Tôn giáo tháng 1/2022: Ban Tôn giáo Chính phủ có trưởng ban mới, vẫn là một cán bộ công an

    0
    57
    Ông Vũ Hoài Bắc khi còn giữ chức giám đốc tại Công an tỉnh Trà Vinh vào tháng 10/2021. Ảnh: Báo Trà Vinh.

    LUẬT KHOA

    Tình hình tôn giáo đầu năm mới: tin vui, tin buồn, và những định hướng kiểm soát cũ.

    Thái Thanh19 Feb 2022

    [Bàn tay chính quyền]

    Trưởng ban mới của Ban Tôn giáo Chính phủ là một đại tá công an

    Vào tháng 1/2022, Ban Tôn giáo Chính phủ đã cập nhật thông tin về vị trưởng ban mới trên trang web của cơ quan này. Theo đó, ông Vũ Hoài Bắc, 46 tuổi, một đại tá công an, sẽ lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ từ năm 2022. [1]

    Thông tin bổ nhiệm vị trưởng ban không được Bộ Nội vụ cũng như Ban Tôn giáo Chính phủ thông báo chính thức, các tờ báo lớn trong nước cũng không đưa tin.

    Báo Giác ngộ, một tờ báo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, là tờ báo hiếm hoi đưa tin này nhưng lại không nêu cụ thể các chức vụ mà ông Vũ Hoài Bắc từng đảm nhận. [2]

    Theo báo Công an Nhân dân, vào tháng 10/2021, ông Vũ Hoài Bắc được bổ nhiệm làm cục trưởng của Cục An ninh Điều tra thuộc Bộ Công an. [3] Trước đó, ông Bắc là giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh từ tháng 3/2020. Ông Bắc có 10 năm làm việc ở Cục An ninh Kinh tế và Cục An ninh Nội địa (A02). A02 là cơ quan chống phản động của Bộ Công an, có các nhiệm vụ bao gồm đảm bảo an ninh về tôn giáo, dân tộc thiểu số và chống khủng bố. [4]

    Cũng theo báo Công an Nhân dân, ông Bắc có 30 năm được đào tạo và công tác trong ngành Công an, đặc biệt ở lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia.

    Ban Tôn giáo Chính phủ là cơ quan trực thuộc Bộ Nội vụ. Cơ quan này thực hiện quản lý nhà nước về các hoạt động tôn giáo. Tuy nhiên, nhiều năm qua, người lãnh đạo cơ quan này thường là các cán bộ an ninh cấp cao.

    Hai người tiền nhiệm của ông Vũ Hoài Bắc cũng là cán bộ công an cấp cao. Thiếu tướng Vũ Chiến Thắng, hiện nay là Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đã giữ chức trưởng ban Ban Tôn giáo từ năm 2017. [5] Trước đó, Trung tướng Phạm Dũng đảm nhận vị trí này từ năm 2012. [6]

    Ngoài ông Vũ Hoài Bắc, ông Nguyễn Tiến Trọng, được bổ nhiệm vị trí phó trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ từ tháng 2/2021, cũng là một đại tá công an thuộc Cục An ninh Nội địa. [7]

    Tạm đình chỉ điều tra vụ án làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm tại Hội thánh Truyền Giáo Phục Hưng

    Theo luật sư Đặng Đình Mạnh, sau tám tháng khởi tố điều tra vụ án làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm tại Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an quận Gò Vấp, đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án. [8]

    Untitled-5-766x1024.jpg

    Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự của cơ quan điều tra đối với Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng vào ngày 29/1/2022. Ảnh: Facebook Manh Dang.

    Vào tháng 5/2021, hội thánh bị một số cơ quan của chính quyền TP. Hồ Chí Minh cũng như báo chí cáo buộc làm lây lan dịch bệnh cho toàn thành phố. Sau đó, Công an quận Gò Vấp đã khởi tố vụ án này vào ngày 29/5/2021.

