sẽ vô cùng lớn.
Nguyện vọng của mọi người VN hiện nay là gì ?
Câu trả lời (chắc chắn) là được ra nước ngoài (nước Mỹ) sinh sống.
Người VN hiện nay ngày càng cảm thấy khó khăn để sinh sống trên đất nước của mình.
Đe dọa “quốc khánh” càng rõ rệt hơn, dân tộc VN sẽ phân rã nhanh hơn, nếu các nước chung quanh VN trở thành những trung tâm trù phú, thu hút di dân.
“Quốc khánh” vì vậy có hai nghĩa. Ngày đất nước mừng vui hay là ngày “quốc gia khánh tận”, phá sản.
Người dân không còn tha thiết với đất nước mình. Phải giải thể quốc gia.
Còn nhớ, hơn một năm trước, Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS đã từng cảnh báo: Sau khi 3 sân bay trên các đảo nhân tạo tại “đá Chữ Thập”, “đá Subi” và “đá Vành Khăn” được đưa vào hoạt động, quân đội Trung Quốc sẽ kiểm soát toàn bộ không phận Biển Đông. Nghiêm trọng hơn, tầm tác chiến của các máy bay từ đảo “Chữ Thập” sẽ bao trùm toàn bộ Cam Ranh, căn cứ hải quân quan trọng số 1 Việt Nam.
Đến giờ, không còn cảnh báo với nguy cơ nữa, mà súng đã nổ.
“Trung Quốc đang tập trận rầm rộ trên Biển Đông. Ít nhất một phần khu vực có diện tích tương đương 11.000 km2 nằm hoàn toàn trong vùng biển Việt Nam” (báo Thanh Niên).
Súng nổ sát nách. Khu vực gần nhất, chỉ cách Đà Nẵng 75 hải lý (bằng quãng đường bộ Đà Nẵng – Huế).
Những cuộc tập trận rầm rộ thế, không phải lần đầu. Tháng 7/2016, Trung Quốc tiến hành một cuộc tập trận đại quy mô kéo dài 6 ngày trên vùng biển phía đông đảo Hải Nam, bao trùm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Tiếp theo, tháng 10/2016, thêm một cuộc tập trận qui mô khác được tiến hành trên vùng biển tây bắc Hoàng Sa.
Không chỉ những cuộc tập trận thế. Súng đã nổ, không biết bao lần nhắm vào tàu cá Việt. Bao ngư dân Việt thiệt mạng vì đạn súng Tàu?
Súng nổ sát đít. Trong khi dân tình, những ngày này đi đâu cũng chỉ nghe, nhốn lên chuyện em chồng mụ Tiến với cái “lò” ông Trọng.
Bộ tứ, chẳng nghe ai nói gì. Ông Trọng Tổng Bí thư vẫn chúi đầu luẩn quẩn với cái “lò” củi khô củi ướt của mình. Cái cô gì đấy, phát ngôn viên Bộ Ngoai giao vẫn mãi một câu “quan ngại” đến ngái ngủ.
Bộ Quốc phòng, thì đang chúi đầu bàn cãi “quân đội có tiếp tục làm kinh tế hay không?”. Rồi dàn trận, lập án giành tranh từng khoảnh đất của dân, sục sôi từ Đồng Tâm đến Tân Sơn Nhất…
Mặt đất có thể bình yên, nhưng Biển Đông chưa bao giờ im tiếng súng. Súng đã nổ, cận kề mang tai. Trong khi than ôi, chính sách đối ngoại vẫn cứ mãi coi cái thằng đang lăm lăm chĩa súng bắn mình là “bạn tốt”. Còn những người bạn tốt, lại đang bỏ xa ta. Nước Việt, ngày càng cô độc hơn trong chiến cuộc Biển Đông.
– https://truongduynhat.org/sung-dang-no-ngoai-bien-dong/
Tấm hình được người sử dụng Internet tại Việt Nam chuyển cho nhau ghi lại hình ảnh ông Trịnh Vĩnh Bình trước Tòa Trọng Tài Quốc Tế tại Paris hôm 27 Tháng Tám. (Hình: Facebook)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ông Mai Tiến Dũng, bộ trưởng – chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ, vừa chính thức xác nhận tại cuộc họp báo chính phủ thường kỳ Tháng Tám diễn ra chiều 30 Tháng Tám, Tòa Trọng Tài Quốc Tế tại Paris đang phân xử vụ ông Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam, theo báo Thanh Niên.
Theo tường thuật của tờ Thanh Niên, ngoài việc chính thức thừa nhận chính phủ Việt Nam là bị đơn, ông Bình đòi bồi thường $1.2 tỷ, ông Mai Tiến Dũng nói thêm rằng, quan điểm của chính phủ Việt Nam là “minh bạch,” “tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam” và “tạo niềm tin.”
Ông Dũng nói thêm là nếu cơ quan hay địa phương nào vi phạm cam kết thì nhà đầu tư sẽ kiện chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên ông Dũng không đề cập đến nội dung và kết quả phân xử mà chỉ bảo rằng phải chờ.
Đây là lần đầu tiên nhà cầm quyền Việt Nam xác nhận đang là bị đơn trong vụ kiện mà chắc chắn họ sẽ thua kiện.
Theo dự trù thì Tòa Trọng Tài Quốc Tế tại Paris sẽ phân xử vụ Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam đòi bồi thường tối thiểu $1.25 tỷ từ ngày 21 Tháng Tám đến ngày 31 Tháng Tám. Cơ chế xét xử của hệ thống tòa trọng tài khác với hệ thống tòa án thông thường: Xử kín giữa các bên có liên quan, kèm nhiều ràng buộc liên quan đến việc công bố thông tin nên đến nay, người ta chưa biết nội dung phán quyết.
