Một lần đi chơi bên Pháp với dì tôi gặp anh, dạo đó thấy anh vẫn còn buồn, nét mặt hay ưu tư và tính anh cũng trầm.
Tuy gặp nhau ngắn nhưng anh cũng tâm sự với tôi rất nhiều và làm tôi cũng rất cảm động.
Tôi biết anh vì thấy trên FB người ta đăng hình anh rầm rầm, anh bị trục xuất.
Nghe anh kể anh qua Pháp du học năm 1973. Học xong anh ở lại Pháp làm việc, thời gian anh ở Pháp là 20 năm, vì thương tổ quốc anh về lại Việt Nam cống hiến tài năng mình cho đất nước.
Anh lấy vợ ở Việt Nam và có một cô con gái rất xinh. Chị là một người Phụ nữ rất giỏi, thương yêu chồng. Nghe dì nói chị luôn chăm sóc cho anh của anh, một người từng là lính VNCH đã bị thương nặng và thành TPB.
Anh rất thương gia đình. Anh là giáo sư đi dạy cho trường Đại học Bách Khoa ở Sài-Gòn, với tâm niệm giúp cho các em học sinh mở mang thêm kiến thức.
Rồi một ngày anh bị bắt đi tù, họ ghép cho anh tội hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân.
Anh bị kết án 17 tháng tù và 3 năm quản chế.
Khi ra tù anh vẫn hoạt động giúp đỡ Thương Phế Binh và họp mặt bạn bè.
Một lần anh họp nhóm bạn bè để trao đổi về luật pháp và đã bị Công An bắt hết cả nhóm, tịch thu hết máy móc để kiểm tra nhưng không có bằng chứng gì.
Anh bị giam 3 ngày để điều tra.
Máy của anh họ giữ luôn không trả lại làm anh mất đi tất cả hình ảnh của bố, mẹ anh nên anh rất buồn.
Vào tháng 5.2017 vì thấy anh là một người có khả năng ảnh hưởng cho giới trẻ, đặc biệt là sinh viên Việt Nam nên họ đã tìm cách triệt tiêu anh bằng cách tước quốc tịch của anh, vì anh có song tịch Việt-Pháp…Quyết định này chỉ được thông báo bằng miệng cho tòa đại sứ Pháp ở Hà Nội chứ không hề có một văn bản chính thức nào.
Sau khi đề nghị được thông báo về chuyện tước quốc tịch, anh đã đề nghị chính phủ Pháp hủy quốc tịch Pháp của anh nhưng Hiến pháp của Pháp không cho phép và họ cho rằng anh đã bị mất quốc tịch Việt, và người Pháp không có quyền tước quốc tịch còn lại của anh.

Một tháng sau Công An xông vào nhà và bắt anh trục xuất về Paris. Không cho anh thời giờ thay đồ và lôi anh đi khi anh còn đang bận áo ba lá, mang dép và bận quần đùi.
Dạo ấy tôi thấy FB đăng ầm ầm nên tôi biết anh là giáo sư Phạm Minh Hoàng.
Anh nói khi máy bay ngừng và hạ cánh ở Canada anh đã ngồi bên bờ sông và khóc.
Anh nói với tôi rằng họ trục xuất anh nhưng không hề nói lý do vì sao và anh tới giờ này cũng chẳng biết anh phạm tội gì và vì sao bị trục xuất.
Tôi cảm nhận được nỗi đau đó, một người giỏi là giáo sư như anh 20 năm sống bên Pháp và 20 năm về cống hiến cho đất nước nhưng rồi cái kết thật buồn, người CS không biết quý trọng và không biết xử dụng nhân tài giỏi như anh.

Người cứng rắn như anh mà lại có ngày phải gục ngã. Anh đau lắm vì phải rời khỏi quê hương, xa vợ con, một mất mát mà anh không bao giờ nghĩ tới là sẽ có ngày này.
Và thương cho chị, nỗi buồn phải xa chồng, phải gánh vác tất cả, lo cho mẹ già, lo cho con và người anh chồng. Chị đã hy sinh sống cho anh rất nhiều. Lâu lâu đọc những tâm sự của chị tôi biết chị rất nhớ thương chồng.
Anh đau lắm nhưng nhờ vào tình thương của các anh, chị, em và bạn bè đã đã khuyến khích, làm cho anh đứng lên lại và mạnh mẽ thêm lên. Anh đi tranh đấu và đòi hỏi quyền lợi cho Việt Nam.
Tuy không được về Việt Nam nhưng anh vẫn dạy trên youtube với hy vọng đem những gì mà anh hiểu biết được để dạy lại cho các em sinh viên Việt Nam.

Chuyện tình của anh lâm ly bi đát, như chuyện tình Ngưu Lan, Chức nữ mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần. Mùa covid Pháp và Châu Âu không cho VN du lịch vào Châu Âu mặc dù Việt Nam khai ít người bị nhiễm covid và ít người chết.
Nỗi đau thương mất mát mà Cộng Sản đã gây ra cho dân miền Nam năm 75, chia cách gia đình người ta, bắt chồng đi tù, cướp tài sản và nhà cửa của người dân Nam và đẩy vợ con họ về vùng Kinh Tế mới, nếu không nghe lời cải tạo đàng hoàng, trốn tù thì vợ con họ sẽ không có cơ hội ngóc đầu lên.
Và vì thế mà các sĩ quan cộng hòa vì thương gia đình, thương con, sợ con bị đì không có tương lai nên họ đã sống âm thầm, ngậm ngùi nhịn nhục.
Sống trong chế độ độc tài CS không ai biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra. 46 năm rồi mà dân vẫn còn bị tù đài khi nói lên sự thật và bất đồng chính kiến. Không nước nào có nhiều nhà tù như ở Việt Nam.
Tôi nhớ bài thơ của cô giáo Trần Thị Lam viết:
..Đất nước mình ngộ quá phải không anh…
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay…
Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi ..
Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu…
T.H.Y