    Thông báo đình chỉ điều tra vụ án gửi đến ông Phương Văn Tân và bà Võ Xuân Loan, hai mục sư của hội thánh, nêu: “Căn cứ hết thời hạn điều tra vụ án hình sự nhưng chưa xác định được bị can thực hiện hành vi phạm tội”.

    Theo luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho hai mục sư, quyết định tạm đình chỉ có thể sẽ khép lại vụ án này.

    Thứ trưởng Bộ Nội vụ muốn phát triển lực lượng đảng viên là người có đạo để nắm tình hình tín đồ tôn giáo

    Vào tháng 1/2022, trong một bài viết trên tạp chí Tổ chức Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng đã nêu những định hướng về công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Bài viết có một số thông tin đáng lưu tâm về việc gia tăng kiểm soát các tổ chức tôn giáo. [9]

    Đáng chú ý nhất trong các định hướng là việc “phát triển đảng viên là người có đạo và phân công nhiệm vụ cho đảng viên có đạo trong việc nắm tình hình và thực hiện tốt công tác dân vận với quần chúng, tín đồ”.

    Việc sử dụng đảng viên để kiểm soát hoạt động tôn giáo đã từng được nhà nước thừa nhận vào năm 2020. Theo đó, chính quyền Việt Nam khẳng định có đảng viên được đảng, nhà nước bí mật bố trí vào các tổ chức tôn giáo. [10]

    Một định hướng khác cũng đáng chú ý là “xây dựng lực lượng nòng cốt trong tôn giáo tạo nguồn lực cần thiết khi xử lý các vấn đề phức tạp trong tôn giáo”.

    Vào tháng 1/2021, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết Bộ Nội vụ đã “trao đổi và hướng dẫn” các tổ chức tôn giáo bầu chọn ra những lãnh đạo gắn bó với chính quyền. [11] Xu hướng này cho thấy chính quyền chỉ chấp nhận những nhà lãnh đạo tôn giáo ủng hộ đảng và chính quyền.

    Những định hướng này tái khẳng định tham vọng kiểm soát các tổ chức tôn giáo của chính quyền trong thời gian tới. Nhiều năm qua, các quy định pháp luật về tôn giáo không giúp đảm bảo quyền tự do tôn giáo của người dân mà chỉ giúp cho chính quyền kiểm soát và thao túng các tổ chức tôn giáo.

    [Tôn giáo 360 độ]

    Thiền sư Thích Nhất Hạnh qua đời tại Huế

    Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người sáng lập pháp môn Làng Mai, đã qua đời vào ngày 22/1/2022 tại chùa Từ Hiếu, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông là một trong các lãnh đạo Phật giáo nổi tiếng nhất tại Việt Nam và trên thế giới.

    Tang lễ của ông được cử hành tại chùa Từ Hiếu, nơi ông đã xuất gia và trở về an dưỡng từ năm 2018 cho đến lúc qua đời. Lễ tang kéo dài trong bảy ngày.

    Ngay sau khi ông qua đời, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức Phật giáo duy nhất được nhà nước công nhận, đã ra văn bản yêu cầu Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế hỗ trợ chùa Từ Hiếu tổ chức lễ tang theo nghi thức cấp cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và di nguyện tổ chức lễ tang của Thiền sư Nhất hạnh.

    Untitled-4.jpg

    Tang lễ của thiền sư Thích Nhất Hạnh có sự tham gia của đông đảo nhà sư Làng Mai và Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ảnh: Làng Mai.

    Hình ảnh về tang lễ cho thấy đông đảo môn đồ của ông và người dân được phép tham dự. Các nhà sư thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng xuất hiện để điều hành một số nghi thức trong lễ tang. Không có báo cáo cho thấy sự xung đột giữa Làng Mai và Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong sự kiện này.

    Trong lễ tang của Thiền sư Nhất Hạnh, một số người cũng đã chính thức quy y pháp môn Làng Mai tại chùa Từ Hiếu.