Tuy nhiên một số video clip và hình ảnh được chia sẻ trên Internet cho thấy, hôm 27 Tháng Tám, ông Bình với nét mặt rạng rỡ, vung cao hai tay khi bước ra khỏi trụ sở của cơ quan tài phán này.
Ông Trịnh Vĩnh Bình, 70 tuổi, cư ngụ tại Sài Gòn, vượt biên năm 1976, đến Hòa Lan định cư trong cùng năm rồi trở thành triệu phú nhờ cung cấp chả giò cho thị trường Hòa Lan, Bỉ, Anh.
Theo Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), năm 1990, ông Bình được các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở Châu Âu mời gọi về Việt Nam đầu tư. Ông Bình bán toàn bộ cơ sở thương mại, mang về Việt Nam $2.3 triệu và 96 kg vàng để đầu tư vào nhiều lĩnh vực như nuôi, chế biến, xuất cảng hải sản, trồng rừng lấy gỗ, du lịch… Trong sáu năm, tài sản của ông Bình tại Việt Nam tăng lên khoảng tám lần.
Năm 1996, ông Bình đột nhiên bị bắt với hai cáo buộc “trốn thuế” và “đưa hối lộ.” Hai năm sau, tòa án tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đưa ông Bình ra xử sơ thẩm, phạt ông Bình 13 năm tù. Ông Bình kháng cáo, Tòa Án Tối Cao đưa vụ án ra xử phúc thẩm, giảm hình phạt xuống còn 11 năm tù. Nhờ sự can thiệp của chính phủ Hòa Lan, ông Bình được tại ngoại và trước khi bị bắt để “thi hành án,” ông Bình vượt biên lần thứ hai.
Có nhiều bằng chứng cho thấy, vụ tống giam-kết tội ông Bình là sử dụng cường quyền để cưỡng đoạt tài sản cá nhân một cách trái phép, vi phạm nghiêm trọng cả luật pháp Việt Nam lẫn các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế và giới đầu tư.
Năm 2003, ông Bình nộp đơn kiện chính phủ Việt Nam ra Tòa Trọng Tài Quốc Tế, đòi bồi thường $100 triệu.
Năm 2006, chính phủ Việt Nam chủ động thương lượng với ông Bình bên ngoài phạm vi Tòa Trọng Tài Quốc Tế, cam kết bồi thường cho ông Bình $15 triệu và trả lại toàn bộ tài sản mà ông Bình đã thủ đắc hợp pháp tại Việt Nam. Truy cứu trách nhiệm hình sự một số cá nhân lạm quyền, đẩy ông Bình vào vòng lao lý và đi đến chỗ trắng tay. Theo thỏa thuận này, ông Bình rút lại đơn kiện và không tiết lộ nội dung thỏa thuận.
Tuy ông Bình đã thực hiện đúng các thỏa thuận trong phạm vi trách nhiệm của ông nhưng chính phủ Việt Nam lại bội tín thêm một lần nữa (lần đầu là bội tín vì không thực hiện đúng các cam kết khi mời gọi đầu tư).
Tháng Giêng, 2015, ông Bình kiện chính phủ Việt Nam ra Tòa Trọng Tài Quốc Tế lần thứ hai. (G.Đ)
Mời độc giả xem phóng sự “Sài Gòn ngổn ngang vì dự án metro”
Bộ Ngoại giao VN đưa tin, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng lên tiếng về việc Trung Quốc thông báo tiến hành diễn tập quân sự tại khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. “Việt Nam hết sức quan ngại về việc Trung Quốc công bố tiến hành diễn tập quân sự trong khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ… Việt Nam đề nghị Trung Quốc chấm dứt và không lặp lại các hành động làm phức tạp tình hình tại Biển Đông“.
Cuộc diễn tập này, được biết có lúc chỉ cách bờ biển Việt Nam 50 km, đã chấm dứt, chứ không phải “tiến hành diễn tập” như lời của bà Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Tựa đề bài báo của tác giả Henri Kenhmann, đăng trên East Pendulum: Sắp tròn một tháng tập trận đổ bộ ngay trước cửa ngõ Việt Nam.
Hình ảnh di chuyển của Hải quân TQ trên Vịnh Bắc Bộ từ ngày 1/8/2017, cho thấy cuộc diễn tập sát biển VN ở khu vực Móng Cái. Nguồn: Google Eart/ East Pendulum.
Báo chí trong nước không hề đưa tin về cuộc tập trận cho đến khi kết thúc, chỉ có báo “địch” là RFI đưa tin, dẫn nguồn từ trang East Pendulum, chuyên nghiên cứu về TQ. Bây giờ tin tức lộ ra, Bộ Ngoại giao CSVN đối phó bằng cách giả vờ họp báo, đưa tin “Trung Quốc thông báo tiến hành diễn tập”?
Mời xem clip Trung Quốc tập trận ở Vịnh Bắc Bộ của đài CCTV7:
Với tình hình này, TQ có đổ bộ vào lãnh thổ VN giết chết dân đi nữa, nhiều người dân trong nước cũng sẽ không hay biết gì, vì truyền thông nhà nước dường như đã nhận được lệnh án binh bất động. Bà con hãy tự lo chuẩn bị, bằng cách đọc báo hoặc nghe đài “địch”, đừng để tới khi giặc vào nhà giết chết mà không biết vì sao mình chết.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: VN quan ngại việc Trung Quốc thông báo diễn tập ngoài Vịnh Bắc Bộ. “Cũng theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong ngày 31-8, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, để nêu rõ lập trường của Việt Nam về vụ việc này“.
