RFI, 09/04/2025
Kể từ 4 giờ sáng (giờ GMT) hôm nay, 09/04/2025, các biện pháp thuế đối ứng được tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày 02/04 chính thức có hiệu lực đối với hơn 60 quốc gia. Khoảng 70 nước đang đàm phán với chính phủ Mỹ, trong đó có Việt Nam, để được giảm thuế.
*
Riêng Trung Quốc bị đánh thuế thêm 50% và như vậy hiện chịu mức thuế lên tới 104%. Hôm nay, Trung Quốc đáp trả bằng mức thuế 84% (thay vì 34% như dự kiến ban đầu) đối với hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ, có hiệu lực từ ngày 10/04, nhưng đồng thời Bắc Kinh cũng đề nghị « đối thoại công bằng » với Washington để giải quyết bất đồng thương mại.
Thông tín viên RFI Clea Broadhurst tại Bắc Kinh cho biết thêm :
« Điện thoại thông minh, máy tính, pin lithium, đồ chơi và máy trò chơi điện tử chiếm phần lớn hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, ngoài ra còn có ốc vít, nồi hơi và nhiều sản phẩm khác nữa. Câu hỏi thực sự hiện nay là bên nào sẽ nhân nhượng trước ? Trung Quốc khẳng định là sẽ chống đến cùng điều mà họ gọi là hành vi “bắt nạt” của Hoa Kỳ. Và căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington có thể sẽ kéo dài.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu hai nước tiếp tục chiến lược đánh thuế bổ sung ? Một cuộc chiến thương mại kéo dài có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu, làm tăng chi phí, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và làm hoạt động thương mại bị chậm lại. Nguy cơ suy thoái là rất rõ và các thị trường đang lo lắng phản ứng. Một số lĩnh vực quan trọng như công nghệ và nông nghiệp đang trên tuyến đầu. Do đó, vẫn có thể làm giảm căng thẳng. Các thỏa thuận một phần hoặc nhượng bộ lẫn nhau về một số vấn đề có thể dẫn đến việc giảm dần thuế quan. Nhưng một kịch bản khác đang xuất hiện, đó là sự tách biệt lâu dài giữa các nền kinh tế, với việc di dời các cơ sở sản xuất, với việc ban hành các quy chuẩn khác biệt. Đó sẽ là một sự rạn nứt sâu sắc, có thể gây ra hệ quả quy mô toàn cầu. Hiện giờ, cuộc đọ sức tiếp diễn. »
*
THUẾ QUAN : MỸ MUỐN TÁI CÂN BẰNG CÁN CÂN THƯƠNG MẠI
Các biện pháp thuế quan cứng rắn được tổng thống Trump ban hành là nhằm tái cân bằng thương mại với các đối tác và « để mang việc làm và nhà máy trở lại Hoa Kỳ ». Tuy nhiên, theo tường trình của thông tín viên RFI Guillaume Naudin tại Washington, « tiến trình đó sẽ mất thời gian. Mục đích trên hết có lẽ là chính trị, để cho cử tri và thế giới thấy ai là chủ. Chính quyền Hoa Kỳ cho biết có hơn 70 quốc gia đang đề nghị đàm phán và Washington không ấn định thời hạn cho các cuộc đàm phán này ».
*
PHÓ THỦ TƯỚNG VIỆT NAM VÀ BỘ TRƯỞNG TÀI CHÍNH MỸ THẢO LUẬN VỀ THUẾ QUAN
Phó thủ tướng Việt Nam Hồ Đức Phớc theo dự kiến gặp bộ trưởng Tài Chính Mỹ Scott Bessent vào hôm nay, 09/04/2025 và sẽ gặp giám đốc điều hành của Boeing, SpaceX và Apple trong tuần này.
Theo Reuters, những cuộc gặp này nằm trong khuôn khổ các nỗ lực của Việt Nam để thuyết phục chính quyền Trump xét lại quyết định áp thuế 46% đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
Trước đó, Hà Nội đã kêu gọi Washington hoãn việc áp thuế đối ứng trong 45 ngày. Trong cuộc điện đàm với tổng thống Mỹ Donald Trump, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Tô Lâm cho biết sẵn sàng thảo luận về một thỏa thuận với mức thuế 0%. Điều này cho thấy quyết tâm của chính quyền Hà Nội trong việc tìm kiếm một giải pháp. Mặc dù Việt Nam đã có một số nhượng bộ, các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp diễn và chưa thể đạt được một thỏa thuận ngay lập tức.
Về phần mình, tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn hôm nay cũng kêu gọi khối các nước Đông Nam Á hành động mạnh mẽ để đẩy nhanh hội nhập kinh tế khu vực nhằm đối phó với việc Hoa Kỳ tăng thuế quan. Mười quốc gia thành viên ASEAN, phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ, đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những đòn thuế mới này.
*
THUẾ QUAN : NHỮNG XÍCH MÍCH ĐẦU TIÊN TRONG HÀNG NGŨ ĐẢNG CỘNG HÒA
Vào lúc tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn kiên định lập trường, bất chấp những biến động trên thị trường chứng khoán, trong nội bộ nhóm cộng sự của Trump bắt đầu có những dấu hiệu bất đồng.
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường thuật :
« Đầu tiên là những thành viên thân cận nhất của chính phủ, như bộ trưởng Thương Mại Howard Lutnick, luôn sẵn sàng bảo vệ tất cả những gì tổng thống nói hay bộ trưởng Tài Chính Scott Bessent. Có những người giải thích đây là một chiến thuật đàm phán để có được những thỏa thuận thương mại tốt nhất, theo từng bước, như cách giải thích của Đại diện Thương mại Jamieson Greer ở Thượng Viện.
Rồi còn có lý thuyết gia, kiến trúc sư trưởng, đó là cố vấn kinh tế Peter Navarro, trung thành với Trump đến mức đã phải ở tù nhiều tháng vì đã từ chối trả lời lệnh triệu tập của ủy ban đặc biệt về vụ bạo loạn 06/01/2021, ủy ban hiện không còn tồn tại. Ông thường xuyên trích dẫn nghiên cứu của một chuyên gia tên là Ron Vara, nhân vật mà theo ông Navarro chỉ là bịa ra, để đùa giỡn, được đặt tên bằng cách đảo chữ của chính tên ông.
Nhưng Peter Navarro còn bị gọi là kẻ ngốc và bị gán cho nhiều tính từ khác để diễn đạt cùng ý tưởng với một người thân cận khác của Donald Trump, đó là nhà doanh nghiệp, tỷ phú Elon Musk. Quả thực, hãng xe điện Tesla của ông có nguy cơ hứng đòn nặng nề bởi các mức thuế bổ sung đánh vào lĩnh vực này.
Về mặt nguyên tắc, Elon Musk chủ trương tự do mậu dịch như lập trường của nhiều nghị sĩ khác của đảng Cộng Hòa, chẳng hạn như Rand Paul hay Ted Cruz… Họ chỉ mong là tổng thống rồi cũng sẽ nhận ra lẽ phải. »
THU HẰNG, PHAN MINH, MINH ANH