Trần Đại Quang đang ở đâu?

    0
    603
    Ông Trần Đại Quang.
    Người Việt
    Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp chủ tịch nước CSVN Trần Đại Quang ngày 29/6/2017. (Hình: Getty Images)

    HÀ NỘI (NV) – Ông chủ tịch nước Trần Đại Quang bây giờ đang ở đâu? Thắc mắc về tung tích của ông chủ tịch nước CSVN thường có cái bản mặt khó đăm đăm không có câu trả lời hơn hai tuần qua.

    Hôm Thứ Hai, 14 Tháng Tám 2017, Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) đưa tin ông chủ tịch nước Trần Đại Quang đã “gửi điện mừng tới Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In” nhân dịp “kỷ niệm lần thứ 72 ngày Quốc khánh Đại Hàn Dân Quốc (15/8/1945-15/8/2017)”. Cùng với điện văn của ông Trần Đại Quang, còn có điện văn của các ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc hội, ông phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, gửi các người đồng cấp của Đại Hàn để chúc mừng quốc khánh nước bạn.

    Đây là thủ tục thường lệ của quan hệ ngoại giao với các nước khác mà bộ phận trực thuộc lo về hiếu hỉ phải lo làm, các ông chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội, bộ trưởng ngoại giao chỉ là người đứng tên trên lời chúc tụng. Nó không có nghĩa là ông chủ tịch nước làm việc đó, ra lệnh làm việc đó.

    Vậy, sự thắc mắc, tò mò của dư luận về tung tích của ông chủ tịch nước Trần Đại Quang giữa nhiều tin đồn khác nhau vẫn còn nguyên.

    Tuần trước, ngày 10 Tháng Tám 2017, nhà báo độc lập Huy Đức đưa trên trang facebook cá nhân Trương Huy San tin ông Trần Đại Quang, một trong “Tứ Trụ Triều Đình” của đảng CSVN, đã phải sang Nhật chữa bệnh và ‘từ tối 25 Tháng Bảy, 2017.’

    Huy Ðức nói rằng ‘Sự vắng mặt của ông ở trong nước suốt hơn hai tuần qua đã tạo ra một khoảng trống cho các lời đồn đoán.”

    Ba ngày trước cái tin ông Trần Đại Quang bí mật sang Nhật chữa bệnh, đã thấy một bài viết trên trang mạng Bauxit Vietnam của tác giả Bùi Quang Vơm với tựa đề “Chuyện lạ của ông Quang” khi mà “Bầu không khí chính trị cả nước căng như dây đàn, nhưng ông Trần Đại Quang không thấy xuất hiện ở bất cứ đâu.”

    Trên trang mạng TTXVN, bản tin về kỷ niệm “Ngày thương binh liệt sĩ” năm ngoái, thấy có tấm hình ông Trần Đại Quang đứng chụp hình chung với một số người tại “Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng” ngày 27 Tháng Bảy 2016. Nhưng năm nay, không thấy ông đâu.

    Theo tác giả Bùi Quang Vơm, “Mặc dù nhân dịp ngày thương binh liệt sĩ, ông có viết một bài rất dài có tưa đề là «uống nước nhớ nguồn». Bài viết này ông gửi đăng trên báo Vietnamnet ngày 24 Tháng Bảy, nhưng có một điều gây nhiều thắc mắc là tất cả các hoạt động kỷ niệm được tổ chức ngày 27 Tháng Bảy, không thấy có mặt ông.’

    Báo chí trong nước tường thuật: “Sáng ngày 27-7, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017)’.

    Tấm hình của VTV chụp ngày 21/12/2016 khi ông Trần đại Quang đứng chụp với thùng tiền quyên góp giúp nạn nhân bão lũ. (Hình: VTV)

    Trong khi có mặt đầy đủ các lãnh đạo đương nhiệm lẫn mãn nhiệm, người ta không tìm thấy ông Quang. Trong đoàn lãnh đạo nhà nước thắp hương tại Đài tưởng niệm Liệt sĩ, chỉ thấy Ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Xuân Phúc, không thấy mặt Chủ tịch nước. Dẫn đầu đoàn cán bộ chủ chốt của nhà nước vào lăng viếng Hồ Chủ tịch, chỉ thấy có ông Trọng và ông Phúc, không thấy ông Quang trong đoàn người theo sau.