Chủ quyền biển đảo bị TQ xâm phạm, nhưng Bộ Ngoại giao VN chỉ dám “giao thiệp“, nghĩa là người của Bộ Ngoại giao vác mặt tới Đại sứ quán TQ “thỏ thẻ”, năn nỉ chúng nó, thay vì triệu tập người của ĐSQ Trung Quốc tới Bộ Ngoại giao VN để trao công hàm phản đối?
Vài tuần trước, khi công dân VN là ông Trần Việt Văn bị giết chết ở Philippines, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã triệu tập Đại biện Đại sứ quán Philippines ở VN đến để làm việc, nhưng đến khi VN bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, đại diện Bộ Ngoại giao VN chỉ dám vác mặt tới chỗ TQ “giao thiệp” với chúng?
Qua đó có thể nói, VN xem chủ quyền quốc gia còn thua sinh mạng của một người dân, hoặc là Bộ Ngoại giao VN thấy TQ quá to nên phải khúm núm, sợ sệt. Nhưng quý vị càng cúi xuống thì sẽ thấy TQ càng cao hơn, thể trạng thấp mà không chịu đứng thẳng, lại quỳ xuống, nhưng càng quỳ sẽ càng thấy mình thấp hơn đối phương.
Trang Nghiên cứu Quốc tế có bài dịch từ trang Hoàn Cầu Thời báo: Trung Quốc ngửa bài với ASEAN và Việt Nam? Bài viết trên trang Hoàn Cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc, ngày 30/08/2017, có tựa đề “Trung Quốc muốn một Đông Nam Á như thế nào?”
Bài viết nói về hai ý nguyện của Trung Quốc: “Không muốn Đông Nam Á có một liên minh chống Trung Quốc, đặc biệt là liên minh do Mỹ đứng đầu” và “không muốn Đông Nam Á bị chia rẽ và mất ổn định về chính trị, bởi lẽ đó sẽ là cái cớ để Mỹ can thiệp vào Đông Nam Á“.
Báo Tuổi Trẻ có bài: Đối tác Trung Quốc muốn đầu tư sân bay Long Thành là ai? Phản bác lại quan điểm của ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch tập đoàn Geleximco, cho rằng “KAIDI Dương Quang từ Trung Quốc rất có kinh nghiệm trong xây sân bay“, báo Tuổi Trẻ cho biết: “Lịch sử của KAIDI Dương Quang không thấy nhắc tới kinh nghiệm xây dựng sân bay, nhất là sân bay quốc tế lớn. Tập đoàn này chỉ chuyên các dự án nhiệt điện, và tại Trung Quốc, KAIDI Dương Quang góp mặt trong nhiều dự án nhà máy nhiệt điện“.
Báo Người Việt có bài: Hà Nội xác nhận bị ‘triệu phú chả giò’ Trịnh Vĩnh Bình kiện tại Tòa Trọng Tài Quốc tế. “Khoan nói tới chi phí bồi thường, chắc chắn là không nhỏ, chi phí mà chính phủ Việt Nam phải trả cho các hãng luật quốc tế đứng ra bảo vệ mình lần trước (từ 2003 đến 2006) và lần này chắc chắn đã rất lớn, 100 triệu công dân Việt Nam, bất kể giới tính, tuổi tác, gia cảnh sẽ chia nhau chịu toàn bộ những chi phí ấy“.
Báo VTC có bài: Cung cấp thông tin vụ Trịnh Xuân Thanh cho báo chí, Thứ trưởng Bộ Nội vụ bị kiểm tra. Bộ Nội vụ tiến hành kiểm điểm đối với Thứ trưởng Trần Anh Tuấn về hành vi “cung cấp tài liệu cho báo chí thuộc danh mục tài liệu mật”. Tài liệu mật này là Công văn của Tỉnh ủy Hậu Giang gửi Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Công Thương xin ông Trịnh Xuân Thanh về làm cán bộ tỉnh này.
Còn Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nói rằng: “Là người trong tổ chức, lúc này tôi không thể nói gì với bên ngoài. Nhưng tôi khẳng định Công văn 766 không phải là tài liệu mật và theo quy định cũng không thuộc hồ sơ bổ nhiệm. Tôi chỉ mong mọi việc được kiểm tra rõ ràng, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
Trang Thời Báo có bài: Hậu quả vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Hủy bỏ – Không tổ chức kỷ niệm Quốc khánh 2/09 tại Đức. Tác giả Lê Trung Khoa cho biết: “Trong không khí căng thẳng này, lễ Quốc khánh lần thứ 72 của Việt Nam ở Berlin bắt buộc phải hủy bỏ, vì nếu có tổ chức thì có lẽ Bộ Ngoại giao Đức, chính phủ Đức và các đoàn khách quốc tế cũng từ chối không đến dự“.
Thay vào đó, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng đã dẫn đoàn công tác sứ quán hành trình về thành phố Jena. Ông Khoa nói, có 3 điều trớ trêu trong chuyến đi này:
“Thứ nhất, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng đi đến thành phố Jena, đúng nơi Hồ Ngọc Thắng cư ngụ và làm việc. Thứ hai, ông Đoàn Xuân Hưng đến dự Hội trại Sinh viên Việt Nam, được tổ chức tại trường Đai học Friedrich-Schiller-Jena, đúng nơi Hồ Ngọc Thắng học và tốt nghiệp Luật. Và thứ ba, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng xuống thành phố Jena vào cuối tuần, đúng thời điểm Cơ quan Liên bang Đức về nhập cư và tị nạn (BAMF) sa thải Hồ Ngọc Thắng.”
