Tổ chức nhân quyền chỉ trích chính phủ Trung Quốc vi phạm nhân quyền trong quá trình xử lý dịch bệnh Corona

0
300
Hình minh họa. Một cảnh sát đeo khẩu trang phòng dịch đứng trước bức hình lãnh tụ Mao Trạch Đông ở quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh hôm 28/1/2020 AFP
Minh Luật / RFA

Hôm 31/1/2020, Tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc (Chinese Human Rights Defenders) đã công bố một báo cáo chỉ ra rằng, việc đối phó với virus Corona của chính phủ Trung Quốc đã không đi kèm với việc tôn trọng và bảo vệ nhân quyền, cũng như việc thiếu minh bạch của chính phủ đã dẫn đến sự thất bại trong việc ứng phó khẩn cấp đối với sự bùng phát của dịch bệnh này.

Kiểm duyệt thông tin góp phần vào sự lây lan của bệnh dịch

Bản báo cáo cho biết, chính quyền Trung Quốc đã che đậy thông tin về sự lây lan của virus, có thể góp phần vào sự lây lan nhanh chóng của virus Corona trước khi Tập Cận Bình tuyên bố công khai về mối đe dọa của dịch bệnh vào ngày 20/1.

Chính phủ Trung Quốc đã đối phó với virus Corona bằng một chiến dịch bịt miệng những tiếng nói cảnh báo và loan tin về tình hình dịch bệnh từ tháng 12 vừa qua.

Tổ chức nhân quyền này ghi nhận 254 trường hợp cư dân mạng bị chính quyền trừng phạt vì loan tải tin tức về virus Corona. Trong khi đó các nhà báo đưa tin về dịch bệnh thì bị hạn chế, chẳng hạn như cảnh sát Vũ Hán đã tạm giam các nhà báo Hồng Kông đến từ các đài RTHK, TVB và NOW TV vào ngày 14/1 bên ngoài Bệnh viện Jinyintan và buộc họ phải xóa đoạn phim khi đưa tin về tình hình dịch bệnh tại đây.

Báo cáo này cũng nêu ra việc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc đã ban hành một lệnh cấm nhân viên y tế nói chuyện với các phóng viên. Một bệnh viện ở tỉnh Giang Tô đã phạt  một y tá vì đã lên tiếng về virus Corona trong một nhóm WeChat với các đồng nghiệp của cô. Bệnh viện cảnh báo các nhân viên khác không được nói chuyện với các nhà báo hoặc trên phương tiện truyền thông.

Một số người bảo vệ nhân quyền Trung Quốc đã bị cảnh sát đến nhắc nhở và đe dọa xử lý hình sự nếu họ không chấm dứt chia sẻ thông tin về dịch bệnh trên các phương tiện thông tin xã hội.

“Những hạn chế hà khắc của chính phủ đối với quyền tự do thông tin đã cản trở nghiêm trọng các nỗ lực cảnh báo và cứu hộ sớm trong việc kiểm soát dịch bệnh”, bản báo cáo nhận định.

Ngăn cản di chuyển khiến người dễ bị tổn thương bị bỏ rơi

Báo cáo này cho hay, khi phong tỏa thành phố Vũ Hán, ảnh hưởng đến hàng triệu người, chính quyền Trung Quốc đã không đưa ra bất kỳ một cảnh báo đầy đủ nào cho dân chúng, và chính phủ đã không cung cấp hỗ trợ đầy đủ kịp thời cho những người có nhu cầu đặc biệt, cũng như không cho phép người dân dự trữ các nhu cầu thiết yếu trong tình trạng bị phong tỏa.

Các biện pháp quyết liệt của chính quyền đã khiến những người dễ bị tổn thương, bao gồm cả người khuyết tật, không được hỗ trợ. Tổ chức này ghi nhận có một cậu bé 17 tuổi bị bại não đã chết vì đói và cảm lạnh do bị bỏ rơi khi những người thân chăm sóc cậu ta đều bị cách ly.

“Cho đến nay, tất cả cư dân đô thị ở các thành phố Trung Quốc đã bị nhốt dưới sự kiểm dịch trên toàn quốc với thông tin không đầy đủ. Trong khi đó chính phủ không cung cấp bất kỳ bằng chứng rõ ràng nào cho công chúng về hiệu quả của các biện pháp này”, báo cáo cho biết.

Ứng phó khẩn cấp thất bại vì sự thiếu minh bạch của chính phủ

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, chính sự thiếu minh bạch trong hệ thống chính trị độc đoán của Trung Quốc đã dẫn đến sự thất bại trong việc cảnh báo công chúng và phản ứng nhanh chóng trong việc đối phó với một cuộc khủng hoảng dịch bệnh ở mức độ lớn như vậy.

Bất chấp các cảnh báo về trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên ở Vũ Hán vào ngày 8/12, xảy ra tại một Chợ hải sản ở Vũ Hán, các nhà chức trách đã không đóng cửa ngôi chợ này. Tiếp đến chính phủ còn nói với công chúng rằng “không có bằng chứng lây truyền từ người sang người” của bệnh dịch này, báo cáo cho hay.

Bên cạnh đó, việc hạ thấp số lượng các trường hợp bị nhiễm bệnh từ báo cáo của chính quyền Vũ Hán, cũng như việc thị trưởng Vũ Hán thừa nhận rằng ông chỉ có thể tiết lộ thông tin sau khi được chính quyền cấp trên cho phép, đã góp phần gây ra sự thất bại khi ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh.

Ngoài ra, theo báo cáo, tổ chức này cũng nêu lên sự thất vọng đối với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã “không tuân thủ các hướng dẫn của riêng mình” khi ban bố tình trạng khẩn cấp một cách muộn màng vào hôm 30/1, cũng như việc Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus tới Bắc Kinh mà không bày tỏ bất kỳ lo ngại nào về việc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của chính phủ Trung Quốc trong quá trình ứng phó dịch bệnh, bao gồm các hạn chế về tự do ngôn luận, thông tin, báo chí, đàn áp các nỗ lực xã hội dân sự, và không chống lại sự phân biệt đối xử.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here