    Thay mặt chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cùng Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc đã dự tang lễ vào ngày 26/1/2022. Bộ Nội vụ mô tả việc viếng thăm là nhằm tri ân những đóng góp của Thiền sư Nhất Hạnh trong “việc giới thiệu và phát triển Phật giáo, văn hóa Việt Nam trên thế giới”. [12]

    Untitled-3.jpg

    Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng viếng lễ tang thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ảnh: Bộ Nội vụ.

    Sau hơn 15 năm kể từ lần về nước đầu tiên vào năm 2005, pháp môn Làng Mai vẫn chưa được phép hoạt động chính thức tại Việt Nam. Năm 2009, các môn đồ của Làng Mai đang tu tập tạm thời ở một ngôi chùa tại Lâm Đồng đã phải giải tán sau một số vụ xô xát. Vào thời điểm đó, báo Công an Nhân dân đăng bài cáo buộc Thiền sư Nhất Hạnh đã can thiệp quá sâu vào chính trị Việt Nam với việc chỉ trích Đảng Cộng sản Việt Nam và kêu gọi chính quyền cải cách tình hình tự do tôn giáo tồi tệ. [13]

    Một linh mục bị sát hại tại tỉnh Kon Tum

    Theo Tòa giám mục Kon Tum, vào ngày 29/1/2022, linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh đã bị một người đàn ông tấn công khi đang ngồi tòa giải tội. Linh mục Thanh qua đời cùng ngày do vết thương quá nặng. [14]

    Tòa giám mục cho biết linh mục Thanh là người thuộc nhà thờ giáo xứ Đắk Mót, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Người tấn công linh mục tên Nguyễn Văn Kiên, là con của một gia đình công giáo trong giáo xứ.

    Untitled-2.jpg

    Nhà thờ Đắk Mót, nơi linh mục Thanh cử hành thánh lễ và cũng là nơi ông bị sát hại khi đang ngồi tòa giải tội. Ảnh: Trịnh Vĩnh Phúc.

    Tin tức về vụ việc này chỉ xuất hiện trên báo chí trong nước sau đó năm ngày, khi có quyết định khởi tố. Theo báo Dân Trí, ông Nguyễn Văn Kiên, 33 tuổi, đã tấn công linh mục Thanh bằng một con dao dài 40 cm vào lúc 19h30 ngày 29/1/2022. Ngày 3/2/2022, Công an tỉnh Kon Tum đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Nguyễn Văn Kiên về tội giết người. [15]

    Vào tháng 4/2021, một linh mục thuộc Giáo phận Kon Tum cũng bị một người đàn ông dùng dao tấn công. Báo Tiền Phong cho biết người đàn ông này từng điều trị tâm thần vào năm 2018 và bị kết án ba năm tù giam về tội cố ý gây thương tích vào năm 2016. [16]

    Các tờ báo nhà nước đưa thông tin sai lệch về việc khởi tố đối với bốn thành viên Tịnh Thất Bồng Lai

    Vào đầu tháng 1/2022, bốn thành viên ở Tịnh Thất Bồng Lai (hay còn gọi là Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ) đã bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An khởi tố tội lợi dụng quyền tự do dân chủ vi phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. [17]

    Bốn thành viên bị khởi tố bao gồm: ông Lê Tùng Vân, 90 tuổi; Lê Thanh Hoàn Nguyên, 32 tuổi; Lê Thanh Nhất Nguyên, 31 tuổi; Lê Thanh Trùng Dương, 27 tuổi. Ngoại trừ ông Lê Tùng Vân, ba người còn lại đang bị cơ quan điều tra tạm giam.

    Untitled-1.jpg

    Bốn thành viên Tịnh thất Bồng lai bị khởi tố (từ trái qua): Lê Thanh Trùng Dương, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Tùng Vân, và Lê Thanh Nhất Nguyên. Ảnh: Việt Giải Trí.

    Tuy nhiên, trước đó, nhiều tờ báo nhà nước như VietNamNet [18], VOV [19], VTV [20], Doanh nghiệp và Tiếp thị [21] đã đồng loạt đưa tin rằng các thành viên của cơ sở này bị điều tra, khởi tố về tội loạn luân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những thông tin thiếu căn cứ này tạo nên một làn sóng phẫn nộ của công chúng nhắm đến Tịnh Thất Bồng Lai.