BBC có bài: Đức sa thải nhân viên, trả chiếc xe ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’. Bài viết nói về vụ Văn phòng Liên bang về Nhập cư và Tỵ nạn của Đức (BAMF) chính thức sa thải Hồ Ngọc Thắng từ ngày 1/9/2017. Cũng vào ngày 1/9, chiếc xe Multivan VW được cho là đã sử dụng để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, đã được cảnh sát trả lại cho người chủ là ông Bùi Quang Hiếu ở Czech.
Báo Tuổi Trẻ có bài của nhà báo Bùi Thanh: Câu trả lời khác. Ông viết: “Bà bộ trưởng từng nói hai điều: ‘Tôi không có người thân làm lãnh đạo Công ty VN Pharma’ và ‘Tôi không từ chức như tin bịa đặt‘. Bây giờ, nếu được hỏi lại, người ta chờ bà bộ trưởng có câu trả lời khác về người em chồng phó tổng giám đốc VN Pharma và về trách nhiệm cá nhân mình”.
Trang Tin Mừng Cho Người Nghèo có bài: “Chữ trinh còn một chút này…”. Tác giả cho rằng: “‘Một sự thất tín, vạn sự không tin’, giờ thì bà Bộ Trưởng đã tự đào mồ chôn thanh danh, sự nghiệp của mình bằng sự dối trá. Chẳng còn ai muốn nghe bà nói, chẳng còn ai muốn tin việc bà làm.”
Nhà báo Đào Tuấn có bài: Tổng hợp phát ngôn kinh điển của Bộ trưởng Tiến. Những câu nói để đời của bà Tiến: “Lỗi vaccin thì xử vaccin“. Khi có người thắc mắc về bệnh viện quá tải, bà Tiến nói: “Câu hỏi này phải dành cho Nhà nước vì Bộ Y tế không thể xây nhà được và cũng không có tiền làm nhà...”
Thêm những phát ngôn ấn tượng của bà Tiến: “Tăng giá một số dịch vụ y tế là một trong những thành tựu hàng đầu“; “Vào bệnh viện Ung bướu mà thấy không khác gì trại tị nạn, đến đêm vẫn không còn một chỗ trống, người nhà bệnh nhân không còn nơi để ngủ”, “Ở địa vị chúng tôi mà có con cháu mắc sởi, không bao giờ dại cho vào đây“, “Dân ùn ùn vào viện là sẽ chết vì lây nhiễm“…
Và câu nói dối ấn tượng của bà Tiến trong vụ VN Pharma: “Trong gia đình tôi không ai tham gia công ty này cả. Đây là công ty nhỏ, tôi còn không biết nó như thế nào… Tôi khẳng định công ty này không liên quan đến người thân của tôi“.
Báo Tiền phong có bài: Đặt tên thuốc ung thư H-Capita với nghĩa “Hùng thủ lĩnh”? Một nguồn tin cho báo Tiền Phong biết rằng, nhóm làm thuốc giả của VN Pharma đặt tên thuốc “H-Capita” với nghĩa là “Hùng – thủ lĩnh”. Còn một chuyên gia dược học cho biết, “Trường hợp thuốc H- Capita còn tệ hơn, do VN Pharma tự làm giả, không theo một tên thương mại của công ty nào ở Canada cả”.
Báo VietNamNet có bài: VN Pharma: Lợi ích nhóm thao túng dịch vụ y tế. Bài viết cho rằng: “Tham nhũng trong ngành nào cũng là tội ác, nhưng tội ác đó trong ngành y tế còn đáng kinh sợ hơn, bởi nó có thể đẩy người bệnh qua ranh giới giữa sự sống và cái chết“.
Bà Ngà viết: “Rất nhiều người chửi Thi ngu… Tôi lại không thấy chúng nó ngu mà là chúng đã và đang khinh thường dân đến tột cùng… Hàng loạt quan chức phát biểu ngô nghê, ngu dốt ư? Xin thưa, chúng có ngu đâu. Ngu sao nó lãnh đạo được dân mình và vẫn đang lãnh đạo đó thôi. Chúng thể hiện sự khinh thường dân một cách cụ thể, rõ ràng, có bài bản hết cả đấy”.
Báo Pháp luật TP có bài: Đề xuất tăng thuế gây sốc: Bộ Tài chính nói gì? Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế – Bộ Tài chính vẫn bảo vệ quan điểm của mình, khẳng định: “Chỉ số lạm phát của Việt Nam đang ở mức kiểm soát, giá xăng dầu, sắt thép đang ở mức thấp. Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu và trong xu hướng chung là tái cơ cấu nguồn thu và tăng dần tỉ trọng thuế gián thu khi thuế nhập khẩu giảm mạnh. Do vậy tăng thuế VAT vào năm 2019 là thích hợp“.
Tiếng Dân có bài: Chính họ đã làm cho người dân Việt Nam ngày càng lầm than. Ngoài các quan chức chính phủ, các chuyên gia tài chính, các cố vấn kinh tế cũng đã và đang tiếp tay với chính quyền trong việc bóc lột dân, làm cho dân chúng ngày càng lầm than hơn.
Nhà báo Đào Tuấn Viết: “Đòn này rất đúng quy trình. Ho lên một tiếng cho có vẻ lấy ý kiến nhân dân. Rồi tăng, vì đây, giấy trắng mực đen đây: không có bộ ngành nào phản đối cả. Việc của nhà nước là phải thu thuế, phải nghĩ ra thuế để mà thu, phải bằng mọi cách tăng thuế. Nhưng hãy thử xem nhé: 7-8 ngàn bảo vệ môi trường trong xăng, thật ra chỉ là cái cớ để có tiền tiêu. Và giờ tăng VAT cho phù hợp với ‘thông lệ quốc tế’!”