    Ngày 7 Tháng Tám 2017, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) có bản tin “Văn phòng Chủ tịch nước quyên góp ủng hộ đồng bào vùng lũ” không có hình ảnh ông Quang nhưng bản tin về quyên góp này tại văn phòng thủ tướng thì thấy mặt ông Nguyễn Xuân Phúc.

    Có lẽ những hình ảnh đáng tin cậy nhất về tông tích ông Trần Đại Quang gần nhất được hãng thông tấn AFP đưa ra khi ông ta thăm Nga cuối Tháng 6. Ông Quang đã gặp tổng thống Nga Vladimir Putin và nhiều hình ảnh của cuộc gặp mặt này phổ biến trên trang hình ảnh thời sự thế giới của AFP.

    Tác giả Bùi Quang Vơm nêu ra một số nghi vấn về vai trò của ông Trần Đại Quang thời gian còn là bộ trưởng Công an khi có các “phi vụ” tham nhũng khổng lồ từ bán dầu khai lậu (mà Trịnh Xuân Thanh từng tố cáo trên mạng). Cũng “Chính vì vậy mà tin Trịnh Thanh Xuân bị bắt và đưa về ngày 23/07/2017 đã khiến Trần Đại Quang tự biết không còn lối thoát. Cách đây một tuần đã có tin đồn Trần Đại Quang cùng bị quản thúc tại gia giống như Đinh La Thăng. Tin đồn này khớp với sự vắng mặt từ ngay 26/07 cho tới nay”.

    Blogger Người Buôn Gió thì viết rằng “Những lãnh đạo bị bệnh tình đột ngột khó hiểu như Trần Đại Quang, Đinh Thế Huynh đều là bệnh do thanh trừng nhau, hạ độc thủ mà ra, không phải bệnh lý tự nhiên mang đến”.

    Sự vắng mặt bất thường của những nhân vật chóp bu của chế độ luôn luôn bị bưng bít dù là bệnh tật cần phải điều trị dài ngày. Khi buộc phải loan báo đưa người khác tạm thay thế như trường hợp ông Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, phải kiêm nhiệm luôn chức vụ “Thường trực Ban bí thư” của Trung ương đảng CSVN cho ông Đinh Thế Huynh nghỉ bệnh, là ít thấy. Ông Huynh bệnh gì, chữa ở đâu, hy vọng bao giờ khỏi, không nói.

    Rất nhiều chuyện bí mật cung đình của ‘triều đình đỏ’ tại Hà Nội, người ta thường chỉ được biết tin nhờ những rò rỉ “ngoài luồng”. Hoặc các phe cánh chơi nhau khi lập những trang mạng ảo để tung các tài liệu thật nhằm hại phe địch đang tranh ghế với mình, thì thiên hạ mới biết.

    Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng chẳng phải là một nhân vật trong sạch gì. Bẩn từ lý lịch cá nhân đến bẩn về tiền bạc. Khai gian năm sinh từ 1950 xuống thành 1956 cho ít hơn 6 tuổi để ‘đủ tiêu chuẩn’ lọt vào Bộ Chính Trị.

    Cuối năm 2013 khi bị lôi ra tòa về tội tham nhũng tại Vinalines, Dương Chí Dũng đã khai đưa cho một “anh cấp trên” qua tướng thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ số tiền $1.5 triệu nhờ bao che. Tướng Ngọ chết ít lâu sau đó, không còn ai đối chứng, còn Dương Chí Dũng chờ bị hành hình trong tù.

    Từ tin đồn đi ngoại quốc chữa bệnh đến bị quản thúc, phe cánh chơi nhau, chỉ cần cho VTV đưa clip ông Trần Đại Quang đến dự một cái gì đó, giải tỏa được nhiều thứ nhưng người ta vẫn thấy chế độ Hà Nội nín lặng.

    Mời độc giả xem phóng sự “Mưu sinh về đêm của người nghèo Sài Gòn”

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here