    Theo báo Pháp luật TP. HCM, cơ quan điều tra khởi tố vụ án này vào ngày 3/1/2022 về tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ, vi phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân”, và đến ngày 14/1/2022 vẫn chưa khởi tố thêm tội danh nào đối với các thành viên của Tịnh Thất Bồng Lai. [22]

    Đến nay, các tờ báo đưa tin không chính xác nêu trên vẫn chưa đăng bài đính chính. Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã không phản ứng kịp thời đối với những thông tin sai lệch của báo chí.

    Chú thích

    1.  Ban Tôn giáo Chính phủ. (2022, January). Tiểu sử tóm tắt Lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ. http://btgcp.gov.vn/to-chuc-bo-may-he-thong-co-quan-quan-ly-ve-tin-nguong-ton-giao/tieu-su-tom-tat-lanh-dao-ban-ton-giao-chinh-phu-post6qo1YK4Z.html

    2.  Giác Ngộ. (2022, January 24). Ban Tôn giáo Chính phủ có lãnh đạo mới, luân chuyển nhiều vụ trưởng. https://giacngo.vn/ban-ton-giao-chinh-phu-co-lanh-dao-moi-luan-chuyen-nhieu-vu-truong-post60551.html

    3.  Báo Công an Nhân dân. (2021, October 20). Bổ nhiệm Đại tá Vũ Hoài Bắc giữ chức vụ Cục trưởng Cục An ninh điều tra, Bộ Công an. Web Archive. https://web.archive.org/web/20220211030811/https://cand.com.vn/lanh-dao-bo-cong-an/bo-nhiem-dai-ta-vu-hoai-bac-giu-chuc-vu-cuc-truong-cuc-an-ninh-dieu-tra-bo-cong-an-i632045/

    4.  Công an tỉnh Điện Biên. (2020, December 14). Nắm chắc tình hình, giữ vững an ninh nội địa trong mọi tình huống. http://congan.dienbien.gov.vn/news/HOAT-DONG-CAND/Nam-chac-tinh-hinh-giu-vung-an-ninh-noi-dia-trong-moi-tinh-huong-18472/

    5.  Kinh tế và Đô thị. (2020, August 24). Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ. https://kinhtedothi.vn/truong-ban-ban-ton-giao-chinh-phu-giu-chuc-thu-truong-bo-noi-vu.html

    6.  BBC News Tiếng Việt. (2012, February 21). Tướng công an làm trưởng ban Tôn giáo. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2012/02/120221_religion_new_personnel

    7.  Luật Khoa. (2021, March 16). Ban Tôn giáo Chính phủ có phó trưởng ban mới: Một đại tá công an. https://www.luatkhoa.org/2021/03/ban-ton-giao-chinh-phu-co-pho-truong-ban-moi-mot-dai-ta-cong-an/

    8.  Đặng Đình Mạnh. (2022, January 30). Thông tin tốt lành về vụ án Hội Truyền giáo Phục Hưng. Đặng Đình Mạnh. https://www.facebook.com/manhdang001/posts/5497962600220226

    9.  Tạp chí Tổ chức Nhà nước. (2022, January 6). Những định hướng đối với công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta trong thời gian tới. https://web.archive.org/web/20220211031809/https://tcnn.vn/news/detail/53237/Nhung-dinh-huong-doi-voi-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-tin-nguong-ton-giao-o-nuoc-ta-trong-thoi-gian-toi.html

    10.  Luật Khoa. (2021a, January 27). 7 bí mật nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo có thể làm bạn bất ngờ. https://www.luatkhoa.org/2021/01/7-bi-mat-nha-nuoc-trong-linh-vuc-ton-giao-co-the-lam-ban-bat-ngo/