Báo Pháp luật TP có bài: Đường tránh Cai Lậy: Mới thông xe đã hỏng khắp nơi. Dù mới chính thức thu phí từ ngày 1-8 và chưa nghiệm thu nhưng đường tránh Cai Lậy, Tiền Giang được đầu tư 1.000 tỉ đồng đã “có dấu hiệu trồi, sụt do bị lún và nhiều ổ gà, cầu bị mất ốc vít…”
Zing có bài: Góc khuất sau những hành động lạ đời tại trạm BOT. Báo dẫn lời Đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu cho biết: “Nguyên tắc tối cao của BOT là sự lựa chọn. Phải tôn trọng nguyên tắc này chứ không thể bắt người dân phải đi vào đường BOT được nữa”.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: “Phần lớn dự án BOT giao thông gây bức xúc hiện nay đều do vị trí đặt trạm thu phí không hợp lý, thậm chí là sai“.
Trong khi TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright nói: “Hãy cho kiểm toán hoặc các nhà phân tích độc lập được tiếp cận thông tin để tính toán và thẩm định, đánh giá từng dự án. Cần công khai thông tin để mọi người biết“.
BBC có bài của tác giả Nguyễn Quang Duy: Độc quyền BOT, ‘sự cố’ Cai Lậy và bất ổn thể chế. Theo tác giả, con số nợ công 431 tỷ đôla của Việt Nam là chưa tính đến các khoản nợ BOT khổng lồ “lên đến 85-90% nguồn vốn đầu tư cho các dự án BOT không phải là vốn tự có của doanh nghiệp đầu tư mà là vay mượn từ ngân hàng“. Và các “khoản nợ tiềm ẩn như nợ BOT, nợ nếu thua kiện ông Trịnh Vĩnh Bình…” thì con số sẽ nhiều lần cao hơn.
Tác giả cho rằng: “Khi người dân nhận thức đang phải trả những khoản nợ ngập đầu vì sự yếu kém đầy tham nhũng của guồng máy độc quyền đảng trị thì phản kháng bất tuân dân sự sẽ liên tục nổ ra. Khi chính quyền vỡ nợ là lúc nhà nước cần được thay bằng một chính thể dân chủ, công khai và minh bạch. Chỉ có như thế mới cứu vãn được tình trạng bế tắc của nền kinh tế Việt Nam“.
Báo Người Lao Động có bài: Ô tô diễu hành phản đối trạm thu phí BOT Bờ Đậu, Thái Nguyên. Ông Đào Thế Hưng, Trưởng Công an huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, cho biết, “đoàn xe diễu hành trong trật tự, không gây cản trở giao thông“.
Mời độc giả xem video clip của Facebooker Hiệp Phò Mã:
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn nhận xét về video clip trên: “Sự xuất hiện của các sắc áo an ninh chính trị cố gắng ngăn cuộc diễu hành phản đối BOT của cánh tài xế ở Thái Nguyên… chỉ khiến cho danh sách những người bị coi là thế lực thù địch dài ra thêm mà thôi, đồng nghĩa với bộ máy an ninh lại phải phình to, vừa tiêu tốn ngân sách vừa khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh của xã hội tiếp tục bị xáo trộn vì bộ máy an ninh sau khi phình to phải tìm cách tự nuôi sống nó; mà sản xuất kinh doanh bị đình trệ không phát triển thì chính quyền lấy gì mà thu để nuôi bộ máy an ninh đó?”
Báo Dân Trí có bài: Sẽ sớm công bố về khối tài sản của Giám đốc Sở TN-MT Yên Bái. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: Thanh tra Chính phủ đang tiến hành thanh tra. Đến nay thời hạn kết luận thanh tra đã quá hạn nhưng… “Thanh tra Chính phủ đang trong quá trình hoàn thiện kết luận“.
Ông Dũng không đưa ra thời hạn cụ thể như những lần hứa lèo của cục trưởng Cục chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt, mà khéo hơn: “Sẽ công bố sớm về khối tài sản thế nào, kê khai thế nào,… Tất cả các vấn đề sẽ được công bố sớm”.
Vụ tàu vỏ thép: dọa kiện Trung tâm Đăng kiểm tàu cá
Báo Tiền Phong có bài: Mới nhất vụ doanh nghiệp dọa kiện Trung tâm Đăng kiểm tàu cá. Ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá cho biết: “Do ông Thục nghĩ là đăng kiểm viên đã lấy mẫu thép đi kiểm định, nên mới phải chịu trách nhiệm về kết quả đó, vì thế mới đòi kiện Trung tâm”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: “Quan điểm của Bộ NN&PTNT là sớm phải sửa chữa tàu cho ngư dân và nếu trong quá trình sửa, ngư dân chưa ra khơi được, cơ sở đóng tàu phải chịu trách nhiệm bồi thường phần thiệt hại cho ngư dân do tàu nằm bờ”.
Trong khi các ông đang “nêu quan điểm” hoặc đổ lỗi cho nhau, thì ngư dân vẫn phải nằm bờ, è cổ trả lãi ngân hàng.
LS Hà Huy Sơn cho biết: “Sáng 31/8/2017, Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử vụ cố ý gây thương tích, bị hại là em Đỗ Đăng Dư, Chương Mỹ, Hà Nội lại bị hoãn (lần thứ 6). Vì vắng bị cáo, người làm chứng, người liên quan, người giám định“.
LS Ngô Ngọc Trai đưa tin: “Các luật sư chúng tôi bảo vệ cho gia đình Đỗ Đăng Dư hôm nay. Thật kỳ lạ tòa án lại không trích xuất được bị cáo. Thật khó hiểu và khó chấp nhận cho lối làm việc của nền tư pháp.”
LS Lê Văn Luân viết: “Sau khi hoãn phiên toà lần thứ 5 cách đây gần hai tháng, tôi đã có văn bản đề nghị triệu tập những người tham gia tố tụng và nếu họ không đến thì tòa có thể áp dụng biện pháp dẫn giải đến phiên xử. Tôi đã dự tính trước một tháng trước ngày mở phiên toà lần này để làm sao toà có đủ thời gian triệu tập cũng như trích xuất những người đó, nhưng tại phiên toà hôm nay, vắng mặt tất cả những người cần thiết và quan trọng trong vụ án, gồm bị cáo, một nhân chứng cùng buồng bị cáo, giám định viên và những quản giáo của trại tạm giam có liên quan“.
Ông Hải bình luận: “Vụ án xử Nguyễn Mai Trung Tuấn được coi là một vết đen trong lịch sử tư pháp Việt nam, ít nhất trong khía cạnh bảo đảm những quyền của trẻ em. Hy vọng Nguyễn Mai Trung Tuấn sẽ đi học trở lại, giúp ích được nhiều cho gia đình có nhiều khốn khổ của em!”
Mời xem lại clip trả lời phỏng vấn của Nguyễn Mai Trung Tuấn hơn 2 năm trước:
RFA đưa tin: Tù chính trị Lê Thanh Tùng bị chuyển trại đột ngột. “Tù nhân chính trị Lê Thanh Tùng bị chuyển đi khỏi trại giam Ba Sao, tỉnh Hà Nam đến Trại 5, Yên Định, Thanh Hóa hơn cả tháng nhưng thân nhân không hề được thông báo“.
Nhà hoạt động Lê Văn Sơn có bài: Tuổi 50 Và Hy Vọng Cho Tổ Quốc. “Vừa tròn một tháng trôi qua, ngày đen tối 30 tháng Bảy năm 2017, những người anh lớn trong độ tuổi 50 bị nhà cầm quyền cộng sản bắt bớ và giam cầm theo cái điều gọi là ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’. Anh Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội…”
Nhà văn Nguyễn Đình Bổn nhận xét: Lịch sử đang ghi nhận. Ý nghĩ đầu tiên của ông là, “mạng xã hội đang liên thông cùng một số báo tấn công khắp bốn mặt vào cơ chế điều hành đã rệu rã của thể chế. Từ vụ Kim Tiến đến những phát ngôn ngu xuẩn của quan chức cao cấp về thuốc giả, đến thuế phí, BOT, thuế giá trị gia tăng…”
Còn “ý nghĩ thứ 2 là có lẽ báo chí đang được bật đèn xanh vì sống trong xã hội này riết, không ít thì nhiều cũng dính ‘thuyết âm mưu’. Ý nghĩ thứ 3 lạc quan hơn, đó là sự tỉnh thức của lương tri với những ai còn chút lương tri như giới nhà báo. Họ sẽ liên minh, tháo dần cái vòng kim cô chỉ đạo, dù có thể sẽ phải mất chức, mất việc“.
Bê bối tại Đại Sứ quán Việt Nam ở Malaysia
Facebooker Xuan Vương Nghiem cho biết: Mặc dù công dân Đinh Thị Hương đã có đầy đủ giấy tờ hợp pháp để đăng ký kêt hôn, nhưng sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã gửi công văn tới cơ quan đăng ký kết hôn của Malaysia “ngăn cản việc đăng ký kết hôn hợp pháp của công dân” vì lý do “đăng thông tin lên mạng xã hội“.
Sự việc này đã bị công dân kiện, hiện hồ sơ vụ kiện đã được gửi về Toàn án Nhân dân Thành phố Hà nội: “Vụ kiện lần này đã đánh dấu một bước chuyển mình đáng kể trong cuộc đấu tranh với nạn lạm thu phí lãnh sự cùng với nạn sách nhiễu, cửa quyền, lạm quyền của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam khi can thiệp vào quyền kết hôn hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài“.
Việc một công dân Việt Nam ở nước ngoài kiện cán bộ Lãnh sự Việt Nam tại toà án hành chính Việt Nam được coi là “lần đầu tiên xẩy ra trong lịch sử tư pháp của nước Việt Nam“.
Báo Người Việt có bài: Những vấn nạn khiến Sài Gòn tụt hậu. Tác giả nói về vấn nạn kẹt xe, vấn nạn ngập lụt, làm cho Sài Gòn tụt hậu. “Tân bí thư Sài Gòn, kêu gọi ‘giải gấp’ bài toán kẹt xe ở Sài Gòn, vì chỉ có hết kẹt xe mới đưa Sài Gòn phát triển được“.
Việc lấn chiếm san lấp kênh rạch tự nhiên, cùng với việc thiếu tiền xây dựng cơ sở hạ tầng khiến Sài Gòn luôn trong tình trạng ngập “mọi lúc,” “mọi nơi”… (Hình: Văn Lang)
Tin quốc tế
Khủng hoảng Bắc Hàn
Hôm 22/8, ông Trump phát biểu ở Arizona: “Kim Jong-un, tôi tôn trọng thực tế là, tôi tin rằng anh ta đang bắt đầu tôn trọng chúng ta. Tôi tôn trọng thực tế đó rất nhiều. Tôn trọng thực tế đó“. Chưa đầy tuần sau, Kim Jong-un bắn tên lửa bay qua bầu trời của Nhật, làm các nước xung quanh phát hoảng.