    11.  Tạp chí Tổ chức Nhà nước. (2021, January 29). Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng trong tình hình mới. https://web.archive.org/web/20210817043912/https://tcnn.vn/news/detail/49690/Nang-cao-hieu-qua-quan-ly-nha-nuoc-ve-ton-giao-tin-nguong-trong-tinh-hinh-moi.html

    12.  Bộ Nội vụ. (2022, January 27). Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng viếng Thiền sư Thích Nhất Hạnh. https://moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-hoat-dong-cua-bo-noi-vu/thu-truong-vu-chien-thang-vieng-thien-su-thich-nhat-47179.html

    13.  Báo Công an Nhân dân. (2009, October 19). Sự thật về Tu viện Bát Nhã (Bảo Lộc). https://web.archive.org/web/20220122034304/https://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Su-that-ve-Tu-vien-Bat-Nha-(Bao-Loc)-i152099/

    14.  Giáo phận Kon Tum. (2022, February 4). Thư Chung Mùng 3 Tết Nhâm Dần Của Đức Cha Alôisiô Giám Mục Giáo Phận. https://giaophankontum.com/van-kien/van-thu-giao-phan/thu-chung-mung-3-tet-nham-dan-cua-duc-cha-aloisio-giam-muc-giao-phan

    15.  Dân Trí. (2022, February 3). Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng chém tử vong một linh mục sau buổi lễ. https://dantri.com.vn/phap-luat/khoi-to-bat-tam-giam-doi-tuong-chem-tu-vong-mot-linh-muc-sau-buoi-le-20220203165005417.htm

    16.  Tiền Phong. (2021, April 23). Nhân thân đối tượng đâm linh mục, đốt nhà thờ ở Gia Lai. https://tienphong.vn/nhan-than-doi-tuong-dam-linh-muc-dot-nha-tho-o-gia-lai-post1330525.tpo

    17.  Tuổi Trẻ. (2022, January 7). Ông Lê Tùng Vân bị khởi tố tội gì? https://tuoitre.vn/ong-le-tung-van-bi-khoi-to-toi-gi-20220107095436484.htm

    18.  VietNamNet. (2022, January 5). Điều tra tội “Loạn luân” và nhiều tội khác xảy ra ở ‘Tịnh thất Bồng Lai.’ Web Archive. https://web.archive.org/web/20220118075847/https://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/dieu-tra-toi-loan-luan-va-nhieu-toi-khac-xay-ra-o-tinh-that-bong-lai-806634.html

    19.  VOV. (2022, January 5). Điều tra dấu hiệu phạm tội loạn luân ở “Tịnh thất Bồng Lai.” http://web.archive.org/web/20220211024537/https://vov.vn/phap-luat/dieu-tra-dau-hieu-pham-toi-loan-luan-o-tinh-that-bong-lai-post916318.vov

    20.  VTV. (2022, January 5). Vụ “Tịnh thất Bồng Lai”: Điều tra ông Lê Tùng Vân về tội loạn luân. Web Archive. https://web.archive.org/web/20220105101651/https://vtv.vn/phap-luat/vu-tinh-that-bong-lai-khoi-to-ong-le-tung-van-ve-toi-loan-luan-20220105163737325.htm

    21.  Doanh nghiệp và Tiếp thị. (2022, January 7). Kết quả điều tra gây sốc về chuyện loạn luân ở Tịnh Thất Bồng Lai. Web Archive. http://web.archive.org/web/20220211024954/https://doanhnghieptiepthi.vn/ket-qua-dieu-tra-gay-soc-ve-chuyen-loan-luan-o-tinh-that-bong-lai-161220701144146858.htm

    22.  Pháp luật TP. HCM. (2022, January 14). Vụ “Tịnh thất Bồng Lai”: Chưa khởi tố thêm tội danh đối với ông Lê Tùng Vân. Web Archive. http://web.archive.org/web/20220116053248/https://plo.vn/thoi-su/vu-tinh-that-bong-lai-chua-khoi-to-them-toi-danh-doi-voi-ong-le-tung-van-1039138.html

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here