VOA có bài: Máy bay Mỹ, Nhật, Hàn vần vũ trên bán đảo Triều Tiên. Dẫn nguồn từ Reuters, đưa tin về máy bay siêu thanh B-1B và chiến đấu cơ tàng hình F-35B của Mỹ, cùng các chiến đấu cơ của Nhật và Nam Hàn đã bay trên bán đảo Triều Tiên ngày 31/8, đáp trả lại vụ Bắc Hàn phóng tên lửa đạn đạo tầm trung ngày 29/8
Các phi cơ Mỹ và Nam Hàn cùng tập trận. Ảnh: AP
VOA có bài: Người Việt ở Guam trước mối đe dọa từ Kim Jong Un. Bà Jennifer Ada Mai Anh, một doanh nhân ở Guam, nói: “Tôi có đi thăm hỏi một vài người Việt trong cộng đồng trên đảo Guam phần đông rất an tâm, không sợ hãi. Nhường như người Việt từng trải qua thời gian chiến tranh họ cũng hiểu biết và không lo lắng nhiều. Họ vẫn sống bình thường. Cộng đồng Việt Nam và các cộng đồng khác trên đảo Guam vẫn làm việc, đi học như thường lệ. Không có gì quá sợ hãi”.
RFI đưa tin: Tập đoàn Trump từng gởi thư cho Kremlin xin tham gia dự án cao ốc ở Nga. “Những nghi ngờ về mối liên hệ giữa những người thân cận của Donald Trump với Nga nay có thêm chi tiết mới. Theo báo chí Mỹ, tập đoàn bất động sản Trump từng gởi thư điện tử cho điện Kremlin về một dự án xây tháp Trump tại Matxcơva“.
VOA có bài: Mỹ trả đũa, đóng cửa tòa lãnh sự Nga. Đáp trả lại chuyện Moscow cắt giảm nhân viên ngoại giao của Mỹ tại Nga, Mỹ yêu cầu Nga đóng cửa tòa lãnh sự ở San Francisco và các cao ốc thuộc phái bộ thương mại của Nga ở Washington và New York, hạn chót ngày 2/9.
Trước đó, ngày 30/8, ông Anatoly Antonov, tân đại sứ Nga tại Mỹ kêu gọi nối lại liên lạc giữa các lãnh đạo quân sự và chính sách ngoại giao của hai nước. Các mối liên lạc quân sự giữa Moscow với Washington đã bị đóng băng kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014.
“Báo chí chính thức đưa lại bản tin của Tân Hoa Xã… khẳng định trên 2.300 đại biểu ‘sẽ áp dụng tinh thần các bài diễn văn quan trọng của tổng bí thư Tập Cận Bình, cũng như các luận thuyết, tư tưởng, chiến lược mới của Trung ương Đảng’.”
AP đưa tin, Trung Quốc đang tìm cách bắt tỉ phú Quách Văn Quý về tội hiếp dâm. Tỉ phú Trung Quốc Quách Văn Quý, 50 tuổi, bỏ trốn khỏi Trung Quốc từ năm 2015, hiện đang sống ở New York, Mỹ. Các viên chức điều tra vụ này nói rằng, cảnh sát đang yêu cầu Interpol ra lệnh bắt ông Quý về tội hiếp dâm cô thư ký riêng 28 tuổi của ông ta trước đây.
RFA đưa tin: Interpol ra lệnh bắt tỉ phú Trung Quốc, Quách Văn Quý. Ông Quý thường đe dọa các quan chức TQ là ông sẽ công bố các bí mật về họ, ông từng bị Trung Quốc điều tra các cáo buộc khác nhau như tội hối lộ, bắt cóc, rửa tiền… và bây giờ là tội hiếp dâm.
Nợ công là gì? Vì sao chính phủ mắc nợ công? Dân trả nợ công như thế nào? Đó là những vấn đề mà bài viết này đề cập tới.
Trước hết, chúng ta cần phải biết, nợ công là gì? Theo Wikipedia: “Nợ chính phủ, còn gọi là Nợ công hoặc Nợ quốc gia, là tổng giá trị các khoản tiền mà chính phủ thuộc mọi cấp từ trung ương đến địa phương đi vay. Việc đi vay này là nhằm tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách, nên nói cách khác, nợ chính phủ là thâm hụt ngân sách lũy kế đến một thời điểm nào đó“.
Một báo cáo gần đây của HSBC, một tổ chức tài chính và ngân hàng lớn nhất thế giới, cho thấy, vấn đề nợ công của Chính phủ Việt Nam ngày càng trầm trọng hơn do lạm phát chậm lại (ảnh hưởng đến GDP danh nghĩa) và đồng tiền Việt Nam mất giá (làm tăng giá trị nợ nước ngoài). Dự báo tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam sẽ tăng lên 64,5% GDP trong năm 2016, đạt ngưỡng giới hạn của Quốc hội đề ra 65% trong 2017. Ước tính đến nay, chính phủ VN mắc nợ công khoảng 126,9 tỷ USD chia bình quân mỗi người dân từ khi lọt lòng đến khi sắp về với ông bà là khoảng 29.000.000đ!
Tại sao nợ công ngày càng tăng?
Câu trả lời là, do chính phủ điều hành yếu kém, cộng với nạn tham nhũng mà ra! Này nhé, chẳng hạn, chính phủ vay vốn ODA về làm các dự án nhưng khi giao về các địa phương, các quan chức xà xẻo bằng cách mua công nghệ rẻ để hưởng tiền hoa hồng cao hoặc cho nhận thầu thấp, làm dối để hưởng tiền “lại quả” lớn. Hệ quả là các nhà máy đóng cửa sau khi hoạt động chỉ một thời gian ngắn do không tạo ra được lợi nhuận, bị lỗ nặng. Các công trình xây dựng đường sá, cầu cống hư hỏng phải sửa chữa chắp vá làm tốn kém nhiều lần, đó là nguyên nhân của nợ công.
Minh chứng về việc điều hành yếu kém của chính phủ dẫn đến tài sản quốc gia bị thất thoát, đó là các “đại dự án” có thể kể đến là Nhà máy Đạm Ninh Bình lỗ 2.313 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ lỗ 1400 tỷ đồng, Gang thép Thái Nguyên lỗ 8000 tỷ đồng, Đạm Hà Bắc lỗ 1700 tỷ đồng, Đạm Hải Phòng lỗ 1000 tỷ đồng….
Nợ công chính phủ như nói trên, hiện đã vượt trần khoảng 126,9 tỷ USD. Vừa rồi nghe nói ông Trịnh Vĩnh Bình, một Việt kiều ở Hà Lan thắng kiện Chính phủ VN (do chính phủ không giữ cam kết trả tài sản đã tịch thu vô cớ của ông), tòa án ICC buộc chính phủ trả cho ông Bình, nếu phải trả khoảng 1 tỷ USD, sẽ đóng góp thêm vào số nợ công đã vượt trần của nước ta.
Với số nợ công lớn như đã nói trên, chính phủ đề ra giải pháp trả nợ công như thế nào? Chính quyền có cho lực lượng đi từng nhà để thu trả nợ cho nước ngoài không?
Chắc chắn là chính quyền không bao giờ đi thu từng nhà, nên người dân cứ tưởng mình vô can. Tuy nhiên, từng người dân không thể đứng ngoài cuộc với số nợ công đó. Nếu quan sát chúng ta sẽ thấy, chính phủ sẽ thu thêm của dân qua các kênh như thu hồi đất nông nghiệp, lập dự án để bán đất đai, tài nguyên, bán lao động ra nước ngoài mà người ta gọi là “xuất khẩu lao động”, đặc biệt hơn cả là thu qua thuế và phí.
Theo thống kê báo chí, ngoài việc bán tài nguyên, bán đất đai, bán lao động… chính phủ CSVN đang thu 432 loại thuế và phí từ người dân! Hiếm có một dịch vụ nào từ phía chính quyền mà được miễn phí. Này nhé, dân phải trả tiền từ việc trẻ con đi học, đi khám chữa bệnh, tham gia giao thông, vui chơi giải trí, giao dịch hành chính cho đến một rừng thuế, thường xuyên nhất vẫn là thu thuế VAT. Vừa qua, để bù vào số tiền thâm thủng ngân sách do nợ công ngày càng tăng, chính phủ đề nghị tăng thuế VAT lên 12%, thu phí môi trường 8000 đồng/lít xăng, bắt đầu thực hiện từ tháng 01/2018.
Do thu thuế cao nên hàng hóa sản xuất nội địa có sức cạnh tranh kém so với các mặt hàng ngoại nhập cùng sản phẩm và chủng loại. Đơn cử, giá bán ra một chiếc Ablade sản xuất tại Vĩnh Phúc – VN là 42 triệu đồng, trong khi cũng chiếc xe đó, đem bán ở Thailand ước khoảng 32 triệu đồng. Thử hỏi số tiền chênh lệch 10 triệu đồng/ xe máy do đâu? Chắc chắn là do thuế và phí.
Một đơn cử khác, xăng nhập từ Singapore giá khoảng 9000đ/ lít, đem về Việt Nam bán ra khoảng 18000đ, giá chênh lệch khoảng 9000đ/ lít, sang năm 2018 tăng giá lên 25.000đ/ lít thì làm sao hàng hóa sản xuất trong nước đủ sức cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài? Bình luận vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng với đà này thì “hàng hóa VN thua ngay trên sân nhà”.
Tóm lại, chính phủ thu thuế VAT từ cái kim, sợi chỉ trở đi để có ngân sách trả nợ, tuy nhiên “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, cho nên thu thuế không đủ chi, buộc ngân hàng nhà nước phải in thêm tiền, nạn lạm phát gia tăng, dân đóng thuế cho ngân sách như “nước đổ hang chuột” chẳng biết bao nhiêu cho vừa, làm cho mức sống của người dân ngày càng nghèo hơn.
Ngoài ra, việc tập trung trả nợ nước ngoài ảnh hưởng đến việc trả lương cho người lao động thấp nên họ không mặn mà làm việc trong các cơ quan nhà nước, một phần do môi trường làm việc bí bách lại thu nhập kém hấp dẫn… nạn chảy máu chất xám ngày càng gia tăng, cộng với nạn “con ông cháu cha” lộng hành, tạo phe nhóm lợi ích, làm cho đất nước ngày càng tụt hậu.
Còn nhiều vấn đề xã hội nhức nhối, bức xúc nhưng chỉ xin đơn cử một mảng nhỏ thực trạng nợ công để chúng ta thấy viễn cảnh đất nước. Vậy nên, nếu đất nước này còn tập trung quyền lực vào tay một số kẻ cơ hội do đảng CS cầm quyền thì nguy cơ bị vỡ nợ không còn xa.
Biết rõ điều đó để chúng ta cùng chung tay xóa bỏ những bất cập, cùng nhau lên tiếng đòi hỏi chính phủ chi tiêu minh bạch hơn, tiết kiệm những đồng tiền thuế của dân nghèo kiếm được, bằng mô hôi, nước mắt và đôi khi còn thấm đẫm máu xương của dân lành.